'Chiến thuật' chống Mỹ đặc biệt của TQ
Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019
20:46
//
Chiến Tranh thương mại
,
Slider
Giới chức Trung Quốc dường như đang muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến công dân của mình về nước Mỹ.
Trung Quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo du lịch cho các công dân đang có ý định đi Mỹ. Hôm 4/6, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã cảnh báo người dân về các rủi ro trong việc đến Mỹ du lịch trong một bản báo động, trích dẫn các vụ “xả súng, cướp giật và trộm cắp” gần đây.
Cùng ngày, các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Mỹ đưa ra cảnh báo an ninh với công dân Trung Quốc, cáo buộc các hành vi “quấy rối lặp lại nhiều lần” được thực hiện bởi các nhân viên hành pháp Mỹ đối với người dân Trung Quốc tại xứ sở cờ hoa.
Cả hai thông báo đều khuyến nghị công dân Trung Quốc “tăng cường ý thức bảo vệ an toàn” khi ở Mỹ, và chúng được đưa ra không lâu sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc lưu ý học sinh và nghiên cứu sinh nước này về các hiểm họa trong việc đi du học tại Mỹ..
Trên thực tế, những cảnh báo này không được đưa ra một cách đơn độc, truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải nhiều bài viết phản đối Mỹ. Trong một bài viết đáng chú ý xuất bản hôm 4/6 trên tờ Nhân dân Nhật báo, nước Mỹ còn bị dán nhãn “kẻ thù của thế giới”.
Sau các bài bình luận dẫn lời nhiều nhân vật, từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến triết gia ở thế kỷ 18 Adam Smith, báo chí nước này còn nhắc đến cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai nước trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên (từ 1950 đến 1953).
Trận chiến trên núi Thượng Cam Lĩnh được ca ngợi ở Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỉ qua như một bước ngoặt của cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi ý chí và sự hi sinh của các binh lính Trung Quốc đã khiến quân Mỹ “bại trận”.
Kênh CCTV6 của Truyền hình Trung ương Trung Quốc gần đây còn phát sóng một loạt phim cũ vào khung giờ vàng, các bộ phim có nội dung liên quan tới chiến tranh Triều Tiên như "Trận chiến núi Thượng Cam Lĩnh" (1954), "Cuộc tấn công bất ngờ" (1960), "Những người con anh hùng" (1964), "Những vệ binh đường sắt" (1960).
Một bài bình luận hôm 3/6 trên trang mạng xã hội của cơ quan an ninh mạng quốc gia viết: "Quân đội Mỹ đã phải trả một cái giá quá đắt… Thượng Cam Lĩnh đã trở thành "ngọn núi đau thương" của họ"; "Đó là một khoảnh khắc dấu mốc, khi cả thế giới công nhận sức mạnh của Trung Quốc và quân đội nước này".
Đài CCTV hiện đang chiếu lại một series phim tài liệu về cuộc chiến chống Mỹ và trợ giúp Triều Tiên, bao gồm các thước phim lịch sử và những lời bình mang đầy tính tự hào dân tộc.
Trong bài bình luận trên tờ Thời báo Học tập hôm 5/6, tác giả bài viết đã đánh giá lại về cuộc thương lượng Mỹ - Trung trong chiến tranh Triều Tiên và đưa ra thông điệp: "Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai năm đã cho thế giới thấy những gì Mỹ không thể đạt được trên bàn đàm phán thì cũng không thể đạt được bằng chiến cơ và thần công".
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát không cho rằng chiến thuật truyền thông cứng rắn của Trung Quốc sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
"Trung Quốc có thật sự nghĩ họ có thể sử dụng các thông điệp tuyên truyền trong nước ngày càng cứng rắn, mà sẽ không làm chính phủ ông Trump nổi giận và giảm bớt triển vọng trở lại bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất?", Bill Bishop hôm 5/6 bình luận trên trang Sinocism.
Trước cả khi Bắc Kinh đưa ra cảnh báo du lịch, thống kê từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ đã giảm hơn 5% xuống còn 2,99 triệu người trong 2018, khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu. Đây là lần đầu tiên con số này tụt giảm trong 15 năm qua.
Ngoài ra, trong tổng số du học sinh quốc tế theo học tại các trường đại học Mỹ, những người đã đóng góp 39 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2017-2018, một phần ba là đến từ Trung Quốc – theo số liệu từ Hiệp hội Nhà giáo dục Quốc tế.
Với các cảnh báo từ Bộ Giáo dục, nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng số lượng học sinh Trung Quốc đến Mỹ du học sẽ giảm đi. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng thái độ lo lắng và hoảng loạn đã bị thổi phồng lên quá mức.
"Tôi không thể suy đoán mỗi chính phủ đang nghĩ gì và sẽ làm gì, nhưng tôi chưa thấy vấn đề gì về visa đối với hàng trăm học sinh của chúng tôi", Tomer Rothschild, người đồng sáng lập công ty tư vấn giáo dục Elite Schools tại Bắc Kinh, nơi giúp khoảng 150 sinh viên vào nhập học tại các trường đại học Mỹ mỗi năm, nói. "Tôi vẫn khuyên các phụ huynh tỉnh táo và giữ bình tĩnh".
0 nhận xét