Ba năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài: TQ đã làm gì trên Biển Đông
Ba năm sau khi Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết quan trọng, mang tính lịch sử liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục không thực thi phán quyết của Tòa, vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên biển.
Phán quyết của Tòa đã bị Trung Quốc xem thường và không thực thi
Trong ba năm qua, lập trường, quan điểm, yêu sách và các hành động của Trung Quốc vẫn bộc lộ rõ những âm mưu độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh vẫn tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trên 7 đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), gồm: đá Gaven, đá Tư nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành khăn. Trung Quốc vẫn ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển nằm giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough; tiến hành ngăn chặn, bắt giữ, xua đuổi (phi pháp) ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân các nước đánh bắt hải sản hợp pháp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các dự án thăm dò, khảo sát và tìm cách khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông…
Nhìn chung, Trung Quốc đang triển khai đồng bộ các hoạt động phi pháp trên Biển Đông theo những hướng sau: (1) Mở rộng các hoạt động xây dựng trên các đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông một cách tổng thể. (2) Lợi dụng những bước đột phá về mặt khoa học kỹ thuật, Bắc Kinh triển khai hàng loạt những dự án để tăng cường giám sát, khai thác kinh tế và hỗ trợ lực lượng quân đội đang đồn trú phi pháp trong khu vực như xây dựng các nhà máy hạt nhân trên các đảo nổi, thành lập một mạng lưới giám sát đối với các tàu hàng hải, phát triển công nghệ mới để tìm và có thể khai thác “băng cháy”. (3) Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để ngăn cản việc thực hiện phán quyết trọng tài. Các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện là rất khác nhau, bao gồm việc ban hành chính sách “bốn không”, thông qua các luật và quy định mới như sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải năm 1984 và củng cố các tuyên bố thông qua học thuyết “Tứ Sa”. (4) Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, viện trợ không hoàn lại… nhằm cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, từ đó Bắc Kinh tìm cách chia rẽ đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. (5) Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán của COC để ngăn chặn các nước bên ngoài khu vực tìm cách can thiệp, tăng cường hiện diện ở Biển Đông. (6) Đáng chú ý, gần đây Trung Quốc tiến hành cải cách, cơ cấu lại các lực lượng chấp pháp trên biển để tạo tiền đề pháp lý gia tăng các hoạt động trấn áp (phi pháp) và khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông. Vừa qua, Trung Quốc đã chính thức vũ trang hóa lực lượng Cảnh sát biển bằng cách đặt lực lượng này dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và trang bị súng cho các tàu chấp pháp.
Về hoạt động núp bóng dân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm: (1) Đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống liên lạc giữa đảo với đất liền. Ngày 07/9/2015, Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile tuyên bố đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 23/7/2018, Cục quản lý Bưu chính tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố chính thức khai trương dịch vụ chuyển phát nhanh tới “thành phố Tam Sa” qua đường hàng không và dự kiến sẽ nâng tần suất vận chuyển hàng hóa đến đảo Phú Lâm từ 01 chuyến bay/tuần lên ít nhất 01 chuyến bay/ngày. (2) Tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Ngày 30/7/2018, Trung Quốc tiếp tục cho khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud... để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, theo truyền hình Trung Quốc (CCTV) đưa tin, rạp chiếu phim mang tên Ngân Long trên đảo Phú Lâm. (3) Vận hành trái phép mạng lưới điện cỡ nhỏ. Theo Asia Times, Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Các bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo ngang nhiên đưa tin rằng mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, mạng lưới điện phi pháp này sẽ giúp tăng khả năng cung cấp điện trên đảo thêm 08 lần, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về quân sự và dân sự. Báo Trung Quốc thậm chí còn đưa tin mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát nhằm quản lý các mạng lưới điện khác trên các đảo lân cận. (4) Triển khai các chuyến bay “dân sự”. Từ năm 2016, Trung Quốc đã kheo khoang nước này sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Bắc Kinh đơn phương lập ra trái phép) trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực.
Về hoạt động quân sự hóa quy mô lớn trên đảo Phú Lâm của Trung Quốc: (1) Các hoạt động mở rộng, xây dựng trái phép. Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. (2) Qua các hình ảnh của tổ chức Image Sat International hôm 24/5/2018 cho thấy Trung Quốc đã triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó (2/2016), nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông. (3) Tạp chí National Interest của Mỹ đưa tin Trung Quốc đã triển khai trái phép hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước sức ép của dư luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phải công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm. Như vậy sau hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, Trung Quốc lại tiến hành thêm một bước leo thang gây căng thẳng bằng việc mang tên lửa đối hạm tầm xa tới bố trí tại đây. YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm xa tốc độ cận âm thế hệ mới do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu chế tạo, chính thức được giới thiệu vào năm 2005. Tên lửa có chiều dài 6,1 m; đường kính thân 0,54 m; trọng lượng phóng 1,24 tấn; tầm bắn tối đa 400 km; tốc độ hành trình Mach 0,6 và tên tới Mach 0,8 khi bước vào giai đoạn công kích với độ cao bay 7 - 10 m; mang theo đầu đạn nặng 210 kg. Hệ thống dẫn đường của YJ-62 được kết hợp phương thức bay quán tính với sự tham chiếu qua GPS hoặc Bắc Đẩu trong giai đoạn đầu, đến khi tiếp cận mục tiêu nó sẽ chuyển qua dùng radar chủ động đặt trên tên lửa. Biến thể xuất khẩu của YJ-62 được định danh là C-602 có tầm bắn bị rút ngắn chỉ còn 280 km nhưng trọng lượng đầu đạn được tăng lên 300 kg. Phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-602G có đầu đạn lớn nhất, lên tới 400 kg. Trong lực lượng phòng thủ bờ biển, mỗi xe mang phóng tự hành (TEL) mang theo 3 quả YJ-62, còn trên các khu trục hạm Type 052C/D là 8 quả đặt trong 2 cụm 4 ống phóng xiên bố trí ở giữa tàu. Ngoài ra máy bay ném bom H-6K cũng được trang bị YJ-62. (4) Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm. Đây là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4, cũng là máy bay chủ lực của không quân TQ và được coi là phiên bản mô phỏng của máy bay Nga Sukhoi Su-27SK. Theo những hình ảnh vệ tinh mới của ImageSat International (ISI) công bố cho thấy, Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái công nghệ tàng hình ra đảo Phú Lâm. cho thấy một máy bay không người lái do thám tầm xa mang tên Harbin BZK-005 có mặt ở đảo Phú Lâm. Máy bay này có thể hoạt động trong 40 giờ. (5) Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển. Ngoài ra, theo Tân Hoa xã cho biết tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” đã được đưa đến đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa hai năm về trước. Chiếc tàu này có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đáng chú ý, thời gian qua, Trung Quốc lại có hành động khiêu khích luật pháp quốc tế khi tìm cách xây dựng “căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, Thị trưởng của “Tam Sa” Trương Quân nganh nhiên cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm năm 2019, trong đó có mục tiêu xây dựng căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng của Việt Nam. Theo Trương Quân, “Tam Sa” cần lên kế hoạch cẩn thận cho sự phát triển chung của các đảo và các rạn san hô dựa trên các chức năng khác nhau của chúng, có tính đến mối quan hệ bổ sung giữa các đảo; nhấn mạnh kế hoạch phát triển sẽ tiếp nối thông qua bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2018 và một chỉ thị của Chính quyền Trung ương ban hành vào tháng 4/2018 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đặc khu Hải Nam.
Tại quần đảo Trường Sa, sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp đã lên tới khoảng 13,21 km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập). Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc sử dụng các máy hút bùn, nạo vét các rặng san hô xung quanh, đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo dài hơn 3.000 m và rộng từ 200 - 300 m đủ rộng để xây dựng được đầy đủ cả đường băng lẫn bãi đỗ máy bay của một sân bay hoàn chỉnh; xây càu tàu và nhiều công trình quân sự trên đá Chữ Thập. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 2,77 km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tại đá Su Bi, Trung Quốc bắt đầu cải tạo quy mô lớn đá Xu Bi kể từ tháng 3 năm 2015. Đến ngày 5/2018, diện tích Su Bi đạt khoảng 4,14 km2, xây dựng gần 400 tòa nhà có khả năng là các công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 - 2.400 binh lính đồn trú. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã cải tạo đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lên đến 5,66 km2, biến đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo, bồi đắp đá Châu Viên lên tới khoảng 0,31 km2; đá Gạc Ma lên tới khoảng 0,11 km2; đá Tư Nghĩa lên tới khoảng 0,081 km2; đá Ga Ven lên tới khoảng 0,14 km2.
Trung Quốc cũng liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa. Dựa vào các hình ảnh vệ tinh chụp được cho biết Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Su Bi và đá Chữ Thập; âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến tại góc phía Đông Bắc đá Chữ Thập; điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Su Bi, máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn...
Sau ba năm, tình hình căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn, ô nhiễm môi trường biển ngày càng trầm trọng
Về an ninh hàng hải: Cùng với tần suất các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thực địa đang ngày càng gia tăng, nhất là việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, triển khai vũ khí sát thương trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và tự do hàng hải trong khu vựu.
Về vấn đề môi trường sinh thái: Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với môi trường sinh thái. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài sinh vật. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Philippines kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa án quốc tế
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales, nguyên là lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines (3/2019) đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đề nghị Tòa truy tố ông Tập Cận Bình về tội ác chống nhân loại do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Philippines.
Theo đó, ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines “bị bách hại” do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales cho biết: “Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”.
Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trong tuyến đường thủy bị tranh cãi làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, cho rằng điều này thuộc thẩm quyền của ICC vì Quy chế Rome tuyên bố rằng “các tội phạm nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế nói chung không được bỏ qua và phải đảm bảo việc truy tố hiệu quả của họ”. Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng kêu gọi ICC tiến hành kiểm tra sơ bộ để “xuất hiện các tội ác của Trung Quốc không chỉ chống lại người dân Philippines, mà còn chống lại người dân của các quốc gia khác, mà tội phạm đã được cộng đồng quốc tế biết đến”. Được biết, ông Del Rosario đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Philippines nộp đơn khiếu nại chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, một phần trong đó là Biển Tây Philippines. Đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines nêu rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế hợp lực đối phó với Trung Quốc
Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa; tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển; tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể:
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ (6/5) đã điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 07/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr (07/1) cho biết, hoạt động tuần tra trên nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và “bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”; cho biết “các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông và mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”. Ngày 11/2, Hạm đội 7 đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Ngôn phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ Trung tá Clay Doss cho biết, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”.
Về dự luật trừng phạt Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin cho biết, Dự thảo luật của lưỡng đảng đã củng cố thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đối phó với hoạt động quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên Biển Đông. Dự thảo luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực (Biển Đông và Hoa Đông) cởi mở và tự do đối với tất cả các nước, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi gây hấn và cưỡng ép trong khu vực. Việc giới thiệu lại dự luật này được lưỡng đảng Mỹ tại Thượng viện và Hạ viện đánh giá là “rất đúng lúc” trong bối cảnh các hoạt động của hải quân Mỹ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây với nhiệm vụ thực thi “ các hoạt động tự do hàng hải” tại khu vực này nhưng luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và trong một số trường hợp đã có xảy ra một số vụ chạm trán với hải quân Trung Quốc. Được biết, Dự luật trên từng được giới thiệu hồi năm 2017, tuy nhiên chưa được chuyển từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lên Thượng viện. Theo quy định của Mỹ, Thượng viện và Hạ viện Mỹ phải thông qua Dự luật này trước khi chuyển lên Tổng thống Mỹ ký thành luật chính thức. Dự luật hiện tại nhận được sự ủng hộ từ 13 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, nhiều hơn hẳn so với số lượng ủng hộ hồi năm 2017. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trong lập trường phản đối Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc. Một số nước trong khu vực cũng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là đầu tư cho hải quân để nâng cao năng lực phòng thủ và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhìn chung, ba năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, diễn biến tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Những nội dung mang tính lịch sử của phán quyết đã không được Trung Quốc, một trong năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuân thủ. Bắc Kinh vẫn dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép, bắt nạn những nước nhỏ trong khu vực, tìm cách củng cố “chủ quyền” ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
0 nhận xét