Tin Việt Nam
Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019
19:33
//
Slider
,
Tin Việt Nam
An ninh ngăn chặn người đến đón và thăm
Anh Ba Sàm vừa mãn hạn tù 5 năm
An ninh đã được huy động đến nhà của Anh Ba Sàm – tức Nguyễn Hữu Vinh, ở Hà Nội sau khi ông mãn hạn tù 5 năm trở về nhà.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới và các bài viết về dân chủ, nhân quyền vừa mãn án 5 năm tù giam và ra khỏi trại giam vào chiều ngày 5/5/2019.
Trên trang facebook Phan Trí Đỉnh, một người hiếm hoi được có mặt ở nhà Anh Ba Sàm vào chiều ngày 5/5, blogger Anh Ba Sàm đã lên tiếng cảm ơn mọi người đã quan tâm và cho biết anh vẫn khoẻ, đồng thời cũng cho biết nhà của blogger bị an ninh ngăn chặn rất kỹ.
Chiều ngày 5/5, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang facebook cá nhân, cho biết ông cũng bị an ninh chặn khi mang hoa đến tặng Anh Ba Sàm.
Trước khi Anh Ba Sàm được mãn hạn tù, vợ anh là chị Lê Thị Minh Hà cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã nói với chị là sẽ không để các bạn bè của Anh Ba Sàm đến đón anh theo kiểu “Trống giong cờ mở” và doạ nếu gia đình vẫn làm như vậy thì họ sẽ thả Anh Ba Sàm ở giữa đường, nơi vắng vẻ.
Từ ngày hôm trước khi Anh Ba Sàm được tự do, một số nhà hoạt động viết trên Facebook cá nhân, cho biết họ được an ninh đến tận nhà “khuyên” và ngăn không cho đi đón blogger Anh Ba Sàm
Sau khi mãn hạn trở về, Anh Ba Sàm đã trả lời Luật Khoa Tạp Chí và cho biết trước khi ra tù, an ninh đã đến phòng giam của anh và đòi thu giữ khoảng 1.000 trang tài liệu mà blogger đã viết, bất chấp sự phản đối của blogger.
Ông Vinh và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp vào ngày 05/5/2014 và phải đến 2 năm sau ngày 23/3/2016 mới đem ra xét xử sơ thẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù giam với cáo buộc tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS năm 1999.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị tuyên 3 năm tù giam với cùng tội danh.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cơ quan An ninh điều tra xác định, từ khi được lập đến khi ông Vinh, bà Thúy bị bắt, blog “Dân quyền” do 2 người quản trị đã đăng 2.014 bài, 38.567 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập.
Blog “Chép sử Việt” đã đăng 383 bài, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định nội dung các bài viết.
Kết luận giám định do Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an trưng cầu cho thấy, có 24 bài viết được cho là “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, cơ quan, tổ chức”.
Ngoài ra, các bài viết này cũng được nói là “đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước”.
Nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án của blogger Anh Ba Sàm được chỉ ra như: sau khi 2 người bị bắt 9 ngày sau VKSND mới phê chuẩn quyết định bắt người hay 2 công ty FPT và VDC bí mật theo dõi và lấy trộm dữ liệu thông qua đường truyền Internet của ông Vinh, bà Thuý một cách trái pháp luật; dữ liệu này sau đó được làm căn cứ để khởi tố vụ án…
Anh Ba Sàm: Ngày về của ‘một tù nhân bận rộn’
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Trước ngày blogger Nguyễn Hữu Vinh được trả tự do, gia đình ông chia sẻ với BBC rằng ông “đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian ngồi tù để đòi quyền lợi cho tù nhân”.
Cựu thiếu tá công an, nhà báo độc lập, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn gọi là Anh Ba Sàm, dự kiến sẽ được trả tự do hôm 5/5 sau 5 năm tù giam với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
“Anh Vinh nói thời gian ngồi tù với anh là một trải nghiệm, một trường học. Anh ấy ngồi tù mà lúc nào cũng kêu bận,” bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, chia sẻ với BBC hôm 2/5.
“Anh ấy vẫn tiếp tục con đường ‘khai dân trí’ đã lựa chọn. Chỉ có điều lần này là ở trong tù.”
‘Một tù nhân bận rộn’
“Có ai đi tù mà lại bận như thế không? Lúc nào gặp, anh ấy cũng nói ‘bận quá’, ‘không đủ thời gian’. Trong 60 phút gặp mỗi lần tôi vào tù thăm anh ấy, chúng tôi gần như không bao giờ có thời gian để nói điều gì riêng tư,” bà Minh Hà nói.
Theo bà Minh Hà, trong suốt 5 năm ngồi tù, ông Hữu Vinh giành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, đồng thời viết kiến nghị để đòi quyền lợi cho tù nhân, và giúp những người bạn tù hiểu họ có quyền gì.
Đã có một số kiến nghị của ông Vinh được trại giam giải quyết, cải thiện đáng kể đời sống người tù.
“Anh ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trước phiên phúc thẩm, tôi nhớ anh ấy đã đưa ra hơn 60 kiến nghị viết trong thời gian tạm giam. Từ đó đến nay tôi không thể nhớ và cũng chưa có thời gian tổng kết anh Vinh đã đưa thêm bao nhiêu kiến nghị nữa.”
“Riêng trong năm 2017, anh Vinh gửi đi 21 kiến nghị thì có 16 cái được giải quyết. Trong đó có những quyền vô cùng quan trọng như quyền được tiếp xúc với văn bản pháp luật, quyền được có tủ sách, được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu trú.”
“Anh ấy chỉ đau đáu là khi ra tù rồi, họ còn tiếp tục thực hiện các quyền đó cho tù nhân hay không. Và các tù nhân có biết quyền của mình để đấu tranh hay không.”
Gần ngày mãn hạn tù, ông Vinh “chạy đua với thời gian” để kịp hoàn thành những việc còn dang dở.
Trở về để khai dân trí theo cách ‘mềm mại’ hơn
Trong lần thăm chồng gần đây nhất hôm 19/4, bà Hà nói khi chia tay, ông Vinh giơ hai bàn tay nắm chặt lên cao, ý nói “Chúng ta sẽ chiến thắng”.
Bà Hà kể trong suốt những năm tháng qua ông Vinh làm việc không ngưng nghỉ dù khi tự do hay tù tội. Nên điều bà mong muốn sau khi ông ra tù là được nghỉ ngơi. Sau đó có thời gian để cập nhật tin tức, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
“Muốn khai dân trí thì phải nắm được thông tin. Thời gian ngồi tù các thông tin bên ngoài anh Vinh có được rất hạn chế. Tôi mong anh sẽ lấy lại sức khỏe và có có thời gian đọc sách, xem tin tức.”
“Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau này, tiếp tục con đường khai dân trí nhưng anh Vinh sẽ thực hiện theo cách ‘mềm mại’ hơn, bởi vì anh ấy luôn là một người rất cẩn trọng.”
Ông Vinh có thể sẽ tiếp tục ‘khai dân trí’ theo hướng mềm mại hơn.Bà Lê Thị Minh Hà, Vợ ông Nguyễn Hữu Vinh
Trước thời điểm bị bắt năm 2014, ông Nguyễn Hữu Vinh là chủ blog Ba Sàm có lượng truy cập lên tới 200.000 lượt mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm, cao hơn nhiều so với nhiều tờ báo chí lúc đó. Ông cũng mở hai trang blog là diendanxahoidansu.wordpress.com (blog “DÂN QUYỀN”) và blog chepsuviet.wordpress.com (blog “CHÉP SỬ VIỆT”).
Ông Vinh đã đăng tải hàng nghìn bài báo, bài bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội, tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế, thu hút cộng đồng độc giả đọc và bình luận sôi nổi dưới mỗi bài viết.
Cáo trạng năm 2016 nói một số bài viết trên các trang này có “nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân”.
Không chỉ viết báo, ông Vinh còn có nhiều hoạt động dân chủ khác, trong đó nổi bật là việc ông cùng một nhóm nhân sỹ trí thức ký bản kiến nghị yêu cầu sửa Hiến pháp 1992 vào năm 2003.
Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội nàyNhạc sỹ Tuấn Khanh
Năm 2016, khi cuốn sách song ngữ ‘Anh Ba Sàm’ – từng được coi là ‘xuất bản phẩm hiếm có của phong trào dân chủ Việt Nam’ được bán trên Amazon, bà Hà từng chia sẻ: “Chồng tôi, nếu có phạm tội gì, thì chỉ là tội yêu nước, yêu tự do, và mong muốn đất nước Việt Nam dân chủ hóa, người dân Việt Nam có quyền tự do.”
Trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016, nhạc sỹ Tuấn Khanh, tác giả của nhiều bài chính luận trên mạng xã hội từng bình luận rằng “Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Hữu Vinh có thể ‘uẩn khúc’ và nhà cầm quyền bối rối trước những người bị bắt… Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội này.”
Hành trình đấu tranh đòi tự do cho Anh Ba Sàm
Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Lê Thị Minh Hà từng là bạn học ở trường Sỹ quan An ninh, sau khi kết hôn, cả hai cùng làm trong ngành an an ninh.
“Nhưng tôi từng không thể hiểu hết lý tưởng của anh ấy. Tôi từng chỉ muốn có một gia đình yên ổn, bình thường. Trong khi anh Vinh lại có những suy nghĩ khác, và chúng tôi từng không thể chia sẻ với nhau,” bà Hà kể lại.
“Trước đây, tôi không hiểu tại sao lại cần có một tờ báo độc lập để làm gì? Trong những ngày hỗ trợ anh Vinh trong trại giam, tôi phần nào hiểu anh ấy và công việc của anh ấy.”
Để đồng hành với chồng trong suốt những năm ông Vinh bị giam, bà Hà đã từ Đức – nơi bà ở phần lớn thời gian để chữa bệnh – trở về Việt Nam giúp chồng.
“Đây là cuộc đấu tranh pháp lý nên đòi hỏi phải am hiểu pháp luật để khi cần làm việc với chính quyền hay kêu gọi trợ giúp từ quốc tế, mình phải biết để viện dẫn chính xác và thuyết phục. Do đó, tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu phát luật. Bản thân tôi cũng là người được đào tạo trong ngành công an, từng sống ở nước ngoài nhiều năm, nên tôi đặc biệt tôn trọng luật pháp.”
“Ban đầu, tôi không hiểu hết những việc anh Vinh làm nên khi anh bị bắt, tôi rất băn khoăn. Tôi không biết mình có thực sự muốn dấn thân vào việc này không, nếu như anh ấy vi phạm pháp luật. Nhưng càng nghiên cứu hồ sơ vụ việc của anh, tôi càng bị thuyết phục rằng anh không làm gì sai,” bà Hà chia sẻ.
Để hỗ trợ chồng, Hà đã trở thành ‘nhà báo’, thành một ‘chuyên gia’ về luật, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Để chuẩn bị cho cuộc gặp hàng tháng với chồng trong tù, ngoài đồ ăn, sách báo, bà Hà thường tổng hợp và chọn ra các thông tin trong nước và quốc tế nổi bật nhất để thuật lại cho ông Vinh.
“Tôi bao giờ cũng nói trước. Lần lượt điểm các tin, các sự kiện diễn ra thời gian qua để anh ấy nắm được. Sau đó anh ấy sẽ hỏi tôi nếu cần thiết. Rồi đến lượt anh ấy đọc lại cho tôi những điều muốn truyền đạt. Có thể là đọc một bài thơ anh sáng tác. Hoặc các kiến nghị, giải pháp…. Tôi ghi chép liên tục rồi về nhà gõ lại trên máy tính. Cứ như thế suốt mấy năm nay.”
Bên cạnh đó, bà Minh Hà cũng đi vận động tại nhiều nước và gặp gỡ đại diện Liên Hiệp Quốc trong việc kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Hữu Vinh.
Chỉ muốn đón Anh Ba Sàm ‘trong yên lặng’
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh nói với BBC hôm 2/5 rằng trước đó một cán bộ trại giam tên Lượng nói với bà và ông Vinh rằng nếu chỉ có gia đình đi đón thì trại giam sẽ thả ông Vinh ở cổng Trại 5, còn nếu có người đi theo mang băng rôn, biểu ngữ thì trại giam sẽ “thả ông Vinh ở một giữa đường vắng một cách bất ngờ.”
Sự việc này, theo bà Hà, đã khiến ông Vinh và cả gia đình lúc đó hết sức lo lắng.
“Là người được đào tạo chính quy tại Đại học An ninh Nhân dân và đã tìm hiểu kỹ lưỡng pháp luật hiện hành, tôi cho rằng sau khi chấp hành xong bản án thì ông Vinh phải được trả tự do ngay tại cổng trại giam. Nơi đó, trên mảnh đất tự do, ông Vinh có quyền tiếp xúc với các công dân khác đang thực hiện các quyền hiến định…,” bà Hà viết trong đơn gửi các cấp liên quan về vụ việc.
Bà Hà nói bà đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được để hỗ trợ chồng nên hiện giờ, khi chỉ còn vài ngày nữa ông Vinh được tự do, bà thấy mạnh mẽ, bình tâm.
“Chúng tôi chỉ muốn đón anh trong yên lặng. Nhưng tôi không thể ngăn được nếu bạn bè, những người muốn ủng hộ anh Vinh muốn đến để chào đón anh,” bà Hà nói với BBC.
Anh Ba Sàm là ai?
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh ngày 15/9/1956.
Cha ông Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Giám đốc Công an Liên khu 4, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
1979: Ông Vinh tốt nghiệp Trường Sỹ quan An ninh, cùng khóa với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
1984: Ông Vinh được luân chuyển sang Ban Việt kiều Trung ương sau khi làm việc tại Tổng cục An ninh trong 5 năm
1996 – 1998:Ông Vinh học luật tại Đại học Luật Hà Nội và tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội.
2000: Ông Vinh chính thức rời khỏi ngành công an và mở dịch vụ thám tử tư, được coi là dịch vụ độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ
09/09/2007: Ông Vinh mở trang blog Ba Sàm
05/2014: Ông Vinh bị bắt và bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
05/05/2014: Ông Vinh và cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
23/03/2016: Ông Vinh bị tòa tuyên án 5 năm tù giam.
Tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội
bị giam giữ trong điều kiện hà khắc
Tin từ Hà Nam, ngày 04/5/2019 – Theo bà Trang, vợ của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, ông đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt ở Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam).
Ông và 6 người khác bị giam trong một căn phòng rộng 18 mét vuông trong khu kỷ luật bị cách ly với nơi giam giữ thường phạm. Đó là một căn nhà thấp mái bê tông và trên có lợp mái tôn, tường dày 40-60 cm nên về đêm rất nóng và thiếu không khí vì chỉ có vài lỗ thông gió rất nhỏ. Tuy chật hẹp thế nhưng quản giáo chỉ cho mở cửa 3 giờ trong ngày. Nước để sinh hoạt được bơm trực tiếp từ ao nên tanh, đục và đầy cát. Cạnh đó lại là một bãi rác khổng lồ bốc mùi hôi thối. Do không gian chật hẹp trong thời tiết mùa hè oi ả của miền Bắc mà tất cả tù nhân trong phòng đều bị rôm và ghẻ. Tù nhân được hưởng tiêu chuẩn 15kg rau,7 lạng thịt và 8 lạng cá/tháng nhưng vẫn bị bớt xén. Mùa hè thì thường ăn rau muống già và không nhặt sạch còn mùa đông thì cải là món hàng ngày.
Bà Trang cho biết gia đình không được phép tiếp tế thức ăn mà chỉ được gửi tiền để mua trong tiệm của trại với giá cao gấp 2-3 lần bên ngoài. Trong mỗi lần thăm gặp, người nhà và tù nhân chỉ được nói chuyện với nhau qua lớp kính, bà Trang cho biết.
Ông Trội từng là chủ tịch Hội Anh em Dân chủ. Ông và nhiều thành viên chủ chốt của tổ chức này bị bắt năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Năm 2018, ông bị kết án với mức án từ 7 năm tù giam và 1 năm quản chế trong khi những người khác trong nhóm bị kết án từ 11 đến 15 năm tù giam.
Đây là lần thứ 2 ông bị kết án tù. Trước đó, năm 2007, ông bị bắt và kết án 4 năm tù giam về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Quốc Tuấn
Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình
đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động
Vào trưa ngày 5/5/2019, hàng chục lao động Việt tại Đài Loan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Văn Hoá – Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc, phản đối môi giới lao động tư nhân ở Việt Nam vì coi đây là một hình thức bóc lột người lao động.
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung với các dòng chữ kêu gọi “huỷ bỏ môi giới”, “chấm dứt bóc lột sức lao động”.
Chị Thanh Hải, một người lao động Việt tại Đài Loan, người có mặt tại cuộc biểu tình, cho Đài Á Châu Tự Do biết: “em qua đây hết hơn 6.000 đô la. Ở làng em mọi người đi cũng đông, em hỏi đi công ty nào thì họ chi em đi. Qua rồi là không có liên lạc được với môi giới ở nhà”.
Anh Bạch Thế Du, đại diện Công hội di công Việt Nam – một tổ chức chuyên giúp đỡ cho những công nhân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, đã đọc một tuyên bố ngắn. Tuyên bố viết “Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao những người lao động đến từ các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines, họ chỉ phải trả mức phí từ 1.000 đến 3.000 đô la, mà người Việt chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưởng đến như vậy? Hay chính phủ Việt Nam là chính phủ chỉ biết quan tâm đến thuế phí, tham nhũng, o ép người dân, chỉ biết bắt tay với công ty môi giới bóc lột và hút máu của người lao động”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, trong năm 2018, số lao động Việt ở Đài Loan là hơn 60.000 người. Đài Loan là thị trường thứ hai sau Nhật Bản về thu hút lao động Việt Nam.
Theo quy định của chính phủ Đài Loan, kể từ ngày 1/1/2017, lương cơ bản của người lao động ở Đài Loan là khoảng 21.000 Đài tệ, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lương cao gấp 3 thậm chí 4 lần mức lương của công nhân ở Việt Nam.
Thời gian qua có nhiều người Việt đã đến Đài Loan theo visa du lịch để lao động chui với hy vọng kiếm thu nhập khá. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.
ĐCS đề nghị kỷ luật cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
và nhiều tướng lĩnh
Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu kỷ luật đảng đối với một cựu phó thủ tướng trong bối cảnh không rõ sức khỏe của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện ra sao.
Nhiều lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều tướng tá quân đội cũng bị yêu cầu kỷ luật đảng trong kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, diễn ra từ ngày 24 đến 26/4/2019.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra được công bố hôm 5/5.
Bộ Giao thông Vận tải thời hậu Đinh La Thăng tiếp tục sóng gió
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, người từng có chân trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và là phó thủ tướng từ 8/2011 đến 4/2016, bị xác định đã có sai phạm trong việc “quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải”, kết luận của Ủy ban Kiểm tranói.
Ông Ninh bị đề nghị kỷ luật và “xử lý trách nhiệm” cá nhân bên cạnh bốn quan chức khác của Bộ Giao thông Vận tải.
Những người này gồm các thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Nhật và Nguyễn Hồng Trường. Riêng ông Trường đã nghỉ hưu từ 8/2017.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng bị đề nghị phải chịu hình thức kỷ luật, với ‘sai phạm’ trong việc “tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải”.
Các sai phạm ở Bộ Giao thông Vận tải, được xác định là xảy ra dưới thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng, đã “gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành giao thông vận tải”, tuyên bố của Uỷ ban Kiểm tra viết.
Ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong thời gian từ 8/2011 đến 4/2016, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Thăng hiện đang thi hành hai bản án tù do các sai phạm ở PetroVietnam, nơi ông giữ vị trí lãnh đạo trong thời gian từ 2005 đến 2011.
Kỷ luật nhiều tướng lĩnh cao cấp trong quân đội
Dàn lãnh đạo đảng trong quân chủng hải quân bị đề nghị kỷ luật hàng loạt trong kỳ họp vừa rồi của UBKT.
Các sai phạm khiến Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, và Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo phạm phải được cho là có liên quan tới “công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng”, theo kết luận cuộc họp của UBKT, “gây thiệt hại thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước”.
Các ông Nguyễn Văn Hiến và Nguyễn Văn Tình từng là ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy Trung ương, và là hai người giữ chức vụ đảng cao nhất trong Đảng ủy Quân chủng Hải quân.
Ông Hiến từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng, thời kỳ 2011-2016.
Cũng liên quan tới vấn đề đất đai, Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy và Phó tham mưu trưởng Quân khu 9, Đại tá Trương Thanh Nam cũng bị đề nghị xử lý kỷ luật đảng.
Một gương mặt khác nữa bị nêu danh trong kỳ họp này là ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó ban Dân vận Đà Nẵng.
Ông Bá Cảnh bị đề nghị kỷ luật do “vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống” và vi phạm các quy định về “những điều đảng viên không được làm”, thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra viết.
Tuy nhiên, vấn đề kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh đã được Thành ủy Đà Nẵng họp bàn và thống nhất biểu quyết từ chiều 12/4, nhiều ngày trước khi Uỷ ban Kiểm tra ra kết luận.
Kỳ họp thứ 35 của UBKT diễn ra trong lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Lần cuối cùng ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện công khai là 14/4, trong chuyến đi công tác tới tỉnh Kiên Giang.
Việt Nam hôm 25/04 chính thức xác nhận nhà lãnh đạo Đảng có vấn đề về sức khỏe nhưng “sẽ sớm quay trở lại làm việc bình thường”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng đã không tới dự lễ quốc tang cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh hôm 3/5, sự kiện mà ông trước đó được tuyên bố đảm nhiệm vị trí trưởng ban tang lễ.
Không xuất hiện công khai, nhưng ông Trọng trên danh nghĩa vẫn thực hiện các hoạt động đối ngoại, với việc gần đây nhất là gửi thư chúc mừng tới tân vương Thái Lan nhân dịp Quốc vương Vajiralongkorn đăng quang trong dịp cuối tuần rồi.
Hơn 10 tàu cá của Việt Nam và các nước khác
bị Indonesia đánh chìm hôm thứ Bảy tại Pontiannak,
tỉnh Tây Kalimantan, nhằm ‘chặn nạn đánh bắt cá phi pháp’.
Indonesia hôm thứ Bảy 4/5/2019 bắt đầu đánh chìm hàng chục tàu cá nước ngoài, nhằm, như nước này nói, ‘ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp’ ở vùng biển Indonesia.
Có tới 51 tàu cá nước ngoài, gồm các tàu của Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc, bị đánh chìm ở nhiều địa điểm khác nhau, giới chức nói.
Hơn 10 chiếc bị xử lý hôm thứ Bảy tại Pontiannak, tỉnh Tây Kalimantan.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti nói việc này là cần thiết, nhằm cảnh cáo các nước láng giềng rằng Indonesia rất nghiêm túc trong vấn đề ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.
Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền, năm 2014, hàng trăm tàu cá nước ngoài bị bắt giữ đã bị đánh chìm, trong đó quá nửa là các tàu cá Việt Nam.
Việc phá hủy tàu cá nước ngoài đã tạm ngưng trong vài tháng, nhưng lại được nối lại sau vụ tàu kiểm ngư Việt Nam va chạm với tàu hải quân Indonesia hôm 27/4 nhằm can thiệp, giải cứu tàu cá của Việt Nam bị phía Indonesia bắt.
Việt Nam nói cả tàu cá và tàu kiểm ngư của Việt Nam khi đó đang hoạt động trong vùng biển mà hai nước đang phân định vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên, phía Indonesia nói vụ việc xảy ra trên vùng biển của Indonesia.
Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội hôm 30/4, và tới 1/5 yêu cầu đại diện tòa đại sứ Indonesia tới để tiếp tục phản đối.
Video từ hiện trường vụ đánh chìm tàu cá có sự đóng góp của Dwiki Marta vàCallistasia Wijaya, BBC Indonesia.
Indonesia đánh chìm 51 tàu cá ‘phi pháp’,
gồm 26 chiếc từ Việt Nam
Nhà chức trách Indonesia một lần nữa đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài ‘phi pháp’, trong đó 26 chiếc từ Việt Nam.
Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti chỉ đạo dẫn vụ đánh chìm tàu cá nước ngoài diễn ra ở vùng biển Pulau Datuk, Tây Kalimantan, hôm 4/5.
Bà Pudjiastuti cho biết vụ đánh chìm tàu cá là cách giải quyết vấn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không được kiểm soát và tiêu thụ tài nguyên thủy sản của Indonesia.
Trong bài phát biểu, bà Pudjiastuti nói rằng những chiếc tàu cá bất hợp pháp “là mối đe dọa cho ngành công nghiệp đánh cá địa phương”.
“Những người chủ tàu cá đó thường là thủ phạm của chế độ nô lệ thời hiện đại. Tội phạm đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của chúng tôi bị mất trí rồi. Chúng tôi không thể khoan dung được nữa,” bà nói.
Tuy nhiên, lần này các tàu cá bất hợp pháp không bị cho nổ tung trước khi bị nhấn chìm như những lần trước.
Trong khi đó, việc đánh chìm tàu cá được cho là sau này có thể trở thành nơi trú ẩn của các loài cá và trở thành điểm lặn mới.
Bà Pudjiastuti cũng đảm bảo rằng xăng dầu trên các tàu cá đã bị loại bỏ trước khi bị đánh chìm.
Trước đó, ngày 29/4, chính quyền Indonesia tuyên bố một tàu tuần tra của nước này bị hai tàu kiểm ngư Việt Nam đâm vào, trong khi Indonesia bắt giữ một tàu cá mà Indonesia cáo buộc đánh bắt cá phi pháp.
Một chỉ huy hải quân Indonesia, Đề đốc Yudo Margono, nói trong vụ va chạm ngày 27/4, một tàu cá Việt Nam bị chìm, còn 12 ngư dân Việt bị Indonesia tạm giữ.
Hai người khác thì được tàu kiểm ngư Việt Nam cứu.
Việt Nam chưa lên tiếng về cáo buộc của chính phủ Indonesia.
Thông cáo của Đề đốc Yudo Margono ra hôm thứ Hai nói tàu cá Việt Nam bị giữ ngoài khơi quần đảo Natuna.
Đây không phải lần đầu tiên Indonesia cáo buộc Việt Nam.
Trước đó theo báo Jakarta Post hôm 27/2, Bộ trưởng Susi Pudjiastuti chỉ trích Cục Kiểm ngư Việt Nam, với cáo buộc đã ngăn cản chấp pháp Indonesia khi đang bắt bốn tàu Việt Nam.
Indonesia cáo buộc bốn tàu này khi đó xâm phạm lãnh hải.
Việt Nam từng nhiều lần kêu gọi Indonesia không sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt, nhấn mạnh các hành động này của phía Indonesia vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với pháp luật quốc tế, không phù hợp với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia và đoàn kết Asean.
Đối phó EVFTA:
Việt Nam đang ‘sửa’ Bộ luật Lao động ra sao?
Tiếp theo yêu cầu bắt buộc của EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) về sửa Bộ luật Lao động Việt Nam để người lao động được đảm bảo quyền lợi và có quyền thành lập công đoàn độc lập, đã lộ hẳn ra một ‘bí mật’ của giới quan chức Việt trong cung cách sửa bộ luật này.
Bí mật gì?
Ngay sau khi kết thúc chuyến đi châu Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA, Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam – đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã “Tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ: “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!”.
‘Bí mật’ đã lộ hẳn ra: suốt từ cuối năm 2018 – thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến nay, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.
Nếu tính cả thời gian trước đó liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương), và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ), Bộ luật Lao động đã chỉ được các bộ ngành và chính phủ Việt Nam lôi ra nhét vào ngăn kéo đầy bụi bặm như một động tác thuần đối phó với cộng đồng quốc tế, chỉ làm cho có, miễn sao gia nhập được hiệp định kinh tế và được ‘ăn sẵn’ lẫn ‘ăn ngay’.
Những yêu cầu của EVFTA về sửa đổi Bộ luật Lao động Việt Nam cũng có thể khá tương đồng với yêu cầu trong CPTPP.
Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Việt Nam sửa Bộ luật Lao động chỉ nhằm đối phó EVFTA
Theo quy định bắt buộc của EVFTA, nếu chính quyền Việt Nam không chịu sửa Bộ luật Lao động theo đúng yêu cầu của EU (Liên minh châu Âu) thì sẽ không được Nghị viện châu Âu chấp nhận cho tham gia vào hiệp định này.
Cuối cùng sau nhiều lần cố tình trì hoãn, vào cuối tháng Tư năm 2019 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có một số nội dung được điều chỉnh. Theo lộ trình, dự luật này sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5, lấy ý kiến đến ngày 28/6/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Điểm mới nhất trong dự thảo luật này là lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo đó, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.
Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký…
Nhưng cách thức dùng từ ngữ và việc mô tả nội dung điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại cho thấy bản dự thảo này còn rất thiếu thiện chí trong việc đáp ứng các yêu cầu của EVFTA. Trong khi cả CPTPP và EVFTA đều dùng cách gọi ‘công đoàn tự do’ dành cho quyền được tự thành lập công đoàn của người lao động, thì dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ dùng cụm từ “tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” một cách lập lờ và giấu đi thực chất của loại hình công đoàn độc lập. Với cách dùng từ như thế, sẽ có nhiều công nhân tưởng rằng công đoàn tự do (hay công đoàn độc lập) về thực chất vẫn là loại hình công đoàn cơ sở thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do vậy họ sẽ không quan tâm đến việc tự thành lập công đoàn tự do nữa.
Dự thảo trên cũng cũng không mô tả, hoặc mô tả không rõ những quyền của người lao động mà đã được Hiệp định CPTPP quy định như:
- Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động /Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
- Các tổ chức công đoàn – người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.
- Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN.
- Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức người lao động – Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.
Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công: hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”…
Dự thảo trên cũng không làm rõ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký” là cơ quan nào. Với quy định quá chung chung và mập mờ như thế, công nhân sẽ không thể biết đâu là cơ quan ‘có trách nhiệm’ để đăng ký thành lập công đoàn độc lập, khiến họ vẫn phải phụ thuộc vào Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bất chấp việc tổ chức này từ lâu đã tự đặt ra một quy định trong Luật Công đoàn để ‘ăn’ đến 3% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp như một hình thức ăn cướp trên xương máu người lao động.
Với bản dự thảo quá sơ sài trên, cũng có thể thấy rõ về ý đồ của chính thể độc đảng ở Việt Nam là chỉ đưa ra bản dự thảo này cho có và thông qua để Việt Nam được tham gia vào EVFTA, nhưng trong quá trình thực hiện thì sẽ dựng lên một bức thành thủ tục hành chính cao ngất, theo đúng tinh thần ‘hành là chính’, để người lao động không thể đáp ứng được và do đó hồ sơ đăng ký thành lập công đoàn tự do của họ sẽ tất yếu bị gạt ra.
0 nhận xét