Tin Việt Nam – 04/05/2019
Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019
19:21
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Bạch Hồng Quyền trả lời phỏng vấn RFA
ngay khi đặt chân đến Canada
Nhà hoạt động môi trường vừa đáp chuyến bay đến sân bay Toronto tại Canada vào sáng ngày 3/5. Ngay sau khi về nhà, anh có dành cho RFA buổi phỏng vấn nói rõ hơn về hoàn cảnh của anh trong thời gian qua.
RFA: Trong thời gian 2 tuần lễ ở Trung tâm tạm giữ người nhập cư của Thái Lan (IDC) tại Bangkok anh bị giam chung với ai? Có những ai đến tiếp xúc?
Bạch Hồng Quyền: Trong khoảng thời gian 2 tuần tôi bị giam giữ tại IDC, tôi rất may mắn được ở buồng giam của anh Phan Thanh Hiền Sỹ, người bị bắt và giam trong tù IDC 20 năm. Theo luật của IDC, những người đi định cư nước thứ 3 mà nhập cảnh bất hợp pháp ở Thái sẽ phải vào IDC giam giữ ít nhất 4 tuần. Khi tôi vào được 3 ngày bên phía Đại Sứ Quán Việt Nam vào hỏi IDC thông tin của tôi, xem tôi có vào đó chưa và xin thông tin của tôi, cũng như số IDC của tôi khi bị giam tại đây. Sau đó một tuần, vào thứ ba tuần trước, phía Đại Sứ Quán Việt Nam có đưa giấy cho cảnh sát Thái làm việc tại IDC. Cảnh sát Thái mang giấy giống như giấy thăm gặp đưa lên buồng tôi đang bị giam để xuống gặp Đại Sứ Quán Việt Nam.
Khi xuống gặp Đại Sứ Quán Việt Nam tại IDC, gặp được khoảng 1 phút thì nhân viên của UNHCR thường trực tại IDC đưa tôi vào phòng làm việc của UNHCR để hỏi về thông tin tại sao bên Đại Sứ Quán Việt Nam vào đó làm việc và họ gặp tôi để tìm hiểu thông tin gì.
Trong khoảng 1 phút gặp người tên Ngọc, đại diện của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan, họ hỏi tôi sống ở buồng giam đó thế nào và khi nào đi Tây. Chỉ kịp hỏi 2 câu đó thì nhân viên UNHCR đưa tôi vào văn phòng UNHCR tại IDC.
RFA: Khi anh ở trong IDC, bên ngoài có tin là chính phủ Hà Nội có yêu cầu Thái Lan trục xuất anh về Việt Nam; anh nghĩ gì về thông tin này?
Bạch Hồng Quyền: Không chỉ khi tôi vào IDC mới có thông tin bên phía Việt Nam muốn hợp tác với bên Thái Lan muốn đưa tôi về Việt Nam. Những người bạn, những người làm trong các tổ chức nhân quyền đã cho tôi biết thông tin đó trước đó.
Khi vào IDC tôi thật sự lo lắng chuyện có thể bị dẫn độ về Việt Nam. Tôi biết trước là khi bước chân vào đó, tỷ lệ đi định cư nước thứ 3 và bị dẫn độ về Việt Nam là 50/50. Đến khi tôi vào đó, tôi biết được thông tin Đại sứ quán Việt Nam hỏi cảnh sát làm việc tại IDC về thông tin của tôi và sau buổi gặp, tôi có cảm giác chuyện bị dẫn độ về Việt Nam có vẻ nguy hiểm hơn nữa. Tôi thật sự lo lắng.
Đến ngay sau khi Đại sứ quán Việt Nam gặp được 2 ngày thì UN đưa cho tôi thông báo từ IOM lịch đi ngày 2/5. Nếu đúng lịch của tôi mà IOM thông báo là 29/5 tôi mới được đi, nhưng rất may mắn là có thể tôi bị dẫn độ về Việt Nam thì bên phía IOM cũng như UN thúc đẩy nhanh hồ sơ của tôi và tôi được định cư qua nước thứ 3 là Canada và hiện tại tôi đang ở Canada.
RFA: Trước khi được vào IDC anh phải đi tránh như thế nào; nhất là sau khi công bố thư kêu cứu?
Bạch Hồng Quyền: Từ ngày 1/3, sau khi cảnh sát Thái tới nhà tìm hiểu về thông tin của tôi thì ngay hôm đó tôi đã phải trốn tránh rồi chứ không phải đến khi thư kêu cứu là ngày 8/3. Thời gian đó tôi phải liên tục chuyển những condo mà tôi thuê để tránh sự truy tìm của phía an ninh Việt Nam cũng như một số cảnh sát bị tha hóa tại Thái Lan.
Khi trốn tránh như vậy thì hoàn cảnh thật sự khó khăn. Đi lại cũng phải tìm cách cải trang để người khác không nhận biết được mình, hay tránh những camera ngoài đường hay những khu trung tâm, đường tàu điện mình đi.
May mắn rằng hiện tại tôi đã đến Canada và tôi được đặt chân đến xứ sở tự do, tôi không phải lo lắng như thời gian đó nữa.
RFA: Hiện thông tin blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16, Thanh Xuân Hà Nội được gia đình và thân hữu ông Nhất ở Việt Nam xác nhận, anh nhận định gì về trường hợp ông Nhất bị mật vụ Việt Nam sang tận Thái Lan bắt cóc đưa về Việt Nam?
Bạch Hồng Quyền: Tiền sử trước đây đã có mật vụ Việt Nam sang tận Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại giữa trung tâm Berlin như vậy thì việc an ninh Việt Nam đưa người sang một đất nước trong khối ASEAN bắt cóc ông Trương Duy Nhất, một blogger lên tiếng cho những bất công xã hội hay những thông tin nội bộ đấu đá của phía chính quyền Việt Nam thì tôi thấy không có gì bất ngờ.
Qua việc bắt cóc như vậy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh cũng như thể diện của một chính thể, một đất nước độc tài. Tôi thấy chính quyền Việt Nam bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Qua việc bắt cóc anh Trương Duy Nhất như vậy, tôi thấy tôi trốn tránh để thoát bị bắt cóc và được an toàn đến ngày hôm nay thì đó là cái tôi may mắn hơn anh Trương Duy Nhất, vì anh Trương Duy Nhất không may mắn đã chạy qua đây nộp hồ sơ tị nạn để chờ đi định cư nước thứ ba để được an toàn nhưng bị phía chính quyền Việt Nam bắt cóc như vậy.
RFA: Anh có chia sẻ gì về một số thông tin liên quan những người gặp gỡ ông Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan và nộp đơn xin qui chế tỵ nạn tại cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Bangkok?
Bạch Hồng Quyền: Bắt đầu anh Trương Duy Nhất đến Thái Lan thì tôi là người đón anh ở khu vực gần sân bay Donmuong tại Thái. Sau đó tôi có thuê cho anh Trương Duy Nhất một khách sạn gần nhà vì anh mới qua không biết tiếng, anh cũng muốn ở gần tôi có việc gì tôi chạy qua giúp đỡ. Trong khoảng gần một tuần ở khách sạn, tôi có đưa anh Trương Duy Nhất đi nộp hồ sơ tị nạn tại UNHCR.
Ngày đầu anh Nhất đến Thái 20/1, tối hôm đó có trận đấu giữa Việt Nam và Jorrdan thì anh Nhất có ngồi nhà tôi và xem đá bóng. Sau buổi đá bóng thì anh Cao Lâm, một người giúp những người tị nạn tại Thái Lan có đến nhà tôi. Không biết vì lý do gì anh đến nhưng khi đến anh có gặp anh Trương Duy Nhất. Trong buổi gặp đó vì tôi không tực tiếp có mặt ở đó mà hai người ngồi nói chuyện với nhau về thông tin gì thì tôi không rõ nhưng sau đó có một vài thông tin, hình ảnh anh Trương Duy Nhất gặp những người lạ, mà tôi không biết là ai.
Tôi nghĩ là khá nhiều người gặp anh Trương Duy Nhất ở đây và biết thông tin anh đến Thái Lan. Tôi nghĩ đó là những sơ hở khiến anh Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan.
RFA: Mong muốn hiện nay của anh là gì?
Bạch Hồng Quyền: Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay tôi nghĩ về người bạn đồng hành của tôi là anh Hoàng Bình, người cùng đồng hành với tôi một thời gian khá dài khi đòi quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung; những người bạn đang đấu tranh tại Việt Nam đang gặp nguy hiểm; cũng như chị Thúy Nga đang bị giam cầm mà Phú và Tài (con chị Nga) đang phải sống với ba nó một cách thật sự khó khăn. Tình cảm người mẹ dành cho con là quan trọng nhất nhưng phía chính quyền Việt Nam bất chấp bắt và giam giữ chị Thúy Nga để chia lìa tình cảm mẹ con. Thật sự tôi mong muốn họ tiếp tục cố gắng vượt qua những khó khăn hiện tại để đấu tranh cho Việt Nam có dân chủ, nhân quyền.
Tôi cũng không quên những người tị nạn tại Thái Lan tôi đã từng gặp. Có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn như lúc đầu tôi có nhắc đến trường hợp anh Phan Thanh Hiền Sỹ, người đã bị giam giữ ít nhất 20 năm mà không được qua nước thứ ba, cũng không thể hồi hương vì việc anh làm trước đây đối với chính quyền Việt Nam.
Thật sự tôi mong các tổ chức quốc tế, những nước có thể giúp cho người Việt tị nạn tại Thái Lan bằng cách này hay cách khác có thể giúp đỡ họ để họ được định cư ở nước thứ 3.
Qua đây tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến VOICE, VOICE Canada, Human Rights Watch, UNHCR tại Thái Lan, chính phủ Canada, Đại sứ quán Canada tại Thái Lan, các đài, báo quốc tế đã lên tiếng cho tôi trong thười gian mà tôi tị nạn tại Thái gặp nguy hiểm khoảng 3 tháng trở lại đây. Tôi xin chân thành cám ơn.
RFA: Xin cám ơn anh Bạch Hồng Quyền đã dành cho RFA buổi phỏng vấn hôm nay.
Đáp xuống Nội Bài,
cô Đoàn Thị Hương nói ‘muốn làm diễn viên’
Chừng 9h35 tối ngày thứ Sáu 3/05, công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đã về đến sân bay Nội Bài.
Tại đây, cô phát biểu trước báo chí rằng “không biết làm gì tiếp, nhưng mong thành diễn viên,” theo hãng tin Reuters.
Trước đó, BBC đã đưa tin Đoàn Thị Hương đã rời khỏi nhà tù sáng cùng ngày và phải làm việc ở văn phòng di trú trước khi bay về Việt Nam, luật sư Naran Singh cho phóng viên Thùy Linh biết sáng 3/5.
“Tôi gặp Hương hôm qua tại nhà tù để đưa cho cô ấy quần áo và giày mới. Cô ấy rất vui mừng được thả ngày 3/5 và sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình,” luật sư Hisyam Teh Poh Teik thì cho biết.
Sau các vận động ngoại giao từ phía chính phủ Việt Nam, Đoàn Thị Hương của Việt Nam bị tuyên 3 năm 4 tháng tù vì tội “gây thương tích bằng vũ khí hay phương tiện nguy hiểm” hôm 1/4.
Theo luật Malaysia, cô được giảm một phần ba thời gian thụ án và sẽ được thả hôm 3/5.
Hôm 11/3, cáo buộc đối với đồng phạm người Indonesia, Siti Aisyah, bất ngờ được hủy bỏ. Siti được trở về nước ngay lập tức, để lại mỗi Đoàn Thị Hương.
Việc trả tự do cho nghi phạm Indonesia mà không trả tự do cho nghi phạm Việt Nam gây ra nhiều xôn xao trong dư luận.
Gia đình ‘rất vui mừng phấn khởi’
Trả lời BBC hôm 3/5, ông Đoàn Văn Thạnh và mẹ kế Nguyễn Thị Vy nói “rất vui mừng phấn khởi” là sẽ được gặp lại con gái sau hai năm.
Ông Thạnh cho biết không biết khi nào sẽ lên đón Hương nhưng “Nhà nước sẽ cử xe đến đón gia đình đưa lên Hà Nội để gặp Hương,” và gia đình sẽ quay trở về Nam Định ngay.
Khi được hỏi dự định tiếp theo của gia đình cho Hương là gì thì bà Vy nói, “trở về nhà làm ăn, như một công dân bình thường thôi.”
Theo luật sư Naran Singh, ông sẽ cùng hai luật sự Hisyam Teh Poh Teik và Salim Bashir cùng đưa Đoàn Thị Hương trở về Việt Nam tối nay.
“Chúng tôi được Đoàn luật sư Việt Nam mời sang và để báo cáo cho họ về những gì đã xảy ra, nhất là diễn biến trong tòa,” ông Naran Singh nói.
Theo một nguồn tin cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ không tổ chức cuộc họp báo về việc trả tự do cho Đoàn Thị Hương.
Và dự kiến, Đoàn Thị Hương sẽ đến Việt Nam vào 10 giờ tối 3/5.
‘Vụ án sẽ mãi là một bí ẩn với thế giới’
“Vụ án này chắc chắn là không bình thường. Nó liên quan đến người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn, người bị ám sát bởi chất độc thần kinh VX ngay tại sân bay Kuala Lumpur,” ông Naran Singh nói.
“Giờ vụ án này sẽ mãi là một bí ẩn đối với thế giới. Nó nhất định không chỉ đáng nhớ với tôi mà còn với cả thế giới.”
Chia sẻ về những thách thức trong hai năm qua bào chữa cho Đoàn Thị Hương, ông Naran cho biết:
“Một trong thách thức lớn nhất của chúng tôi trong việc bào chữa cho Hương là việc chứng minh rằng cô ấy nghĩ cô ấy đang diễn trong một chương trình TV chơi khăm.
“Thách thức thứ hai là vào hôm 11/3 khi Tổng chưởng lý Malaysia đột nhiên hủy cáo buộc đối với Siti Aisyah mà lại không làm vậy với Hương. Chúng tôi lúc đó thật sự rất bất ngờ và tức giận.”
“Cuối cùng thì đến ngày ¼, Tổng chưởng lý đã quyết định giảm án cho Hương. Dù chúng tôi có muốn điều đó hay không thì chúng tôi phải chấp nhận nó. Điều đó tốt hơn cho Hương còn hơn là để phiên tòa tiếp tục.”
“Còn hôm nay là một ngày vui với chúng tôi. Tôi thực ra đang trên đường đến sân bay để gặp Hương đây,” ông Naran nói trước khi cúp máy.
Cuộc ám sát xảy ra như thế nào?
Ngày 13/2/2017, Kim Jong-nam, anh em cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đang chờ để lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Macau khi Đoàn Thị Hương và Sisi Aisyah tiếp cận ông.
CCTV cho thấy Đoàn Thị Hương đặt tay lên mặt ông ta, sau đó cả hai người phụ nữ rời khỏi hiện trường.
Ông Kim đã chết trên đường đến bệnh viện vì chất độc thần kinh VX, một trong những chất độc nhất trong tất cả các tác nhân hóa học được biết đến.
Triều Tiên đã quyết liệt phủ nhận mọi liên quan đến vụ giết người, nhưng bốn người đàn ông – được cho là người Bắc Triều Tiên đã trốn khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ án mạng – cũng bị buộc tội trong vụ án.
Khác biệt văn hoá – ngôn ngữ khiến cảnh sát Czech
khó khăn khám phá hoạt động băng đảng ma tuý Việt Nam
Tin Cộng Hoà Czech.- Việt Nam được xếp thứ ba trong danh sách các cộng đồng thiểu số lớn nhất tại Cộng Hoà Czech, với hơn 80,000 người, theo thống kê mới nhất được công bố năm 2011, so với con số 18,000 hồi một thập niên trước. Từ vai trò của người quán xuyến gia đình hồi thập niên 1990, nhiều thành viên của cộng đồng Việt Nam trở thành chủ tiệm bán hàng trong khi thế hệ trẻ thì tốt nghiệp bậc đại ngày càng đông.
Tuy nhiên, sự hiện diện của người Việt Nam tại các vùng khác của Cộng Hoà Czech không được coi là tốt đẹp trong những năm gần đây, vì họ tham gia hoạt động sản xuất ma tuý bất hợp pháp. Giới chức cảnh sát tại tổng hành dinh của đơn vị Bài Trừ Ma Tuý Quốc Gia nói rằng gần 70% sản lượng methamphetamine khoảng 100 kí lô gram bị tịch thu năm 2018 xuất phát từ các lò sản xuất của các băng đảng người Việt Nam.
Ông Jakub Frydrych, người đứng đầu đơn vị Bài Trừ Ma Tuý Quốc Gia nói rằng các băng đảng tội phạm người Việt Nam chú trọng sản xuất methamphetamine, gọi là pervitin tại Cộng Hoà Czech (ma tuý đá). Đài phát thanh radio.cz trích dẫn tuyên bố của Frydrych hôm thứ Năm 2 tháng 5 nói rằng hoạt động trên đã được thực hiện nhiều năm qua, và người Việt Nam đã sản xuất một số lượng cần sa khổng lồ tại lãnh thổ Cộng Hoà Czech riêng trong năm 2009, sau đó chế biến thành methamphetamine để đưa sang Tây Âu, đáp ứng nhu cầu sử dụng ma tuý đang gia tăng để hưởng siêu lợi nhuận.
Vẫn theo ông Frydryc thì cộng đồng Việt Nam tại Cộng Hoà Czech thường đóng chặt cửa, tránh liên lạc với thế giới bên ngoài để lén lút hoạt động bất hợp pháp. Frydryc xác nhận rằng ngôn ngữ bất đồng hiện là rào cản lớn nhất ngăn chận hoạt động của cảnh sát Cộng Hoà Czech nhằm khám phá hoạt động của tội phạm người Việt Nam, thông qua việc sử dụng phương pháp truyền thống như nghe lén chẳng hạn. Theo ông, băng đảng tội phạm Việt Nam thường sử dụng tiếng lóng, hoặc dùng những ký hiệu mà chỉ người của họ mới hiểu, buộc cảnh sát phải hết sức tích cực làm việc mới có thể khám phá được, hoặc để tránh mọi sự lầm lẫn. Frydrych nói rằng khó khăn lớn nhất của các thám tử bài trừ ma tuý hiện nay là thiếu các thông dịch viên đáng tin cậy để sử dụng vào công cuộc bài trừ tội phạm trong lĩnh vực này.
Song Châu
Bộ Công thương có thể xem xét giá điện mới
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng được báo chí trong nước hôm 4/5 trích lời cho biết Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tuyên bố này của người đại diện Bộ Công thương được đưa ra sau khi có nhiều phản ánh của người dân về việc Bộ Công thương quyết định tăng giá điện lên 8,36% trong tháng tư và áp dụng mức giá 6 bậc khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trong tháng 4 tăng lên gấp 3 đến 4 lần.
Tuy nhiên, ông Vượng cho biết việc hoá đơn tiền điện tăng của người dân là do nhu cầu dùng điện trong tháng 4 tăng cao do nắng nóng. Ông Vượng cũng đồng thời cho biết phương án giá điện bậc thang hiện được chọn đã được được lấy ý kiến rộng rãi và tính tới các mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Ông cho biết nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng áp dụng giá điện bậc thang với giá tăng dần theo từng bậc.
Trước những thắc mắc và bức xúc của người dân, Bộ trưởng Công thương hôm 4/5 đã ký quyết định lập ba đoàn kiểm tra việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo quyết định, các đoàn sẽ kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua. Đối tượng kiểm tra bao gồm các tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thời gian kiểm tra là từ ngày 8 đến 10/5/2019.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ công thương, yêu cầu phối hợp kiểm tra việc điều chỉnh mức giá điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng sai để báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.
EVN: điển hình của ngạo mạn quốc doanh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gọi tắt là EVN, có lẽ là cơ quan quốc doanh được người dân biết đến nhiều nhất mặc dù Việt Nam hiện nay có không ít tập đoàn kinh tế nhà nước. EVN được dư luận quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của mọi công dân trên lãnh thổ này vì lý do duy nhất: giá điện.
Nếu nói EVN là tập đoàn tai tiếng nhất cũng không sai vì từ nhiều năm qua báo chí không ngớt đưa những tin tức bất lợi chống lại tập đoàn này từ việc đầu tư ngoài ngành cho đến những nham nhúa trong việc đem cả những chi phí xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập hay song lập, chung cư cao tầng có tiện nghi cao cấp như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với giá trị gần 600 tỷ đồng rồi tính vào khoản lỗ để làm lý do tăng giá điện.
Quyết định tăng giá mới nhất có hiệu lực từ tháng 3 năm 2019 qua thông báo giá điện tăng 8,3% nhưng qua thực tế người dân cho rằng hóa đơn tiền điện của họ đã tăng 50% thậm chí gấp đôi và có những bài viết phân tích của nhiều người lại xác định giá điện có thể tăng lên tới 75% tùy theo số điện sử dụng.
Qua phân tích của các chuyên gia kinh tế thì tuyên bố của EVN chỉ tăng 8.3% giá điện rõ ràng là sai, cố tính lập lờ, 8.3% là mức tăng của giá điện cơ bản, chứ không phải mức tăng của giá điện bình quân.
Người dân nổi giận vì sự qua mặt này một phần, một phần khác họ có cảm giác như bị bóc lột và không được kêu ca hay phàn nàn. Đứng trước một đối tượng “tầm cỡ” như EVN họ không còn chọn lựạ nào khác cách duy nhất là tiết kiệm số điện tiêu thụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu và giao phó con đường “tiền điện” phía trước cho nhà nước gánh vác.
Nhưng nhà nước gánh vác cách nào khi bất lực trước những sai trái có tính hệ thống của EVN bày ra trước mắt nhưng không thể có biện pháp mạnh đối với những lãnh đạo trực tiếp ký vào các dự án đầu tư ngoài ngành, những hoạt động kinh doanh được dựng lên để bòn rút ngân sách và cấu kết với các nhóm lợi ích nhằm chiếm dụng dòng vốn của nhà nước để rồi sau đó báo cáo lỗ triền miên hết năm này sang năm khác?
Nhưng EVN có thực sự làm ăn thua lỗ trong ngành điện hay không thì lại là chuyện khác.
Căn cứ trên báo cáo thường niên của EVN thì từ năm 2013 đến nay tập đoàn này luôn thu được lợi nhuận trong kinh doanh điện. Chỉ riêng năm 2017 thì mới thất thu. Tuy nhiên nếu bình quân cho 6 năm từ 2013 tới 2018 thì số tiền lời lên tới hơn 20 ngàn tỉ chưa kể tiền thu được của năm 2019.
Không phải giá điện thấp làm cho EVN phải khai phá sản như nó từng hăm dọa trước đây mà chính là đầu tư ngoài ngành mới làm cho khuôn mặt của nó bệ rạc, vay đầu này, đắp đầu kia. Hình ảnh của nó không khác gì một con nợ điển hình của Việt Nam ngày nay tuy có bề ngoài bề thế nhưng mục ruỗng bên trong không phương cứu vãn.
Theo kết luận thanh tra mới đây cho biết EVN đã đầu tư ra ngoài với số vốn lên đến 121 ngàn tỉ vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, thậm chí vào giáo dục…nhưng không có nơi nào có lãi kể cả đầu tư vào giáo dục vẫn lỗ. Trước đây EVN và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký hợp đồng đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh cho 164 cán bộ thuộc EVN. Số tiền đã thanh toán cho khoa sau đại học là 1,648 tỷ, các chi phí khác gần 500 triệu đồng do Đại học Griggs của Mỹ đào tạo và cấp bằng. Toàn bộ số tiền đều đã được chuyển cho Đại học Griggs. Tuy nhiên, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường này cấp không được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận. Vậy là lỗ trắng vừa tiền vừa công sức của người đi học.
Câu hỏi mà người không rành về kinh tế nhất cũng có thể đặt ra: Tại sao EVN lại đầu tư vào lĩnh vực mà nó không chuyên môn là điện? Và rất nhiều người biết lý do: vì nó là công ty quốc doanh, mà quốc doanh thì không ai trách nhiệm cho sự thành bại của chính nó.
Một vài quan chức muốn bênh vực cho sự bất cập trong việc liên tục tăng tiền điện đưa ra ý kiến cho rằng ngành điện mang “nhiệm vụ chính trị” nên nó chịu lỗ để khuôn mặt chính trị của Đảng có ý nghĩa chia sẻ gánh nặng cho người dân. Lập luận này hoàn toàn ngụy biện, ngành điện hay bất cứ đơn vị kinh doanh nào đều không mang gánh nặng “nhiệm vụ chính trị” như quan chức của chế độ vẽ vời. Nếu cho rằng mạng lưới điện quốc gia là hình thức “nhiệm vụ chính trị” cũng là cách nói hào nhoáng đánh bóng nhiệm vụ mà một chính phủ có bổn phận đối với quốc gia với thể chế mà nó đang phục vụ.
Người dân từng nghe tôn vinh rằng các tập đoàn kinh tế quốc doanh là những quả đấm thép, chúng góp sức làm cho kinh tế Việt Nam phát triển nhưng sự thật lại khác đi, những quả đấm thép ấy không đấm được ai mà chỉ nhắm vào dân, tức vào túi tiền mà người dân móc ra trả thuế. Những cái tên như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản, hay Tập đoàn Điện lực….đang điển hình cho sự ngạo mạn quốc doanh mà chúng được đảng giao phó.
EVN ngạo mạn trong việc xem thường túi khôn của quần chúng. Hóa đơn tiền điện nhảy vọt vì sự độc quyền kinh doanh mà một doanh nghiệp nhà nước được thụ hưởng. Cung cách EVN không khác gì cách phục vụ của những cửa hàng quốc doanh ở miền Bắc khi nhân viên hoạnh họe, quyền lực và khinh bỉ khách hàng là thuộc tính.
Cái ngạo mạn thứ hai là quyền lực được đảng giao cho nó là vô giới hạn. Nó có quyền được lỗ và thu tiền dân bù vào cái lỗ khả nghi ấy. Nó có quyền được chia cho nhân viên những phương tiện xa hoa từ nguồn tiền nhà nước mà không ai được chỉ trích.
Cái ngạo mạn thứ ba là nó có quyền cắt giòng điện quốc gia bất cứ lúc nào và biện giải rằng do lỗ lã không thực hiện được “nhiệm vụ chính trị”.
Và cái ngạo mạn cuối cùng là nó sẽ vẫn đứng đó, thách thức thời gian và công luận về những sai trái mà nó làm dưới cái mác Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
0 nhận xét