Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 03/05/2019

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019 20:17 // ,

Tin khắp nơi – 03/05/2019

Mỹ: Nancy Pelosi cáo buộc

William Barr nói dối với Quốc hội

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã cáo buộc Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói dối trước Quốc hội.
Bình luận của bà được đưa ra một ngày sau khi ông Barr xuất hiện trước một ủy ban Thượng viện về báo cáo của luật sư đặc biệt Robert Mueller liên quan đến cáo buộc sự can thiệp của Nga vào năm 2016.
Ông Barr phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt về quyết định công bố Tổng thống Donald Trump không cản trở công lý.
Viên chức hàng đầu về luật pháp của Hoa Kỳ đã từ chối xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo hôm thứ Năm.
Việc từ chối ra trước Quốc hội làm tăng triển vọng rằng ông William Barr – viên chức cao cấp hàng đầu của ngành tư pháp Mỹ – có thể bị buộc tội khinh miệt Quốc hội.
Ông Trump ‘không đồng lõa với Nga’
Báo cáo Mueller: Tám điều chúng ta mới được biết
‘Đau đầu lớn nhất của Trump không phải là Mueller’
“Ông ấy đã nói dối Quốc hội. Và nếu bất cứ ai khác làm điều đó thì sẽ bị coi là phạm tội,” bà Pelosi nói hôm thứ Năm.
“Không ai đứng trên luật pháp,” bà nói thêm.
Bà Pelosi nói gì?
Cáo buộc của bà Pelosi bắt nguồn từ việc ông Barr nói rằng ông không biết gì về bất kỳ khiếu nại nào mà ông Mueller có về bản tóm tắt bốn trang của bộ trưởng tư pháp về báo cáo của ông.
Ông Mueller đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói rằng bản tóm tắt của ông thiếu “bối cảnh”.
“Đó không phải là một lỗi kỹ thuật,” bà Pelosi nói với báo giới. “Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ đã không nói sự thật với Quốc hội Hoa Kỳ. Đó là một phạm tội. “
Nhưng một phát ngôn viên của bộ tư pháp đã tấn công lại bà Pelosi sau những bình luận của bà.
“Cuộc tấn công vô căn cứ vào Bộ trưởng Tư pháp là liều lĩnh, vô trách nhiệm và sai lầm”, phát ngôn viên Kerri Kupec nói.
Đảng Cộng hòa cũng lên án các nhận xét của bà Pelosi. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói với báo giới rằng đó là một “tuyên bố xúc phạm” và nói bà Pelosi nên xin lỗi.
“Tôi nghĩ rằng nó nói nhiều về bà ấy hơn là về Bill Barr,” ông nói thêm.
Đảng Dân chủ có thể trừng phạt bộ trưởng tư pháp?
Phân tích của Anthony Zurcher- Phóng viên Bắc Mỹ
Trong một cuộc họp báo sáng thứ Năm, bà Nancy Pelosi đã trực tiếp cáo buộc ông William Barr phạm tội.
Vậy Đảng Dân chủ sẽ làm gì về điều này? Bà Pelosi chỉ đưa ra các tham chiếu mơ hồ về một “quy trình”, nhưng họ có một số lựa chọn nếu muốn trừng phạt bộ trưởng tư pháp.
Họ có thể dùng việc ông Barr nói dối trước Quốc hội để mở hồ sơ tội hình sự, hồ sơ đó sẽ được chuyển cho một luật sư Hoa Kỳ trong bộ tư pháp của ông William Barr. Họ có thể cáo buộc ông William Barr tội khinh miệt Quốc hội, điều sẽ phải được giải quyết bởi các luật sư Hoa Kỳ trong chính quyền Trump.
Hạ viện cũng có thể bỏ phiếu để chính thức kiểm duyệt bộ trưởng tư pháp, đặt một dấu đen vào hồ sơ của William Barr, nhưng họ không thể làm nhiều hơn thế.
Cuối cùng, họ có thể tìm cách luận tội bộ trưởng tư pháp và đưa ông ra khỏi chức vụ. Quá trình này sẽ tương tự như việc loại bỏ một tổng thống Mỹ – một cuộc bỏ phiếu đa số tại Hạ viện, sau đó là một phiên tòa tại Thượng viện Hoa Kỳ cần có hai phần ba phiếu thuận để “kết án”.
Cho đến nay trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ có một quan chức nội các bị luận tội – Bộ trưởng Chiến tranh Ulysses S Grant William Belknap vào năm 1876 – và cuối cùng ông đã được Thượng viện không buộc tội tham nhũng.
Bộ trưởng Tư pháp nói gì?
Bộ trưởng Tư pháp William Barr xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Tư và bào chữa cho việc ông xử lý cuộc điều tra dài 450 trang của công tố viên đặc biệt.
Sự kiện này xảy ra sau khi lá thư của ông Mueller được công bố, cho thấy Mueller đã hai lần yêu cầu ông Barr cung cấp thêm thông tin về kết luận của báo cáo.
Nhưng ông Barr nói rằng công tố viên đặc biệt không quan tâm đến tính chính xác của bản tóm tắt, mà chỉ quan tâm về cách báo chí đưa tin về bản tóm tắt này.
“Theo đánh giá của tôi thì trong thư gửi cho tôi, mối quan tâm của công tố viên đặc biệt không phải là về tính chính xác của những gì tôi tuyên bố về cuộc điều tra, mà là ông ấy muốn tôi dẫn giải nhiều hơn để cung cấp bối cảnh giải thích lý do tại sao ông không đưa ra quyết định là tổng thống Trump cản trở công lý”, ông William Barr nói .
Ông Barr cũng tuyên bố ông “hoàn toàn” tin tưởng vào phán đoán của mình rằng ông Trump không cố tình cản trở cuộc điều tra một cách bất hợp pháp.
Nhưng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mazie Hirono nói với bộ trưởng tư pháp tại phiên điều trần hôm thứ Tư rằng ông đã phản bội một “niềm tin thiêng liêng”.
“Nước Mỹ xứng đáng được hơn thế. Ông nên từ chức. “
Và một tweet cho thấy Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kamala Harris thẩm vấn ông Barr tại phiên điều trần hôm thứ Tư cho đến giờ đã được xem hơn bốn triệu lần.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa bênh vực ông Barr, nói rằng vấn đề Tổng thống Trump có cản trở công lý hay thông đồng với người Nga hay không đã được ngả ngũ.
“Với tôi, điều này đã kết thúc”, Thượng nghị sĩ John Kennedy tweet. “Vấn đề đã được giải quyết xong. Đã đến lúc dẹp chuyện đó qua một bên.”
Bộ trưởng Tư pháp đã được xếp thời khoá biểu xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm thứ Năm để trả lời những câu hỏi về cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, nhưng ông không xuất hiện.
Đảng Dân chủ nói gì?
Đã có một lời kêu gọi William Barr từ chức ngày càng lan rộng, với sự hưởng ứng của nhiều ứng cử viên cho đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Bà Kamala Harris và các đồng nghiệp Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Kirsten Gillibrand cũng như cựu nghị sĩ bang Texas Beto O’Rourke đều kêu gọi ông Barr từ chức trên Twitter.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đã đe dọa sẽ cáo buộc ông Ba tội khinh miệt Quốc hội sau khi ông không công bố báo cáo đầy đủ của Mueller kịp thời hạn.
“Chúng tôi sẽ có thêm một nỗ lực thiện chí để đàm phán và đòi quyền truy cập vào báo cáo mà chúng tôi cần, và nếu sau đó yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng, chúng tôi sẽ xúc tiến việc cáo buộc bộ trưởng tư pháp tội khinh miệt Quốc hội”, ông nói với báo giới.
Trong một bày tỏ nhẹ nhàng hơn, nghị sĩ Dân chủ Steve Cohen đã mang một thùng gà rán và tượng gà đến phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm thứ Năm, và để những thứ này vào chiếc ghế trống của ông Barr.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48143884

Hoa Kỳ: Cuộc đọ sức giữa tổng thống

và đảng Dân Chủ thêm gay gắt

Mai Vân
Vào hôm qua, 02/05/2019, đảng Dân Chủ đã gia tăng tấn công trên hồ sơ nghi án Nga. Sau Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, đến lượt chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tố cáo bộ trưởng Tư Pháp William Barr là đã nói dối với nghị sĩ. Phía Dân Chủ còn đe dọa trừng phạt việc ông Barr hôm qua đã từ chối ra điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện.
Đảng Dân Chủ đã dựa trên chính lời của bộ trưởng Barr để tấn công và quy tội nói dối. Sự vụ liên quan đến những trao đổi của ông với công tố viên đặc biệt Mueller về bản tóm tắt mà ông đã viết về bản báo cáo, mà ông là người nhận trước tiên, trước cả Quốc hội, vào hạ tuần tháng 3.
Trong tóm tắt ông viết ngày 24/03, bộ trưởng Tư Pháp khẳng định là báo cáo đã miễn tội cho tổng thống và ê kíp của ông về mọi nghi ngờ cấu kết với Nga. Còn trên vế “cản trở Tư Pháp”, ông Barr kết luận là không có bằng chứng để truy tố tổng thống.
Khi được một thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ hỏi là công tổ viên Mueller có tán đồng kết luận của ông hay không, ông Barr trước ống kính truyền hình đã trả lời : “Tôi không biết ông ấy có tán đồng hay không”. Nhưng thực ra, ngày 27/03, ông Mueller đã gởi một bức thư đến ông Barr, trong đó ông Mueller đã than phiền về kết luận của ông.
Chủ tịch Hạ Viện Pelosi nhấn mạnh ông Barr đã “nói dối Quốc Hội và đây là hành vi phạm tội”. Bộ Tư Pháp dĩ nhiên cho đây là những lời tố cáo “không cơ sở” và vô trách nhiệm.
Riêng về việc ông Barr không ra điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, chủ tịch Ủy ban này, Jerry Nadler, trước chiếc ghế trống và tấm biển “William Barr”, đã tố cáo chính quyền Trump muốn ngăn chặn Quốc Hội đóng vai trò đối trọng của mình, khi phớt lờ lời triệu mời của nghị sĩ.
Ông Nadler còn dọa buộc ông Barr trình diện nếu ông không nộp toàn bộ báo cáo không cắt xén của ông Mueller.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190503-hoa-ky-cuoc-do-suc-giua-tong-thong-va-dang-dan-chu-them-gay-gat

Làm sao để trừng phạt tội khinh nhờn Quốc hội Mỹ?

Hạ viện Mỹ hôm 2/5 đã đe dọa sẽ quy cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr tội ‘khinh nhờn Quốc hội’ vì đã không tuân thủ trát đòi giao nộp bản báo cáo chưa hiệu đính về cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu tìm hiểu sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ 2016 và sự liên hệ của ban vận động cho ông Donald Trump. Điều này có nghĩa thế nào?
Quốc hội Mỹ ngày nay không còn bắt giữ và tống giam những ai bất tuân trát đòi của họ nữa nhưng họ vẫn có quyền lực rất lớn trong việc yêu cầu nhân chứng và tài liệu mặc dù việc này sẽ mất thời gian. Trát đòi về tội khinh nhờn là một phần chủ chốt trong quyền lực của Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự ủng hộ của ông Barr, đang cương quyết chống đối các cuộc điều tra của Hạ viện do phe Dân chủ điều khiển để tìm hiểu trắng đen những cáo buộc sai phạm nhắm vào chính quyền Trump, gia đình Trump, và những lợi ích kinh doanh cá nhân của ông Trump.
Cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và Quốc hội hôm 2/5 đã leo thang khi ông Barr từ chối ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện về cách ông xử lý bản báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ để ủng hộ cho ông Trump hồi năm 2016 và nỗ lực của ông Trump nhằm cản trở cuộc điều tra.
Thế nào là trát đòi?
Trát đòi là yêu cầu sự khai chứng bằng tài liệu, số liệu và nhân chứng mà pháp luật bắt buộc phải tuân thủ. Tòa án Tối cao đã công nhận thẩm quyền ra trát của Quốc hội với lý do rằng để làm ra luật, Quốc hội cần có khả năng điều tra.
Mặc dù thẩm quyền ra trát của Quốc hội là rất rộng nhưng nó không phải là không có giới hạn. Tòa án Tối cao đã nói rằng Quốc hội không phải là cơ quan thực thi pháp luật và không thể điều tra ai đó chỉ vì để phơi bày sai trái hay những thông tin tai hại đối với họ cho mục đích chính trị. Trát đòi nhất thiết phải nhằm để ‘thúc đẩy mục đích lập pháp hợp pháp’, Tòa án Tối cao từng phán quyết.
Quốc hội có thể làm gì nếu một quan chức chính quyền bất tuân trát đòi?
Nếu Quốc hội muốn trừng phạt ai đó đã kháng cự lại trát đòi của họ thì thông thường trước hết họ phải quy cho người đó tội ‘khinh nhờn Quốc hội’, các chuyên gia pháp lý giải thích.
Quy trình buộc tội khinh nhờn có thể diễn ra ở Hạ viện hay Thượng viện. Khác với việc ra luật, chỉ cần một trong hai viện Quốc hội cũng đủ ra và thực thi trát đòi về tội khinh nhờn.
Thông thường, các thành viên của ủy ban Quốc hội ra trát sẽ bỏ phiếu về việc có xúc tiến việc buộc tội khinh nhờn hay không. Nếu được đa số ủy ban thông qua, việc quy tội này sẽ được đưa ra trước toàn thể một viện Quốc hội.
Đảng Dân chủ hiện đang nắm thế đa số tại Hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm Thượng viện.
Chỉ cần đa số trong tổng số 435 dân biểu Hạ viện bỏ phiếu thuận là việc quy tội khinh nhờn được thông qua. Sau khi đã bỏ phiếu thông qua thì Quốc hội có quyền hành để trừng phạt người phạm tội.
Làm sao để trừng phạt tội khinh nhờn Quốc hội?
Tòa án Tối cao hồi năm 1821 từng nói rằng Quốc hội có ‘thẩm quyền nội tại’ để bắt giữ và tống giam những ai bất tuân lệnh của họ.
Vào năm 1927, Tòa án Tối cao nói rằng Thượng viện đã hành động hợp pháp khi điều trật tự viên Quốc hội đến Ohio để bắt giữ và tống giam em trai của bộ trưởng tư pháp lúc đó vì đã không chịu ra khai chứng về một âm mưu hối lộ.
Đã gần một thế kỷ kể từ khi Quốc hội thực hiện quyền bắt giữ này và cách làm này ít có khả năng được lặp lại, các chuyên gia pháp lý cho biết.
Thay vào đó, Quốc hội có thể yêu cầu công tố viên liên bang của Đặc khu Columbia tống đạt cáo trạng hình sự đối với nhân chứng không chịu ra khai chứng trước Quốc hội. Luật hình sự của Mỹ có quy định cụ thể về không được phép vi phạm trát đòi của Quốc hội.
Tuy nhiên, khả năng này cũng ít có khả năng xảy ra, ít nhất là đối với các trát đòi nhắm vào các quan chức nhánh hành pháp do các công tố viên liên bang cũng nằm trong Bộ Tư pháp của nhánh hành pháp.
“Sẽ rất lạ đời về mặt hệ thống bởi vì điều đó có nghĩa là chính quyền Trump phải hành động để thực thi trát đòi đối với chính quyền Trump,” bà Lisa Kern Griffin, cựu công tố viên liên bang và giáo sư luật tại Đại học Duke, cho biết.
Vì lý do này, trong thời hiện đại Quốc hội Mỹ đã dùng đến cách làm thứ ba để xử lý những ai bị quy tội ‘khinh nhờn Quốc hội’: sử dụng các luật sư ra đơn kiện dân sự để yêu cầu thẩm phán phán quyết rằng người phạm tội phải tuân thủ, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù, bà Griffin nói.
https://www.voatiengviet.com/a/l%C3%A0m-sao-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-t%E1%BB%99i-khinh-nh%E1%BB%9Dn-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-/4901470.html

Nhà Trắng: Báo cáo của Mueller

 ‘sai sót pháp lý nghiêm trọng’

Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyền yêu cầu các luật sư cố vấn của ông không ra khai chứng trước Quốc hội trong cuộc điều tra giám sát của Quốc hội tiếp theo cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử, Nhà Trắng nói trong một lá thư.
Trong thư này, Nhà Trắng cũng đả kích bản báo cáo của ông Mueller là ‘sai sót’.
Lá thư đề ngày 19/4 của cố vấn pháp lý Nhà Trắng Emmet Flood gửi cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr mà Reuters có được phù hợp với lập trường đối đầu của ông Trump trong việc đối phó với nỗ lực của Đảng Dân chủ dùng bản báo cáo Mueller là bệ phóng để mở thêm các cuộc điều tra mới.
Ông Flood nói rằng quyết định của ông Trump cho phép các cố vấn hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller không mở rộng đến các cuộc điều tra giám sát của Quốc hội. Kết luận này là dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ, nếu cần thiết, thực thi đặc quyền hành pháp để ngăn không cho cựu luật sư của ông là ông Don McGahn và các cố vấn khác ra khai chứng trước Quốc hội. Hành động này sẽ có khả năng làm phát sinh tranh chấp ở tòa.
“Tổng thống khuyến khích hợp tác đầy đủ và minh bạch với cuộc điều tra hình sự thực hiện chủ yếu trong nhánh hành pháp là một chuyện, còn việc cho phép các cố vấn ra khai chứng trước Quốc hội là một việc hoàn toàn khác…” lá thư viết.
Căng thẳng đã bùng phát giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ trong Quốc hội kể từ khi bản báo cáo Mueller được công bố. Ông Jerrold Nadler, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đã đe dọa quy ông Barr tội ‘khinh nhờn’ vì đã không tuân thủ yêu cầu cung cấp toàn bộ bản báo cáo chưa hiệu đính của ông Mueller và cáo buộc ông Trump là ‘tấn công ngày càng mạnh vào nền dân chủ’.
Lá thư của Nhà Trắng được chuyển cho ông Barr một ngày sau khi bản báo cáo của Mueller được công bố trong đó kết luận rằng ban vận động của ông Trump không thông đồng với Nga
trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016 nhưng không nói rằng liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lý hay không.
Lá thư của Flood nói rằng báo cáo Mueller có ‘một khiếm khuyết pháp lý nghiêm trọng’. Theo các đạo luật có liên quan thì ông Mueller phải đưa ra nhận định là có nên hay không nên truy tố, lá thư viết.
Thay vào đó, báo cáo Mueller đã đưa ra ‘sự tò mò về công tố’ – một phần là báo cáo ‘đi tìm sự thật’ và một phần là một ‘bài thi ở trường luật’ – lá thư viết.
“Điều mà công tố viên phải làm là hoàn tất cuộc điều tra và sau đó hoặc là yêu cầu bồi thẩm đoàn tống đạt cáo trạng hay quyết định không truy tố,” ông Flood lập luận trong lá thư dài 5 trang gửi cho ông Barr.
“Công tố viên Đặc biệt và đội ngũ nhân viên của ông đã thất bại trong nhiệm vụ công tố viên và chỉ là công tố viên của mình,” lá thư viết.
Lá thư của ông Flood cũng phản hồi những câu hỏi từ những người chỉ trích ông Trump về việc liệu báo cáo của ông Mueller đã vẽ ra cho Quốc hội một lộ trình để tự mình thực hiện các cuộc điều tra riêng hay không.
“Nếu đúng là như vậy,” lá thư viết, “Nó là bằng chứng cho thấy văn phòng Công tố viên đặc biệt đã không chịu tuân thủ các điều luật có liên quan.”
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-b%C3%A1o-c%C3%A1o-c%E1%BB%A7a-mueller-sai-s%C3%B3t-ph%C3%A1p-l%C3%BD-nghi%C3%AAm-tr%E1%BB%8Dng-/4901487.html

Facebook phản công,

đóng cửa một loạt tài khoản nguy hiểm

Tú Anh
Sáu nhân vật Mỹ loan truyền luận điểm cực đoan, bạo động chống người Do Thái, kỳ thị chủng tộc và cổ vũ cho thuyết âm mưu bị cấm vĩnh viễn trên Facebook. Trong số các chủ tài khoản có ảnh hưởng có Louis Farrakhan của tổ chức « Nation of Islam » và Alex Jones, sáng lập viên trang mạng « Infowars ».
Thường xuyên bị tố cáo dung dưỡng hoặc không tích cực loại trừ các thông điệp của các cá nhân hay các nhóm đề cao ý thức hệ hận thù và tội ác, Facebook buộc phải có biện pháp cụ thể.
Trụ sở của Facebook từ San Francisco hôm thứ Năm 02/05/2019 cho biết kể từ hôm nay, tất cả trang mạng liên quan đến 6 nhân vật bị xem là « cá nhân nguy hiểm, tổ chức nguy hiểm ».
Louis Farrakhan, 85 tuổi, đứng đầu nhóm « Nation of Islam » cỗ vũ cho Hồi giáo cực đoan, bài Do Thái và người đồng tính. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1984, nhân vật này tuyên bố « Hitler là một vĩ nhân ».
Alex Jones, 45 tuổi, sáng lập « Infowars », sẵn sàng khai thác mọi sự kiện theo chiều hướng tung tin giả gây hoang mang : vụ thảm sát giết 26 học sinh và giáo viên ở Sandy Hook năm 2012 được « Infowars » gọi là một vụ dàn dựng.
Vụ tấn công hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand mới đây là giọt nước làm tràn ly. Kẻ sát nhân phổ biến trực tiếp hai vụ thảm sát trên Facebook.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190503-facebook-phan-cong-dong-cua-mot-loat-tai-khoan-nguy-hiem

Gia đình Trung Quốc trả 1,2 triệu USD

để chạy cho con vào trường Yale

Một gia đình người Trung Quốc đã trả 1,2 triệu USD để con gái được vào học trường Yale, một trong 8 trường đại học nằm trong hệ thống Ivy League danh tiếng nhất của Mỹ, nhưng chưa bị truy tố.
Cô con gái tên Sherry Guo từ Trung Quốc đã đến California cách đây 5 năm với ước mơ theo học một trường đại học ưu tú của Mỹ.
Luật sư của Guo không cho rằng cô vào được Đại học Yale bằng con đường chạy chọt gian lận của William “Rick” Singer, một nhà tư vấn ở Newport Beach – người đã lừa gạt các trường
trong hệ thống Ivy League và các trường danh tiếng khác bằng các khoản hối lộ, các bài kiểm tra gian lận và các giải thưởng không có thật.
Nhà tư vấn này đã tạo ra một đơn xin nhập học giả mạo cho Guo, trong đó mô tả cô là một cầu thủ bóng đá xuất sắc. Đơn này được một huấn luyện viên bóng đá, người nhận hối lộ 400.000 USD, nộp cho Đại học Yale.
Khi được nhận vào học, gia đình Guo đã trả 1,2 triệu USD cho ông Singer và một tổ chức từ thiện mà ông dùng để rửa tiền hối lộ và các khoản tiền bất hợp pháp khác.
Nhưng không giống như hàng chục phụ huynh bị cuốn vào vụ bê bối tuyển sinh đại học gần đây ở Mỹ, các công tố viên liên bang đã không khởi tố cô Guo hoặc cha mẹ cô đã phạm tội khi trả cho ông Singer hơn một triệu đôla, mặc dù người chủ mưu của vụ lừa đảo đã thú nhận.
Luật sư ở Los Angeles của cô Guo, ông James Spertus, đã đưa ra một lời giải thích lạ thường về lý do tại sao họ không bị buộc tội. Ông nói rằng cha mẹ của Guo đã bỏ ra 1,2 triệu USD nhưng không có bất kỳ ý định phi pháp nào, vì họ bị lừa bởi một “người xấu” – người này đã lợi dụng các rào cản ngôn ngữ và sự không quen thuộc với hệ thống giáo dục của đại học Mỹ của họ để dụ dỗ và lừa đảo họ.
Luật sư Spertus nói rằng “các vấn đề văn hóa đã không được nói rõ” khi ông Singer yêu cầu cha mẹ Guo thanh toán. Cha mẹ cô không nói tiếng Anh và “100 phần trăm tin rằng khoản thanh toán là một khoản đóng góp từ thiện”, theo vị luật sư này.
Cô Guo được đề cập đến, nhưng không được nêu tên, trong hồ sơ tòa án, trong đó nói cô là một sinh viên có gia đình đã trả cho ông Singer 1,2 triệu USD sau khi cô được nhận vào Đại học Yale vào cuối năm 2017. Các công tố viên đã không đưa ra lý do tại sao cha mẹ cô Guo không bị khởi tố.
Đầu tuần này, Los Angeles Times đưa tin rằng một gia đình Trung Quốc khác đã trả cho ông Singer 6,5 triệu USD để chạy cho con gái họ vào Đại học Stanford. Các công tố viên cũng không khởi tố cha mẹ của sinh viên được xác định là Yusi Zhao này.
Cho đến nay, 33 phụ huynh ở Mỹ đã bị buộc tội gian lận, âm mưu và rửa tiền. Một số người đã nhận tội hoặc đồng ý nhận tội, trong khi 19 phụ huynh khác đã không đồng ý nhận tội và thề sẽ bảo vệ thanh danh của họ trước tòa.
Để khởi tố ai đó lừa đảo, các công tố viên phải tin rằng họ có thể chứng minh được bị cáo có ý định cụ thể để lừa gạt người khác – trong trường hợp của sinh viên Guo, hay các sinh viên khác nộp đơn vào trường Yale, theo Michael Magner, cựu công tố viên liên bang ở New Orleans.
Nếu các công tố viên không có bằng chứng gia đình sinh viên Guo có ý định lừa gạt Đại học Yale hoặc những người nộp đơn khác khi họ trả tiền cho ông Singer, thì biện luận sẽ là họ bị lôi kéo vào âm mưu lừa đảo mà không hay biết “rất có thể là một sự biện hộ hợp lệ”, theo ông Magner, hiện là luật sư biện hộ của công ty luật Jones Walker.
https://www.voatiengviet.com/a/gia-dinh-trung-quoc-tra-1-2-trieu-usd-de-chay-cho-con-vao-truong-yale/4902571.html

Mỹ triển khai F-35 đến Thái Bình Dương:

Lý do là máy bay tàng hình TQ

Vì sao Mỹ triển khai tàu sân bay hạng nhẹ nhưng đầy uy lực, mang theo hàng chục tiêm kích tàng hình F-35? Một số chuyên gia nói đó là vì Washington muốn “đẩy lùi” các chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực để đưa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình mới vào tác chiến trong khi và Mỹ đã có những bước chuẩn bị đối phó bằng việc triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35, một tướng không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương nói với hãng tin Bloomberg.
Quân đội Trung Quốc, theo tình báo Mỹ, đang phát triển các máy bay ném bom tàng hình tầm trung và tầm xa mới để gia tăng khả năng tấn công xâm nhập.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới của Trung Quốc có thể hoạt động trong năm nay và nước này cũng đang xem xét biến máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của mình thành tiêm kích trên hạm cho các tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc.
Xét về quy mô, Không quân Trung Quốc lớn nhất trong khu vực và lớn thứ ba trên thế giới với 2.500 máy bay, trong đó có 1.700 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công.
Trung Quốc là một trong ba quốc gia duy nhất phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và nếu phát triển thành công máy bay ném bom tàng hình có khả năng hạt nhân, đây sẽ là một trong ba quốc gia có bộ ba hạt nhân hoàn chỉnh.
Tướng không quân Charles Brown nói với Bloomberg rằng việc gia tăng triển khai F-35 là cần thiết để đối phó với những diễn tiến mới từ phía Trung Quốc. Nói về về cách người Trung Quốc hành động, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ nói: “Họ sẽ tiếp tục gia tăng giới hạn hoạt động để xem có ai nói hay làm gì không.”
“Nếu bạn không đẩy lùi thì họ sẽ tiếp tục tiến lên”, ông Brown nói và lưu ý rằng, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đại diện cho một “mối đe dọa lớn hơn” ở Thái Bình Dương.
Tướng Brown gần đây nói với các phóng viên Nhật Bản rằng ông hy vọng Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương sẽ có 200 chiếc F-35 hoạt động trong khu vực vào năm 2025. Một phi đội F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã được triển khai đến Nhật Bản vào đầu năm 2017, và sau đó cùng năm đó, thêm 12 F-35A của Không quân Mỹ đã triển khai tới Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ cũng đã thử nghiệm khái niệm “tàu sân bay hạng nhẹ”, biến tàu tấn công đổ bộ của hải quân thành tàu sân bay hạng nhẹ trang bị máy bay chiến đấu tàng hình và hải quân Mỹ đang tiến gần hơn tới việc triển khai các tàu sân bay trang bị tiêm kích F-35C.
Biến thể F-35C là máy bay chiến đấu tấn công tàng hình tầm xa, thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới được thiết kế và chế tạo rõ ràng cho các hoạt động của tàu sân bay.
F-35C kết hợp khả năng hoạt động trên boong tàu sân bay với khả năng tàng hình, cảm biến hợp nhất và độ tin cậy thế hệ thứ 5, biến nó trở thành máy bay chiến đấu tấn công đầu tiên trong tương lai của hải quân Mỹ. Các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều tham gia chương trình F-35.
Các nhà phân tích Trung Quốc, theo truyền thông nước này, lập luận rằng máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc sẽ có “ưu thế áp đảo” so với F-35. Tuy nhiên, mặc dù máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc có một số lợi thế, đặc biệt là tầm bắn, nhưng nhìn chung nó được coi là kém hơn so với các đối thủ thế hệ thứ năm trong quân đội Mỹ như F-35 hay F-22.
http://biendong.net/doc-bao-viet/27770-my-trien-khai-f-35-den-thai-binh-duong-ly-do-la-may-bay-tang-hinh-tq.html

Mỹ cảnh báo nguy cơ từ hạm đội Trung Quốc ở Bắc cực

Gia tăng các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Bắc cực cũng có thểmở đường cho một sự tăng cường hiện diện quân sự kể cả việc triển khaitàu ngầm để đóng vai trò nghênh cản các cuộc tấn công hạt nhân, theophúc trình của Ngũ Giác Đài công bố ngày 2/5.
Đánh giá này được đính kèm trong báo cáo thường niên của quân độiMỹ trình cho Quốc hội về lực lượng võ trang Trung Quốc và theo sauviệc Bắc Kinh phát hành sách trắng chính sách Bắc cực đầu tiên vàotháng 6 mà qua đó Trung Quốc đề ra kế hoạch phát triển các đường vậntải hàng hải để hình thành ‘Con đường Tơ lụa Vùng cực’ dựa trên Sángkiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Dù không phải là một quốc gia vùng Bắc cực, nhưng Trung Quốc đangngày càng hoạt động tích cực trong khu vực và trở thành một thành viênquan sát của Hội đồng Bắc cực năm 2013. Việc này gây quan ngại chocác nước vùng Bắc cực về những mục tiêu chiến lược lâu dài của BắcKinh kể cả việc triển khai quân sự.
Báo cáo của Ngũ Giác Đài lưu ý rằng Đan Mạch đã bày tỏ quan ngại vềsự quan tâm của Trung Quốc ở Greenland khi Trung Quốc đề nghị thànhlập một trạm nghiên cứu, lập trạm vệ tinh trên mặt đất, sửa sang phi trường và mở rộng hầm mỏ.
Phúc trình cũng cho biết quân đội Trung Quốc đã đưa việc hiện đại hóađội tàu ngầm thành một ưu tiên cao và dự báo có thể đội tàu này sẽ tănglên khoảng 65 tới 70 chiếc trước năm 2020.
Việc bành trướng lực lượng tàu ngầm Trung Quốc chỉ là một phần trongcông cuộc hiện đại hóa quân đội một cách rộng rãi và tốn kém mà giớichuyên gia cho rằng chủ yếu nhằm đối phó với kỳ hành động nào củalực lượng võ trang Hoa Kỳ.
Dù ngân sách quốc phòng chính thức của Bắc Kinh cho 2018 là 175 tỷđô, Ngũ Giác Đài ước lượng số đó thật sự lên tới 200 tỷ và dự đoán sẽ là260 tỷ trước năm 2022.
https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-nguy-co-tu-ham-doi-trung-quoc-o-bac-cuc-/4901501.html

Mỹ triển khai vũ khí cực kỳ uy lực tới Thái Bình Dương

Hải quân Mỹ đang gia tăng sức mạnh tiến công của các lực lượng Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương bằng việc triển khai một số tàu chiến mới được nói là cực kỳ uy lực. Việc này là để đối chọi với một Trung Quốc đang phô trương sức mạnh.
Theo văn bản của hải quân Mỹ, tàu USS America đang được triển khai vào đội hình lực lượng hải quân tiền tiêu của Hạm đội 7 ở căn cứ Yokosuka tại Sasebo, Nhật Bản.
Điều đáng kể, đây là con tàu đổ bộ tiến công mới, có khả năng mang theo một đội hình hùng hậu các máy bay tiêm kích tàng hình F-35B Joint Strike Fighter với số lượng lớn hơn hẳn các tàu đổ bộ “tiền bối”. Thực ra tàu USS America đóng vai trò là tàu sân bay hạng nhẹ.
Cùng được triển khai tới Nhật Bản đợt này còn có USS New Orleans, là một tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio.
Tàu USS Wasp, ra đời trước lớp tàu đổ bộ tấn công America, sẽ rời khỏi khu vực, hướng về Norfolk, Mỹ, nơi theo kế hoạch nó sẽ trải qua giai đoạn duy tu bảo dưỡng. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa hành trình USS Stethem sẽ quay về quân cảng San để được hiện đại hóa giữa vòng đời theo kế hoạch.
Những triển khai mới tới Nam Thái Bình Dương, nơi ngày càng nóng lên với sự hoạt động của hải quân nhiều quốc gia, làm người ta nhớ đến chuyện vào ngày đầu tiên nắm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Patrick Shanahan đã nêu rõ ưu tiên trọng tâm của ông bằng ba từ “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”.
“Hoạt động triển khai binh lực mới nhất là nhằm mục tiêu gi tăng sức mạnh hỏa lực của Mỹ ở Thái Bình Dương vào thời điểm Trung Quốc đang khoe cơ bắp ở khu vực.
Môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đòi hỏi Mỹ phải đưa tới tiền tuyến những tàu chiến có năng lực nhất”, Lực lượng hải quân Mỹ ở Nhật Bản nói trong một văn bản về việc điều chuyển tàu USS tới khu vực hoạt động của Ham đội 7.
“Việc triển khai này cho phép (Mỹ) nhanh chóng nâng cao khả năng đối phó và đáp trả trên biển nói riêng và đáp trả trong phối hợp với các lực lượng khác”, Lực lượng hải quân Mỹ ở Nhật Bản nói và rằng đợt điều chuyển binh lực lần này “mang tới những tàu chiến mạnh nhất với năng lực tấn công rất mạnh, khả năng triển khai hoạt động nhanh nhất có thể”, Business Insider trích văn bản của hải quân Mỹ nói.
Mặc dù gọi là tàu đổ bộ nhưng thực ra USS America về cơ bản là một tàu sân bay hạng nhẹ (light aircraft carrier, hay như một số người trong giới quân sự phương Tây gọi là lightning carrier, ý nói tàu mang theo các máy bay F-35 Lightning II).
Không giống như các tàu lớp Wasp, tàu lớp America tập trung nhiều hơn cho các hoạt động của máy bay hơn là tấn công đổ bộ và đây chính là điều khác biệt cơ bản.
Tàu USS America được thiết kế để mang theo nhiều nhiên liệu cho máy bay , khu chứa thiết bị, có nhiều không gian sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hơn so với các lớp tàu đổ bộ trước.
Nó có thể mang theo 20 máy bay tiêm kích F-35B, phiên bản F-35 thiết kế cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Gần đây, tàu USS Wasp được nói là mang theo 10 tiêm kích F-35 thử nghiệm khái niệm “tàu sân bay hạng nhẹ” ở biển Đông, tập trận với quân đội Philippines. Có thời điểm người ta nhìn thấy tàu USS Wasp triển khai tiêm kích gần bãi cạn Scarborough, nơi đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/27772-my-trien-khai-vu-khi-cuc-ky-uy-luc-toi-thai-binh-duong.html

Tàu chiến Mỹ bất ngờ

qua lại dày đặc ở eo biển Đài Loan

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc long trọng tổ chức 70 năm thành lập quân chủng hải quân, Mỹ điều hai tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan.
Đây có lẽ là động thái rõ ràng muốn “nhắn nhủ” Bắc Kinh về quyết tâm của Washington nhằm duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.
Thông cáo của hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết hai tàu khu trục USS Stethem và USS William P. Lawrence “đã thực hiện lộ trình đi qua eo biển Đài Loan như thông lệ trong ngày 28 và 29-4″.
Điều này cũng được thực hiện “theo đúng với luật pháp quốc tế” như khẳng định của trung tá hải quân Clay Doss, người phát ngôn hạm đội 7.
Mật độ tàu Mỹ dày đặc ở eo biển
Trong ngày 29-4, Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận sự việc, cho rằng việc các chiến hạm Mỹ tự do qua eo biển Đài Loan là một phần trong “các nhiệm vụ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ”.
Trong năm qua, theo quan sát của báo Japan Times (Nhật Bản), Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động qua lại của tàu chiến ở khu vực eo biển chiến lược rộng 180km ngăn cách giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đã có ít nhất 7 lần như thế trong vòng 8 tháng qua. Trước đó, các hoạt động kiểu này khá hiếm, thường chỉ diễn ra với tần suất khoảng 1 lần/năm.
Mặc dù eo biển Đài Loan được xem là tuyến đường biển quốc tế, song lâu nay Trung Quốc vẫn luôn nhạy cảm trước sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Gần như trong mọi lần chính quyền Trung Quốc đều phát thông điệp phản đối khi chiến hạm Mỹ xuất hiện ở đây. Tuy nhiên, cho tới chiều 29-4, Trung Quốc vẫn chưa phản ứng về sự việc.
Đó là “phát súng” cảnh báo với Trung Quốc, nói rõ là chúng ta sẽ không chấp nhận các hoạt động kiểu “vùng xám” trên biển.
Ông JAMES STAVRIDIS, đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng đô đốc Richardson đã đúng khi phát đi thông điệp cứng rắn như vậy với Trung Quốc.
Răn đe “vùng xám” Trung Quốc
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29-4, truyền thông quốc tế và giới chuyên gia Biển Đông đã chia sẻ một thông tin mà theo giáo sư luật Julian Ku thuộc Đại học Hofstra (Mỹ), có thể là sự kiện đánh dấu “một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Financial Times đăng ngày 28-4 (giờ Mỹ), người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, khẳng định Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ hành xử với các hành vi khiêu khích của lực lượng cảnh sát biển và các tàu cá Trung Quốc theo đúng cách Washington “đối xử” với hải quân Trung Quốc.
Đô đốc John Richardson cho biết trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 1 năm nay, ông đã nói với phó đô đốc Thẩm Kim Long của Trung Quốc về quan điểm này, bởi cả hai lực lượng tàu cá và cảnh sát biển của Trung Quốc đều đang được sử dụng để thúc đẩy các tham vọng quân sự của Bắc Kinh.
“Tôi đã nói rất rõ là hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động (tự do hàng hải) thường kỳ, hợp pháp trên toàn thế giới để bảo vệ những điều đúng đắn, các quyền tự do, đảm bảo việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và không phận cho tất cả” – đô đốc Richardson chia sẻ với tờ Financial Times.
Không chỉ tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo ngang nhiên chiếm đóng ở Biển Đông, Trung Quốc còn điều động ra khu vực các lực lượng bán quân sự.
Trong rất nhiều vụ việc liên quan tới các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines và cả với lực lượng hải quân Mỹ, các tàu cá Trung Quốc đã điều động những chuyến tàu đầy ắp người, ngăn chặn việc tiếp cận các đầm phá, quấy rối tàu thuyền nước khác, tham gia chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.
Trong báo cáo thường niên về tình hình quân đội Trung Quốc năm 2018, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh những vấn đề liên quan tới lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc. Đây là lực lượng bắt đầu được Bắc Kinh củng cố từ năm 2015, khi lực lượng này ngang nhiên xây dựng trụ sở điều hành tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng dân quân trên biển đã được huấn luyện cùng với hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định đội tàu của lực lượng này “đóng vai trò đáng kể trong các hoạt động cưỡng bách nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không phải tham chiến”.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng lực lượng dân quân trên Biển Đông vì việc dùng các tàu cá giúp giảm nguy cơ vấp phải phản ứng quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, với cảnh báo mới nhất từ tư lệnh hải quân Mỹ, chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải dè chừng hơn khi muốn đưa các tàu không thuộc lực lượng hải quân tham gia những hoạt động gây hấn ở Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng: “Bằng cách đưa ra chính sách cảnh báo mơ hồ đối với lối cưỡng bách kiểu vùng xám của Trung Quốc, Mỹ hi vọng sẽ răn đe Trung Quốc không có hành xử gây bất ổn trên biển, bao gồm cả việc họ trông vào các tàu của cảnh sát biển và dân quân biển để bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn”.
Báo Trung Quốc muốn dùng hạt nhân “đe” Mỹ
Trong bài xã luận đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu cuối ngày 28-4, trước thời điểm các chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, tác giả nêu quan điểm cho rằng Trung Quốc cần tăng cường kho vũ khí hạt nhân để “răn đe” Mỹ không tiến hành các hoạt động hàng hải gần Đài Loan và Biển Đông.
Tờ báo thuộc quản lý của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng: “Nếu số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc lên tới hàng ngàn, Mỹ sẽ không bao giờ dám tiến hành kiểu “tự do hàng hải” vớ vẩn này tại Biển Đông và những động thái của họ ở eo biển Đài Loan cũng sẽ bị kiềm chế”.
Từ đó, bài xã luận kêu gọi: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc nên tăng cường quy mô và chất lượng sức mạnh hạt nhân chiến lược của mình”.
http://biendong.net/bi-n-nong/27717-tau-chien-my-bat-ngo-qua-lai-day-dac-o-eo-bien-dai-loan.html

Mỹ cảnh báo khả năng Trung Quốc

lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài

Mai Vân
Lầu Năm Góc Mỹ ngày hôm 02/05/2019 đã công bố báo cáo thường niên về năng lực quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo dài 136 trang ghi nhận là quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh nhằm « thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ». Một trong những nhận định đáng chú ý là việc Bắc Kinh « rất có thể » sẽ xây thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Bản phúc trình gởi Quốc Hội Mỹ nêu rõ : « Giới lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của nước họ để thiết lập quyền thống trị của họ trong khu vực (châu Á) và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới ».
Do đó, theo Lầu Năm Góc, các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài như Con Đường Tơ Lụa Mới « có thể sẽ dẫn đến việc thiết lập các căn cứ quân sự tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu bảo vệ các dự án đó ».
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ quân sự nước ngoài đặt tại Djibouti, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ tìm cách mở thêm nhiều căn cứ khác ở những nước thân cận, chẳng hạn như ở Pakistan, hay tại những quốc gia « có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đồn trú ».
Theo Lầu Năm Góc, các địa điểm tiềm năng trong kế hoạch đặt căn cứ quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài có thể bao gồm khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương.
AFP cho biết là vào năm 2018, một quan chức bộ Quốc Phòng Afghanistan đã tiết lộ việc Bắc Kinh đàm phán với Kabul về khả năng cho Trung Quốc lập một căn cứ quân sự tại vùng đồi núi Wakhan miền tây bắc Afghanistan.
Một điểm đáng lưu ý khác trong báo cáo của Lầu Năm Góc là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng Hải Quân Trung Quốc, đang có « tầm hoạt động càng lúc càng xa », với tàu sân bay thứ hai tự đóng sẽ đi vào hoạt động ngay từ cuối năm 2019 này.
Một điểm mới khác, theo Reuters, là báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay đã nêu bật sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Bắc Cực, trong đó có việc Trung Quốc « triển khai tàu ngầm tới khu vực để răn đe các cuộc tấn công hạt nhân ».
Bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Quân Đội Trung Quốc đã đặt việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm lên thành ưu tiên. Hải Quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa hành trình, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và 50 tàu ngầm quy ước.
Còn theo CNN, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Trung Quốc, nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến dùng vào mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190503-my-canh-bao-kha-nang-trung-quoc-lap-them-can-cu-quan-su-o-nuoc-ngoai

Venezuela: Guaido kêu gọi biểu tình trước trại lính,

 Maduro ra lệnh “dẹp đảo chính”

Tú Anh
Hai ngày sau mưu toan nổi dậy bất thành, tổng thống Venezuela tự xưng Juan Guaido kêu gọi toàn quốc biểu tình trước các trại lính ngày thứ bảy 04/05/2019. Trong khi đó, trong thế phản công, tổng thống Nicolas Maduro kêu gọi binh sĩ trung thành « dẹp đảo chính », lên án đích danh Juan Guaido và Leopoldo Lopez.
Vừa được một nhóm quân nhân nổi dậy giải thoát khỏi nơi bị quản thúc, nhà đối lập Leopoldo Lopez phải khẩn cấp vào sứ quán Tây Ban Nha lánh nạn. Tổng thống Maduro cáo buộc Leopoldo Lopez đích thân chỉ huy « âm mưu đảo chính » hôm 30/04 cùng với Juan Guaido.
Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố không trao nhà đối lập cho chính quyền Maduro.
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille tường thuật :
Cho đến khi được giải thoát vào thứ ba 30/04, Leopoldo Lopez là tù nhân chính trị nổi tiếng nhất ở Venezuela. Nhà đối lập với chế độ Chavez từ nhiều thập niên qua, Leopoldo Lopez bị bắt vào năm 2014 với cáo buộc kích động dân chúng xuống đường chống tổng thống Nicolas Maduro và làm hàng chục người chết.
Khuôn mặt tranh đấu, có sức thu hút nhưng cũng gây tranh cãi kẻ ưa người chống, bị nghi ngờ đóng vai trò quan trọng sau lưng Juan Guaido. Leopoldo Lopez là một trong những thủ lĩnh chính trị bảo trợ cho tổng thống Venezuela tự phong.
Trong cuộc họp báo tại Đại Sứ Quán Tây Ban Nha nơi ông được tạm trú, Leopoldo Lopez tuyên bố đã nói chuyện với nhiều sĩ quan sẵn sàng theo phe đối lập: « Trong vòng ba tháng hơn, tôi tổ chức các cuộc họp tại tư gia nơi tôi bị quản thúc. Tối đã gặp các tư lệnh, các tướng lãnh và chúng tôi đã cam kết cùng với nhau đập tan chế độ tiếm quyền. Tôi có thể xác định với báo chí là những sự kiện xảy ra trong ngày 30 tháng 04 là khởi đầu cúa một tiến trình không thể đảo ngược ».
Tuy vậy, không ai biết có bao nhiêu quân nhân thực sự đã theo đối lập trong ngày hôm đó. Nicolas Maduro cũng muốn chứng tỏ ông nắm quân đội trong tay. Đứng trước hàng quân và bộ chỉ huy tối cao, tổng thống Venezuela kêu gọi binh sĩ « chiến đấu chống đảo chính ».
Theo AFP, đối với Mỹ, căng thẳng leo thang là do Matxcơva tiếp tục chống lưng cho Maduro. Thứ tư vừa qua, trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo phía Nga gây bất ổn định tại Venezuela, tại Ukraina và cho cả quan hệ Mỹ- Nga.
Tình hình Venezuela sẽ được hai bên thảo luận tiếp trong cuộc gặp tại Phần Lan vào thứ Ba tuần tới 07/05/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190503-venezuela-guaido-keu-goi-bieu-tinh-truoc-trai-linh-maduro-ra-lenh-%C2%AB-dep-dao-chinh-%C2%BB

Tổng thống Venezuela thể hiện tình đoàn kết với tướng lĩnh

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các quan chức quân sự chủ chốt hôm 2/5 đã có màn thể hiện tình đoàn kết trên truyền hình trong nỗ lực bác bỏ tuyên bố của phe đối lập và phía Mỹ rằng giới lãnh đạo quân đội đã chuẩn bị quay lưng lại với ông.
Đứng cạnh bên Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino và tư lệnh các chiến dịch quân sự Remigio Ceballos, ông Maduro phát biểu trong bài diễn văn trước quốc dân rằng các lực lượng vũ trang ‘đoàn kết, gắn kết và tuân theo sứ mạng của họ theo Hiến pháp’.
Những hình ảnh này được đăng tải trên mạng xã hội trước tiên chỉ hai ngày sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido kêu gọi quân đội đứng về phía đối lập để lật đổ ông Maduro.
Người dân Venezuela đã đáp lại lời kêu gọi xuống đường của ông Guaido hôm 1/5 trong nỗ lực phế truất ông Maduro nhưng cuộc khủng hoảng ở Venezuela không có dấu hiệu rõ ràng gì về sự thay đổi.
Giới chức Mỹ cho biết các lãnh đạo quân đội cao cấp của Venezuela đang thảo luận với Tòa án Tối cao và các đại diện của ông Guaido về sự ra đi của ông Maduro và rằng họ muốn có được đảm bảo các thành viên quân đội vẫn giữ được chức vụ trong chính phủ chuyển tiếp.
Ông Elliott Abrams, đặc sứ của Mỹ về Venezuela, nói rằng ông Maduro không thể tin tưởng các lãnh đạo quân sự của ông.
“Ngay cả khi họ nói: ‘Tôi tuyệt đối trung thành thưa Tổng thống’ thì ông ấy cũng không thể dựa vào lời nói đó,” ông Abrams phát biểu trên kênh VPI hôm 1/5.
“Gần như tất cả mọi người trong quân đội đều có dự phần vào việc đó, và do đó Maduro nên biết rằng giới lãnh đạo quân đội không thật sự trung thành đâu và họ muốn có thay đổi.”
Lời bình luận của ông Abrams không phải là lần đầu tiên các quan chức Mỹ đặt ra nghi ngờ về lòng trung thành của những người bên cạnh ông Maduro.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 30/4 đã nói rằng ông Padrino, cùng với chánh án Tòa án Tối cao và tư lệnh vệ binh tổng thống đã nói với phe đối lập rằng ông Maduro cần phải rời quyền lực.
“Đừng có mua chuộc chúng tôi bằng một lời hứa không trung thực như thể chúng tôi không có phẩm giá,” ông Padrino phát biểu trong đoạn băng trong khi đứng bên cạnh ông Maduro. “Những người đã sa ngã và bán linh hồn của mình không còn là binh sỹ nữa. Họ không thể nào đứng cùng hàng ngũ với chúng tôi.”
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-venezuela-th%E1%BB%83-hi%E1%BB%87n-t%C3%ACnh-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt-v%E1%BB%9Bi-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-l%C4%A9nh/4901480.html

Juan Guaido – từ vô danh

trở thành lãnh đạo đối lập Venezuela

Chỉ trong vòng vài tháng, ông Juan Guaido đã đi từ chỗ gần như không được biết đến trong nền chính trị Venezuela trở thành nhân vật được theo dõi chặt chẽ nhất của đất nước Nam Mỹ này. Ông đã đảm nhận chức chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và có lần bị cảnh sát chìm bắt giữ trong thời gian ngắn.
Hôm 23/1, ông Guaido, 35 tuổi, đến từ vùng biển Caribe, đã vươn mình vào vũ đài chính trị quốc tế với thách thức táo bạo nhất trong nhiều năm đối với quyền hành của Tổng thống Nicolas Maduro vốn theo đường lối xã hội chủ nghĩa: ông tự xưng là Tổng thống lâm thời – một động thái nhanh chóng được Mỹ, Canada và nhiều nước Mỹ Latin thừa nhận.
Sự vươn lên nhanh chóng của ông Guaido đã làm dấy lên hy vọng ông có thể lấp đầy khoảng trống lãnh đạo trong hàng ngũ đối lập Venezuela vốn nổi tiếng chia rẽ và đã thất bại đôi lần trong nỗ lực lật đổ ông Maduro và người tiền nhiệm của ông là cố Tổng thống Hugo Chavez. Nhiều thành viên đối lập nổi bật nhất đã bị bỏ tù, phải sống lưu vong hay bị cấm ra phục vụ trong các cơ quan chính quyền.
Ông Guaido, vốn là một fan hâm mộ môn bóng chày và người yêu điệu nhảy salsa, đã thổi sức sống vào giới thượng lưu vốn là thành trì ủng hộ phe đối lập và đã giành được tình cảm của nhiều người dân lao động Venezuela vốn đã quá chán nản với nền kinh tế suy sụp và nạn lạm phát phi mã của đất nước – những người đã xuống đường yêu cầu ông Maduro từ chức.
Tuy nhiên ông Gauido vẫn cần sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang để đạt được mục tiêu tổ chức cuộc bầu cử mới.
Ông đã đề xuất lệnh ân xá cho các thành viên của quân đội nhưng nói rằng các quan chức của chính quyền Maduro nào đã có vi phạm nhân quyền phải bị trừng phạt.
Ông Guaido đã nắm quyền lãnh đạo Quốc hội hôm 5/1 với lời kêu gọi quân đội nhìn nhận ông Maduro là ‘người tiếm quyền’ sau khi tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm 2018 vốn được nhìn nhận rộng rãi là gian lận.
Là người con lớn nhất trong gia đình lao động có 6 người con ở tiểu bang ven biển Vargas, ông Guaido đã sống sót trong một trận lở đất tàn phá hồi năm 1999 vốn là một trong những thử thách đầu tiên trong 14 năm cầm quyền của ông Chavez.
Ông học ngành kỹ thuật ở đại học nhưng bắt đầu hoạt động chính trị và đã học về quản lý chính trị tại Đại học George Washington ở Hoa Kỳ. Ông đã kết hôn và có một con gái 1 tuổi.
Trong nhiều năm, trọng tâm của phe đối lập, cả Guaido lẫn người dẫn dắt của ông, ông Leopoldo Lopez (người lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Dân Ý đã bị chính quyền Maduro quản chế tại gia) là lật đổ ông Maduro khỏi ghế Tổng thống.
Đại diện cho bang Vargas cho Đảng Dân Ý, ông Guaido đã lên làm chủ tịch Quốc hội trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực của các đảng đối lập chính của Venezuela. Ông nói rất ít về các chính sách mà ông sẽ theo đuổi nếu lên làm Tổng thống, nhưng Đảng Dân Ý mô tả họ là ‘dân chủ xã hội trung tả’.
Ông Guaido từng bị kéo ra khỏi xe trên xa lộ và bị các nhân viên tình báo bắt giữ hôm 14/1 nhưng đã nhanh chóng được thả ra.
Guaido nói rằng ông không sợ bị bắt. Điều này càng khiến ông càng trở nên có sức hút với người dân Venezuela đã chán ngán ông Maduro.
https://www.voatiengviet.com/a/juan-guaido-t%E1%BB%AB-v%C3%B4-danh-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-venezuela/4901475.html

Cuba: LHCA loan báo biện pháp

chống luật Helms-Burton của Mỹ

Mai Vân
Luật Helms-Burton, cho phép người Cuba lưu vong tại Mỹ kiện trước tòa án liên bang các công ty đã hưởng lợi nhờ chính sách quốc hữu hóa do Fidel Castro thực hiện năm 1959 tại Cuba, bắt đầu có hiệu lực hoàn toàn kể từ hôm qua, 02/05/2019. Liên Hiệp Châu Âu rất bất bình cho là Washington đã vi phạm thỏa thuận ký với Bruxelles năm 1997 và 1998. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini tuyên bố Châu Âu sẽ trả đũa.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet giải thích :
Châu Âu thông báo biện pháp trả đũa, đối phó với hệ quả của việc áp dụng luật Helms-Burton, bị cho là đã « phá hỏng sự tin tưởng lẫn nhau và tính ổn định của quan hệ đối tác xuyên đại Tây Dương ». Phương thức đáp trả của Châu Âu là áp dụng một văn bản gọi là ngăn chặn hay luật ngăn chặn, để bảo vệ các công ty Châu Âu.
Luật này gồm 3 vế :
Trước tiên là cấm các công ty Châu Âu tuân thủ các hệ quả gọi là ngoài lãnh thổ của lệnh trừng phạt do Mỹ ban hành, ví dụ như cung cấp bằng chứng cho một thủ tục pháp lý, tức là một vụ kiện.
Kế đến, luật của Châu Âu cho phép các công ty được bồi hoàn nếu bị phía Mỹ buộc phải trả tiền bồi thường thiệt hại.
Cuối cùng thì luật « ngăn chặn » sẽ hủy bỏ hệ quả phát sinh ở Châu Âu của mọi quyết định tư pháp dựa trên luật Helms-Burton.
Trong thực tế thì luật ngăn chặn này đã từng được gợi lên ở Áo cách nay 12 năm và đã dẫn đến những thương lượng ngoài khuôn khổ tòa án. Luật này cũng được Châu Âu sử dụng từ khi Mỹ trừng phạt trở lại Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190503-cuba-chau-au-loan-bao-bien-phap-chong-luat-helms-burton-cua-my

Nữ bộ trưởng quốc phòng Anh

có tên của chiến hạm HMS Penelope

Tân bộ trưởng quốc phòng Anh, bà Penelope (Penny) Mordaunt là con một quân nhân nhảy dù và được đặt tên theo chiến hạm HMS Penelope.
Chiếc tàu này từng tham gia cuộc chiến của Anh ở đảo Falklands (Malvinas) năm 1982.
Bà Penny Mordaunt trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử làm bộ trưởng quốc phòng của Vương quốc Anh.
Bộ trưởng quốc phòng Anh ‘bay chức’ vì vụ Huawei
Bộ trưởng Quốc phòng Anh quan ngại về Huawei
Bộ trưởng Anh từ chức vì cáo buộc xâm hại
Bà Mordaunt lên nắm chức này sau khi ông Gavin Williamson bị sa thải bởi thủ tướng Theresa May tuần này.
Vụ tiết lộ nguồn tin liên quan đến Huawei như thế là chấm dứtBà Theresa May
Cho đến ngày 02/05/2019, cựu bộ trưởng quốc phòng Williamson vẫn bác bỏ tin rằng ông là nguồn của vụ tiết lộ nội dung cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia về Huawei.
Nhưng thủ tướng May cho hay bà đã hoàn toàn “không còn tín nhiệm ông Williamson”.
Bà May cũng nói vụ tiết lộ nguồn tin liên quan đến Huawei như thế là “chấm dứt và cần được khép lại”.
Chính phủ Anh không muốn cảnh sát điều tra vụ này dù có ý kiến nói ai đó vì tiết lộ nguồn tin ở cuộc họp cao cấp có thể đã vi phạm luật về bí mật quốc gia.
Gia đình có truyền thống quân đội
Anh Quốc theo chế độ bộ trưởng dân sự nên không cần phải có tướng tá gì làm bộ trưởng quốc phòng.
Tuy thế, năm nay 46 tuổi, bà Penny Mordaunt sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội.
Cha bà là cựu quân nhân binh chủng dù, còn bà Penny Mordaunt sau khi học triết ở đại học Reading đã vào quân trừ bị, Hải quân Hoàng gia và làm việc trên một chiến hạm.
Báo chí Anh nhấn mạnh bà không thuộc gia đình ‘con ông cháu cha’ và là người đầu tiên trong nhà đi học đại học.
Hồi trẻ, có lúc Penny Mordaunt còn là ‘trợ lý’ cho một nhà ảo thuật.
Năm 2003, lần đầu tiên bà Mordaunt trúng cử vào Hạ viện Anh từ danh sách của đảng Bảo thủ và bắt đầu sự nghiệp chính trị.
Thật vinh dự cho tôi được trở lại với Bộ Quốc phòng và quân lực AnhTân bộ trưởng Penny Mordaunt
Từng có hàm thứ trưởng quốc phòng, thứ trưởng bình đẳng giới và quyền phụ nữ, bà lên làm bộ trưởng phát triển quốc tế (DFID) năm 2017.
Tháng 5/2019, bà được phong làm Bộ trưởng Quốc phòng nhưng vẫn giữ chức quốc vụ khanh (thứ trưởng) về quyền phụ nữ trong nội các Anh.
Bà Mordaunt có quan điểm ủng hộ việc Anh rời khỏi EU.
Hồi 2014 khi vẫn là dân biểu quốc hội và bộ trưởng phát triển quốc tế, bà Penne Mordaunt đã tham gia show truyền hình Splash! và nhận khoản phí gần 10 nghìn đô la.
Bà bị phê phán vì việc này nhưng bảo vệ cho hành động của mình và nói toàn bộ khoản tiền được trao cho công tác từ thiện.
Từ Portsmouth, dân biểu hội đồng địa phương thuộc đảng đối lập Lao Động, ông John Ferrett, phê phán nặng nề bà Penny Mordaunt, cho rằng bà ta không lo cứu việc làm cho 900 công nhân viên hãng quốc phòng BAE mà chỉ lo “lên show truyền hình”.
Là dân biểu quốc hội đại diện cho Portsmouth, nơi có quân cảng của Hải quân Hoàng gia Anh, bà Mordaunt đã đáp trả rằng, “dân biểu quốc hội có nhiều việc khác nhau”, và rằng việc chuẩn bị cho show Splash”không ảnh hưởng gì đến các việc khác của tôi”.
Báo chí Anh cho biết lên hình trong show truyền hình trên, bà Mordaunt đã chỉ mặc đồ tắm để đóng cảnh bơi lặn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48147925

Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao 2019:

 Hòa dịu hơn với Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Nhật Bản (23/4) đã công bố Sách xanh Ngoại giao năm 2019, đề cập nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2019
Với Mỹ, Sách xanh của Nhật Bản khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai nước “mạnh mẽ hơn” trong bối cảnh Thủ tướng S.Abe và Tổng thống D.Trump thường xuyên có các cuộc đối thoại. Với Nga, Sách xanh khẳng định Tokyo và Moscow đang làm việc tích cực, hướng tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời không đề cập rõ ràng tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo hiện do Nga quản lý. Với Trung Quốc, Sách xanh cũng cho rằng quan hệ vốn thường xuyên căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề lịch sử đã được cải thiện hơn so với các năm trước, đồng thời có nhiều tiềm năng để phát triển. Với Hàn Quốc, Sách xanh nhấn mạnh, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc đang trong “trạng thái cực kỳ khó khăn” do hai bên còn nhiều bất đồng, gồm cả vấn đề bồi thường người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn 1910-1945. Với Triều Tiên, Nhật Bản sử dụng cách diễn đạt ít chỉ trích hơn so báo cáo năm 2018, bỏ đoạn đề cập “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên, tuy nhiên vẫn khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên, trong đó có Mỹ, nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản một số năm gần đây
Năm 2011, Chính phủ Nhật Bản ngày (1/4/2011) đã công bố Sách xanh Ngoại giao năm 2011. Trong lời mở đầu của cuốn sách, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto đã đề cập tới thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc, coi đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II. Ông cam kết ngành ngoại giao sẽ nỗ lực hết sức để giúp Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn và hồi sinh. Sách xanh khẳng định cần xây dựng một khuôn khổ an ninh vững chắc để đảm bảo hòa bình và an ninh của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Sách xanh cho rằng những nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ sẽ là một trụ cột trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Sách xanh cho biết hai nước có kế hoạch “ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đồng minh trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Naoto Kan sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2011. Trong vấn đề di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ, Sách xanh cho biết “sẽ giải thích một cách chân thành với người dân Okinawa để nhận được sự đồng tình” trong kế hoạch này. Đề cập đến môi trường an ninh ở Đông Á, Sách xanh nhận định tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn bất ổn và diễn biến phức tạp kể từ sau vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 và vụ đấu pháo tháng 11/2010. Đề cập tới quan hệ với Trung Quốc sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010, Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng “hai nước đang trên đường cải thiện quan hệ”, và cho biết “nhiệm vụ sắp tới là nỗ lực cải thiện tình cảm của người dân hai nước” để vượt qua các bất đồng. Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga, Sách xanh bày tỏ “lấy làm tiếc” khi đề cập chuyến thăm tháng 11/2010 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến một đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước, và khẳng định Nhật Bản không thay đổi chính sách trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp định hòa bình với Nga. Đáng chú ý Sách xanh Ngoại giao năm 2011 của Nhật Bản đề cập tới vấn đề chủ quyền của Nhật Bản tại hòn đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo. Sách xanh cũng cho biết, đồng thời với việc khẳng định chủ quyền tại Takeshima/Dokdo một cách công khai với cộng đồng quốc tế, Nhật Bản sẽ liên tục đề cập vấn đề này với phía Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể giải quyết tranh chấp theo hướng đối thoại, hòa bình và nỗ lực thúc tiến các hoạt động ngoại giao tích cực. Trong Sách xanh Ngoại giao năm 2011, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định nước này đang tích cực đối phó với các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố. Sách xanh cho biết Nhật Bản tiếp tục tăng cường chính sách ngoại giao kinh tế thông qua thúc đẩy xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc, xây dựng cơ sở hạ tầng và ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác.
Năm 2015, Chính phủ Nhật Bản (7/4/2015) công bố Sách Xanh ngoại giao, trong đó giới thiệu một phần các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản trong kỷ nguyên hậu chiến, trong đó khẳng định việc Nhật Bản xây dựng xã hội dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và thượng tôn luật pháp, đã trở thành một hình mẫu cho các nước châu Á. Các chuyên gia cho rằng việc Nhật Bản sử dụng cách diễn đạt “hối lỗi sâu sắc” trong Sách Xanh ngoại giao nhằm thể hiện cho thế giới thấy chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng đối diện với lịch sử, trong bối cảnh các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, gây sức ép đòi Nhật Bản phải thành thực hơn nữa về hành động xâm lược trong thời kỳ chiến tranh. Khác với năm trước, Sách Xanh năm nay đã xóa đoạn tuyên bố rằng Nhật Bản và Hàn Quốc “chia sẻ những giá trị cơ bản như tự do, dân chủ và tôn trọng quyền cơ bản của con người”. Động thái này có thể sẽ gây phản ứng từ phía Hàn Quốc, liên quan đến những căng thẳng gia tăng giữa Tokyo và Seoul xung quanh vụ phóng viên tờ Sankei đang bị xét xử với cáo buộc phỉ báng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản coi Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất và việc dùng cụm từ “quốc gia láng giềng quan trọng nhất”
vẫn không thay đổi, và Tokyo sẽ xây dựng quan hệ song phương hướng tới tương lai. Trong khi tái khẳng định quan điểm của Nhật Bản rằng quần đảo Takeshima/Dokdo là lãnh thổ Nhật Bản dựa trên thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương năm 2015, đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 bình thường hóa quan hệ đối ngoại. Liên quan đến Triều Tiên, Nhật Bản thúc giục Bình Nhưỡng nhanh chóng điều tra các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản hồi thế kỷ trước và thông báo cho Tokyo về kết quả của cuộc điều tra toàn diện mới nhất mà Bình Nhưỡng đang tiến hành về số phận tất cả các công dân Nhật Bản ở nước này, bao gồm cả các công dân bị bắt cóc. Vấn đề bắt cóc hiện vẫn là điểm khúc mắc giữa Nhật Bản và Triều Tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Về quan hệ với Trung Quốc, báo cáo nêu rõ Nhật Bản và Trung Quốc là các nước láng giềng có quan hệ mật thiết vì phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, song cũng khẳng định Nhật Bản quyết tâm bảo vệ lãnh thổ cũng như lãnh hải và không phận nước này. Đối với Mỹ, văn bản ngoại giao này tái khẳng định liên minh Nhật – Mỹ là “trụ cột của ngoại giao và an ninh của Nhật Bản” và khẳng định hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề trong khu vực trong bối cảnh Mỹ đang tái cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo trên cũng đề cập cam kết của Nhật Bản đối phó với chủ nghĩa khủng bố sau vụ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc và sát hại các con tin Nhật Bản hồi đầu năm 2015.
Năm 2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (15/4/2016) đã trình “Sách Xanh Ngoại giao năm 2016” lên Nội các nước này, trong đó có nội dung bày tỏ quan ngại về tốc độ quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn và chủ trương sử dụng quân đội trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Sách Xanh Ngoại giao năm 2016 nêu rõ Nhật Bản phải “phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và hòa bình” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông. Nhật Bản cũng “vô cùng quan ngại” về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm sự an toàn cho tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông do phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn năng lượng qua đường biển. Về vấn đề Biển Hoa Đông, Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản nhắc lại rằng nước này quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời chỉ trích tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, văn bản này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ với Bắc Kinh là “một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất”. Về vấn đề Hàn Quốc, Sách Xanh nêu rõ mối quan hệ với Seoul sẽ tiến tới một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ “theo định hướng tương lai” sau khi hai nước ký thỏa thuận song phương năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật trong thời chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản duy trì lập trường cho rằng quần đảo đang tranh chấp với Hàn Quốc Takeshima/Dokdo là phần lãnh thổ của Nhật Bản “dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế”. Về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Sách Xanh của Nhật Bản nêu rõ đây là một “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng” đến sự an toàn của Nhật Bản và làm tổn hại đến hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á, cũng như của cả cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “hối thúc mạnh mẽ nước này thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa”. Bên cạnh đó, Sách Xanh đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga, cho rằng Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy các cuộc thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay về 4 hòn đảo ngoài khơi đảo Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.
Năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida (25/4/2017) công bố Sách Xanh, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc và mối quan hệ Nhật Bản – Mỹ hiện “đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”, đặc biệt khi hoạt động phát triển hạt nhân tại Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp, tạo ra những nguy cơ mới. Tokyo cũng lưu ý Seoul về việc thực thi thỏa thuận năm 2015 giữa hai quốc gia về việc giải quyết vấn đề liên quan tới việc các phụ nữ Hàn Quốc bị ép phục vụ binh lính Nhật Bản thời chiến tranh. Theo Sách Xanh, việc Hàn Quốc tiếp tục cho dựng một bức tượng tưởng niệm những người phụ nữ này ngay bên ngoài tòa lãnh sự Nhật Bản tại Busan, miền Nam Hàn Quốc, sau khi một bức tượng khác được lập lên ngay trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul là một việc làm “đáng tiếc” và đi ngược với thỏa thuận giữa hai bên. Việc làm này khiến Nhật Bản quyết định rút đại sứ tại Hàn Quốc về nước trong vòng 3 tháng kể từ tháng 1/2017 để bày tỏ sự phản đối. Cũng tại thời điểm này, khi cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp diễn ra, một số ứng cử viên cũng kêu gọi xem xét lại thỏa thuận vốn đã đạt được dưới thời Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye. Liên quan tới nhóm đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo, Nhật Bản tuyên bố “không chấp nhận” việc các nghị sĩ Hàn Quốc tới các hòn đảo còn tranh chấp hồi tháng 7/2016. Tokyo cũng cho biết vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư là “không hề có tiến triển”. Trung Quốc vẫn nhiều lần đưa tàu hải cảnh xâm nhập khu vực này khiến căng thẳng leo thang. Đề cập quan hệ với Nga, Sách Xanh nhắc lại thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12/2016 thúc đầy giải quyết các bất đồng nhằm hướng tới việc ký kết một hiệp định hòa bình, bao gồm cả tranh chấp về lãnh thổ. Tuy nhiên, Sách Xanh không đề cập tới hướng giải quyết vấn đề này.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Nhật Bản (25/5/2018) công bố Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2018, trong đó tập trung đề cập tới môi trường an ninh chung quanh Nhật Bản và các chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong năm vừa qua. Về quan hệ với Mỹ, Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng, quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hai nước cùng hợp tác chặt chẽ để đối phó vấn đề bán đảo Triều Tiên. Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng, chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng nhất từ trước tới nay đối với an ninh, hòa bình của Nhật Bản và quốc tế. Về quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc, Nhật Bản nhận định, quan hệ hai nước đã có những cải thiện thông qua hàng loạt cuộc đối thoại cấp cao, cũng như các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Về quan hệ Hàn – Nhật, Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục thể hiện khuynh hướng xem nhẹ Hàn Quốc, tương tự như bài phát biểu năm nay của Thủ tướng Shinzo Abe đã xóa cụm từ “Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng nhất, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược”.Đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ Nhật-Trung thời gian qua, Nhật Bản nhận định quan hệ hai nước đã có những cải thiện thông qua hàng loạt cuộc đối thoại cấp cao, cũng như các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Do đó, Nhật Bản cho rằng hai nước cần phát triển quan hệ song phương trở thành mối quan hệ ổn định và hợp tác hữu hảo dựa trên quan điểm vì đại cục. Ngoài ra, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cho rằng “biển Nhật Bản” là tên gọi duy nhất được công nhận theo điều luật quốc tế.
http://biendong.net/bien-dong/27779-nhat-ban-cong-bo-sach-xanh-ngoai-giao-2019-hoa-diu-hon-voi-trieu-tien.html

Đồng minh nghèo bật báo động đỏ, Đài Loan

sẽ “mất sạch bạn” ở quần đảo Thái Bình Dương?

Do Quần đảo Solomon là đồng minh lớn nhất của Đài Loan ở châu Á Thái Bình Dương nên nếu họ chuyển hướng sang Bắc Kinh nhất định sẽ dẫn đến hiệu ứng domino, 1 quan chức nhận xét.
The Australian ngày 1/5 cho biết, trong cuộc phỏng vấn báo chí mới đây Thủ tướng Quần đảo Solomon – ông Manasseh Sogavare tiết lộ rằng, quốc đảo này đang xem xét về việc có nên chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Được biết, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon nên ông Sogavare tin rằng, Quần đảo Solomon sẽ nhận được lợi ích lớn từ việc chuyển giao ngoại giao này. Hiện nay, Thủ tướng Sogavare cho biết, ông sẽ thảo luận vấn đề này với liên minh cầm quyền và chính phủ mới sẽ công bố lập trường vào thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Solomon nói: “Về nguyên tắc chúng tôi sẽ tôn trọng mối quan hệ ngoại giao [với Đài Loan] nhưng tất nhiên cũng sẽ cân nhắc đến các nhân tố khác, ví dụ, làm thế nào để cả hai bên cùng có lợi trong mối quan hệ đó”.
Trong khi đó, ông James Batley – cựu quan chức ngoại giao của Solomon nhận định, “Solomon là biểu tượng của khu vực này, sự thay đổi quan hệ ngoại giao nếu xảy ra sẽ mang ý nghĩa rất lớn”.
Ông này cho rằng, do quốc đảo này là đồng minh lớn nhất của Đài Loan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nên nếu Solomon chuyển hướng sang Bắc Kinh nhất định sẽ dẫn đến hiệu ứng domino.
Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), chính quyền Đài Loan đã rất “hoảng hốt” trước động thái của Solomon. Vào ngày 2/5, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Sogavare chỉ để thăm dò, cân nhắc quan điểm của bộ phận liên minh cầm quyền.
“Quan hệ Đài Loan – Solomon đang phát triển ổn định, bao gồm kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 và dự án xây dựng các nhà thi đấu do Đài Loan thi công. Các kế hoạch hợp tác về nông nghiệp, y tế, học bổng, năng lượng sạch đều đang tiến hành thuận lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tương tác với mọi tầng lớp ở Solomon, làm sâu sắc tình bạn, tình hữu nghị hai bên”, đại diện cơ quan ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh.
Nhân dân nhật báo dẫn The Daily Telegraph ngày 2/5 cho hay, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương mới đây đã thảo luận vấn đề về cách “tiếp cận tập thể” và nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.
Tổng thư ký Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương Meg Taylor chỉ ra, “việc Trung Quốc mở rộng con đường tơ lụa trên biển ở khu vực này có thể tạo ra cơ hội cung cấp cơ sở hạ tầng và cửa ngõ giao lưu, từ đó kích thích sự hình thành thị trường thương mại mới giữa châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ Latin”.
Trên thực tế, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan (2016) đến nay, đã có 5 quốc gia lần lượt chấm dứt quan hệ với đảo này khiến đồng minh của Đài Loan chỉ còn 17 nước, trong đó, một số nước đã phát đi những tín hiệu tương tự như Solomon.
Trước đây, Đài Loan từng cáo buộc Bắc Kinh dùng chính sách “ngoại giao tiền tệ” để lôi kéo đồng minh của đảo này, tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định, quyết định của các cựu đồng minh của Đài Loan không liên quan đến kinh tế và được xuất phát từ lợi ích quốc gia.
http://biendong.net/doc-bao-viet/27769-dong-minh-ngheo-bat-bao-dong-do-dai-loan-se-mat-sach-ban-o-quan-dao-thai-binh-duong.html

Liên Triều : Mỹ thao dượt THAAD,

Bình Nhưỡng nhắc nhở Seoul thận trọng

Tú Anh
Hôm 24/04/2019, lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc thông báo thao dượt hệ thống tên lửa chống tên lửa THAAD với đầu đạn giả dùng để huấn luyện tại căn cứ Pyeongtaek, một tuần trước đó.Trang mạng tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, Uriminzokkiri, trong bản tin 03/05 công kích hành động « khiêu khích » của Mỹ và cùng lúc kêu gọi Hàn Quốc « thận trọng ».
Trang mạng tuyên truyền của Bình Nhưỡng mô tả cuộc thao dượt của trung đoàn pháo 35 phòng không của Mỹ là hành động « khiêu khích quân sự » nhằm « phá hoại không khí hoà bình, tiến hành âm mưu áp đặt tham vọng bằng sức mạnh ». Uriminzokkiri khuyến cáo Hàn Quốc, nếu không thận trọng, nếu vẫn ủng hộ các hành động thù địch Mỹ thì coi chừng « hệ quả xấu ».
Một trang mạng tuyên truyền khác, Meari, cũng cáo buộc « áp lực quân Mỹ ngày một gia tăng».
Theo nhận định của Yonhap, Bắc Triều Tiên tỏ thái độ bực bội trên đây vào lúc Mỹ-Hàn tăng tốc nâng cao khả năng quân sự trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều về vũ khí hạt nhân vẫn còn bế tắt. Bố trí tên lửa THAAD nằm trong chương trình nâng cấp khả năng chống tên lửa tầm trung-cao đến từ Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190503-lien-trieu-my-thao-dot-thaad-binh-nhuong-khuyen-cao-seoul

TQ trang bị cho Hạm đội Nam Hải loại máy bay ném bom

chiến lược mới H-6J để ứng phó tình hình Biển Đông

Ngày 28.4.2019 vừa qua, trên các trang mạng Trung Quốc đã xuất hiện hình ảnh một chiếc H-6J – biến thể sử dụng cho lực lượng không quân của hải quân được cải tiến mới nhất của loại máy bay ném bom chiến lược H-6 (Hong-6) do Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An (Xian) chế tạo dựa trên nguyên mẫu loại máy bay ném bom TU-16 của Liên Xô cũ.
Chiếc H-6J mang số hiệu 9125 bị lộ hình ảnh này được cho là đang được biên chế trong lực lượng không quân của Hạm đội Nam Hải phụ trách tác chiến ở khu vực Biển Đông.
Theo những nguồn thông tin có được, H-6J được cả tiến từ H-6K với đặc điểm nhận dạng đã thay đổi lớn nhất là số mấu treo tăng từ 6 chiếc ở H-6K lên thành 8 chiếc, có thể gia tăng số lượng vũ khí mang theo; hai đầu cánh mang 2 thùng gây nhiễu điện tử.
Từ tháng 10.2018, báo chí phương Tây đã loan báo, có tin hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận 4 chiếc H-6J từ Tập đoàn Công nghiệp hàng không Tây An.
Sau đó, lại có tin những chiếc H-6J tối tân này sẽ có thể tham gia cuộc duyệt binh của Hải quân Trung Quốc ở Thanh Đảo ngày 23.4 nhưng cuối cùng nó đã không xuất hiện, thay vào đó là loại H-6M nhưng do trời nhiều mây mù nên người ta chẳng hề nhìn thấy bóng dáng của chúng trên bầu trời.
Việc các máy bay H-6J được đưa vào biên chế của Hạm đội Nam Hải, được cho là chủ yếu nhằm đối phó với mối uy hiếp của hải quân nước ngoài trên Biển Đông và bảo vệ an ninh đường biển, đường không ở khu vực này.
Loại máy bay này có thể bao quát toàn bộ vùng trời Biển Đông.
Cũng giống như H-6K, H-6J có thể nhận tiếp dầu trên không. Sau khi được tiếp dầu bán kính tác chiến có thể lên tới trên 4000km, nếu được tiếp dầu 2 lần có thể tiến hành tuần tra khu vực sâu trong Thái Bình Dương nằm giữa Chuỗi đảo thứ Nhất và Chuỗi đảo thứ Hai.
Về mặt vũ khí, H-6J có thể mang theo các loại vũ khí loại mới như tên lửa không đối hạm tầm xa YJ-12 và các loại tên lửa không đối hạm tầm trung YJ-62, YJ-83, YJ-63 (AKD-63); trong đó loại YJ-12 được coi là “Sát thủ tàu sân bay” có đầu nổ chiến đấu nặng 200kg có thể tấn công các hạm tàu, nhất là tàu sân bay từ khoảng cách 300 km (có tin nói 500km).
Theo một video hiện đang lưu hành trên trang mạng Youtube Military New thì: loại máy bay ném bom H-6J được trình làng đã thách thức sự an toàn của các tàu sân bay vì nó có thể tấn công là đánh trúng mục tiêu nhờ loại tên lửa siêu thanh YJ-12 mang theo.
Vào lúc mà quân đội Mỹ xúc tiến chính sách quay trở lại Châu Á – Thái Bình Dương và tăng cường mật độ các chuyến tuần tra ở vùng biển Đông Á, không quân của Hải quân Trung Quốc cũng trình làng một loại máy bay mới – đó là loại máy bay ném bom chuyên dùng chống hạm H-6J.
Loại máy bay này đã giúp tăng cường uy lực sức mạnh của Hải quân Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh.
Theo thông tin nắm được, H-6J có tầm hoạt động tới 8000km, có thể mang theo nhiều tên lửa chống hạm tầm xa YJ-12 có tầm bắn tới trên 500km (!).
Nó có thể bao phủ hoàn toàn vùng biển xung quanh và khoảng giữa Chuỗi đảo thứ Nhất và Chuỗi đảo thứ Hai, là lợi khí của Trung Quốc để bảo vệ vùng biển xung quanh và tấn công các tàu sân bay của kẻ thù.
Trọng điểm phục vụ lớn nhất của H-6J là hành trình vươn tới khu vực cách xa 8000km ở gần Chuỗi đảo thứ Hai; có thể bao phủ một vùng rất rộng bao gồm toàn bộ vùng biển xung quanh Trung Quốc và khu vực giữa hai chuỗi đảo, trở thành mối đe dọa lớn đối với các hạm tàu quân sự và tàu sân bay của nước ngoài hoạt động ở đây.
Theo tin từ giới truyền thông quân sự thì H-6J cùng hệ với loại máy bay ném bom H-6K của không quân hiện vẫn được Trung Quốc sử dụng để tuần tra vùng biển xung quanh. H-6J là biến thể chuyên dụng của Hải quân dùng để thay thế cho các loại H-6K và H-6M.
Khác biệt rõ nhất với các loại kia là hai đầu cánh của nó có mang các thùng thiết bị tác chiến điện tử; có thể nhận tiếp dầu trên không để tăng thêm hành trình lên tới 8000km; số lượng vũ khí mang theo cũng gia tăng; động cơ cũng được chuyển sang loại turbin phản lực D30 của Nga.
Tin tức cho biết, H-6J có thể mang 6 quả tên lửa chống hạm YJ-12, gấp 3 lần so với 2 loại H-6K và H-6M vốn chỉ mang được 2 quả cùng loại.
Được biết loại tên lửa YJ-12 phiên bản chống hạm phóng từ trên không có tốc độ 4Mach, tầm bắn hơn 400km, có khả năng đánh chặn từ xa, phát động tấn công từ khoảng cách hơn 400km nhờ hệ thống phòng ngự được giám sát bằng hệ thống radar Lá chắn vũ trụ, tạo thành mối đe dọa lớn đối với các tàu sân bay đối phương.
So với các loại H-6 trước đây, H-6J đã được nâng cao năng lực tác chiến điện tử, có đầy đủ năng lực chuỗi tác chiến điện tử, được chi viện bởi hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu ( Beidou ) giúp nâng cao độ chính xác đánh trúng mục tiêu.
Hệ thống gây nhiễu điện tử được lắp đặt đã nâng cao khả năng tự bảo vệ của H-6J trong môi trường điện từ cao.
Báo chí Mỹ cho rằng Trung Quốc bố trí H-6J có phạm vi tác chiến bao trùm toàn bộ Biển Đông. Trang web Học giả ngoại giao của Mỹ đưa tin lực lượng không quân của Hải quân Trung Quốc đã nhận được các máy bay ném bom H-6J mang tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An chế tạo.
Qua phân tích các hình ảnh chụp được qua vệ tinh cho thấy đợt 4 chiếc đầu tiên đã xuất hiện tại căn cứ không quân X của hải quân hồi đầu tháng 9.2018. Chúng là phiên bản dùng cho Hải quân của loại H-6K sau khi đã nâng cấp.
Tin cho biết, loại H-6J này rất có thể được dùng để thay thế cho loại H-6G đã được cải tiến để trang bị cho không quân của Hải quân Trung Quốc hồi đầu thập niên 1990.
Hiện nay, Hạm đội Nam Hải có khoảng 14 đến 18 chiếc H-6G. So với H-6G, H-6J có thể mang số lượng tên lửa chống hạm nhiều gấp 3, bán kính tác chiến tăng thêm 50%, đạt tới 3.500km.
Tin cho biết, các máy bay ném bom H-6J mới của không quân hải quân này có thể trực thuộc không quân Hải quân Chiến khu miền Nam. Nhờ vào việc mở rộng phạm vi tác chiến, những máy bay này sẽ có thể được tiếp dầu 2 lần để làm nhiệm vụ xuất kích tuần tra toàn bộ vùng trời Biển Đông .
Các thông tin cho biết H-6J được nâng cấp bao gồm toàn bộ thân máy bay được chế tạo bằng loại vật liệu phức hợp mới nhẹ hơn, được lắp động cơ phản lực turbine kiểu mới DPP-30-KP2 tiết kiệm dầu, hệ thống thiết bị điện tử hàng không tiên tiến và khoang lái kính chịu lực đúc.
H-6J còn được trang bị loại radar sục sạo mặt nước tầm xa kiểu mới và thiết bị ngắm quang điện dùng để tìm khóa mục tiêu.
H-6J là phương tiện chủ yếu sử dụng cho tác chiến chống tàu mặt nước. H-6J có thể mang theo 7 quả tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm, trong đó 6 quả treo trên các mấu ngoài, 1 quả để trong khoang chứa bom.
Một số thông số kỹ thuật của loại máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc:
- Chiều dài: 34,8m
- Sải cánh: 33m
- Chiều cao: 10,36m
- Diện tích cánh: 165m2
- Trọng lượng rỗng: 37.200kg
- Tải trọng: 76.000kg
- Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 75.800kg
- Động cơ: 2 động cơ turbine phản lực WS8, 93,2kN
- Tốc độ lớn nhất: 1.050km/h
- Bán kính chiến đấu: 1.800km
- Hành trình: 6000km
- Trần bay: 12.800m
- Phi hành đoàn: 6 người (H-6K: 4 người)
- Giá thành: 16 triệu USD/chiếc
Bắt đầu bay thử: ngày 24.12.1968. Đưa vào biên chế: tháng 2.1969.
Số lượng đã sản xuất: từ 162 đến 180 chiếc. Ngoài không quân và hải quân Trung Quốc, được biết trước đây Iraq và Ai Cập cũng đã mua H-6 nhưng đều đã loại khỏi biên chế.
http://biendong.net/diem-tin/27773-tq-trang-bi-cho-ham-doi-nam-hai-loai-may-bay-nem-bom-chien-luoc-moi-h-6j-de-ung-pho-tinh-hinh-bien-dong.html

Sau dịp kỷ niệm ngày thành lập hải quân,

TQ sẽ thúc đẩy hoạt động tập trận chung

với ASEAN và các nước

Sau cuộc duyệt binh quốc tế nhằm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân hôm 23/4 vừa qua, giới quan sát quân sự các nước nhận định Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động tập trận chung song phương, đa phương với ASEAN và các nước, như đã từng tổ chức năm 2018.
Việc tập trận chung giữa TQ và các nước trước đây
Bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc chủ động đề xuất tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, nhằm “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro” như giới quân sự nước này thông báo. Do một số nước thành viên ASEAN từ chối tham gia với lý do“Trung Quốc muốn tập trận ở vùng biển có chủ quyền chồng lấn”, tức là ở các khu vực tranh chấp, nên đề xuất của Trung Quốc không được thực hiện. Đến năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đề nghị các nước ASEAN tập trận chung với “mục đích” là nhằm giảm nguy cơ xung đột, song cũng chưa có nước nào đồng ý tham gia. Mãi đến tháng 10/2017, theo lời mời của Trung Quốc, nước này và 6 nước ASEAN (gồm Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Myanmar và Lào) đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, với tình huống giả định là vụ va chạm giữa một tàu chở khách Trung Quốc với một tàu hàng lớn của Campuchia ở trên biển. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia không tham gia cuộc tập trận này.
Ngày 22/10/2018, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông mới diễn ra ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cuộc tập trận do hải quân Singapore, nước hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018 và hải quân Trung Quốc đồng tổ chức.Theo đài truyền hình CCTV, 8 tàu chiến đã rời cảng Trạm Giang cùng với 1.200 binh lính của 11 nước tham gia cuộc tập trận. Theo kế hoạch, một cuộc tập trận tương tự giữa ASEAN và Mỹ cũng sẽ diễn ra vào năm 2019.
Sáng 13/3/2019, tập trận “Rồng vàng” năm 2019 giữa quân đội Campuchia – Trung Quốc chính thức bắt đầu tại trường bắn đạn thật huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot. Lễ khai mạc cuộc diễn tập “Rồng vàng” năm 2019 được tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh Quân đội hoàng gia Campuchia, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên, Thiếu tướng Phong Hương, Phó Tham mưu trưởng lục quân, Quân khu miền Nam, Quân đội Trung Quốc. Tại cuộc diễn tập lần này, phía Trung Quốc đã cử các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia bao gồm các lực lượng đặc nhiệm, không quân, lục quân, công binh, pháo binh, tăng thiết giáp…, với tổng quân số là 252 người và các phương tiện, trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng, pháo cối… Lực lượng Campuchia tham gia tập trận gồm 2.542 người, trong đó số quân trực tiếp tham gia tập trận là 382 người, lực lượng hậu cần là 448 người, và 1.685 người tham dự lễ khai mạc và bế mạc.
Hải quân Trung Quốc sẽ cũng hải quân Nga tổ chức tập trận hải quân “Tương tác trên biển – 2019” từ ngày 29/4 đến ngày 4/5/2019 tại cảng Thanh Đảo và vùng lãnh hải của Trung Quốc. Phía Nga có tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu hộ tống The Perfect và tàu đổ bộ cỡ lớn “Oslabia” tham gia. Cuộc tập trận hải quân này được tổ chức thường niên kể từ năm 2012 tại các vùng biển khác nhau trên thế giới.
Ý đồ không thay đổi của Trung Quốc trong các cuộc tập trận này
Đầu tiên, Trung Quốc muốn thông qua các sự kiện quốc phòng như vậy để hướng lái dư luận rằng Trung Quốc và các nước sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”. Thứ hai, các cuộc tập trận chung sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Thứ ba, nước này sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Cuối cùng, Trung Quốc muồn dùng các cuộc tập trận chung để xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước.
http://biendong.net/bien-dong/27782-sau-dip-ky-niem-ngay-thanh-lap-hai-quan-tq-se-thuc-day-hoat-dong-tap-tran-chung-voi-asean-va-cac-nuoc.html

Tại diễn đàn hợp tác “Vành đai, con đường” lần thứ thứ hai,

 TQ tiếp tục tìm cách ve vãn, lôi kéo Philippines

Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai, con đường” lần thứ thứ hai tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 25/4. Trung Quốc tiếp tục tìm cách ve vãn, lôi kéo Philippines.
Những lời “đường mật” dành cho nhau
Trong cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục giành những lời đường mật nhất cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ông Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ song phương Trung Quốc – Philippines đã đạt được bước ngoặt tích cực, củng cố và nâng cao trong ba năm qua và đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.Các sự kiện đã chứng minh rằng duy trì sự láng giềng tốt đẹp và tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines theo kịp xu hướng lịch sử, phù hợp với kỳ vọng của người dân và là lựa chọn đúng đắn duy nhất.
“Tôi muốn sát cánh cùng Tổng thống và tiếp tục đưa ra các mối quan hệ song phương theo hướng đúng đắn từ góc độ chiến lược và dài hạn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết. Ông kêu gọi hai bên tuân thủ định hướng chung hướng tới sự láng giềng tốt đẹp và hữu nghị, tạo ra một khuôn khổ lớn để cùng theo đuổi sự phát triển chung, phát huy trí tuệ sâu sắc về xử lý sự khác biệt và nắm bắt xu hướng chung của sự phát triển toàn cầu.Trung Quốc sẵn sàng tăng cường sức mạnh tổng hợp của các chiến
lược phát triển với Philippines, tạo ra những điểm nhấn hợp tác trong khuôn khổ cùng xây dựng “Vành đai, con đường” và thúc đẩy kết nối và phát triển cho Trung Quốc và Philippines cũng như cho tất cả các nước trong khu vực.
TQ sẽ tiếp tục ủng hộ Duterte trong cuộc chiến chống ma túy
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không quên nhắc nhở “Hai nước nên tôn trọng lời hứa của mình, mang tinh thần hợp tác, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và tăng cường hợp tác hàng hải”. Đổi lại, “Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nguyên nhân chính đáng của người dân Philippines trong các lĩnh vực như chống ma túy và chống khủng bố”, ông Tập nói.
Đổi lại, Philippines sẽ tuân thủ chính sách đối ngoại độc lập
Về phần mình để làm yên lòng Bắc Kinh, Tổng thống Duterte khẳng định “Trung Quốc là một người bạn lâu dài và đáng tin cậy của Philippines và Philippines sẽ tuân thủ chính sách đối ngoại độc lập”. Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình để vượt lên trên những xáo trộn và giữ vững niềm tin vững chắc để hợp tác thân thiện chiếm ưu thế trong quan hệ song phương. Philippines sẵn sàng xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải để không ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ song phương, ông nói. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến ​​việc ký kết các văn bản hợp tác song phương.
http://biendong.net/bien-dong/27784-tai-dien-dan-hop-tac-vanh-dai-con-duong-lan-thu-thu-hai-tq-tiep-tuc-tim-cach-ve-van-loi-keo-philippines.html

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa: Lấy làm tiếc

vì vấn đề Biển Đông ảnh hưởng quan hệ Trung – Anh

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đang ở thăm Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (25/4) cho biết, Trung Quốc “rất đáng tiếc vì vấn đề Biển Đông đã gây phương hại cho các mối quan hệ giữa hai nước”.
Theo ông Hồ Xuân Hoa, “thật đáng tiếc vì kể từ tháng 8 năm ngoái các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã chứng kiến những biến động vì vấn đề Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) và các cuộc đối thoại giữa hai chính phủ cũng như các dự án hợp tác bị ngưng trệ”.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tán đồng các phát biểu của phó thủ tướng Trung Quốc, cho rằng có “một số khó khăn trong việc thúc đẩy một mối quan hệ tích cực mà các nhà lãnh đạo của hai bên đã đề ra”, đồng thời tái khẳng định Anh vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông.
Trong những năm gần đây,tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Anh liên tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán trong việc ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và kiên quyết bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật quốc tế và quân sự hóa trong khu vực.
Quan chức cấp cao của Anh đã nhiều lần tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông và cam kết bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực, cụ thể: Phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Anh Theresa May (31/8/2017) tuyên bố ổn định ở khu vực Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu và thúc giục các bên có một giải pháp hòa bình cho những khác biệt tại khu vực này. Trước đó, cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế. Ông David Cameron (25/5/2016) đã mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết mà Tòa trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra trong một vài tuần tới liên quan tới vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, ông David Cameron (28/7/2015) cũng đưa ra tuyên bố rất quan ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông và những ảnh hưởng có thể có đối với hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như sự thịnh vượng của toàn cầu; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình cũng như việc sử dụng tự do, hợp pháp và không bị cản trở các vùng biển và đại dương trên thế giới; đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên giải quyết các bất đồng về hàng hải và các vấn đề khác theo tinh thần của luật pháp quốc tế và UNCLOS. Trong cùng năm 2015, khi thăm Ban Thư ký ASEAN, Thủ tướng Anh David Cameron (27/7/2018) nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS và nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông.
Trong khi đó, phát biểu trên tàu HMS Sutherland trong chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh “Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn”. Ông Gavin Williamson cho biết lý do Anh đưa các tàu chiến tới thăm và tuần tra ở Biển Đông là nhằm gửi thông điệp rằng các nước phải “chơi” theo đúng luật”, nhấn mạnh những quan ngại tại khu vực đang gia tăng khi có thêm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa kể đến việc ngăn cản quyền tiếp cận, tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đầu năm 2018, khi trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng nêu tầm quan trọng của việc khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và nhấn mạnh Hải quân Anh sẽ bảo vệ các quyền này để phục vụ cho vận tải quốc tế cùng với hải quân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon (27/7/2017) cho biết Anh sẽ gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực Biển Đông bằng cách gửi tàu chiến tham gia tuần tra chung với Mỹ tại đó vào năm 2018 và mục đích của việc tham gia tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông là thực hiện quyền tự do hàng hải của Anh ở đây.
Trong bài phát biểu tại Jakarta vào tháng 8/2018, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Á và Thái Bình Dương của Anh, ông Mark Field cho biết, Anh cam kết một sự hiện diện an ninh lâu dài ở châu Á và kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trong đó bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague năm 2016, đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc và bác bỏ cái gọi là “Đường 9 đoạn” của nước này ở Biển Đông.
Đáng chú ý, trong vai trò là một trong những nước thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Anh đã nhiều lần đi đầu trong việc thúc đẩy các nước thông qua Thông cáo chung thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông. Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 (4/2016), trong thông cáo chung, lãnh đạo G7 đã cùng bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng ngày càng nghiêm trọng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và xử lý các bất đồng một cách hòa bình và phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực. Đáng chú ý, tại Tuyên bố chung Hiroshima nhấn mạnh: “Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 quan ngại về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; cho biết các nước G7 phản đối mạnh mẽ bất kỳ những hành động đơn phương nào mang tính đe dọa, cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng; đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh các hành động như bồi lấp, bao gồm bồi lấp trên quy mô lớn, xây dựng và sử dụng các công trình cho mục đích quân sự. Thay vào đó, các bên cần hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và kêu gọi các nước tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2017, Tuyên bố chung khẳng định các thành viên G7 cam kết “duy trì trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế”, kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài. Nhóm cũng nhất trí hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá trên “các thực thể tranh chấp”, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018, Thông cáo chung một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với các hành động đơn phương có thể gây leo thang căng thẳng và gây tổn hại đến ổn định khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hối thúc tất cả các bên thực hiện việc phi quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp ở khu vực.
Những năm qua, để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Anh đã nhiều lần cử các loại tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vưc. Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018. Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion (31/8) do Đại tá Hải quân Tim Neild chỉ huy đã đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc. Tàu hải quân Hoàng gia HSM Albion là loại tàu tấn công đổ bộ, dài 176 m, rộng 28,9 m, có tải trọng gần 18,8 tấn, đoàn thuỷ thủ trên tàu gồm 353 người, ngoài ra còn một đơn vị thuỷ quân lục chiến với tổng số 202 người.
Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử một số tàu chiến như tàu hộ vệ HMS Sutherland F81, tàu hộ vệ FS Surcouf (F-711), tàu chiến HMS Sutherland… tuần tra ở Biển Đông. Trước đó, trong năm 2016, Anh cũng điều 4 phi cơ Typhoon bay qua Biển Đông nhằm tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Trong khi đó,Trung Quốc bao biện cho hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông, liên tục chỉ trích các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”. Trong khi phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định tàu HMS Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các luật và thông lệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” và bày tỏ “thái độ không hài lòng”, thậm chí còn gọi đây là “hành động khiêu khích”. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (25/9) đã đề nghị Anh cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, bày tỏ hy vọng Anh sẽ hiện thực hóa cam kết và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Trên thực tế, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/27781-pho-thu-tuong-trung-quoc-ho-xuan-hoa-lay-lam-tiec-vi-van-de-bien-dong-anh-huong-quan-he-trung-anh.html

Tân quốc vương Thái đăng quang:

Làm sao thoát khỏi bóng của vua cha

Anh Vũ
Binh sĩ Thái Lan trong y phục truyền thống nhân lễ đăng quang Tân Vương Thái Lan tại Bangkok, ngày 03/05/2019.
The Committee on Public Relations of the Coronation of King Rama
Ngày mai, 04/05/2019, một sự kiện trọng đại diễn ra tại Thái Lan, tân vương Maha Vajiralongkorn, chính thức đăng quang nối ngôi vua cha quá cố Bhumibol, người đã trị vì Vương quốc Thái trong suốt hơn 70 năm. Sự kiện được giới quan sát chú ý với câu hỏi : Liệu tân vương Thái có hoàn thành sứ mệnh mà vua cha gây dựng, trong bối cảnh chính trị Thái thường xuyên bất ổn ?
Hơn một tháng sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 12/10/2016, hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn, được Hoàng Cung Thái Lan suy tôn làm quốc vương Rama X của vương triều có lịch sử 234 năm và trở thành nguyên thủ của Vương Quốc Thái Lan dưới thể chế quân chủ lập hiến.
Nhà vua Rama đời thứ 10 sẽ có quyền ký ban hành luật, chứng kiến các quan chức tuyên thệ nhậm chức và giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Thái Lan cũng như là biểu tượng tinh thần của đất nước.
Trước khi lên nối ngôi cha, hoàng thái tử Vajiralongkorn có cuộc sống vương giả xa hoa, chủ yếu ở nước ngoài, tự do theo đuổi những sở thích riêng. Ông sống xa rời cuộc sống hoàng gia, không mấy quan tâm đến thời cuộc của đất nước.
Bởi thế mà ngay từ khi nhận lời lên nối ngôi vua tháng 12/2016, nhiều nhà quan sát đã tỏ nghi ngờ về vai trò của tân vương đối với nền quân chủ Thái Lan đang gặp nhiều biến động trong nhiều năm gần đây.
Nhiều ý kiến cho rằng Thái tử Vajiralongkorn sẽ gặp nhiều khó khăn để có được uy quyền và danh tiếng như vua cha. Bởi nhà vua Bhumibol được coi là người có ảnh hưởng tới nền chính trị Thái Lan trong nhiều thập kỷ trị vì vương quốc.
Vua Bhumibol từng được yêu mến rộng rãi nhờ việc khôi phục lại định chế hoàng gia cũng như việc tạo ra ảnh hưởng quyết định đến các phe phái chính trị ở Thái Lan. Ông được dân Thái tôn sùng như là “Phật sống”.
Trong nhiều năm trị vì, ông thi hành nhiều chính sách cải thiện cuộc sống người dân, đưa đất nước phát triển và không ít lần vượt qua các cuộc khủng hoảng chính trị.
Từ khi tuyên bố chấp thuận kế nhiệm ngai vàng của Vua cha, dù chưa chính thức đăng cơ nhưng tân Quốc Vương Rama X đã có những bước đi được đánh giá là nhằm xóa mờ những dị nghị của giới quan sát về khả năng cai quản vương quốc. « Một trong những thay đổi ấn tượng nhất là tổ chức lại Hoàng Gia », như nhận xét của chuyên gia Michael Vatikiotis, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Đối thoại Nhân đạo.
Ngay từ năm 2017, nhà vua đã ra quyết định nắm Cục Tài Sản Hoàng gia (CPB), quản lý một tài sản ước tính khoảng từ 30 đến 60 tỷ đô la. Khối tài sản này, trước đây do một bộ trưởng Tài Chính có chân trong Hội Đồng Hoàng Gia, quản lý.
Vua Rama 10 đã sa thải một số viên chức được cho là có thế lực trong hoàng cung dưới thời cha mình vì tội biển thủ. Có không ít nhân vật trong hoàng gia hoặc bị sa thải, hoặc bị bỏ tù vì tư lợi, tham ô công quỹ.
Tân vương Vajiralongkorn cũng đã cho tăng cường hệ thống an ninh, tăng gấp 4 lần số lượng cảnh sát tinh nhuệ vào đội bảo vệ hoàng gia. Con số lực lượng này, theo AFP, sẽ lên tới hơn 1.600 người từ nay đến năm 2023.
Cũng như ở nhiều nền quân chủ lập hiến khác, nhà vua có vai trò là người bảo đảm sự đoàn kết, ổn định quốc gia. Với một đất nước như Thái Lan, từ năm 1932 đến nay đã trải qua 12 cuộc đảo chính quân sự, thì vai trò này của nhà vua là hết sức quan trọng, đòi hỏi một người có tầm ảnh hưởng lớn trong mọi giới chức, tầng lớp xã hội cho dù nhà Vua chỉ thực thi ảnh hưởng của mình từ bên trong chính trường.
Trên vai trò này, tân Quốc vương Rama X đã có những bước đi cụ thể. Năm 2017, ông cho sửa đổi Hiến Pháp, xóa bỏ quyền can dự của chính phủ vào nội dung một số chiếu chỉ của triều đình.
Gần đây nhất, Vua Vajiralongkorn cũng đã hai lần tỏ thái độ can dự vào cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 3 vừa qua, đây là cuộc tuyển cửa đầu tiên từ sau vụ đảo chính quân sự 2014. Đầu tiên là việc nhà vua thẳng thừng phản đối việc em gái ông, công chúa Ubolratanan, ra ứng cử chức thủ tướng dưới màu cờ của đảng thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đồng thời là đối thủ không đội trời chung của chính quyền quân sự hiện nay.
Tiếp đó, trước ngày bầu cử, Vua Vajiralongkorn lên tiếng kêu gọi người dân Thái bầu chọn « những người xứng đáng » để tránh đất nước « rơi vào hỗn loạn ». Những tuyên bố như vậy đã được nhiều nhà phân tích đánh giá như là một sự ủng hộ ngầm với giới quân sự.
Còn một câu hỏi lớn khác được dư luận đặt ra lúc này cho tân quốc vương Thái là liệu nhà vua Vajiralongkorn có tìm cách cải thiện hình ảnh bằng việc giảm nhẹ áp dụng luật phạm thượng khi quân, một trong những bộ luật hà khắc nhất thế giới ? Một dấu hiệu để hy vọng là từ cuối năm 2017, không có bản án mới nào về tội danh này được tuyên ở Thái Lan. Bên cạnh đó nhiều người bị án vì cáo buộc trên cũng đã được ân xá.
Người dân Thái đang hy vọng vào vị Quốc Vương mới và hình ảnh biểu tượng của tân Vương Thái cũng mới đang được xây dựng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190503-tan-quoc-vuong-thai-dang-quang-lam-sao-de-thoat-khoi-cai-bong-cua-vua-cha

Sprzypski là người nước ngoài đầu tiên bị tù

vì tội phản quốc ở Indonesia

Một du khách Ba Lan vừa bị kết án năm năm tù ở Indonesia vì tội âm mưu ‘phản quốc’ với phiến quân ở miền đông nước này.
Jakub Skrzypski, 39 tuổi, bị bắt tại tỉnh Papua hồi tháng 8/2018
Chính quyền dùng luật về tội phản quốc (treason) để xử ông, và nêu ra cáo buộc người Ba Lan là đã liên lạc với những nhóm ly khai ở địa phương.
Simon Magal, sinh viên người Papua, người đã gặp và liên lạc với Skrzypski trên Facebook cũng bị tù bốn năm.
Ông ấy là du khách và chỉ gặp những người bạn mà ông quen trên mạngBà Latifah Anum Siregar, Luật sư
VN làm gì để bảo vệ ngư dân bị Indonesia bắt?
Hai ngư dân VN ‘bị oan’ ra tòa ở Indonesia
Tàu kiểm ngư VN ‘đụng độ’ khi Indonesia bắt ngư dân
Indonesia sẽ chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta
Ông Skrzypski phủ nhận ông có âm mưu chống lại nhà nước và khẳng định mình chỉ là khách du lịch.
“Tôi không có cơ hội để lên tiếng bảo vệ hoặc đưa ra bất kỳ bằng chứng ủng hộ nào. Tôi chối bỏ phiên tòa cũng như phán quyết,” ông nói với BBC trong một tin nhắn.
Latifah Anum Siregar, luật sư của Skrzypski, cho biết bà sẽ kháng cáo quyết định này.
“Ông ta là người nước ngoài đầu tiên bị kết tội phản quốc ở Indonesia và bị kết tội cùng với bạn mình,” bà nói với BBC.
“Ông ấy là du khách và chỉ gặp những người bạn mà ông quen trên mạng và những người khác mà ông được giới thiệu gặp hóa ra là những nhà hoạt động,” bà nói thêm.
Cảnh sát ban đầu cáo buộc Skrzypski cố gắng đạt thỏa thuận mua bán vũ khí, nhưng điều này không được nêu ra tại phiên tòa.
Tại sao Skrzypski bị bắt?
Skrzypski đi du lịch ở Papua thì gặp các thành viên của Ủy ban Quốc gia về Tây Papua. Mục đích đã nêu của họ là vận động theo cách không bạo lực cho một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập.
Indonesia: Widodo tìm nhiệm kỳ hai
Indonesia bắt lại một công dân Mỹ trốn tù Bali
Indonesia: Gia đình năm người đánh bom đồn cảnh sát
Nhóm này không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng việc treo cờ độc lập Papua hoặc tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý là bất hợp pháp, theo luật nước cộng hòa Indonesia.
Sau khi bị bắt, cảnh sát buộc tội ông gia nhập nhóm mang tên ‘Quân đội Giải phóng Quốc gia Tây Papua’, một trong bốn tổ chức ly khai của tỉnh này.
Phát ngôn viên của cảnh sát Papua nói với BBC Indonesia rằng họ có bằng chứng cho thấy ông ấy có liên quan đến việc mua bán vũ khí.
“Ông ấy có liên quan đến vụ việc mua bán đạn dược cho họ.”
Skrzypski nhất quyết phủ nhận những cáo buộc này.
“Chuyến đi của tôi không phải là bí mật. Tôi chỉ thăm bạn bè. Cuộc xung đột này không liên quan gì đến tôi. Tôi thậm chí không biết gì về nó.”
Quân đội và cảnh sát Indonesia từ lâu đã theo dõi và có các biện pháp canh chừng người nước ngoài liên lạc với người dân Papua.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48153085

Sri Lanka : Cảnh sát cảnh báo nguy cơ khủng bố mới

Mai Vân
Theo tin AFP ngày 03/05/2019, chính quyền Sri Lanka cảnh báo là các phần tử Hồi Giáo cực đoan có kế hoạch tấn công cầu ở thủ đô Colombo. Một số người liên quan đến vụ tấn công nhân lễ Phục Sinh vẫn còn tự do.
Cảnh sát xác nhận là đã cho tăng cường lực lượng chung quanh thủ đô và cũng yêu cầu Hải Quân Sri Lanka tăng tàu tuần tra trên các con sông. Theo báo cáo tình báo, các chiếc cầu ở Colombo có thể mục tiêu tấn công mới.
Quân đội Sri Lanka cho biết lập ban chỉ huy đặc biệt nhằm phối hợp chiến dịch chống thánh chiến và đồng thời triển khai thêm quân trong các chiến dịch khám soát, truy lùng thủ phạm.
Trong các cuộc khám soát đêm qua, họ đã tịch thu được chất nổ và vũ khí từ nhiều nơi, nhưng đó là của giới tội phạm chứ không phải thánh chiến.
Theo chính quyền Sri Lanka, cảnh sát và quân đội vẫn truy tìm 4 kẻ khủng bố trong vụ tấn công nhà thờ và khách sạn vào lễ Phục Sinh.
Giáo hội Công Giáo, hôm thứ Năm thông báo hủy bỏ việc mở lại nhà thờ cho các lễ Chủ Nhật như đã mong muốn trước đây, do tình hình nguy hiểm trước mắt.
Riêng về các trường học, theo AFP, nếu các trường công dự kiến mở lại vào thứ Hai tới trong sự kiểm soát an ninh chặt chẽ, thì các trường Công Giáo được lệnh đóng cửa vô thời hạn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190503-sri-lanka-canh-sat-canh-bao-nguy-co-khung-bo-moi

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.