Tin Biển Đông – 19/05/2019
Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019
05:54
//
Biển Đông
,
Slider
Bất chấp cảnh báo của Mỹ,
TQ tung tin đóng tàu khủng tuần tra Hoàng Sa
Với lượng choán nước lên tới 1.900 tấn, tàu tuần tra mới có kích thước còn lớn hơn một tàu hộ vệ tên lửa lớp Type 056 của hải quân. Mỹ từng cảnh báo ‘đối xử như nhau’ với tàu quân sự hay bán quân sự của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cho thấy họ không từ bỏ tham vọng tăng cường hiện diện tại các khu vực chiếm đóng trái phép bằng lực lượng dân sự và bán quân sự.
Đơn hàng mới được thực hiện theo yêu cầu của cái gọi là “Cục thực thi luật hàng hải Tam Sa” đặt trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, trị giá 23,5 triệu USD mỗi chiếc.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, tàu tuần tra mới sẽ do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đóng với chiều dài lên tới 102m, lượng choán nước 1.900 tấn.
Con tàu được biên chế thủy thủ đoàn 50 người, tốc độ tối đa 23 hải lý/h, tốc độ hành trình 18 hải lý/h, tầm hoạt động lên tới 6.000 hải lý (khoảng 11.100km).
Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa đặt trên đảo Phú Lâm. Trong một kế hoạch 5 năm được công bố năm 2016, chính quyền của thực thể do Trung Quốc dựng lên bất hợp pháp tuyên bố có kế hoạch sở hữu đội tàu tuần tra cỡ lớn lên tới 20 chiếc.
Cùng lúc, Thời Báo Hoàn Cầu – tờ báo chính thức của Bắc Kinh, loan tin nước này đã chính thức sở hữu 20 khu trục hạm hiện đại Type 052D trong biên chế. Hai tàu khu trục loại này đã được hạ thủy chỉ trong một ngày tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên ngày 10-5.
Ông Zhou Chenming, một nhà phân tích tại Bắc Kinh, nhận định việc Trung Quốc đóng tàu với tốc độ như gà đẻ trứng một phần nhờ vào giá thành nguyên liệu thô đang trong giai đoạn rẻ, chẳng hạn như thép.
Giới quan sát nhận định việc Bắc Kinh liên tục đóng các tàu tuần tra cỡ lớn là để thực thi các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên Biển Đông. Trung Quốc tin rằng việc sử dụng các tàu này có thể giữ căng thẳng trong mức kiểm soát nếu xảy ra xung đột với các nước khác.
Tuy nhiên một thông điệp mới đây của đô đốc Mỹ John Richardson có thể sẽ khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh cân nhắc lại. Ông Richardson nhấn mạnh hải quân Trung Quốc, hải cảnh Trung Quốc và các tàu thuộc lực lượng “dân quân biển” sẽ bị Mỹ đối xử như nhau trong bất kỳ tình huống va chạm nào.
Xu Liping, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, tiết lộ Bắc Kinh đang sử dụng cách tiếp cận nước đôi trong vấn đề Biển Đông.
“Đàm phán với ASEAN để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực trước, sau đó đàm phán song phương với từng nước để giải quyết vấn đề chủ quyền các đảo và quần đảo tranh chấp”, ông Xu chỉ ra chiến lược của Bắc Kinh.
Biển Đông : Malaysia chống chiến thuật
« chia rẽ Đông Nam Á » của Bắc Kinh
Sau Philippines, Malaysia là mục tiêu thứ hai của Trung Quốc trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte. Theo South China Morning Post hôm 18/05/2019, Kuala Lumpur từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Phát biểu trên đài phát thanh độc lập Malaysia BFM 89.9 hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla cho biết sẽ không có chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, xung khắc chủ quyền tại Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán đa phương, và Trung Quốc phải đàm phán với 10 nước ASEAN.
Theo các nguồn tin riêng của South China Morning Post , « Bắc Kinh đã gợi ý với Kuala Lumpur thành lập một cơ chế tham khảo song phương » để hai bên thảo luận « riêng với nhau » những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Ngoại trưởng Malaysia bác bỏ ý kiến này. Ông giải thích : Đó là chiến thuật của Bắc Kinh đàm phán riêng với từng nước nhỏ ở Đông Nam Á theo kiểu lấy thịt đè người để rồi khi họp chung lại, ASEAN bị phân hóa lập trường, không thảo luận chung được, cuối cùng chỉ thụ động thông qua theo ý Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật « chia để trị » với Kuala Lumpur nhằm vô hiệu hóa Malaysia, như đã thành công trong việc trói tay Philippines của tổng thống Duterte trong hồ sơ Biển Đông. Philippines bỏ qua một bên chiến thắng trên mặt luật pháp quốc tế, đánh đổi chủ quyền quốc gia để được tài trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, South China Morning Post nhắc lại.
Tuy nhiên, Trung Quốc đụng phải lập trường cứng rắn của Kuala Lumpur từ khi thay đổi đa số cầm quyền.
Thời thế cũng thuận lợi hơn cho các nước Đông Nam Á.
Được South China Morning Post đặt câu hỏi, chuyên gia Trung Quốc Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, phân tích : Chiến tranh thương mại với Mỹ buộc Trung Quốc tìm cách tạo thế bình ổn với các nước láng giềng, nhưng chiến thuật « chia để trị » có khả năng đụng phải sự đề kháng của Malaysia.
Với sự lãnh đạo của thủ tướng Mahathir, Kuala Lumpur thấy rõ tình hình sáng sủa hơn và lợi thế của Malaysia so với Trung Quốc. Do vậy, không có lý do để thảo luận riêng với Bắc Kinh.
0 nhận xét