Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 01/05/2019

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019 19:13 // ,

Đọc báo Pháp – 01/05/2019

Trung Quốc tuồn khí HFC

gây hiệu ứng nhà kính cao vào châu Âu

Như thông lệ, báo viết Pháp nghỉ lễ Lao Động hôm nay, 01/05/2019. Trên các quầy, tờ báo mới duy nhất là Le Monde, phát hành từ chiều hôm qua. Tờ báo dành tựa lớn trang nhất – « Các biện pháp Macron sẽ tốn 17 tỷ » – phân tích các biện pháp cải thiện thu nhập của người dân được tổng thống Pháp loan báo. Tuy nhiên, đáng chú ý là một bài viết về khí hậu, báo động nạn « buôn lậu trên quy mô lớn khí HFC vào châu Âu », mà nơi xuất phát chính là Trung Quốc !
Đối với Le Monde, nạn buôn lậu khí HFC rất đáng lo ngại vì lẽ các loại khí này, chủ yếu được dùng trong các thiết bị làm lạnh như tủ lạnh, máy điều hòa không khí…, có thể độc hại gấp 15.000 lần khí CO2 trong việc gây nên hiệu ứng nhà kính, và làm khí hậu toàn cầu nóng lên. Trong thời gian qua, các loại khí làm lạnh này đã được nhập một cách bất hợp pháp vào Liên Hiệp Châu Âu, bất chấp mức quota đã được quy định.
Tờ báo trích dẫn một bản báo cáo của hiệp hội mang tên Cơ Quan Điều Tra Môi Trường (EIA), trụ sở tại Anh Quốc, tố cáo một tình trạng buôn lậu trên quy mô to lớn, với « hàng tấn khí HFC (tên tắt của chất hydro-fluoro-carbone), được tuồn từ Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu một cách phi pháp qua ngã Nga, Ukraina hoặc Thổ Nhĩ Kỳ ». Tệ nạn buôn lậu này đang làm suy yếu cuộc chiến của Liên Âu chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu.
Mỗi năm khí HFC gây hiệu ứng nhà kính tương đương với 1 tỷ tấn CO2
Theo nhật báo, sau khi phát hiện việc khí CFC dùng để làm lạnh có tác hại là phá hủy lớp khí ozone bảo vệ trái đất, cộng đồng thế giới đã quyết định thay thế khí CFC bằng khí HFC. Vấn đề là khí HFC, ít nguy hại trực tiếp cho khí ozone, nhưng lại gây nên hiệu ứng nhà kính gấp bội. Mỗi năm các thiết bị làm lạnh đã để thất thoát một lượng khí HFC có tác hại tương đương với 1 tỷ tấn CO2 thải ra. Mối nguy hại lại càng tăng khi nhu cầu về tủ lạnh và các loại máy lạnh không giảm.
Do việc các nước châu Âu, đi đầu trong lãnh vực chống biến đổi khí hậu đã quyết định giảm bớt việc sản xuất và tiêu thụ chất HFC, trong lúc nhu cầu sử dụng vẫn cao, giá của khí HFC tại châu Âu đã tăng vọt, có loại tăng lên 800% trong vòng 4 năm qua.
Chính tình trạng này đã kéo theo tệ nạn buôn lậu. Bà Clare Perry, người phụ trách hồ sơ khí hậu tại hiệp hội EIA giải thích là việc các nước như Trung Quốc (vốn không ký hiệp định chống khí HFC năm 2016) vẫn sản xuất khí HFC với chi phí rất thấp, đã làm thị trường chợ đen và tệ nạn buôn lậu phát triển ở châu Âu.
Theo điều tra của EIA, dựa trên dữ liệu của hải quan Trung Quốc và châu Âu từ năm 2016 đến 2018, đã có đến 16,3 triệu tấn khí HFC tương đương CO2 đã du nhập bất hợp pháp vào thị trường châu Âu vào năm 2018, tức là 16% quota cho phép, một mức tăng đáng kể so với 14,8 triệu tấn năm 2017 (8,7% hạn ngạch).
Khí HFC nhập lậu trực tiếp từ Trung Quốc hay qua ngã trung gian
Vẫn theo EIA, các loại khí HFC nhập lậu chủ yếu đến từ Trung Quốc, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua các ngã Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Albania. Hàng lậu được giấu trong xe hơi và tàu thuyền, hoặc sử dụng các tài liệu ngụy tạo để qua cửa khẩu.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là phần lớn khí nhập lậu lại đường hoàng đi vào châu Âu theo con đường chính thức, giống như buôn bán hợp pháp.
Giải thích về nghịch lý kể trên, bà Clare Perry nêu bật lỗ hổng của luật lệ châu Âu : « Các nhân viên hải quan có quyền truy cập vào sổ đăng ký nhập HFC để kiểm tra xem một nhà nhập khẩu nào đó có được phép nhập hay không, và nhập bao nhiêu mỗi năm. Nhưng Hải Quan lại không thể biết là doanh nghiệp đó đã nhập khẩu bao nhiêu rồi ».
Ngoài ra, biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp nhập lậu rất nhẹ, và hiếm khi được áp dụng. Theo Le Monde, giới chuyên gia đã khuyến nghị Bruxelles là cần phải nghiêm trị tệ nạn buôn lậu khí HFC nếu muốn tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tân Nhật Hoàng Naruhito: Cởi mở và yêu chuộng hòa bình

Còn về châu Á, dĩ nhiên là Le Monde quan tâm đến sự thay đổi triều đại ở Nhật Bản, với việc hoàng thái tử Naruhito đăng quang hoàng đế Nhật Bản hôm nay.
Le Monde tập trung giới thiệu chân dung của tân hoàng đế Naruhito, nêu rõ hai đặc điểm của ông. Đặc điểm thứ nhất là cùng với hoàng hậu Masako, hhật hoàng Naruhito có cái nhìn rộng mở ra thế giới, một đặc điểm có được từ thời còn làm sinh viên, theo học tại Anh Quốc.
Đặc điểm thứ hai là tân hoàng đế Nhật Bản là một người yêu chuộng hòa bình cũng giống như vua cha Akihito,vốn thường xuyên nhắc nhở là không nên xóa nhòa các khổ đau mà quân đội Nhật đã gây ra trước năm 1945.
Le Monde nhắc lại rằng vào năm 2015, Naruhito đã kêu gọi các thế hệ từng kinh qua chiến tranh là nên « truyền đạt một cách đúng đắn cho những ai không biết chiến tranh những kinh nghiệm về lịch sử bi thảm của Nhật Bản ».
Từ ngữ « một cách đúng đắn » nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai mang một ý nghĩa đặc biệt : Nó kín đáo cho thấy là Naruhito không thích xu hướng diều hâu, thậm chí phủ định lịch sử của thủ tướng Shinzo Abe, mà mục tiêu lớn là sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa năm 1947 của Nhật Bản.

Biện pháp Macron sẽ tiêu tốn 17 tỷ euro ngân sách Pháp

Như nói ở trên, tựa lớn trang nhất báo Le Monde được dành cho các biện pháp mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề ra để cải thiện thu nhập của người dân, những biện pháp sẽ khiến ngân sách nhà nước Pháp tốn kém đến 17 tỷ euro.
Le Monde dẫn lời ông Gerald Darmanin, bộ trưởng phụ trách tài chánh công ước tính những biện pháp mới vừa được tổng thống Pháp loan báo sẽ cần đến gần 7 tỷ euro, bao gồm 1,5 tỷ chi cho việc tăng mức tiền hưu bổng tương ứng với lạm phát, và 5 tỷ khác dùng để bù vào quyết định giảm thuế cho các hộ gia đình.
Nếu cộng thêm với 10 tỷ euro đã được tổng thống Macron hứa vào tháng 12 năm 2018, lúc phong trào phản kháng Áo Vàng mới bùng lên, thì tổng cộng ngân sách Nhà nước Pháp sẽ phải chi thêm 17 tỷ euro. Điều này, theo Le Monde, sẽ đe dọa chỉ tiêu mà Pháp đã đưa ra là giảm thâm thủng ngân sách xuống còn 2%.
Đối với nhật báo, bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire đã bảo đảm rằng tiền chi dùng cho các biện pháp dân sinh đó sẽ đến từ những khoản tiết kiệm được nhờ việc giảm chi tiêu công nói chung. Thế nhưng, ông không giải thích là sẽ giảm cách nào.

Lãnh tụ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tái xuất hiện

Trên bình diện quốc tế, thời sự quan trọng nhất được tờ báo Pháp nêu lên là sự tái xuất hiện của lãnh đạo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, với một bức ảnh chụp từ màn hình video cho thấy nhân vật này ngồi xếp bằng bên cạnh một khẩu AK dựa vào tường, bên dưới hàng tựa « Al-Baghdadi (tên của thủ lĩnh Daech) hứa hẹn “một cuộc chiến trường kỳ” ».
Đối với Le Monde, nhiều lần bị phương Tây khai tử, hay cho là đã bị thương, lãnh tụ của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo đã xuất hiện trên một đoạn video dài 18 phút, được cơ quan tuyên truyền của Daech công bố trên mạng ngày 29/04, và được trung tâm Mỹ SITE chuyên giám sát các phong trào cực đoan chứng thực.
Le Monde ghi nhận tính chất hiếm hoi của sự kiện này, vì đây là lần đầu tiên mà Abou Bakr Al-Baghdadi xuất hiện công khai bằng hình ảnh từ ngày nhân vật này tuyên bố thành lập vương triều Hồi Giáo ở đến thờ Al-Nouri tại Mosoul, Irak vào tháng Sáu năm 2014. Và từ tháng 8 năm 2018 đến nay, cũng không thấy có đoạn ghi âm nào được cho là của nhân vật này được công bố.
Theo Le Monde, dụng ý tuyên truyền của đoạn video này rất rõ, vì được tung ra sau khi Daech bị thất bại ở cả Syria lẫn Irak, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Al-Baghdadi, chống lại những nguy cơ phân hóa trong đội ngũ lãnh đạo Daech nẩy sinh sau những thất bại liên tiếp.
Đây cũng là một thông điệp nhằm kêu gọi các cảm tình viên của Daech vững tin vào tổ chức, để cho thấy rằng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chưa hề bị tiêu diệt mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Việc chọn ngồi cạnh khẩu AK, được xác định là loại AK S74 cũng nhằm nâng cao tinh thần của những người tham gia thánh chiến, gắn liền Al-Baghdadi với những lãnh tụ trước đây, cũng từng xuất hiện bên cạnh khẩu súng loại này, như Oussama Ben Laden, lãnh tụ Al Qaeda, hay Abou Moussab Al-Zarkaoui, lãnh tụ đầu tiên của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo.

Tin đọc nhanh

(Reuters ) – Đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp tục ở Bắc Kinh. 
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương Mại Robert Lighthizer bắt đầu vòng đàm phán mới vào hôm nay, 01/05/2019, tại Bắc Kinh cùng với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Bộ trưởng Mỹ, sau buổi họp cho biết là 2 bên đã có những trao đổi « rất hiệu quả ». Sau Bắc Kinh, hai bên sẽ gặp lại nhau tại Washington vào tuần tới.
(Reuters) – Thẩm phán Mỹ yêu cầu 3 ngân hàng Trung Quốc trao tài liệu liên quan đến vi phạm trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Theo bộ Tư Pháp Mỹ ngày 30/04/2019, yêu cầu của thẩm phán liên bang ở Washington DC liên quan đến việc chuyển ngân hàng chục triệu đô la giữa một công ty bình phong tại Hồng Kông, nay đã giải thể và một đơn vị của Nhà nước Bắc Triều Tiên. Thông cáo chỉ cho biết công ty này do một cá nhân Trung Quốc và phía Bắc Triều Tiên lập ra. Vấn đề là 3 ngân hàng dính líu đến vụ việc đều có vốn của Nhà nước Trung Quốc, và hai ngân hàng có chi nhánh ở Mỹ.
(Reuters) – Một tòa án Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada, bị cáo buộc buôn ma túy.
Một người Canada, tên Fan Wei, bị tòa kết án hôm qua, 30/04/2019. Ngoại trưởng Canada tuyên bố « hết sức quan ngại về bản án này », và lên án phán quyết tử hình nói trên là « phi nhân tính ». Fan Wei là công dân Canada thứ hai bị kết án tử hình vì tội danh này từ đầu năm. Quan hệ Trung Quốc – Canada căng thẳng kể từ vụ giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi bị bắt ngày 01/12/2018, theo yêu cầu của Mỹ.
(AFP) – Algérie : Chỉ huy Quân đội bác bỏ yêu sách thành lập các định chế chuyển tiếp của người biểu tình.
Hôm qua, 30/04/2019, tướng Ahmed Gaid Salah khẳng định tổ chức bầu cử vào ngày 4/7 tới, để bầu ra người kế nhiệm tổng thống Bouteflika là « giải pháp lý tưởng để thoát khỏi khủng hoảng ». Cho đến nay, phong trào phản kháng liên tục tuần hành vào thứ Sáu hàng tuần, không chấp nhận tổ chức bầu cử tổng thống mới với các định chế y nguyên như thời tổng thống Bouteflika.
(RFI) –Mỹ : Donald Trump và đảng Dân Chủ đồng thuận canh tân hạ tầng cơ sở. 
Lần đầu tiên, hai bên đạt được một thỏa thuận trị giá khoảng 2000 tỷ đôla. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer đã gặp Donald Trump hôm thứ Ba để hội ý về một kế hoạch rộng lớn trong đó có chương trình tái thiết đường xá bị xuống cấp.
(AFP) – Mỹ-Triều : Bình Nhưỡng tố Mike Pompeo có ý nghĩ « nguy hiểm ». 
Tuần trước, trên CBS, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Hoa Kỳ có thể « thay đổi đường lối » nếu chủ tịch Kim Jong Un « không đối thoại chân thật và từ bỏ chương trình hạt nhân ». Theo thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui thì bình luận trên đây của ông Pompeo phản ảnh « ý tưởng rồ dại và nguy hiểm » nhằm lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên bằng quân sự.
(AFP) –Làng biên giới Nam-Bắc Triều Tiên mở lại đón du khách. 
Hôm nay, 01/05/2019, sau gần 8 tháng gián đoạn, du khách được trở lại thăm viếng khu vực nam của làng Bàn Môn Điếm nằm giữa biên giới liên Triều, nơi các trạm canh gác đã được tháo bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận hoà giải tái lập niềm tin. Sự kiện này diễn ra nhân kỷ niệm đúng một năm thượng đỉnh Moon Jae In và Kim Jong Un.
(AFP) –Ai Cập : Mỹ dự kiến xếp « Huynh Đệ Hồi Giáo » vào danh sách khủng bố. 
Theo Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã tham khảo với lãnh đạo các nước Trung Cận Đông và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia về mối đe dọa của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, kẻ thù của tổng thống Ai Cập al Sissi. Việc xếp Huynh Đệ Hồi Giáo vào danh sách « khủng bố » cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt cá nhân hay tổ chức có quan hệ với tổ chức này.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.