Lý do Australia tăng cường thể hiện lập trường và hiện diện ở Biển Đông thời gian qua
Australia đang nổi lên là một nhân tố bên ngoài có nhiều tuyên bố liên quan và hoạt động ở Biển Đông thời gian gần đây. Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và mối quan hệ với các nước ASEAN là các nguyên nhân quan trọng dẫn đến động thái trên của Australia.
Vai trò quan trọng của Biển Đông trong chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại của Australia
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. 5 trong 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (đó là Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt, eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau eo biển Hormuz.
Trong khi đó, “Chính sách hướng Á” của Australia được manh nha hình thành trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Australia đẩy mạnh “Chính sách hướng Á” trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi trên cơ sở đan xen hai xu hướng “Khu vực hóa” và “Toàn cầu hóa”. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có tầm quan trọng trong “Chính sách hướng Á” của Australia. Trong nhận thức của Australia, việc hội nhập với khu vực Đông Nam Á sẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức, đặc biệt là những lợi ích thiết thực về an ninh và kinh tế. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nổi lên đe dọa an ninh của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Xét thực tế, Australia không nằm trong Biển Đông, cũng không liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, song Australia có lợi ích tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải. Ở góc độ chiến lược, những xung đột ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện “Chính sách hướng Á” của Australia, vốn lấy Đông Nam Á là trọng tâm. Sự phức tạp ở Biển Đông lại càng tăng bởi sự hiện diện và xác định lợi ích chiến lược của các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga. Sự chuyển động về mặt chính sách lẫn hành động thực tế của các cường quốc đã khiến cho không gian chiến lược Biển Đông ngày càng “nóng” với những nguy cơ xung đột lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia có quyền lợi ở khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện và tiếng nói của Australia với tư cách là “cường quốc tầm trung” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ dàng nhận được sự chấp nhận của phần lớn các cường quốc.
Đối với khu vực Đông Nam Á và trực tiếp là Biển Đông, Australia cũng đã khẳng định rõ những lợi ích chiến lược dựa trên cách tiếp cận đa diện từ an ninh hàng hải, thương mại trên biển, vị thế quốc gia... cho đến sự tương tác của các chủ thể quyền lực tại khu vực, đặc biệt là chủ trương “hướng Á” của quốc gia này. Những cơ sở đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Australia, góp phần giúp quốc gia này thúc đẩy những nỗ lực cụ thể nhằm góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình và hợp tác ở Biển Đông, cũng như bảo vệ được lợi ích quốc gia của chính mình. Về phương diện địa lý, Australia không là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông.
Australia hiện diện ở Biển Đông, tăng cường quan hệ với ASEAN để đối phó với chính sách gia tăng ảnh hưởng của TQ
Vấn đề Biển Đông với Australia dường như mang ý nghĩa chiến lược hơn là lợi ích trước mắt. Sự “trỗi dậy” ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ và những chuyển động chính sách khó dự đoán của chính quyền Donald Trump đối với Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng và sự trỗi dậy của các cường quốc tiềm năng trong khu vực cũng góp phần định hình những cơ sở về mặt nhận thức để Australia chủ động thúc đẩy những nỗ lực cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và hợp tác ở Biển Đông. Với vai trò ngày càng gia tăng, Australia đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng có tác động đến cấu trúc an ninh tại Biển Đông. Thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Mặc dù những tác động này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng quá trình định hình và tiến đến hình thành trật tự khu vực luôn có những đóng góp rất quan trọng của các cường quốc tầm trung. Sự tham gia tích cực, thái độ “thờ ơ” hay chối bỏ vai trò của các cường quốc tầm trung trong các vấn đề an ninh khu vực... là cơ sở góp vào mảng màu quan hệ quốc tế tại khu vực. Với vai trò là một cường quốc tầm trung được cộng đồng quốc tế thừa nhận và giữ vai trò “cân bằng mềm” trong quan hệ giữa các chủ thể chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Australia được nhìn nhận và đánh giá với vai trò ngày càng cụ thể và tích cực.
Trong quá trình thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và tìm kiếm những giải pháp khả dĩ có thể thúc đẩy Biển Đông trở thành vùng biển của những hoạt động hợp tác thay cho các hoạt động có thể gia tăng sự thiếu vắng lòng tin và các tranh cãi (thậm chí tranh chấp), Australia có cách tiếp cận ngày càng gần gũi trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và ủng hộ tầm nhìn về một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam. Sự tương đồng về nhận thức và những lợi ích chiến lược đã giúp Australia và Việt Nam xích lại gần nhau, từ các tuyên bố của các nhà lãnh đạo đến các chương trình phối hợp làm việc chung trong các nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an ninh tại vùng biển này. Từ năm 2009, quá trình này càng được thể hiện rõ rệt và được phát triển trên tinh thần nhìn nhận Biển Đông gắn với tham vọng và sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Vì vậy, những đóng góp của Australia từ năm 2009 trở đến nay được phản ánh rõ nét và phong phú hơn.
Mối quan hệ với các nước ASEAN khiến Australia không thể đứng ngoài vấn đề Biển Đông
Theo số liệu thống kê về thương mại hai chiều gần đây nhất, ASEAN hiện là khối đối tác thương mại lớn thứ 4 của Australia với tổng giá trị kim ngạch đạt 100,5 tỷ đô la Australia. ASEAN là nguồn cung quan trọng các mặt hàng xăng dầu và vận tải hạng nặng, trong khi EU là nguồn cung cấp thiết yếu các mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế và vận tải hạng nhẹ. Yếu tố kinh tế quan trọng của ASEAN nằm ở tiềm năng kinh tế trong tương lai lớn hơn là từ những con số hiện tại. Các thành viên của ASEAN đang phát triển rất nhanh chóng cả về dân số lẫn kinh tế. Lợi thế địa lý gần nhau cũng là một trong những điểm nhấn khiến ASEAN trở thành đối tác thương mại lý tưởng của Australia. Australia đang trên đà trở thành đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ. Xuất khẩu sang ASEAN sẽ có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai khi các thành viên của Hiệp hội trở thành những quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới.
Kết luận: Với vai trò ngày càng gia tăng, Australia đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng có tác động đến cấu trúc an ninh tại Biển Đông. Thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Mặc dù những tác động này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng quá trình định hình và tiến đến hình thành trật tự khu vực luôn có những đóng góp rất quan trọng của Australia.
0 nhận xét