Donald Trump bắn tin: Bất an ở TQ tìm đến Việt Nam
Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019
17:51
//
Slider
,
Tin Kinh tế
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đến hồi cao điểm. Tổng thống Donald Trump nhắn nhủ rằng nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia khác. Thực tế đang diễn ra như vậy.
Chờ "người khổng lồ"
Sau khi áp thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Người mua có thể hoàn toàn tránh được thuế nếu mua hàng từ những nước không bị áp thuế hoặc sản phẩm nội địa Mỹ (lựa chọn tốt nhất). Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia khác tương tự ở châu Á. Đó là lý do Trung Quốc rất muốn có một thỏa thuận!”.
Thực tế, sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm điểm đến.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, cho biết: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những cơ hội tốt nhất hiện nay trong chiến lược thu hút đầu tư. Nó có tác động rất lớn đến các nhà đầu tư hiện nay. Vừa qua Sao Đỏ đã làm việc với đội ngũ đông đảo DN, nhà đầu tư của Trung Quốc. Họ mong muốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang. Đây là cơ hội. Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng và cung cấp diện tích mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
“Chúng tôi đã làm việc với khoảng 60 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Nhiều DN lớn, nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư trên toàn cầu cả Mỹ, EU,... Tập đoàn Sao Đỏ cũng đang đàm phán khá sâu với khoảng 15 DN, hy vọng cuối năm nay và năm tới sẽ chốt, kết thúc quá trình đàm phán, đưa vào vào đầu tư”, ông Nguyễn Thành Phương nói.
“Chúng tôi dự kiến diện tích khu công nghiệp họ có thể thuê khoảng 120ha và diện tích này đang sẵn sàng bàn giao. Nếu với số lượng như vậy, DN lấp đầy được thêm khoảng 10%. Nhà đầu tư đến từ rất nhiều ngành nghề, đa số là trong lĩnh vực sản xuất về cơ khí chế tạo, đồ nội thất, sản phẩm công nghiệp”, ông Phương cho hay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như cũng đã thúc đẩy Apple gia tăng hiện diện ở Việt Nam.
Tháng 5/2016, Công ty Apple Việt Nam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh.
Đến năm 2018, một thông tin ít được đề cập: Apple thành lập pháp nhân thứ hai tại Hà Nội. Đó chính là văn phòng phụ trách hoạt động mua sắm của Apple tại Hà Nội. Đáng chú ý, trên toàn thế giới Apple chỉ có 3 văn phòng, và văn phòng ở Việt Nam là một trong số đó.
Tháng 3/2019 một lãnh đạo cấp cao của Apple đã sang Việt Nam để làm việc với hàng loạt bộ ngành về kế hoạch ở Việt Nam. Nhiều chính sách đã được Apple đề đạt lên các cơ quan của Việt Nam.
Theo tìm hiểu, cuối tháng 3/2019, Apple đã khai trương văn phòng điều hành để quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Apple thông qua doanh nghiệp cung ứng bên thứ ba để đặt hàng sản xuất và lắp ráp thiết bị và linh kiện cho các sản phẩm của mình. Một nguồn tin cho biết, Apple có kế hoạch nâng gấp đôi lượng linh kiện đặt hàng các DN ở Việt Nam.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy sự đột biến khi các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu bảng đầu tư vào Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, tính riêng đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông và Macao tại Việt Nam đạt 6,44 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông đầu tư chủ yếu thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mỹ - Trung Quốc đang rất căng thẳng.
|
Còn nghe ngóng
Dù hứng khởi với việc các nhà đầu tư tìm đến, song, ông Nguyễn Thành Phương không quên nêu lên thực tế phải chọn lọc cẩn thận nhà đầu tư.
Theo ông Phương, không riêng gì Việt Nam, các quốc gia khác đều rất thận trọng bởi trong số các nhà đầu tư, có không ít DN nhỏ lẻ ứng dụng công nghệ thiết bị không tiên tiến, có vấn đề liên quan đến môi trường. Vì thế, tập đoàn Sao Đỏ cũng như TP. Hải Phòng rất chú trọng điều này.
Về làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT cho rằng phải chờ thêm thời gian để khẳng định.
“Nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc không dễ dịch chuyển ngay sản xuất sang Việt Nam trong một thời gian ngắn 1-2 năm, khi bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ kéo dài bao lâu”, TS Trần Toàn Thắng chia sẻ.
Hơn nữa, Mỹ cũng tuyên bố sẽ dành một khoảng thời gian 3-4 tuần chờ động thái từ Trung Quốc trước khi áp thuế thêm với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Trung Quốc đang xuất vào Mỹ. “Vì vậy, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ tiếp tục nghe ngóng, chứ chưa thể đưa ra ngay quyết định về dịch chuyển sản xuất sang ASEAN, trong đó có Việt Nam”, ông Thắng nói.
Theo vị chuyên gia này, nếu mức thuế 25% áp cho tất cả hàng hóa Trung Quốc đang xuất vào Mỹ (khoảng 550 tỷ USD) kéo dài mới dẫn đến hiện tượng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam. Còn chỉ một vài nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ không tác động quá nhiều đến các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, vì tất cả nhà cung cấp trong chuỗi vẫn nằm ở Trung Quốc.
Ông Trần Toàn Thắng nhận định: Mỹ và Trung Quốc sẽ không để cuộc thương chiến kéo dài, vì nó ảnh hưởng quá lớn đến lợi ích kinh tế của cả hai cường quốc này.
Các dự án đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đều là của Trung Quốc.
Đó là Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
0 nhận xét