Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Dân miền Tây ùn ùn tham quan cầu Vàm Cống

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019 17:35 // ,

Chủ nhật, 19/5/2019, 12:59 (GMT+7)

Trưa 19/5, dưới cái nắng gắt, người dân từ các tỉnh đổ về cầu Vàm Cống để tham quan, được chạy qua công trình thứ hai nối bờ sông Hậu.
Video Player is loading.
Current Time 0:09
/
Duration 1:58
Loaded: 0%
Progress: 0%
Người dân lần đầu qua cầu Vàm Cống. Video: Quốc Đoan.
Sáng nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thông xe cầu Vàm Cống sau 6 năm thi công. Công trình 5.700 tỷ đồng nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đây là cầu thứ hai bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ khánh thành 9 năm trước.
Người dân đội nắng chờ được lên cầu Vàm Cống. Ảnh: Cửu Long.
Người dân đội nắng chờ được lên cầu Vàm Cống. Ảnh: Cửu Long.
Từ sáng sớm, người dân trong vùng nô nức đổ ra hai bên đường chờ cầu khánh thành. Nhiều người cho biết cả đêm không ngủ được, chỉ chờ trời sáng để được chạy xe qua cây cầu mơ ước. Hàng nghìn người từ các tỉnh lân cận cũng đổ về tham quan.
"Cây cầu to lớn và đẹp quá, giờ đây bà con đi qua Đồng Tháp không còn vất vả kẹt phà như trước nữa", ông Trần Văn Năm (60 tuổi) đi xe máy từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) lên Cần Thơ, chia sẻ.
Các tài xế chở hàng hóa cũng phấn khởi vì cũng không còn mất hàng tiếng chờ phà. "Từ nay, xe container chở hải sản đông lạnh của tôi đi TP HCM không phải thường xuyên kẹt phà, rút ngắn thời gian cả tiếng", tài xế Nguyễn Văn Đông (39 tuổi) ở Kiên Giang nói. 
Đến trưa, sau lễ thông xe, dù trời nắng gắt, oi bức, người dân ùn ùn chạy xe máy qua cầu. Nhiều người dừng lại chụp ảnh khiến nhân viên quản lý cầu phải nhắc nhở để trách ùn tắc.
Người dân ùn ùn qua cầu Vàm Cống sau lễ thông xe. Ảnh: Cửu Long.
Người dân ùn ùn qua cầu Vàm Cống sau lễ thông xe. Ảnh: Cửu Long.
Cầu Vàm Cống khánh thành giúp thông tuyến N2 - góp phần thông suốt tuyến vận tải từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến tận Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau mà không phải qua quốc lộ 1A.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc đưa cầu vào sử dụng, kết hợp với cầu Cao Lãnh và tuyến đường nối hai cầu này góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông miền Tây, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. "Hôm nay, mơ ước bao đời nay của người dân miền Tây đã thành hiện thực", ông nói.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, cầu hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với cả nước, giúp giảm tải cho quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, Tết. Các mặt hàng nông sản chủ lực từ miền Tây sẽ được vận chuyển lên TP HCM một cách nhanh nhất.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu hoàn thành sau 6 năm thi công. Ảnh: Cửu Long.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu hoàn thành sau 6 năm thi công. Ảnh: Cửu Long.
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, hai trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10/9/2013, hợp long 29/9/2017, dự kiến thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, ngày 4/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt. Quá trình khắc phục đến nay mới hoàn tất, được hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Cửu Long
https://vnexpress.net/thoi-su/dan-mien-tay-un-un-tham-quan-cau-vam-cong-3925803.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.