31 Tháng Tư,’ tiếc đã muộn!
Cuốn “Hơn Nửa Đời Hư” in ở Sài Gòn của nhà văn Vương Hồng Sển. (Hình: Zing)
Ai cũng biết Tháng Tư chỉ có 30 ngày. Riêng ngày “30 Tháng Tư năm 1975” thì người dân Sài Gòn không thể nào nhớ lộn, không thể nào nói hay viết lầm được.
Nhưng nhà văn Vương Hồng Sển, trong cuốn “Nửa Đời Còn Lại” đã viết ít nhất hai lần “ngày 31 Tháng Tư năm 1975.” Lần đầu, trong bản in năm 1996 của nhà xuất bản Văn Nghệ, California, ở trang 285, cụ viết: “…tôi xin được lẩn thẩn lấy theo sức học đáy giếng mà luận việc trên cao để được tỏ chút nỗi lòng một dân Nam thấp hèn buổi 31-4-1975.”
Xin nhắc lại, Vương Hồng Sển viết: “…một dân Nam thấp hèn buổi 31 Tháng Tư, 1975.”
Cụ còn “viết lộn” thêm một lần nữa, trang 291: “…tôi đây đã trải cảnh chịu đựng sau ngày 31-4-1975 ở Sài Gòn, làm tôi bắt nhớ Nguyễn Du năm 1802,…”
Các “bạn trẻ” dưới 60 tuổi có thể không biết nhà văn Vương Hồng Sển là ai; độc giả sống ở miền Bắc càng ít người biết đến cụ.
Vương Hồng Sển là một “nhân chứng” cho những nhà viết sử. Cụ thường kể chuyện đời mình, để ghi lại cuộc biển dâu diễn ra chung quanh. Lâu lâu mới châm biếm chuyện chính trị. Cụ thường kể chuyện “Sài Gòn Năm Xưa,” tên một cuốn hồi ký. Cụ rỉ rả bàn về thú chơi đồ cổ, coi hát bội. Cụ tự chế nhạo mình sống “Hơn Nửa Đời Hư,” một cuốn hồi ký khác. Năm 1993, đã ngoài 90 tuổi, cụ vẫn gắng sức ngồi viết kể tiếp những chuyện mình đã từng trải qua cuốn “Nửa Đời Còn Lại.”
Hai lần “viết lầm” ngày 31 Tháng Tư, 1975, có thể vì cụ Vương Hồng Sển tuổi già đã lẫn lộn, hay là người đánh máy lại cuốn sách đã bấm lộn số không thành số một trên computer?
Cụ Vương đã viết lầm chăng? Nhưng, trong sáu, bảy trang sách mà viết lộn tới hai lần, giống hệt nhau, thì chuyện đó khó xảy ra. Vì khi đọc cả cuốn tự sự này, chúng ta thấy ông còn rất minh mẫn. Vương Hồng Sển nổi tiếng là người có thói quen ky cóp cất giữ các kỷ vật, ghi chép các biến cố trong đời mình rất cẩn thận. Ngoài 90 tuổi, ông nhắc lại những chuyện thời 1922 hay 1946, vẫn nhớ và ghi lại từng chi tiết. Ông còn giữ cái toa thuốc của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh viết ngày 17 Septembre 1924.
Còn người đánh máy, nếu ngón tay bấm sai nút trên máy vi tính, thì chỉ lộn zero sang số 9 chứ không thể bấm số 1, vì trên bàn máy hai số zero và số một nằm ở hai đầu xa nhau.
Cho nên, có thể đoán cụ Vương cố ý viết hai lần ngày 30 thành 31 Tháng Tư.
Đó là một cách phát biểu ý kiến về chính trị, theo lối văn “đặc biệt Vương Hồng Sển!” Trong các tác phẩm, cụ Sển thường dùng lối văn “cà rỡn, cà tửng” theo phong thái Miệt Vườn. Cụ kể chuyện miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, rồi lâu lâu “đánh du kích” một câu thấm thía! Đó là những lúc cụ bàn xéo về chính trị! Viết ngày 30 thành 31 là một lối nói “cà tửng,” để gửi một thông điệp cho người đọc hiểu thâm ý của mình, người miền Bắc gọi là “nói kháy!”
Hai lần cố ý viết ngày 30 thành 31, là hai lần tác giả đang viết với tấm lòng đầy cảm khái. Lần thứ nhất, cụ nói đến thân phận “một dân Nam thấp hèn buổi 31-4-1975” sau khi tự nhận mình thấp hèn như “ốc ngồi đáy giếng” đòi bàn luận việc “trên cao.”
Lần viết lộn thứ hai là đoạn Vương Hồng Sển tự so sánh mình với kiếp “hàng thần lơ láo phận mình ra đâu” của Nguyễn Du khi phải làm tôi triều Nguyễn. Vương Hồng Sển đã viết rất dài về tâm sự Nguyễn Du trong thời gian đầu thế kỷ 19, để biện luận rằng trong thân phận “hàng thần” đó Tố Như không thể bình tâm mà sáng tác truyện Kiều được.
Lần thứ ba viết đến ngày lịch sử này thì Vương Hồng Sển viết chính xác, khi mô tả quang cảnh một khu phố Sài Gòn thay đổi, ở trang 333, “…từ ngày 30-4-1975 và hiện nay đã trở nên phố xá tấp nập lớp buôn bán, lớp làm cửa hàng to…” Ba lần viết đến ngày 30 Tháng Tư, hai lần viết lộn. Chắc là cố ý.
Cố ý, nhưng là ý gì? Vương Hồng Sển là dùng một ngày “không có thật,” 31-4-1975, để nói tóm gọn tất cả những năm tháng sau ngày 30 Tháng Tư, sau cuộc đổi đời! Đọc những chữ này, độc giả sẽ chia sẻ nỗi niềm của người dân miền Nam trong thời buổi “sau ngày 30 Tháng Tư!”
Vương Hồng Sển là công chức trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhưng không chịu cảnh tù biệt xứ. Cụ nhắc đến lúc đoàn quân của Nguyễn Ánh ra chiếm Bắc Hà, nhắc lại rằng chỉ có hai người trong giới sĩ phu của Nhà Lê và nhà Tây Sơn bị chế độ mới hành hạ, là Phan Huy Ích bị bỏ tù và Cống Chỉnh bị đánh đến chết vì thù riêng. Vương Hồng Sển nhắc chuyện đời Gia Long chính là để so sánh với cái thông cáo lừa bịp để bắt giam hàng trăm ngàn người đi tù mút mùa gọi là “cải tạo!”
Có đoạn đang bàn chuyện Phạm Quỳnh, cụ Vương tự nhiên “đánh” một câu: “…trong này có miệng mà khó nói nên lời, có tay cầm viết mà khó ghi lời nào khỏi bị sửa chữa, cắt xén – vả lại tôi là người gì mà được phép nói…” (trang 267). Viết “trong này” tức là trong miền Nam; và “ngày nay” tức là với khác với trước 1975.
Tôi là người gì mà dám nói? Nhưng cụ Vương có lúc bỗng trở nên nồng nhiệt, dầu vẫn rụt rè nhưng nhất quyết phải nói, khi cụ lên tiếng bênh vực một danh nhân miền Nam vẫn bị đảng Cộng Sản buộc tội và bêu riếu một cách thô bạo, bất công là Phan Thanh Giản. Sau khi biện luận để phục hồi danh dự Phan Thanh Giản, Vương Hồng Sển viết: “…người đời nay học thuyết mới, tư tưởng theo mới, quên ơn kẻ trồng cây, quên ơn sanh thành đào tạo,…”
Ai cũng biết, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, lẫn trong đám các nhà văn, nhà thơ và học giả miền Bắc vào Sài Gòn, có nhiều người mang thái độ kiêu ngạo của “bên thắng cuộc,” lên mặt “dạy dỗ, cải tạo” giới văn nghệ và học thuật miền Nam, họ được bọn “cách mạng 30” nhi nhô đóng vai chỉ điểm.
Cảnh tiếp xúc hai miền Nam Bắc lúc đó, Vũ Hoàng Chương đã diễn tả qua hai câu: “Rằng vách có tai, thơ có họa – Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh!” Những người trí thức Sài Gòn như Vương Hồng Sển (hoặc Nguyễn Hiến Lê, Dương Nghiễm Mậu,…) chọn sống ẩn dật chứ không chịu ra làm tay sai cho bọn vua quan mới. Cụ Vương ví mình với con dế: “Tôi dư biết cho thân, thà làm dế sống trong hang, có lẽ được yên thân hơn là múa gáy cho trẻ nhỏ nó biết chỗ trốn, chúng đổ nước ngập hang, bắt dế về nuôi trong hộp diêm, hộp quẹt, thỉnh thoảng bắt ra đá độ, gãy càng queo râu toi mạng” (trang 84).
Sống trong một xã hội đầy những “vách có tai, thơ có họa” nhìn chung quanh không “biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh,” Vương Hồng Sển không thể nói thẳng mà chỉ dùng mật ngữ. Có lúc kể chuyện Sài Gòn đời xưa từ 1867, trải qua trào Tây, trào Nhật, cụ lại quay qua nói chuyện vua Napoleon III bên Pháp, rồi chợt cảm khái: “Trở lại người dân đất Sài Gòn, như tôi đã nói, dám chắc không dân nào trí lanh tay xảo hơn. Khi bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đày, bán từ bàn thờ tổ tiên, bán ván gõ để nằm dưới gạch, căn đày kiếp đọa, tiếc đã muộn..” (trang 55).
Trong mấy dòng này là những ám hiệu cho “dân Sài Gòn” hiểu với nhau! Những nét chấm phá độc đáo: Kẻ thì “bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đày;” người ở lại nhà thì “bán bàn thờ tổ tiên, căn đày kiếp đọa!” Và tất cả đều “tiếc đã muộn!”
“Căn đày kiếp đọa, tiếc đã muộn!” Vương Hồng Sển gói ghém bao nhiêu nỗi đoạn trường trong thời buổi “31 Tháng Tư!”
Mấy trang tiếp, sau khi kể chuyện cà kê Kép Tư Út hát bài Anh Khóa đời xưa, tiếp đến chuyện ngôi nhà Tổng Đốc Phương bị tháo gỡ bán qua Đài Loan, bỗng nhiên Vương Hồng Sển lại viết: “Dân Sài Gòn tự khoe tiến bộ ký quỹ, gửi tiền nhà băng, giải phóng vào, hốt sạch sành sanh, thua xa dân Thổ Trà Vinh, Sốc Trăng… bán lúa mùa này xong, chôn bạc giữa lẫm rồi đổ lúa mới lên trên…” (trang 57). Kể lại cách cất giấu tiền của dân Thổ (người Việt gốc Khmer) đời xưa, để so sánh với dân Sài Gòn thời 1975, chỉ cốt viết một câu kết án: “Giải phóng vào, hốt sạch sành sanh!” Trong bảy chữ, Vương Hồng Sển cực tả một vụ cướp bóc đại quy mô, một vụ “ăn cướp hoành tráng.” Hốt sạch sành sanh!
Vào cái buổi 31 Tháng Tư, người miền Nam sống ra sao? Có lúc cụ Vương đang kể miên man những chuyện lẩm cẩm ở Sài Gòn từ thời Tây qua thời Nhật, bỗng tóm gọn một câu: “Kẻ trí đi ra nước ngoài, người ở lại phải giả dại qua ải” (trang 58). Phải sống “giả dại qua ải” nhưng Vương Hồng Sển cũng sống đủ lâu, được chứng kiến bản lãnh dân miền Nam vững vàng. Cụ viết: “Nói chi thì nói, phải nhìn nhận dân Sài Gòn vẫn có bản lĩnh – nước dưới sông thấy đó mà chặt không đứt, dứt không rời…” (trang 80). Cho nên “trải mấy trào liên tiếp mà dân vẫn là dân, cảnh có đổi mà dân không đổi…” Thơ Đỗ Phủ viết “Quốc phá, sơn hà tại,” chế độ vỡ, núi sông vẫn còn. Vương Hồng Sển không nói đến núi sông, mà chú ý tới “dân Sài Gòn vẫn có bản lĩnh” vững chãi như sông, như núi!
Ai cũng biết vào cái “Buổi 31 Tháng Tư” thì xã hội miền Nam đã thay đổi. Ai cũng có thể so sánh “trước ngày 30” và sau “buổi 31 Tháng Tư.”
Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trẻ em miền Nam vẫn giữ được những lời nói, cử chỉ kính trọng các thầy cô giáo hơn bây giờ. Mà các thầy cô hồi đó cũng giữ được tư cách đạo đức hơn buổi 31 Tháng Tư.
Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở miền Nam trai thiếu gái thừa, nhưng chưa có người mẹ nào bán con cho người ngoại quốc với giá mấy trăm đô la. Không có những cô gái xếp hàng trưng bày cho đàn ông ngoại quốc chọn. Không có người mẹ nào đem con gái bán cho các mụ Tú Bà.
Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, mặc dù đang chiến tranh dân miền Nam vẫn dám biểu tình phản đối chính phủ, không thua gì dân Nam Hàn, Đài Loan cùng thời gian đó. Sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi giáo sư y khoa phải dạy bằng tiếng Việt, ký giả biểu tình phản đối bộ thông tin đóng cửa báo, các công nhân đình công, bãi thị, các học sinh bãi khóa. Tinh thần độc lập, tự chủ của người dân rất cao. Ngày nay, chỉ cần viết cho nhau trên Internet, nói chuyện tự do dân chủ, chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, cũng bi ghép tội rồi bỏ tù.
Nhưng chúng ta có thể tin tưởng như Vương Hồng Sển, là dân Việt Nam rất có bản lãnh. Dân vẫn là dân, các chế độ đi qua rồi sẽ biến mất. Chính Vương Hồng Sển cũng có lúc tỏ ý lạc quan. Đọc lại cuốn “Hơn Nửa Đời Hư” in ở Sài Gòn, cụ đã cải chính mấy đoạn đã bị cắt xén, trong cuốn ách tiếp theo, in ở nước ngoài. Nhân dịp đó, cụ còn tỏ ý tha thứ cho nhà xuất bản và hy vọng: “…tự xét tuổi gần đất xa trời, cũng nên hỉ xả họa may nối thêm được một ít lâu để chờ xem mãn cuộc… cuộc gì cũng chưa dám nói và nên hiểu ngầm…” (trang 277)!” Mãn cuộc gì? Ai cũng hiểu!
Vương Hồng Sển đã qua đời, chưa thấy hồi mãn cuộc. Nhưng “hồi mãn cuộc” cũng sắp tới rồi! Cái “buổi 31 Tháng Tư” đang tới hồi kết thúc, người Việt Nam có ngày sẽ trở lại làm người Việt Nam, giống như “trước 30 Tháng Tư!”
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét