Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo nếu gian khoan Đông Phong của TQ xâm phạm lãnh hải

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019 17:37 // ,

Những ngày gần đây, truyền thông quốc tế và khu vực liên tục đưa tin về việc Trung Quốc có khả năng sẽ đưa giàn khoan Đông Phong 13-2 CEPB tới Biển Đông. Đáng chú ý, có tin cho rằng không loại trừ khả năng giàn khoan trên sẽ được Bắc Kinh di chuyển trái phép tới vùng biển của Việt Nam.
Giàn khoan Đông Phong 13-2 CEPB
Giàn khoan Đông Phong đang ở trong vùng biển của Trung Quốc
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (3/4) thông báo giàn khoan trên sẽ được triển khai tại giếng Đông Phương 13-2 trên Biển Đông từ ngày 6-10/4. Theo đó, giàn khoan trên sẽ được đặt ở lòng chảo Quỳnh Hải - vốn có tiềm năng nhiều dầu khí, nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam. Vị trí này nằm bên phía Trung Quốc theo đường phân định Vịnh Bắc Bộ được quy định trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà hai nước ký kết vào năm 2000.
Hiệp định xác định đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.
Được biết, Đông Phong 13-2 CEPB là giàn khoan lớn thứ 2 phục vụ khai thác dầu khí xa bờ của Trung Quốc do tập đoàn COOEC Châu Hải đóng. Giàn khoan này nặng 17.247 tấn, tương đương trọng lượng của 10.000 chiếc xe hơi và bao phủ diện tích một sân bóng đá. Giàn khoan này sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng khí đốt tự nhiên, ước tính sẽ đạt 2,6 tỷ mét khối hàng năm, đủ để cung cấp năng lượng cho Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.
Một số chuyên gia nhận định, giàn khoan này sẽ tới vị trí dự kiến là ở sát đường trung tuyến phân chia vịnh Bắc Bộ, trên vùng biển thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc. Hiện giàn khoan Đông Phong 13-2 CEPB đang di chuyển trên vùng biển quốc tế và trong trên vùng biển do Trung Quốc kiểm soát. Theo giới quan sát, chỉ khi nào Trung Quốc bắt đầu hoạt động thăm dò mà xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, xâm phạm nguồn tài nguyên dưới đáy biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì ta mới có thể phản đối. Còn bây giờ chúng ta cần bình tĩnh theo dõi sát sao mọi hoạt động và đường đi của giàn khoan này.
Phản ứng của Việt Nam
Thông tin tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (11/4) cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh, làm rõ thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982. Theo đó, hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Nhìn lại vụ giàn khoan Hải Dương 981
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí  cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Giàn khoan dầu Hải Dương 981  là giàn khoan biển sâu di động cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) để chế tạo Hải Dương 981 trong suốt 3 năm trời ròng rã. Mỗi ngày hoạt động trên biển, chỉ riêng giàn khoan này đã ngốn hết hơn 300.000 USD chi phí, đó là chưa kể chi phí hoạt động của đội tàu hộ tống.
Vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan sâu khoảng 1.000 m, trong đó nơi Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981 sâu khoảng 1.100 m. Vì vậy, Trung Quốc phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa chìm nửa nổi. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định.
Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 7 tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc, trong đó các tàu chiến thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan.
Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định “thiết lập vị trí cố định”. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động của phía Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Ngày 5/5, Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Ngày 11/5, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu mọi phương án để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình, kể cả phương án pháp lý, đó là kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 20/5, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”.
Sau 75 ngày hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sức ép quyết liệt từ phía cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng đã phải chấm dứt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Những vấn đề rút ra sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981
Trước hết, cần đánh giá đúng bản chất hành động này của Trung Quốc. Cho đến nay có nhiều quan điểm cho rằng việc Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cách đây ba năm chỉ là động thái thăm dò, nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông, không phải nhằm mục đích thăm dò khai thác dầu khí. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến trên thực tế, không thể cho rằng đây chỉ là động thái thăm dò mà đây là việc làm thật sự, theo một kịch bản được tính toán xếp đặt lớp lang của Trung Quốc nằm trong một kế hoạch tổng thể và đồng bộ nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược là khống chế toàn diện, tiến tới độc chiếm Biển Đông trên mức chiến dịch. Có thể thấy rằng, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm ráo riết triển khai chương trình khai thác dầu khí trong Biển Đông mà Trung Quốc đã từng tuyên bố rằng nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc trong Biển Đông “đang bị các quốc gia khác chiếm đoạt, vơ vét và Trung Quốc cần phải giành lại”.
Nhìn nhận một cách tổng thể, trong bối cảnh hiện nay, muốn khống chế, kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã tính toán triển khai nhiều mũi tiến công thích hợp với từng phạm vi, khu vực, thời điểm, bối cảnh, đối tượng. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 là một trong những mũi tiến công thật sự của một cuộc xâm lược mềm mà Trung Quốc đã tính toán rất kỹ để thực hiện, đồng thời với những mũi tiến công khác trong các phạm vi mà Trung Quốc muốn giành chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển.
Vì vậy, xem xét một cách tổng thể, có thể thấy chiến dịch xâm lược mềm này có sự phối hợp giữa mũi tiến chính, mũi tiến phụ, giương Đông, kích Tây, công, thủ ứng biến linh hoạt hay ở góc độ khác là Trung Quốc đã tung hỏa mù. Việc biến các bãi cạn Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Su Bi, Ga Ven, Huy Gơ và Vành Khăn ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các đảo nổi rộng lớn, xây dựng đường băng sân bay quân sự, cầu cảng quân sự, trạm ra-đa, nhà ở cho quân đồn trú, các ụ pháo v.v… Như vậy việc hoàn thiện các công trình quân sự trên các thực thể địa lý này rõ ràng là một mũi tiến công chủ lực, rất nguy hiểm của Trung Quốc trong tiến trình độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động phi lý của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam, các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cộng đồng quốc tế. Sự kiện này cũng mở đầu cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng cách điều động các tàu dân sự và phi quân sự tới các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.
Mũi tiến giàn khoan tuy không phải là chủ công nhưng đó vẫn là mũi tiến đích thực và khá lắt léo bởi có những cạm bẫy được bố trí rất thâm hiểm, nếu không tỉnh táo và cảnh giác thì chúng ta sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài trên nhiều phương diện cả về mặt chính trị, pháp lý, kinh tế, lẫn về mặt chiến lược, an ninh, quốc phòng. Lợi dụng tình hình của sự kiện Hải Dương 981 để Trung Quốc tiến hành tôn tạo 7 đảo đá ở khu vực quần đảo Trường Sa, biến các đảo đá này trở thành những “Hàng không mẫu hạm” không thể đánh chìm.
Điều đó có nghĩa là khả năng Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh Biển Đông là có thể xẩy ra bất kể lúc nào, không thể xem thường được.
Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
Trong những năm qua, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định cho khu vực và thế giới. Vì thế, vấn đề Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trong khu vực, các nước lớn và cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Đối với Việt Nam, giải quyết vấn đề này được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước ta.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương. Với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải thực hiện bằng các phương thức khác, như: trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế tài phán quốc tế. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Việt Nam không chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc để tạo thành vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có những hoạt động của các công ty dầu khí; đồng thời, hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Thứ nhất là: Phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Bằng cách là phải thể hiện cho được lập trường rõ ràng, chính nghĩa của Việt Nam, phải công khai minh bạch mọi thông tin có liên quan đến tình hình trên biển, đặc biệt là những diễn biến từ thực địa.
Thứ hai là: Chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu.
Thứ ba là: Các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, đó là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương. Đặc biệt là tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền, phải hết sức kiềm chế, không được manh động, tự do vô tổ chức có thể từ yếu tố chiến thuật sẽ trở thành vấn đề chiến lược.
Thứ tư là: Cần phải thống nhất nhận thức luận, đó là việc cung cấp và xác định kịp thời, chính xác sự việc xảy ra ở vị trí nào, thuộc phạm vi nào, khu vực nào trong Biển Đông, hành vi đó có vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam không. Điều này rất quan trọng, bởi vì trong Biển Đông có nhiều khu vực khác nhau về các quyền và lợi ích quốc gia, quy chế pháp lý, thủ tục xử lý ở từng vùng biển cũng khác nhau.
Thứ năm, triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhất là biện pháp pháp luật trên thực địa và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực đối với các hoạt động của nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khi cần thiết phải sử dụng đến chế tài quốc tế.
Thứ sáu, tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới và khu vực, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS năm 1982, bởi vì Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy tiến trình thông qua COC, đặc biệt không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Thứ bảy, đấu tranh pháp lý là biện pháp đấu tranh hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ, trên cơ sở Hiến chương của Liên Hợp Quốc, hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về biển, nhất là những quy định của UNCLOS. Bởi vậy, việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý hiện nay là điều phải chuẩn bị kỹ càng chu đáo, thấu lý, đạt tình, có cơ sở khoa học, căn cứ và chứng cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Thứ tám, chúng ta cần phải cảnh giác trước mọi động tháí của Trung Quốc trên Biển Đông, không loại trừ Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông trong thời gian tới.
Vì vậy, nếu Trung Quốc đưa giàn khoan Đông Phong xâm phạm lãnh hải và thêm lục địa của Việt Nam, thì ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp (ngoại giao, pháp lý, quân sự…) để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.