Tin Biển Đông – 13/04/2019
Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019
19:40
//
Biển Đông
,
Slider
Bắc Kinh có ý định mở rộng đòi hỏi chủ quyền
bên ngoài đường lưỡi bò ở Biển Đông
Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Mỹ hôm 21/3 có bài viết nhận định Trung Quốc có khả năng sớm tuyên bố đường cơ sở thẳng qua toàn bộ các thực thể ở Biển Đông bất chấp luật quốc tế.
Trang AMTI viết rằng “Trung Quốc không hề che giấu ý định cuối cùng sẽ tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh phần còn lại của những thực thể tại Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa”.
Đường cơ sở được các quốc gia ven biển áp dụng để xác định vị trí và chiều rộng của các vùng biển để từ đó xác định chủ quyền trên biển căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Hiện khu vực Biển Đông cùng các thực thể tại đây là vùng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Theo AMTI, từ năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố một loạt đường cơ sở thẳng qua quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ Việt Nam vào năm 1974. Đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố ở khu vực quần đảo này khiến Trung Quốc mở rộng phần lãnh hải qua việc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với toàn bộ các thực thể thuộc quần đảo, thay vì vẽ riêng với từng thực thể như quy định của luật quốc tế. Không những thế, Trung Quốc cũng tuyên bố tất cả vùng nước phía trong của những đường cơ sở thẳng này là vùng nội thủy của Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc khẳng định các tàu thuyền và máy bay nước ngoài không có quyền đi qua vùng nước và vùng trời khu vực quần đảo Hoàng Sa, kể cả khi ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo.
Hoa Kỳ sau đó đã tuyên bố phản đối Trung Quốc. Philippines và Việt Nam cũng phản đối.
Hoa Kỳ lập luận rằng, theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các nước ven biển như Trung Quốc không được áp dụng đường cơ sở thẳng. Đường này chỉ có thể áp dụng với các quốc đảo như Philippines và Indonesia. Vào năm 2016, sau khi có phán quyết của tòa Trọng Tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông, Hoa Kỳ cũng một lần nữa khẳng định lập trường của mình về đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đưa ra.
Theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, việc áp dụng đường cơ sở thẳng của Trung Quốc cũng không được chấp nhận. Không những thế, phán quyết của tòa còn quy định các phân khúc đường cơ sở không thể dài quá 100 miles và tỷ lệ vùng nước và đất trong đường cơ sở không thể vượt quá 9/1. Tuy nhiên đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ ra ở Hoàng Sa dù không quá 100 miles nhưng lại có tỷ lệ là 1.891/1, theo AMTI.
Vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và một lần nữa khẳng định chính sách của nước này từ năm 1958 là áp dụng đường cơ sở thẳng đối với tất cả các khu vực Dongsha Qundao (hay còn gọi là Pratas), Xisha Qundao (Hoàng Sa), Zhongsha Qundao (bãi cạn Scarborough và bãi Macclesfield), Nansha Qundao (Trường Sa), cùng tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc.
AMTI dự đoán có thể có 4 khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra đường cơ sở thẳng đối với phần còn lại của Biển Đông như sau:
Khả năng 1: Trung Quốc sẽ phớt lờ tất cả các quy định trong UNCLOS và bao gồm tất cả các thực thể ở Quần đảo Trường Sa vào đường cơ sở của mình, tức là bao gồm cả Trường Sa, bãi Luconia và
James Shoal của Malaysia và Vanguard Bank, cùng những thực thể nửa chìm nửa nổi thuộc thềm lục địa Việt Nam.
Khả năng 2: Trung Quốc sẽ bao gồm tất cả quần đảo Trường Sa vào các phân khúc của đường cơ sở với chiều dài lớn hơn 100 miles.
Khả năng 3: Trung Quốc sẽ vẽ các đường cơ sở quanh các thực thể nổi và bãi cạn lúc chìm lúc nổi.
Khả năng 4: Trung Quốc sẽ bao gồm chỉ những nhóm thực thể nổi trong các đường cơ sở.
Theo AMTI, động cơ để Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng ở quần đảo Trường Sa là để gia tăng đòi hỏi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa đối với các thực thể, dù phán quyết của Tòa Trọng tại quốc tế trước đó xác định các thực thể này không phải là các đảo để có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Nói tóm lại, dù với khả năng nào thì với đường cơ sở thẳng, đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này đã vẽ ra trên biển trước đó.
Các nước G7 sẽ lên tiếng
phản đối TQ xây đảo nhân tạo ở Biển Đông
Tuyên bố chung của các nước công nghiệp hàng đầu G7 đang nhóm họp tại Pháp vào cuối tuần này có thể sẽ có phần lên án Trung Quốc vì xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này và gián điệp mạng. Nikkei Asian Review loan tin này hôm 6/4.
Lý do các nước G7 lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông xuất phát từ lo ngại Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ngoài ra, các nước G7 cũng sẽ thảo luận về hành vi thiếu trách nhiệm trên mạng internet và sẽ có tuyên bố chung kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những vụ tấn công mạng do Trung Quốc và Nga bảo trợ.
Bộ trưởng các nước G7 cũng sẽ thảo luận về mối quan ngại liên quan đến khả năng Trung Quốc có gián điệp ăn cắp bí quyết các sản phẩm, một vấn đề mà Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo.
Bộ Trưởng Quốc phòng Anh
tiếp tục khẳng định điều tàu chiến đến Biển Đông
Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 18/2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết các tàu chiến của Anh sẽ tiếp tục đến Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng nước này bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao của Bắc Kinh.
Trong buổi chất vấn tại quốc hội Anh, Bộ trưởng Williamson nóicũng như nhiều quốc gia khác, như Mỹ, Úc, Pháp, New Zealand và Canada, Anh quốc cũng tin vào việc tuân thủ luật và hệ thống luật quốc tế. “Chúng ta sẽ luôn là một quốc gia không chỉ có nói mà còn có hành động để duy trì việc tuân thủ luật pháp vốn đã giúp ích cho nhiều quốc gia trên toàn cầu”, Bộ trưởng Williamson nói trước Quốc hội.
Bộ trưởng Williamson hiện đang phải đối mặt với những chỉ trích vì cho rằng những phát biểu của ông liên quan đến Biển Đông đã gây khó khăn cho vấn đề thương mại giữa Anh và Trung Quốc.
Hôm 11/2 vừa qua, Bộ trưởng Williamson xác nhận Anh Quốc sắp điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương.
Tuyên bố này đã làm cho Trung Quốc tức giận và khiến Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đột ngột bỏ cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond dự định diễn ra vào cuối tuần qua.
Sự gia tăng hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông,
TQ sẽ làm gì?
Trung Quốc trong năm 2019 tăng chi tiêu cho ngân sách quốc phòng 7,5% và tốc độ tăng chi quốc phòng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Biển Đông leo thang.
Vấn đề được nêu ra, liệu rằng Trung Quốc sẽ có động thái quân sự nào khi Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện ở vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương? Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia trong phần sau.
Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh?
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội thường niên vào ngày 5 tháng 3, Trung Quốc cho biết chi khoảng 177 tỷ đô la Mỹ (USD) cho quốc phòng của nước này trong năm 2019. Mặc dù tỉ lệ tăng 7,5% trong năm nay thấp hơn tỉ lệ tăng 8,1% trong năm ngoái, tuy nhiên tốc độ tăng chi cho quốc phòng của Trung Quốc được nói là cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó vào ngày 3 tháng 3, The Wall Street Journal đăng tải một bài xã luận của ký giả Mark Helprin, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR)-một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ với nội dung khẳng định trong khi Washington tập trung vào những nơi khác thì Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Ký giả Mark Helprin cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một trò chơi dài hạn mà tập trung vào phát triển quân sự và bành trướng, mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc có chiều hướng suy thoái. Ký giả Mark Helprin lập luận không giống như Hoa Kỳ tập trung vào các mục tiêu ngắn, Trung Quốc chơi một trò chơi dài, trong đó mục tiêu chính là mối tương quan thuận lợi của các lực lượng theo thời gian và biện pháp quan trọng nhất là năng lực quân sự.
Cho nên sự lệ thuộc của Chính quyền Cộng sản Triều Tiên vào Trung Quốc là một lẽ dĩ nhiên, một sự thực hiển nhiên. Chúng ta không phải quan ngại nếu Triều Tiên không thỏa hiệp được với Mỹ thì Triều Tiên sẽ lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc không? Triều Tiên đã lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Tôi nghĩ ngay cả Triều Tiên không thể chế bom nguyên tử, nếu không có sự thỏa thuận và giúp đỡ của Trung Quốc. Có thể Triều Tiên chỉ là ‘một cái xưởng’ chế tạo bom nguyên tử, còn người thực sự chế tạo mới là Trung Quốc
-Ông Nguyễn Gia Kiểng
Tác giả bài xã luận nhấn mạnh đến việc phát triển vũ khí của Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến vũ khí hạt nhân bởi mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên mà quốc gia Cộng sản khép kín này được cho là lệ thuộc vào Trung Quốc. Ký giả Mark Helprin chỉ ra Trung Quốc là nước đứng thứ 3 toàn cầu về sở hữu hạt nhân với 228 tên lửa hạt nhân, sau Mỹ và Nga cùng với 55 tàu ngầm tấn công nên thực tế cho thấy Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nam Hàn, Nhật Bản và đảo Guam, thậm chí bắn tên lửa hạt nhân đến lãnh thổ đất liền của Mỹ.
Từ Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới, lên tiếng với RFA rằng nhìn lại Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Hàn được xem như lệ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc điều động một lực lượng lớn quân đội đến giúp đỡ, giải vây ở sông Áp Lục (Yalu River). Ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm của mình:
“Cho nên sự lệ thuộc của Chính quyền Cộng sản Triều Tiên vào Trung Quốc là một lẽ dĩ nhiên, một sự thực hiển nhiên. Chúng ta không phải quan ngại nếu Triều Tiên không thỏa hiệp được với Mỹ thì Triều Tiên sẽ lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc không? Triều Tiên đã lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Tôi nghĩ ngay cả Triều Tiên không thể chế bom nguyên tử, nếu không có sự thỏa thuận và giúp đỡ của Trung Quốc. Có thể Triều Tiên chỉ là ‘một cái xưởng’ chế tạo bom nguyên tử, còn người thực sự chế tạo mới là Trung Quốc.”
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có tác động gì đến mối quan ngại như của ký giả Mark Helprin nêu ra hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định:
“Với lãi suất là 3,3%, trung bình mỗi năm Trung Quốc phải trả tiền lãi của các khoản vay vào khoảng 1000 tỷ đô la Mỹ (USD). So với 1000 tỷ đó thì 30 tỷ tiền thuế mà ông Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc sẽ không thiệt hại bao nhiêu. Đó là tôi nói thiệt hại tối đa ở mức 30 tỷ USD. Vậy thì chúng ta không nên coi cái gọi là ‘cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung’ là quan trọng.”
Tác giả của bài xã luận có nhan đề, tạm dịch là “Hoa Kỳ đang nhượng lại vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc”, ký giả Mark Helprin cho rằng thật sự là khó hiểu khi hiện tại Hoa Kỳ không nhận thấy được các mối quan hệ sức mạnh căn bản mà Trung Quốc chú trọng tập trung vào và nếu như Hoa Kỳ càng
kéo dài lổ hổng này, cũng như không gửi một tín hiệu nào trong lúc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự thì rõ ràng vùng biển Tây Thái Bình Dương của Mỹ cuối cùng sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc.
Chiến lược đối trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương
Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016
Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016 Courtesy: U.S. NAVY
Đài RFA ghi nhận hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Hoa Kỳ, cố vấn An ninh Mỹ John Bolton cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Mới đây nhất, vào ngày 7 tháng 3, Báo mạng sputniknews.com, của Nga dẫn lời của Đô đốc Philip Davidson tuyên bố trong cùng ngày rằng Hoa Kỳ ghi nhận các hoạt động quân sự của Trung Quốc gia tăng trong năm 2018 ở Biển Đông với các tàu, chiến đấu cơ và máy bay ném bom nhiều hơn những năm trước đó. Đô đốc Philip Davidson lập luận rằng hoạt động này gây nguy hiểm cho hoạt động thương mại và thông tin tài chính diễn ra ở khu vực Biển Đông.
Mặc dù tuyên bố như vừa nêu, tuy nhiên Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ từ chối cho biết số liệu về lực lượng tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ sẽ tăng lên hay không trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA rằng cần có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá các diễn tiến ở khu vực Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ký giả Mark Helprin có cái nhìn bi quan trong bài xã luận đăng tải trên tờ The Wall Street Journal:
“Họ quá bi quan về các tác động của chính trị và địa chiến lược cũng như an ninh toàn cầu từ phía Mỹ. Thứ hai là họ đánh giá quá cao về vai trò và kết quả mà Trung Quốc có thể đạt tới trong tương lai. Một bên là Mỹ thì đánh giá quá thấp. Còn một bên đánh giá quá cao Trung Quốc. Các bài viết như thế thì không thấy dẫn chứng mà nhận định và bình luận thì rất thiếu sót.”
Mỹ với trách nhiệm của một nước đang đứng ở tuyến đầu trong việc đảm bảo trật tự an ninh quốc tế đã hình thành từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi cả thì không có lý do gì mà họ không đảm bảo quyền lợi quốc gia của họ trong bối cảnh ở khu vực Biển Đông mà có lợi ích của quốc gia đó. Nếu nói như thế thì có thể thấy rằng việc can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông là có cơ sở về mặt chính trị cũng như chiến lược, dựa trên nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Không thể giảm đi mà chỉ có tăng lên thôi
-TS. Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhắc lại Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tiến hành “Chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương”, cho thấy rằng người Mỹ không bỏ vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông. Tiếp đến Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn theo “Chính sách xoay trục’ này và tăng cường các hoạt động tuần tra về tự do hàng hải; đồng thời còn lập ra một cơ chế an ninh mới gọi là ‘Cơ chế an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương”, bao trùm cả Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh:
“Trong vòng gần 2 năm qua vẫn chưa thấy qua cơ chế này có hoạt động nào lớn, nhưng rõ ràng có ý nghĩa. Đặc biệt là vào hôm mùng 4 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tái khẳng định hiệp định hòa bình với Philippines rằng nếu có một nước nào đó tấn công Phi, tức là tấn công nước Mỹ và nước Mỹ sẽ đánh trả. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ.
Sự nhất quán trong chính sách của các nước lớn, kể cả Hoa Kỳ lẫn của các nước nhỏ thì trước hết họ phải quan tâm đến lợi ích quốc gia của nước họ trước. Lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông là thứ nhất họ phải bảo vệ bằng được con đường vận chuyển hàng hóa đi qua Biển Đông hơn 5000 tỷ USD,
trong đó hơn một nửa lượng hàng hóa Mỹ đi qua khu vực này, còn lại là của các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc, kể cả Philippines…và những nước bạn của Hoa Kỳ như Singapore, Đài Loan và cả Việt Nam…Mỹ với trách nhiệm của một nước đang đứng ở tuyến đầu trong việc đảm bảo trật tự an ninh quốc tế đã hình thành từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi cả thì không có lý do gì mà họ không đảm bảo quyền lợi quốc gia của họ trong bối cảnh ở khu vực Biển Đông mà có lợi ích của quốc gia đó. Nếu nói như thế thì có thể thấy rằng việc can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông là có cơ sở về mặt chính trị cũng như chiến lược, dựa trên nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Không thể giảm đi mà chỉ có tăng lên thôi.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định vai trò của Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương đều quan trọng, thế nhưng ông cho rằng giấc mơ làm chủ khu vực này của Trung Quốc sẽ rất khó trở thành hiện thực.
Còn ông Nguyễn Gia Kiểng lập luận trong tương lai không xa, chiến lược“Sáng kiến vành đai và con đường” mà Trung Quốc tung ra sẽ khiến cho nền kinh tế của nước này lâm vào khủng hoảng, vì vay tiền với lãi suất cao và cho vay lại với lãi suất thấp và rất có triển vọng không đòi lại được. Do đó, một khi kinh tế của Trung Quốc bị khủng hoảng thì sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và hậu quả làtuy mối nguy Trung Quốc có thật, nhưng sẽ giảm đi chứ không tăng lên.
Khả năng bố trí hệ thống pháo chặn
TQ quân sự hóa ở Biển Đông
Washington và Manila đang thảo luận về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực được nâng cấp của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 3 tháng tư loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ các chuyên gia an ninh khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay hai phía Hoa Kỳ và Philippines vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch được mang ra thảo luận vì hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ có thể quá đắt so với nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp của Philippines.
Dù chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch bố trí hệ thống pháo phản lực nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông; hai phía Hoa Kỳ và Philippines tiếp tục khẳng định mối quan hệ liên minh bền vững.
Lãnh đạo quốc phòng của hai nước đồng ý gia tăng các chiến dịch chung của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Philippines, hỗ trợ giúp Manila hiện đại hóa quân đội.
Vào tháng trước, ngoại trưởng Mike Pompeo của Mỹ cũng lên tiếng khẳng định sự vững chắc của liên minh Hoa Kỳ- Philippines. Lúc đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ mối đe dọa từ hoạt động bồi lắp nên những đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng của Trung Quốc.
Một chuyên gia an ninh nói với Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng rằng, hệ thống pháo phản lực HIMARS nếu được bố trí tại khu vực Biển Đông có thể bắn đến các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong cuộc tập trận Mỹ- Phi thường niên năm 2016.
Thông tin về thảo luận giữa Hoa Kỳ và Philippines về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực như vừa nêu được đưa ra khi Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) tại thủ đô Washington ra phúc trình với cảnh báo là ‘các chiến dịch tự do hàng hải’ của Mỹ thất bại trong việc buộc Trung Quốc phải thay đổi tại Biển Đông.
Tin loan đi lâu nay cho thấy Trung Quốc đã bố trí các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm tại ba đảo nhân tạo do bắc Kinh bồi lấp ở Trường Sa gồm Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
Trường Sa : Manila nhắc lại phán quyết Biển Đông
để phản bác Bắc Kinh
Khẩu chiến lại bùng lên giữa Manila và Bắc Kinh về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Sau khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa thuộc
lãnh thổ Trung Quốc, phủ tổng thống Philippines, tối 12/04/2019, đã phản bác lập luận của Bắc Kinh và nhắc nhở rằng Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2016.
Theo báo chí Philippines, trong một thông cáo, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng Manila hoàn toàn đồng ý với Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại hòa bình, tuy nhiên chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa là điều đã được biết rõ.
Bản thông báo nhắc lại: “Phán quyết (về Biển Đông) đã được đưa ra và chúng ta vẫn kiên định duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình đối với lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế, không chỉ căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng Tài dựa trên các nguyên tắc được chấp nhận của luật quốc tế, mà còn tuân thủ Hiến Pháp và nguyện vọng của người dân Philippines”.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines đồng thời cho rằng Trung Quốc nên chấm dứt các hành vi có nguy cơ phá hoại hòa bình ở các vùng biển tranh chấp.
Lời nhắc nhở Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã nối tiếp theo những chỉ trích gay gắt hơn gần đây của Manila nhắm vào việc Trung Quốc cho cả trăm tàu cá – bị nghi là thuộc lực lượng dân quân biển – đến thị uy ở sát đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Philippines tại Trường Sa.
Đúng vào lúc phủ tổng thống Philippines nhắc nhở Trung Quốc về phán quyết Biển Đông, Quân Đội Philippines và Hoa Kỳ kết thúc cuộc tập trận thường niên Balikatan, mở ra từ ngày 01 đến ngày 12/04.
Đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ phái tàu đổ bộ cỡ lớn là chiếc USS Wasp, mang theo cả chục chiến đấu cơ tàng hình hiện đại loại F-35B Lightning II đến tham gia tập trận.
Ý định thị uy của Mỹ được thể hiện rõ khi tàu đổ bộ Mỹ đến diễn tập gần bãi cạn chiến lược Scaborough đang tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, điều đã được báo chí Philippines ghi nhận, trong lúc Hoa Kỳ không xác nhận mà cũng không phủ nhận.
Phát biểu hôm qua trong cuộc họp báo bế mạc cuộc tập trận chung Balikatan, chỉ huy Lực Lượng Viễn Chinh 3 của Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản Eric Smith đã khẳng định trở lại rằng phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp cho phép.
Tuyên bố trên đưa đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng sự hiện diện của Mỹ và những lực lượng bên ngoài không có liên quan đến khu vực đang khuấy động tình hình ở Biển Đông, nói đến sự kiện tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp và chiến đấu cơ tàng hình F-35B phối hợp với tàu Philippines tập trận gần bãi cạn Scarborough.
Thấy gì qua việc Việt Nam ‘lặng lẽ’ xây dựng ở Trường Sa?
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Việt Nam được cho là đang ‘lặng lẽ’ và ‘chậm rãi’ xây dựng quanh và trong quần đảo Trường Sa. Động thái này nói lên điều gì?
“Tôi cho rằng cần đặt việc này trong đúng bối cảnh. Đó là việc Việt Nam, thực ra, đã sở hữu một số thực thể ở Trường Sa từ trước năm 2002, thời điểm Trung Quốc và ASEAN kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC),” Giáo sư Carl Thayer nói với BBC Tiếng Việt hôm 11/4.
‘Cuộc chơi công bằng’
“Theo DOC, các bên tham gia cam kết không tiến hành chiếm bất cứ các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ, v.v… nào ở Biển Đông,” Giáo sư Carl Thayer nói với BBC từ Australia.
“Trường hợp Việt Nam, nước cũng tham gia DOC, thực tế đã tiến hành việc chiếm hữu một số thực thể ở đây trước năm 2002.”
Bài viết của Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) hôm 8/4 cho hay Việt Nam đã chiếm hữu 49 tiền đồn trải rộng trên 27 vị trí quanh quần đảo Trường Sa và đang tiếp xục nâng cấp các công trình ở đây.
Giáo sư Carl Thayer nhận định:
“Việc AMTI mới đây đưa ra báo cáo công khai về tình hình xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa có thể khiến nhiều người nhảy dựng lên rằng “các nước khác cũng đang làm y như Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực mà Trung Quốc đang quân sự hóa trên Biển Đông chiếm diện tích chủ yếu. Trong khi một phần rất nhỏ còn lại là của các nước khác.”
“Tôi cho rằng báo cáo AMTI thực ra muốn đưa ra cái nhìn công bằng hơn về tình hình ở Biển Đông, với một bên là đối trọng Trung Quốc. Cụ thể hơn, việc xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa – như mô tả trong báo cáo – là bình thường, với các công trình rất nhỏ và khiêm tốn. Không thể nào so sánh được với quy mô xây dựng của Trung Quốc.”
“Báo cáo của AMTI nói rằng Việt Nam đang hoàn thiện đường băng dài 1.300m, và cho lắp đặt radar cho phép Việt Nam có thể thu phát các tín hiệu liên lạc từ các tàu, thuyền của Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một cuộc chơi công bằng.”
“Tôi không cho rằng có nước nào sẽ phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam, và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này.”
“Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực.”
“Mà giả như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử nói xem những cái mà Trung Quốc đang tiến hành là gì?”
Luật sư Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ TP Hồ Chí Minh thì cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa như Việt Nam đang tiến hành “không làm thay đổi tính chất pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền của Việt Nam.”
“Vụ Philippines kiện Trung Quốc mà Toà Trọng tài ra phán quyết năm 2016 khẳng định điều này. Theo đó, mọi hành động nhằm thay đổi tính chất pháp lý của các thực thể trên Biển Đông sau thời điểm tranh chấp sẽ không được các toà quốc tế chấp nhận. Ngoài ra, việc bồi lấp các thực thể cũng không biến nó thành “đảo” nếu nó là đá hoặc bãi lúc chìm lúc nổi được.”
“Lần này chưa thấy Trung Quốc lên tiếng. Tuy vậy, họ cũng đã có động thái khi thông báo giàn khoan Đông Phương 13-2 sẽ xuất hiện ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.”
“Trong khi với mức độ xây dựng nhỏ, chủ yếu với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ và cứu hộ, Việt Nam không làm cho các quốc gia khác lo ngại như với mức độ quân sự hóa của Trung Quốc.”
‘Quy mô khiêm tốn’
Báo cáo của AMTI mô tả khá chi tiết các bước xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ năm 2015 tới nay. Báo cáo này cũng cho hay quy mô và cách thức mà Việt Nam tiến hành rất ‘từ từ’ và ‘khiêm tốn’.
Hầu hết các khu vực mà Việt Nam cho tiến hành xây dựng không nằm trực tiếp trên các đảo nhỏ tự nhiên như Trường Sa và Phan Vinh, mà ở các rạng đá thấp hơn mực thủy triều và ở các bãi ngập nước, theo bài báo trên AMTI.
Các động thái này cho thấy Việt Nam không cố gắng tham gia vào việc quân sự hóa quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa như Trung Quốc; ví dụ như không có dấu hiệu xây dựng các cơ sở để chứa máy bay tấn công, theo phân tích của AMTI.
Các cơ sở mà Việt Nam xây dựng ở đây dường như chỉ hướng tới mở rộng khả năng giám sát và tuần tra vùng biển bị tranh chấp, cải thiện điều kiện sống và đảm bảo có thể tiếp tế bằng đường hàng không nếu cần thiết.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á của Đai học New South Wales, Úc, nói với BBC rằng các bước đi của Việt Nam ‘không gây lo ngại cho bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc’.
“Trung Quốc biết Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Trường Sa nhưng tới nay vẫn im lặng, không phản ứng quyết liệt như họ mới đây đã làm với việc xây dựng của Philippines trên đảo Thị Tứ.”
‘Khẳng định chủ quyền’
Dù chỉ xây dựng lặng lẽ và với quy mô nhỏ như vậy suốt nhiều năm tại Trường Sa và một số đảo khác tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc làm này là cần thiết để Việt Nam khẳng định chủ quyền và sự hiện diện của mình ở Biển Đông.
“Hiện Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông và điều quan trọng là các nước chọn cách thức phản ứng như thế nào.”
“Chúng ta có thể hợp tác nhưng không có nghĩa là không có cách để lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền của mình. Và Việt Nam đang đi con đường đúng đắn,” Giáo sư Carl Thayer nói.
“So sánh với những gì đã xảy ra với Philippines thì tôi cho rằng Việt Nam đã chọn con đường phù hợp hơn. Nếu như Việt Nam im lặng trước mọi hành động bắt nạt của Trung Quốc thì cái mà Việt Nam nhận được sẽ là gì? Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bao vây, xua đuổi, tấn công tàu cá, tịch thu lưới đánh cá… Và Việt Nam đã chọn cách củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực này…. Hoàn toàn trái ngược với cách Tổng thống Philippines từng chọn là ‘khom lưng cúi gối’ mà làm bạn với Trung Quốc,” ông Carl Thayer nói.
Theo AMTI, Việt Nam, cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đều cố chứng minh sự hiện diện của mình ở khu vực này.
Philippines đã treo cờ trên nóc một tòa nhà của nó tại đảo Loại Ta (Loaita Cay), ‘cạnh tranh’ với cờ Việt Nam treo ở Trường Sa và cờ Trung Quốc treo ở đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Thậm chí Trung Quốc chưa dừng lại ở đó, mới đây đã khuyếch trương tín hiệu về chủ quyền bằng cách treo cả cờ của nước Cồng hòa Nhân dân Trung Hoa và của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đảo Tri Tôn. Dưới các lá cờ là dòng chữ Đại lục mãi trường tồn và Vinh quang của đảng tỏa sáng đời đời.
Việt Nam đã xây gì ở Trường Sa?
Ở phía Đông Bắc của đảo Trường Sa, Việt Nam xây dựng hai cơ sở thông tin liên lạc, truyền tín hiệu; và xây một cụm các tòa nhà trên khu đất mới bồi đắp, dọc theo bến cảng nhân tạo; xây một khu thể thao gần tòa nhà hành chính trên đảo. Nhiều tòa nhà được lắp các tấm pin mặt trời, theo AMTI.
Để bảo vệ toàn bộ vùng đất mới được hình thành này khỏi nước dâng khi có bão, Việt Nam đã đào một loạt các kênh thoát nước phức tạp dọc theo rìa đảo.
Ở phía Tây Nam các rạn đá và đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam đã xây dựng 14 tiền đồn trong khu vực này, nơi được gọi là các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ.
Dưới đây là hành trình xây dựng của Việt Nam quanh quần đảo Trường Sa:
Trước 2014: Việt Nam bồi đắp thêm 6 mẫu đất trên rạn Phan Vinh (Pearson Reef).
2015- 2016: Mở rộng đường băng ở đảo Trường Sa từ 750m ban đầu lên đến 1.300m, và xây một bến cảng.
Tổng cộng, Việt Nam đã tạo thêm khoảng 40 mẫu đất tại đảo Trường Sa thông qua nạo vét một phần rạn san hô bao quanh đảo rồi san lấp bằng cát.
Quá trình này được cho là tốn nhiều thời gian hơn và ít gây hại cho môi trường hơn so với các phương pháp nạo vét và san lấp quy mô công nghiệp của Trung Quốc tại Trường Sa, nhưng vẫn là phá hủy rạn san hô có chủ ý, AMTI cho hay.
Từ 2016: Tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất trên rạn Phan Vinh, bao gồm xây dựng sân bay trực thăng, lắp các tấm pin mặt trời và trồng thảm thực vật trên các khu đất mới.
Từ giữa 2017: Việt Nam cho lắp một radar lớn trên đỉnh một tòa nhà ở phía tây của rạn Phan Vinh, cho thấy sự cải thiện về tín hiệu hoặc khả năng liên lạc. Việc trồng cây xanh trên các khu vực bãi đất mới, có lẽ để tránh xói mòn, cũng đã hoàn tất.
Việt Nam cũng tiến hành mở rộng Đá Nam và Đá Núi Thị (Petley và South Reefs).
Việt Nam còn xây thêm các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghiệp ở Bãi Phúc Tần (Prince of Wales) và Bãi cạn Quế Đường (Grainger Banks) và một sân bay trực thăng lớn.
Cũng trong năm này, Việt Nam hoàn thiện đường băng và bốn nhà chứa máy bay; Các máy bay này nhiều khả năng là máy bay giám sát hàng hải PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295, theo AMTI.
0 nhận xét