Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Quanh chuyện TBT Trọng 'gửi điện mừng' lãnh đạo các nước

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019 18:09 // ,

BBC
Ben Ngô
21/04/2019


Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội hôm 1/3
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam tại New Zealand nói với BBC rằng việc các báo đăng tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "gửi điện mừng" đến lãnh đạo các nước cho thấy nhà nước "muốn phủ nhận những tin đồn sức khỏe của lãnh đạo trên mạng xã hội".
Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand vừa có bài bình luận về sức khỏe Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên trang The Diplomat.
Trong bối cảnh mạng xã hội dấy lên suy đoán về sức khỏe, bệnh tình của ông Nguyễn Phú Trọng thì các báo ở Việt Nam đăng tin ông Trọng "gửi điện mừng đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Bắc Hàn Choe Ryong Hae…"
Trả lời BBC hôm 21/4, ông Nguyễn Khắc Giang bình luận:
"Việc đăng những thông cáo như vậy vẫn là nhiệm vụ bình thường của Văn phòng Chủ tịch nước, nhưng trong thời điểm này thì nó có thể hướng đến hai mục đích. Thứ nhất, nhà nước muốn phủ nhận những tin đồn sức khỏe của lãnh đạo trên mạng xã hội."
Thứ hai - đồng thời nhà nước không muốn được nhìn nhận là có quan tâm đến những đồn đoán đó. Một sự hiện diện trên truyền hình dễ dàng dập tắt hơn những đồn đoán, nhưng như vậy lại tạo ra cảm giác nhà nước có "trách nhiệm giải trình" gián tiếp với thông tin trên mạng. Khi đó, việc thực hiện những nhiệm vụ bình thường như gửi điện mừng sẽ mang thông điệp "business as usual" cho công chúng."

Ba ứng cử viên sáng giá nhất? Từ trái: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh ChínhBa ứng viên sáng giá nhất theo nhà quan sát Khắc Giang: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính (từ trái qua)
BBC: Theo ông, có gì khác biệt giữa các suy đoán và diễn biến về sức khỏe ông Trọng so với sức khỏe ông Trần Đại Quang hồi năm ngoái?
Ông Nguyễn Khắc Giang: Tình hình sức khỏe của ông Quang được đồn đoán trong thời gian dài, gần một năm, còn ông Trọng thì mới qua một sự kiện vào ngày 14/4/2019, vì vậy còn ít thông tin để so sánh. Tuy nhiên, những "tin đồn" đều không xuất hiện ngẫu nhiên, mà được lan truyền qua nhiều facebooker nổi tiếng (đồng nghĩa với mục đích lan tỏa thông tin nhanh nhất), và cả hai đều không có xác nhận hay phủ nhận từ truyền thông nhà nước.
Điểm đặc biệt là các thông tin đó có độ chi tiết đáng ngạc nhiên, dấy lên nghi ngờ về việc có "tay trong" tuồn thông tin ra bên ngoài hay không. Đó là những thứ chúng ta chưa thể kiểm chứng.
BBC: Trong bài trên The Diplomat, ông viết: "Vấn đề sức khỏe - nếu thật sự có - sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực để ông có thể ở lại lâu hơn. Đầu năm 2018, Bộ Chính trị theo hướng dẫn của ông đã ban hành Quy định số 90, đặt "sức khỏe" thành một điều kiện để được giữ các chức vụ chủ chốt. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm loại bỏ ông Quang, nhưng trớ trêu giờ đây quy định này quay lại "cắn" ông Trọng sớm như vậy." Theo ông, liệu ông Trọng có cách hóa giải những điều kiện mà ông đặt ra để tiếp tục nắm quyền lâu hơn?
Ông Nguyễn Khắc Giang: Chúng ta vẫn đang bàn về một giả thuyết về "sức khỏe ông Trọng", nhưng vẫn chưa có thông tin chính xác. Ở trường hợp ông Trọng thực sự có vấn đề sức khỏe, tôi không tin có biện pháp nào để ông ấy nắm quyền lâu hơn (sau 2021), bởi cơ chế lãnh đạo tập thể của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn rất mạnh, rất khó để ông ấy không tuân theo chính quy định mà mình đề ra (Quy định 90 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017).
Ông thậm chí có thể nghỉ hưu trước khi nhiệm kỳ kết thúc, như dự đoán trước Đại hội 12 năm 2016. Trường hợp thứ hai, kể cả ông Trọng không có vấn đề sức khỏe, khả năng ông rút lui sau khi phục vụ đủ hai nhiệm kỳ vẫn rất cao, do giới hạn hai nhiệm kỳ và độ tuổi.

trọngÔng Nguyễn Phú Trọng được bác sĩ thăm khám sức khoẻ hàng ngày nhưng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, chỉ hưởng tiêu chuẩn 'thăm khám' hàng tuần
BBC: Về dự báo"Việt Nam giống như các chế độ chuyên chế khác, sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kế nhiệm", ông có thể nói rõ hơn?
Ông Nguyễn Khắc Giang: Khác với hệ thống bầu cử của chế độ dân chủ, chế độ chuyên chế không thực hiện cách chọn lãnh đạo thông qua lá phiếu trực tiếp. Vì thế, chế độ chuyên chế chỉ ổn định được nếu quá trình chuyển giao quyền lực được thể chế hóa, hay nói cụ thể là có những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng, quy trình minh bạch để lựa chọn lãnh đạo. Thêm vào đó, cũng cần phải có những ứng viên đáp ứng đủ những tiêu chuẩn đề ra.
Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo mới, đang có vấn đề ở cả hai. Việc bầu các vị trí lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ được thể chế hóa một phần, bởi Quy định 90 không thực sự cụ thể hóa các tiêu chí "cứng" mà chỉ đề cập chung chung đến sức khỏe, kinh nghiệm, độ tuổi. Về ứng viên, nếu xét trên cả khía cạnh tiêu chuẩn, phương cách lựa chọn chính thức và phi chính thức, đều không có ứng viên "hoàn hảo". Điều này có nghĩa là chúng ta không chắc giàn lãnh đạo sau Đại hội 13 sẽ có thể có những ai, quan điểm chính sách của họ như thế nào, trong khi chỉ còn 2 năm nữa là bắt đầu đại hội. Đây sẽ là rủi ro lớn cho việc đảm bảo tính ổn định của chính trị nội bộ Đảng.
BBC: Trong số các ứng viên kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ở vị trí kiêm nhiệm tổng bí thư, chủ tịch nước mà ông đề cập trong bài trên The Diplomat, ông đánh giá ứng viên nào cao hơn và tại sao?
Ông Nguyễn Khắc Giang: Tôi nghĩ hiện tại vẫn là quá sớm để đưa ra dự đoán ai có ưu thế. Về lý thuyết, tất cả những người có ghế ở Bộ Chính trị đều có khả năng lên thay, và bởi thế, sẽ khó tin là có ai không muốn thay thế ông Trọng. Tất nhiên, việc ai lên được hai không còn tùy thuộc vào năng lực vận động của người đó, và bởi vậy tôi nghĩ ba người có khả năng nhất là những người tôi phân tích ở The Diplomat.
Có thể vị trí nhất thể hóa chức danh của ông Trọng sẽ lại tách làm hai như trước, bởi khả năng xuất hiện một lãnh đạo đủ uy quyền như ông Trọng sẽ không cao. Khả năng nữa - như từng xảy ra ở Đại hội 6 khi ông Nguyễn Văn Linh bất ngờ được bầu làm tổng bí thư- là trong giai đoạn nhiều biến động, có thể có một "wild card" nổi lên và là ứng viên mà không ai ngờ tới. Đó có thể là Bí thư Thành Ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
BBC: "Quá trình kế nhiệm kéo dài càng lâu, thì đảng Cộng sản Việt Nam càng có nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng bất ổn, tại một thời điểm mà nó cần ổn định và tập trung nhiều hơn". Theo ông, để xử lý vấn đề bất ổn đó thì cần phương cách nào?
Ông Nguyễn Khắc Giang: Như tôi đề cập ở trên, quan trọng nhất là phải thể chế hóa được việc lựa chọn lãnh đạo. Tất nhiên không thể kì vọng vào một cuộc bầu cử dân chủ toàn dân, nhưng tôi nghĩ rằng đảng Cộng sản Việt Nam có thể phát huy ưu thế về dân chủ trong Đảng của mình, từ đó áp dụng phương pháp bầu cử trực tiếp trong Đảng ở Đại hội Đảng hoặc trong Ban Chấp hành Trung ương (mà có nhiều hơn hai ứng viên) cho vị trí lãnh đạo tối cao.
Đây là cách mà họ đã thực hiện ở cấp cơ sở từ năm 2009. Những quy định bầu cử (Quyết định 244 về bầu cử trong Đảng) cần sửa đổi theo hướng giảm ảnh hưởng của lãnh đạo khóa trước lên các vấn đề về ứng cử và đề cử, mang lại không khí dân chủ hơn trong nội bộ. Việc quy hoạch cán bộ có lẽ cũng cần phải làm sớm hơn, và có những phương án dự phòng hợp lý cho những tình huống rủi ro.

BBC Sức khỏe lãnh đạo: Sự quan tâm của công chúng và truyền thông - BBC News Tiếng Việt

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.