Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Quan điểm và sự tham gia của Hà Lan trong vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019 18:15 // ,

Trong những năm qua, Hà Lan là nước có tiếng nói tích cực trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông. Quan điểm chung của nước này là tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, theo như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không, phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực cũng như ép buộc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Lãnh đạo Hà Lan nhiều lần lên tiếng về Biển Đông. Nguồn: AFP
Hà Lan khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông
Qua các phát biểu của giới lãnh đạo Hà Lan, có thể khái quát quan điểm chung của nước này là tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, theo như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không, phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực cũng như ép buộc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 09/4/2019 vừa qua của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hà Lan, trong đó bày tỏ ủng hộ xây dựng một cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và thịnh vượng và tăng cường hợp tác ASEAN - EU, hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Hợp tác giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất này là một tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thượng tôn pháp luật quốc tế, nhất là để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, theo như UNCLOS, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những nỗ lực hiện nay của các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải theo quy định của UNCLOS 1982. Hà Lan cho rằng tất cả các bên cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc làm phức tạp các tranh chấp. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác đào tạo và giáo dục, trao đổi giữa các chuyên gia và viện nghiên cứu của hai nước trong các lĩnh vực luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Ngoài ra, hai bên ủng hộ đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bày tỏ cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có việc thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc vì hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển bền vững và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Lan chủ trì phiên họp lần thứ sáu Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước hôm 19/4/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã hội kiến Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định lại lập trường của Hà Lan ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hà Lan khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có tự hàng hải và hàng không
Trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 10/7/2017, hai bên đã ký thỏa thuận Hà Lan đóng mới 6 tàu đa năng cho Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng như tàu tuần tra, khảo sát biển, thi công công trình biển, hoạt động xa bờ... Trong hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ở thành phố La Hay, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với khu vực và quốc tế. Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh lập trường của Hà Lan ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hồi tháng 10/2018, Hà Lan cho biết nước này sẽ cử tàu chiến tham gia vào nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth khi đến vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương để tuần tra tự do hàng hải vào năm 2021.
Hà Lan phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực cũng như ép buộc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 11/2015 của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai bên đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại về bất cứ hành động đơn phương nào nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó đó có việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực cũng như ép buộc làm thay đổi hiện trạng, gây căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7/2016. PCA tại Hà Lan đã ra phán quyết Trung Quốc không có “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông. PCA là một tổ chức liên chính phủ có chức năng là một tòa án trọng tài chuyên giải quyết tranh chấp giữa 121 quốc gia thành viên. Hà Lan là nước ủng hộ phán quyết của PCA và việc các nước tôn trọng thực thi luật pháp quốc tế.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.