Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Phô diễn sức mạnh Hải quân: TQ muốn gửi thông điệp gì tới cộng đồng quốc tế

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019 18:23 // ,

Ngày 23/4, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này. Tại sự kiện này, Trung Quốc sẽ trưng ra các tàu chiến mới bao gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, các loại tàu ngầm hạt nhân mới, các loại tàu khu trục mới, cũng như các máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay nội địa Type 001A của Trung Quốc
Lễ kỷ niệm hoành tráng
Phát biểu tại thành phố Quỳnh Dao, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Khâu Diên Bằng (20/4) cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự và chỉ đạo Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. Tại cuộc thao diễn lần này nhiều hoạt động sẽ diễn ra mà trung tâm là một cuộc duyệt binh lớn trên biển sẽ được tổ chức với sự tham gia của các binh chủng của hải quân Trung Quốc và nhiều hạm tàu của hải quân các nước. Ông Khưu cho biết, các hạm tàu của Trung Quốc tham gia duyệt binh gồm 32 chiếc, chia thành 6 biên đội: tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, tàu tiếp tế hậu cần và biên đội tàu sân bay. Có 39 máy bay các loại tham gia cuộc duyệt binh được chia thành 10 tốp, gồm: máy bay báo động sớm, máy bay trinh sát,máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay và máy bay lên thẳng trên hạm.
Cuộc duyệt binh của máy bay và hạm tàu hải quân các nước lần này sẽ diễn ra ngày 23/4/2019 trên vùng trời, vùng biển Thanh Đảo và phụ cận; lực lượng tham gia duyệt binh của Trung Quốc có tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu ngầm kiểu mới, tàu khu trục, tàu hộ vệ tàu đổ bộ và máy bay, trong đó có một số loại lần đầu tiên được công khai. Ngoài lực lượng của Trung Quốc, tham gia đội hình duyệt binh còn có gần 20 tàu chiến của hơn 10 nước như Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Nhật, Philippines, Pháp, Pakistan, Hàn Quốc...với các loại tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, đại diện cho lực lượng trên biển của các nước, trong đó không có Mỹ.
Hiện chưa rõ thông tin về tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc - Type 001A, được cho là chế tạo hoàn toàn trong nước, sẽ tham gia buổi lễ diễu binh hay không. Vài ngày trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát các hình ảnh về các cuộc diễn tập trên biển. Theo ông Khâu, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa với bất kỳ nước nào, đồng thời không có ý định làm “bá chủ”. Song, Bắc Kinh vẫn cần phải cảnh giác và duy trì năng lực phòng vệ chủ quyền trên biển.
Đây là cuộc duyệt binh thứ năm do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát kể từ khi ông nhậm chức năm 2012, cũng là sự kiện kỷ niệm 70 thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc. Ngoài cuộc duyệt binh trên biển này, các hoạt động của hải quân các nước chúc mừng 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 22 - 25/4 tại vùng trời, vùng biển Thanh Đảo và phụ cận với sự tham gia của đoàn đại biểu hải quân hơn 60 nước, trong đó hơn 30 nước cử người lãnh đạo chủ chốt của hải quân đến tham dự. Cùng thời gian trên, tại Thanh Đảo tổ chức cuộc hội thảo cấp cao với sự tham dự của các đoàn đại biểu hải quân các nước và tùy viên quân sự, quốc phòng các nước tại Trung Quốc. Ngoài ra, tại Quảng trường Ngũ Tứ, Thanh Đảo còn tổ chức biểu diễn quân nhạc và lễ hội ánh sáng. Hải quân các nước còn tổ chức thi chạy xuồng trên biển và các hoạt động giao lưu thi đấu thể thao các môn bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, kéo co.
Thông điệp của Trung Quốc tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân
Thứ nhất, tuyên truyền về năng lực hải quân, tìm cách đẩy mạnh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân trong nước nhằm định hướng dư luận, tránh để người dân cảm thấy thất vọng về chính sách, biện pháp bảo vệ “chủ quyền” mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền bấy lâu nay.
Thứ hai, răn đe một số nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc huy động một số lượng lớn các tàu chiến hiện đại tập trận nhằm thể hiện sức mạnh và năng lực hải quân trước các cường quốc trên thế giới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng “Trung Quốc có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền ở khu vực này, Mỹ và các nước hãy rè chừng khi muốn can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông”.
Thứ ba, ngầm cảnh cáo một số nước có tồn tại tranh chấp “chủ quyền” ở Biển Đông với Trung Quốc, hãy “cân nhắc” lại năng lực quốc phòng trước khi tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Thứ tư, quảng bá về năng lực và trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, qua đó tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.
Một số nhận định, đánh giá ban đầu của giới truyền thông và chuyên gia, học giả quốc tế
Trang tin Đa Chiều cho biết, đây là cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất của Trung Quốc, vượt xa quy mô cuộc duyệt binh 10 năm trước đây; so với cuộc duyệt binh năm 2009 nhân kỉ niệm 60 năm thành lập Hải quân thì lần này có thêm hải quân 2 nước tham gia là Nhật Bản và Philippines, 1 nước lần trước tham gia nhưng lần này từ chối, không cử tàu đến là Mỹ. Đa Chiều cho rằng, điều này có thể là sự phản ánh sự thay đổi trong quan hệ quốc tế và mức độ tin cậy lẫn nhau về an ninh giữa các nước với Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chuyên gia, nhà phân tích quân sự nhận định cuộc duyệt binh “sẽ phản ánh khả năng chiến đấu thực sự của hải quân” Trung Quốc. Chuyên gia Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng, với rất nhiều đội tàu nước ngoài tham gia lễ kỷ niệm, cuộc diễu hành nên có sự xuất hiện của các tàu chiến đang hoạt động và sẵn sàng chiến đấu. Cuộc duyệt binh nhằm mục đích cho thấy khả năng chiến đấu của hải quân Trung Quốc, nhưng tàu Type 001A chưa chính thức đi vào hoạt động vì chưa sẵn sàng chiến đấu. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Antony Wong cho rằng tàu Type 001A vẫn cần trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên biển để kiểm tra khả năng chiến đấu thực sự, bởi Trung Quốc hiện chưa kiểm chứng được điều này.
Về việc Mỹ từ chối lời mời của Trung Quốc, không cử tàu chiến tới tham gia cuộc duyệt binh này mặc dù 10 năm trước họ đã cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke tham gia cuộc duyệt binh nhân 60 năm thành lập hải quân Trung Quốc; Đa Chiều cho biết, Nhà Trắng đã phản đối cử tàu, chỉ cử tùy viên quốc phòng tại Bắc Kinh tham gia hoạt động với phạm vi hạn chế. Về lý do, Đa Chiều cho biết, một nguồn tin truyền thông Mỹ tiết lộ do chính phủ Mỹ lo ngại Trung Quốc lợi dụng việc tàu Mỹ tới Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh để nâng cao địa vị quốc tế. Trong khi đó, ông Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Thượng Hải nhận định, việc Mỹ không tham gia cho thấy Washington coi Bắc Kinh là đối thủ thực sự và đang sử dụng mọi cách để ngăn chặn Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động giao lưu quân sự giữa hai phía. Tuy nhiên, Trung Quốc có biện pháp đối phó, đó là mời Nhật Bản, cho thấy Bắc Kinh hy vọng cải thiện quan hệ song phương với Tokyo để chống lại một nước Mỹ không thân thiện.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Nghê Phong nhận định, một thập kỷ trước, các tàu chiến Mỹ tham gia các sự kiện tương tự nhưng “nay suy nghĩ của người Mỹ đã thay đổi”; cho rằng năng lực của Trung Quốc và của hải quân chúng ta đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Nay Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, vì thế họ quyết định chứng tỏ rằng họ không sẵn lòng hỗ trợ Hải quân Trung Quốc nữa. Ông Nghê Phong còn cho rằng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng góp phần củng cố quan hệ tổng thể giữa hai quốc gia, khi hai bên nỗ lực giữ các xung đột và đối đầu quân sự trong vòng kiểm soát, nhưng điều đó không có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ hải quân Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu lại cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiêm khi Mỹ không cử hạm đội tàu chiến tham gia vào các hoạt động của hải quân Trung Quốc bởi đây là chính sách Lầu Năm Góc đã thực hiện gần 2 năm qua. Vào ngày 23/5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018 với lý do quân sự hóa biển Đông. Hoàn cầu còn dẫn lời một chuyên gia giấu tên chia sẻ, đây là một hoạt động hải quân đa quốc gia nên việc Mỹ đến hay không thì cũng không có bất kỳ tác động nào đến hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Hải quân Trung Quốc bởi xét trên mối quan hệ quân sự song phương, bất kỳ trao đổi nào cũng không phải là món quà từ Mỹ dành cho Trung Quốc; đồng thời đánh giá Mỹ cử tàu chiến tham dự sẽ tăng cường hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là lí do vô cùng lố bịch, thiếu căn cứ. Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là do chính người Trung Quốc xây dựng và uy tín được nâng cao thông qua những lần hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi. Sự trao đổi quân sự giữa hai nước là lợi ích của cả hai bên, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, ngăn ngừa phát sinh những hiểu lầm, phán đoán sai. Quân đội Mỹ giảm sự tương tác với quân đội Trung Quốc sẽ làm giảm cơ hội hiểu biết hải quân Trung Quốc. Điều này cho thấy một số người Mỹ đang khư khư giữ tư duy Chiến tranh Lạnh, coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng, là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Trên thực tế, tư duy Chiến tranh Lạnh không có lợi cho quan hệ Trung-Mỹ, cũng không có lợi cho hòa bình ổn định của thế giới; đồng thời cáo buộc thời gian gần đây Bộ Ngoại giao Mỹ đang có hành động bôi nhọ Trung Quốc và phát biểu một số nhận xét sai lầm vô trách nhiệm.
Tờ Washington Free Beacon cũng nói rằng lời mời của phía Trung Quốc là nhằm sử dụng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ để củng cố vị thế quốc tế của hải quân Trung Quốc và việc Mỹ quyết định không tham gia diễu binh ở Trung Quốc có thể dẫn đến chuyện các đồng minh hủy bỏ kế hoạch tham gia. Hoặc ít nhất cũng hủy bỏ phần cử tàu đến, chỉ phái quan sát viên. Trước đó, ông Jimmy Farnyl, quan chức phụ trách tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cho rằng, Mỹ từ chối cử tàu tham gia là muốn gửi đi thông điệp: nếu tàu chiến Mỹ có mặt “sẽ khiến cho các hành động bất lương trên biển của Trung Quốc trở nên hợp pháp hóa và cũng là sự ngầm đả phá quyết định của Mỹ hủy bỏ lời mời phía Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương năm 2018”. Thượng nghĩ sĩ James Inhofe - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đánh giá cao quyết định này của Nhà Trắng, khi cho rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần sự hiện diện của tàu chiến và thủy thủ đoàn Mỹ, hải quân Mỹ cũng đang bận rộn đối phó với những thách thức từ sự khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông và những khó khăn lớn khác trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc nên không thế phân tán lực lượng chỉ vì tham dự hoạt động kỷ niệm này.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.