18/04/2019
Đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám
Đoàn đại biểu thuộc Quốc hội Mỹ chiều nay 18/4 đã tới thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám tại thủ đô Hà Nội. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm tới Việt Nam của 9 nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Các hướng dẫn viên đã giới thiệu về lịch sử của Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như những nét đặc sắc về văn hóa và lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam với các nghị sĩ Mỹ.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse nghe giới thiệu về lịch sử của các tấm bia đặt tại Văn Quốc Tử Giám.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine (đeo kính) từng là ứng cử viên chưa chính thức của đảng Dân chủ cho chức vụ phó tổng thống Mỹ và là “phó tướng” cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016. Ông Kaine cho biết đây là lần đầu tiên ông tới thăm Việt Nam.
"Chuyến thăm tới Văn Miếu Quốc Tử Giám rất tuyệt vời. Thật tuyệt vời khi chúng tôi có 3 ngày sắp tới tại Việt Nam và tôi rất hào hứng với chuyến đi tới Việt Nam lần này", Thượng nghị sĩ Tim Kaine chia sẻ với phóng viên Dân Trí.
"Tôi là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và là một nghị sĩ, vì vậy việc thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam là điều rất quan trọng đối với tôi", Thượng nghị sĩ Tim Kaine nói.
“Tôi nghĩ mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến triển theo hướng rất tích cực. Vượt qua mọi rào cản trong quá khứ, hai nước chúng ta đều thể hiện mong muốn hợp tác cùng nhau. Điều đó thực sự hứng khởi. Và tôi nghĩ hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm được nhiều điều hơn nữa”, Thượng nghị sĩ Tim Kaine (đeo kính) nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (giữa) và Thượng nghị sĩ Tom Udall nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Theo Thượng nghị sĩ Tom Udall (thứ hai từ phải sang), “Mỹ và Việt Nam có nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó thương mại là lĩnh vực quan trọng”. “Chúng tôi muốn có thêm nhiều cơ hội dành cho Việt Nam và chúng tôi hy vọng có thêm nhiều công ty Mỹ có thể tới Việt Nam để hợp tác thương mại”, ông Udall nói.
Trong chuyến thăm tới Văn Miếu Quốc Tử Giám hôm nay, các nghị sĩ Mỹ và đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với các cựu sinh viên của Chương trình tiếng Anh Access.
Access (Tiếp cận) là chương trình học bổng tiếng Anh do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Mục đích của chương trình nhằm cung cấp nền tảng về kỹ năng tiếng Anh cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại chính đất nước nơi họ đang sống.
Kể từ khi ra đời vào năm 2004, hơn 175.000 sinh viên ở hơn 85 quốc gia đã tham gia chương trình Access. Tại Việt Nam, hơn 1.200 sinh viên trên khắp cả nước đã được nhận học bổng từ chương trình Access.
Chương trình Access mở ra cho các sinh viên cơ hội để hiểu thêm về các giá trị và văn hóa của Mỹ, giúp các sinh viên có khả năng hội nhập tốt hơn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời có thêm cơ hội tham gia các chương trình giao lưu và học bổng của Mỹ.
“Đây là chuyến đi tuyệt vời. Rất vinh hạnh vì tôi được đi cùng 9 nghị sĩ Mỹ tới đây. Tôi nghĩ đây là chuyến đi rất ý nghĩa không chỉ đối với tôi mà còn với các nghị sĩ Mỹ và các bạn sinh viên Việt Nam”, Đại sứ Mỹ (giữa) chia sẻ với Dân Trí về chuyến đi tới Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam, đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu sẽ có cuộc gặp với các quan chức Việt Nam để thảo luận về các vấn đề thương mại, an ninh khu vực và các chương trình chung liên quan tới khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đoàn nghị sĩ Mỹ cũng sẽ tham dự lễ khởi công dự án Tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa và tới thăm Đại học Fulbright Việt Nam.
Thành phần đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ thăm Việt Nam gồm Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (bang Vermont), Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (bang Rhode Island), Thượng nghị sĩ Tom Udall (bang New Mexico), Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow (bang Michigan), Thượng nghị sĩ Mazie Hirono (bang Hawaii), Thượng nghị sĩ Rob Portman (bang Ohio), Thượng nghị sĩ Tim Kaine (bang Virginia), Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin (bang Wisconsin) và Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska).
0 nhận xét