Những điều TQ nên làm nếu muốn cùng ASEAN đạt được một COC đồng thuận, hiệu quả
Các nướcASEAN đang thúc đẩy một số điều khoản trong văn bản đàm phán của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông(COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song phía Trung Quốc đã từ chối và đang tìm mọi cách để hướng lái những đến điều khoản do nước này đưa ra.
Đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Nguồn: AFP
Để đạt được một COC đồng thuận, hiệu quả với ASEAN, Trung Quốc cần tôn trọng và thực thi nghiêm túc những điều sau:
Thứ nhất, Trung Quốc và các quốc gia phải làm rõ yêu sách trên biển của mình theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc hiện đưa ra tuyên bố mập mờ thiếu căn cứ về chủ quyền đối với Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” với những căn cứ thiếu xác thực và không theo quy định chung của UNCLOS, bản thân yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS hồi tháng 7/2016 bác bỏ hoàn toàn. Vì vậy, những yêu sách trên biển của Trung Quốc hiện nay là hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS.
Thứ hai, Trung Quốc không được thành lập Khu vực nhân diện phòng không mới (ADIZ) ở Biển Đông. Dư luận các nước quan ngại việc Bắc Kinh tại một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ thiết lập một ADIZ trên Biển Đông giống như những gì họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013. Mặt khác, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng họ có quyền bảo vệ an ninh quốc gia bằng bất kỳ phương tiện nào, bao gồm thiết lập một ADIZ, để đối phó với các mức độ đe dọa mà Bắc Kinh phải đối mặt ở Biển Đông. Điều đó hàm ý Trung Quốc ngầm đe dọa rằng nếu Mỹ và đồng minh tăng cường các hành động quân sự, họ sẽ tuyên bố thành lập ADIZ. Chính từ việc không làm rõ yêu sách trên biển của mình theo đúng quy định của UNCLOS nên Trung Quốc đã tự cho mình có quyền thiết lập ADIZ ở Biển Đông khi nào họ muốn. Đây là điều hết sức phi lý và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, đi ngược lại với xu thế phát triển chung của khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc phải hủy bỏ hai điều khoản do nước này đưa ra là các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài ở Biển Đông sẽ không được phép diễn ra trừ khi tất cả các bên ký kết đồng ý và các thỏa thuận phát triển tài nguyên chung trên biển chỉ được dành cho Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Đây là hai nội dung mà hầu hết các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài phản đối, bởi vì ý đồ chính của Trung Quốc là muốn ngăn chặn sự tham gia của các nước bên ngoài, điều này hoàn toàn phi lý vì thực tế Trung Quốc đã lợi dụng khái niệm “gác tranh chấp cung khai thác” để lấn át, ép buộc các nước nhỏ, biến Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Biển Đông là tài nguyên chung của tất cả các nước, không một quốc gia nào có quyền kiểm soát và ngăn cản quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nước khác theo UNCLOS.
Nhìn chung hiện nay, nếu xét tham vọng hàng hải và mong muốn kiểm soát thực tế Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam và các thành viên ASEAN có cùng mục tiêu chiến lược sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng với Trung Quốc. Đòn bẩy chính của họ trong cuộc đàm phán có lẽ là áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Nhưng trong khi Trung Quốc có thể cân nhắc những áp lực này một cách nghiêm túc và làm mềm cách tiếp cận đối với tranh chấp trong tương lai, thì một khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ bật lại những áp lực này và lựa chọn lập trường cứng rắn hơn, nhất là tại một thời điểm khi giới lãnh đạo Trung Quốc cần cho người dân trong nước thấy rằng Trung Quốc sẽ đứng vững và kiên quyết chống lại áp lực của Mỹ trong cuộc đối đầu ngày một gia tăng giữa hai nước.
0 nhận xét