New York Times: Ít nhất ông Trump đã "bỏ túi" một chiến thắng từ chiến tranh thương mại
Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019
18:39
//
Chiến Tranh thương mại
,
Slider
Cafef
06/04/2019
New York Times: Ít nhất ông Trump đã "bỏ túi" một chiến thắng từ chiến tranh thương mại
Bất kể Washington và Bắc Kinh có đạt được thỏa thuận nào hay không, Tổng thống Trump cũng đã giành được một chiến thắng: Các công ty đang cảnh giác với sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.
- 03-04-2019 ADB: Cho dù chiến tranh thương mại đi theo kịch bản nào thì Việt Nam đều được...
- 19-03-2019 Chiến tranh thương mại còn chưa kết thúc, Mỹ - Trung đã bước vào một trận chiến...
- 04-03-2019 Giáo sư Trường Kinh tế London: Chiến tranh thương mại chỉ khiến Trung Quốc mạnh...
Hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận, ông Trump cho biết ngày 4/4 rằng một hiệp ước thương mại hoành tráng có thể sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Và ông có thể sẽ sớm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Nhưng bởi thuế quan và căng thẳng thương mại, các công ty toàn cầu đang bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Đây chính là điều mà chính quyền Trump hằng mong muốn. Động thái này là vì chính quyền ông Trump đã truyền đi một thông điệp: thế giới đang phát triển theo hướng quá phụ thuộc vào Trung Quốc, như một công xưởng sản xuất.
Khi Bắc Kinh xây dựng quân đội và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, một số quan chức lo ngại rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà máy Trung Quốc khiến Hoa Kỳ dễ bị tổn thương về mặt chiến lược.
Có thể thấy, các công ty trong một số ngành công nghiệp đang giảm dần việc tiếp xúc với Trung Quốc. GoPro - nhà sản xuất máy ảnh di động và Universal Electronics - chuyên sản xuất cảm biến và điều khiển từ xa, đang chuyển việc làm của họ sang Mexico. Hasbro đang chuyển chuỗi sản xuất đồ chơi của mình sang Hoa Kỳ, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ.
Aten International - một công ty thiết bị máy tính của Đài Loan, đã mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Đài Loan. Danfoss, một tập đoàn của Đan Mạch, đang chuyển việc sản xuất thiết bị sưởi ấm và thủy lực sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chiến thắng này cũng chỉ thỏa mãn được phần nào tính hiếu chiến của ngài Tổng thống. Trên thực tế, lời hứa mà ông đưa ra là mang việc làm trở lại Hoa Kỳ, trong khi phần lớn công việc đang chuyển sang các nước khác với chi phí thấp hơn, như Việt Nam - được dự báo sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới. Việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng cần có thời gian. Trước khi quá trình đó hoàn tất, Trung Quốc sẽ vẫn là một trung tâm sản xuất quan trọng trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành cho biết: cuộc chiến thương mại đã buộc họ phải nhìn nhận lại tư duy mặc định coi Trung Quốc là nơi tạo ra mọi thứ. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang có xu hướng mở rộng ra nước ngoài, dù họ vẫn có phần lớn quá trình sản xuất tại Trung Quốc.
Song Zhiping, lãnh đạo Tập đoàn Vật liệu Xây dựng Quốc gia Trung Quốc nói: "Cho dù Trung Quốc là nhà máy sản xuất của thế giới, thì mọi thứ cũng đang thay đổi. Đó là lý do tại sao ngay cả các công ty Trung Quốc cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc".
Trung Quốc đã thống trị thị trường tấm pin mặt trời. Đồng thời, quốc gia này cũng đang nổi lên là nhà sản xuất xe hơi, phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, cùng với nhiều sản phẩm tinh vi khác. Họ có kế hoạch chế tạo máy bay phản lực, chip máy tính tiên tiến, xe điện và các hàng hóa khác trong tương lai.
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có khả năng sẽ bao gồm việc áp thuế quan mới của Mỹ đối với ô tô, phụ tùng máy bay, thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân và các mặt hàng khác mà các quan chức chính quyền coi là cần thiết, vì lý do kinh tế và an ninh. Nhưng rộng hơn, Mỹ cũng hy vọng các công ty trong các ngành công nghiệp khác sẽ tìm đến những quốc gia thân thiện hơn để kinh doanh.
Trung Quốc đã đóng vai trò là một cường quốc sản xuất trong hai thập kỷ qua. Lực lượng lao động có chi phí thấp và tương đối lành nghề. Có rất nhiều nhà thầu, nên các công ty có thể đàm phán mạnh mẽ để giảm chi phí cung ứng.
Quốc gia này đã xây dựng một mạng lưới các tuyến đường cao tốc và đường sắt rộng khắp. Họ đồng thời cũng chính là thị trường rộng lớn và không ngừng mở rộng. Các công ty không phải đi xa để bán sản phẩm của họ, bán cho người Trung Quốc thôi cũng đã đủ lời. Các doanh nghiệp đổ xô đến đó. Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, Trung Quốc hiện đang chiếm một phần tư sản lượng của thế giới. Giá trị sản xuất công nghiệp được tạo ra ở Trung Quốc năm ngoái lớn hơn cả Hoa Kỳ, Đức và Hàn Quốc cộng lại.
Nhưng tiền lương và các chi phí khác ở Trung Quốc đã tăng lên trong nhiều năm trở lại đây. Một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng các quan chức Trung Quốc thường xuyên thiên vị các công ty địa phương và không thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng trước, bên lề Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông Miao Wei, Bộ trưởng Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc phát biểu: "Bắc Kinh từ lâu đã hy vọng sẽ loại bỏ các công việc sản xuất với tay nghề thấp, gây ô nhiễm và đang tiến hành nâng cao chuỗi giá trị. Tổng quy mô của lực lượng lao động đang giảm, chi phí lao động đang tăng và chúng ta đang mất lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chi phí thấp. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, sáng tạo".
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cũng phải cảnh giác. Khi nền kinh tế chậm lại, một sự thay đổi việc làm đột ngột ra khỏi Trung Quốc có thể dẫn đến thất nghiệp tràn lan và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Những nỗ lực ly khai Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu. Một cuộc khảo sát rộng rãi của UBS được thực hiện với giám đốc tài chính của các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, cho thấy: một phần ba trong số họ đã chuyển ít nhất một số công đoạn sản xuất ra khỏi Trung Quốc vào năm 2018. Một phần ba khác dự định sẽ làm điều đó trong năm 2019. UBS nhận thấy, một vài công ty thậm chí đã di chuyển đến 30% quy trình sản xuất.
"Các công ty giờ đây không còn muốn "bỏ hết trứng vào một giỏ". Họ sẽ tìm kiếm một sự thay thế cho Trung Quốc" - Bill Winters, Giám đốc điều hành của Standard Chartered Bank, cho biết tại Davos 2019.
"Những người quan tâm đến việc Mỹ có khả năng áp thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang tìm cách chuyển các cơ sở xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước khác, kể cả công ty Trung Quốc cũng vậy thôi", ông Winters nói.
Mặc dù phần lớn công việc rời khỏi Trung Quốc sẽ đến các nước có chi phí thấp khác, một số công ty đang làm theo đề nghị của ông Trump, rằng họ chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ. Dan Fossing, một nhà sản xuất hệ thống sưởi ấm và làm mát của Đan Mạch cũng như các cảm biến và máy phát, đã thấy chi phí đối với lao động lành nghề ở Trung Quốc đang gia tăng. "Chúng tôi đã chuyển mọi thứ trở lại Hoa Kỳ, nơi Danfoss đã có hàng tá nhà máy", ông Fausing nói.
Vòng thuế 25% đầu tiên mà ông Trump đưa ra vào tháng 7 năm ngoái có áp đối với các bộ phận thủy lực do Danfoss sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, Danfoss đã chuyển công đoạn sản xuất các bộ phận này sang Hoa Kỳ.
Nguyễn Thái Quỳnh Trang
The New York Times
Hương Xuân
Trí Thức Trẻ
0 nhận xét