Ký Thiệt: Điều tra, điều tra và… điều tra
21/04/2019
Hai năm trước, dựa vào một “hồ sơ” mơ hồ, ông Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI, đã được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đề cử làm tham vấn đặc biệt (specialcounsel), với quyền hành rộng rãi, để mở cuộc điều tra về cái được gọi là ông Trump đã “thông đồng” với người Nga để lèo lái cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, do đó bà Hillary Clinton đã thua và ông Donald Trump đã thắng.
Sau gần hai năm điều tra ráo riết, với một lực lượng luật gia hùng hậu được sự cộng tác của 40 thám tử FBI, và tiêu hết khoảng năm chục triệu đô-la tiền dân đóng thuế, ông Mueller đã không tìm thấy bằng chứng gì về sự “thông đồng”, và đã làm phúc trình lên Bộ Tư Pháp ngày 22.3.2019.
Chiều chủ nhật, 24.3.2019, Bộ trưởng Tư pháp William Barr gửi cho Quốc hội một văn thư dài bốn trang, tóm tắt phúc trình gần 400 trang của ông Mueller, và kết luận rằng không có bằng chứng ông tổng thống đã thông đồng với Nga, và cuộc điều tra của ông tham vấn đặc biệt không đủ để bảo rằng tổng thống đã có hành động phạm pháp cản trở công lý.
Đây là một kết quả không thể ngờ của phe Dân Chủ trong Quốc hội Mỹ, vì từ hai năm nay họ rất tin tưởng ông Mueller là người “phe ta” nên đã mạnh mẽ bênh vực ông ấy mỗi khi bị phe Cộng Hòa chỉ trích, và đã xây bao nhiêu mộng đẹp khi ông tham vấn đặc biệt kết thúc cuộc điều tra. Giờ đây mộng đẹp đã biến thành ác mộng. Há miệng mắc quai, không thể trở lưỡi tấn công… người hùng của mình, phe Dân Chủ đã quay sang buộc tội ông Barr âm mưu ém nhẹm phúc trình của Mueller để che chở Tổng thống Trump.
Họ đòi ông bộ trưởng tư pháp phải công bố ngay toàn bộ và nguyên văn phúc trình của ông Mueller, không chậm trễ và không được bôi xóa, rút bớt (retract). Nhưng, ông Barr nói rằng toàn bộ phúc trình Mueller sẽ được công bố vào giữa tháng tư sau khi xóa bỏ những đoạn cần bảo mật và nhiều lý do khác nữa.
Ra điều trần trước Quốc hội trong hai ngày 9 và 10 tháng 4, ông Barr giữ vững lập trường và nói rằng đang duyệt xét phúc trình về cuộc điều tra của ông Mueller và Quốc hội sẽ có phúc trình ấy trong một tuần lễ, nếu không sớm hơn, và ông ta đã cực lực bác bỏ luận điệu bảo rằng ông đã xóa tội cho ông Trump trong văn thư phổ biến đầu tiên tóm tắt phúc trình gần 400 trang của ông Mueller.
Ông bộ trưởng tư pháp xác nhận rằng đang thi hành một cuộc duyệt xét của chính ông về sự giải quyết của FBI và Bộ Tư Pháp qua những lệnh cho phép ám muội có được từ một cựu thành viên ban tranh cử của ông Trump đã sử dụng tin tức từ một hồ sơ không đáng tin cậy được viết ra do Christopher Steele, một cựu điệp viên Anh ở London, do đảng Dân Chủ và ban vận động tranh cử của bà Clinton trả tiền. Ông Barr nói rằng việc đó đã được thêm vào cuộc duyệt xét đang tiến hành của tổng thanh tra bộ tư pháp về Luật FISA (Foreign Intelligence Surveillance Act), luật theo dõi hoạt động tình báo ngoại quốc trên nước Mỹ. Ông nói trước một tiểu ban Hạ viện: “Tổng quát hơn, tôi đang duyệt xét cách điều hành của cuộc điều tra và đang cố đặt vòng tay chung quanh những khía cạnh của cuộc điều tra phản gián đã tiến hành vào mùa hè năm 2016”.
Ngày hôm sau, 10.4.2019, điều trần trước Thượng viện, ông Barr đã nhắc lại vấn đề này và nói rõ rằng dưới chính quyền Obama, FBI thực sự đã dò thám ban vận động tranh cử của ông Trump, tuy ông chưa kết luận là việc này có hợp pháp và chính đáng hay không. Ông đặt câu hỏi về quyết định che giấu không cho ông Trump biết cuộc điều tra phản gián của FBI, trong khi theo thủ tục thông thường thì phải cho người ta biết khi những kẻ dưới quyền người ta đang bị điều tra. Ông Barr nói ông muốn duyệt xét xem chính quyền Obama đã điều hành việc dò thám này như thế nào và lý do có chính đáng hay không.
Ông bộ trưởng tư pháp đã ngưng lại vài giây rồi nhấn mạnh từng tiếng một: “Tôi nghĩ cuộc dò thám đã thực sự diễn ra. Câu hỏi là nó có đầy đủ căn cứ hay không?”
Bị hỏi dồn, ông Barr đã xác nhận có cuộc duyệt xét ấy và nói rằng chính quyền Obama về mặt kỹ thuật đã dò thám vì đã dùng lệnh cho phép bí mật để nghe trộm điện thoại. Ông ta nói rằng sẽ duyệt xét xem việc cho phép nghe trộm điện thoại ấy có phải là một sử dụng chính đáng quyền lực của hành pháp hay không, nhưng “có vài phân vân.” Ông bộ trưởng tư pháp nói thêm: “Tôi nghĩ dò thám một cuộc vận động tranh cử là một vụ lớn.” Và, ông ta nhắc lại chuyện ồn ào trong thời Chiến tranh Việt Nam về việc chính quyền đã dò thám những phần tử phản chiến khuấy động và có những luật lệ để kiểm soát loại dò thám ấy. Ông Barr kết luận: “Tôi không nói rằng những luật lệ ấy đã bị vi phạm, nhưng tôi nghĩ để mắt tới xem xét nó như thế nào là điều quan trọng.”
Tuyên bố công khai của ông Barr tức thì đã gây ra một cơn sóng thần tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Nghị sĩ Charles E. Schumer, Dân Chủ New York, lãnh tụ nhóm thiểu số tại Thượng viện, bình luận rằng nói “dò thám” (spying) là tắc trách. Ông Schumer viết trong một bản lên tiếng trên Twitter: “Bộ trưởng Tư pháp Barr phải rút lại lời tuyên bố của ông ta ngay tức khắc hay là cung cấp bằng chứng đặc biệt để hậu thuẫn cho lời cáo buộc ấy.”
Trong khi đó, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump hoan nghênh những chương trình của ông Barr để tìm hiểu xem tại sao FBI và Bộ Tư pháp đã chĩa mũi dùi vào ông năm 2016. Ông nói đã tới lúc để “đánh trả” một mưu phản nhằm làm cho sự đắc cử của ông thành vô giá trị. TT Trump nói với phóng viên báo chí: “Đây đã là một cuộc âm mưu đảo chánh, một âm mưu hạ bệ một tổng thống. Và chúng ta đã đánh bại chúng. Chúng ta đánh trả… vì tôi đã biết tất cả vụ này là bất hợp pháp ra sao.” Ông Trump nói rằng nước Mỹ đang chờ đợi câu trả lời.
Ông Barr cho biết ông sẽ để mắt vào những tin tức đã thu thập được từ những cuộc điều tra khác, trong đó có cuộc điều tra đang tiến hành của một tổng thanh tra xem xét việc FBI đã dùng một lệnh cho phép của FISA dò thám Carter Page, cựu cố vấn của ông Trump và về những cuộc điều tra của Quốc hội.
Cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều hỏi ông Barr điều gì ông thấy đã làm ông quan tâm. Ông ta đáp: “Có một nền tảng cho sự quan tâm của tôi”, nhưng từ chối nói thêm vào chi tiết. Ông Barr có nói ông nghĩ chính quyền Obama tiến hành cuộc điều tra đã lấy làm ngạc nhiên vì đáng lẽ ai đó trong quỹ đạo của ông Trump phải được thông báo là họ đang bị nhắm vào như là một tên gián điệp của ngoại bang.
Dân biểu Adam B. Schiff, Dân Chủ California, và là chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, một trong những người thường đả kích ông Trump dữ dội nhất, đã gọi tuyên bố của ông Barr là một xúc phạm các nhân viên phục vụ tại FBI và Bộ Tư pháp. Ông ta nói: “Loại phát ngôn sặc mùi phe đảng này chắc là làm hài lòng Donald Trump, kẻ đang hô hoán chống lại một ‘cuộc đảo chánh của quyền lực chìm’ (a deep state coup), nhưng nó cũng giáng một đòn phá hoại khác vào định chế dân chủ của chúng ta.”
Nhưng, phản ứng bên ngoài đảng Dân Chủ về tuyên bố của ông bộ trưởng Bộ Tư pháp thì… hơi khác. Sau khi ông Barr xuất hiện liên tiếp trong hai ngày tại Hạ viện và Thượng viện, soi sáng cho các nhà lập pháp về phúc trình của tham vấn đặc biệt Robert Mueller và về kế hoạch của chính ông Barr để điều tra những… cuộc điều tra có những điều khuất tất hầu phát hiện những động cơ thực sự của những người đã tạo dựng ra nó, Roger L. Simon, người sáng lập của PJ Media đã viết rằng Bộ trưởng Tư pháp đã xuất hiện như là “cơn ác mộng tệ hại nhất của những người Dân Chủ”. Và ông ta nhận định: “Những người Dân Chủ nên sa thải ông bộ trưởng tư pháp, bởi vì ông ta nắm trong tay phần lớn tương lai đảng của họ. Sự thực là ông ta ở vị trí có thể làm đảng Dân Chủ xuất huyết như có lẽ chưa từng thấy trong lịch sử.”
Và, dưới đây là vài hàng “tít” lớn đọc được trên trang nhất của các báo và các màn ảnh truyền hình sau buổi điều trần của ông Barr: “Trump đang có đúng người bộ trưởng tư pháp mà ông ta muốn” (Rolling Stone); “William Barr đang làm đúng những gì mà Trump thuê ông ta làm (Washington Post); “Quả bom Nga với một câu duy nhất mà Bộ trưởng Tư pháp Barr đã thả xuống Quốc hội” (The Hill); và mới nhất là “Câu chuyện dò thám của Barr tăng cường đồng minh của Trump trước khi công bố phúc trình của Mueller” (Washington Post).
Những nhận định và tựa báo trên đây đã cho thấy vai trò quan trọng và bản lãnh của William Barr trong chức vụ bộ trưởng tư pháp trước cuộc khủng hoảng luật pháp tại Mỹ mà có người gọi là đang ở trong tình trạng “hai hệ thống tư pháp”.
Ông William Barr mới được Thượng viện chuẩn nhận chức bộ trưởng tư pháp hai tháng trước đây, thay thế ông Jeff Sessions “ăn hại đái nát”, nhưng không phải là “mặt mới” trong giới luật. Ông ta đã từng làm bộ trưởng tư pháp dưới thời TT Bush (41), đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong vai trò “tổng chưởng lý” (attorney general) mà ta gọi là bộ trưởng tư pháp.
Dưới thời ông Sessions, TT Trump có lần đã kêu trời: “Tôi có một tổng chưởng lý mà cũng như không!” Bây giờ, hẳn là TT Trump đang xoa tay hài lòng với ông bộ trưởng tư pháp mới và… quả bom “dò thám” do quyền lực ngầm tạo ra. Hiện nay thì “quyền lực ngầm” đã bị lộ diện (deep state exposed).
Dân biểu Devin Nunes (California- Cộng Hòa) cho biết ông ta sẽ nêu tên tám người cho Bộ Tư pháp để truy tố hình sự, và nói thêm rằng sẽ gặp ông Barr để thảo luận chi tiết. Đồng minh của ông Trump tại Quốc hội đã dùng cuộc điều trần của ông Barr để một lần nữa đòi hỏi mở một “cuộc điều tra những …điều tra viên”. Trong lúc đó, ban vận động tái tranh cử của ông Trump vào năm 2020 đang rao bán những chiếc áo thun có vẽ hình cựu tổng thống Obama lẩn trốn sau bụi cây xanh rậm với cặp kính đen gián điệp!
Theo hồ sơ nội vụ, ít nhất là mười người ủng hộ bà Clinton nằm trong “quyền lực ngầm” đã trực tiếp, hay qua những người trung gian, chuyển tới FBI những câu chuyện về các âm mưu giữa ông Trump và người Nga, đưa tới cuộc điều tra của ông Robert Mueller kéo dài gần hai năm mà kết quả là ông tổng thống vô tội.
Tổng thống Donald Trump vô tội nhưng có nhiều người bị vạ lây vì đã “dính” tới ông Trump và trong khi bị điều tra đã lòi ra những tội khác, không dây dưa gì tới chuyện “thông đồng” vì câu chuyện thông đồng là chuyện tào lao, không có thật, là bịa đặt, là dựng đứng do “quyền lực ngầm” và truyền thông dòng chính, thiên tả. Những con người xui xẻo này, một số vào tù, số khác đang nhặt nhạnh những mảnh vụ của đời họ bị đổ vỡ do hậu quả của cuộc điều tra “thông đồng”, mà những năm tháng còn lại của đời họ sẽ không bao giờ trở lại như xưa.
Tờ Washington Times số ra ngày 27.3.2019 đã đăng một bài trên trang nhất với tựa đề “Những nhân chứng của Mueller cố nhặt lên những mảnh vụn của những cuộc đời bị tan vỡ”, trong đó có những đoạn như sau:
“Jerome Corsi đã tự hỏi không biết ông ta có bị tham vấn đặc biệt Robert Mueller truy tố hay không khi ông ta nghe tin cuộc điều tra thông đồng với Nga đã kết thúc mà không có những buộc tội mới. Ông ta và bà vợ đã quỳ sụp xuống, khóc và cảm ơn God.
“George Papadopoulos, từng nhận tội nói dối với FBI về thời gian làm việc trong ban vận động tranh cử của Trump, được biết trước đó một ngày ông ta đã được luật sư làm đơn xin tổng thống ân xá.
“Michael Caputo, từng làm việc cho ban vận động tranh cử của Trump, đang có mặt tại một trạm cảnh sát hôm thứ ba để báo cáo vụ dọa giết mới nhất – một trong hàng trăm vụ dọa giết mà ông ta đã nhận được từ khi ông ta liên hệ tới cuộc điều tra của Mueller hai năm trước đây.”
Trường hợp của ông Carter Page bị dọa giết cũng đã được nói tới trong một bài khác. Vài giờ sau khi bị những dân biểu Dân Chủ cáo buộc là một tay sai của Nga tại một buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, viên cựu cố vấn ban vận động tranh cử của ông Trump đã nhận được một voicemail lạnh buốt xương sống. Kẻ gọi điện thoại đã la hét, chửi thề, và đe dọa sẽ đánh ông tới chết. Cú điện thoại này là một trong hàng trăm cú điện thoại dọa giết đã được gọi tới sau đó.
Trong hai năm điều tra, ông Mueller đã phát hiện hơn 100 vụ phạm pháp, truy tố 3 công ty và 34 cá nhân, trong đó không phải chỉ có những án tù, mà còn tiền thù lao luật sư, dọa giết, khủng hoảng tinh thần, đời sống bị hủy hoại, mất việc, và những ảnh hưởng bên lề khác nữa. Những vụ nổi tiếng nhất là hai luật sư của ông Trump Paul Manafort, Michael Cohen và Tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của TT Trump. Cuộc đời của họ đã bị đốt cháy trong ô nhục.
Thân bại danh liệt.
Với những cuộc điều tra rộng lớn sắp tới, nhiều cuộc đời nữa sẽ bị rơi xuống hố sâu, dù trước đây họ có địa vị cao sang tới đâu.
Không bao giờ nên đùa với pháp luật.
Ký Thiệt
0 nhận xét