Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

TQ công bố xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019 16:04 // ,

Giám đốc Viện năng lượng hạt nhân Trung Quốc, Luo Qi cho biết, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ được triển khai vào cuối năm 2019.
Theo Luo Qi, các nhà máy điện hạt nhân nổi được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng cho việc tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa cũng như trên các đảo; cho rằng một nhà máy điện hạt nhân nổi không chiếm nhiều không gian, không phải đối mặt với các mối đe dọa động đất và không gây ô nhiễm môi trường. Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) nắm giữ tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ cần thiết để tạo ra các nhà máy điện hạt nhân nổi.
Trước đó, chủ tịch CNNC cho biết tập đoàn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện nổi này ngoài khơi phía đông của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết về dự án. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dự án dự kiến ​​sẽ tốn chi phí khoảng 14 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ euro) trước khi đưa vào vận hành vào năm 2021.
Được biết, trạm điện hạt nhân nổi trên biển là kế hoạch được Trung Quốc ấp ủ từ lâu. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu nhỏ và làm chủ công nghệ hạt nhân của Bắc Kinh còn hạn chế. Vì vậy, Trung Quốc đã tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nga - đối tác chiến lược quan trọng của Bắc Kinh và cũng là cường quốc đi đầu về hạt nhân trên thế giới. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi giữa Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga về việc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Đến cuối tháng 7/2014, Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) quyết định ký Ý định thư về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi với Công ty Rusatom Overseas của Nga - một trong những công ty tiên phong hàng đầu trên thế giới về chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển. Cũng trong năm 2014, Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc thành lập Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật năng lượng hạt nhân để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về trạm điện hạt nhân trên biển. Đồng thời, Bộ Khoa học kỹ thuật quốc gia Trung Quốc cũng thành lập “Hạng mục 863” nhằm nghiên cứu tính an toàn và kỹ thuật liên quan tàu động lực hạt nhân và hạng mục nắm bắt kỹ thuật “mô phạm ứng dụng và kỹ thuật sử dụng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để phát điện”.
Quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, chế tạo của Trung Quốc được đẩy mạnh từ đầu năm 2015. Tại triển lãm “Phát triển thành quả ứng dụng công nghệ kỹ thuật khoa học quốc phòng quân dụng và dân dụng”, Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày mô hình điện hạt nhân trên biển do Bắc Kinh tự nghiên cứu. Theo quảng cáo của Bắc Kinh, mô hình trên do Viện 719 nghiên cứu và đưa ra 02 phương án kỹ thuật dành cho nhà máy điện hạt nhân trên biển. Phương án đầu là trạm điện di động, lắp đặt lò phản ứng điện hạt nhân nổi trên biển. Phương án hai là vừa đáp ứng được các yêu cầu về trạm điện hạt nhân nổi, vừa có khả năng lặn xuống biển trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt hoặc “yêu cầu công việc”. Tại lần triển lãm này, Trung Quốc đã giới thiệu lò phản ứng cỡ nhỏ ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc tự nghiên cứu, hạng mục này đã được Cục Năng lượng quốc gia phê duyệt năm 2011. Trong cả hai phương án trên, các lò phản ứng hạt nhân sẽ được đặt trên tàu chuyên dụng có chiều dài 140m, rộng 30m và lượng giãn nước vào khoảng 21.500 tấn. Đến tháng 5/2015, Viện 719 thông báo đã thử nghiệm thành công phương án tàu trở lò phản ứng hạt nhân trên biển tại bể thử nghiệm của Đại học Công nghiệp Đại Liên và Phòng thử nghiệm công trình gần bờ trọng điểm quốc gia. Phía Trung Quốc tuyên truyền cho rằng trong 150 ngày thử nghiệm liên tục, tàu trên đã hoàn thành 300 hạng mục thử nghiệm khác nhau. Kết quả cho thấy phương án tàu trở lò phản ứng điện hạt nhân trên biển đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thiết kế và có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt.
Từ đầu năm 2016, Trung Quốc gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các hoạt động phản biện khoa học, đánh giá về nhà máy điện hạt nhân trên biển: Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc đã có văn bản chính thức đồng ý đưa Nhà máy điện hạt nhân nổi di động ACP100S (biến thể trên biển của loại nhà máy ACP100) vào Quy hoạch năng lượng thuộc Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016 - 2020). Được biết, ACP100S là loại lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ trên biển, có công suất khoảng 200MW do Tập đoàn Trung Hạch tự nghiên cứu, thiết kế, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của loại nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3, có thể đáp ứng được nhu cầu về điện, lọc nước biển thành nước ngọt, kho lạnh cho các dàn khoan dầu, các đảo trên biển. Đầu tháng 2/2016, Cục trưởng Cục Công nghiệp kỹ thuật quốc phòng quốc gia Trung Quốc Hứa Triết Đạt từng cho biết, trong Sách Trắng “Ứng phó khẩn cấp vấn đề hạt nhâ của Trung Quốc” đã đề cập vấn đề ứng phó đối với nhà máy điện hạt nhân trên biển khi xảy ra sự cố và rằng Trung Quốc đang quy hoạch, nghiên cứu, chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đầu tiên. Cuối tháng 2/2016, Ủy ban Phát triển cải cách Trung Quốc, Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Cục Công nghệ khoa học quốc phòng Trung Quốc cho biết Viện 719 đã nhận được bằng sáng chế “Công trình mô phạm nhà máy điện hạt nhân trên biển” do Cục Năng lượng quốc gia cấp, đây được coi là “giấy thông hành”, văn bản chấp thuận ban đầu của Ủy ban phát triển cải cách quốc gia về việc triển khai công trình nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Trong tháng 4/2016, Trung Quốc tuyên truyền cho rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA đã thông qua thiết kế nhà máy điện hạt nhân trên biển ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc đề trình và đang xem xét, đánh giá về báo cáo phân tích sơ bộ liên quan vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân trên. Trong cùng năm 2016, một số quan chức điện hạt nhân Trung Quốc tiết lộ tiến độ thi công nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Theo đó, năm 2016 Trung Quốc hoàn thành thiết kế ban đầu và bắt đầu thi công công trình nhà máy điện hạt nhân nổi ACP100S; năm 2017 hoàn thiện thiết kế thi công hệ thống chủ lực và hạ thủy; năm 2018 hoàn thiện lắp đặt trạm điện hạt nhân; năm 2019 hoàn thành việc chạy thử và đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi. Dự kiến Trung Quốc sẽ chế tạo khoảng 20 nhà máy điện trên. Theo Chủ tịch CNNC Tôn Cần, tổng giá thành cho một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào khoảng 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 461 triệu USD).
Trong năm 2017, hầu như các thông tin về kế hoạch xây dựng trạm điện hạt nhân nổi trên biển của Trung Quốc bị “chìm xuồng”, Trung Quốc hầu như không đề cập bất cứ thông tin, hình ảnh liên quan. Song, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên có vốn điều lệ vào 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi.
Trong năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ (8/2018) cảnh báo Trung Quốc có kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi gần đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, kế hoạch cấp điện cho các thực thể vào đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông có thể bao gồm việc đưa yếu tố hạt nhân tới đây; Trung Quốc có dấu hiệu đang tiến hành kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và rạn san hô trên Biển Đông bằng những trạm năng lượng hạt nhân nổi. Quá trình này được cho rằng là sẽ bắt đầu trước năm 2020.
Vẻ bên ngoài, quan chức Trung Quốc cũng như giới truyền thông Bắc Kinh tích cực tuyên truyền cho rằng việc phát triển nhà máy điện hạt nhân trên biển nhằm cung cấp điện cho các vùng duyên hải, vùng biên giới, vùng đảo xa bờ và các giàn khoan dầu khí gặp khó khăn về nguồn điện năng; và rằng hành động của Trung Quốc chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, cũng như cung cấp điện để khử mặn - lọc nước biển thành nước ngọt, làm đá phục vụ ngư dân ướp hải sản đánh bắt trên biển; nhà máy điện hạt nhân trên biển an toàn hơn so với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, vì: Nổi trên mặt nước nên các lò phản ứng không bị ảnh hưởng bởi các con sóng hay các trận động đất; nếu sự cố xảy ra, nước biển sẽ làm mát các thanh nhiệt bên trong lò phản ứng; các nhà máy điện hạt nhân nổi nằm cách xa các khu dân cư.
Tuy nhiên, đằng sau những gì Trung Quốc tuyên truyền là cả một âm mưu khủng khiếp. Nguồn điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân trên biển chỉ một phần nhỏ phục vụ các mục đích phát triển kinh tế, còn phần nhiều hoặc có thể nói là 90% nguồn điện trên được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Sau khi Trung Quốc xây dựng phi pháp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam) và thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì nguồn điện năng cung cấp cho các công trình, hạng mục trên các đảo đó chủ yếu được sản xuất từ máy phát điện chạy dầu diezen. Song nguồn điện này chỉ đủ để cung cấp cho các hoạt động thiết yếu trên đảo, như cung cấp điện chiếu sáng, điện sinh hoạt và lọc nước biển thành nước ngọt (loại máy công suất thấp, tiêu thụ ít điện năng), không thể đủ để cung cấp cho các trang thiết bị quân sự hạng nặng mà Trung Quốc mới triển khai trên các đảo ở Biển Đông, nhất là điện năng dành cho hệ thống radar tối tân của Bắc Kinh. Ngoài ra, việc chạy máy phát điện từ dầu diezen cung cấp điện cùng lúc cho tất cả các đảo, đá, bãi cạn, giàn khoan dầu và đảo nhân tạo do Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa là không khả thi và quá tốn kém cũng là động lực chính thúc đẩy Trung Quốc đánh đổi tất cả để chế tạo nhà máy điện hạt nhân trên biển. Patrick Cronin, Giám đôc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới từng nhận định, “các nhà máy điện hạt nhân trên biển sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển vũ khí tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm”. Việc triển khai trạm điện hạt nhân nổi trên biển khiến các nước phải cân nhắc cẩn thận khi tấn công Trung Quốc trên biển, do lo ngại xảy ra thảm họa hạt nhân nếu đánh nhầm vào những nhà máy điện hạt nhân trên. Cùng quan điểm trên, một số chuyên gia quốc tế nhận định việc Bắc Kinh chế tạo nhà máy điện hạt nhân trên biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng về mặt quân sự. Nếu Trung Quốc triển khai một trạm điện hạt nhân ở đảo Phú Lâm sẽ khiến Bắc Kinh giải quyết được nhu cầu điện cho “thành phố Tam Sa”, tạo điều kiện để nước này có thể triển khai được các loại hình radar, tên lửa hiện đại và nâng cao năng lực tác chiến cho hải quân Trung Quốc (cung cấp điện cho tàu ngầm, tàu chiến Trung Quốc khi hoạt động ở Biển Đông). Đáng chú ý, Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cảnh báo sau khi Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân trên biển, Bắc Kinh sẽ viện cớ thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho những trạm điện trên để tăng cường hiện diện quân sự khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, mất kiểm soát.
Dư luận cho rằng nếu Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông sẽ đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Khu vực Biển Đông là vùng biển hẹp, diện tích nhỏ, thường hay có bão lớn. Vì vậy, nếu Trung Quốc triển khai trạm điện hạt nhân nổi trên Biển Đông sẽ là cả một thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn cho các trạm điện hạt nhân, cũng như vấn đề rò rì hạt nhân. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng sinh thái biển, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: “Trên đất liền, nhà máy điện hạt nhân được trang bị một hệ thống đặc biệt an toàn để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ trong trường hợp gặp sự cố mà nhiều khi cũng không tránh khỏi. Đối với các nhà máy nổi lênh đênh trên biển, có nhiều rủi ro ngoài khả năng dự báo của con người như: bão, sóng thần, va chạm…thì xác suất xảy ra sự cố sẽ cao hơn”. Không những vậy, việc bảo đảm an toàn cho nhà máy phóng xạ trên biển là rất khó khăn, nhất là trường hợp mất điện. Và khi sự cố xảy ra, việc khắc phục hiện tượng rò rỉ phóng xạ trên biển là điều vô cùng khó so với trên đất liền vì lúc đó không dễ khoanh vùng và hạn chế lan truyền phóng xạ như trên mặt đất.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nhận định, các lò phản ứng hạt nhận đặt trên phao nổi, tàu phá băng, trên tàu ngầm tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường xung quanh. Dùng nước làm mát thì phải có những biện pháp kỹ thuật để đề phòng việc thất thoát các chất phóng xạ, có thể sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng ra môi trường. Dự án này chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu Trung Quốc không có những kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, công nghệ hạt nhân của Trung Quốc hiện đã có tiến bộ, song vẫn còn hạn chế và chưa đủ trình độ để làm chủ công nghệ điện hạt nhân trên biển. Việc chưa kiểm soát, làm chủ công nghệ mà triển khai chế tạo, hoặc đưa vào sử dụng trạm điện hạt nhân nổi trên biển sẽ đe dọa trực tiếp đến người dân các nước ven biển.
Một số chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông mà xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ, nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ven biển, hoạt động tự do hàng hải trong khu vực và trực tiếp phá hủy hệ sinh thái ở Biển Đông: (1) Khi bị rõ rỉ hạt nhân, bão và gió ở Biển Đông sẽ rất nhanh chóng tán phát bui hạt nhân vào đất liền, khiến người dân ven Biển Đông sẽ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. (2) Môi trường sinh thái ở Biển Đông, đặc biệt là nguồn hải sản và sinh vật biển sẽ bị tàn phá, hủy diệt hàng loạt. (3) Khi bụi phóng xạ bị tán phát trong không khí cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải, giao thông thương mại trên Biển Đông sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Do đó, nếu Trung Quốc triển khai phi pháp các trạm điện hạt nhân nổi trên biển ở vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là đi ngược lại các quy định của luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.