Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 28/03/2019

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019 20:30 // ,

Hoàng Anh Gia Lai

bị thu hồi 742 hecta đất đầu tư tại Campuchia

Hơn 740 hecta đất được Chính phủ Campuchia cấp cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam từ 10 năm trước để đầu tư trồng cao su sẽ bị thu hồi để trả cho cộng đồng người bản địa địa phương.
Theo Reuters, tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri phía Đông Bắc Campuchia hôm 27/3 đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này lấy lại 64 khu vực đất nằm trong diện tích trên bao gồm rừng, đất sình lầy và bãi chôn lấp vốn là đất những cộng đồng người bản địa.
Theo Reuters, 12 cộng động bản địa người Campuchia vào năm 2014 đã đệ đơn khiếu nại Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới vì đã đầu tư vào quỹ tài trợ cho các liên doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia và Lào, gây ra các tác động xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hoàng Anh Gia Lai sau đó đã phải đồng ý ngừng giải phóng mặt bằng; và chỉ một năm sau, tập đoàn này của Việt Nam đã mất khoảng 60% diện tích đất được cấp phép đầu tư tại Campuchia trước đó.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam có nhiều dự án trị giá hàng triệu USD đầu tư vào ngành nông nghiệp trồng cao su, cọ dầu, chuối, cây ăn quả và chăn nuôi bò tại Lào và Campuchia.
Truyền thông trong nước hôm 28/3 loan tin cho biết quyết định thu hồi đất nói trên đã khiến giá cổ phiếu HAG và HNG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sụt giảm vào sáng cùng ngày. Giá cổ phiếu HAG giảm 0,18% và HNG giảm tới 1,92%.

Việt Nam: Nhóm Cây Xanh công bố phim về

« thảm họa Formosa », một thành viên của nhóm bị câu lưu

Hôm qua 27/03/2019, tại Hà Nội, cô Cao Thị Thịnh, một thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Cây Xanh (Green Trees) tại Việt Nam, bị một số công an bất ngờ bắt giữ trên đường. Cô Cao Thị Thịnh được trả tự do vào 22 giờ cùng ngày, nhưng máy tính, điện thoại bị thu giữ.
Theo thông tin từ các thành viên của nhóm Cây Xanh (website greentreesvn.org), công an đặc biệt quan tâm đến bộ phim « Đừng sợ » của nhóm, vừa ra mắt hôm 16/03 tại Hà Nội. Nhóm Cây Xanh (tiền thân là nhóm Vì Một Hà Nội Xanh trên Facebook) là tác giả của bản báo cáo
Tổng quan thảm họa môi trường biển Việt Nam” 2016, nói về thảm họa do Formosa gây ra ở miền Trung.
Bộ phim « Đừng sợ », do nhóm thực hiện, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006.
Sau đây là một số ghi nhận của ông Nguyễn Quang A, người đã xem phim :
Ông Nguyễn Quang A:28/03/2019Nghe
« Tôi thấy đây là một phim để làm tư liệu, để đào tạo, nâng cao dân trí rất tốt. Đó là một bộ phim thời sự nói về xã hội dân sự nói chung (ở Việt Nam) khá là rộng, nhưng cốt lõi của nó là xoay quanh vụ Formosa. Tức là gắn với một sự kiện nổi bật, để nói không chỉ về sự kiện đó, mà nói về xã hội dân sự nói chung.
Tôi nghĩ rằng đó là một lựa chọn khá là khéo của đạo diễn và những người làm bộ phim thời sự rất công phu này. Tôi đánh giá cao về mặt nghệ thuật… nhưng đối với các nhà chuyên môn họ có thể có ý kiến này có ý kiến kia. Đối với một bộ phim thời sự như thế cũng là điều bình thường ».

Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt – Mỹ lần thứ 10

Hôm 25/3/2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng thường niên Việt- Mỹ lần thứ 10 tại Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.
Tin cho biết tại vòng đối thoại hai bên tiến hành đánh giá về những tiến triển trong quan hệ với các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân Thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội vào tháng trước. Bên cạnh đó là những tiến triển về hợp tác quốc phòng, nổi bật là việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018; tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975; hoàn thành dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai nước cam kết tiếp tục các lĩnh vực hợp tác theo Bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015, cụ thể trên các lĩnh vực an ninh biển, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, sớm khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hoà và tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Về hợp tác an ninh, hai bên chia sẻ quan điểm hài lòng về hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía Mỹ trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống buôn người, buôn bán ma tuý, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 11 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020.
Một ngày sau Đối thoại Chính Trị, An Ninh, Quốc Phòng Việt-Mỹ lần thứ 10, vào ngày 26/3/2019, hội thảo với chủ đề “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” do Bộ Quốc Phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington D.C.

Hà Nội muốn cấm xe máy theo giờ nhưng có khả thi?

Liam HoàngGửi tới BBC từ London, Anh Quốc
Đây là giải pháp của Sở Giao thông Vận tải nhằm chuẩn bị cho kế hoạch dừng hoạt động xe máy ở Hà Nội vào năm 2030.
Nghị định cấm xe máy ở Hà Nội được đưa ra vào năm 2017 bởi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, và gặp nhiều phản ứng trái ngược.
Tin tức trong tháng 2/2019 nói TP Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy theo giờ trên sáu tuyến phố Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng.
Cấm loại phương tiện giao thông hiện đang phổ biến nhất Việt Nam có phải là một hành động đúng đắn?
Vì sao cấm xe máy?
Với hơn 7,7 triệu người đang sinh sống và hàng ngàn xe máy luân chuyển qua mỗi ngày, Hà Nội đang là một trong những thành phố ô nhiếm nhất Đông Nam Á.
Dừng hoạt động của xe máy sẽ giảm thiểu số lượng khí thải thoát ra và lượng xăng dầu tiêu thụ, đặc biệt khi xe máy có số ghế chở người ít hơn so với ô tô.
Ngoài ra, giới bình luận cho rằng đa số các trường hợp vi phạm giao thông đều là xe máy, và việc cấm xe máy sẽ giúp đảm bảo an toàn giao thông và bớt gây tắc nghẽn.
Một trong những lý do của việc đề xuất cấm xe máy là để giúp người dân làm quen và sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân.
Nhưng hiện có nhiều ý kiến cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện giờ không thể đáp ứng điều này.
Hiện nay thành phố Hà Nội vẫn chưa có hệ thống tàu điện.
Tuyến tàu cao tốc Cát Linh Hà Đông mới chỉ đang trong thời gian chạy thử, sau khi khởi công từ năm 2011.
Với tốc độ này, không gì đảm bảo Hà Nội sẽ có một hệ thống giao thông công cộng đủ tốt để thay thế các phương tiện cá nhân vào năm 2030.
Trên thực tế, chính phủ vẫn chưa có động thái gì trong việc phát triển các ý tưởng công hoặc tư để cải thiện hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ô tô có hiệu quả hơn xe máy?
Ùn tắc giao thông không chỉ là vấn đề của riêng của Hà Nội, mà của hầu hết các thành phố lớn. Sẽ là bất công khi đổ thừa cho xe máy vì vấn nạn này.
Cũng có ý kiến cho rằng thi hành luật cấm xe máy sẽ dẫn tới một bài toàn khác, đó là quá tải ô tô.
Trên trang The Diplomat, Luke Hunt viết rằng:
“Xe bốn bánh khá phiền phức và không cần thiết, đặc biệt ở những thành phố lớn vì chúng chiếm không gian diện tích lớn, mặc dù đôi khi chỉ chở một người. Chúng đỗ trên các phố đi bộ và gây tắc nghẽn giao thông.”
Vậy tại sao không cấm ô tô?
Việc cấm xe máy được cho chỉ giúp giới trung lưu trên vì chỉ họ mới đủ điều kiện mua xe hơi.
Là thị trường mô tô lớn thứ tư thế giới, xe máy từ lâu đã trở thành phương tiện phục vụ lao động của nhiều người dân Việt Nam.
Từ xe ôm, các xưởng lắp ráp xe máy đến các ứng dụng giao thông như Grab, cấm xe máy sẽ ảnh hưởng đến ‘cần câu cơm’ của nhiều người lao động.
Việc quy hoạch đô thị cũng là điều cần thiết khi nhiều hình thức kinh doanh diễn ra ở trong các ngõ hẻm, chợ dân sinh nơi mà ô tô không vào được.
Đây là tình trạng mà đông đảo người lao động Việt Nam đang phải đối mặt.
Họ làm việc trong một môi trường mà tính di động là điều cần thiết, có thể là để đi làm hoặc giao hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng, vì vậy sở hữu một phương tiện giao thông tiện lợi như xe máy là cần thiết.
Bài học từ các thành phố khác
Năm 2016, chính quyền thành phố Baguio, Phillipines sau khi ra lệnh cấm phương tiện hai bánh, bao gồm cả xe đạp, đã phải thay đổi quyết định vì phản ứng từ cộng đồng mạng.
Thành phố Yangon, Myanmar đã có lệnh cấm xe máy từ năm 2003 và được giữ nguyên đến nay, tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên.
Năm 2014, trong nỗ lực giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, chính quyền Jakarta đã thử nghiệm luật cấm xe máy được áp dụng ở hai tuyến đường chính Jalan M.H. Thamrin và Jalan Medan Merdeka Barat trong trung tâm thủ đô Jakarta.
Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2017, Tòa án Tối cao Indonesia đã hủy bỏ lệnh cấm này, do phản ứng của người dân về sự hạn chế trong cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2015 đã chỉ ra số lượng xe máy sở hữu trong dân ở 44 quốc gia trên thế giới.
Bảy nước đứng đầu về xe máy nằm ở châu Á, với hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sở hữu ít nhất một xe máy.
Những con số này cho thấy việc thay đổi hẳn một mô hình giao thông – sinh hoạt của hàng chục triệu người sẽ không hề đơn giản.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả tại London, Anh Quốc.

“Đừng sợ” thông điệp gửi đến xã hội dân sự Việt Nam

Kính Hòa RFA
Một nhóm hoạt động dân sự tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Đừng sợ, kể lại những hoạt động dân sự vì môi trường, dân chủ tại Việt Nam trong những năm qua. Trong đó có đề cập đến ông Hoàng Bình, người hoạt động môi trường sau thảm họa Formosa đang bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.
Đại diện nhóm làm phim cho đài RFA cuộc trao đổi sau đây.
Nhóm làm phim: Bộ phim này khái quát phong trào xã hội dân sự từ năm 2006 đến nay, với nhiều người đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, cho dân chủ, bị nhà cầm quyền câu lưu bỏ tù, nhưng họ không chùn bước.
Trong bối cảnh đó thì thảm họa Formosa là cú hích lớn cho xã hội dân sự Việt Nam, lần đầu tiên một phong trào có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhân sự kiện Formosa, những người hoạt động dân chủ đứng lên thực hiện cái quyền của họ.
Vụ Formosa là một cái lõi để bộ phim đó mô tả xã hội dân sự từ 2008 đến nay.
Thông điệp bộ phim đưa ra là công chúng đã sẳn sàng cho một xã hội dân sự lành mạnh phát triển. Còn chính quyền thì họ đang chờ đợi một điều gì?
Trong bộ phim này anh Hoàng Bình là một điểm nhấn của bộ phim. Điều đặc biệt là chính anh Hoàng Bình là người cùng tham gia với nhóm làm phim, cùng bị chính quyền truy đuổi một cách gắt gao.
RFA:  Khi làm phim có một nhân vật bị chính quyền bỏ tù như vậy thì có ngại những cái mà chính quyền cho là nhạy cảm không?
Nhóm làm phim: Thật ra thì toàn bộ phim là một sự nhạy cảm: chuyện Formosa, chuyện đền bù, chuyện bắt bớ, chuyện biểu tình,…thêm anh Hoàng Bình nữa thì cũng không quá nhiều.
Hơn nữa bộ phim cũng là sự tri ân tới ah Hoàng Bình nói riêng, và những tù nhân lương tâm khác, kể cả những người như Nguyễn Văn Hóa, Bạch Hồng Quyền, … những người đã đồng hành cùng nhóm làm phim. Bộ phim là sự tri ân đối với họ.
RFA: Nhóm làm phim định phổ biến bộ phim như thế nào?
Nhóm làm phim: Phổ biến càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước, Hà Nội, Hồ Chí Minh, và dĩ nhiên là gốc gác của bộ phim là miền Trung. Tất nhiên sẽ chiếu bí mật thôi, mời những người quan tâm, nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, để họ hiểu thêm bức tranh của xã hội dân sự hiện tại.
Chúng tôi rất mong muốn nó được chiếu ở các tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế.
RFA:  Có một kênh mà các nhóm dân sự, hoạt động dân chủ hay dùng là thông qua các tòa đại sứ phương Tây tại Hà Nội, lãnh sự tại Sài Gòn, nhóm làm phim có định như vậy không?
Nhóm làm phim: Thưa có, buổi chiếu đầu tiên sẽ mời các vị ở các sứ quán khối EU đến xem.
RFA: Theo anh thì trong thời gian qua, nhóm dân sự vì môi trường gặt hái được những gì và có trở ngại gì lớn?
Nhóm làm phim: Trong thời gian qua thì nhóm cũng chưa gặt hái được nhiều thành công, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là phía nhà cầm quyền họ đàn áp rất là mạnh, làm xã hội dân sự nói chung bị lắng xuống, các nhóm môi trường cũng bị tác động rất nhiều.
Về chủ quan thì nội bộ các nhóm cũng có sự thay đổi, cho nên gần đây nhóm cũng chưa đạt thành tựu gì đáng kể.
RFA: Theo anh thì ý thức của người dân thường Việt Nam đã đủ mạnh chưa để hình thành một phong trào dân sự mạnh về môi trường?
Nhóm làm phim: Ý thức về môi trường của người dân thì có nhưng chưa đủ mạnh.
Tôi có trao đổi với một số tổ chức quốc tế về môi trường thì họ nói những cuộc biểu tình vì môi trường vài trăm người là chưa đủ, phải có những cái cuộc biểu tình cả triệu người thì mới có ý thức về môi trường rõ rệt nhất, mới thay đổi nhiều thứ như vận động chính sách. Lúc ấy mới có sự xoay chiều, còn hiện tại thì chưa.
Các tổ chức môi trường cũng đang cố gắng bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhưng thực sự vẫn chưa đạt được kết quả nhiều.
Nhưng vẫn phải làm bởi vì không thể chờ được, càng khó thì càng phải có những cách làm thông minh hơn.
RFA: Chúng ta hay nói đến sự cản trở của phía chính quyền, nhưng với tư cách một nhà hoạt động dân sự thì trong vài năm qua anh có quan sát thấy họ có sự cải thiện nào không, có lắng nghe những vấn đề về nhân sinh, về dân sự như thế này?
Nhóm làm phim: Thực sự thì họ vẫn chưa thực sự lắng nghe. Nếu đôi khi do (áp lực) của mạng xã hội thì họ có điều chỉnh gì đấy, nhưng thực sự không thay đổi, tác động gì đến hoạt động dân chủ. Thật ra họ vẫn chưa có gì thay đổi lắm.
Họ ngày càng siết chặt hơn, sự tụ tập của các nhóm là không được phép, kiên quyết là như vậy.
RFA: Anh còn có điều gì nói thêm về việc thực hiện và trình chiếu bộ phim này?
Nhóm làm phim: Có một mong muốn là bộ phim này được trình chiếu quốc tế, để có một bức tranh về hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, thấy rằng vẫn có những nhà đấu tranh vì môi trường hiện vẫn còn trong chốn lao tù.
Mong muốn đây sẽ là động lực cho những nhóm khác làm những bộ phim hay hơn, mong muốn của nhóm làm phim là như vậy.

Những điểm sa lầy tương đồng,

giữa Phật giáo quốc doanh Trung Quốc và Việt Nam

Tuấn Khanh
Tương tự như Trung Quốc, mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và Phật giáo tại Việt Nam hết sức phức tạp. Đó là mối quan hệ lợi dụng qua lại lẫn nhau, mà các nhà phân tích xã hội gọi đó là bài tính có kết quả tổng bằng không cho cả hai bên. Bởi những người trung thành với lý thuyết Cộng sản dần dà tự tìm đến Phật giáo để tự chữa lành phần tinh thần trống rỗng của mình, một mô hình tín ngưỡng duy nhất được cho phép tồn tại đại chúng trong nền chính trị vô thần. Và ngược lại, những người mộ đạo thuần khiết thì dần dần tự rời bỏ không gian Phật giáo quốc doanh, vì nhận ra rằng đó chỉ là một trò mua bán tinh thần được dựng nên bằng tiền và chính trị.
Phật giáo ở Trung Quốc được hoạt động bình thường từ thập niên 1980, sau cái chết của Mao Trạch Đông, kẻ đã nhấn Phật giáo ở Trung Quốc xuống tận bùn đen, đẩy các giá trị ngàn đời của Chùa và kính sách vào ô nhục ở cuộc cách mạng văn hóa kéo dài từ 1966 đến 1976. Khởi đầu thì đó chỉ là chính sách sửa sai, nhưng pha trộn âm mưu mô hình Phật giáo do Ban tôn giáo của Trung ương Đảng chỉ đạo, thường được người đời gọi mai mỉa là Phật giáo quốc doanh. Nhưng rồi giới chóp bu ở Bắc Kinh nhanh chóng nhận ra, Phật giáo quốc doanh lại là một nguồn thu khổng lồ, có thể nuôi sống các bộ máy chính quyền hay quan chức địa phương, và lại dễ dàng đối ngoại như một kiểu “tự do tôn giáo”.
Ngay lập tức Chùa chiền, kinh sách, tượng Phật lớn kỷ lục… được dựng nên bằng tiền của các doanh nghiệp đầu tư, thậm chí tiền bẩn của các quan chức tham nhũng… nhằm thu hút dân chúng. Trong thời đại của Mao, các nhà sư bị đẩy đi làm ruộng, chăn nuôi… để gọi là có ích cho sự phát triển đất nước. Nhưng đến thời đại của Đặng, các nhà sư được ăn mặc đẹp, tổ chức lễ hội… tạo ra nguồn thu lớn, mà nhà nghiên cứu người Trung Hoa Zhe Ji viết trong tiểu luận “Phật giáo và Nhà nước: Mối quan hệ mới” (2008), tạm gọi tên là “Nền kinh tế nhà Chùa” (monastic economy).
Ở Việt Nam, sau năm 1975, tôn giáo bị coi là “thuốc phiện của nhân dân”. Chùa bị chiếm, cơ sở Phật giáo và kinh sách vở bị tịch thu, nhiều tăng ni và tín hữu Phật giáo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị bắt, kết án, giam lỏng, tù và đi cải tạo đến chết. Để tạo ra Giáo Hội của Nhà nước, một Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức tại Quán Sứ, Hà Nội, được triệu tập bởi Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 7 tháng 11 năm 1981, sau đó thành lập nên Giáo hội này, từ đó về sau được định nghĩa là giáo hội quốc doanh bởi tôn chỉ rất rõ “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Dĩ nhiên, mục đích cũng nhằm thủ tiêu hệ thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Phật giáo Việt Nam bị dòm ngó như một loại con rơi, tạm tồn tại trong xã hội cộng sản. Nhưng đến năm 2003, Bộ chính trị Cộng sản VN nhận ra việc cho phép tín ngưỡng tồn tại có lợi cho mình hơn là tiêu diệt đi. Đặc biệt là sau thời gian 1995, khi Việt Nam được bỏ cấm vận và đối diện với Liên Hợp Quốc về nhiều vấn đề Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do tín ngưỡng.
Ngày 12 tháng 3, năm 2003, Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN ra nghị quyết số 25-NQ/TW, do đảng trưởng đảng CSVN là Nông Đức Mạnh ký, đã xác định một đường lối mới, cho phép tôn giáo được tồn tại trong xã hội, nhưng trong Mục II, phần 4, nhấn mạnh rằng “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.”
Kể từ đó, Phật giáo quốc doanh ở VN được đẩy mạnh hoạt động, không chỉ về mặt vật chất và còn cả về con người được nhà cầm quyền đầu tư đi học lý thuyết Phật giáo, khoác áo làm sư và kiểm soát nhiều tăng viện. Thậm chí luồng nhân lực đó, được đẩy ra hoạt động ở hải ngoại, nơi có các cộng đồng người Việt tự do đang quần cư.
“Giới Phật giáo (quốc doanh) tại Trung Quốc hiện tận hưởng nhiều tự do trong việc xây dựng các chùa chiền, tuyển mộ tăng sĩ, tổ chức các nghi lễ và truyền bá tín ngưỡng theo kiểu của họ” tác giả Raoul Birnbaum trong cuốn Buddhist China at the Century’s Turn (2017) cũng ghi nhận như vậy. Nhưng bên cạnh đó, khi thu được lợi nhuận từ “Nền kinh tế nhà Chùa”, nhà nước cộng sản cũng tự lũng đoạn các giá trị thuyết vô thần của mình khi để cho sự sùng bái tín ngưỡng tăng nhanh, hỗn loạn, thậm chí dẫn đến các cực của mê tín.
Điều gì phải đến, rồi đã đến. Các vụ bê bối sư thầy và chùa ở Trung Quốc liên tục xuất hiện trong thập niên 90, qua đến tận lúc này. Rất nhiều lời chỉ trích đã xuất hiện trên các trang mạng Trung Quốc về chuyện các sư xài tiền như nước, và bao quanh là các nữ tín hữu trẻ đẹp. Gần đây lại là các vụ bê bối về tình dục đã bùng nổ, liên quan đến các sư danh tiếng ở Bắc Kinh, Hà Nam… và đó lại là những nơi dẫn đầu về “nền kinh tế nhà Chùa”.
Câu chuyện chùa Ba Vàng chỉ là một trong những nơi đang lạm dụng mê tín, phản bội tinh thần Phật giáo chính tông, phụng sự cho thế quyền và mua bán tín ngưỡng. Từ Nam chí Bắc, những lời ta thán như vậy vẫn xuất hiện không ngớt trên các trang mạng xã hội, cùng hình ảnh tố cáo. Nhưng nếu chú ý, hình thức trừng phạt những người đã tạo ra các bê bối đó – ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc – thường là kiểm điểm hoặc khai trừ khỏi các chức vị. Đó cũng là một biểu hiện cho thấy tổ chức tôn giáo giờ đây cũng hành xử như một chi bộ đảng, điều đó hoàn toàn khác biệt với một tổ chức tôn giáo chân chính.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tại sao ông Nguyễn Quang Hồng Nhân

bị trục xuất khỏi nước Đức?

Nguyễn Ngọc Già
Năm 1979, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân được biết là một Tù Nhân Lương Tâm với án tù 20 năm, bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng”. Một thời gian dài, sau khi ra tù, ông Nhân và gia đình sống lặng lẽ tại Việt Nam.
Năm 2011, Đức và Việt Nam ký quan hệ “đối tác chiến lược”.
Năm 2014, con gái của ông Nhân – cô Nguyễn Quang Hồng Ân thắng tất cả 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ vào lúc 15 tuổi.
Năm 2015, do cô bé Hồng Ân dưới 18 tuổi, nên các kỳ thi âm nhạc của cô dành cho Piano đến Đức và Áo, luôn phải có cha mẹ tháp tùng.
Từ đó, gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã xin tị nạn chính trị tại Đức.
Hồ sơ xin tị nạn gặp trở ngại vì lúc bấy giờ Đức cho là nhà cầm quyền VN không có vấn đề nhân quyền bị vi phạm tại VN.
Cũng trong năm 2015, Việt Nam và EU cơ bản đàm phán xong hiệp định EVFTA.
Vào tháng 7/2016, tình “hữu nghị thắm thiết đó” bị Trịnh Xuân Thanh “phá hoại”  bằng cách đào thoát khỏi Việt Nam và đến Đức xin tị nạn chính trị, rồi bị phía nhà cầm quyền VN bắt cóc không lâu sau đó.
Từ đấy, quan hệ ngoại giao Việt – Đức chưa có dấu hiệu gì tiến triển tốt hơn, trong khi Đức vẫn đòi phải trả Trịnh Xuân Thanh như là một trong các chỉ dấu “phục thiện” của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tháng 2/2019 Phạm Bình Minh – Bộ trưởng BNG sang thăm Đức vẫn phải xin visa nhập cảnh.
Tháng 3/2019 chuyến đi âm thầm của Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng BKHĐT đến Đức cũng theo “quy trình” xin cấp visa.
Vào ngày 24 đến 26/3/2019 Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức đã thăm chính thức Việt Nam.
Tại sao trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân một cách bất ngờ và vội vã?
Sau khi bị Đức từ chối, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân làm lại đơn xin tị nạn với chính quyền Canada tại Tòa Đại Sứ của nước nầy ở Áo – quốc gia đầu tiên gia đình ông đặt chân đến khi rời VN.
Cách đây hơn một tuần, Tòa Đại sứ Canada ở Vienna gửi thư báo tin cho ông hay, gia đình ông được mời phỏng vấn để tiến hành thủ tục cấp visa.
Ông Nhân và gia đình xin cơ quan thẩm quyền của Đức cấp giấy đến Vienna để được Tòa Đại Sứ Canada ở Vienna phỏng vấn, nhưng Đức từ chối. Không những thế, ngày 26/3/2019, cảnh sát Đức ép buộc cả 2 vợ chồng ông Nhân đến phi trường,  lên máy bay về VN.
Ông Nhân và vợ bị trao lại cho nhà cầm quyền Việt Nam ở sân bay Nội Bài, như cô Hồng Ân báo tin.
Điều vô cùng bất ngờ với dư luận là ông Nhân bị đối xử thô bạo và rất vội vã, ngay vào lúc Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức đang ở thăm Việt Nam!
Thật khó thay đổi!
Trịnh Xuân Thanh không thể được nhà cầm quyền VN trao trả cho phía Đức vì các lý do sau:
- Trịnh Xuân Thanh tự tay viết đơn đầu thú.
- Đã bị kết án chính thức tại tòa án của nhà cầm quyền Việt Nam.
Một khi trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, mặc nhiên nhà cầm quyền Việt Nam tự tay xác nhận họ đã thực hiện hành vi bắt cóc.
Sự xác nhận này sẽ kéo theo những hậu quả lớn:
- Tất cả những viên công an tham gia vào đường dây bắt cóc này, buộc phải trả lời trước tòa án tại Berlin về việc xâm phạm an ninh quốc gia của Đức Quốc, bất chấp Trịnh Xuân Thanh có lên tiếng phủ nhận đi chăng nữa.
- Hiệp định EVFTA không thể biến thành hiện thực cho đến khi danh dự quốc gia của nước Đức được khôi phục trọn vẹn.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị trục xuất khỏi Đức thô bạo và vội vã, như là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của nhà nước Đức, đối với nhà cầm quyền Việt Nam:
- Nước Đức là của người Đức. Cho phép cư trú hay buộc phải ra “khỏi nhà” là quyền của người Đức.
- Nhân quyền là giá trị phổ quát toàn thế giới, nhưng nó vẫn buộc phải đi cùng danh dự – phẩm giá của người Đức và an ninh quốc gia của nước Đức.
- Những chuyến đi của Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Dũng và cả của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức không mang lại một kết quả khả quan nào hơn cho quan hệ ngoại giao Đức – Việt.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ thật vô phước, khi trở thành nạn nhân cho mối bang giao Đức – Việt rạn vỡ, vốn không phải do gia đình ông gây ra!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.