Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 14/03/2019

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019 19:30 // ,

Có phải chính quyền đang tìm cách

hồi sinh “Luật Đặc Khu”?

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa giao các bộ ngành liên quan xem xét lại Luật Đặc Khu. Đây có phải là một động thái tìm cách hồi sinh dự luật này?
Cụ thể, trong tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã xem xét lại tình hình chuẩn bị một số dự án luật đã rút ra khỏi chương trình các năm 2016, 2017, 2018.
Trong tờ trình, đáng chú ý là Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay còn được gọi là Luật Đặc Khu và Luật biểu tình.
Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, và kết luận tại buổi họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng xây dựng một luật chung.
Vốn là luật sư, đọc qua các điều khoản dự luật thì tôi hiểu sự lo ngại của công chúng là hoàn toàn có cơ sở, chính đáng. Cho nên, cá nhân tôi cũng không tán thành dự luật.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Liên quan đến chuyện đặc khu thì trên báo chí nhà nước mới đây, thì chính phủ đang muốn trình lại với quốc hội về kế hoạch xây dựng luật. Từ lâu rồi chính phủ nợ nhân dân Luật Biểu Tình, còn năm ngoái nổi lên chuyện nóng khi họ xây dựng Dự uật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, mà dân gian gọi là Luật đặc khu. Vì nó chỉ áp dụng cho ba đặc khu mà họ dự kiến đưa vào đó là: Vân Đồn – Quảng Ninh, Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang. Thì dự luật đó khi phát lộ trên truyền thông thì làn sóng phản đối của cả nước rất mạnh mẽ, dữ dội.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, xem xét, điều chỉnh lại Luật Đặc Khu, có nghĩa là dự luật đó có thể trở lại chứ không phải là biến mất vĩnh viễn. Theo ông, điều này gây bất ngờ cho công chúng và riêng bản thân ông cũng cảm thấy rất lạ lùng.
Đặc khu không phải là khái niệm mới có ở Việt Nam. Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, chỉ bốn năm sau khi thống nhất đất nước, thì vào năm 1979, chính quyền đã cho thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Tồn tại được 12 năm, đến năm 1991 thì Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo giải thể “không kèn không trống”.
Trong bối cảnh công chúng vẫn được chưa nghe gì về sự tổng kết của 12 năm tồn tại đặc khu ấy, ưu điểm hay khuyết điểm như thế nào thì trong năm 2018, Quốc hội lại đưa dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt ra bàn thảo với ý định sẽ thông qua đã gây phản ứng dữ dội trong công chúng, khiến quốc hội đã phải tạm dừng việc bỏ phiếu thông qua.
Tại văn bản về chương trình lập pháp các năm 2019 và 2020, công chúng lại thấy xuất hiện trở lại dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt theo hướng chỉnh lý và có thể sáp nhập chung với một dự luật khác.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 13 tháng 3 năm 2019, về việc chính phủ đem Luật Đặc Khu ra xem xét, điều chỉnh lại, Luật sư Đặng Đình Mạnh, viết rõ:
“Việc này có thể chỉ là giải pháp “bình mới, rượu cũ” của một dự luật vốn quá nhiều tai tiếng để tránh sự phản ứng quyết liệt của công chúng lại tiếp diễn như thời điểm tháng 06/2018.
Chưa bàn đến động cơ thật sự thúc đẩy chính quyền kiên trì thông qua một dự luật có tính chất mất lòng dân đến như vậy. Nhưng rõ ràng, động cơ phát triển kinh tế mà chính quyền giải thích đã không hề làm giảm đi được sự lo ngại ngày càng tăng của công chúng về nguy cơ xâm lấn của Trung Cộng qua các điều khoản cho thuê đất đến 99 năm và những hệ lụy đằng sau đó.
Vốn là luật sư, đọc qua các điều khoản dự luật thì tôi hiểu sự lo ngại của công chúng là hoàn toàn có cơ sở, chính đáng. Cho nên, cá nhân tôi cũng không tán thành dự luật.”
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân từ khi được trình làng tại Quốc hội hồi tháng 6/2018.
Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10.
Đến ngày 11/6, Quốc hội bỏ phiếu lùi thời gian xem xét, thông qua dự luật này tuy nhiên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước người dân vẫn xuống đường phản đối, dẫn đến hàng chục người dân bị bắt giữ, bị xử với các án tù khác nhau.
Một số chuyên gia giải thích sở dĩ người dân phản đối luật này là do luật này sao chép từ Trung Quốc, đã lỗi thời và có nguy cơ bị mất lãnh thổ vào tay láng giềng phương Bắc. Ngoài ra thời hạn thuê đất lên đến 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt cũng là 1 điểm bị người dân phản đối, tuy nhiên sau đó điều này đã bị xem xét lại trong dự thảo.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định liên quan vấn đề này khi trao đổi với chúng tôi hôm 13/3:
Tôi ngạc nhiên là với một dự luật gây bức xúc như thế, có những cuộc biểu tình khủng khiếp như thế, chính phủ cũng rất sợ không kiểm soát nổi mà bây giờ lại tiếp tục muốn làm trở lại, cái đó cũng làm cho tôi hơi ngạc nhiên, nói xin lỗi dung cái từ nôm na là sao họ ngu quá vậy.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Từ năm 2007, lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, thì có dự định áp dụng Luật Đặc khu cho Phú Quốc, thì theo tiêu chuẩn đặc khu lúc đó tôi có đọc thì nó gần như hoàn toàn lấy nguyên văn luật đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc lúc đó. Nếu xét về về luật đặc khu khi đó ở Thâm Quyến và ở Việt Nam 2007 thì tôi thấy nó còn tiến bộ hơn luật đặc khu sau này vì nó có sự cạnh tranh công bằng, tức là mở cửa cho mọi nhà đầu tư nước ngoài. Dù tình Việt Nam không giống Trung Quốc nữa, nhưng tôi thấy luật đầu tư sau này chặn hết các cửa của nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ có một cửa cho Trung Quốc, ví dụ như là vấn đề tài chính, xây dựng… ”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết, những sự việc như thế chứng tỏ nguy cơ  đất nước sẽ bị xâm lấn. Đây là lý do mà ông Ngô Nhật Đăng cho cần phải lên tiếng không thể nào thông qua luật đặc khu để mở cửa cho Trung Cộng vào Việt Nam.
Tuy cho rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách tái sinh Luật Đặc Khu là một điều lạ lẫm, nhưng nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng có điều không lạ. Theo ông, không lạ vì những quốc gia cai trị bằng ách độc tài cộng sản thì thường những người cầm quyền rất kiêu ngạo, máu háo thắng đối với nhân dân, họ không chịu thua, vì họ nắm vũ khí trong tay, không có đối thủ cạnh tranh, không có đối lập… Cho nên biết là sai, nhưng họ không nhận sai, họ làm bằng được để chứng tỏ ta hơn người. Ông nói tiếp:
“Tôi theo dõi lâu năm thì thấy đó là chuyện không ngạc nhiên. Nhưng tôi ngạc nhiên là với một dự luật gây bức xúc như thế, có những cuộc biểu tình khủng khiếp như thế, chính phủ cũng rất sợ không kiểm soát nổi mà bây giờ lại tiếp tục muốn làm trở lại, cái đó cũng làm cho tôi hơi ngạc nhiên, nói xin lỗi dung cái từ nôm na là sao họ ngu quá vậy.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt này thuộc trường hợp đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến lợi ích và sự phát triển của quốc gia, thì quốc hội nên tiến hành trưng cầu dân ý theo Luật trưng cầu ý dân 2015.
Bởi lẽ, khi quốc hội chỉ toàn là đại biểu do đảng cử không thể hiện hết nguyện vọng của công chúng, thì thông qua trưng cầu dân ý, thì sẽ biết được ý nguyện thật sự của công chúng là tán thành hay phản đối dự luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-try-to-re-born-sez-bill-03132019132517.html

Dân Vườn Rau Lộc Hưng bị cấm họp báo

Chính quyền TP Hồ Chí Minh không cấp phép tổ chức họp báo cho dân Vườn Rau Lộc Hưng vì ‘nội dung không phù hợp’ trong khi luật sư nói quyết định này là sai luật.
Đơn xin họp báo của cư dân Vườn Rau Lộc Hưng gửi đi hôm 12/3 nhưng đến 13/3 thì nhận được văn bản không chấp thuận của Sở Thông tin truyền Thông TP Hồ Chí Minh.
“Nếu sắp tới Sở Thông tin Truyền thông tôn trọng sự thật, thực thi pháp luật, thì tôi hi vọng rằng trước sau bà con chúng tôi cũng được họp báo,” ông Cao Hà Trực, đại diện dân Vườn Rau Lộc Hưng nói với BBC hôm 13/3.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư hỗ trợ pháp lý cho dân Vườn Rau Lộc Hưng cho BBC hay trước mắt sẽ không họp báo để ‘tôn trọng’ yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền Thông.
Nhưng sau đó nhóm luật sư sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Lộc Hưng làm việc với chính quyền để họp báo có thể diễn ra thời gian tới.
Lộc Hưng: ‘Chính quyền phải lấy lại niềm tin của dân’
Tết ‘trôi dạt’ của dân vườn rau Lộc Hưng
Vườn rau Lộc Hưng bị ‘bế quan tỏa cảng’
Dân Lộc Hưng: ‘Dân có giấy tờ, chính quyền làm sai’
Dân Lộc Hưng đi nộp đơn kêu cứu không được tiếp
‘Không hợp pháp, sai thẩm quyền’
“Việc sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh từ chối quyền tổ chức họp báo của người dân Vườn Rau Lộc Hưng là không hợp pháp, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Mỹ Hằng của BBC hôm 13/3.
“Văn bản từ chối của chính quyền cho thấy đây thực ra chỉ là cuộc chơi về câu chữ.”
Văn bản do ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng báo chí Sở Thông tin Truyền Thông TP Hồ Chí Minh ký, dẫn luật báo chí năm 2016 rằng “mọi công dân đều có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cá nhân đó”.
Và rằng Sở không chấp nhận việc tổ chức họp báo của nhóm dân Lộc Hưng vì “nội dung họp báo liên quan đến người dân thuộc khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình” “là chưa phù hợp, không đại diện cho người dân của khu vực, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương.”
“Về mặt thủ tục thực ra rất đơn giản, công dân có quyền họp báo và phải thông báo trước khi định họp trước 24 giờ, cư dân Lộc Hưng đã làm đúng luật.” luật sư Mạnh nói từ TP Hồ Chí Minh.
“Về mặt thẩm quyền, người ký văn bản từ chối này là trưởng phòng của Sở Thông tin Truyền Thông. Trong khi theo quy định, ký những văn bản như thế này phải là giám đốc sở.”
“Lý do họ [chính quyền] không cho tổ chức họp báo có thể hiểu được. Vì từ khi sự việc xảy ra đến nay người dân Vườn Rau Lộc Hưng không có cách nào để lên tiếng. Chính quyền nắm trong tay mọi công cụ, mọi tờ báo, đài, đưa thông tin một chiều. Người dân đang cố gắng để đưa ra sự thật và giải pháp của họ là tổ chức họp báo.”
“Có một lý do nữa, chỉ là suy đoán của tôi, là thời điểm này Việt Nam đang họp kiểm điểm nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Cho nên dịp này họ không muốn có những việc lùm xùm, không muốn bị tố cáo rằng mình vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí,” luật sư Mạnh nói.
‘Chưa báo nào viết đúng sự việc’
Trong khi đó, ông Cao Hà Trực, một trong những người dại diện dân Vườn Rau Lộc Hưng nộp đơn xin tổ chức họp báo, nói với BBC rằng cuộc họp này rất có ý nghĩa với họ.
“Họp báo rất quan trọng với bà con Lộc Hưng nói riêng và với dân oan cả nước nói chung vì ai cũng muốn đưa ra thông tin minh bạch.”
“Bởi lẽ sau buổi cưỡng chế sai trái Vườn Rau Lộc Hưng, chính quyền chưa bao giờ ra mặt tiếp dân. Văn phòng Tiếp Công dân Trung ương Đảng đã có văn bản gửi về cho Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu sớm họp và giải quyết cho người dân nhưng họ vẫn không tiếp. Do đó chúng tôi mong chỉ có họp báo mới gióng lên tiếng nói và có áp lực với chính quyền.”
“Ngoài ra, từ khi sự việc xảy ra, chưa tòa soạn báo nào viết đúng sự việc. Một số bài báo viết bằng rằng ông chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch quận trả lời dân Lộc Hưng thế này thế kia, mà không có một văn bản chính thức nào cho người dân hết.”
“Chính vì thế, dân chúng tôi mong tổ chức họp báo để có thông tin công khai, chính xác gửi dư luận và báo chí lề trái, lề phải lấy đó làm cơ sở.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng thường người dân ít khi sử dụng giải pháp họp báo.
“Do đó, khi người dân có nguyện vọng tổ chức họp báo theo đúng luật định thì đây là dịp để họ thông tin lại những vấn đề của mình một cách khách quan, trung thực.”
“Như thế mới là sự thật. Và như thế công chúng có dịp nghe thông tin từ hai phía [chính quyền và người dân],” luật sư Đặng Đình Mạnh nói.
Ngăn cấm và canh gác
Trong lúc trao đổi với BBC hôm 13/4, ông Trực cho hay có rất đông người của lực lượng an ninh vẫn đang canh gác khu Vườn Rau Lộc Hưng và nhà một người dân – nơi dự định tổ chức họp báo sau khi một nhà hàng hủy hợp đồng cho thuê chỗ vào phút chót.
“Việc chính quyền tăng cường lực lựng canh gác Vườn Rau Lộc Hưng được thực hiện từ đợt ông Trump sang dự Thượng đỉnh. Cao điểm có lúc tới 400 người còn trung bình khoảng 100 người,” ông Trực nói.
“Buổi họp báo không diễn ra được. Nhiều bà con đã trông đợt suốt nhiều ngày nên tới 2 giờ chiều nay, khi biết tin buổi họp bị hủy, nhiều người ‘bất ngờ’ và vẫn chờ, có tới khoảng 80 người dân vẫn đứng tụ họp để nghe ngóng thông tin.”
Hôm 12/3, Trần Văn Thuật, ông Cao Hà Chánh, ông Cao Hà Trực và bà Trần Thị Minh Thi đại diện bà con Vườn Rau Lộc Hưng nộp đơn xin phép tổ chức họp báo hôm 13/3 tại nhà hàng Đoàn Viên ở quận Một với bốn nội dung:
Thông tin về quá trình sử dụng đất, quá trình khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân Vườn Rau Lộc Hưng và việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan chức năng. Thông tin về việc người dân tố giác hành vi phá hoại tài sản của những người tham gia cưỡng chế. Thông tin về việc người dân xin được tiếp xúc với lãnh đạo và công an thành phố để trình bày khiếu nại, tố cáo. Trao đổi về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất trong quá trình triển khai dự án tại khu Vườn Rau Lộc Hưng.
Người chủ trì họp báo là bốn luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh – những người đã đứng ra nhận giúp dân Lộc Hưng về mặt pháp lý.
Nhưng đến chiều 12/2, một luật sư trong nhóm nhận được tin nhắn từ nhà hàng Đoàn Viên rằng cơ sở đến kỳ sửa chữa nên hủy hợp đồng thuê họp báo.
Truyền thông trong nước nói gì?
Không có báo nào của Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo bất thành của dân Vườn Rau Lộc Hưng.
Trước đó, nhiều báo chính thống của Việt Nam đưa tin rằng chính quyền đã “hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép” tại Vườn Rau Lộc Hưng hôm 9/1, dịp sát Tết Nguyên Đán.
Một số tờ báo cũng đưa tin chính quyền sẽ xử lý 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối, chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và đã xác minh được “đối tượng cầm đầu”.
Ngoài ra, sau khi tháo dỡ các căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, báo Việt Nam cho hay công an phát hiện có “phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu”.
Truyền thông Việt Nam cho hay việc san lấp nền đã hoàn tất ở khu Vườn rau Lộc Hưng trên khu đất trống 48.000 m2. Chính quyền cũng cho cắm bảng thông tin về quy hoạch xây ba trường học đạt chuẩn quốc gia, trị giá 120 tỷ đồng trên mảnh đất này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47549917

3 cựu lãnh đạo PVEF bị truy tố

Ba cựu lãnh đạo cấp cao của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, do nhận tiền lãi ngoài từ Ngân hàng OceanBank.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 14 tháng 3, dẫn nguồn từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với 3 cựu lãnh đạo của PVEP, gồm ông Đỗ Văn Khạnh (cựu tổng giám đốc), bà Vũ Thị Ngọc Lan (cựu phó tổng giám đốc) và ông Nguyễn Tuấn Hùng (cựu trưởng ban tài chính).
Theo cáo trạng, 3 bị can vừa nêu đã nhận số tiền lãi ngoài hợp đồng giao dịch với OceanBank trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014; cụ thể ông Đỗ Văn Khạnh nhận hơn 4 tỷ đồng, bà Vũ Thị Ngọc Lan nhận 200 triệu đồng và ông Nguyễn Tuấn Hùng nhận hơn 51,8 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An ra quyết định khởi tố và bắt giam ông Đỗ Văn Khạnh hồi trung tuần tháng 12 năm 2018, còn bà Vũ Thị Ngọc Lan bị khởi tố và bắt giam gần một tháng sau đó.
Bị can Nguyễn Tuấn Hùng khai báo chỉ nhận số tiền lãi ngoài 39, 2 tỷ đồng và cũng đã đưa cho nhiều người khác, tuy nhiên Cơ quan Điều tra cho biết chưa đủ chứng cứ để giải quyết trong vụ án này.
Cũng liên quan đến PVEP, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), thuộc Bộ Công An cho biết cơ quan này đang điều tra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật của PVEP trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 ở Venezuela.
Đây là dự án liên doanh giữa PVEP với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, lập ra Công ty liên doanh PetroMacareo, được thực hiện từ năm 2010 với mức tổng vốn đầu tư lên đến 12, 4 tỷ đô la Mỹ (USD). Trong đó PVEP góp 40% vốn và trong giai đoạn 1 của dự án, PVEP góp số vốn khoảng 1, 82 tỷ USD.
Dự án này được đánh giá là dự án lớn nhất mà PVEP đại diện cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư ra nước ngoài với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, dự án không được tiến triển và Thủ tướng Chính phủ Hà Nội vào tháng 12 năm 2013 yêu cầu PVEP tạm dừng đầu tư vào dự án.
Vào ngày 13 tháng 3, truyền thông quốc nội loan tin Cục C03 vừa gửi văn bản đến PVN để đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan việc thực hiện dự án lô Junin 2 của PVEP.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prosecuting-pvep-former-leaders-for-bribery-03142019083311.html

Bác bỏ giải trình của Bộ Công an

về vấn nạn ‘tự tử’ nơi giam giữ

Diễm Thi, RFA
Phái đoàn Việt Nam vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua tiến hành lần phúc trình thứ 3 trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị mà Hà Nội tham gia ký kết năm 1982.
Trong phúc trình, đại diện Bộ Công An phát biểu rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.
Câu nói của vị đại diện Bộ Công an lập tức gây bất mãn trên các mạng xã hội cũng như với rất nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Một người dân ở Hà Nội và một người dân ở Sài Gòn bật cười khi nghe phát biểu này:
“Nghe nó nực cười, kiểu như trẻ con nói chuyện với nhau. Đại diện Bộ Công an mà nói một câu như thế thì phải nói là rất dối trá và đê tiện, không chấp nhận được. Những người từng bị cho là tự tử trong đồn công an họ là những người đang rất yêu đời, lạc quan.”
“Theo quan niệm của mình thì đó là họ ngụy biện, lấp liếm thôi chứ tình trạng ngược đãi tù nhân, vi phạm nhân quyền thì ai cũng thấy. Đó là cách họ đổ thừa cho phạm nhân mà thôi. Tôi cho rằng đó là lấp liếm, nói sai sự thật không thể chấp nhận được.”
Họ còn nói vui rằng rất nhiều quan chức cán bộ nói day dứt mà sao chẳng thấy ông nào tự tử cả!
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an trả lời một cách vô trách nhiệm trước quốc tế…Việc tự tử tại những nơi này không phải là việc dễ dàng bởi nơi đây có sự kiểm soát rất chặt chẽ của công an viên. – Trịnh Kim Tiến
Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, bày tỏ cảm xúc của mình khi nghe phát biểu từ vị đại diện
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an trả lời một cách vô trách nhiệm trước quốc tế.Bộ công an: Không chỉ với quốc tế mà còn với người dân trong nước thì câu chuyện mà coi việc người dân chết trong đồn công an diễn ra từ nhiều năm nay rồi và họ không có một động thái nào để chấm dứt hay ngăn chặn việc này tiếp diễn. Những câu trả lời như lý do những phạm nhân tự tử là do cảm thấy day dứt tội lỗi là để trốn tránh, phủi bỏ trách nhiệm.
Cho dù những điều họ nói là thật đi nữa thì trách nhiệm của cơ quan công an ở đâu, trách nhiệm của những người đang trông coi phạm nhân ở đâu khi để phạm nhân tự tử trong đồn hay các trụ sở công an?
Việc tự tử tại những nơi này không phải là việc dễ dàng bởi nơi đây có sự kiểm soát rất chặt chẽ của công an viên.”
Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp hôm 19/3/2015 về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, thì trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Luật sư Võ An Đôn, người từng bảo vệ quyền lợi cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ nói rằng:
“Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị đánh chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự tử.”
Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức từ năm 2014 có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an, nhưng theo ghi nhận từ các phương tiện truyền thông thì năm 2018 đã có 11 cái chết liên quan đến việc bị tạm giam, tạm giữ.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ của tù nhân lương tâm Ngô Hào, người đang thụ án 15 năm tù tại trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, từng bị đột quỵ trong nhà tù nhưng trại giam không hề báo cho gia đình, nói với RFA rằng những gì chồng bà làm là đúng nên không có gì phải day dứt hay ân hận. Nếu phạm nhân tự tử chỉ có thể vì họ phẫn uất với công an, với chính quyền mà thôi:
Khi có người bị tạm giam hay bị giam chết thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan giam giữ, không thể nói trách nhiệm hoàn toàn về phía nạn nhân được. – Nguyễn Đăng Quang
“Họ có tự tử đi chăng nữa cũng không phải vì day dứt khi làm sai mà vì họ muốn đòi những điều ngay thẳng, trắng đen rõ ràng. Họ tự tử là vì họ bực tức về công an, về chính phủ, về chính sách và tất cả những gì họ không vừa ý chứ không phải vì day dứt tội lỗi mà tự tử.”
Theo cơ chế hiện nay ở Việt nam thì Bộ Công an trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; phản gián; điều tra phòng chống tội phạm; thi hành án hình sự, thi hành án không phải phạt tù, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp…
Ngay cả cơ quan khám nghiệm pháp y và các y bác sĩ hoạt động trong trại giam cũng là người thuộc Bộ Công an. Chính vì thế việc đưa ra ánh sáng những vụ bị cho là tự tử trong đồn công an sẽ rất khó khăn.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho rằng chuyện phạm nhân tự tử là điều khó tin, và nếu có thì trách nhiệm thuộc về phía công an:
Tôi cho rằng đây chỉ là những lời biện bạch thôi, không cơ sở khoa học thực tế để chứng minh. Khi có người bị tạm giam hay bị giam chết thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan giam giữ, không thể nói trách nhiệm hoàn toàn về phía nạn nhân được. Tổng kết lại thì thấy gần đây có nhiều người bị cơ quan an ninh hay công an bắt tạm giam khi ra về hoặc với thương tích hoặc không bao giờ trở về với lý do tự tử. Tôi cho rằng đây là điều khó tin.”
Thực tế khó tin như lời của vị cựu đại tá công an vừa rồi được chứng minh qua giải thích của công an đối với những vụ chết tại đồn như trường hợp nạn nhân Ngô Chí Tâm ở Thủ Đức mà công an địa phương cho là ‘thắt cổ tự tử bằng dây thun quần’; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hồng Đê ở Ninh Thuận mà công an Thành phố Phan Rang nói ‘dùng áo làm dây treo vào cửa sổ để tự tử; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn ở Vĩnh Long bị nói nạn nhân tự lấy dao rọc giấy cắt đứt cổ mình…
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/denouncing-ministry-of-public-security-s-explanation-to-the-un-on-death-in-custody-dt-03132019130320.html

Mỹ chỉ trích Việt Nam ‘hạn chế tự do trong giáo dục’

Báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao Mỹ nói chính phủ Việt Nam “hạn chế tự do học thuật và các sự kiện văn hóa”.
Ngoại trưởng Michael R. Pompeo công bố báo cáo hàng năm vào hôm 13/3.
Ông Pompeo nói báo cáo năm nay của Mỹ đánh giá hành vi của khoảng 200 nước và vùng lãnh thổ.
Chạy việc ở VN hóa ra cao quá ‘chuẩn thế giới’
VN nói gì ở phiên Kiểm điểm Nhân quyền LHQ?
‘Trump không đếm xỉa đến nhân quyền, dân chủ ở VN’
Phần nói về Việt Nam vẫn gọi nước này là “nhà nước độc đoán”, và rằng bầu cử quốc hội gần nhất năm 2016 “không tự do, chẳng công bằng, mặc dù có cạnh tranh hạn chế từ các ứng viên do Đảng Cộng sản duyệt”.
Bộ ngoại giao Mỹ liệt kê các vấn đề nhân quyền Việt Nam như tra tấn, bắt giữ tùy tiện, giam giữ tù nhân chính trị, can thiệp quyền riêng tư…
‘Thiếu tự do học thuật’
Trong phần nói về tự do học thuật, báo cáo của Mỹ nói các chuyên gia nước ngoài ở các đại học tại Việt Nam có thể tự do thảo luận chủ đề phi chính trị trong lớp.
Nhưng chính phủ tiếp tục cấm chỉ trích công khai chính sách của đảng và nhà nước, trong đó có chỉ trích của các tổ chức khoa học kỹ thuật, ngay cả khi chỉ trích “chỉ dành cho khán giả chuyên môn học thuật”.
Báo cáo của Mỹ cũng nói chính phủ áp đặt ảnh hưởng lên cả triển lãm mỹ thuật, âm nhạc, hoạt động văn hóa bằng việc buộc các hoạt động phải có giấy phép.
Theo báo cáo, nhiều nhà hoạt động nói rằng công an dọa các lãnh đạo đại học nếu họ không đuổi học giới hoạt động.
Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng, nói báo cáo của Mỹ “vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam”.
Người phát ngôn Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.”
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước,” bà Thu Hằng khẳng định.
Hôm 12/03, một quan chức thuộc đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm Nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc ở Geneva nói Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ.
Theo ông, “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng”.
Vị quan chức cũng nói “chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay” ở Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47573453

Nhân quyền Việt Nam năm 2018:

Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị”

Ngay sau khi công bố bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018, trong buổi họp báo diễn ra tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ngoại trưởng Michael Pompeo nhấn mạnh rằng ông mong đợi một kết quả báo cáo tình hình nhân quyền thế giới trong năm qua không bị tì vết và được cải thiện, tuy nhiên thực tế không được như vậy.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo kể tên một số quốc gia bị ghi nhận vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn:
“Năm ngoái, chính quyền của các quốc gia đã xử tử khoảng hơn 20 người và bắt giữ hàng ngàn người mà không qua xét xử, chỉ vì người dân biểu tình cho các quyền của họ. Chính phủ cấm đoán truyền thông đưa tin tức về các cuộc xuống đường. Những việc làm như thế cho thấy Chính phủ Iran tiếp tục áp đặt sự hà khắc lên dân chúng trong 4 thập niên qua. Trong khi đó, quân đội của Nam Sudan xâm hại tình dục đối với dân chúng vì thể hiện quan điểm chính trị khác biệt. Ở Nicaragua, người dân biểu tình ôn hòa để đòi hỏi về phúc lợi xã hội thì bị tấn công, còn chỉ trích các chính sách của chính phủ thì bị tống xuất, cầm tù hoặc là bị giết hại. Trung Quốc lại vi phạm nhân quyền theo cách của riêng họ. Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc tăng cường đàn áp lên người Hồi Giáo và các nhóm dân sắc tộc thiểu số ở mức kỷ lục. Hiện tại, có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Hồi giáo bị đưa vào các trại tập trung cải tạo vì thực hành tín ngưỡng và gìn giữ truyền thống sắc tộc. Chính phủ Bắc Kinh cũng gia tăng bắt bớ các tín đồ Thiên Chúa giáo, người Tây Tạng và bất kỳ người dân nào có quan điểm khác với chính quyền hay cất lên tiếng nói đòi hỏi chính quyền phải thay đổi.
Trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, phần báo cáo liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam mới nhất, diễn ra hồi năm 2016 không phải là cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia, qua rất nhiều thông tin và bằng chứng cho thấy vấn đề nhân quyền ở nước này bị vi phạm liên can bởi công an như cơ quan chức năng bách hại người dân một cách tùy tiện và vô pháp; tra tấn người dân; bắt bớ dân chúng tùy tiện, bắt giữ và kết án một cách vô pháp những cá nhân lên tiếng chỉ trích chính phủ hay đòi hỏi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do thông tin; theo dõi liên lạc thông tin của dân chúng; cấm đoán người dân hoạt động cho phong trào tự do dân chủ hay tham gia các tổ chức chính trị…
Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ nêu rõ tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.
Bản phúc trình còn lên án tình trạng công an ngược đãi và tra tấn những người bị bắt giữ trong lúc thẩm vấn. Một số nhà hoạt động ở Việt Nam còn tố cáo công an chìm liên tục sách nhiễu, tấn công và đe dọa giết hại họ.
Trường hợp tù nhân bị đối xử tệ hại ở các trại giam tại Việt Nam cũng được nhắc đến trong bản phúc trình, như trại tù bị quá tải, đồ ăn thức uống bị thiếu và không sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tồi tệ. Riêng các tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc hơn, thường bị giam riêng, biệt giam trong nhiều ngày và bị khủng bố tinh thần. Theo số liệu ghi nhận từ các tổ chức nhân quyền thế giới, bản phúc trình cho biết Việt Nam trong năm 2018 có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo.
Ngành tư pháp của Việt Nam cũng bị tố cáo vi phạm pháp luật hiện hành từ khâu bắt giữ tùy tiện cho đến những phiên tòa với các bản án “bỏ túi” mà thẩm phán đã định sẵn trước khi tiến hành xét xử.
Bản phúc trình đề cập đến tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa do các lực lượng chức năng cưỡng chế bất hợp pháp và việc khiếu nại, thưa kiện của người dân liên quan đất đai không được chính quyền giải quyết thỏa đáng.
Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2018 trong bản phúc trình ghi nhận tình trạng giới chức địa phương đối xử phân biệt đối với các nhóm sắc thiểu số ở khu vực phía Đông Bắc, Tây Nguyên và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ nhân quyền Đinh Quang Tuyến nhận định với RFA rằng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 nghiêm trọng hơn so với năm trước đó:
“Theo tôi thấy thì rõ ràng là nghiêm trọng hơn, tính theo số người bị bắt và tính theo sự đa dạng. Tại vì, hồi trước chỉ bắt và đánh người đi biểu tình thôi. Còn bây giờ thì tài xế phản đối BOT “bẩn” cũng bị nữa…thì dạng thức rộng hơn rất nhiều. Khi mà các tầng lớp nhân dân lến tiếng thì chính quyền càng ngày càng lộ, lộ hết bản chất độc tài toàn trị của họ. Và tất nhiên khi như vậy thì mức độ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn rất nhiều.”
Một số người trong giới đấu tranh dân chủ ở trong nước cho rằng phúc trình của Hoa Kỳ về thực thi nhân quyền năm 2018 tại Việt Nam phản ảnh đúng tình hình thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, họ nói với RFA rằng có một yếu tố tích cực cần được ghi nhận là chính phủ Hà Nội càng cai trị người dân bằng chế độ “công an trị” thì dân chúng càng phản kháng mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, ghi nhận một điểm sáng của Chính phủ Việt Nam là thỉnh thoảng chính phủ có các hành động sửa sai, trong đó có cả việc truy tố các quan chức vi phạm luật; thế nhưng cũng có các viên chức ngành công an phạm luật lại không bị trừng phạt.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reports-on-human-rights2018-vn-maintained-control-over-the-security-forces-03132019152910.html

Ngăn chặn không cho giới hoạt động độc lập

tưởng niệm Gạc Ma

Dịp kỷ niệm vụ thảm sát 64 binh sĩ công binh Việt Nam tại đảo Gạc Ma ở Trường Sa một số nhà hoạt động tại Việt Nam lại bị ngăn chặn.
Tin cho biết vào sáng 14/3 những nhà hoạt động dân sự độc lập bị ngăn cản không cho đến những địa điểm trung tâm các thành phố lớn để tổ chức lễ tưởng niệm như vừa nêu.
Một trong những người bị ngăn chặn là cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh; ông cho biết đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục canh gác trước cửa căn hộ ông ở tại Hà Nội từ hai ngày trước. Sáng nay ông bị ngăn cản không ra được khu vườn hoa Lý Thái Tổ để thắp hương tưởng niệm. Ông nói với RFA:
Chúng tôi đi ra thì họ đi theo, ba bốn người đi xe gắn máy chạy theo. Đến khi dừng lại mua hoa thì họ chặn lại, cưỡng ép không cho mua hoa và bắt đi về. Họ có bốn năm người nên chúng tôi cũng phải về, không làm gì được, thành ra không ra thắp hương được.”
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, và hình ảnh trên mạng xã hội Facebook cho thấy tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, cơ quan chức năng Hà Nội cho dựng rạp tổ chức một sự kiện ca nhạc thể dục. Do đó những nhà hoạt động xã hội độc lập không thể làm lễ tưởng niệm được.
Tuy nhiên các cơ quan nhà nước, kể cả một số trường học lại có tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma.
Báo chí nhà nước cho biết tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, Ban Liên lạc Bộ đội Trường sa tại thành phố này đã tổ chức lễ tưởng niệm long trọng, có thắp hương tại trung tâm Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói về sự tổ chức này:
Nhà nước cộng sản làm cái gì cũng độc quyền hết, với những tổ chức trong vòng kiểm soát của họ. Không cho xã hội dân sự tham gia vào bất cứ sự kiện gì. Tức là làm trong vòng kiểm soát của đảng, kể cả chuyện chống Trung Quốc.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/garma-prevent-memo-2019-03142019091259.html

Kêu gọi trả tự do cho Đoàn Thị Hương bị Malaysia bác

Đề nghị từ phía Việt Nam trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương đang bị giam tại Malaysia bị bác bỏ. Phiên tòa xét xử cô này sáng ngày 14/3/2019 tiếp tục bị hoãn và dời đến ngày 1 tháng 4.
Ông Lê Quý Quỳnh, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nói với phóng viên hãng tin CNN là ông rất thất vọng với quyết định tuyên hủy yêu cầu trả tự do cho cô Hương của chính quyền Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 14 tháng 3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói với báo giới rằng Việt Nam lấy làm tiếc vì Malaysia không trả tự do ngay cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của nghi phạm giết anh trai lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un sau phiên tòa cho biết, ông rất buồn trước quyết định vẫn đem ra xét xử Đoàn Thị Hương như một nghi phạm duy nhất. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại từ Nam Định:
Gia đình anh em cô bác (trước đó) cũng muốn Hương được thả về nhưng việc này chưa xong thì cũng rất là buồn.
Mong muốn nhà nước Việt Nam hỗ trợ và giúp đỡ cho Hương để sớm được về.”
Ông Thạnh cũng cho biết thêm, sau khi có tin cô Siti Aisyah – công dân của Indonesia được trả tự do thì Công an tỉnh Nam Định có động viên gia đình và bảo yên tâm.
Tại phiên tòa hôm nay 14/3, cô Đoàn Thị Hương tiếp tục khẳng định mình vô tội và phủ nhận các cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh VX sát hại ông Kim Jong Nam.
Trước đó vào hôm 11/3, nghi phạm người Indonesia trong cùng vụ án được công tố viên tòa án Malaysia tuyên hủy bỏ cáo trạng đối với cô này và trả tự do.
Chính quyền Indonesia sau đó tuyên bố, việc trả tự do cho ông dân nước này là kết quả của 2 năm vận động hành lang ở cấp cao với chính quyền Malaysia.
Ngay sau phiên tòa hôm ngày 11 tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Malaysia đề nghị nước này bảo đảm xét xử công bằng và trả tự do cho cô Đoàn Thị Hương.
Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long cũng làm một động tác tương tự Indonesia trước đó đã làm là gửi thư cho Tổng Chưởng Lý Malaysia, Tommy Thomas đề nghị xem xét và trả tự do cho cho công dân Việt Nam trên cơ sở đối xử pháp luật công bằng và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn người vận động chiến dịch cho Ân xá Quốc tế viết trên trang Facebook cá nhân hôm 14/3, gọi việc làm của chính quyền Việt Nam là “hành động khó hiểu”.
Phải đến khi nghi phạm người Indonesia về nước rồi thì phía Việt Nam mới có động thái bảo vệ công dân của mình, nhưng lại vô cùng vô ý tứ, đó là gọi điện thoại và công khai đề nghị phía Malaysia thả người. Vô cùng thiếu tôn trọng Malaysia và phản ngoại giao.
Những nỗ lực vận động trong vụ việc này phải được diễn ra một cách im ắng, không ồn ào nhưng phải là từ các cấp cao nhất. Chúng ta thấy Tổng thống Indonesia phải bay sang Malaysia hội đàm với Thủ tướng chủ nhà, thế nhưng không ai biết những chuyện này cho đến khi mọi chuyện xong xuôi.
Việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi điện sang Malaysia đề nghị trả tự do cho Đoàn Thị Hương khiến Malaysia không thể chấp nhận được. Điều này buộc họ phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, quá trình xét xử phải tiếp tục, và Đoàn Thị Hương vẫn phải ngồi tù. Bởi họ muốn được nhìn nhận là quốc gia tôn trọng luật lệ, nếu họ trả tự do cho Đoàn Thị Hương thể theo yêu cầu công khai của Việt Nam thì còn gì là chủ quyền nữa,” ông Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Hồi năm 2017, cô Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia bị bắt vì tham gia vào vụ giết hại anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn ở sân bay Malaysia.
Cả 2 người đều cho rằng mình là nạn nhân khi bị phía Bắc Hàn lừa tham gia vào một trò chơi trên truyền hình.
Cho đến nay, chỉ còn cô Đoàn Thị Hương bị tòa án Malaysia xét xử, và nếu bị tuyên có tội, cô sẽ phải đối mặt với bản án tử hình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/malaysia-rejects-call-to-free-vietnamese-accused-in-kim-jong-nam-killing-03142019085128.html

Mỏ Cá Tầm cho ra dòng dầu đầu tiên

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đón dòng dầu đầu tiên từ Mỏ Cá Tầm sau hơn 1 tháng chính thức khai thác dầu thô tại đây.
Lễ đón mừng dòng dầu đầu tiên từ mỏ Cá Tầm được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu hôm 8/3 vừa qua.
Đây là dự án thuộc Liên doanh Dầu khí Việt- Nga (Vietsovpetro).
Trao đổi với truyền thông trong nước, PVN cho biết đã gặp nhiều khó khăn khi thi công mỏ Cá Tầm, nhưng Vietsopetro đã vượt qua và cho ra dòng dầu đầu tiên.
Bên cạnh việc xây lắp, Vietsovpetro cũng hoàn thiện các giếng thăm dò để đưa vào khai thác.
Theo ước tính của PVN, tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm đã được nâng lên gần 11 triệu tấn dầu.
Trước đó, vào ngày 28/1, PVN thông báo cho biết sản lượng ban đầu tại mỏ Cá Tầm là 1.630 tấn mỗi ngày.
Theo PVN, Mỏ Cá Tầm nằm trong lô 09-3/12 (khoảng 160km về hướng Đông Nam của Việt Nam) và đã được nối với các cơ sở ở lô 09-1 bên cạnh, nơi có mỏ dầu lớn nhất cả nước là Bạch Hổ.
Mỏ Cá Tầm là dự án dầu khí mới nhất được đưa vào hoạt động tại Việt Nam sau nhiều năm kể từ năm 2014 khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Việc đưa mỏ Cá Tầm vào hoạt động được nhận định có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam khi sản lượng dầu thô ở các mỏ chính của Việt Nam đang giảm.
Mỏ Cá Tầm là dự án hợp tác phát triển giữa Vietsovpetro thuộc PVN, Tập đoàn sản xuất thăm dò dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco. Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng việc một tập đoàn tư nhân như Bitexco với tư cách nhà đầu tư góp phần tham gia khai thác dầu khí của đã tạo ra một nước ngoặt mới, lần đầu tiên dự án khai thác dầu khí tại Việt Nam có đầy đủ các thành phần kinh tế tham gia.
Mới hồi đầu tháng 1, PVN đã tuyên bố rằng vấn đề căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác ngoài khơi trong năm nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ca-tam-oil-field-produced-the-1st-oil-flow-03142019082535.html

‘Chưa ngã ngũ’ vụ Trung Quốc ‘đâm chìm’ tàu cá Việt Nam

Phía Trung Quốc được cho là đã nói rằng tàu cá Việt Nam “đâm vào đá ngầm rồi chìm” ở Hoàng Sa, trong khi các ngư dân cho rằng họ bị tàu của nước láng giềng tấn công.
Trả lời VOA tiếng Việt, một quan chức không muốn nêu danh tính của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói rằng “các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ, chưa xong vì có hai luồng trái chiều” về vụ việc xảy ra đầu tháng này.
Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế.
Một quan chức giấu tên nói.
“Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế. Phía ta còn nhiều vấn đề nữa”, quan chức giấu tên cho biết, nói thêm rằng “tôi cũng không dám cung cấp gì thêm vì chưa ngã ngũ”.
Trước đó, truyền thông trong nước dẫn thông báo từ Ủy ban trên cho biết rằng hôm 6/3 tàu Trung Quốc mang số hiệu BKS 44101 “đâm chìm” tàu cá Quảng Ngãi ở vùng biển tranh chấp.
Tờ Hoàn cầu Thời báo sau đó dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tàu cá Việt Nam, nó đã chìm và các nhân viên cứu nạn Trung Quốc đã cứu sống những người trên tàu.
VOA tiếng Việt hôm 11/3 đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của Hà Nội đối với tuyên bố của ông Lục, nhưng tới ngày 13/3 chưa nhận được hồi đáp.
XEM THÊM:
Trung Quốc bác tin đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa
Trước đó, Bộ này cho hãng tin Reuters biết rằng Việt Nam “đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc”.
Khi được hỏi về tuyên bố phản bác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, nơi các ngư dân gặp nạn sinh sống, nói rằng “bên nào cũng có cái ý của họ” và cho biết rằng ông tin người dân của xã mình.
Ông cho phóng viên VOA tiếng Việt biết thêm rằng các ngư dân chưa về đến bờ, và “khoảng 10 ngày nữa họ mới vô được”.
Ông Vương cho hay rằng một tàu cá khác cùng xã đã cứu sống năm ngư dân bị tàu Trung Quốc “đâm chìm” và tàu này vẫn “còn đang đánh bắt trên biển” vì mới ra khơi.
Quan chức cấp xã này cho hay rằng chính quyền “hiện chưa rõ sự tình như thế nào vì chưa làm việc được với ngư dân”.
“Họ bảo bị tàu nước ngoài đâm chìm vậy thôi. Và năm ngư dân được tàu khác cứu vớt an toàn thôi”, ông cho hay.
Về các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân xã Bình Châu, Phó Chủ tịch Vương cho biết rằng “hai ba năm trở lại đây cũng thường xuyên” và năm ngoái “có bốn trường hợp” bị đâm chìm.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C6%B0a-ng%C3%A3-ng%C5%A9-v%E1%BB%A5-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C3%A2m-ch%C3%ACm-t%C3%A0u-c%C3%A1-vi%E1%BB%87t-nam/4828438.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.