Tin Biển Đông – 19/03/2019
Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019
18:17
//
Biển Đông
,
Slider
TQ ngang ngược công bố kế hoạch
phát triển căn cứ ở Hoàng Sa
Bắc Kinh muốn phát triển căn cứ phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hãng Sputnik ngày 19.3 dẫn lời một quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc ngang nhiên công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trên quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Trương Quân, bí thư của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, căn cứ sẽ được phát triển trên các đảo Phú Lâm, Cây và Duy Mộng.
“Chúng ta cần quy hoạch thận trọng vì sự phát triển tổng thể của các đảo và bãi ngầm với các chức năng riêng và cân nhắc mối quan hệ tương hỗ giữa chúng”, quan chức này ngang ngược tuyên bố.
Năm ngoái, tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (Mỹ) cho hay Trung Quốc có thể phát triển những đảo khác sau khi đưa ra kế hoạch đối với đảo Phú Lâm, bao gồm việc nạo vét các bến cảng và xây sân bay, sau đó là xây nhà chứa máy bay, hệ thống radar và thông tin liên lạc, trước khi đưa tên lửa đối không và đối hạm đến đây.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các tuyến đường biển quốc tế và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang ép buộc các láng giềng phải nhượng bộ.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao nhiều lần phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo trên.
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp TQ gây hấn
Washington khẳng định hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ diễn ra tới khi không còn những yêu sách tuyên bố chủ quyền quá đáng.
“Mỹ sẽ không thay đổi các chiến dịch tuần tra duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp hành động gây hấn nguy hiểm của một chiến hạm Trung Quốc nhằm vào tàu khu trục Mỹ”, AP dẫn lời phó đô đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, hôm qua tuyên bố trong cuộc họp báo tại Philippines sau chuyến thăm của soái hạm USS Blue Ridge.
Phó đô đốc Sawyer khẳng định Mỹ phản đối “cách hành xử thiếu chuyên nghiệp” của Trung Quốc khi điều tàu chiến cắt mặt tàu khu trục USS Decatur hồi tháng 9/2018, khi nó đang duy chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Quan chức Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ được duy trì cho đến khi “không còn những yêu sách tuyên bố chủ quyền quá đáng trên toàn thế giới”.
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép, tăng cường hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Ngoài tàu chiến, Mỹ cũng thường xuyên điều oanh tạc cơ bay qua Biển Đông đề khẳng định sự hiện diện thường xuyên tại khu vực.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Cách thức đúng đắn
giúp Mỹ có thể đẩy lùi TQ ở Biển Đông
Washington là động lực thúc đẩy đằng sau nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa và yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington là động lực thúc đẩy đằng sau nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp và yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải có một nỗ lực quốc tế chủ yếu do Mỹ định hình.
Phát biểu tại một buổi gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn năng lượng ở Texas ngày 12/3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích “hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc tại các tuyến đường biển quốc tế”.
Ông cho rằng những hành động của Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề an ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã phát ngôn “thiếu trách nhiệm”.
Ông cho rằng những cường quốc không có tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông thì không nên can thiệp vào những thảo luận hiện nay.
Bắc Kinh đang thắt chặt sự kiểm soát bất hợp pháp của họ trên cả bầu trời, mặt biển và dưới lòng Biển Đông.
Điều đó có thể làm xói mòn các nguyên tắc pháp lý then chốt làm nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu, ngăn chặn các đối tác Đông Nam Á tiếp cận các quyền lợi và nguồn lực của họ, và cuối cùng là gây bất ổn và xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Xét cho cùng, Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nước ngoài nào mà không có thông báo ở vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.
Các lực lượng Trung Quốc thường xuyên đưa ra các cảnh báo buộc các tàu và máy bay quân sự nước ngoài phải rời khỏi các vùng cảnh báo quân sự không được phân định rõ hoặc ngừng đe dọa an ninh các cơ sở của Trung Quốc chỉ bằng việc quá cảnh ở không phận quốc tế và các vùng biển lân cận.
Khi thiết kế cách thức tốt nhất để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có thể trích dẫn sách lược đã từng áp dụng ở biển Hoa Đông.
Tháng 10/2017, Mỹ bắt đầu các chuyến bay do thám trên biển Hoa Đông nhằm giám sát và làm gián đoạn hoạt động của các tàu bị nghi là vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định mở rộng nỗ lực đó bằng cách lôi kéo thêm các nước vào việc theo dõi các tàu được cho là đang vận chuyển hàng cấm.
Tháng 2/2018, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin Mỹ và Nhật Bản đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế để thành lập liên minh này, các bên được mời gồm Australia, Pháp, Singapore, Hàn Quốc và Anh.
Kể từ tháng 5/2018, Australia, Canada, New Zealand và Anh đã bố trí các máy bay do thám tại căn cứ không quân Kadena của quân đội Mỹ tại Okinawa để tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Một tàu chiến của Anh cũng đã được triển khai tới Nhật Bản để trợ giúp nỗ lực này.
Máy bay do thám thu thập thông tin về các con tàu bị nghi là vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Những máy bay này chụp ảnh số hiệu của con tàu tham gia vận chuyển dầu trái phép giữa các tàu và báo cáo lên Liên Hợp Quốc để buộc các bên đó phải giải trình bằng việc ghi vào danh sách đen các con tàu và công ty có dính líu.
Theo đó, gây sức ép buộc các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, phải thẳng tay trừng phạt các đối tượng vi phạm.
Liên minh này đã mở rộng vào tháng 9/2018 với việc thành lập Trung tâm điều phối thực thi trên tàu USS Blue Ridge.
Con tàu này là nơi làm việc của hơn 50 nhân viên đến từ Australia, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh và Nhật Bản.
Mỹ nên thực hiện vai trò lãnh đạo đa phương như đã làm ở biển Hoa Đông để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh:AP ).
Ngoài ra, trung tâm điều phối này được nhận định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông tin liên lạc thông qua các đài chỉ huy giữa các tàu thuộc liên minh và các tài vận chuyển trái phép bị tình nghi.
Tháng 11/2018, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Phil Davidson cho biết Mỹ đã dành riêng hai tàu cho các hoạt động tuần tra này và tăng cường 50% các chuyến bay do thám của họ.
Hiệu quả của liên minh này trong việc ngăn chặn những hành động vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong dài hạn vẫn cần phải xem xét.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nỗ lực đa phương đầy tham vọng này đã thành công trong việc gây áp lực đối với các đối tượng vi phạm các lệnh trừng phạt.
Trong vài năm qua, Mỹ đã thúc giục các nước có cùng tư tưởng gia tăng sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhằm giúp khẳng định quyền tự do hàng hải của họ bất chấp các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
Nhưng Washington vẫn chưa tìm cách xây dựng một liên minh chính thức phục vụ những mục đích đó khiến các nước khác phải khẳng định quyền lợi của họ một cách riêng lẻ.
Để làm việc này, Mỹ nên thực hiện vai trò lãnh đạo đa phương giống như họ đã làm ở biển Hoa Đông.
Sự hợp tác có nhiều bên tham gia như vậy cuối cùng có thể dẫn đến việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm phối hợp.
Về ngoại giao, Mỹ có thể cùng các nước có chung quan điểm và các nước có yêu sách đưa vấn đề Biển Đông trở lại vị trí hàng đầu trong nghị trình quốc tế.
Một nỗ lực ngoại giao có phối hợp trên phạm vi quốc tế sẽ nâng cao nhận thức về sự o ép của Trung Quốc ở Biển Đông và khiến cho việc liên tục vi phạm quy tắc trở nên tốn kém hơn bằng việc làm xói mòn hình ảnh của Bắc Kinh với tư cách là nước lớn có trách nhiệm toàn cầu.
Nhìn lại chính sách lôi kéo, chia rẽ lập trường
của ASEAN trong vấn đề Biển Đông của TQ
Trung Quốc tiến hành chia rẽ, phân hóa các nước ASEAN, nhất là chia rẽ ASEAN với Việt Nam, nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thoả hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc lợi dụng sự bất đồng về lợi ích, về quan điểm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền để gây chia rẽ, không để các nước này đoàn kết thành một khối để đối trọng với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc sử dụng con bài “viện trợ” để các nước này vì lợi ích quốc gia trước mắt mà không ủng hộ các nước ASEAN khác trong “Hồ sơ Biển Đông”; chủ trương đàm phán riêng rẽ đối với các nước có liên quan trực tiếp đếntranh chấp ở Biển Đông để đạt lợi ích riêng, tạo nghi ngờ giữa các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với các nước ASEAN khác nhằm tách họ khỏi các vấn đề Biển Đông, tập trung bao vây, cô lập Việt Nam với các nước ASEAN, vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là lực cản lớn nhất đối với chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Điều đó giải thích vì sao có những nước có quan hệ rất tốt với Việt Nam, nhưng không dám bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, thậm chí coi đây là chuyện riêng giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với Philippines hoặc né tránh bày tỏ quan điểm bằng lý do “không can thiệp công việc nội bộ nước khác”. Trung Quốc đưa ra các sáng kiến “Vịnh Bắc Bộ mở rộng” với chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, muốn biến Biển Đông thành “con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 21, để lôi kéo các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và chứng tỏ với ASEAN là Trung Quốc muốn giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc cũng lôi kéo một số nước thành viên ASEAN phản đối đàm phán đa phương với ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc chủ trương đàm phán song phương với từng nước ASEAN, không đàm phán chung với cả Hiệp hội về vấn đề Biển Đông. Chủ trương của Trung Quốc là chủ quyền ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc và hạ thấp vai trò trung tâm, sức mạnh tập thể của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, dùng sức mạnh của nước lớn để giải quyết riêng rẽ với từng nước thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền, qua đó làm tăng vai trò nước lớn của Trung Quốc.
Cùng với việc phản đối đàm phán về vấn đề Biển Đông với ASEAN, Trung Quốc đồng thời vô hiệu hóa các nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) mà hai bên phải mất 12 năm đàm phán mới đi đến ký kết năm 2002. Trung Quốc luôn nói tuân thủ DOC, nhưng thực tế Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, đưa các tàu, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự chủ động đâm va, dùng vũ lực đối với các lực lượng chấp pháp dân sự, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đe dọa an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, bất chấp phản đối của Việt Nam và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Hành động này không chỉ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà còn vi phạm DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc còn công bố một tấm bản đồ “đường 10 đoạn” dựa trên cơ sở “đường 9 đoạn” phi lý, phi pháp, ngang ngược ghi chú các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản vào lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc tìm lý do trì hoãn thảo luận và ký kết với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC).
Trung Quốc cũng lôi kéo ASEAN ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh ở khu vực. Trung Quốc vận động để ASEAN không ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và sử dụng vấn đề này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Trung Quốc luôn coi Đông Nam Á là “khu vực ảnh hưởng truyền thống” của mình. Trước việc Mỹ thực hiện chính sách “tái cân bằng” ở khu vực, lấy Biển Đông làm khâu đột phá để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc, nước này đã tìm cách phản công lại bằng cách quy kết lập trường của Mỹ về Biển Đông chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, không có lợi cho ASEAN. Trung Quốc ban hành các quy định về vùng đặc quyền kinh tế, cấm các nước khác khảo sát, đo đạc trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc; phản đối hoạt động của các tàu do thám Mỹ, mưu toan đẩy hải quân Mỹ ra khỏi Biển Đông nhằm phá thế bao vây về quân sự của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc mưu toan dùng quân sự để khống chế các đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và hạn chế khả năng Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan khi có tình huống xảy ra.
Kết luận: Trong bối cảnh hiện nay và chính sách lôi kéo, chia rẽ trên của Trung Quốc, ASEAN cần có nhận thức đi cùng một quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao hơn. Việc tham gia giải quyết mâu thuẫn, tạo lập các cơ chế để củng cố lòng tin, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của ASEAN. Mỗi thành viên ASEAN phải coi đây là lợi ích của chính mình, phải coi lợi ích của toàn Hiệp hội gắn liền với lợi ích quốc gia mình. ASEAN cần thống nhất, đoàn kết hơn nữa trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. việc tham gia ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông còn giúp ASEAN duy trì và củng cố vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy, kết nối, kiến tạo các cơ chế hợp tác đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương. Điều đó làm tăng sức đề kháng của ASEAN và các nước thành viên trước sức ép gia tăng về địa chính trị do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc; đồng thời làm tăng sức hấp dẫn và tính hiệu quả của ASEAN và các nước thành viên trong việc mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, đưa vị thế của ASEAN lên tầm cao mới, củng cố vị thế của ASEAN như là một nhân tố không thể thiếu trong kiến tạo môi trường hòa bình, cũng như các cơ chế hợp tác đa phương đã và đang hình thành ở khu vực.
0 nhận xét