Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 06/03/2019

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019 15:58 // ,

Tin Biển Đông – 06/03/2019

Mỹ lại điều oanh tạc cơ B-52 bay qua

các đảo tranh chấp ở Biển Đông

Hoa Kỳ vừa điều oanh tạc cơ B-52 bay ngang qua khu vực gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông, kênh tin tức ABC dẫn nguồn từ Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết hôm 5/3.
Lần gần đây nhất mà máy bay B-52 của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tương tự là vào tháng 11.
ABC News dẫn thông báo của Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết “Hai oach tạc cơ B-52H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, và tham gia vào các nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ vào ngày 4 tháng 3 năm 2019”.
“Một oanh tạc cơ đã tiến hành huấn luyện ở khu vực lân cận Biển Đông trước khi quay trở lại đảo Guam, trong khi chiếc còn lại tiến hành huấn luyện ở vùng lân cận Nhật Bản trong sự phối hợp giữa Hải quân Hoa Kỳ với các đối tác không quân Nhật Bản của chúng tôi trước khi quay trở lại đảo Guam”, thông báo cho biết thêm.
Việc máy bay ném bom B-52 tham gia vào nhiệm vụ này là một phần trong chương trình có tên là “Oach tạc cơ hiện diện thường trực” (CBP) của Không quân Hoa Kỳ tại căn cứ trên đảo Guam.
Kể từ năm 2004, Hoa Kỳ đã luân chuyển các máy bay B-1, B-52 và oanh tạc cơ tầm xa B-2 ra khỏi căn cứ Andersen trên đảo Guam để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện ở châu Á.
Cũng như các hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ khi đi qua hai chuỗi đảo tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, các nhiệm vụ mà Không quân Hoa Kỳ thực hiện cũng nhằm để khẳng định rằng khu vực này là không phận quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo trong chuỗi đảo ở Trường Sa. Bắc Kinh đã quân sự hóa cả hai chuỗi đảo và tuyên bố chủ quyền trên vùng biển cũng như không phận xung quanh các đảo này.
Vẫn theo ABC, lần gần nhất mà Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ xác nhận thực hiện nhiệm vụ đưa B-52 tới Biển Đông là vào ngày 20/11 năm ngoái.

Bất chấp TQ đe dọa, Mỹ và các nước đồng minh

tiếp tục tập trận ở Biển Đông

Bất chấp cảnh bảo và đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực.
Mỹ và Anh tập trận lần thứ 2 trong năm 2019
Theo Philstar, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Được biết, tàu hộ vệ HMS Montrose là chiến hạm thuộc Type 23, lớp “Duke”. Tàu có lượng chiều dài 133m, rộng 16,1m, mớn nước 7,3m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.900 tấn. Nó được trang bị vũ khí chủ lực là tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa phòng không Sea Wolf, ngư lôi 324 mm Sting Ray và các pháo hạm, súng máy khác. Trong khi đó, Guadalupe là tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser thứ 14, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thường ngày và hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Mỹ và các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7.
Trong cuộc tập trận trên, các binh sĩ Anh và Mỹ đã diễn tập kịch bản mô phỏng hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ với sự tham gia của tàu Montrose và tàu Guadalupe. Các tàu này cũng mô phỏng hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển, bảo đảm quá trình chuyển giao nhiên liệu an toàn và hiệu quả mặc dù chưa từng phối hợp với nhau trước đây.
Trung tá Conor O’Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose, cho biết đây là đợt diễn tập quan trọng để giữ cho cả Hải quân Hoàng gia và Thủy quân lục chiến của Anh luôn trong tư thế sẵn sàng để thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó. Theo ông Conor O’Neill, việc Anh có thể thực hiện đợt huấn luyện này và cuộc diễn tập tiếp liệu sau đó là một minh chứng cho mối quan hệ gần gũi giữa Hải quân Hoàng gia và Hải quân Mỹ, cả ở Thái Bình Dương và những nơi khác trên toàn cầu. Trong khi đó, ông Eric Naranjo, trưởng nhóm thủy thủ dân sự trên tàu USNS Guadalupe của Mỹ khẳng định cuộc tập trận giúp cho cả hai bên mở rộng khả năng hợp tác trong tương lai. Đáng chú ý, trên trang Twitter chính thức, Hải quân Mỹ (21/2) thông báo cuộc tập trận với Hải quân Anh “được thiết kế nhằm chia sẻ và tăng cường các kỹ năng bảo đảm sự hiện diện an toàn trên Biển Đông”.
Đây là đợt hợp tác huấn luyện lần thứ ba giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh trong vài tháng gần đây. Trước đó, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu hộ vệ HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 1/2018, và một cuộc tập trận chống ngầm ba bên giữa Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng được tổ chức vào tháng 12/2018.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục đe dọa các nước
Cuộc tập trận của Anh và Mỹ diễn ra sau khi Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố các lực lượng đồng minh và đối tác nên tham gia cùng các hoạt động của Washington trên Biển Đông trong tương lai. Ông Davidson cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực bằng cách hăm dọa và gây ra nỗi sợ hãi. “Chúng tôi có các đồng minh và đối tác trong khu vực như Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Pháp, bằng cách này hay cách khác đều tăng cường các hoạt động của họ trên Biển Đông… Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một trật tự mới, một trật tự mang đặc tính của Trung Quốc, do Trung Quốc dẫn đầu, xóa bỏ sự ổn định và hòa bình tại Ấn Độ – Thái Bình Dương vốn tồn tại hơn 70 năm qua”, Đô đốc Davidson nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang bị tổn hại sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo có thể triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth cùng hai phi đội máy bay chiến đấu F-35B Lightning II tới Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đã hủy các cuộc đàm phán thương mại với Bộ trưởng Hammond do giận dữ với tuyên bố của Bộ trưởng Williamson.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa đưa hải quân, không quân và một đơn vị tên lửa ra tập trận suốt 1 tháng tập trận trên Biển Đông và vùng Tây, vùng trung tâm Thái Bình Dương. Các nhà quan sát quân sự cho rằng đợt tập trận này cho thấy quân đội Trung Quốc muốn đưa hệ thống chỉ huy chiến tranh vào thử nghiệm và cũng là để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trên Biển Đông. Nhiều tàu chiến mới của Trung Quốc đã tham gia đợt tập trận này, thông báo của Hạm đội Nam Hải thuộc quân đội Trung Quốc cho biết. Trong lực lượng đó có tàu khu trục tên lửa Hợp Phì, tàu khu trục tên lửa Vân Trường, tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp nhiên liệu Honghu. Để giả định tình huống chiến tranh thật, bài tập của họ không đưa ra bối cảnh chuẩn bị trước, không có thông báo trước. Tất cả chỉ đạo và phương thức triển khai đều được thực hiện như thể chiến tranh thực sự đang diễn ra. Các bài tập khác bao gồm đẩy lùi những tàu đang lại gần, cứu hộ và tập trận bắn đạn thật. Ngoài ra, báo South China Morning Post dẫn một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc nói rằng đơn vị tên lửa đã cử một nhóm liên lạc tham gia đợt tập trận này vì trong đó có bài tập liên quan đến phòng vệ tên lửa, và các lực lượng đóng trên những cấu trúc thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép cũng tham gia.

Bản tin Biển Đông ngày 06/03/2019

Máy bay B52 của Mỹ bay qua các đảo tranh chấp ở Biển Đông
Ngày 5/3, ABC News đưa tin, hai máy bay ném bom B-52 Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, Guam ngày 4/3 để tham gia các hoạt động huấn luyện thường kỳ. Thông báo của Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, một trong hai chiếc máy bay đã thực hiện huấn luyện gần Biển Đông trước khi trở lại Guam, chiếc còn lại tham gia hoạt động phối hợp với Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ trên không và trên biển của Nhật Bản tại khu vực gần Nhật Bản. Thông tin cho biết, giống như các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, các hoạt động của Không quân Mỹ cũng nhằm khẳng định khu vực này là không phận quốc tế, khiến cho Trung Quốc phải bực mình.
Philippines lo ngại Hiệp ước phòng thủ với Mỹ có thể đẩy nước này vào một cuộc chiến ở Biển Đông
Ngày 5/3, Japan Times đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.
Cựu Ngoại trưởng Philippines hoan nghênh cam kết Mỹ bảo vệ Philippines ở Biển Đông
Ngày 6/3, Inquirer đăng bài viết của cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.
Trung Quốc giảm chi tiêu quốc phòng nhưng không có nghĩa căng thẳng sẽ được dịu bớt
Ngày 5/3, trang NDTV dẫn tin từ AFP cho biết, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc ngày 5/3, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2019 sẽ chỉ tăng 7,5% (1,19 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 177,6 triệu USD), thấp hơn năm 2018 do nước này đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Theo trang thông tin của Quân đội Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo trước kỳ họp ngày 4/3, Người phát ngôn Phiên họp thứ hai Quốc hội khóa 13 Zhang Yesui khẳng định, Trung Quốc duy trì tỷ lệ tăng chi tiêu quốc phòng hợp lý nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và tiến hành cải cách quân đội theo kiểu của Trung Quốc. Ông Zhang cho rằng, việc liệu một quốc gia có phải là mối đe dọa quân sự với các nước khác hay không không phải do nước đó tăng chi tiêu quốc phòng mà là do chính sách ngoại giao và quốc phòng mà nước đó thực hiện. Việc Trung Quốc chi tiêu quốc phòng hạn chế chỉ nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không đe dọa đến nước nào. Tuy nhiên, trang NDTV nhận định, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự năm 2019 có vẻ vẫn khiến các nước láng giềng Châu Á lo lắng. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực để cung cấp cho lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) các thiết bị phần cứng tối tân, mạnh tay chi cho máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các loại vũ khí khác;
đồng thời đẩy mạnh biện pháp chống lại các phong trào độc lập ở Đài Loan và tiếp tục khẳng định yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo CNBC ngày 5/3, Timothy Heath, nghiên cứu viên quốc phòng quốc tế tại cơ quan nghiên cứu Rand Corporation của Mỹ, cho rằng, mức gia tăng chậm trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không có nghĩa là căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh với Washington được dịu bớt. Cho rằng con số chi tiêu được nêu ra không quan trọng bằng việc số tiền đó sẽ được sử dụng để làm gì, ông Heath dự đoán ngân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc có khả năng sẽ được dùng để tăng tiềm lực quân sự Trung Quốc nhằm “thách thức sức mạnh Mỹ ở Châu Á”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thêm các loại vũ khí sát thương, tăng khả năng hoạt động chung và tầm với lớn hơn, và như vậy sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng an ninh.

Hai tàu tự vệ biển của Nhật thăm Đà Nẵng

Hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản với 390 sỹ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng vào hôm 6/3 bắt đầu chuyến thăm Thành phố Đà Nẵng dự tính kéo dài đến hết 9/3.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết nhóm chỉ huy hai tàu Nhật Bản nói trên do Đại tá Nakagama Yoshiyuki, Chỉ huy trưởng Đơn vị huấn luyện số 1 làm Trưởng đoàn.
Trong thời gian thăm Đà Nẵng, các sĩ quan và thủy thủy của hai tàu Nhật Bản được nói sẽ giao lưu thể thao với các bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân của Việt Nam và tham quan một số danh thắng cảnh ở địa phương.
Đại tá Nakagama Yoshiyuki phát biểu tại buổi họp báo sau lễ đón tàu cho biết ông và thủy thủy đoàn vui mừng trước sự đón tiếp long trọng của TP. Đà Nẵng.
Báo trong nước nhận định chuyến thăm của hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản lần này triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cao cấp của hai quốc gia Việt-Nhật trong thời gian qua. Hoạt động này được nói nhằm đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.
Những chuyến viếng thăm của tàu chiến Nhật đến Việt Nam ngày càng thường xuyên hơn, cùng với sự hợp tác kinh tế và những cuộc thăm viếng chính thức của lãnh đạo cao cấp hai nước.
Ngày 17/9/2018, Tàu ngầm Kuroshio cập cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa sau khi tham gia tập trận với Mỹ ở Biển Đông.
Sáng ngày 24/7/2018, Tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản Kojima cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cùng 80 thủy thủy.
Trưa ngày 13/6/2017, tàu Echigo chở 85 sĩ quan và thủy thủy Nhật cũng đã cập cảng Tiên Sa.
Hôm 11/4/2017, tàu hộ tống của lực lượng phòng vệ Nhật Bản Fuyuzuki trang bị rất hiện đại cũng thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản đã cam kết tăng cường quan hệ toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, khẳng định hai nước là đối tác của nhau kể từ tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật được công bố hôm 7/6/2017.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.