Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thượng đỉnh Hà Nội nên được đánh giá như thế nào?

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019 13:50 // ,

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang họp tại Hà Nội, Việt Nam, trong hội nghị thượng đỉnh song phương lần hai. Khi đánh giá kết quả, những người lạc quan và những người bi quan nên tập trung vào ba tiêu chí: tiến bộ không thể đảo ngược hướng tới việc đạt được một giải pháp hòa bình chính thức, phi hạt nhân hóa, và tiềm năng giúp chế độ Triều Tiên thay đổi.
Nhìn lại, một điều mà chính sách ngoại giao không thành công trong 25 năm qua đã dạy chúng ta đó là phi hạt nhân hóa sẽ không xảy ra nếu không chấm dứt sự thù địch giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Một chính sách gây áp lực và răn đe mà không đi kèm can dự chính trị đã được chứng minh là gây ra sự mất lòng tin và khiến Triều Tiên nhiều lần từ bỏ các thỏa thuận.
May mắn thay, cả Trump và Kim đều cho thấy tín hiệu sẵn sàng tiến tới mối quan hệ song phương hòa bình hơn và đã có báo cáo trước hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cho thấy Trump sẽ đồng ý với Kim đưa ra một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng bình thường hóa quan hệ hoàn toàn sẽ cần thêm thời gian. Sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger bí mật tới thăm Bắc Kinh năm 1971, phải mất thêm 8 năm trao đổi ngoại giao Hoa Kỳ mới bình thường hóa được mối quan hệ thù địch với Trung Quốc, với việc Tổng thống Jimmy Carter công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về mặt ngoại giao năm 1979.
Ngoại giao với chế độ của Kim đòi hỏi một mức độ kiên nhẫn như vậy. Tối thiểu, một tuyên bố chung tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên sẽ cho phép hai bên mở các văn phòng liên lạc của mỗi nước ở Bình Nhưỡng và Washington. Đó là một sự tiến bộ không hề nhỏ.
Tất nhiên, vẫn còn có nhiều tranh luận về chi phí và lợi ích tiềm năng của một tuyên bố hòa bình, khi một số người lo ngại rằng nó sẽ làm suy yếu liên minh của Mỹ với Hàn Quốc. Nhưng miễn là Hàn Quốc và Mỹ chia sẻ tầm nhìn về tương lai liên minh, họ có thể thực hiện các bước để đảm bảo rằng tuyên bố hòa bình trở thành nguồn mang lại sự ổn định thay vì bất định. Đã trưởng thành gần bảy thập niên qua, liên minh Mỹ-Hàn đủ vững mạnh để có thể thích nghi với môi trường quốc tế mới được hình thành bởi một Triều Tiên phi hạt nhân hóa và hòa bình.
Về phi hạt nhân hóa, nhiều người kỳ vọng rằng Kim sẽ sớm mời các thanh sát viên quốc tế xác nhận rằng chế độ của ông đã phá bỏ một cách không thể đảo ngược cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri và khu thử nghiệm động cơ tên lửa Tongchang-ri. Điều này cũng sẽ đại diện cho một tiến bộ có ý nghĩa. Nhưng một tiêu chí quan trọng hơn nữa để đánh thành công sẽ là việc ngừng hoạt động của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon. Một số học giả đã mô tả cơ sở này là tồi tàn và không còn có giá trị. Nhưng một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu đã đến thăm Yongbyon bốn lần đã nói với tờ Washington Post gần đây rằng ông coi nó là “trung tâm của chương trình hạt nhân của họ”, và là “một vấn đề hết sức quan trọng”.
Phá bỏ cơ sở Yongbyon dưới sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho việc phá bỏ các địa điểm vẫn còn bí mật khác trong tương lai. Và việc Kim đồng ý đóng băng sản xuất vật liệu phân hạch cùng một lộ trình đàm phán tương lai sẽ buộc những người bi quan phải thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh là một thành công, và rằng một cách tiếp cận thực dụng hơn của Hoa Kỳ – theo hướng có đi có lại – đã dẫn đến ít nhất một số tiến bộ hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Câu hỏi cuối cùng là liệu chính chế độ Triều Tiên có thay đổi được hay không. Đáp ứng hai tiêu chí đầu tiên sẽ tạo điều kiện cho Kim tiến dần tới một mô hình phát triển độc đảng, như Việt Nam hay Trung Quốc đã làm. Việc Kim có đang tích cực xem xét một quá trình chuyển đổi như vậy hay không vẫn chưa chắc chắn. Nhưng điều đáng chú ý là trong khi Kim chưa cho phép tư nhân hóa các phương tiện sản xuất, ông đã cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế Triều Tiên hiện nay so với dưới thời cha và ông của ông.
Ví dụ, sự trỗi dậy của Donju, một tầng lớp giàu có mới, đã thay đổi động lực của nền kinh tế chính trị Triều Tiên, và định hình lại mối quan hệ giữa chế độ và người dân. Kim Jong-il đã cố gắng đàn áp tầng lớp mới này bằng một cuộc cải cách tiền tệ thất bại vào tháng 11 năm 2009. Nhưng con trai ông dường như đã chấp nhận họ, hoặc một cách chủ động, hoặc vì các động lực chính trị nội bộ và các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng khắc nghiệt buộc ông phải chấp nhận thay đổi đó.
Nhìn về phía trước, mọi chuyện phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và các nước giàu khác có đồng ý giúp Kim trở thành nhà lãnh đạo phát triển kiểu như Đặng Tiểu Bình, kiến ​​trúc sư của quá trình mở cửa Trung Quốc sau năm 1978, hay không. Nếu đó thực sự là con đường mà Kim muốn đi, không có lý do chính đáng nào để cộng đồng quốc tế cản đường ông ta. Mà ngược lại, chúng ta nên tìm ra những biện pháp khuyến khích cụ thể để giúp Kim thực hiện các kế hoạch của mình.
Để hướng tới mục đích đó, có người hy vọng rằng Trump sẽ đưa ra động thái trước bằng cách đưa ra lộ trình gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế theo từng giai đoạn để đổi lấy các bước đi chân thành của Triều Tiên hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, nếu nới lỏng các lệnh trừng phạt, việc tiếp tục cho phép tiến hành các dự án phát triển liên Triều nên là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính đa phương sẽ cần hướng dẫn các quan chức và sinh viên Triều Tiên về cơ chế hoạt động của tài chính quốc tế và nền kinh tế thị trường. Trên thực tế, điều này khá cấp bách, vì nếu không có kiến ​​thức cần thiết, việc chuyển đổi kinh tế của Triều Tiên sẽ không bao giờ được thực hiện. Nếu hội nghị thượng đỉnh Hà Nội bao gồm một thỏa thuận để tạo điều kiện cho trao đổi thông tin và chuyên môn thì sẽ càng tốt.
Nhưng bất kể kết quả của hội nghị thượng đỉnh là thế nào, đã đến lúc áp dụng khuôn khổ rộng hơn, toàn diện hơn để đánh giá kết quả của ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu những gì xảy ra ở Hà Nội được đánh giá theo tiêu chí của quá khứ, thành công có thể bị nhầm lẫn với thất bại.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.