Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thất bại

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019 20:16 // ,

1-3-2019
Thất bại. Như tất cả những cuộc hôn nhân đổ vỡ, người này đổ lỗi cho người kia. Ông Trump nói Kim đòi bỏ hết cấm vận, Kim nói Trump nói láo. Nhưng chuyện thất bại thì cả 2 bên đều nhìn nhận.


1. Donald Trump gặp khó khăn chính trị trong nước, muốn có một thoả ước về nguyên tử để có thể nói với dân Mỹ ông ta là Superman, làm được chuyện từ Bush, Clinton tới Obama không ai làm nổi. Một võ khí tranh cử đáng kể, chưa nói tới cái mộng Nobel Hoà Bình…
Trump nghĩ mình là tay buôn bán ngoại hạng, không cần thương lượng, thoả thuận trước theo truyền thống ngoại giao, chỉ cần có mặt ở bàn hội nghị là Kim sẽ rơi vào tròng. Nhưng CS khó nhai hơn là chuyện thương trường.
2. VN được cả hai lựa chọn, không phải vì là “trung tâm hòa giải thế giới”, nhưng bởi vì cả hai đều thấy có lợi. Kim tìm được một quốc gia hiếm hoi không ghê tởm anh ta như một “serial killer” tàn bạo.
Trump tìm được một nơi có thể dụ Kim: nếu giã từ võ khí, anh có thể làm ăn ngon lành như mấy tay đầu sỏ VN, khỏi cần phải từ bỏ chế độ độc tài.
Đó là lý do tại sao nhân quyền đã hoàn toàn bị quên lãng. Không có cả một câu tuyên bố vô thưởng, vô phạt. Nạn nhân số 1 là nhân quyền.
3. Có người nói Kim không thể nhượng bộ, vì võ khí nguyên tử là bảo hiểm sinh mạng cho anh ta. Lịch sử cận đại cho thấy điều đó không có gì hiển nhiên. Nga Xô Viết đã tan rã khi có 10.000 đầu hỏa tiễn nguyên tử. Saddam Hussein đã mất mạng ở Iraq.
Các chuyên gia nói, nếu Kim xử dụng võ khí, có thể tàn phá vài tỉnh Nam Hàn hay Nhật Bản, nhưng trong vài giờ, Bắc Hàn sẽ bị san bằng. Vấn đề là không ai muốn nhận trách nhiệm đã gây chiến tranh nguyên tử.
Kim chơi ngang, một phần nhờ võ khí hạt nhân, nhưng phần chính là còn Trung Cộng đứng sau, mặc dù Bắc Hàn đã có ý thoát dần khỏi nanh vuốt Trung Cộng.
4. Cuối cùng, người thủ lợi nhiều nhất vẫn là Kim Jong-un. Anh ta chẳng nhượng bộ gì, chẳng mất mát gì, nhưng cái thắng đầu tiên là từ một tên độc tài khát máu, trở thành một lãnh tụ ngang hàng với Tổng thống cường quốc số 1 trên thế giới.
Dân Hàn đã coi Kim như một ông Thánh, ngày nay sẽ coi Kim là ông Trời, bảo chết là chết. Bỏ lỡ cơ hội thỏa thuận với Hoa Kỳ, Kim đánh mất một cơ hội cứu vãn kinh tế Bắc Hàn. Nhưng đó không phải là ưu tư của một tên độc tài. Thêm vài chục ngàn người, vài trăm ngàn người chết đói, chỉ là một chi tiết.
5. Bắc Hàn trở thành một cái gai, không ai biết phải làm gì để nhổ như ngày nay là lỗi, hay dụng tâm, của các phe liên hệ trong qua khứ.
Hoa Kỳ không muốn chế độ Bắc Hàn sụp đổ để có cớ hiện diện quân sự trong vùng. Trung Cộng muốn có Bắc Hàn để thương lượng với Mỹ và đồng minh. Âu châu nghĩ đó là chuyện của Mỹ, Tàu, Nhật, Hàn, không dại gì dính vào. Nhật Bản không muốn một nước Hàn thống nhất, sẽ là một đe dọa an ninh, kinh tế trong tương lai. Nam Hàn không muốn Bắc Hàn tan vỡ, vì không muốn, và chưa đủ khả năng cưu mang một nửa nước nghèo đói, như Tây Đức đã làm với Đông Đức.
6. Mặc dù đã cam kết miệng, Kim sẽ tăng cường việc thử nghiệm, chế tạo võ khí nguyên tử. Sự thất bại của hội nghị tay đôi ở VN sẽ cho Kim thời gian rộng rãi hơn để củng cố lực lượng.
7. Tương lai trong vùng những ngày tới khó ai đoán được, như từ khi Trump cầm quyền, ít ai đoán được ông ta sẽ làm gì ngày hôm sau.

https://baotiengdan.com/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.