Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Quảng Trị đất đợi về

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019 18:50 // ,

Quảng Trị đất đợi về

Nổi tiếng với các tác phẩm Tuổi Nước Độc, Gào Thét, Buồn Vàng, Con Sâu… Dương Nghiễm Mậu còn là một phóng viên Quân Đội từ 1966, sau nhập ngũ. Các phóng sự tiền tuyến của nhà văn luôn bật lên sự tha thiết của quê hương. Không phải là sự sống động của một trận đánh mà là sự nghiệt ngã của dân chạy loạn. Câu hỏi mà Dương Nghiễm Mậu đặt ra: ”Dân số Quảng Trị có hơn ba trăm ngàn, con số còn bị kẹt lại khoảng 50 ngàn, tôi thấy số dân chúng ra đi thật lớn lao và thực sự là đau đầu với chính người cộng sản khi tới chiếm Quảng Trị. Họ phải nói thế nào với quốc tế về điều họ vẫn nói: dân chúng ủng hộ họ, và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Không, dân chúng đã ra đi khi người cộng sản đến. Không có dân, đất đai còn có nghĩa gì nữa?”; Quang cảnh mà Dương Nghiễm Mậu chứng kiến: “Chung quanh tôi mỗi lúc một đông người, mỗi người góp một câu chuyện, ai cũng trông mong được sống ở Đà Nẵng và chờ ngày trở lại quê hương của họ, tôi cũng đã được nghe câu chuyện thương tâm của một người mẹ kể lại cái chết của con mình trên chuyến đi Nam, đứa con của bà đã chết trên chiếc thuyền của gia đình trong khi vượt biển vào cửa Thuận. Tôi mường tượng thấy cảnh tượng bi hùng của chuyến ra đi, cảnh tượng giống như những người dân miền Bắc trong vụ Trà Lý, những người đã chọn để được sống tự do hoặc là chết… Gần hai mươi năm sau, cảnh tượng đó lại tái diễn một lần nữa”; sẽ lặp lại tháng 4-1975 rồi tiếp tục sau đó.

Với Bắc quân, câu hỏi còn nguyên: “Giải phóng gì?”

Thông tin không phá hủy chất văn, Quảng Trị Đất Đợi Về toát ngời khí hậu của Mậu truyện mà người đọc còn nghe thấy “một không khí chìm chìm nhưng đầy đe doạ”, còn trông thấy hoa phượng đã “trở thành những vũng máu đọng chờ khô của một cái chết”. Thời điểm của phóng sự, là ngay sau khi Quảng Trị thất thủ, Cộng quân áp sát sông Mỹ Chánh uy hiếp Huế.
[Trần Vũ]

Mỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.

Nhưng khi tôi đặt chân tới Đà Nẵng, buổi chiều mây thấp và mưa nhỏ hạt. Người bạn nói với tôi trời mới đổ mưa từ buổi sáng. Tôi nhìn thấy mây thấp trên phía đèo Hải Vân. Đà Nẵng mưa thì chắc Huế mưa. Tôi hỏi về con đường qua đèo, người bạn nói: đi được như thường, hôm qua hơi bị kẹt vì cầu Nam Ô bị gẫy. Tôi hỏi cây cầu nào. Anh bạn nhắc lại: cầu Nam Ô. Tôi nói không phải, tôi biết ở đó có hai cây cầu, tôi muốn biết cầu nào vì trong chuyến đi trước, cây cầu mới xây cất, thứ cầu cho những xa lộ chưa dùng được, hôm trước đã có tin cho biết cầu Nam Ô bị sập, nhưng là cây cầu cũ, cầu xe lửa, người bạn nói, bây giờ thì cả hai nhưng đang được sửa chữa. Trời mây thấp, mưa nhỏ hạt, những sự di chuyển ướt át khiến cho thị trấn có một khung cảnh đìu hiu.

Tôi gởi hành lý lại nhà người bạn rồi chạy quanh, vẫn khung cảnh quen thuộc, thêm một vài ngôi cao ốc đang được xây cất nhưng chừng như công việc đã ngừng lại, những trường học trở thành trại tạm cư. Tại trường nữ, tôi thấy những nữ học sinh ngồi gác cổng ra vào trong khi đó có một gia đình thì chất hành lý lên hai chiếc xích lô, tôi hỏi và được biết: họ dời ra trại Hoà Khánh. Trại tạm cư  Nguyễn Thượng Hiền cũng đã đóng cửa với tấm vải lớn kẻ những hàng chữ cho thấy những người tỵ nạn đã ra sống ở trại tạm cư Hoà Khánh.

Đi bộ trên đường phố tôi thấy số xe ôm gia tăng với những chiếc xe ghé lại lề đường. Buổi chiều báo từ Sàigòn ra trễ và những nhà sách đông người ghé lại đợi chờ những tờ báo phát hành từ chiều hôm trước tại Sàigòn… Tôi ghé lại nhà những người quen, nơi nào cũng có những người thân từ Quảng Trị, từ Huế vào tạm trú, một vài người đã trở lại Huế, hoặc đi Sàigòn, tôi được nghe nói về những người tỵ nạn đã vào Chu Lai, đã đi Long Khánh.

Một gia đình trong khi chạy khỏi Quảng Trị đã bị thất tán, một nửa vào được Đà Nẵng, còn một nửa không biết đâu, những người thân đang đi tìm kiếm nhau. Đài phát thanh Đà Nẵng với mục nhắn tin đài của những người ở Quảng trị tìm tin cha, tìm mẹ, chồng con thất lạc. Có những đứa trẻ tám chín tuổi bị lạc gia đình trên đường chạy giặc. Theo dõi mục nhắn tin tôi thấy nỗi tan hoang đối với hơn ba trăm ngàn dân chúng vùng giới tuyến.

Trại tạm cư lớn nhứt ở Đà Nẵng dành cho Quảng Trị nằm ở Hoà Khánh, một Quận ở ngoài Thị xã, nằm phía nam đèo Hải Vân, ngay ven quốc lộ Một. Tôi ngạc nhiên khi vừa từ thị xã tới đây lúc đứng trước một ngã ba đường có tấm bảng lớn sơn xanh, kẻ chữ trắng hàng chữ: QUẬN GIO LINH.

Quận Gio Linh, tôi nói với người bạn: quận Gio Linh ở Đà Nẵng! Tôi nhớ tới nơi tôi đã từng ghé lại trong những năm trước trên đường công tác. Ngày ấy tôi theo quốc lộ Một vượt Đông Hà ra tới đồn A2 nằm ngoài cùng giáp với vùng phi quân sự sau khi Quân Đội ta đã bỏ chân cầu Hiền Lương trở vào trấn đóng phía trong gần với quận Gio Linh. Trên con đường đầy những bom đạn tôi chỉ thấy những cánh đồng hoang vu không bóng người, dân chúng đã phải rời làng mạc trở vào sống trong khu định cư Hà Thành, còn lại chăng một số thôn ấp nhỏ bé nằm ở giữa quốc lộ với bờ biển, còn lại phía Tây quốc lộ thì coi như bình địa với vùng oanh kích tự do.

Nay Gio Linh chỉ còn là tên gọi của một vùng đất. Hai tiếng Gio Linh đã đi theo dân chúng vào Đà Nẵng. Bỏ quốc lộ đi sâu vào gần bờ biển, nơi đây có hàng trăm lều vải mới được dựng lên cho dân chúng tạm trú. Người trưởng trại ngày nay là ông Quận Trưởng của vùng đất cũ. Vị Thiếu Tá này người nhỏ bé trong bộ đồ đen nói cho tôi biết qua tình hình dân chúng, ông không thể đoán chắc về số dân chúng tại Gio Linh đã ra đi, vì hiện dân chúng không những chỉ sống tại Đà Nẵng, họ còn vào Chu Lai và nhiều nơi khác nữa, con số phỏng chừng khoảng 28 ngàn người ra đi so với dân hơn ba chục ngàn người. Ông kể lại cho tôi nghe những ngày kinh hoàng ở Quảng Trị khi đoàn người rời khỏi nơi đây để vào Huế: cả đoàn xe bị mìn và pháo kích, nhiều người bị thương phải nằm lại với tiếng kêu la thảm thiết…

- Ông thấy dân chúng có muốn đi vào lập nghiệp ở trong Nam không?

- Phần lớn dân chúng không muốn đi, họ mong trở lại Gio Linh.

Khi tôi từ trong lều đi ra thì có một người đàn ông giữ tôi lại và hỏi tôi có phải nhà báo không? Tôi nói không phải. Ông ta nói điều muốn nhờ. Tôi nói cho tôi biết. Sau đó ông ta giới thiệu là một người thuộc làng Gia Hải, một làng phần lớn sống bằng nghề chài lưới tại Cửa Việt, tôi ngạc nhiên khi biết dân chúng tại làng này đã cùng nhau xuống thuyền đi về phía Nam bằng những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé của họ. Điều mà người này muốn nhờ tôi là: tranh đấu cho họ được ở lại Đà Nẵng sinh sống, họ chỉ cần giúp đỡ lương thực một tháng đầu rồi sẽ tự túc bằng nghề đánh cá của mình.

Sau đó ông ta cho tôi thấy, dân chúng tại Gia Hải đưa được vào Đà Nẵng 150 chiếc thuyền, chuyến ra đi của họ hết sức gian khổ, trước hết khi ra khỏi Cửa Việt họ đã bị cộng quân ngăn cản, súng đã nổ vào đoàn thuyền, một số dân chúng đã không ra đi được vì những làn đạn này, nhiều người đã bị thương và chết trong chuyến ra đi, trước hết họ tới được cửa Thuận An. Sau đó tới Thuận An vào trong bãi biển Đa Phước.

Khi tôi nói tới chuyện đi vào miền Nam, ông ta nói chính phủ có thể mang được người đi nhưng còn thuyền bè của chúng tôi thì sao, chúng tôi sống bằng nghề biển như vậy làm sao để thích ứng với nghề nông trong khu vực khai hoang? Chung quanh tôi mỗi lúc một đông người, mỗi người góp một câu chuyện, ai cũng mong được sống ở Đà Nẵng và chờ ngày trở lại quê hương của họ, tôi cũng đã được nghe câu chuyện thương tâm của một người mẹ kể lại cái chết của con mình trên chuyến đi Nam, đứa con của bà đã chết trên chiếc thuyền của gia đình trong khi vượt biển vào cửa Thuận. Tôi mường tượng thấy cảnh tượng bi hùng của chuyến ra đi, cảnh tượng giống như những người dân miền Bắc trong vụ Trà Lý, những người đã chọn để được sống tự do hoặc là chết… Gần hai mươi năm sau, cảnh tượng đó lại tái diễn một lần nữa.

Câu hỏi mà tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần với những người đã gặp là: tại sao không nghĩ tới việc vào các vùng đất an ninh, phì nhiêu ở Nam lập nghiệp? Tất cả đều nói: chúng tôi chờ đợi trở về. Trở về, họ như gắn liền với đất đai khô khan cực nhọc, họ không muốn rời khỏi quê hương nơi có những mái tranh nghèo, những mồ mả tổ tiên, nơi họ đã được sinh ra và lớn lên trong nỗi nhọc nhằn.

Trước đây, ngay từ thời Đệ nhất Cộng hoà, công việc di dân lập ấp được đặt ra, dân chúng tại đây cũng đã từ khước ra đi, ngày nay họ vẫn không thay đổi ý muốn đó. Chừng như quê hương càng đau khổ, đời sống càng nhọc nhằn người dân càng gắn bó keo sơn với nó. Vùng Gia Đẳng, Gia Hải… những vùng cát trắng khô khan kia vẫn còn lại những gì mà người dân thấy không thể bỏ nó mà ra đi được cho dù họ biết chắc rằng ra đi họ sẽ có một nơi sung sướng hơn, đầy đủ hơn.
Những gia đình với hành lý nghèo nàn ở trong trại tạm cư chia nhau những diện tích nhỏ hẹp để sống, những trẻ con vẫn nô giỡn trên bãi cát, những bà mẹ vẫn nhẫn nại nhóm những bếp lửa nhỏ lo bữa ăn đạm bạc hàng ngày. Tôi thấy chiếc áo màu của một sinh viên ra đây lo cứu trợ như lạc lõng với khung cảnh.
Trại tạm cư Hoà Khánh lớn lao hơn nhiều trại tạm cư dành cho dân thuộc Quận Gio Linh. Nơi đây bao gồm dân chúng thuộc nhiều Quận, phần lớn họ được sống trong những ngôi nhà tôn của một trại binh Mỹ. Những con đường trong trại tráng nhựa phẳng lì còn tốt nguyên vẹn, nhưng những ngôi nhà thì phần lớn đã hư vì thời gian, nhiều vách gỗ đã bị gỡ, những bao cát phần lớn đã mục khiến cho khung cảnh có vẻ điêu tàn. Ngay trong những ngã tư đã có những hàng quán giải khát, dân chúng như đã bắt tay ngay vào việc tìm sống. Nhiều người lo đi tìm kiếm những người quen, người ra kẻ vào tấp nập.
Đại Tá Hoà, người tôi gặp lúc ông cầm đầu một phái đoàn, là vị Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Ông mới về làm Tỉnh Trưởng được ba tháng, nay ông đã ở Đà Nẵng với những người tỵ nạn. Trông ông thấy phảng phất một vẻ buồn. Dân số Quảng Trị có hơn ba trăm ngàn, con số còn bị kẹt lại khoảng 50 ngàn, tôi thấy số dân chúng ra đi thật lớn lao và thực sự là đau đầu với chính người cộng sản khi tới chiếm Quảng Trị. Họ phải nói thế nào với quốc tế về điều họ vẫn nói: dân chúng ủng hộ họ, và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Không, dân chúng đã ra đi khi người cộng sản đến. Không có dân, đất đai còn có nghĩa gì nữa?
Người thanh niên ấy có nước da ngăm đen, vẻ ngơ ngác trên mắt nhìn, gò má cao, cằm vuông, anh hơi chút mỉm cười ngậm ngùi khi tôi hỏi anh về chuyến hành trình đã trải qua. Anh lặng đi rất lâu, giọng anh trầm xuống, có lúc tôi chỉ thấy môi anh mấp máy và như tiếng nói biến mất: trước hết chúng tôi về Quảng Trị, thực chúng tôi không nghĩ có lúc sẽ ở đây, nếu biết vậy chúng tôi đã đi thẳng tới đây, chúng tôi không ai nghĩ thế cả, nhưng rồi chúng tôi phải đi khỏi Quảng Trị, ngày đó là ngày mấy nhỉ, không rõ là 28 hay 29 gì đó, mà chừng như…, phải rồi, pháo kích, rồi mìn anh ạ, rồi cả một cuộc giao tranh nữa, những chiếc xe nổ tung, những thân người văng lên, tan tác những tiếng kêu khóc thảm thiết, mạnh ai nấy chạy, không còn ai nghĩ tới chuyện cứu ai nữa… Chúng tôi chạy, chỉ biết chạy thế thôi… với hai bàn chân chúng tôi tiếp tục đi, trước hết là Huế, sau tiếp tục đi nữa, không, anh không thể hiểu được nếu anh không cùng chúng tôi trong chuyến ra đi ấy, chúng tôi có cảm tưởng như ngay sau chân chúng tôi cộng sản theo bén gót.

Chúng tôi như tranh nhau lấn bước về phía trước, người ta có phương tiện để đi, chúng tôi thì không, quốc lộ như thế mà bốn hàng xe chạy thì anh thử hỏi làm sao chúng tôi len chân, và trên dọc đường ấy người ta như đứng lại với nhau, không còn trật tự nữa, thỉnh thoảng súng lại nổ và người nháo nhác… Tôi đã thấy ngay trước mắt tôi chiếc xe lật xuống đèo và những người chết, tôi đã thấy những bà mẹ kêu gào tìm đứa con thất lạc… Tôi không hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như thế, bây giờ nhìn lại tôi càng thấy vô lý, bọn nó chưa tới được vòng đai mà sao mình đã bỏ lại hết để chạy… Tôi lạc mất một người em gái, cho đến hôm nay tôi vẫn không hiểu nó còn sống hay đã chết phơi xác dọc theo quốc lộ…

Người thanh niên lặng đi, đôi mắt nhìn xuống trũng bóng tối. Tôi không còn biết có lời nào để nói với anh. Tôi nhớ lời anh Cường kể lại chuyến đi của chính anh, thực anh chưa muốn đi nhưng sau nhìn lại thấy mọi người đi hết thì anh sợ, người anh nghĩ chưa đi là anh Du thì anh đã thấy lên trực thăng đi rồi, cuối cùng anh phải đi chiếc xe cũ đưa anh lên đèo nhích từng chút, có lúc xe không đứng lại được mà tụt xuống, đi từ sáng cho mãi tới 9 giờ tối mới vào tới Ðà Nẵng, trên đường anh đã thấy những đào binh nổ súng bắt xe cho họ lên, anh đã thấy một bà cụ già ngồi trên một tấm gỗ có gắn bánh xe, tay bám lấy chiếc dây thừng buộc vào chiếc xe đạp của người con đạp phía trước… Mường tượng tới cảnh ra đi, quãng đường Quảng Trị-Huế-Ðà Nẵng trở thành một cuộc trường chinh cho người dân Trị Thiên, tôi nghĩ nếu con đường đèo bị cắt, hay một cuộc phục kích xảy ra thì họ sẽ ra sao?

Trời mưa nhỏ hạt suốt đêm, sáng hôm sau trời vẫn thấp mây, tôi mang theo hành lý để tới Huế như dự định, trước khi đi tôi ghé lại thăm anh Lam, tôi nghĩ anh nắm được nhiều dữ kiện về những sự việc đã xảy ra. Tôi thấy anh hết sức bình tĩnh và nói với tôi về công việc anh đang làm, giúp đưa dân chúng Quảng Trị vào miền Nam theo chương trình di dân khẩn hoang của chính phủ, anh cho thấy dân chúng không muốn đi riêng, họ muốn đi cả Quận, cả Làng. Anh cũng nói tới hoạt động của các đảng phái một cách lạc quan. Khi hỏi anh: ai ra lệnh rút khỏi Quảng Trị, anh nói không phải Tướng Lãm ra lệnh. Anh cười khi đặt với tôi một vài vấn đề sau khi rút khỏi phần đất này, việc oanh tạc Bắc Việt, việc thả thủy lôi xuống các cửa biển và sông ngòi miền Bắc…

Tôi ra bến xe, trời mưa nhỏ, tôi chờ cho những chuyến xe từ Huế vào tới nơi thì leo xe trở ra. Tôi thường theo cách đó để có thể yên tâm lên đường mỗi khi ra đây công tác. Chuyến xe quen thuộc màu đen với mười chỗ ngồi, số người trở ra Huế chờ đợi từng chuyến xe đến và trong chốc lát lên đường trở ra. Ðường ra khỏi thị xã xe cộ đủ loại nối đuôi nhau, có hàng trăm xe vận tải đưa đạn vượt qua đèo. Trước khi tới cầu Nam Ô xe bị đọng lại với sự chờ đợi oi bức, xe nhích từng khoảng ngắn. Khi ngang qua tôi thấy dòng sông rộng. Cây cầu xi măng bị hư một nhịp đang được sửa chữa và hiện có một cầu tạm bắc lên cho xe cộ lưu thông.

Cầu Nam Ô là cây cầu xa lộ độc nhất được hãng thầu Mỹ làm cho suốt dọc quốc lộ từ Ðà Nẵng tới Huế, cầu Lăng Cô là cầu cũ được sửa lại, còn hầu hết những cây cầu khác được làm bằng gỗ ở đây đã bị phá sập, những binh sĩ công binh đang lo đắp một con đường vòng và sửa lại cây cầu.

Chiếc xe tôi đi chạy hơi ra ngoài bị chận lại, như một hình phạt không được qua, người tài xế bứt đầu bứt tai nhìn những chiếc xe chạy sau vượt lên phía trước, tôi thấy nhiều xe chở hàng không có mui chở đầy người, đó là những gia đình ở Huế trở lại nhà, họ mang những hành lý. Có những chiếc xe có mui thì người ngồi cả trên mui cao, trên quãng đường này tôi cũng thấy nhiều xe chạy đường xuyên Việt, từ Quảng Trị tới Sàigòn, nhưng vì biến cố trong những ngày qua đã khiến cho những chuyến xe này không thể trở lại Sàigòn được. Những chuyến xe sẽ thương nhớ đường dài…

Mưa vẫn đổ mau hạt trong khi xe qua đèo, con đường rộng, nhựa phẳng trở thành nguy hiểm, tôi nghĩ tới những ngày tháng trước khi đoàn người tỵ nạn phải ngang qua đây. Một trăm cây số của đường dài lo âu chất ngất và nỗi kinh hoàng nhìn về ngày mai… Vùng biển Lăng Cô làm tôi nhớ lại mộng ước được về sống trong một xóm dân chài của Ninh Hoà, hai tiếng Hòn Khói vẫn còn ghi nhớ với những cồn cát trắng như tuyết và những ngọn dương cao cùng với biển xanh bao la phía trước… Quê hương ta những vùng đất hứa có thật vẫn còn đó nhưng chừng như lúc nào cũng ở ngoài tầm tay với…

Cầu Phú Lưu bị sập nhưng vẫn di chuyển một chiều, khoảng đường từ phía chân đèo trở lại Huế tôi thấy nhiều binh sĩ thuộc Sư Đoàn 3, họ có mặt nơi những chiếc cầu còn lại. Trên một thành cầu sắt của đường xe lửa tôi nhìn thấy hàng chữ: Bảo vệ cây cầu tới giọt máu cuối cùng. Tôi buồn rầu nghĩ tới những cây cầu đã gãy. Tôi nghĩ tới những cây cầu gỗ trên quốc lộ 9 nối Ðông Hà tới biên giới và trên quốc lộ 1 Gio Linh tới Ðà Nẵng.

Năm 1968, khi tôi theo quốc lộ 9 lên Cam Lộ, nơi có trên 6 ngàn dân chúng quận Hướng Hoá từ trong núi về tỵ nạn, trong số này phần lớn là sắc tộc Bru. Bấy giờ trận chiến ác liệt ở Khe Sanh, trong khi xe ủi đất Mỹ làm việc không ngừng, họ mở rộng đường trải đá, trải nhựa và làm cầu. Tôi tự hỏi như vậy có phải con đường sẽ được dùng để sang Lào không? Năm 1970 trở lại, cả vùng đã hết lính Mỹ, chúng tôi dùng xe díp chạy từ Quảng Trị lên Cam Lộ uống cà phê và nói chuyện hoà bình, ngày lên xin đất mở đồn điền trên Khe Sanh…

Tôi nghĩ tới những cây cầu và hỏi: những cây cầu bằng gỗ này chịu đựng được bao nhiêu năm? Tại sao không phải là cầu xi măng? Không ai trả lời. Và tôi cũng đã hỏi: sao Mỹ làm con đường này tốt vậy mà không dùng? Và câu trả lời mãi tới khi có cuộc hành quân sang Hạ Lào tôi mới thấy, mỗi ngày hàng trăm xe đạn dược theo đó mà tới Khe Sanh. Nói tiếp về những cây cầu tôi cũng thấy từ Gio Linh vào Huế chỉ mới có một cây cầu mới đúc, còn hầu hết là cầu gỗ. Và bây giờ tôi lặp lại câu hỏi: những cây cầu chưa bị phá sẽ còn chịu đựng được bao nhiêu lâu?

Phú Lộc, La Sơn, Phú Bài, Phú Lương, Dạ Lê, An Cựu… và cầu Trường Tiền. Huế vẫn còn đó, một sinh hoạt lặng lẽ, nhiều căn nhà cửa đóng nhưng có toán công nhân sửa đường vẫn làm việc, những người thợ nề vẫn tiếp tục trát vôi nơi bệnh viện trung ương đang xây cất… Hoa phượng đỏ như máu trên những con đường hai bên bờ sông, trong Thành nội, ghe thuyền đầy trong lòng sông nhà bè và vùng Bao Vinh không khí như thuở thanh bình, tôi nghe thấy một không khí chìm chìm nhưng đầy đe doạ. Tôi tìm gặp lại những người bạn cũ, gần hết đã ra đi. Anh Tấn bây giờ nuôi râu dài như một đạo sĩ, anh Du như già hơn mấy tuổi, anh nói lại một ngày từ sở làm ra đường tìm xe về nhà, phố vắng tanh, không một chuyến xe khiến anh ngao ngán thấy mình như con chó hoang, và mắt anh như rưng rưng khi kể lại chuyến bay đưa anh khỏi Thành nội trong không khí nháo nhác tan vỡ. Bây giờ thì anh đã trở về một mình sống như mình muốn sống. Thục nói: ở lại với ý nghĩ ngông cuồng làm kẻ tuẫn đạo… Liệu có mất Huế không?

Cộng sản có đánh Huế không? Tại sao Huế không bị pháo kích? Những câu hỏi đặt ra mà không ai dám trả lời khẳng định, ai cũng có ý kiến nhưng sau đó là cái mỉm cười ngụ ý… Thành phố đầy những lính, đủ màu áo, hình như không thiếu một binh chủng nào, ít hoặc nhiều họ đều có mặt. Tôi gặp lại những người bạn trong Quân Đội những ngày cũ. Những hàn huyên không hết về kẻ sống người chết, những người ở An Hậu, những ngày ở Phú Thứ, những ngày trong Dãy Phố Buồn Thiu, những ngày ở Khe Sanh, những ngày rong chơi yên bình trong những làng xóm ở Triệu Phong nói chuyện về những nàng cung phi sinh trưởng ở Sải, và vẻ đẹp tây phương của những cô gái ở Mỹ Chánh, dòng sông mà người bạn tôi nói nửa đục nửa xanh, nơi những thuyền bè tây phương từ thế kỷ trước đã vào đó…

Trên máy bay nhìn xuống quốc lộ 1 chỉ thấy một dòng xuôi về Nam hỗn độn…
Buổi chiều mưa thật lớn, người bạn nói với tôi cơn bão đang tiến tới. Một người bạn nói với tôi về Huế: đất gì lạ, một năm ở đây thì có ba tháng để tranh đấu, ba tháng để chịu tai ương, ba tháng để cứu trợ, còn ba tháng để làm thơ. Ðiều người bạn nói thực đúng với thời gian 10 năm trở lại đây, Huế đầy những tai ương và đau khổ, cơn ác mộng Mậu Thân với hàng ngàn người bị chôn sống vẫn còn ám ảnh những người sống sót, đó là một trong những điều giải thích vì sao họ đã lũ lượt kéo nhau ra khỏi Huế dù thực sự chiến tranh chưa đến.

Tôi theo xe người bạn ra khỏi Huế, hiện đang có những cuộc chuyển quân vào phía Tây và phía Bắc, những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã đột kích ba lần vào vùng đất Quảng Trị, nhưng sông Mỹ Chánh vẫn là chiến tuyến. Quốc lộ 1 chạy về phía Bắc vắng hoe, chỉ có những xe nhà binh di chuyển với vận tốc nhanh hơn thường ngày, những cánh đồng ở Hương Ðiền vẫn có bóng người nông phu, thiên nhiên vẫn như một ngày thanh bình cũ. Trong phòng tuyến, tôi hỏi một anh bạn: bao giờ qua bên kia? Người bạn cười, định qua rồi nhưng mưa nên ngừng. Sao vậy? Hết mùi thối rồi… Tôi không hiểu. Người bạn nói: Mấy hôm trời nắng, gió Nam thổi hôi quá chịu không nổi tính hành quân để chôn xác chết của mấy trận, nhưng mưa rồi nên đỡ.

Tôi rùng người và thấy như đầy mùi tử khí. Tôi mường tượng tới khoảng đường còn lại để tới Quảng Trị, những làng mạc và đồng ruộng ngày nay còn ngổn ngang những xác người đã nằm xuống trong những ngày trước, nắng lửa làm cho những tử thi trương lên và bây giờ những cơn mưa làm cho tan rã… Ðêm lại cơn mưa lớn. Tôi cùng người bạn ngồi trong quán cà phê, chút rượu khiến cho chúng tôi ngây ngất. Trên chiếc xe nhỏ chúng tôi đi trên những con đường vắng không có bóng người, chỉ có những tàn cây và bóng tối, thỉnh thoảng mới gặp những người lính ướt nước. Tường thành lầm lì, những bãi cỏ tranh cao với bông trắng, tất cả như thầm thì một tâm sự. Không khí lặng như một cõi chết nào. Thiên nhiên kia còn nghĩa gì khi không còn những mắt nhìn chan chứa, không còn nhịp tim rộn ràng? Tôi như nghe thấy tiếng thở dài của những cánh sen hồng về nỗi tàn tạ. Mùa hè đã đến rồi đấy nhưng như đã mất vì không có tiếng guốc khuya trên cầu, hoa phượng đã nở đỏ nhưng không còn là màu của nắng lửa, nó trở thành những vũng máu đọng chờ khô của một cái chết.

Người bạn nói: Tôi ở lại đây và tôi chờ ngày vào Quảng Trị.

Tôi nhìn người bạn.

Dương Nghiễm Mậu – 1972
(*) Quảng Trị Đất Đợi Về đăng lần đầu trên Tạp chí Chính Văn số 1 phát hành ngày 17 tháng 5-1972

Tags: ,

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.