Phân tích quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982
Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019
19:19
//
Pháp Luật
,
Slider
Ngày 6/3, tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 ngang nhiên dùng vòi rồng xua đuổi tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hậu quả của vụ việc khiến tàu cá QNg 90819 TS bị chìm tại toạ độ 16015’N - 111038’E (cách Tây Bắc đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 0,5 hải lý). Từ khía cạnh luật quốc tế, tàu Hải cảnh Trung Quốc không có quyền truy đuổi tàu cá Việt Nam.
Hiện nay, Luật Biển quốc tế chưa có định nghĩa chính thức về quyền truy đuổi và Điều 111 UNCLOS 1982 được áp dụng như một định nghĩa phổ biến về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài, sau đây gọi tắt là “quyền truy đuổi”. Theo đó, “quyền truy đuổi” là quyền của quốc gia ven biển tiến hành việc truy đuổi tàu thuyền nước ngoài đã vi phạm pháp luật hoặc có lý do thích đáng để cho rằng tàu thuyền nước ngoài đã vi phạm pháp luật và các quy định của quốc gia ven biển.
Có thể nói, về bản chất, “quyền truy đuổi” là sự chuyển giao các thẩm quyền cảnh sát mà quốc gia ven biển thực hiện trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ ra ngoài biển cả. Điều đó có nghĩa rằng, việc thực hiện “quyền truy đuổi” cần phải trên cơ sở quy định chặt chẽ của luật pháp. Điều 111 UNCLOS 1982 quy định các điều kiện đảm bảo “quyền truy đuổi” hợp pháp. Cụ thể là:
Quốc gia ven biển phải “có lý do thích đáng để tin” rằng tàu thuyền đã vi phạm luật và các quy định của quốc gia đó
Điều 111 khoản 1 UNCLOS 1982 yêu cầu cần thiết có “lý do thích đáng để tin rằng” tàu thuyền đã vi phạm luật và quy định của quốc gia ven biển. Từ “lý do thích đáng” đã được Ủy ban Luật pháp quốc tế - International Law Commission (1956) chấp nhận, theo đó, cần phân biệt giữa hành động phạm pháp đã xảy ra với nghi ngờ về hành động phạm pháp. Do đó, có thể hiểu mức độ của “lý do thích đáng” nằm giữa nghi ngờ và bằng chứng cụ thể. Vấn đề “lý do thích đáng” cũng được nhiều quốc gia quan tâm nhất là trong bối cảnh sự phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay cho phép theo dõi, giám sát, thu thập hình ảnh về tàu thuyền trên các vùng biển qua ra - đa, vệ tinh hoặc thiết bị cảm biến khác. Hiện nay, một số quốc gia đã ký kết các văn bản hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện “quyền truy đuổi” hợp pháp. Tiêu biểu như Hiệp định giữa Pháp và Australia về hợp tác giám sát và hoạt động trong vùng hàng hải tương ứng ở Southern Ocean. “Quyền truy đuổi” có thể được bắt đầu nếu thỏa mãn các điều kiện sau: (i) Các nhà chức trách của các bên có lý do thích đáng để tin rằng tàu cá hoặc một trong những xuồng của nó đã vi phạm luật của các bên trong vùng hàng hải của tàu thuyền bị phát hiện. Cơ sở cho lý do thích đáng là: Vi phạm trực tiếp rõ ràng liên hệ với tàu cá hoặc xuồng của nó (tàu vi phạm) bằng tàu thuyền của nhà chức trách; Chứng cứ thu thập được bằng hoặc thay mặt tàu thuyền bằng biện pháp kỹ thuật. (ii) Có tín hiệu rõ ràng để dừng tàu đã được đưa ra với tàu cá hoặc thay mặt cho tàu thuyền có thẩm quyền mà có thể nó được nhìn thấy hoặc nghe bởi thuyền đánh cá. Hiệp định đã cho phép thừa nhận rằng có thể bằng biện pháp kỹ thuật bao gồm giám sát bằng hình ảnh, ra - đa hoặc ảnh vệ tinh của một tàu thuyền, thiết bị giám sát có thể không ở khu vực tàu cá vi phạm nhưng vẫn có thể theo dõi, phát hiện.
Liên quan tới vị trí, việc truy đuổi phải bắt đầu khi tàu thuyền nước ngoài hay một chiếc xuồng của nó ở trong nội thủy, lãnh hải, vùng nước quần đảo hay trong vùng tiếp giáp lãnh hải của quốc gia thực hiện truy đuổi.
Đối với các vùng biển khác ngoài vùng lãnh hải, Điều 111 khoản 1, 2 UNCLOS 1982 quy định về điều kiện vi phạm của tàu nước ngoài. Cụ thể như sau: “Nếu tàu nước ngoài ở trong vùng tiếp giáp, được quy định ở Điều 33 UNCLOS 1982, việc truy đuổi chỉ có thể bắt đầu nếu tàu đó đã vi phạm các quyền của quốc gia ven biển thuộc chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải”. “Quyền truy đuổi” được áp dụng matatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết về chi tiết) đối với những hành động vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có thể áp dụng, theo đúng UNCLOS 1982, cho vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, kể cả các vùng an toàn bao quanh các thiết bị ở thềm lục địa, nếu các vi phạm đã xảy ra trong các vùng nói trên”. Như vậy, để tiến hành việc truy đuổi, hành vi vi phạm của tàu nước ngoài cần được xác định trên cơ sở quy chế pháp lý các vùng biển và những quy định của pháp luật quốc gia ven biển về quản lý, bảo vệ vùng biển quốc gia đó. Với các vùng biển khác nhau, cơ sở để xác định có được phép tiến hành truy đuổi hay không sẽ khác nhau. Ví dụ, trong vùng tiếp giáp lãnh hải, theo Điều 33 UNCLOS 1982, quốc gia có quyền tài phán liên quan tới hải quan, thuế quan, y tế, nhập cư. Do đó, lực lượng thực thi pháp luật của quốc gia ven biển chỉ có thể thực hiện “quyền truy đuổi” với những vi phạm này. Nhưng ở vùng đặc quyền kinh tế, theo Điều 56 UNCLOS 1982, quốc gia chỉ có quyền tài phán liên quan tới tài nguyên, theo đó, rõ ràng là không hợp lý nếu quốc gia ven biển thực hiện “quyền truy đuổi” với tàu thuyền nước ngoài với vi phạm về thuế quan hoặc nhập cư. Thực tế này đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật và các quy định của quốc gia ven biển về quản lý, bảo vệ từng vùng biển trên cơ sở quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể ở đây là UNCLOS 1982 và các Điều ước quốc tế có liên quan cũng như chiến lược xây dựng từng vùng biển của quốc gia.
Việc truy đuổi chỉ có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển với điều kiện là việc truy đuổi này không bị ngắt quãng.
Cụm từ “bị ngắt quãng” - interrupted không được định nghĩa trong UNCLOS 1982. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xem là bị ngắt quãng: Bị ngắt quãng bởi lý do tự nhiên như không thể xác định vị trí tàu thuyền vi phạm, không thể tiếp tục truy đuổi do thời tiết xấu hoặc trời tối; máy móc của tàu thực thi pháp luật bị hỏng; các lý do khác như tàu dừng lại thu thập chứng cứ trong quá trình truy đuổi. Ví dụ thực tế sau có thể xem “bị ngắt quãng” khi thực hiện “quyền truy đuổi”, tàu thực thi pháp luật của Australia đuổi theo tàu The Lena năm 2001. Trong quá trình truy đuổi, tàu tuần tra bị buộc phải tạm dừng truy đuổi khi nhận một cuộc gọi SOS và tham gia tìm kiếm tàu bị nạn đó. Việc định nghĩa thế nào là “bị ngắt quãng” trong quá trình truy đuổi theo từng quốc gia có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Có một số câu hỏi như sau, có phải chỉ cần không nhìn thấy tàu thuyền bị truy đuổi hay việc mất dấu tàu thuyền bị truy đuổi trên màn hình ra - đa của tàu lực lượng thực thi pháp luật thì coi là bị ngắt quãng trong truy đuổi? Hoặc khi tàu thuyền truy đuổi không nhìn thấy nhưng bằng sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như vệ tinh, ra - đa vẫn theo dõi được tàu thuyền bị truy đuổi có bị coi là ngắt quãng hay không? Với các câu hỏi này, các quốc gia có thể có câu trả lời khác nhau.
Để đảm bảo thực hiện “quyền truy đuổi” hợp pháp, một số quốc gia ven biển đã quy định cụ thể vấn đề “bị ngắt quãng” như ví dụ sau. Luật Quản lý ngư nghiệp (Australia) quy định việc truy đuổi của người hoặc tàu thuyền không bị kết thúc hoặc bị ngắt một cách căn bản chỉ vì sĩ quan (có liên quan) không nhìn được người hoặc tàu thuyền vi phạm. Điều 87(3) Luật Quản lý ngư nghiệp Australia cung cấp thêm rằng việc này bao gồm cả mất tín hiệu ra - đa. Theo cách lý luận này, các lý do như thời tiết, bóng tối hoặc các lý do khác có thể chấp nhận được như dừng lại để thu thập chứng cứ từ tàu vi phạm - ví dụ tàu thực thi pháp luật dừng lại để thu xuồng nhỏ từ tàu đánh cá bất hợp pháp, cho tới khi tàu truy đuổi có thể tiếp tục việc truy đuổi hoặc vẫn có thể xác định tàu vi phạm, việc truy đuổi nên được xem là không bị ngắt quãng.
“Quyền truy đuổi” dừng ngay khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của nó hoặc quốc gia thứ ba
Các lực lượng tham gia truy đuổi phải dừng ngay khi tàu thuyền bị truy đuổi vào vùng lãnh hải của quốc gia nó mang cờ hoặc nước thứ ba, việc giới hạn của phạm vi truy đuổi là cần thiết để bảo vệ quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Ngoài ra, việc dừng truy đuổi diễn ra khi tàu truy đuổi “bị ngắt quãng” hoặc từ bỏ việc truy đuổi. Truy đuổi không nhất thiết dừng lại khi vào vùng nước nằm ngoài vùng lãnh hải của quốc gia mà tàu treo cờ hoặc quốc gia thứ ba.
Một câu hỏi xuất phát từ thực tế đó là: Liệu có phải dừng truy đuổi khi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước thứ 3 hoặc nước tàu bị truy đuổi mang cờ? Rõ ràng Điều 111 UNCLOS 1982 chỉ cấm truy đuổi khi tàu bị truy đuổi vào vùng lãnh hải của chính nó hoặc quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, không cấm việc truy đuổi trên vùng đặc quyền kinh tế của tàu bị truy đuổi hoặc quốc gia thứ ba. Hơn nữa, Điều 56 UNCLOS 1982 chỉ quy định quốc gia có quyền tài phán liên quan tới tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế. Rõ ràng, khi một quốc gia khác thực hiện “quyền truy đuổi” trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia thứ ba, nếu không vi phạm liên quan tới quyền tài phán quốc gia đó thì sẽ không bị cấm bởi luật pháp quốc tế, cụ thể ở đây là UNCLOS 1982. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển ngày nay đang quan tâm nhiều hơn tới việc kiểm soát các hoạt động diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế quốc gia mình, việc đó có thể có ảnh hưởng nhất định tới thực hiện “quyền truy đuổi” trên vùng đặc quyền kinh tế quốc gia thứ ba.
Việc truy đuổi chỉ có thể bắt đầu sau khi có tín hiệu có thể nhìn thấy hoặc âm thanh có thể nghe thấy để dừng tàu vi phạm, được đưa ra ở khoảng cách mà cho phép nó được nhìn hoặc nghe bởi tàu thuyền nước ngoài.
Tàu thuyền lực lượng thực thi pháp luật phải ra lệnh dừng tàu để chỉ ra rằng tàu thuyền vi phạm đã bị phát hiện, xác định và sẽ bị kiểm tra. Điều 111 UNCLOS 1982 yêu cầu một cách rõ ràng rằng tín hiệu hình ảnh hoặc âm thanh là phải nhìn hoặc nghe ở một khoảng cách nhất định với tàu vi phạm.
Vấn đề nổi lên trong thời đại công nghệ hiện nay là dường như không có giới hạn về khoảng cách của tín hiệu hình ảnh, âm thanh. Bởi vì, với sự tiến bộ khoa học công nghệ, tàu của lực lượng thực thi pháp luật có thể theo dõi, phát hiện và ra lệnh dừng tàu từ khoảng cách rất xa. Do đó, việc xác định khoảng cách bao xa như đề cập ở Điều 111 UNCLOS 1982 để ra lệnh dừng tàu vẫn là vấn đề đang được quan tâm trong luật pháp quốc tế khi xác định tính hợp pháp của “quyền truy đuổi”. Như đã nêu ở trên một số quốc gia trong các Hiệp định khu vực cho phép xác định bằng các biện pháp kỹ thuật. Ví dụ, Mỹ yêu cầu các tàu cá nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ phải thường xuyên nghe tín hiệu trên một tần số xác định, điều này có nghĩa là tàu thuyền có thể nhận tín hiệu yêu cầu dừng thông qua thiết bị vô tuyến và tần số có sẵn. Nghĩa là, từ khoảng cách rất xa, (không nhất thiết nhìn thấy được) với tầm tín hiệu vô tuyến, lực lượng thực thi pháp luật có thể ra lệnh dừng tàu qua tín hiệu vô tuyến.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc không có quyền truy đuổi tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15045' đến 17o15' Bắc, kinh độ 111ođến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2. Việt Nam là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này. Không những vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc thừa nhận. Cụ thể:
Những chứng cứ lịch sử pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: (1) Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” ta đã vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó ta gọi là “bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa”. (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản). (2) Thế kỷ thứ XVIII, trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam. (3) Lê Quý Đôn (1726-1786) trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, ông đã tả kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (4) Phan Huy Chú (1782-1840) trong sách “Lịch triều hiến dương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, ông còn mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (5) Trong giai đoạn Pháp thuộc, sau khi triều Nguyễn (6/1884) ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ đó, Pháp thực hiện chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938, Phòng (Service) Khí tượng Đông Dương xây dựng một trạm khí tượng tại đảo Itu Aba hoạt động dưới quyền Pháp. Đây là trạm thời tiết rất quan trọng nên đã được mang ký hiệu quốc tế là 48919. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, trạm khí tượng này vẫn hoạt động. Hiện nay 4 người còn sống, đó là các cụ: Nguyễn Văn Như, Trần Huynh, Phạm Miễn, Võ Như Dân. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Hôm đó, Tướng Phan Văn Giáo lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa buổi lễ. Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, trưởng phái đoàn của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai, 51 quốc gia tham dự, không hề có ý kiến phản đối. (6) Để quản lý về hành chính, ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 12 (30/3/1938), nhà vua đã ra Chỉ dụ số 10, sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. (7) Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, họ đã ra Sắc lệnh số 143/NV quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 3/7/1961, Ngô Đình Diệm - Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ký quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Thừa Thiên - Huế, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và gọi là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ký Nghị định số 420/BNV-HCDB-26 sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. (8) Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà).
Những tư liệu phương Tây về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa:Từ thế kỷ XVI đến nay, đã có rất nhiều tư liệu lịch sử (sách, bản đồ…) của phương Tây công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1) Trước hết là sự kiện chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonexia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634. Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracel, sau đó cử 1 nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa Nguyễn đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và đổi lấy 4 thùng bạc. (2) Năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. (3) Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XVII - đầu XIX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay (tức vua Gia Long) đã lên ngôi hoàng đế gồm Đàng Trong cũ (Cochinchina ), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng”. (4) Năm 1837, giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông ... Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông”. Ở đây J. L. Taberd nhắc đến sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802). Một năm sau, giám mục Jean Louis Taberd công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel. (5) Vào năm 1849, Tiến sỹ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về Địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, có đoạn nói về Hoàng Sa như sau:“…Quần đảo Paracel (Kat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ Bắc và 111 đến 113 độ kinh Đông… Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua…Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…”. (6) Giữa thế kỷ XIX, nhà địa lý học Italia nổi tiếng Adriano Balbi phát hành cuốn Địa lý đại cương, trong đó mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: “Thuộc Vương quốc này có quần đảo Paracels (Hoàng Sa), nhóm đảo Pirati (đảo Hải tặc) và nhóm đảo Poulo Condor (Côn Đảo)” . Trong khi đó, đoạn mô tả về địa lý Trung Hoa, mặc dù rất dài, tác giả không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Luật pháp quốc tế đương đại thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 có thể thấy: Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève 1954, toàn bộ phần lãnh hải phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam do quân đội Pháp kiểm soát sẽ được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam thì quần đảo này thuộc sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Trong thời gian chuyển giao giữa Pháp và Quốc gia Việt Nam, năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Trong thời gian 1964-1970, Trung Quốc liên tục điều quân tấn công quân đội Việt Nam cộng hòa trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Trước sự xâm lăng trắng trợn đó, đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp Quốc cũng đã yêu cầu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, trong một công hàm ngoại giao gửi đến tất cả các bên ký kết của hiệp định Paris, chính quyền miền Nam đã yêu cầu một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực này của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, Ngày 02/7/1974, đại diện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà luật pháp quốc tế thừa nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chính vì vậy, tàu Hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi, dùng vòi rồng tấn công tàu cá Việt Nam đang neo đậu trong vùng biển của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa nói riêng và khu vực Biển Đông nói chung. Hành động trên của Trung Quốc còn xâm phạm, gây thiệt hại lớn cho ngư dân Việt Nam.
Trước những hành động phi pháp trên của Trung Quốc, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc với Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao công hàm và phản đối việc làm trên của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nâm. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc về vụ việc trên để xử lý nghiêm đối với nhân viên và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Không những vậy, Hội Nghề cá Việt Nam (18/3) cũng đã có công văn phản đối Trung Quốc đã gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại đến tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối kịch liệt với phía Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; Có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; Yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam; Đồng thời cần tăng cường các lực lượng tuần tra, bảo vệ trên biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; Kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tương tự để ngư dân ra khơi bám biển sản xuất.
0 nhận xét