Đọc báo Pháp – 16/03/2019
Thanh thiếu niên thế giới: Cơ may cho hành tinh
Không hẹn mà gặp: Hai tuần báo Pháp Courier International và L’Obs đều giành trang bìa của số ra giữa tháng Ba 2019 này để nói về cuộc vận động của thanh thiếu niên tại nhiều nước trên thế giới, đang vùng lên thức tỉnh các bậc cha anh chống biến đổi khí hậu, cứu lấy hành tinh. Đỉnh cao của phong trào là cuộc đình công, bãi khóa trên toàn thế giới ngày 15/03/2019 vừa qua.
Trang bìa Courrier International chạy tựa lớn: « Khí hậu – Tương lai chính là lúc này ». Câu hỏi mà tạp chí Pháp đặt ra là : « Phải chăng giới thanh thiếu niên sẽ cứu được hành tinh ? ».
Courrier International đã trích dẫn nhật báo Anh The Guardian, cho rằng phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu do giới trẻ khắp nơi khởi động cần phải dài hơi mới gây được sức ép trên giới lãnh đạo chính trị.
Nói đến phong trào thanh thiếu niên – tức là sinh viên học sinh – chống biến đổi khí hậu, không thể không nói đến cô nữ sinh Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg, người đã làm dấy lên phong trào. Courrier International đã trích dịch một bài trên nhật báo Anh Financial Times, phác họa chân dung của « Cô gái và Trái Đất », tựa của bài báo.
Lý thú nhất tuy nhiên lại là những ghi chú ngắn gọn về những gương mặt tiêu biểu của phong trào học sinh sinh viên vì môi trường tại một số quốc gia từ Âu sang Á. Trên một tấm bản đồ thế giới, độc giả có thể thấy phong trào này có mặt ở những quốc gia từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Áo, Anh, Tây Ban Nha, cho đến Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, và cả ở Nhật, Úc, New Zealand.
Tại Mỹ chẳng hạn, Courrier International ghi nhận: « Cứ mỗi thứ Sáu, từ đầu năm đến nay, các em Isra Hirsi, 16 tuổi, Haven Coleman, 12 tuổi, và Alexandria Villasenor, 13 tuổi, đều đến ngồi trước các công sở của thành phố nơi các em sống là Minneapolis, Denver và New York – với những tấm biển có dòng chữ : “Bãi khóa vì khí hậu” hay #FridaysforFuture (Những Ngày Thứ Sáu vì Tương Lai)”.
Các em đã cùng nhau tạo dựng phong trào ở Mỹ mang tên Youth Climate Strike (Tuổi trẻ bãi khóa vì khí hậu), và muốn vận động hàng ngàn thanh thiếu niên trong khoảng 30 tiểu bang tham gia ngày Bãi Khóa Thế Giới 15/03.
Một tấm gương khác được Courrier International nêu lên là trường hợp cô học trò Maja Brouwer, 17 tuổi, ở thành phố La Haye, Hà Lan. Từ ngày cô phát biểu trước các ủy viên hội đồng thành phố, cô đã ý thức được về « sức mạnh của lời nói », và cảm thấy bớt bất lực khi nghe những dự báo đáng lo ngại về khí hâu ở chân trời 2050. Cô muốn lập ra một hiệp hội mà cô sẽ đặt tên là Wake up! (Thức tỉnh đi!), để giúp những thanh niên ưu tư về tương lai trái đất vận động giới chính khách, doanh nghiệp và người dân, các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về vấn đề khí hậu.
Lập luân của Maja Brouwer rất đơn giản: « Nếu thuyết phục được các lãnh đạo chính trị rằng hành động của họ có thể có ảnh hưởng tốt thì điều đó sẽ giúp rất nhiều, nhiều hơn là việc bớt tắm rửa (để khỏi lãng phí nước) ».
L’Obs: Giới trẻ thay đổi thế giới
Tạp chíL’Obs cũng nói về thanh niên và khí hậu trong hồ sơ nêu lên thành tựa trang bìa: « Giới trẻ sẽ thay đổi thế giới như thế nào » kèm theo tiểu tựa « Môi trường, bất bình đẳng, dân chủ ».
Trong một hồ sơ dài 10 trang bên trong, L’Obs công nhận: « Môi trường, dân chủ, chống bất bình đẳng… Ngày nay chính những người dưới 25 tuổi đã thức tỉnh chúng ta. Họ không còn xem chúng ta là những người lạc hậu hay bí rị, mà là những kẻ vô trách nhiệm ».
Tạp chí Pháp đã phác họa chân dung của một thế hệ dấn thân và sáng tạo, đã quyết tâm nắm lấy vận mệnh của hành tinh.
L’Obs ghi nhận : « Trong những tuần lễ gần đây, khắp nơi trên thế giới, học sinh, sinh viên đã bỏ các buổi học vào thứ Sáu để tố cáo tình trạng bất động của các Nhà Nước trong vấn đề khí hậu bị hâm nóng. Những Ngày Thứ Sáu vì Tương Lai – Fridays for Future, đạt đỉnh cao vào ngày 15/03, với cuộc bãi khóa cấp thế giới vì khí hậu, với những thanh thiếu niên dưới 25 tuổi sẽ ‘trốn học’ để chống lại những điều không ra gì về khí hậu, họ sẽ cầm lấy micro để lên tiếng, không một chút sợ hãi ».
L’Express: Cuộc đấu Macron-Marine Le Pen
Trang bìa tuần báo L’Express tuần này mang tựa lớn « Trận đấu lượt về » nổi bật bên trên ảnh ghép tổng thống Pháp Macron và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, được tờ báo gọi trong một tiểu tựa là « hai kẻ thù tốt nhất ». Bối cảnh trận đấu cũng được L’Express nêu rõ trên trang bìa : đó là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. L’Express thấy rằng hai bên đã có « hai chiến lược đối nghịch nhau », và ngạc nhiên tự hỏi : « Các đấu thủ khác đâu mất rồi ? ».
Trong một hồ sơ dài 12 trang bên trong, tạp chí Pháp dự đoán rằng nhân cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp diễn ra vào tháng 5 sắp tới, rất có thể người ta sẽ chứng kiến trận đấu lượt về của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Lý do là vì các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy hai danh sách của ông Macron và bà Le Pen đứng đầu các ý định bầu.
Và L’Express ghi nhận : « Khi nhìn lại chung quanh mình, hai người họ chỉ có thể hài lòng mà thôi. Không một ai khác có thể xen vào phá quấy họ. Macron củng cố vị trí trung tâm của ông bằng cánh tả cũng như cánh hữu, còn Marine Le Pen bao bọc chặt chẽ bên cánh hữu của bà. »
Đối với L’Express, kịch bản ông Macron vươn lên trở lại quả là bất ngờ, « chưa hề được viết trước ». Tờ báo nhắc lại :
« Vào tháng 10/2018, những người bạn của Emmanuel Macron, khi nghĩ đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, thì chỉ nghĩ đến mức 17%, và trong tình huống tốt nhất, dành được vị trí thứ hai sau đảng RN của bà Le Pen. Qua tháng 11, tình hình có vẻ xấu đi thêm, chế độ bị lung lay với mùa đông khoác lên lớp áo màu vàng. Thế nhưng thời tiết đã thay đổi, và mùa xuân lại ló dạng vào tháng Hai. Những cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Macron có thể đứng đầu với khoảng 23% ý định bầu. »
Dù bất ngờ nhưng L’Express cũng phải công nhận : « Chính trị là thế đấy ! ».
Đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu
Trên bình diên kinh tế, tạp chí L’Express tuần này chú ý đến đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu.
Ghi nhận đầu tiên của tạp chí là « Ở mọi nơi trên thế giới đầu tư của Trung Quốc ngày càng bị nghi ngờ ». Đức – bị sốc sau vụ bị Trung Quốc mua lại hãng chế tạo robot Kuka vào năm 2016 – đã từ chối không bán Leifeld, một nhà máy chế tạo máy-công cụ.
Đối với L’Express, đây là lần đầu tiên một quốc gia Châu Âu đã phủ quyết như thế đối với Trung Quốc. Tạp chí còn nhắc lại rằng đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu đã giám 40% trong năm 2018.
Le Point:Tầng lớp trung lưu cao cấp, con bò vắt sữa của Macron
Cũng quan tâm đến thời sư Pháp, tạp chí Le Point tuần này chú ý đến túi tiền của người Pháp, và dành trang bìa cho vấn đề đánh thuế, với một câu hỏi rất khiêu khích dùng làm tựa chính : « Liệu Macron có chấm dứt tình trạng cứ bắt cùng một tầng lớp lúc nào cũng phải đóng thêm tiền (thuế) ? »
Đối với Le Point, những ai tố cáo ông Macron là tổng thống của người giàu đều lầm lẫn, vì tầng lớp trung lưu phía trên mới chính là « con bò sữa của Nhà Nước », và luôn luôn là đối tượng bị tăng thuế khi cần thiết.
Trong một bài điều tra dài, tạp chí Pháp ghi nhận là Cuộc Đại Thảo Luận vừa kết thúc đã biến thành một đấu trường, nơi mọi người thi nhau đóng góp ý kiến về cách thức tốt nhất để buộc những người thuộc thành phần trung lưu cao cấp đóng góp thêm cho xã hội. Thế nhưng, đó chính là thành phần đã là con bò sữa của hệ thống xã hội Pháp.
Trích dẫn những số liệu chính thức, Le Point nêu bật thực tế là từ năm 2008, năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đến nay, 20% các hộ gia đình có lợi tức cao nhất là thành phần đã phải gánh vác một phần lớn các thâm thủng trong cán cân chi phó của Nhà Nước Pháp.
Một ví dụ được Le Point nêu bật : Một công trình nghiên cứu của Đài Quan Sát Tình Huống Kinh Tế Pháp OFCE công bố vào tháng 11 năm 2018 đã ghi nhận là trong vòng 8 năm, từ 2008 đến 2016, 20% giầu có nhất nước Pháp hàng năm đã bị mất đi bình quân 2.740 euro do các khoản tăng thuế và giảm lợi ích tài chánh mà Quốc Hội đã thông qua.
Và theo Le Point, chính sách thuế đó vẫn được tiếp tục dưới thời tổng thống Macron.
The Economist: Brexit đưa Anh Quốc vào hỗn loạn
Sự kiện tiến trình Brexit do thủ tướng Anh Theresa May chủ trương liên tiếp bị Nghị Viện phản bác, dĩ nhiên đã trở thành chủ đề trọng tâm của tuần báo Anh The Economist.
Với một tựa đề hết sức châm biếm trên trang bìa « Oh** UK ! », tạm dịch là « Hỡi ôi, Vương Quốc Anh », The Economist đã không tránh khỏi ngán ngẩm cho điều được tờ báo xem là «một đất nước trong cơn hỗn loạn ». Đối với tuần báo Anh, khủng hoảng chính trị tại vương quốc đã rơi xuống những độ sâu mới, do đó, đã đến lúc Nghị Viện Anh phải can thiệp.
Trong bài xã luận, sau khi ghi nhận tình trạng hỗn loạn của tại Nghị Viện Anh Quốc trong tuần trên vấn đề Brexit, cho thấy tình trạng chia rẽ rõ rệt của giới làm chính trị, The Economist mỉa mai nhắc lại tuyên bố của bà thủ tướng Theresa May khoe rằng Luân Đôn « sẽ cho toàn thế giới biết thế nào là Vương quốc Anh ».
Đối với tuần báo Anh, bà May không sai chút nào, nhưng điều mà Anh Quốc đã cho thấy là một trò cười. Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may : Việc kế hoạch Brexit của bà May bị phá vỡ đã tạo điều kiện cho nước Anh suy nghĩ lại về cách tiếp cận sai lầm của mình khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu… Sự hỗn loạn xẩy ra trong tuần này mang đến cho đất nước Anh một cơ hội để tìm ra thứ gì đó tốt hơn.
Le Point : Algeri, quân đội bỏ rơi phe cánh Bouteflika
Le Point chú ý đến một sân khấu chính trị khác là Algeri, và đã kể lể chi tiết về sự kiện : « Phe cánh Bouteflika sập bẫy như thế nào ? ».
Tạp chí ghi nhận là trước sức ép của đường phố, chống lại một nhiệm kỳ thứ 5 của ông Bouteflika, những người thân cận của ông đã bị buộc phải bỏ cuộc trong vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Phát súng ân huệ đến từ nhân vật lãnh đạo quân đội.
Le Point kể lại chuyện bất ngờ : Trước cử tọa là sinh viên sĩ quan, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri, Ahmed Gaïd Salah có bài phát biểu dài và đã có một số thay đổi trong ngôn từ , không còn trừng phạt ‘những sai lệch’ của đường phố, không nói gì đến vấn đề bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống, cũng không nhắc nhở gì đến lãnh đạo tối cao của quân đội, tức ông Abdelaziz Bouteflika.
Nhưng có một câu gây chú ý : « Quân đội và quần chúng cùng chia sẻ một quan điểm về tương lai ».
Đây là đòn chí mạng. Cánh Bouteflika dường như bị lãnh đạo hùng mạnh của quân đội bỏ rơi. Một cựu sĩ quan cao cấp giải thích : « Ông ấy không có chọn lựa nào khác, ông là người bảo đảm cho sự vững chắc của các định chế và sự ổn định của đất nước. Cho nên phải chọn lựa : Một nhiệm kỳ thứ 5 đặt đất nước trong vòng bất ổn định hay đứng về phía đòi hỏi của người dân ».
Le Point còn nhắc lại: Vào chiều ngày 11/03, người ta đã để cho tổng thống mãn nhiệm, trong thông báo của ông, nói rằng ông thực ra chưa bao giờ dự kiến ra tranh một nhiệm kỳ 5. Đây là thêm một cái tát tai đối với những người thân cận tổng thống.
Theo một nguồn tin Tư pháp, đây là « cách để ông (Bouteflika) thoái thác trách nhiệm về các hành động của những người đã lên tiếng nhân danh ông ». Nguồn tin này cũng chờ đợi sẽ có đơn kiện chính thức về việc mạo danh.
Nhiều câu hỏi đang được nêu lên: Ai đã viết lá thư tuyên bố ra ứng cử mà người đặc trách chiến dịch vận động tranh cử của ông Bouteflika đã nhân danh ông đọc lên trước Hội Đồng Bảo Hiến ? Và tại sao bây giờ ông Bouteflika lại khẳng định là ông không biết mình là ứng viên tổng thống?
Tin đọc nhanh
(AFP) - Pháp hồi hương con em của các phần tử tham gia thánh chiến tại Syria.
Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 15/03/2019 thông báo đã nhận lại 5 đứa trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả là trẻ mồ côi, cha mẹ từng tham gia thánh chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Tuy nhiên trước mắt Paris không có kế hoạch hồi hương những công dân Pháp sang Syria hay Irak tham gia thánh chiến trong hàng ngũ Daech. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh : về điểm này, lập trường của Paris không thanh đổi. “Các chiến binh Hồi giáo và quân thánh chiến đã đi theo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo phải được xét xử tại đúng nơi mà họ đã gieo rắc tội ác”.
(AFP) – Trung Quốc nhất quyết chối cãi các trại cải tạo Tân Cương.
Trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève hôm 15/03/2019, Trung Quốc tiếp tục khẳng định các trại cải tạo đang giam giữ hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chỉ là các cơ sở dạy nghề để « giáo dục » họ. Trung Quốc chấp nhận 284/346 khuyến cáo của các nước, nhưng bác bỏ tất cả những gì liên quan đến Tân Cương. Gần 100 nước đã yêu cầu phát biểu nhưng do thời gian hạn hẹp nên chỉ có 12 nước được lên tiếng. Trong số 10 tổ chức phi chính phủ phát biểu ý kiến có đến 6 thân Trung Quốc, chứng tỏ Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ càng các « tay trong » này.
(AFP) – Ngưng dự án của Trung Quốc đóng chai nước hồ Baikal ở Xibêri.
Một dự án của Trung Quốc lập nhà máy đóng chai nước hồ Baikal ở Xibêri đã bị người dân Nga phản đối dữ dội. Hôm qua 15/03/2019 một tòa án Xibêri ra lệnh ngưng việc xây dựng nhà máy, trong khi chờ đợi giải quyết các vi phạm làm thiệt hại đến hệ sinh thái vùng hồ nổi tiếng này.
(Reuters) – Nghi vấn về vụ tấn công đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Tây Ban Nha.
Theo Washington Post hôm 15/03/2019, một nhóm muốn lật đổ Kim Jong Un đứng sau vụ đột nhập vào đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Madrid tháng trước. Hôm 22/2, 10 người đàn ông đã xông vào tòa đại sứ, đe dọa nhân viên và lấy đi tài liệu, máy tính ; chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội.
(AFP) – Slovakia bầu tổng thống.
Người dân Slovakia hôm nay 16/03/2019 đi bỏ phiếu vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống. Nữ luật sư Zuzana Caputova, 45 tuổi, phó chủ tịch đảng Slovakia cấp tiến được cho là có nhiều hy vọng thắng cử khi bước vào vòng hai.
(Reuters) – Chính quyền Nicaragua trả tự do cho khoảng 60 tù nhân chính trị.
Quyết định được đưa ra hôm 15/03/2019 nhằm thể hiện thiện chí của tổng thống Daniel Ortega với phe đối lập, mở đường cho việc nối lại đối thoại với các phe chống đối chính quyền Managua. Theo Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ (IACHR) từ khi làn sóng chống đối tổng thống Ortega bùng lên hồi tháng 4/2018 đã có ít nhất 320 người thiệt mạng và hơn 600 bị tống giam.
(AFP) – Trung Quốc chính thức xin tổ chức Cúp Bóng Đá Á Châu 2023.
Truyền thông Bắc Kinh ngày 15/03/2019 coi đây là cơ hội để bộ môn thể thao này được phổ biến hơn tại quốc gia với 1,2 tỷ dân. Mục tiêu sau cùng của Trung Quốc là được tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới trong một tương lai không xa. Hiện tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia cùng xin đăng cai lễ hội bóng đá Á Châu 2023. Vừa qua, Trung Quốc đã vào đến vòng tứ kết trong cuộc tranh tài tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
(AFP) – Xung khắc Nga và Ukraina tại eo biển Kertch :
Matxcơva tố cáo phương Tây “giả dối”. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga ngày 16/03/2019 lên án thái độ “thiếu thân thiện” của Mỹ, Úc, Canada và Liên Hiệp Châu Âu sau khi các quốc gia này ban hành thêm một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 6 quan chức Nga với lý do Kremlin “tiếp tục uy hiếm Ukraina”. Phương Tây tiếp tục trừng phạt Nga ủng hộ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina, thôn tính bán đảo Crimée và gây hấn với Hải Quân Ukraina tại eo biển Kertche cổng vào biển Azov trong vùng Hắc Hải.
(RFI ) – Khởi động Tuần Lễ Pháp Ngữ 2019.
Ngày 16 đánh dấu điểm khởi đầu Tuần Lễ Pháp Ngữ với đỉnh điểm là Ngày Quốc Tế Pháp Ngữ 20 tháng 3. Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI và đài truyền hình France 24 là một trong những đối tác chính của sự kiện. Nhiều chương trình đặc biệt về Francophonie dự trù được phát thanh và truyền hình trên RFI cũng như France24
0 nhận xét