Nguyễn Phú Trọng sẽ mang hành trang gì tới Phòng Bầu Dục?
VOA blog
20/03/2019
- Khác rất nhiều với chuyến công du của Tổng bí thư Trọng đến Washington vào tháng 7 năm 2015 được thông báo bởi đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius, vào năm 2019 này giới ngoại giao Việt Nam đã ‘chủ động thông tin đối ngoại’ khi cho viên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là Hà Kim Ngọc, và sau đó là Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức thông báo cho báo chí nhà nước về chuyến công du Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, tuy chưa rõ vào thời điểm nào trong năm.‘Mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ’Rõ là hai trạng thái đi Mỹ trên xuất phát từ tâm thế và tư thế của Trọng: nếu vào năm 2015 ông ta đến Mỹ với vị thế chỉ là tổng bí thư đảng, lại là đảng Cộng sản, mà đã bị giới chính khách phương Tây xét nét về chức danh ‘không chính danh’ khi xem xét các nghi thức ngoại giao để đón tiếp, thì nay Nguyễn Phú Trọng đã đương nhiên trở thành chủ tịch nước và suy ra là nguyên thủ quốc gia…, theo đúng não trạng ‘mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ’ của ông Trọng.Điệu cười mơn trớn và hể hả như thể ‘địa chủ được mùa’ chưa có tiền lệ của Nguyễn Phú Trọng dành cho một tổng thống Mỹ khi hai nhân vật này gặp nhau ở Hà Nội bên lề thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội là rất logic với một luồng dư luận cho rằng phía Hoa Kỳ đã phát ra tín hiệu ưng thuận cho Trọng đến Washington vào mùa hè năm 2019.Nhưng còn hơn thế, Trọng có vẻ đang tự tin bởi hành trang mà ông ta mang đến Phòng Bầu Dục. Với vai trò là nước chủ nhà đăng cai tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2 năm 2019, cho dù kết quả sau đó gần như là con số 0 và thậm chí còn bị xem là một thất bại mang tính sụp đổ, Việt Nam vẫn ghi được một điểm nhỏ trong cặp mắt của Trump về không khí bảo đảm an ninh và đặc biệt là triển vọng Hà Nội không chỉ xem ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ mà còn ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’ - hai động thái song trùng và gắn liền mà đang phát ra chỉ dấu thuận lợi để toàn bộ Hạm đội 7 của Mỹ tiến từ Thái Bình Dương vào Biển Đông, không còn e ngại sự va chạm nào về pháp lý với Việt Nam, nhằm áp sát các đảo đang tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà về thực chất là chuẩn bị cho một cuộc đối đầu về quân sự với Trung Quốc có thể xảy ra trong tương lai không quá xa.Cũng về thực chất, chuyến công du Washington sắp tới của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là một cử chỉ không còn thuần túy là cái cách ngả ngớn của một người đàn bà trước một người đàn ông, mà sẽ là lao thẳng vào vòng tay của người đàn ông đó.Cá Voi Xanh và ‘hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’Một điểm khác biệt nữa là nếu chuyến công du Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 lồng trong bối cảnh Trọng phải ‘gồng mình’ chấp nhận điều kiện phải có công đoàn độc lập trong Hiệp định TPP mà tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama đòi hỏi, thì không cần hoài nghi rằng chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn sâu về một trong những nội dung trọng tâm là ‘làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng’ và làm thế nào để Mỹ - Việt cùng khai thác triệt để mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối, được liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà không để ‘kẻ cướp Bắc Kinh’ dây phần.Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 60 tỷ USD dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra bởi chính quyền Việt Nam, gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là 20 tỷ USD) - được xem là giá trị rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.Đó là hệ quả của bầu không khí từ ‘cầu viện’ biến thành nồng ấm hơn và hơn hẳn trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ tháng 7 năm 2017 khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ - liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’, để sau đó Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính trị Việt Nam là dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh.Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió và sau cuộc cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới tại Washington sẽ hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu’ Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó, và hơn nữa là sự chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt’, Bộ Chính trị ở Hà Nội sẽ có thể như ‘sống lại’ để nhảy vào khai thác mỏ Cá Voi Xanh mà không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của ‘đồng chí bốn tốt’.Còn nhớ ngay sau chuyến thăm Việt Nam một cách bất thường của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jamne Mattis vào tháng 11 năm 2018, cùng tuyên bố đầy thách thức “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton, ExxonMobil đã một lần nữa quay lại nhà máy Lọc dầu Bình Sơn để triển khai hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh.Còn với Trump - là một nhà kinh doanh thực dụng trước khi bước chân vào chính trường - 60 tỷ USD quả là con số hấp dẫn.Nhưng ngoài Cá Voi Xanh, Trọng vẫn còn một hành trang khác - như một món quà - để phòng hờ trong cuộc gặp với Trump nếu bị gây áp lực về chính trị, kinh tế và ngoại thương.‘Cải cách’Vào cuối tháng Sáu năm 2018, một cấp dưới được xem là ‘gà’ của Nguyễn Phú Trọng là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một chuyến đi tiền trạm tới Mỹ.Khi tường thuật nội dung làm việc của ở Washington của Huệ, báo chí Việt Nam cho biết “Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, nước đóng vai trò quan trọng trong triển khai chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình dương; ủng hộ chia sẻ của Phó Thủ tướng về việc một Việt Nam mạnh, độc lập, cải cách sẽ mang lại lợi ích chung cho khu vực, trong đó có Hoa Kỳ”.Đã khá rõ là khi đó, Vương Đình Huệ muốn chuyển thông điệp của Nguyễn Phú Trọng có thể mang đến cho Donald Trump món quà là ‘cải cách’.Cùng lúc và như một sự cố ý, báo đảng Việt Nam đã đánh tiếng ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’…Vào năm 2015, Nguyễn Phú Trọng phải lần đầu tiên ‘xuất tướng’ sang Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, mà kẻ hưởng lợi phía sau đương nhiên là ngân sách đảng cầm quyền của ông ta trong bối cảnh sắp hết tiền, được tham gia và Hiệp định TPP. Còn vào năm 2019 này, ngân sách nuôi đảng của Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cạn kiệt và có thể lao xuống vực xoáy nguy hiểm của nạn vỡ nợ. Cần phải gấp rút tìm ra lối thoát cứu đảng và cứu vãn chế độ mà hơi thở của nó có lẽ chỉ còn kéo dài từng năm này.Chỉ có điều, rất đồng điệu với vô số hứa hẹn và cả cam kết về ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể Việt Nam luôn lặn không sủi tăm sau đó, vẫn chưa có bất kỳ động tác nào được xem là “cải cách thể chế” cho tới nay, và cũng chẳng có bất kỳ cơ sở đáng tin cậy nào, dù chỉ một chút, cho thấy ông Trọng và thể chế đảng trị kèm công an trị của ông ta sẽ chịu cải cách.Làm thế nào để cứu vãn tình hình kinh tế và chân đứng chính trị rệu rã chỉ trong một vài năm, khi vài ba chục năm trước đó đảng Cộng sản đã không hề cải cách, hoặc có tuyên bố cải cách cũng chỉ là thói đầu môi chót lưỡi như một cách để kéo dài thời gian và ‘thu gom’ viện trợ quốc tế phục vụ cho giới quan chức túi tham không đáy?Liệu với gợi ý ‘sẽ cải cách’ và hứa hẹn ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’ mà chẳng có bất kỳ bản thuyết minh chi tiết nào kèm theo, Nguyễn Phú Trọng có dễ dẫn dụ Donald Trump mở hầu bao viện trợ và đối ứng thương mại?20/03/2019
0 nhận xét