Ngân sách quân sự TQ đứng thứ 2 thế giới nhưng sức mạnh không tương xứng?
Ngày 5.3 vừa qua, trong báo cáo của chính phủ trước kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố dự toán ngân sách quốc phòng năm 2019 là 1.189,88 tỷ Nhân dân tệ (177.6 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2018, đứng thứ 2 thế giới.
Sau khi cải cách quân đội năm 2016, quân đội Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa mạnh mẽ.
Chi phí quốc phòng tăng mạnh
Báo cáo về xếp hạng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia năm 2018 do Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Anh Quốc (International Institute for Strategic Studies, IISS) cho thấy, Mỹ đứng đầu thế giới với 643 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 2 với 168,2 tỷ USD, các nước đứng sau là Ả rập Xê-út, Nga và Ấn Độ. Năm 2019, Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu về chi phí quốc phòng với dự toán 716 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngoài chi tiêu quốc phòng đối ngoại, Trung Quốc còn có một khoản chi tiêu đáng chú ý khác là “chi tiêu giữ ổn định” năm 2018 cũng tới 126 tỷ NDT, năm nay dự tính còn nhiều hơn.
Ngày 11.3, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockkholm, Thụy Điển (SIPRI) công bố văn bản cho thấy, trong thời gian từ 2014 đến 2018, lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ đã tăng 6% so với giai đoạn từ 2009 đến 2013, đạt tới 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của toàn thế giới.
Nhật báo Sankei Shimbun của Nhật ngày 11.3 đưa tin, tỷ lệ của nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 là Nga giảm 6%, chiếm 21%. Trong khi đó lượng vũ khí mua vào của các nước Trung Đông đã tăng gấp đôi, Ả rập Xê-út nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất (chiếm 12%) có lượng vũ khí nhập khẩu nhiều gấp 3 lần Ai Cập nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3.
Bài báo viết, Trung Quốc tập trung chi tiêu cho việc hiện đại hóa vũ khí, năng lực khai thác gia tăng rõ rệt, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc giảm đi 7%. Nga chiếm tới 70% thị trường nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc, chủ yếu là các máy bay chiến đấu tính năng cao và các hệ thống vũ khí phòng không.
Lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 2,7%, chiếm 5,2% thị trường toàn thế giới. Số quốc gia mua vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ 12 lên thành 53. Bài báo cho rằng, Trung Quốc muốn thông qua bán vũ khí để thắt chặt quan hệ ngoại giao. Do giá cả vũ khí biến động theo ảnh hưởng của nhân tố chính trị nên khi thống kê những cơ quan thống kê không tính theo kim ngạch giao dịch, mà lấy 5 năm làm một chu kỳ tính toán.
Đài truyền hình NHK của Nhật hôm 11.3 đưa tin, theo số liệu tính toán thì lượng vũ khí của Mỹ tăng 29% với chu kỳ tinh toán trước, Anh – Nga – Pháp chiếm 6,8%, Đức 6,4% và Trung Quốc 5,2%. 6 nhà buôn vũ khí lớn nhất này chiếm 3/4 toàn thị trường. Lượng nhập khẩu vũ khí của cả khu vực Trung Đông tăng tới 87% trở nên đặc biệt nổi bật trong điều kiện các khu vực khác đều phải giảm bớt nhập khẩu.
Trang tin Sina của Trung Quốc ngày 13.3 đưa tin, từ năm 2016 có 7 công ty Trung Quốc đã lọp vào Top 20 công ty bán vũ khí lớn nhất, trong các năm 2017, 2018 thứ tự xếp hạng của các công ty này tăng lên rõ rệt, theo thống kê của IISS. Các công ty này cũng rất thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu đem so sánh với một số quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Hiện có 53 quốc gia là bạn hàng mua vũ khí của Trung Quốc, trong đó có 13 nước đã đặt mua 53 máy bay không người lái vũ trang.
Theo Đa Chiều, 5 năm gần đây, lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 38%, còn lượng vũ khí nhập khẩu lại giảm 19%, chất lượng và công năng của các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng mạnh. Ví dụ: các loại máy bay FC-1, máy bay không người lái Caihong, máy bay huấn luyện KMT-8, pháo tự hành PLZ 45/05, tên lửa chống hạm C-803, xe tăng MBT-2000 và loại xe tăng chủ yếu được trang bị công nghệ cao VT-4 xuất khẩu đã mang lại vị trí khả quan của vũ khí Trung Quốc trong thị trường toàn thế giới.
Tờ Hindustan Times ngày 12.3 đăng bình luận chỉ rõ, tuy Trung Quốc hiện vẫn dựa vào nhập khẩu nhiều loại vũ khí và là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, nhưng Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang đứng đầu toàn thế giới.
Tiến sĩ Trần Quang Văn, một nhà bình luận quân sự có tiếng cho biết: chi phí cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã chiếm 2% GDP. Điều này đã giúp cho việc ra đời hàng loạt vũ khí tự thiết kế và bản quyền sở hữu trí tuệ, như máy bay tàng hình J-20, Y-20, tàu sân bay 001A, tên lửa DF-41. Tàu lớp 055, tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-3 và hệ thống Bắc Đẩu Tinh.
Năng lực thực tế còn nhiều bất cập?
Việc tăng ngân sách quốc phòng với mức độ lớn gây ấn tượng thực lực của quân đội Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, tờ Giải phóng Quân báo gần đây liên tiếp đăng bài chỉ ra những điểm yếu trong sức chiến đấu của quân đội. Tờ báo phê phán trong một cuộc diễn tập tiểu đoàn hợp thành trong điều kiện số hóa đã xuất hiện “chỉ huy tạm thời hỗn loạn”, 1 tiểu đoàn khác do xử lý thông tin không đúng đã khiến việc cập nhật bản đồ hình thái không theo kịp sự thay đổi chiến trường. Tờ báo tựa hồ tạo nên “hình ảnh một đội quân không nắm chắc chỉ huy cơ bản và không kiểm soát được nhiệm vụ”, “đối lập rõ rệt với hình ảnh một quân đội Trung Quốc khao khát đánh nhau và ngày càng nguy hiểm mà phương Tây đang dựng nên”.
Tờ Đa Chiều cho rằng, nhân tố quan trọng khiến khả năng chiến đấu thực sự của quân đội Trung Quốc khó có thể đánh giá được là sau cuộc chiến tranh với Việt Nam, quân đội Trung Quốc luôn thiếu kinh nghiệm thực chiến. Nói cho cùng, cách tốt nhất để đánh giá sức chiến đấu của một quân đội là thực chiến. Nếu phần lớn chi tiêu đều đổ vào việc hiện đại hóa vũ khí, cho dù tính năng vũ khí ưu việt, nhưng sự thiếu thốn một số công nghệ then chốt sẽ làm cho khả năng thực chiến của chính những vũ khí đó bị hoài nghi...
Ngoài ra,năng lực tổ chức và vấn đề tham nhũng của quân đội cũng là một nhân tố tác động đến chất lượng và sức mạnh chiến đấu. Một số nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, tài nguyên nhân lực, tổ chức và tham nhũng mấy chục năm nay vẫn luôn tác động đến quân đội Trung Quốc. Gần đây, hàng loạt tướng lĩnh cao cấp bị ngã ngựa cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ quân đội đã giành được tiến triển, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tin không được kiểm chứng về tướng này tướng nọ tiếp tục ngã ngựa, cho thấy trong nội bộ quân đội vẫn còn tồn tại hiện tượng tham nhũng. Tham nhũng rõ ràng là nhân tố bào mòn sức chiến đấu của quân đội.
0 nhận xét