Một số tuyên bố đáng chú ý của Malaysia về vấn đề Biển Đông gần đây
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019
19:39
//
Biển Đông
,
Slider
Kể từ khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đưa ra nhiều tuyên bố quan trọng, thể hiện quan điểm, lập trường của Malaysia trong vấn đề Biển Đông, trong đó nổi lên một số khía cạnh:
Malaysia kiên quyết bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông
Thiếu tướng K. “Bob” Thanabalasingam, chỉ huy người bản địa đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Malaysia cho rằng các yêu sách chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông không thể bác bỏ, ngoại trừ ở những khu vực các nước láng giềng có tuyên bố chồng lấn. Ông Thanabalasingam khẳng định các yêu sách của Malaysia được xác định theo UNCLOS liên quan đến khu đặc quyền kinh tế (EEZ), nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp vì không có quy định nào về quyền lịch sử. Theo ông Thanabalasingam, sự nghiêm túc của Malaysia trong vấn đề Trường Sa được ông Mahathir Mohamad đưa ra trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (20/6) cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác. Cụ thể, ông nói: “Trung Quốc đã yêu sách Biển Đông là của họ, song những đảo đó (khoảng 4 đến 5 đảo) từ lâu đã được coi là thuộc chủ quyền của Malaysia, do đó, Malaysia cần phải giữ lại chúng”. Ngoài ra, ông Mahathir cũng cho biết thêm: “có một số đá mà Malaysia đã cải tạo thành đảo, Malaysia hy vọng có thể duy trì hiện diện trên các đảo đó nhằm góp phần bảo vệ an toàn trước những nguy cơ trên biển, trong đó có cướp biển”.
Malaysia ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông
Phát biểu tại sự kiện Đầu tư Malaysia 2019, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (19/3) tiếp tục kêu gọi duy trì quan điểm Biển Đông mở cửa cho tất cả các tàu, thậm chí cả tàu chiến. Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad cũng nhấn mạnh rằng tự do như vậy không nên bị lạm dụng và không có tàu chiến nào có quyền lưu lại vĩnh viễn ở vùng biển tranh chấp vì điều này sẽ gây kích động cho các quốc gia xung quanh. Theo ông Mahathir Mohamad, các hành động kích động không phải là những gì mà chúng ta muốn thấy ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (21/10/2018) cho biết Malaysia sẽ tiếp tục kêu gọi để Biển Đông là một khu vực tự do, không có cạnh tranh hay gia tăng quân sự. Quan điểm này được Malaysia duy trì từ thời Thủ tướng Tun Abdul Razak Hussein. Theo Bộ trưởng Mohamad Sabu, tại các diễn đàn mở, các cường quốc luôn thể hiện họ tôn trọng luật biển quốc tế, nhưng sự thật thì ngược lại, ví dụ như vụ suýt đụng độ gần đây liên quan đến hai tàu chiến ở Trường Sa. Ông cho biết Malaysia muốn “các siêu cường tôn trọng Biển Đông là một khu vực trung lập và an toàn”. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Datuk Seri Azmin Ali (11/10/2018) khẳng định Malaysia duy trì lập trường rằng tự do hàng hải ở Biển Đông phải không bị cản trở, “khu vực này phải là khu vực hòa bình, tự do, trung lập và không được phép quân sự hóa”. Bộ trưởng Azmin nhấn mạnh “Khu vực Đông Nam Á đang coi Trung Quốc là người khổng lồ kinh tế mới với sự ngưỡng mộ chân thành, nhưng cũng có một số lo ngại vì sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Cam kết của Trung Quốc đối với sự phát triển hòa bình là cực kỳ quan trọng đối với sự thịnh vượng của khu vực”.
Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (20/6/2018) đã tuyên bố rằng Nhật Bản và Malaysia nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải ở eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cần phải là một khu vực tự do và cởi mở dựa trên thượng tôn phát luật và được đảm bảo là tuyến đường chung vì hoà bình và thịnh vượng của khu vực. Ông Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với tất cả những quốc gia nào ủng hộ khái niệm này với Malaysia. Tôi khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác vì hoà bình và ổn định khu vực, trong đó có lĩnh vực an ninh biển”. Về phần mình, Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định rằng: “Malaysia nhất trí về sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải khu vực eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia”.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (5/6/2018) cho rằng sự hiện diện các tàu chiến ở Biển Đông và eo biển Malacca đang phản ánh “một tín hiệu sai lầm” không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực. Ông cho rằng trong khi Malaysia chưa thể triển khai “một khu vực không tàu chiến” ở hai khu vực, các tàu quân sự không nên xuất hiện ở gần hai khu vực này vì có thể sẽ tạo ra tiền lệ không tốt giữa các nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jatswan Singh thuộc Khoa Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược, Đại học Malaya, Malaysia cho biết Malaysia đã đúng khi phản đối sự hiện diện của tàu nước ngoài gần các vùng biển của mình vì Malaysia và ASEAN luôn duy trì lập trường trung lập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động của quân đội Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tự do hàng hải trong tương lai. Ông Jatswan khẳng định Thủ tướng Mahathir đã sáng suốt khi bày tỏ lo ngại này của Malaysia và bổ sung thêm rằng khi các tàu chiến xuất hiện gần lãnh hải của Malaysia, điều đó sẽ biến Đông Nam Á thành đấu trường cạnh tranh giữa các nước lớn.
Malaysia sẽ theo đường lối trung lập
Trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Mahathir (21/2) cho rằng vị trí chiến lược của Malaysia đã khiến quốc gia này phải đối mặt với vô số đe dọa từ các siêu cường - những siêu cường có thể cuốn Malaysia vào các cuộc xung đột của các nước lớn; nhấn mạnh đây là nơi chúng ta cần thực hiện chính sách ngoại giao phù hợp, không được thỏa hiệp chủ quyền của Malaysia; khẳng định Malaysia không những thực hiện chính sách không liên minh, không chỉ với các siêu cường, mà còn phải thân thiện với các quốc gia lớn và nhỏ khác vì lợi ích chung.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Saby (7/2018) bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cho biết Malaysia sẽ tăng cường đối thoại với Trung Quốc và Mỹ để tránh việc khu vực bị trở thành “chiến trường”. Khi được hỏi về sự hiện diện của các tàu hạt nhân dọc trên eo biển Malacca, Mohamad cho rằng các tàu hải quân như vậy được phép đi qua song Malaysia sẽ không cho phép nếu các nước đó muốn tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung hoặc neo tàu ở khu vực vì nó có thể gây ra xung đột cho khu vực. Ông cũng lưu ý rằng an toàn dọc khu vực eo biển là vấn đề rất quan trọng vì đây là tuyến đường nhộn nhịp nhất trên thế giới với khoảng 100.000 tàu đi qua mỗi năm. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau Hội nghị Shangri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (4/6) cũng khẳng định nước này duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, theo đuổi biện pháp hoà bình và ngăn chặn xung đột vũ trang ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông Sabu khẳng định Biển Đông và eo biển Malacca gắn liền với thương mại khu vực và toàn cầu. Bình luận về phát biểu của ông Mattis rằng cần có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, ông Mohamad Sabu cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo con đường đàm phán. Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Mattis cũng đã đề xuất hợp tác với Malaysia trong huấn luyện quân sự.
Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah (24/7/2018) tuyên bố trong bối cảnh sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc, Chính phủ mới của Malaysia sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ ở Biển Đông. Ông Saifuddin cho biết phát biểu gần đây của Thủ tướng Mahathir về việc các tàu chiến nên được rút khỏi Biển Đông chính là dấu hiệu cho thấy Malaysia muốn trở nên cứng rắn, nghiêm túc hơn.
Quan tâm và thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Giám đốc Viện Biển Malaysia (MIMA) Datuk Chin Yoon Chin (5/3), cho rằng ASEAN đóng một vai trò thiết yếu trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và một trong những sáng kiến quan trọng của ASEAN là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông Chin khẳng định, DOC nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các vấn đề về chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, DOC nên giải quyết các vấn đề cấp bách hơn, ví dụ như việc sử dụng vũ lực và các hoạt động lấn biển, đồng thời xây dựng lòng tin. Ông Chin cho rằng, “các nỗ lực và sáng kiến nhằm tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tranh chấp cần phải được xem xét nghiêm túc. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy hiểu biết và hy vọng tổ chức được các cuộc đàm phán theo hướng tăng cường tiến trình xây dựng lòng tin”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah (25/7/2018) cho biết Malaysia hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này. Nếu không, Malaysia sẽ cân nhắc việc kiện Trung Quốc ra Tòa liên quan đến Đá Hoa Lau (Malaysia gọi là Pulau Layang Layang). Ông Saifuddin cho rằng có nhiều bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc là kẻ muốn đóng vai trò lớn hơn về mặt địa chính trị, “hiện không có kế hoạch nào về việc kiện Trung Quốc ra tòa, nhưng chúng tôi đang củng cố các biện pháp để đối phó với hành vi của Bắc Kinh, do vậy, COC cần phải được đẩy nhanh”. Tuy nhiên, ông Saifuddin cũng bảo đảm với Quốc hội rằng Malaysia sẽ không đưa hạm đội hải quân ra Biển Đông để đối phó với Trung Quốc nếu không có lý do rõ ràng.
Malaysia yêu cầu Mỹ và Trung Quốc tôn trọng lập trường của nước này nhằm đảm bảo Biển Đông là vùng biển tự do và an toàn
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (28/6/2018) cho rằng các siêu cường thế giới như Mỹ và Trung Quốc cần tôn trọng lập trường của Malaysia trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển tự do và an toàn cho tất cả các quốc gia ở khu vực. Ông Sabu cho biết Biển Đông có vai trò không thể tách rời đối với sự ổn định và kinh tế của khu vực Đông Nam Á, và Malaysia không muốn sự hiện diện của các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc trở thành “nguy cơ” đối với khu vực, khẳng định lập trường của Malaysia đã được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á khác có chung đường biên giới trên Biển Đông và cùng chung mong muốn duy trì hoà bình tại các vùng biển quốc tế và Malaysia không mong muốn bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang với các quốc gia khác. Ông Sabu nói thêm, “lập trường của Chính phủ Malaysia về vấn đề an ninh ở Biển Đông đã được khẳng định tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 tại Singapore”, cho biết “bên cạnh Biển Đông, Chính phủ Malaysia cũng nghiêm túc đánh giá vai trò của an ninh khu vực eo biển Malacca và hy vọng có thể triển khai thêm tàu tuần tra tới bảo vệ các vùng biển này khỏi mọi nguy cơ đe doạ, trong đó có cướp biển”. Bên cạnh đó, ông Sabu cho hay Bộ Quốc phòng Malaysia đang lên kế hoạch đẩy mạnh mua sắm khí tàu quân sự, bao gồm các máy bay trinh sát và bảo vệ an ninh, bằng ngân sách quốc gia vào năm tới.
0 nhận xét