Khủng hoảng Venezuela 31/3: Biểu tình tiếp diễn, Maduro ‘lì đòn’ hơn nhiều người nghĩ
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
31/03/2019
Một người phụ nữ cầm một tấm bảng viết rằng "Con cái chúng tôi đang chết dần chết mòn khi chúng chờ được phẫu thuật", trong một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Nicolás Maduro tại thủ đô Caracas, Venezuela. (Ảnh: AFP/Getty)
Biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục diễn ra hôm Chủ nhật. Khi nhà lãnh đạo cánh tả vẫn kiểm soát quân đội, cảnh sát, nhận được hậu thuẫn từ Nga, Trung Quốc, thậm chí là cả những băng đảng có vũ trang được gọi là Colectivos, triển vọng về một tổng thống mới cho Venezuela không lạc quan như nhiều người đã tưởng.
Được công nhận bởi hơn 60 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Australia, hầu hết các nước Mỹ Latin và châu Âu, nhưng Tổng thống lâm thời kiêm Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido vẫn khá mong manh về khả năng giành quyền kiểm soát từ nhà lãnh đạo cố thủ Maduro.
Dưới đây là diễn biến cuộc khủng hoảng Venezuela tính đến Chủ nhật ngày 31/3/2019:
Người Venezuela đã tổ chức các cuộc biểu tình rải rác vào Chủ nhật trong tình cảnh mất điện liên tục và thiếu nước uống sau hai lần mất điện lớn trong tháng 3, theo Reuters.
Các cư dân biểu tình tại khoảng 10 khu phố của thủ đô Caracas cũng như ở một số tỉnh, theo các nhân chứng và phương tiện truyền thông xã hội. Tình trạng cúp điện xảy ra vào sáng Chủ nhật sau khi chập chờn liên tục vào thứ Bảy.
Hầu hết những người biểu tình chỉ vẫy cờ và hô khẩu hiệu, mặc dù một số đường phố bị phong tỏa và đốt cháy lốp xe.
Một nhân chứng của Reuters đã nghe thấy tiếng súng nổ ở gần nơi các rào chắn đã được thiết lập, những người biểu tình cho biết một phụ nữ đã bị thương sau tiếng súng.
Chính quyền Maduro đã đưa ra nhiều lời giải thích cho sự cố mất điện, từ các cuộc tấn công mạng do Washington hậu thuẫn, đến việc lính bắn tỉa của phe đối lập đã gây ra hỏa hoạn tại đập thủy điện chính của đất nước. Theo Reuters, các nhà phê bình khẳng định đó là kết quả của hơn một thập kỷ tham nhũng và tình trạng quản lý yếu kém kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez quốc hữu hóa ngành điện vào năm 2007.
Giám đốc âm nhạc tại một trường Công giáo ở miền bắc Utah, Mỹ đã sáng tác một bản concerto mà ông nói là được lấy cảm hứng từ cuộc khủng hoảng ở quê hương Venezuela của ông, khiến nhiều người, bao gồm cả ông, đã phải chạy trốn khỏi đất nước, theo AP.
Bản concerto của ông Alfonso Tenreiro, có tên là The Prayer (tạm dịch: Lời cầu nguyện), dự kiến sẽ được trình diễn tại Lễ hội Ogden Bach vào tuần tới.
Nga đã từ chối rút quân khỏi Venezuela, tuyên bố sẽ hỗ trợ ông Maduro “lâu đến chừng nào cần thiết”, theo AP. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow khẳng định, quân đội của họ ở Venezuela để thực hiện các thỏa thuận trước đó.
Việc ông Maduro cố thủ quyền lực Venezuela đã khiến các nhà ngoại giao, các lãnh đạo nước ngoài và một số quan chức Washington suy xét rằng nếu không có hành động quân sự, thì ông Maduro có thể đi theo bước chân của các nhà lãnh đạo độc đoán khác, những người tiếp tục nắm quyền dù chịu các chế tài trừng phạt, theo báo The Star.
“Maduro chắc chắn đã cho thấy ông ta lì đòn hơn những gì mọi người nghĩ. Đó là một sự thật”, một nhà ngoại giao từ Mỹ Latinh cho biết, đề nghị giấu tên vì không được phép bình luận công khai về chiến lược khu vực. “Nếu bạn nghĩ rằng chính quyền này sẽ kết thúc ở đây, kết thúc ở đây, thế nhưng Maduro vẫn ở đó”.
Những người biểu tình phản đối Tổng thống Nicolas Maduro cầm biểu ngữ kêu gọi nhà lãnh đạo cánh tả từ bỏ quyền lực, một thanh niên biểu tình kéo áo để lộ dòng chữ “Tôi đói” ghi trên bụng (Ảnh: Vice.com)
Elliott Abrams, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Venezuela, nói: “Chúng tôi không có khả năng dự đoán chính xác khi nào các chế độ như thế này sẽ sụp đổ, nhưng chúng tôi có khả năng phân tích, và chúng tôi tin rằng chế độ Maduro cuối cùng sẽ chấm dứt. Cái kết cho ông ta là rời khỏi Venezuela, càng sớm càng tốt, bởi vì tình hình của ông ta sẽ chỉ đi xuống khi ông ta bám lấy quyền lực càng lâu và càng gây ra đau khổ ở đất nước này.”
Đại Kỷ Nguyên News
0 nhận xét