Đến lượt người Nga lo ngại đầu tư của doanh nghiệp TQ
Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019
16:14
//
Slider
,
TinThế giới
Chuyện một tòa án Nga tuần trước ra phán quyết tạm dừng dự án xây dựng nhà máy nước đóng chai bên bờ hồ Baikal (vùng Siberia) được ca ngợi như chiến thắng dành cho các nhà bảo vệ môi trường.
Dự án nhà máy nước đóng chai bên bờ hồ Baikal bắt đầu xây dựng từ tháng 1.2019 - Ảnh: The Moscow Times
Điều này không sai. Xây nhà máy tại hồ nước ngọt lớn nhất thế giới có nguy cơ gây thiệt hại không thể khắc phục từ Siberia đến tận Moscow. Kiến nghị phản đối dự án trên mạng thu hút hàng triệu người ký tên.
Tuy nhiên, bên cạnh lo ngại về môi trường đóng vai trò chính thì vẫn còn một yếu tố thúc đẩy phản ứng công chúng: tâm lý nghi ngờ của người dân Nga đối với đầu tư Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực.
Đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy nước đóng chai là Aquasib - công ty tư nhân Nga nhưng thuộc sở hữu một doanh nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang. Dự kiến 80% sản phẩm sẽ xuất sang một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Giáo sư Yury Tavrovsky đến từ đại học Hữu nghị Nhân dân Nga (RUDN) cho biết: “Những vấn đề trong trao đổi kinh doanh song phương tại Siberia đem lại vấn đề thực sự cho chính quyền Moscow. Dư luận cùng phần lớn phương tiện thông tin đại chúng đang phản đối đầu tư Trung Quốc. Nhà máy nước đóng chai mới khiến thái độ tiêu cực mà người dân dành cho cường quốc châu Á thêm nghiêm trọng”.
Quan hệ chính thức giữa hai quốc gia ngày càng trở nên thân thiết, một phần vì cả hai đều đang căng thẳng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Sáp nhập Crimea cùng một số sự kiện liên quan đến Ukraine đẩy mối quan hệ Nga - phương Tây đi theo chiều hướng xấu. Trong khi đó thì Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bị nghi ngại, lại còn hứng chịu cáo buộc gián điệp.
Đầu tư của Trung Quốc vào Nga trong vòng một thập niên qua tăng gấp gần 9 lần và đạt 13,8 tỉ USD vào năm 2017, với trọng điểm là ngành khai khoáng, nông - lâm - ngư nghiệp.
Trên thực tế, đầu tư chẳng giúp thúc đẩy tình hữu nghị mà chỉ đem đến phẫn nộ với căng thẳng, đặc biệt ở Siberia và khu vực Viễn Đông. Nhà máy nước đóng chai chỉ là minh chứng gần nhất.
Trước đó, hoạt động kinh doanh khai thác gỗ làm dấy lên quan ngại người Trung Quốc hủy diệt những cánh rừng cổ xưa. Giới truyền thông chỉ trích việc thuê đất nhàn rỗi của công ty đến từ cường quốc châu Á là hành động xâm chiếm.
Các nhà đầu tư Trung Quốc còn thâu tóm không ít khách sạn bên bờ hồ Balkan. Đã xuất hiện ý kiến cho rằng họ có ý đồ biến nơi đây thành một tỉnh trực thuộc.
Theo nhà phân tích Robert Kaplan của tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, người Nga luôn lo Trung Quốc giành lại ảnh hưởng về nhâu khẩu học cũng như kiểm soát kinh tế trong khu vực này qua thời gian dài.
Vào các năm 1858 và 1806, vương triều nhà Thanh phải nhượng cho đế quốc Nga hơn 1 triệu km2 đất phía đông bắc - chính là phần phía nam thuộc vùng Viễn Đông ngày nay. Hai bên từng xảy ra xung đột biên giới và được giải quyết bằng một thỏa thuận năm 1991.
Tình trạng mất cân bằng dân số càng khiến người Nga thêm cảnh giác: chỉ 8,3 triệu người sống ở vùng Viễn Đông, trong khi ba tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc có tổng cộng 90 triệu người.
Quan hệ đối tác chiến lược sắp được tung hô một lần nữa khi Tổng thống Vladimir Putin dự diễn đàn BRI tổ chức trong tháng 4 tới. Thế nhưng dù như vậy thì những cuộc biểu tình phản đối dự án nhà máy nước đóng chai bên bờ hồ Baikal vẫn có thể tái diễn.
“Hai chính quyền Bắc Kinh - Moscow phải giữ cho mọi thứ yên tĩnh, hòa bình. Nếu không mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ bị hủy hoại”, nhà phân tích Kaplan cho biết.
0 nhận xét