Cộng sản cai trị dân Việt như đội quân chiếm đóng
Tác giả: Võ Ngọc Ánh
09/03/2019
Cộng sản Việt Nam khai thác đất nước như đội quân chiếm đóng để thu lợi cho một nhóm người. Họ xem mọi tiếng nói của tự do là kẻ thù và luôn có thừa quyết tâm để đàn áp những tiếng nói yêu nước.
Trước ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đánh phá Việt Nam (17/2/2019) trong một cuộc chiến tàn khốc, nhà cầm quyền Tp HCM đã cho cẩu lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng đi nơi khác.
Hành động rất xảo quyệt này chỉ nhằm mục đích ngăn cản người dân Sài Gòn đến nghiêng mình trước vị anh hùng dân tộc. Họ đến thể hiện lòng yêu nước, thức tỉnh trước nguy cơ xâm lược ngàn đời từ Trung Quốc.
Việc làm trên của nhà cầm quyền đích thực chống lại tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc hình thành, nuôi dưỡng qua hàng ngàn năm nay của người Việt.
Trước đó, đã rất nhiều lần nhà cầm quyền đã dùng nhiều lực lượng để đàn áp thẳng tay với bất kỳ ai dám đến đây thể hiện lòng yêu nước trong dịp kỷ niệm chiến tranh với giặc phương Bắc.
Lực lượng đàn áp lòng ái quốc của nhân dân này được thưởng công, không ít cá nhân được tặng bằng khen, thăng chức.
Ngăn cản người dân thể hiện lòng yêu nước, thưởng công người đàn áp, đã nói lên bản chất của cộng sản không khác gì đội quân chiếm đóng, cai trị ngay chính đồng bào mình.
Gần 80 năm trước, cộng sản đã lừa người dân Việt trong một lời hứa hay để thiết lập nhà nước cai trị. Đám người luôn nhân danh nhân dân đã rước về chiến tranh, gây chia rẽ dân tộc, làm tê liệt sự phản kháng trước cái sai, cướp mọi quyền chính đáng của người dân, triệt tiêu sức sáng tạo… độc quyền cai trị đưa đất nước vào con đường chậm tiến.
Nhà nước ăn cướp
Đến hôm nay nhà nước ấy có hẳn một bộ chuyên lo đường cho dân đi. Tuy nhiên cũng chưa có thời nào mà người dân muốn đi đâu phải mua lộ phí với giá không hề rẻ như bây giờ.
Theo anh Trần Mã Thượng, từ Sài Gòn lên Gia Lai hơn 500 km, một chiếc xe bốn chỗ phải mua đường đi hết khoảng 500 nghìn đồng. Bằng phân nữa tiền xăng cho đoạn đường trên.
Một đất nước giao thông chắp vá nhưng có đến 63 trạm thu phí đường bộ. Để rồi bất kỳ ai khi ngồi lên ô tô phải mua mới có đường để đi, dù bất kể lăn bánh trên đường cũ hay mới.
Giao thông như cái mỏ cho những kẻ có tiền, có quyền câu kết nhau khai thác. Thực chất tận thu trên quyền căn bản của dân.
Cũng giao thông, sáng ngày 6/03/2019, giải trình với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể lại đưa ra đề xuất, “Mất bằng lái phải thi lại”.
Nếu được thực hiện sẽ gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc không nhỏ. Bởi trước đó để có được bằng họ phải bỏ ra ít nhất ba tháng đi học và khoảng 10 triệu đồng cho học phí, thuê xe tập. Điều này còn nói lên một chính quyền làm việc không có hệ thống, chẳng quy trình, thiếu thông tin.
Anh Trịnh Sơn, một người làm nghề truyền thông sự kiện tại Sài Gòn, hài hước đặt nói. Theo lô-gich của nhà cầm quyền, liệu người dân có phải: “Mất giấy hôn thú thì cưới lại. Mất giấy khai sinh thì nhét bé vô đẻ lại. Mất sổ vay ngân hàng thì vay lại. Mất trinh thì vá lại. Mất chứng tử đào mồ lên chôn lại. Mất bằng đại học thì học lại. Mất thẻ đảng kết nạp lại. Mất BOT này Thể xây BOT khác...”, được không?
Và hôm nay,
Nước Việt dưới thời nhà Sản cai trị, người dân muốn đến được các thắng cảnh vốn tổ tiên ngàn đời đổ máu để giữ gìn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ.
Bởi thế mà đỉnh Fansipan hay Bà Nà, biển Đà Nẵng tới Nha Trang, Đà Lạt xuống Vũng Tàu… chính quyền dễ dàng đồng ý để kẻ thích đếm tiền can thiệp thô bạo. Nhìn thắng cảnh quốc gia hôm nay không khỏi xót lòng.
Nhà Sản rao bán dưới mị từ đầu tư, phát triển. Bất kể đó là nơi trọng yếu của quốc gia như Vũng Án, Tây Nguyên, hay Vũng Rô…
Bởi đơn giản, tài sản chung của toàn dân đang bị kẻ nhân danh đại diện bán hời cho kẻ giàu tiền và thừa lòng tham.
Nhà Sản đang rao bán vội vã tài nguyên, thắng cảnh, khoáng sản như lo mất phần mình, như sợ để dành cho con cháu mai sau. Họ tệ bạc với tương lai dân tộc hơn cả thực dân.
Nhà nước cầm quyền
Quyền của người dân Việt Nam trong thời XHCN của nhà Sản được thay thế bằng nỗi sợ chính quyền, sợ công an, sợ chuyện nhạy cảm… bao trùm từ nơi phố thị đến chốn thôn quê.
Sự tiếm đoạt các quyền căn bản của người dân bởi các điều luật 79, 88, 258 theo Bộ luật Hình sự xem ra vẫn chưa đủ. Kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV vào 6/2018 đã thông qua Luật An ninh mạng và chính thức có hiệu lực đầu năm nay.
Mục đích của nhà cầm quyền không phải làm cho quốc gia an toàn hơn trước sự tấn công từ bên ngoài mà là chỉ muốn buộc thêm dây trói người dân.
Nhà nước tạo cho người dân nỗi sợ thực sự, tự kiểm duyệt “lời ăn tiếng nói” trên không gian mạng. Nơi vốn dĩ trước đó họ còn có một không gian hẹp để lên tiếng.
Để hôm nay sau 40 năm dưới sự cầm quyền của nhà Sản, tự do chính trị ở Việt Nam là con số không tròn trĩnh, tự do lập hội tệ hơn thời thực dân, tự do tôn giáo chỉ là lừa bịp, tự do báo chí là bánh vẽ.
Cái nhà nước ấy luôn có dư ý chí, tiền của, tài lực... để đàn áp những tiếng nói thức tỉnh lương tri, lòng yêu nước, hành động cho một nước Việt tự do, dân chủ, văn minh, cường thịnh.
Lợi ích của nhà nước cộng sản Việt Nam không song hành cùng tổ quốc, dân tộc. Nó chỉ phục vụ cho mưu đồ cai trị.
“Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, hay “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” là những khẩu hiệu mị dân để thật sự cầm quyền.
Tất cả để duy trì một nhà nước cai trị chứ không phải một nhà nước phục vụ.
“Nhà nước kiến tạo”, chỉ là khẩu hiệu lừa đảo của thời Phúc niễng làm tể tướng.
08.03.2019
Võ Ngọc Ánh
danlambaovn.blogspot.com
0 nhận xét