Chủ tịch Trọng còn nhớ tới Hoàng Sa?
Một trang Facebook với hàng trăm ngàn người theo dõi vừa đăng đường dẫn tới bài có tựa ‘Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh lấy lại Hoàng Sa’.
Bài được đăng hôm 25/2 và được hàng ngàn người ‘thích’ cùng hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Tuy nhiên đường dẫn tới trang web không truy cập được do lỗi ‘404’. Có nhiều khả năng đó chỉ là bài luộc lại những gì ông Nguyễn Phú Trọng đã nói từ năm 2014 khi ông chưa kiêm chức chủ tịch nước và còn đang vất vả cạnh tranh với thủ tướng lúc đó Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào vị trí tổng bí thư tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản hồi đầu năm 2016.
“Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng ta khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trọng nói hồi tháng 7/2014.
“Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa.”
Phát biểu của ông Trọng được đưa ra trong bối cảnh diễn ra điều mà trang Zing của Việt Nam gọi là “75 ngày Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông” hồi năm 2014. Bắc Kinh đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào “sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý”, cho cả trăm tàu vào hộ tống và đã đâm thủng tàu của cảnh sát biển Việt Nam cũng như đâm chìm tàu của ngư dân đánh cá trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ đầu tháng Năm tới giữa tháng Bảy năm 2014.
Ông Trọng phát biểu trong cuộc gặp với cử tri ở Hà Nội, hai tuần trước khi Trung Quốc rời giàn khoan đi vào ngày 16/7/2014 và một cử tri cũng được dẫn lời nói: “Chúng ta đã thấy được âm mưu lâu dài của bọn bá quyền Trung Quốc hòng thôn tính nước ta. Trung Quốc đã biến ta từ bạn thành thù, ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Chúng ta cần tuyên truyền để nhân dân ta không mắc mưu Trung Quốc.”
Kể từ sau tuyên bố cụ thể của ông Trọng về Hoàng Sa cách đây đã năm năm, người ta không còn thấy ông được báo chí chính thống trích lời nói về vấn đề này nữa. Trong dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam mà ông Trọng đứng đầu ở cả hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước đã ngăn cản người dân tổ chức tưởng niệm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền còn cho cẩu cả lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo vào đúng ngày 17/2/2019, ngày Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn quân tiến đánh sáu tỉnh biên giới.
Trung Quốc trên thực tế tiếp tục dùng Hoàng Sa mà họ kiểm soát toàn bộ làm bàn đạp để kiểm soát Biển Đông. Đầu năm nay quân đội Trung Quốc đã tiến hành 20 lượt tập trận trải dài trong 34 ngày tại khu vực đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm toàn bộ sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng hoà hồi năm 1974, theo trang Business Insider. Các cuộc tập trận có sự tham gia của hải quân, không quân và đơn vị tên lửa. Hà Nội không có bất kỳ phản ứng nào về đợt tập trận mới nhất này.
Kể cả khi Việt Nam phản ứng trước những hành động của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đành phải chấp nhận thực tế là Trung Quốc không đếm xỉa gì tới các phản ứng này.
Và Việt Nam cũng chỉ có những phản ứng thực sự mạnh mẽ khi Bắc Kinh tiến sâu vào thềm lục địa của Việt Nam như họ đã làm hồi năm 2014. Hồi tháng Năm năm ngoái, nhân ba năm sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam đã nhắc lại điều mà họ gọi là “bài học” để đối phó với Trung Quốc:
“Thứ nhất là: phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc…
“Thứ hai là: chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu.
“Thứ ba là: các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, đó là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương.”
Việt Nam cũng hiểu rằng họ ở thế yếu hơn so với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển. Cả Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều đã để mất đảo vào tay Trung Quốc trong các năm 1974 và 1988. Hành động khiêu khích gần nhất của Trung Quốc hồi năm 2014 cũng đã khiến Hà Nội tăng cường giao lưu với hải quân các nước trong đó có Hoa Kỳ và Anh.
Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/.
0 nhận xét