Chính trị lưu manh và nhà nước ăn cướp
Nguồn: CTM Media
Tác giả: Tân Phong
18/03/2019
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra ngày 8/3/2019 vừa qua. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
"Không gì có thể làm xã hội thay đổi lớn hơn và đưa vào xã hội cái ác lớn hơn là biến luật pháp thành công cụ cướp bóc” – Claude Frederic Bastiat, “Luật Pháp”.
Trong phiên họp chuyên đề xây dựng luật pháp ngày 8/3/2019, ông Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu “Cần chấm dứt tư tưởng bao cấp, xin cho, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật”. Câu nói này có thể hiểu rằng chuyện xin cho, bao cấp, lợi ích nhóm trong việc xây dựng luật pháp ở Việt Nam bấy lâu nay là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Kể từ ngày trở thành thủ tướng với tham vọng xây dựng một nhà nước “liêm chính, kiến tạo”, giờ đây, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn loay hoay trong một vũng lầy của nền pháp trị bị lũng đoạn, chi phối bởi các nhóm lợi ích mà chính ông cũng dự phần không nhỏ. Xem ra, cái đích “liêm chính, kiến tạo” của ông Phúc xa vời chẳng khác gì cái “thiên đường xã hội chủ nghĩa” của ông tổng tịch Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn với người dân.
Ai cũng thấy việc phân chia lợi quyền của các nhóm lợi ích trong đảng CSVN và thân hữu ở khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Luật pháp ở Việt Nam đã từ lâu là một hệ thống hoàn hảo phục vụ cho việc cướp bóc hợp pháp, biến người dân trở thành con mồi, nạn nhân không có khả năng tự vệ.
Việc “làm luật” để “làm tiền” của đảng CSVN đi theo một “qui trình” rất đơn giản. Một nhóm lợi ích có quan hệ chính trị đủ mạnh trong lĩnh vực nào đó khi muốn kiếm tiền sẽ bàn với những kẻ đủ thẩm quyền “quyết” một chính sách bảo hộ, thuế phí có lợi nhất cho phe nhóm của mình hoặc ra các tiêu chuẩn có thể ép chết đối thủ cạnh tranh. Những “thông tư”, “nghị định” như vậy được “mua đứt” bằng nhiều triệu USD hoặc được chia phần theo kiểu “góp hụi” theo thời gian văn bản thông tư còn “hiệu lực làm tiền”.
Trước khi chuẩn bị ra đời những văn bản dưới luật kiểu thông tư hay nghị định như thế, những bài báo mang tính định hướng “than khó, than lỗ” và những “chuyên gia” lên tiếng cần phải hỗ trợ cho “nhóm lợi ích” nào đó dưới danh nghĩa phát triển, tái cơ cấu, ổn định hóa, bảo vệ thị trường sẽ ồn ào trên báo chí “lề đảng”, “lề phải”. Sau đó, một văn bản đề nghị tăng mức thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế trước bạ, điều chính giá điện, nước, xăng dầu, bảo hiểm… của cơ quan chủ quản vì với những lý do rất “trời ơi” kiểu như “tăng giá điện để lành mạnh hóa tài chính ngành” hay “tăng giá xăng để bảo vệ sức khỏe người dân”… Và ông thủ tướng chính phủ gật đầu. Thế là giá tăng. Thực ra, điều hành chính phủ của nhà nước CSVN không khác mấy cái chợ trời được các tay anh chị xã hội đen đứng ra tổ chức bảo kê.
Sự cướp bóc được hợp pháp hóa bằng luật và thông qua các mức thuế gián thu là một phương thức ăn cướp tinh vi đối với người dân. Với nhận thức chính trị và luật pháp còn yếu như ở Việt Nam, người dân đa phần nhẫn nhục chịu đựng mà không mấy băn khoăn “Tại sao xăng, điện, nước tăng mãi thế? Tại sao bảo hiểm xã hội lại giữ tới 1/3 lương của mình? Tại sao viện phí tăng mà chất lượng không tăng…”
Những khoản thuế phí này đã gặm nhấm tàn bạo vào khoản thu nhập ít ỏi từ đồng lương thấp nhất khu vực Đông Nam Á của người lao động Việt Nam. Hình thức ăn cướp trực tiếp và trắng trợn hơn như các trạm BOT thì được gọi bằng những từ ngữ mĩ miều “thu giá” và các luận cứ kinh tế “hoàn vốn cho nhà đầu tư”.
Đường quốc lộ có từ thời Pháp thuộc, chỉ cần trải lại thảm nhựa mất khoảng vài trăm tỷ đồng, lập báo cáo kỹ thuật nâng khống lên vài ngàn tỷ đồng để vay vốn ngân hàng, sau rồi dựng một cái trạm thu phí để “cướp”. Số tiền thu được có thể gấp 1000 lần số tiền bỏ ra lobby cho các văn bản hợp pháp hóa việc ăn cướp. Những câu chuyện tương tự ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực và mức độ ngày một trắng trợn, tàn bạo hơn.
Nhà nước và luật pháp của CSVN đã trở thành một hệ thống ăn cướp hoàn hảo. Mọi thứ đều “công khai” và “đúng qui trình, đúng pháp luật”. Người dân phải è cổ đóng đủ loại thuế phí mà không thể biết những đồng tiền đó sẽ được chính phủ chi tiêu việc gì. Đơn giản vì đó là “bí mật quốc gia”. Nếu có ý kiến khác hoặc đòi “giám sát” doanh nghiệp hay chính phủ thì bạn sẽ được phong tặng danh hiệu “thế lực thù địch”.
Chưa bao giờ, việc tham gia đảng Việt Tân lại dễ dàng như vậy và Việt Tân cũng được CSVN chính thức “vinh danh” như một lực lượng chống lại sự bất công xã hội mà chính đảng CSVN tạo ra.
Quay trở lại câu nói của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập bên trên, thực ra câu nói của ông Phúc cũng như rất nhiều ông “lãnh đạo” CSVN khác đều thể hiện một bức tranh nham nhở, một thực trạng hỗn mang của hệ thống luật pháp và một nhà nước “nát như tương bần”. Tư duy chính trị của những người cộng sản dường như vẫn ở thời kỳ sơ khai khi phải giải quyết các vấn đề quản trị xã hội và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Một hệ thống luật rừng được tạo ra không phải để bảo vệ công lý, ngăn chặn tội ác mà ngược lại. Luật pháp ở Việt Nam là một hệ thống điển hình đã bị bóp méo hoàn toàn mà như Frederic Bastiat nói “… Luật pháp đã được đặt vào tay những kẻ vô đạo đức, những kẻ muốn bóc lột con người, bóc lột quyền tự do và tài sản của người khác mà không phải chịu bất cứ rủi ro nào…”
Tân Phong
0 nhận xét