Chính quyền Trump ‘dồn ép’ TQ trên nhiều mặt trận
Tuần qua ghi dấu bằng một loạt các động thái cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề từ Biển Đông, tín ngưỡng, nhân quyền đến hoạt động thương mại. Những động thái này nằm trong một chiến lược tổng thể của chính quyền Trump “coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh” chứ không phải là “đối tác” như cách tiếp cận của những chính quyền Mỹ trước đây.
Theo AP, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân Vụ Thượng Viện, hôm thứ Năm (14/3), quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Patrick Shanahan, đã tóm tắt dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2020 để đối phó với các đe dọa an ninh quốc gia chỉ trong vỏn vẹn trong ba chữ: “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”.
Theo đó, ông Shanahan đề nghị Nghị viện Mỹ thông qua khoản ngân sách 718 tỷ đô la cho đầu tư quốc phòng năm tới, trong đó dành ra một phần cho ‘kế hoạch Trung Quốc’. Vì theo vị quyền bộ trưởng, “chúng ta đã bỏ qua vấn đề này quá lâu rồi” khi Bắc Kinh liên tục “đánh cắp có hệ thống” kỹ thuật cao của Mỹ và đồng minh, đồng thời quân sự hóa các đảo họ chiếm được trên Biển Đông.
Quan điểm của ông Shanahan phản ánh cách nhìn của chính quyền Trump về Trung Quốc khi chỉ rõ đây là ‘đối thủ’ chứ không phải là ‘đối tác’ như cách đánh giá của những chính quyền trước đây hay châu Âu về quốc gia Đông Á đầy tham vọng này. Đặt Trung Quốc ‘đúng chỗ’ đã cho thấy sự thành công trong cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Trump, vì như giáo sư kinh tế chính trị Stein Ringen, Đại học Hoàng Gia London, đánh giá, “năm 2018 là một năm mệt mỏi đối với Trung Quốc”. Và cũng theo giáo sư Ringen, phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã và đang dần thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc phải lùi lại, điều đó đồng nghĩa với việc uy thế của Hoa Kỳ tăng lên trên trường quốc tế.
Sự đúng đắn trong chiến lược với Trung Quốc của chính quyền Trump còn được minh chứng qua việc Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái “điều chỉnh lại” quan hệ với Trung Quốc, bằng việc cho công bố một báo cáo chiến lược “ứng phó” với quốc gia Đông Á hôm thứ Ba (12/3). WSJ bình luận, “những khẳng định được thể hiện trong báo cáo hoạch định chiến lược của Ủy ban châu Âu đã đưa cách tiếp cận của Brussels đối với Bắc Kinh gần hơn với cách đánh giá của Hoa Kỳ về Trung Quốc”.
Để điều chỉnh hành vi của chính quyền Trung Quốc, Mỹ liên tục gây sức ép lên Bắc Kinh từ nhiều hướng bằng các hoạt động ngoại giao mềm dẻo nhưng cứng rắn, bên cạnh các biện pháp chính trị và quân sự.
Bảo vệ lẽ phải trên Biển Đông
Freebeacon đưa tin, hôm thứ Tư (13/3), Hoa Kỳ tiếp tục điều hai máy bay ném bom B52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Biển Đông để khẳng định luật pháp quốc tế và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Trước đó 9 ngày, vào ngày 4/3, Mỹ cũng đã cho 2 pháo đài bay tập trận trên Biển Đông. Cũng trong ngày thứ Tư, tàu chỉ huy của Hạm đội 7 đã đi ngang Biển Đông để tới thăm Philippines.
Tuần trước, tàu chiến Mỹ đã tiến vào khu vực biển của đảo Thị Tứ ở Trường Sa để “giải tán” hàng chục tàu dân quân của Trung Quốc đang vây giáp hòn đảo này. Trước nữa vào tháng Một và tháng Hai, Mỹ cũng đã nhiều lần đưa tàu tuần tiễu và tập trận cùng đồng minh trên Biển Đông.
Đúng như tờ Business Insider đánh giá, việc chính quyền Trump liên tục cho tàu và máy bay ra Biển Đông sẽ dần tạo ra cho Trung Quốc một cảm giác rằng, việc Mỹ hiện diện ở vùng biển có tuyến hàng hải sôi động bậc nhất thế giới này là “điều bình thường”. Điều đó có nghĩa là, vô hình chung, Trung Quốc ‘tự động’ phải thừa nhận và chấp hành quyền tự do lưu thông trên vùng biển mà họ có ý định chiếm hữu thành của riêng. Thật vậy, ở ‘chuyến thăm’ Biển Đông hôm thứ Tư, một quan chức quân đội Mỹ tiết lộ rằng trong khi hai máy bay B-52 thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển này không gặp phải cản trở của bất kỳ máy bay nào của Trung Quốc, điều chưa từng thấy trước đây.
Bên cạnh các hành động trên thực địa, các quan chức của chính quyền Trump cũng mạnh mẽ lên án các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. The Diplomat cho hay, hôm thứ Ba, phát biểu tại một sự kiện tại thành phố Houston, Texas, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Bắc Kinh đang thể hiện rõ tham vọng bành trướng và sự bá quyền của mình “bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ đô la nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi [ở vùng biển này]”.
Sau đó ông Pompeo bày tỏ rằng Hoa Kỳ muốn giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc: “Ngược lại, Chính phủ Hoa Kỳ [muốn] hỗ trợ an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi muốn các quốc gia trong khu vực được tiếp cận với nguồn năng lượng của chính họ [trên Biển Đông]”, và, “Chúng tôi muốn giúp đỡ họ. Chúng tôi muốn tạo ra sự hợp tác. Chúng tôi muốn những giao dịch minh bạch, không hề có bẫy nợ”.
Chính quyền Trump đặc biệt chú trọng bảo vệ tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo (bên trái) (Ảnh: Getty)
Tiếp theo ông Pompeo đẩy bài phát biểu của mình lên cao trào khi thẳng thắn nói rằng Trung Quốc không đáng tin, vì “họ không bao giờ sử dụng chung một bộ quy tắc cho các mối quan hệ. [Bởi] đơn giản chúng có giá trị khác nhau”.
Lên án hành vi đàn áp tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền
Trong tuần qua, một lần nữa, nhiều quan chức của chính quyền Trump đồng loạt gay gắt lên án hành vi đàn áp tôn giáo và vi phạm quyền con người của Bắc Kinh. Theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân quyền, chính quyền Trung Quốc đang duy trì và mở rộng các trại cải tạo trên khắp vùng Tân Cương, Ninh Hạ, để cầm giữ những người khác biệt niềm tin với giới cầm quyền. Ở một hoàn cảnh không khác là bao, theo AP, kể từ khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1951, Tây Tạng đã bị cai trị phía sau tấm “màn sắt” an ninh mà Bắc Kinh thiết lập. Nhiều người Tây Tạng ở nước ngoài nói rằng tài nguyên thiên nhiên của quê hương họ đang bị khai thác vì lợi ích của Bắc Kinh, trong khi ngôn ngữ, văn hóa Tây Tạng, và tín ngưỡng Phật giáo từ bao đời của dân tộc họ đang dần bị phá hủy.
Phát biểu trong buổi công bố Báo cáo nhân quyền thường niên, hôm thứ Tư (13/3), Ngoại trưởng Pompeo điểm mặt Trung Quốc là quốc gia “đứng đầu trong việc vi phạm nhân quyền”, và, “Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh, lên mức kỷ lục, chiến dịch bắt nhốt người của các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo”.
Không chỉ Ngoại trưởng Pompeo, đại sứ về tự do tín ngưỡng do Tổng thống Trump tiến cử, ông Sam Brownback đã có bài phát biểu mạnh mẽ khi đang ở Hồng Kông, thành phố bán tự trị ngay sát sườn chính quyền trung ương Trung Quốc.
“Dường như chính quyền Trung Quốc đang chống lại đức tin”, Đại sứ Brownback phát biểu tại Hồng Kông hôm thứ Sáu (8/3), theo Washington Examiner. “Đây là một cuộc chiến mà họ sẽ không giành phần thắng”.
Ngày 4/3/2019, ông Sam Brownback (trái), Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, hứa sẽ giúp đỡ tiến sỹ Trương Ngọc Hoa (giữa), một học viên Pháp Luân Công tại Mỹ, giải cứu chồng bị giam giữ ở Trung Quốc chỉ vì tập Pháp Luân Công. (Ảnh: Sound of Hope)
“Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lắng nghe tiếng khóc của chính người dân của mình chỉ vì họ mưu cầu tự do tín ngưỡng”, ông Brownback thúc giục Bắc Kinh. “Một ngày nào đó sớm thôi, họ sẽ được tự do theo đuổi đức tin của mình. Cánh cổng tự do tín ngưỡng sẽ mở ra ở Trung Quốc và bức màn sắt che mắt cuộc đàn áp tín ngưỡng sẽ bị kéo xuống. Chính quyền Trung Quốc hiện đang đứng về phía sai lầm của lịch sử … nhưng điều này sẽ phải thay đổi.”
Chỉ vài ngày trước đó, hôm 4/3, Đại sứ Brownback cam kết sẽ tiếp tục hành động nhằm ngăn chặn các hoạt động đàn áp tín ngưỡng của chính quyền Trung Quốc, trong đó có cuộc bức hại đối với những người tập Pháp Luân Công, môn khí công được tự do tập luyện tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới nhưng bị đàn áp ở đại lục từ năm 1999 đến nay.
Các học viên Pháp Luân Công từ nhiều quốc gia ngồi thiền bên cạnh Toà nhà Nghị viện Hoa Kỳ tại thủ đô Washington ngày 20/6/2018(Ảnh: Edward Dye/Epoch Times)
Buộc phải thay đổi trong quan hệ thương mại
Tổng thống Trump từng nói thẳng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc đã lừa gạt Mỹ [trong quan hệ thương mại] một thời gian dài”. Ông Trump cũng từng tuyên bố trên Twitter cá nhân rằng “Nếu một quốc gia đối xử không công bằng với Hoa Kỳ trong thương mại. Thì họ hoặc phải đàm phán lại cho công bằng hoặc bị đánh thuế”. Những điều này lý giải tại sao có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và Tổng thống Trump lại quyết liệt với Trung Quốc như vậy.
Sau một thời gian không thể “leo nổi” thang với Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã phải nhượng bộ trước sự cứng rắn của chính quyền Trump. CNBC đưa tin hôm 4/3, Trung Quốc có kế hoạch giảm thuế đối với hàng nông sản, hóa chất, ô tô và các sản phẩm khác nhập từ Hoa Kỳ như một phần của thỏa thuận thương mại sắp đạt được với Mỹ. Hôm 15/3, AFP cho hay, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc đã thông qua luật loại bỏ quy định các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc và ngăn chặn việc can thiệp trái phép của chính quyền.
Tuy nhiên, những động thái đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Tổng thống Trump, mặc dù ông bày tỏ sự lạc quan đối với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ông nói ý rằng vẫn có thể “bỏ về” nếu không có thỏa thuận tốt, như cách mà ông đã làm Triều Tiên “chưng hửng” ở Thượng đỉnh hạt nhân Hà Nội hồi cuối tháng Hai, “Nhưng nếu chúng tôi không đem về một thỏa thuận tốt cho đất nước của chúng ta, tôi sẽ không đồng ý. Nếu đây không phải là một thỏa thuận tuyệt vời, tôi sẽ không chấp thuận”.
Tờ báo Hồng Kông, SCMP, hôm thứ Sáu đưa tin, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump vào cuối tháng 3 sẽ bị hoãn lại tới tháng 6 vì cuộc đàm phán thương mại vẫn chưa đến hồi kết. SCMP nhận định, việc hoãn cuộc gặp dường như là một cơ chế nhằm đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng lời hứa của mình.
Hôm thứ Năm, tại Nhà Trắng, ông Trump phát biểu rằng Trung Quốc đã thể hiện một thái độ “rất có trách nhiệm và rất hợp lý. Nếu điều đó được thực hiện, đó sẽ là điều mà mọi người sẽ nói đến trong một thời gian dài”.
0 nhận xét