Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bỏ xa Nga, chỉ kém Mỹ: Trung Quốc đang rất bài bản và chịu chi cho cuộc chơi lớn

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019 18:07 // ,

Soha
Đại sứ Trần Đức Mậu |  

Bỏ xa Nga, chỉ kém Mỹ: Trung Quốc đang rất bài bản và chịu chi cho cuộc chơi lớn
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Về kinh tế và thương mại, TQ đã trở thành kỳ phùng địch thủ của Mỹ nhưng về quân sự thì vẫn chưa thể sớm ngang bằng được với Mỹ. TQ đang kiên nhẫn nỗ lực thu hẹp dần khoảng cách.

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng
Tại khoá họp đầu tiên trong năm nay, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua ngân sách quốc phòng cho năm 2019. Theo đó, chi phí quốc phòng của Trung Quốc cho năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018, giá trị tuyệt đối là 177,5 tỷ USD trong khi Trung Quốc đề ra mục tiêu về tăng trưởng GDP để phấn đấu là từ 6 đến 6,5%.
Năm 2018, ngân sách quân sự và quốc phòng của Trung Quốc tăng 8,1% so với năm 2017 và tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,6%. Theo số liệu được phía Trung Quốc chính thức công bố, mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2017 là 7% so với năm 2016 và cho năm 2016 tăng 7,1% so với năm 2015.
Còn trong thời gian từ 2011 đến 2015, mức tăng này của Trung Quốc đều là hai con số.
Qua đó có thể thấy là Trung Quốc kiên định chủ trương tăng mạnh ngân sách quốc phòng và quân sự bất kể tăng trưởng kinh tế nói chung của đất nước thuận lợi hay khó khăn, lại còn ở mức độ chỉ cao hơn hoặc cùng lắm chẳng thấp hơn đáng kể gì so với mức độ tăng trưởng GDP.
Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (Sipri) của Thuỵ Điển đã làm sự so sánh rất thú vị. Sipri đưa ra số liệu là trong thời gian từ năm 1992 đến 2017, Trung Quốc tăng ngân sách quân sự và quốc phòng 740%, Mỹ 16,8% và Nga 62,6%.

Bỏ xa Nga, chỉ kém Mỹ: Trung Quốc đang rất bài bản và chịu chi cho cuộc chơi lớn - Ảnh 1.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018, tương đương 177,5 tỷ USD. Ảnh: Quân đội Trung Quốc
Cũng theo Sipri, năm 2017, Trung Quốc chi cho quân sự và quốc phòng 228,2 tỷ USD, bằng 1,9% GDP trong khi Mỹ chi 609 tỷ USD (3,1% GDP) và Nga chi 66,3 tỷ USD (4,3 % GDP).
Về con số tuyệt đối trên phương diện này, Trung Quốc hiện vẫn còn thua kém Mỹ xa nhưng cũng đã bỏ Nga khá xa. Chắc phải sau đây không ít năm tháng nữa thì tương quan này mới có thể thay đổi cơ bản.
Nhưng ngay từ bây giờ đã thấy bộc lộ rõ ràng là việc tăng ngân sách quân sự và quốc phòng là mục tiêu xuyên suốt và được ưu tiên trong chiến lược của Trung Quốc và Trung Quốc kiên định quyết tâm tiếp tục tăng chi tiêu cho quân sự và quốc phòng.
Chịu chi cho cuộc chơi lớn
Trung Quốc chịu chi như vậy vì mưu tính cuộc chơi lớn cho hiện tại cũng như về lâu dài. Cuộc chơi lớn này của Trung Quốc thực chất là gì được ẩn hiện ở bốn điều sau đây.
Thứ nhất, Trung Quốc mạnh tay chi tiền cho việc hiện đại hoá quân đội và Trung Quốc cần quân đội hiện đại để phục vụ cho những mưu tính chiến lược ở cả nơi xa lẫn vùng gần Trung Quốc.
Bỏ xa Nga, chỉ kém Mỹ: Trung Quốc đang rất bài bản và chịu chi cho cuộc chơi lớn - Ảnh 2.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quả quyết rằng Trung Quốc sẽ hoàn thành công cuộc hiện đạo hoá quân đội vào năm 2035 và cho tới năm 2050 - kỷ niệm 100 năm nhà nước Trung Quốc mới - thì quân đội Trung Quốc sẽ trở thành đội quân "đẳng cấp thế giới" với đầy đủ khả năng giành về phần thắng trong mọi cuộc chiến tranh ở mọi nơi và về mọi phương diện trên thế giới.
Vì thế, Trung Quốc cho tới nay không tiếc tiền chi cho quân sự và quốc phòng, cả trong tương lai rồi cũng sẽ tiếp tục như thế.
Thứ hai, Trung Quốc phải dùng không chỉ tiềm lực về kinh tế, thương mại và tài chính mà còn cả về quân sự để cạnh tranh chiến lược với Mỹ hiện tại cũng như lâu dài.
Nếu như về kinh tế và thương mại Trung Quốc hiện tại đã trở thành kỳ phùng địch thủ của Mỹ, về khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao giờ thách thức Mỹ thật sự nhưng riêng về quân sự thì vẫn chưa thể sớm ngang bằng được với Mỹ. Vì thế, Trung Quốc kiên nhẫn nỗ lực thu hẹp dần khoảng cách.
Thứ ba, sức mạnh quân sự đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đối với Trung Quốc trong việc thực hiện những mưu tính chiến lược về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với những đối tác ở khu vực Đông Bắc Á, ở khu vực Biển Đông và với Ấn Độ cũng như về vấn đề Đài Loan.
Vì tất cả những chuyện này sẽ còn dai dẳng nên Trung Quốc càng thêm quyết tâm tăng cường tiềm lực quân sự thông qua tăng ngân sách quân sự và quốc phòng.
Thứ tư, chiều hướng biến động của thế giới hiện đại hiện tại cũng như trong tương lai là tiềm lực quân sự đi cùng với vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới, vai trò và phần giành về trong việc giải quyết những vấn đề của thế giới. Trung Quốc đâu có không đeo đẳng mục tiêu ấy.
Hơn nữa, càng muốn vươn ra xa hơn với những dự án lớn như Vành đai và con đường thì Trung Quốc càng có nhu cầu cấp thiết về việc sử dụng đến cả tiềm lực quân sự để bảo vệ và thực hiện những lợi ích chiến lược ở nơi xa.
Ai cũng vậy chứ đâu chỉ có Trung Quốc, muốn chơi cuộc chơi lớn thì phải suy tính kỹ càng, chuẩn bị từ sớm, thực hiện bài bản và đặc biệt là phải chịu chi.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.


0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.