Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin Biển Đông ngày 06/03/2019

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019 17:45 // ,

Bản tin Biển Đông ngày 06/03/2019.
Máy bay B52 của Mỹ bay qua các đảo tranh chấp ở Biển Đông
Ngày 5/3, ABC News đưa tin, hai máy bay ném bom B-52 Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, Guam ngày 4/3 để tham gia các hoạt động huấn luyện thường kỳ. Thông báo của Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, một trong hai chiếc máy bay đã thực hiện huấn luyện gần Biển Đông trước khi trở lại Guam, chiếc còn lại tham gia hoạt động phối hợp với Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ trên không và trên biển của Nhật Bản tại khu vực gần Nhật Bản. Thông tin cho biết, giống như các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, các hoạt động của Không quân Mỹ cũng nhằm khẳng định khu vực này là không phận quốc tế, khiến cho Trung Quốc phải bực mình.
Philippines lo ngại Hiệp ước phòng thủ với Mỹ có thể đẩy nước này vào một cuộc chiến ở Biển Đông
Ngày 5/3, Japan Times đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.
Cựu Ngoại trưởng Philippines hoan nghênh cam kết Mỹ bảo vệ Philippines ở Biển Đông
Ngày 6/3, Inquirer đăng bài viết của cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.
Trung Quốc giảm chi tiêu quốc phòng nhưng không có nghĩa căng thẳng sẽ được dịu bớt
Ngày 5/3, trang NDTV dẫn tin từ AFP cho biết, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc ngày 5/3, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2019 sẽ chỉ tăng 7,5% (1,19 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 177,6 triệu USD), thấp hơn năm 2018 do nước này đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Theo trang thông tin của Quân đội Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo trước kỳ họp ngày 4/3, Người phát ngôn Phiên họp thứ hai Quốc hội khóa 13 Zhang Yesui khẳng định, Trung Quốc duy trì tỷ lệ tăng chi tiêu quốc phòng hợp lý nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và tiến hành cải cách quân đội theo kiểu của Trung Quốc. Ông Zhang cho rằng, việc liệu một quốc gia có phải là mối đe dọa quân sự với các nước khác hay không không phải do nước đó tăng chi tiêu quốc phòng mà là do chính sách ngoại giao và quốc phòng mà nước đó thực hiện. Việc Trung Quốc chi tiêu quốc phòng hạn chế chỉ nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không đe dọa đến nước nào. Tuy nhiên, trang NDTV nhận định, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự năm 2019 có vẻ vẫn khiến các nước láng giềng Châu Á lo lắng. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực để cung cấp cho lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) các thiết bị phần cứng tối tân, mạnh tay chi cho máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các loại vũ khí khác; đồng thời đẩy mạnh biện pháp chống lại các phong trào độc lập ở Đài Loan và tiếp tục khẳng định yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo CNBC ngày 5/3, Timothy Heath, nghiên cứu viên quốc phòng quốc tế tại cơ quan nghiên cứu Rand Corporation của Mỹ, cho rằng, mức gia tăng chậm trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không có nghĩa là căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh với Washington được dịu bớt. Cho rằng con số chi tiêu được nêu ra không quan trọng bằng việc số tiền đó sẽ được sử dụng để làm gì, ông Heath dự đoán ngân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc có khả năng sẽ được dùng để tăng tiềm lực quân sự Trung Quốc nhằm “thách thức sức mạnh Mỹ ở Châu Á”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thêm các loại vũ khí sát thương, tăng khả năng hoạt động chung và tầm với lớn hơn, và như vậy sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng an ninh.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.