Viết theo Lời Yêu Cầu ‘Cuối Năm Chó’ cùng các bạn
Phan Văn Song: Giữ Tiếng Việt Trong Sáng
Một Giải Pháp Để Thoát Trung Cộng, Thoát Việt Cộng và Giữ Vững Không Gian Sinh Tồn Dân Tộc Việt
Cai Trị bằng ngôn ngữ: Tiếng nói mới – La Novlangue
Tiếng nói mới – Novlangue – Newspeak là ngôn ngữ – tiếng nói quốc gia chính thức của quốc gia, xứ Océania, do tác giả George Orwell tưởng tượng ra trong cuốn tiểu thuyết «1984» xuất bản năm!949.
Tác giả George Orwell, tên thật là Eric Arthur Blair, 1903-1950, là một nhà văn, nhà báo người Anh. Tiểu thuyết «1948» kể rằng thế giới được chia làm ba vùng chuyên tranh chấp chiến tranh lẫn nhau: Océania, Eurasia và Estasia. Océania là một xứ độc tài, với một chế độ độc đảng, Đảng trưởng (Chủ tịch – Tổng Bí Thư?) được gọi là Đại Ca – Big Brother! Quản trị hành chánh rất giản dị: Gồm chỉ 4 Tổng Bộ: «Sự Thật – Vérité » ; «Hòa Bình – Paix»; «Tình Yêu – Amour»; «Sự Dồi Dào– Abondance». Điều hành với 3 chỉ tiêu, tóm tắt bằng 3 khẩu hiệu: «Chiến Tranh LÀ Hòa Bình – La Guerre C’EST La Paix »; «Tự Do LÀ Nô Lệ – La liberté C’EST L’Esclavage»A; «Dốt Nát LÀ Sức Mạnh – L’ignorance C’EST La Force».
Qua tác phẩm ấy, nhà văn George Orwell muốn nói rõ rằng chế độ độc tài sử dụng ngôn ngữ, văn hóa như là một vũ khí. Ngôn ngữ mới, tiếng nói mới- La Novlangue, được Độc Đảng Cầm quyền dùng làm phương tiện quản trị. Với tiếng nói mới, với ngôn ngữ mới, với những từ ngữ mới, với những ý nghĩa mới, Đảng cầm quyền thay đổi toàn bộ não trạng của người dân, dùng giá trị của chữ nghĩa thay đổi văn hóa, tập tục và văn minh của người dân.
Thoạt đầu, tuy có gặp những khó khăn do từ ngữ mới thiếu thốn, không giải quyết đủ tầm phát biểu, và hiểu nghĩa của danh từ mới, nhưng phải sử dụng vì bắt buộc. Dần dần sử dụng vì sợ, sử dụng vì những từ ngữ «nghĩa đúng không cần thiết» nữa, và cái chức năng và cái không gian của từ ngữ mới – novlangue đang sử dụng biến thành «từ ngữ bao giàn hợp với không khí chánh trị» nên xài trường hợp nào cũng được. Thí dụ điển hình là cái từ ngữ «đăng ký» được sử dụng ngay những ngày Miền Nam bị chiếm. Ngày nay, «đăng ký» được «bao giàn» sử dụng cho mọi trường hợp, thay thế cho: ghi danh, giữ chỗ, đăng bạ, ghi tên… Dùng một «từ ngữ chung» để chỉ mọi trường hợp là làm nghèo não trạng của một dân tộc… Chúng ta người Miền Nam Việt Nam, vài ngày sau cuộc xâm chiếm của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt đã bị tẩy não bằng cái novlangue nầy, tiếng nói mới nầy.
Ngày mai, Bùi Hiền và chữ viết mới dùng âm thanh mới cố tình lẫn lộn những tr với ch, s với x… (thí dụ truyện = sách – truyện ngắn vs chuyện = nói chuyện, câu chuyện, không thể lẫn lộn dược) sẽ tạo một loại Việt ngữ mới với những người Việt mới, một loại người robot, người máy dễ sai dễ bảo! Vì với loại chữ mới, sẽ xóa chữ quốc ngữ đương dùng của chúng ta và như vậy sẽ xóa bỏ những chuẩn, những ký âm, ký hiệu, những kỷ niệm lịch sử của trang sử Việt Nam hiện đại!
Hiện tượng độc tài, độc tôn, độc đảng, nay là một sự «quá khích – thái quá», ngày mai sẽ biến thành một cái «hiện tượng tự nhiên – un fait naturel». Lúc đó những quan niệm như đa nguyên, dân chủ, nhân quyền sẽ là những «đòi hỏi không tự nhiên». Tiếng nói mới-novlangue biến thành dụng cụ văn hóa – và nguy hiểm hơn nữa vũ khí văn hóa. Những từ ngữ, giọng văn khẩu hiệu, sẽ là những cái chuẩn của tư tưởng? Thử phân tách những bài nói chuyện, diễn văn của các nhà lãnh đạo Cộng Sản ngày nay xem, quý vị sẽ thấy rõ. Một thí du: Khi dùng một từ như «chất lượng» để thay thế cái từ ngữ «phẩm chất», chúng ta thấy rõ cái khó khăn cả một não trạng của những con người sợ cái «phẩm». «Lượng» thấy được, đo lường được, kiểm soát được. «Phẩm» – khó quá, làm sao đây? Định nghĩa thế nào? Đo lường thế nào đây?
Ngày mai, và đây sẽ là cái khổ tâm, của những con người Việt Nam tương lai. Chất lượng = bằng cấp, tay nghề… dễ đo lường, có thể tìm ra. Nhưng «cái phẩm»? = đạo đức, trung thực, thật thà… một «gentleman», một «gentilhomme», một «honnête homme», một người «đàng hoàng, tử tế», một «kẻ sĩ»? Định nghĩa nào? Đo lường sao?
Do đó, với một novlangue, Đảng có thể hạn chế, kiểm soát mọi chỉ trích. Vì thiếu từ ngữ chỉ nói chung chung,… «hư, sai»… không nói rõ được căn bản, nội trạng. Tiếng nói phản kháng do đó, cũng thiếu từ ngữ để chỉ trích. Ngày nay, chỉ biết chưởi chung chung vậy thôi! Những tiếng tục tỉu… Đ.M. Đ.B… xưa chỉ nói, nay đã đưa vào văn viết… Giá trị văn hóa bị lẫn lộn… Ở ngay Hà nội, xưa nổi tiếng ngàn năm văn hóa, ngày nay đã có những tiệm «Phở chưởi», khách vào ăn nghe tiếng chưởi…vì tiếng chưởi đã biến thành là cái ‘hiện tượng tự nhiên’…
Ba khẩu hiệu của Océania trong sách «1984» là:
!/ «Chiến Tranh LÀ Hòa Bình – La guerre C’EST La Paix»… Tại Việt Nam, thiên hạ ngày nay sống trong tình trạng chiến tranh, chiến tranh trong miếng ăn hằng ngày, đấu tranh giữ chổ, giành chổ, … mánh mun, giữ kẻ, ngó trước, nhìn sau… coi chừng, kiểm và tự kiểm, giữ mổm giữ miệng… cả nước sống trong tình trạng chiến tranh, đấu tranh để sanh tồn – struggle for life – nhờ đó, do đó nước Việt Nam và người sống Hòa Bình trong bao năm nay? Nhờ Công An trị! Có Hòa Bình, nhưng người dân sống trong tình trạng chiến tranh, luôn luôn giành giựt, luôn bị đàn áp…
2/ Khẩu hiệu thứ hai cũng thế: «Tự Do LÀ Nô Lệ – La liberté C’EST L’Esclavage». Người Dân Việt Nam nay sống trong căn nhà Tù lớn, nhưng nước Việt Nam được cho là Tự Do, du khách tấp nập. Đảng Cộng Sản Tự Do, dân Việt Nam Nô Lệ. Nếu dân Việt Nam thật sự có Tự Do tại sao ai cũng muốn BỎ nước ra đi cả?
3/ Và Khẩu hiệu thứ ba của tác phẩm lại tuyệt diệu hơn cả. Áp dụng rất đúng cho mọi quốc gia độc tài «Dốt Nát LÀ Sức Mạnh – L’ignorance C’EST La Force» Miễn bàn, quá rõ!
Với ngôn ngữ mới, Nhà cầm quyền độc tài có đủ sức mạnh để cai trị. Nói đúng, nói sai mặc, việc đúng, việc sai, chả sao! Dân chúng im miệng, nhận lệnh, chấp hành. Nói đúng, nhưng làm sai, cũng không sao – no star where! «Nhà nước sai? Nhà Nước sẽ sửa sai», nhưng nhứt thời «dân phải chấp hành». Đó thôi, That’s – it! Khổ thay của người dân nào, muốn phản kháng, muốn chỉ trích, muốn sửa sai, LẠI PHẢI dùng từ ngữ, và văn hóa của Nhà cầm quyền. Sử dụng novlangue. Sử dụng Novlangue là sử dụng cái não trạng, sử dụng cái nghèo nàn của văn hóa Novlangue. Do đó, hiện nay trong nước, đấu tranh Dân Chủ Nhân Quyền rất hạn chế, vì Định nghĩa Nhân quyền của Cộng Sản rất hạn chế, rất quy định, nên những đòi hỏi Nhơn quyền cũng bị hạn chế, với những cái quy định của NovLangue Cộng Sản đó thôi!
Chỉ có những bất mãn do xâm phạm quyền lợi cụ thể như: Cướp đất, bồi thường đất đai thiếu, bất công, …đã được thể hiện bằng những biểu tình phản đối! May quá nhờ các trang mạng, nhờ các Blogger … các hạn chế cấm đoán phần nào đều được vượt qua!… Luật An Ninh Mạng sẽ là một chiến trường mới… vì đụng chạm đến Quyền ăn nói, quyền Ngôn Luận… Hy vọng trong cuộc chiến mới, qua Luật An Ninh Mạng sẽ NỞ ra một bầu trời mới cho một cuộc Chiến tranh mới, Chiến Tranh cho Quyền Ngôn Luận… Mà Ngôn luận là phản ánh của Tư Tưởng, mà dụng cụ là Truyền Thông, là Báo Chí… Ngôn luận là quyền phán xét, đo lường, là Chỉ trích, Đóng góp .. VÀ Phản đối, là Đối Lập… và quyền Lập Đảng, là quyền Lật Đổ, là quyến đòi hỏi Cải tổ, Canh tân, và nếu cần làm Cách Mạng, VÀ là Thay Thế… Một quy trình dài như một con đường dài Dân chủ để dắt dân tộc Việt Nam thoát khỏi cái hầm tăm tối đã nhốt một nửa dân tộc Việt Nam 70 năm nay và toàn thể trên 40 năm nay!
Và tiếng Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam sẽ trong sáng trở lại, đầy đủ hơn, sáng tạo hơn. Bổn phận của mỗi người Việt chúng ta PHẢI cố gắng viết nói với những từ ngữ đúng đắn, đa nguyên, với những từ ngữ địa phương, cấu tạo văn phạm trong sách… xài đúng từ ngữ, đúng chữ… Có như vậy chúng ta mói chống được cái Văn Hóa Lai căng Tàu Cộng, xóa bỏ những từ ngữ nghèo nàn… chung chung.
Muốn Thoát Trung, Chống Hán Hóa, Chống Bắc Thuộc phải chống ngôn ngữ văn hóa Cộng Sản Việt Nam. Chống Văn Hóa Việt Cộng là lật đổ Việt Cộng.
Thay thế não trạng Việt Cộng. Trở về với dân tộc Đại Việt thế thôi.
Giữ Vững Văn Hóa Quốc Gia Việt Nam,
Văn Hóa Việt Nam Cộng Hòa, Văn Hóa Việt Nam Tự Do
là Giữ Vững cái Hồn Dân Tộc Đại Việt:
Chúng tôi, những người Việt tỵ nạn Cộng Sản sống ở Hải ngoại, đất người, sinh hoạt trong văn hóa, văn minh xứ người, giữ được hồn việt ấy là nhờ những bài hát cũ, những chồng sách cũ của thời Việt Nam Quốc Gia, thời Việt Nam Cộng Hòa. Phải biết ơn chế độ Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa, trong suốt 26 năm lấy lại độc lập từ tay Pháp, từ năm 1949 đến năm 1975 luôn luôn giữ linh hồn Việt. Nhớ thời sau Hiệp Ước Genève, Nam Việt Nam chỉ còn nửa nước, với 20 triệu dân, vừa đánh giặc Cộng giữ nước, vừa xây dựng.
Từ thể chế chánh trị, đến quản trị hành chánh; kinh tế nuôi dân, với bao khó khăn, với bao trăn trở, thế mà tại sao biết bao sinh khí văn hóa nở rộ? Biết bao nhiêu tờ nhựt báo, bao nhiêu tập san, bao nhiêu bài nhạc… văn, thơ, nhạc, kịch…? Trong một thời kỳ mà tiền tuyến, thì mặc tiền tuyến, tiền tuyến cứ hành quân giết giặc, hậu phương vẫn cứ phồn vinh, tiếp tục sống trong Hòa Bình, mạnh dạn sống trong xây dựng… chợ búa sáng nhóm chiều tan, thiên hạ nờm nợp làm ăn, con trẻ tung tăng dắt nhau đi học… Những buổi tối ở Sài gòn, ở Huế, Nha Trang Đalat vẫn đầy ánh đèn, tiệm ăn, hý viện, vũ trường… may mà có thiết quân luật bắt về nhà ngủ sớm nếu không dân Sài gòn vẫn chơi dài dài suốt đêm… Đó là nghịch lý của Quốc Gia Việt Nam, đó là nghịch lý của Việt Nam Cộng Hòa… Chiến tranh và Xây dựng song song… Tiền tuyến be bờ chống Cộng giữ nước, Hâu phưong vẫn làm ăn, vẫn xây dựng, trong một bầu không khí văn hóa náo nhiệt, nào ciné, nào kịch, nào cải lương, nào đại nhạc hội…vũ trường, tiệm ăn, quán ngày, quán đêm… Nếu các đồng minh thật tình tiếp tục chống Cộng, chúng ta cũng sẽ tiếp tục vừa tiền tuyến đánh giặc be bờ, vừa xây dựng hậu phương… các Trường Đại học sẽ tiếp tục mở thêm, các xí nghiệp sẽ tiếp tục dựng thêm… Cái Tết của năm cuối cùng năm 1975, chợ búa vẫn tưng bừng… người dân vẫn ăn tết đàng hoàng, huy hoàng như mọi năm…
Chúng tôi luôn luôn biết ơn và trân quý những bài hát, những hình ảnh, những câu chuyện, của Việt Nam thời xưa, của Sài gòn thuở ấy, thuở trước ngày 30 tháng Tư 1975, do quý thân hữu, quý chiến hữu, bà con gởi tặng. Chúng tôi xin cám ơn tất cả các anh chị em đã có công suy tầm những ca khúc, những hình ảnh cũ ấy, để giúp chúng tôi tìm lại được những ngày tháng chúng tôi sống trong một đất nước “thực sự” Việt Nam của chúng tôi, của chúng ta.
Thật sự Việt Nam! Quý thân hữu thân! Quý vị có thể thử tưởng tượng xem ngày nay, ở xứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có thể nào có một nhà thơ, như nhà thơ Linh Phương làm một bài thơ như «Kỷ Vật cho em» không? Quý vị có thể tưởng tượng được ngày nay tại Việt Nam – một Việt Nam hoàn toàn hòa bình không chiến tranh – có một nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc, để biến bài thơ ấy (Kỷ Vật cho em» thành “một hiện tượng” được ca hát, diễn tả trong các phòng trà, vũ trường? Hỏi tức là trả lời!
Và cuộc chiến những năm tháng ấy không phải nội chiến huynh đệ tương tàn nồi da xáo thịt như tuyên truyền Nhà Nước Cộng Sản Hà Nội thường nói. Mà đây là một cuộc chiến của dân chúng người Việt Miền Nam chúng tôi, chúng ta, tự vệ chống cuộc xâm lăng do Đảng Cộng Sản Đệ Tam quốc tế xúi bọn tay sai người Việt Miền Bắc, để giữ “một không gian sinh tồn của dân tộc Việt”.
Giữ Vững Không Gian Sanh Tồn Của Dân Tộc Việt:
Một không gian cho phép người công dân Việt sống thoải mái, yêu tự do sinh hoạt, yêu tự do tư tưởng, tự do sáng tạo. Thơ văn nhạc chúng tôi không bị gò bó, phải ca tụng lãnh tụ, ca tụng quân đội – Trái lại miền Bắc – còn đâu những Văn Cao, những Phan Khôi, … kể cả những người trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, sau Nhân Văn Giai Phẩm…?
Miền Bắc tuyên truyền, Đảng Cộng Sản đương quyền thời bấy giờ miền Bắc tuyên bố tự biện hộ, bảo rằng cai trị miền Bắc phải độc tài vì tự vệ, vì chiến tranh phải bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước. Thế thì miển Nam chúng tôi? Lúc bấy giờ, miền Nam chúng tôi là một chiến trường, dân Nam đâu có vượt Trường Sơn ra Bắc đâu? Chính dân miền Bắc, xâm phạm, vượt Trường Sơn, vượt tuyến vào miền Nam, đánh nhau với chúng tôi trên lãnh thổ của chúng tôi, dân miền Nam. Nhưng chúng tôi vẫn yêu, vẫn tiếp tục giữ tự do tư tưởng, chúng tôi yêu và bảo vệ tư do văn hoá, yêu tự do nghệ thuật: báo chí đầy rẫy thậm chí có cả những báo gọi là chống đối chánh phủ – do chúng tôi bầu lên – (lâu lâu cũng bị ốp vì chưởi quá đà, nhưng luật báo chí giúp đỡ, với những «tự ý đục bỏ» để khỏi bị ốp báo mất tiền: Còn gì nhân đạo bằng, còn gì dân chủ bằng: khi có chữ «tự ý đục bỏ» thì độc giả vẫn “tưởng tượng” được những cái không bằng lòng của tác giả, nhưng báo vẫn được bán, và nhờ vậy vẫn sống… thế mà người ta vẫn gọi độc tài.) Mâu thuẩn thay, chính những tên hưởng chế độ tự do báo chí, lại là những tên dùng báo chí chưởi chế độ. Do đó miền Nam, đầy những tên phản chiến, đâm sau lưng chiến sĩ, trốn lính, lính kiểng, phản chiến, thành phần thứ ba… đủ loại!!
Miền Nam chúng tôi, bị xâm lược đấy, bị chiến tranh đấy, nhưng các trường học vẫn có đầy con em đi học, các trường sư phạm, đại học, chuyên khoa vẫn có đầy sinh viên – Con đường Duy Tân vẫn cây dài bóng mát ….– . Hầu hết các tỉnh lớn đều có trường Đại học: Sài gòn nhiều lắm, đủ tất cả các bộ môn, khỏi phải nói rồi; Huế cũng thế, nhưng nào Cần Thơ, Đà Lạt, An Giang, kể cả Tây Ninh. Chẳng những Đại học Công lập của nhà nước còn có cả các Đại học Tư nữa (như Đại học Minh Trí của nhóm anh em Đại Việt chúng tôi)… lại còn có những Đại học do những Tôn giáo lập ra; Thiên Chúa Giáo (Minh Đức – Chánh trị Kinh Doanh Dalat) Phật Giáo (Vạn Hạnh) Cao Đài, Hòa Hảo… Thế rồi ngày nay, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, với trên 43 năm sống trong hoà bình có bao nhiêu Đại học Tư? Bao nhiêu Đại học Tôn giáo…? Đó là Không gian sinh tồn Dân tộc Việt của chúng tôi, đó cũng là Không gian sinh tồn của nhân dân Miền Nam Việt Nam trước ngày Quốc Hận!
Khi chúng tôi nói vậy, quý vị sẽ cho chúng tôi quá khích, nhưng tôi xin dẫn chứng:
Khi quân đội của chế độ miền Bắc thắng trận, chiếm Miền Nam, quân Bắc Việt sợ cái nhân sinh quan của dân miền Nam nên đàn áp mạnh, việc ấy khỏi kể, quý vị cũng biết rồi.
Tôi tự hỏi: “Suốt từ 1960 đến 1975, chiến tranh tàn khốc đến đổi nhà thơ Linh Phương đã tả cảnh kể – nào là “anh trở về bại tường cụt chân,… trên chiếc băng ca…”; nào là “người yêu cài khăn tang…”, chưa kể những nhà thơ, nhà nhạc khác lãi nhãi đến những cảnh nào “anh lên lon giữa hai ngọn nến”…và nào “tôi có người yêu chết ở Ku Prong..; chết nghẹn ngào“… Cả Sài gòn sống trong cảnh bom đạn – ” Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe tìếng đại bác…”… Thế nhưng trong không khí ghê rợn chết chóc ấy, không có ai vượt biên cả – đi vượt biên cũng dễ thôi – đường bộ qua Campuchia, qua Lào, qua Thái v.v…
Nhưng sau ngay ngày sau 30/04/ 75, thời Hòa bình đã đến, hết chết chóc, lại vượt biên… Vượt biên đâu phải chống cộng hay diễn biến hoà bình gì – vì VC bảo ra ngoại quốc chỉ có làm bồi và làm điếm thôi! Nhưng vượt biên là vì từ nay không gian sinh tồn dân tộc Việt mất rồi, phải đi tìm một không gian sinh tồn mới: thà chết trên biển nhưng được không gian sinh tồn mới, thà làm bồi làm điếm còn hơn … nô lệ với Cộng Sản quốc tế Hà nội!
Dân tộc Việt của chúng ta ở Việt Nam ngày nay đã mất linh hồn Việt rồi! Bằng chứng ngày nay, dân Tàu tràn đầy đất Việt, tiền Tàu, được sử dụng trên đất Việt… Bùi Hiền đề nghị đổi chữ Quốc Ngữ sang một loại chữ mới… với một tiếng nói mới, một ngôn ngữ mới! Thì than ôi đâu là Dân tộc Việt, đâu là Sinh thái người Việt, đâu là linh hồn người Việt?
Nhà thơ Linh Phương tự hào làm bài thơ Lao công đào binh thời Việt Nam Cộng Hòa ta. Quý thân hữu có biết đâu là miền Bắc thời Việt Cộng cũng rất nhiều lao công, mà họ gọi là dân quân. Họ họp cả làng lại hốt các thanh niên thanh nữ buộc phải đi B (vào Nam). Thanh niên, đi bộ đội, sinh Bắc tử Nam. Thanh nữ, ngày lao công xẻ núi đắp đường Trường Sơn Đông, xây đường Trường Sơn Tây mở đường xâm lược Miền Nam, đêm các cô nào có tý nhan sắc sẽ «bị – được» xung công làm hộ lý – giúp đỡ các cán bộ cao cấp vượt những thèm muốn sinh lý.
Cá nhân thằng tôi, người viết bài đây, năm 1979 cũng đi lao công chiến trường KamPuChia. Từ XuayRieng trở đi hướng về NeakLuong, anh em lao công tù nhân chúng tôi thay nhau dò gỡ mìn để đoàn xe chở lính đi. Ba Toán ABC dò mìn đánh dấu, tháo gỡ, phá hủy… từng nhóm tuần tự thay nhau, nay A bắt đầu, mai B, mốt C… trước sau gì cũng có ngày bị nổ chết thôi… Cá nhân thằng tôi may mắn làm nhà bếp nên chỉ gánh cơm, rửa rau… thôi, tuy có vất vả như không chết. Chiến trường KPC đặc biệt khốc liệt cho các con em miền Nam, vì là con em các gia đình có cha anh đi tù Cộng Sản – nên phải đi «nghĩa vụ quân sự» để chuộc tội cho cha anh, để cha anh về sớm? – tất cả thuộc Sư đoàn Gia Định kể cả tù lao công tụi tui – không đủ phương tiện săn sóc khi chẳng may bị thương, nên chết rất nhiều – . Tôi không trách gì cả, tôi có Đức Tin, tất cả do Ơn Trên định đoạt. Mình là kẻ thua trận, người ta làm gì thì làm. Ấy là quan niệm tôi đối với Cộng sản Việt Nam. Thời Việt Nam Cộng Hòa anh đào binh là anh đào ngũ trong thời chiến, theo quân luật, tử hình. Quân luật Việt Nam Công Hòa không tử hình, được cho ra giúp quân đôi chống ngoại xâm, phục hồi danh dự công dân, đòi hỏi gì nữa? Còn chúng tôi lúc ấy (năm 79) là tù hình sự, vượt biên, bán chợ trời, làm kinh tế không giống «Kinh tế Xã hội chủ nghĩa»… thì họ gọi là «tư sản mại bản» (?) – chữ nầy ngày nay tôi vẫn chưa hiểu. Kinh tế dịch vụ mua đi bán lại là mại bản rồi – Cái thí dụ điển hình nhứt là tiệm Tạp hóa đầu ngõ.
Tôi xin cám ơn nhà thơ Linh Phương đã có một thời kỳ đóng góp cho cái phong phú của một không khí tư tưởng tự do và phóng khoáng của Miền Nam mình. Xin mở một dấu ngoặc, để diễn tả cái tư tưởng phóng khoáng, đầy nhân bản và dân chủ của thời Việt Nam Cộng Hoà: (Trong một cuộc biểu tình chống chế độ, chẳng may một cô gái bị lạc đạn (?) – ai bắn, cảnh sát bắn, hay người xúi dục biểu tình bắn – nhưng cô bé chết . Chế độ, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa lấy tên cô bé biểu tình chống mình chết đặt tên một Công trường: Công trường Quách Thị Trang. Quảng đại chưa? Phóng khoáng chưa? Nói theo giọng người Miền Nam chúng tôi Chịu chơi chưa?). Xin đóng dấu ngoặc.
Vì vậy xin cám ơn tất cả những bài hát do các bạn sưu tầm. Xin cám ơn những mẫu chuyện xưa …. nhưng please, đừng comment theo điệu đâm sau lưng chiến sĩ . Tội nghiệp người dân Miền Nam Việt Nam tụi tui? Nhờ đó mà ngày nay tụi tui – và nếu quý vị ở cùng chiến tuyến, thì xin phép gọi nhau là «tụi mình», cho ấm lòng ty tý – đang tìm được một chút không gian sinh tồn nơi đất người, đang tìm được tí dân tộc Việt nơi đất người. Cám ơn tất cả quý vị đã nhẫn nại nghe tôi trình bày.
Hồi Nhơn Sơn, những ngày cuối năm con Chó.
Phan Văn Song
https://baotgm.net/viet-theo-loi-yeu-cau-cuoi-nam-cho-cung-cac-ban/
0 nhận xét