Venezuela: 3 đồng minh quan trọng nhất của Maduro là ai?
Thành Minh
23/802/2019
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: Reuters/ Economist.com)
Hoa Kỳ và ngày càng nhiều quốc gia khác công nhận Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido là Tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela. Nếu không có sự ủng hộ tiếp tục của Nga, Trung Quốc và Cuba, nhiều khả năng chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sẽ không thể tồn tại lâu dài, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR).
Nga là một trong những đồng minh thân cận nhất của Venezuela kể từ năm 2006, khi Tổng thống Hugo Chavez ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 2,9 tỷ USD để đổi lấy máy bay chiến đấu của Nga. Mối quan hệ này cho phép Nga tiếp cận các tài sản dầu mỏ của Venezuela với giá thấp hơn so với thị trường.
Ngày nay, mối quan hệ của Nga với Venezuela có nhiều ý nghĩa về chính trị. Trong khi Trung Quốc là một chỗ dựa lớn về tài chính, và Cuba cũng là một đồng minh về an ninh của Maduro.
1. Nga cung cấp vũ khí
Về chính trị, Venezuela là một vị trí chiến lược quan trọng đối với Nga, khi nước này tìm cách cân bằng chống lại sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Mỹ Latinh và các nơi khác. Nga là một trong 5 thành viên thường trực, có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và nước này đã đe dọa ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào mà Hội đồng đưa ra để đình chỉ Venezuela. Điện Kremlin đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump khi Hoa Kỳ công nhận Chủ tịch quốc hội Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp.
CFR cho hay, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Venezuela, đã bán cho nước này hơn 10 tỷ đô la vũ khí từ những năm 2000, bao gồm súng trường tấn công, máy bay chiến đấu phản lực, xe tăng, và các hệ thống tên lửa.
Tổng thống Nicolas Maduro gặp Tổng thống Nga Putin trong một chuyến thăm 2 ngày tới Nga. (Ảnh: Photo courtesy of the Russian government/ Upi.com)
Hai quốc gia cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, và các máy bay phản lực và tàu chiến của Nga thường xuyên dừng tại Venezulea. Trong một chương trình mới đây nhằm khoa trương sức mạnh, 2 máy bay ném bom có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân của Nga đã tới Venezuela.
2. Trung Quốc là chỗ dựa tài chính
Về kinh tế, Trung Quốc đã được xem là một nguồn “nương tựa” lớn khác về tài chính của Venezuela. Trung Quốc đã xem Venezuela là một đồng minh chính trị và là đối tác thương mại quan trọng. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã cho vay khoảng 70 tỷ đô la, chủ yếu cho các dự án phát triển, để đổi lấy các chuyến hàng dầu trong tương lai.
Các nhà phân tích ước tính chính quyền Maduro đã nợ Trung Quốc khoảng 13 tỷ USD. Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Ấn Độ với tư cách là nhà nhập khẩu dầu thô của Venezuela. Tuy nhiên, cho đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối tái cơ cấu các khoản nợ chưa thanh toán của Venezuela, và một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể chuyển sang hỗ trợ Guaido nếu Guaido đảm bảo hoàn trả đầy đủ các khoản vay của Trung Quốc, theo CFR.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi cùng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh ngày 21/9/2013, Lintao Zhang/Getty Images AsiaPac)
Về chính trị, trong khi Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ cho Maduro trong những năm gần đây, lòng trung thành của họ phần lớn phụ thuộc vào khả năng thanh toán các khoản nợ của Caracas. Những năm trở lại đây, Trung Quốc ngày càng gia tăng cảnh giác với khả năng vỡ nợ của Venezuela, và họ cũng thiết lập các kênh liên lạc với phe đối lập Maduro. Dù vậy, Trung Quốc cũng như Nga, có một vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an – chống lại những can thiệp của Liên Hợp Quốc vào các vấn đề chính trị của Venezuela.
3. Cuba giúp về an ninh
Quốc đảo này là người hỗ trợ chính cho Venezuela tại Mỹ Latinh, và theo các báo cáo, nước này đã cung cấp cho chính quyền Maduro một số lượng lớn cố vấn an ninh và quân sự nhằm bí mật theo dõi các cấp bậc sĩ quan quân sự, cũng như để cung cấp các thông tin tình báo khác.
CFR cho biết, Cuba đã cử hàng trăm bác sỹ, y tá, giáo viên, kỹ sư và các chuyên gia khác đến Venezuela kể từ năm 2000, khi tổng thống lúc đó là Chavez đồng ý cung cấp dầu cho Cuba với mức giá thấp. Trong năm 2017, có tới 15 nghìn người Cuba sống ở Venezuela.
Nicolas Maduro và Raul Castro gặp nhau tại New York City, trong dịp tới cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: EFE/ telesurenglish.net)
Quyền lực thực sự của Maduro
Sự hậu thuẫn của các đồng minh trên các phương diện trọng yếu đã cho phép Maduro “giữ chặt” quyền lực bất chấp nhiều năm đất nước chìm sâu trong bất ổn, theo CFR. Nếu Nga, Trung Quốc, Cuba quyết định rút lại sự hỗ trợ của họ đối với Maduro, thì chính quyền Maduro sẽ không thể nào chống chọi nổi, cơ quan này nhận định.
Mặt khác, nếu những đồng minh tăng cường trợ sức thì họ có thể kéo dài “triều đại” Maduro. Cuối cùng, điều gì xảy ra tiếp theo là dựa vào sức mạnh của các đồng minh của Maduro hơn là chính ông, CFR kết luận.
Thành Minh
0 nhận xét