Về đình Thoại Ngọc Hầu tìm hiểu bia Thoại Sơn
25/02/2019
Là một trong những nơi lưu dấu của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ, đình thần Thoại Ngọc Hầu gắn với bia Thoại Sơn (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) trải qua thời gian vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, huyền bí.
Theo lời kể của các cao niên, đầu thế kỷ XIX, vùng núi Sập hoang vu, mịt mù cây rừng, cỏ dại, đất đai khai khẩn chưa được bao nhiêu, người dân sinh sống thưa thớt, các lạch nước tuy có sẵn tự bao giờ nhưng rất nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ, cây giăng lắp. Trước đây, sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi sự đi lại của ghe tàu từ các tỉnh ĐBSCL sang Rạch Giá, Hà Tiên và ngược lại phải dùng đường biển vòng xuống Cà Mau.
Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá. Sau khi được vua Gia Long chấp thuận, đầu mùa xuân năm 1818, ông chỉ huy 1.500 dân binh khởi công đào kênh. Kênh đào theo lạch nước cũ nên thuận lợi dễ dàng, trải qua 1 tháng đã hoàn thành công trình. Kênh có bề rộng 20 tầm (hơn 50m), chiều dài tới Rạch Giá 12.400 tầm (hơn 31km). Kênh Đông Xuyên-Rạch Giá là kênh đào sớm nhất ở miền Nam, rất quan trọng cho việc giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của vùng đất Thoại Sơn như ngày nay. Công trình đào kênh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu vẽ bản đồ và báo cáo với triều đình Huế được vua Gia Long khen ngợi, ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt cho tên sông là Thoại Hà. Lại thấy trên bờ đông của sông Thoại Hà có một trái núi gọi là núi Sập, liền cho cải tên là Thoại Sơn.
Bia đá được dịch lại phía ngoài sân đình
Để đánh dấu kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình và ghi nhớ ý nghĩa công trình, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Thoại Ngọc Hầu làm lễ dựng bia. Tổng thể bia là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đầu bia chạm 2 chữ “Thoại Sơn”, mặt bia gồm 629 chữ Hán được chạm, khắc tinh xảo, đẹp mắt. Về nội dung bia là một áng văn chương sắc sảo. Bia Thoại Sơn là 1 trong 3 công trình di tích lịch sử loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới triều đại phong kiến còn lưu lại cho đến ngày nay được nhiều người truyền tụng. Bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 993/VH.QĐ ngày 28-9-1990. Năm 2013, Di tích lịch sử đình Thoại Ngọc Hầu được Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn nằm trong “Top 100” điểm đến ấn tượng Việt Nam.
Ngày nay, đình Thoại Ngọc Hầu là điểm tham quan lý tưởng với kiến trúc cổ kính, nhiều cây dầu lớn nằm trong không gian rộng mát trên triền núi Sập (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn). Hàng năm, vào ngày mùng 10,11,12 tháng 3 (âm lịch), dòng người từ khắp mọi nơi về núi Sập để tham dự lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện Thoại Sơn. Do lễ hội tổ chức trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch) nên lượng người tham gia rất đông. Lễ hội là dịp để mọi người tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong việc khẩn hoang, khai phá vùng đất Thoại Sơn, An Giang nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung, qua đó giáo dục truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ mai sau.
Bia đá Thoại Sơn bên trong đình
“Nghe người lớn kể lại, thuở trước mọi người làm ăn chỉ hứa miệng với nhau tại đình. Nếu có chuyện xích mích, cãi vã thường đến đình để giải quyết. Khi ấy, chỉ cần thắp xong 1 nén nhang, ai làm sai quấy sẽ tự nhận lỗi. Thế là chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, mọi người vui vẻ sửa sai, làm hòa. Có lẽ, nhờ tôn kính oai nghiêm của thần nên mọi người không muốn ông phải chứng kiến chuyện không hay… Ngày thường, lúc nào cũng có người đến thắp nhang cho thần. Đến lễ hội Kỳ yên và những ngày đầu năm mới, mọi người đến đình lễ bái rất đông với hy vọng thần phù hộ gia đình bình an, cầu tài lộc và làm ăn thuận lợi”- ông Nguyễn Trung Nhựt (74 tuổi, thủ từ đình thần Thoại Ngọc Hầu) chia sẻ.
TRỌNG TÍN
http://baoangiang.com.vn/ve-dinh-thoai-ngoc-hau-tim-hieu-bia-thoai-son-a241063.html
0 nhận xét