Tin Việt Nam – 23//02/2019
Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019
14:45
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Thượng đỉnh Mỹ Triều trước giờ Trump và Kim tới Hà Nội
Nguyễn HoàngBBC Tiếng Việt từ Hà NộiMột trong những câu hỏi báo chí nước ngoài tốn nhiều giấy mực vài tuần qua là “Tại sao lại chọn Hà Nội” hay “Tại sao chọn Việt Nam”. Nếu được hỏi thì câu trả lời ngắn của tôi là “Tại sao không”.
Cũng giống Singapore, an ninh luôn là ưu tiên hàng đầu, và Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là một trong những điểm như vậy.
Trong khi công tác an ninh bắt đầu được triển khai và hàng ngàn nhà báo chuẩn bị đón hai vị lãnh đạo thì hai người đóng giả ông Trump và ông Kim đã “cướp show” bằng việc làm huyên náo Hà Nội vào hôm 22/02.
Số phận của những quan chức Bắc Hàn đào tẩu
Ba dân biểu Mỹ đề nghị Trump nêu nhân quyền với VN
Mike Pompeo hy vọng có tiến bộ thực sự ở Hà Nội
Sự xuất hiện chớp nhoáng trước cửa Nhà hát Lớn của hai công dân, Úc và Canada, có ngoại hình, kiểu tóc và trang phục dễ nhận dạng của họ đã lọt vào ống kính của một số nhà báo trong và ngoài nước.
Truyền thông đưa tin hai người đóng giả này còn đưa ra các thông điệp như hai “chính khách xịn” và “có cả cận vệ” nhưng tin cho hay họ đã được mời về làm việc với chính quyền và chắc sẽ không có “show diễn” nào nữa.
Thế nhưng không ai có thể cấm được sự đi lại của hàng chục người có kiểu đầu ông Kim và ông Trump vì ít nhất một tiệm cắt tóc ở Hà Nội đã và đang quảng bá thương hiệu bằng dịch vụ cắt miễn phí cho khách.
Reuters đưa tin sẽ cấm đi lại một số giờ nhất định tại tuyến đường mà hãng tin này cho rằng Chủ tịch Kim sẽ đi về Hà Nội từ nhà ga xe lửa ở Đồng Đăng nơi ông tới từ Bình Nhưỡng tới sau khoảng hai ngày đêm đi xe lửa xuyên qua Trung Quốc.
Tuy nhiên vì lý do an ninh hiện chưa ai biết được chính xác về lịch trình di chuyển của nhà lãnh đạo Bắc Hàn và điều này là dễ hiểu khi ta xem các chuyến đi của ông Kim ra nước ngoài từ trước tới nay.
Vậy nên với cánh anh em nhà báo như chúng tôi thì việc được mời dự một “đám cưới” mà “cô dâu chú rể” tới lúc nào và “chỗ làm đám cưới” ở đâu chưa rõ là trở ngại không nhỏ.
Thiếu cụ thể
Cuộc họp thượng đỉnh của họ tại Singapore vào tháng Sáu năm ngoái thu hút đông đảo báo giới và sự lạc quan tin tưởng. Thế nhưng những gì diễn ra sau cuộc họp hơn bảy tháng qua là không nhiều và thiếu cụ thể.
Đó là lý do để Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Kim Jong-un gặp lại nhau lần này tại Hà Nội.
Câu hỏi mà truyền thông nhắc nhiều thứ hai là nghị trình bàn thảo thượng đỉnh Mỹ Triều là gì.
Tấm áp phích quảng bá cho cuộc họp thượng đỉnh khá đơn giản, chỉ có quốc kỳ Hoa Kỳ và Triều Tiên với dòng chứ DPRK-USA, Hanoi Summit Vietnam, ghi bằng tiếng Anh, thậm chí không có tiếng Hàn hay tiếng Việt. Khác với các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế với thông điệp hay chủ đề rõ ràng, không ai biết hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo những chủ đề gì.
Kể từ lần họp thượng đỉnh lần một tại Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái, lập trường của Tổng thống Trump không đổi. Ông muốn Bắc Hàn gỡ bỏ “hoàn toàn và có kiểm chứng” các cơ sở hạt nhân. Vào tuần này ông Trump nhắc lại quan điểm muốn thấy Bắc Hàn có động thái “có ý nghĩa” về phương diện hạt nhân.
Ngoài vũ khí hạt nhân mà Bắc Hàn ”khoe” họ đang có, Bình Nhưỡng cũng có các tên lửa tầm trung và xuyên lục địa, là mối răn đe không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các nước đồng minh của Washington trong khu vực như Nam Hàn và Nhật Bản.
Với nguyên tắc “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”, chắc chắn Chủ tịch Kim cần Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc gỡ bỏ các lệnh cấm vận về kinh tế, đi lại đối với một số nhân vật, mở đường để Bình Nhưỡng tái thiết kinh tế và hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Những ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh mà phía Hoa Kỳ xác nhận có những phiên chỉ có hai vị lãnh đạo và phiên dịch, người ta thấy các chuyến tiếp xúc ngoại giao cấp cao.
Phải kể đến là đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol Kim Hyok-chol gặp người tương nhiệm phía Hoa Kỳ là Stephen Biegun vào tuần này tại Hà Nội. Thế nhưng lại là các cuộc họp kín và hai bên đều kín tiếng với báo giới.
Tổng thống Trump là người ưa có những cam kết cụ thể và cho tới nay có vẻ là người quyết nhanh những gì có thể quyết được. Chắc chắn ông không muốn mất thời gian vô ích tới Hà Nội để “đi về tay trắng”.
Và báo chí cũng nói tới việc ông Kim có thể sẽ thành công trong việc né cam kết cụ thể bằng cam kết ”hướng tới hòa bình”.
Tức là người ta bắt đầu nói đến thỏa thuận mà hai ông có thể đạt được, nếu có, là không lớn và cụ thể như kỳ vọng.
Nếu vậy thì ta kỳ vọng vừa phải cho sự kiện này có lẽ sẽ đỡ thất vọng và ngạc nhiên hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47341668
Tin nói Kim Jong Un đã bắt đầu hành trình đi Việt Nam
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã lên đường sang Việt Nam vào ngày thứ Bảy để dự cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau, các bản tin của truyền thông cho hay, và vài giờ sau đó, hai người mục kích nhìn thấy một đoàn tàu tiến vào Trung Quốc từ hướng Triều Tiên.Tin tức về chuyện ông Kim rời khỏi Triều Tiên được loan đi sau khi Việt Nam thông báo ông Kim sẽ có chuyến thăm chính thức trong “những ngày tới,” lúc mà Việt Nam chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào thứ Tư và thứ Năm tuần sau.
Không có thông tin chi tiết nào về chuyến du hành của hai nhà lãnh đạo, hoặc về hội nghị thượng đỉnh, chính thức được công bố.
Ông Kim rời thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào khoảng 5 giờ chiều (0800 GMT) trong một đoàn tàu bọc thép, hãng thông tấn của TASS Nga cho biết, dẫn một nguồn tin ngoại giao Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa xác nhận chuyến đi của ông Kim tới Việt Nam hoặc hội nghị thượng đỉnh của ông với ông Trump.
Reuters cho hay hai người mục kích ở thành phố Đan Đông sát biên giới của Trung Quốc, nơi có tuyến đường sắt chính từ Triều Tiên đến Trung Quốc, cho biết một đoàn tàu đã băng qua sông Áp Lục vào Trung Quốc vào khoảng 9 giờ 30 phút tối (1330 GMT).
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc và đài YTN cũng loan tin một đoàn tàu nghi là chở ông Kim đã đến Đan Đông.
Một người mục kích nói an ninh Trung Quốc đã xua đuổi những người cố gắng chụp hình.
Không rõ ông Kim có mặt trên tàu hay không. Trung Quốc đã từ chối trả lời các câu hỏi về kế hoạch du hành của ông Kim xuyên qua nước này, Reuters cho hay.
Ông Kim có thể mất ít nhất hai ngày rưỡi để du hành hàng ngàn km qua Trung Quốc bằng tàu hỏa đến Việt Nam.
Reuters dẫn lời một quan chức an ninh cao cấp ở Việt Nam nói Hà Nội đang chờ đón một đoàn tàu rời Bình Nhưỡng vào ngày thứ Bảy đi Việt Nam, nhưng không biết liệu ông Kim Jong Un có mặt trên tàu hay không.
Đoàn tàu của ông dự kiến sẽ dừng ở ga Đồng Đăng sát biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, nơi ông sẽ xuống tàu và đi 170 km về Hà Nội bằng xe hơi, các nguồn tin biết trực tiếp kế hoạch an ninh và hậu cần nói với Reuters.
Công an Việt Nam đã tăng cường an ninh quanh nhà ga này.
Vào ngày 26 tháng 2, Việt Nam sẽ cấm giao thông trên tuyến đường ông Kim dự kiến sẽ đi đến Hà Nội từ ga Đồng Đăng, truyền thông nhà nước cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-kim-jong-un-da-bat-dau-hanh-trinh-di-viet-nam/4801215.html
Người đóng giả Trump, Kim bị công an thẩm vấn
Hai người đóng giả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị công an Việt Nam thẩm vấn.Người đóng giả ông Kim, Howard X và người đóng giả ông Trump, Russell White đã bị khiển trách sau khi tổ chức một “cuộc họp” tại Hà Nội.
Theo AFP, cả hai nói rằng họ bị đe dọa trục xuất.
“Họ đơn thuần là nói ngừng việc đóng giả lại hoặc chúng tôi sẽ đuổi cổ hai anh ra khỏi nước,” Howard X, vốn là người Hong Kong, nói với AFP.
Chủ tịch Kim và TT Trump ‘đóng giả’ đã tới HN’
Mike Pompeo hy vọng có tiến bộ thực sự ở Hà Nội
Thượng đỉnh Mỹ Triều trước giờ Trump và Kim tới Hà Nội
Ông và ông White đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh giả ở thủ đô, nói với các phóng viên rằng ‘họ có ý định giảm quy mô hạt nhân của Triều Tiên’.
“Chúng tôi đang làm việc vì hòa bình. Thông qua các cuộc đàm phán, với đối thoại, tất nhiên chúng tôi muốn giúp đỡ Triều Tiên,” ông White ‘nói thay’ Tổng thống Mỹ Trump.
Howard X cũng đã đến Singapore trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đầu tiên năm ngoái và cũng bị câu lưu và thẩm vấn bởi cảnh sát Singapore.
Ở Việt Nam Howard X và Russell White đã bị cảnh sát bắt giữ trong lúc đang trả lời phỏng vấn cho một đài truyền hình.
Theo AFP, công an Việt Nam nói cả hai buộc phải ngừng cải trang và chỉ được phép đi quanh thành phố với một lộ trình được phê duyệt và có hộ tống.
Ông White và Howard X cho biết họ đang tìm kiếm những người đóng giả khác để tham gia vào nhóm “bạo chúa” của họ.
Họ đã kêu gọi người đóng giả Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham gia cùng họ.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 để thảo luận về việc thuyết phục nhà nước Cộng sản độc đảng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47341671
Đại sứ Hàn Quốc lý giải việc Mỹ – Triều Tiên
chọn Hà Nội làm nơi gặp gỡ
Kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện lớn cùng sự tin tưởng là lý do Mỹ và Triều Tiên thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định.Đại sứ Kim Do-hyon cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 sẽ thiết lập nền tảng vững chắc, và chính nền tảng này là bệ đỡ để thúc đẩy, hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Việt Nam sẽ nắm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm tới , trở thành một phần của tiến trình hòa bình, cùng tham gia hành động, phối hợp và xây dựng hòa bình. Điều này đem đến sự ổn định và hội nhập cho sức mạnh châu Á”, Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh.
Ông nhận định, cùng với sự thành công của hội nghị thượng đỉnh, quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo Đại sứ, Việt Nam hiện là trung tâm của các sự kiện quan trọng mang tính toàn cầu. Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này để khẳng định vị trí trong cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quá trình hợp tác cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
“Hội nghị sẽ kết thúc, nhưng 3 nền kinh tế sẽ thêm gắn kết, phối hợp và hội nhập. Ba quốc gia Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam có thể tạo thành một cộng đồng kinh tế lớn mạnh, tìm đến nhau để trở thành đối tác của nhau”, ông nói.
Đại sứ Hàn Quốc cho rằng, khi đến đây, mọi người sẽ thấy một Việt Nam đổi mới, một nền kinh tế đang phát triển. Đây là thông điệp rõ ràng, mạch lạc gửi đến Triều Tiên và thế giới. Nền kinh tế Việt Nam từng đóng cửa và giờ đây đang chuyển mình.
Về Hà Nội, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Đại sứ Kim Do-hyon nhấn mạnh: “Bạn sẽ nắm bắt trọn vẹn cơ hội để cho mọi người thấy các góc phố Hà Nội. Những con phố, kiến trúc, khung cảnh sinh động, những chiếc xe máy di chuyển khắp nơi. Hà Nội là thành phố có nền ẩm thực xuất sắc ở châu Á. Đây là cơ hội quảng bá tuyệt vời về một thành phố hòa bình”.
Theo ông, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện lớn của ASEAN cũng như thế giới. Mỹ và Triều Tiên thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội dựa trên sự tin tưởng về năng lực của Việt Nam.
“Trong các sự kiện, chúng ta đã nói về hòa bình, về những gì Việt Nam có thể đóng góp cho tiến trình hòa bình. Tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đến thăm Hàn Quốc. Bà nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn làm cầu nối cho hòa bình. Điều này cũng có ý nghĩa lớn với việc đưa ra quyết định cuối cùng”, Đại sứ Hàn Quốc chia sẻ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/26380-dai-su-han-quoc-ly-giai-viec-my-trieu-tien-chon-ha-noi-lam-noi-gap-go.html
Câu lưu ở sân bay là để hăm dọa người dân
Diễm Thi, RFAChuyện các nhà bất đồng chính kiến, những người hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự hay thân nhân những tù nhân lương tâm đi nước ngoài về bị câu lưu ở sân bay, bị thu giữ điện thoại hay hộ chiếu là chuyện không có gì lạ ở Việt Nam.
Hôm 25/1/2019, ba ngày sau phiên Kiểm Điểm Nhân Quyền Định Kỳ Phổ Quát 2019 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Genève, một phái đoàn người Việt Nam đã gặp gỡ Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Liên Bang Đức tại Berlin để tiếp tục vận động cho nhân quyền, trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân chính trị Trương Minh Đức – một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế.
Khi trở về Việt Nam sáng 21/2/2019, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu. Bà kể:
Họ giữ hộ chiếu của tôi, tôi nói là nếu không trả hộ chiếu thì tôi không về. Họ đe dọa tôi là bây giờ họ nói đàng hoàng, giữ hộ chiếu để xác minh rồi trả lại, bên phòng xuất nhập cảnh họ cấp visa cho chị được thì họ có quyền lấy lại. – Bà Kim Thanh
“Người ta giữ tôi lại mời tôi vô phòng làm việc hỏi tôi qua Đức làm gì, họ hỏi tôi rất nhiều thứ, tên tuổi gia đình tôi như điều tra gia đình tôi vậy.
Hỏi tôi qua gặp những ai, tôi bảo rằng tôi lớn tuổi tôi không nhớ ai tên gì. Họ tóm tắt câu chuyện rồi kêu ký vào, tôi không ký, tôi bảo rằng khi tôi đi qua Đức thì chính phủ Đức có giấy mời, rồi chính phủ Việt Nam đã cho tôi đi thì tôi đi hợp pháp, tôi có vi phạm gì mà bắt tôi phải ký?
Dù có giữ tôi đến bao lâu tôi cũng không ký vì tôi không làm gì sai luật pháp hết.
Họ giữ hộ chiếu của tôi, tôi nói là nếu không trả hộ chiếu thì tôi không về. Họ đe dọa tôi là bây giờ họ nói đàng hoàng, giữ hộ chiếu để xác minh rồi trả lại, bên phòng xuất nhập cảnh họ cấp visa cho chị được thì họ có quyền lấy lại.”
Bà cho biết bên an ninh hạch hỏi bà rằng tại sao biết Việt Tân là đảng khủng bố mà còn gặp, bà trả lời bà không biết ai là Việt Tân bên đó, bà chỉ biết rằng chồng bà bị kết án oan sai nên bà vô Bộ Ngoại Giao Đức kêu oan và vận động cho chồng bà ra tù bằng mọi cách. Bà hỏi ngược lại an ninh rằng “Tôi mong muốn họ giúp đỡ, kêu gọi trả tự do cho chồng tôi thì cái đó có gì sai phạm?”
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cho chúng tôi biết thêm:
“Họ nói chị ấy thuộc diện cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia nhưng họ vẫn cho chị ấy đi, lúc về thì lại giữ hộ chiếu để làm rõ lý do chị đi. Họ hỏi chị ấy là tại sao đi thăm gia đình bên Đức mà lại sang Thụy Sĩ, ai đưa chị sang Thụy Sĩ, sang đấy gặp những ai, quen anh Đài như thế nào Họ đưa một loạt hình ảnh của chị bên Thụy Sĩ chụp với những người khác rồi hỏi chị có biết những người này không…”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trở về sau chuyến du lịch Mỹ vào tháng 1/2019 cũng đã bị an ninh sân bay Nội Bài mời vào làm việc.
Thứ nhất là nó muốn hăm dọa những người sẽ đi lại hoặc người sắp đi ra nước ngoài để khi ra nước ngoài thì đừng liên hệ với tổ chức này hay cá nhân khác, về sẽ gặp rắc rối. – Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Chia sẻ trên facebook cá nhân của mình, ông cho biết an ninh sân bay lập ra một biên bản trong đó có nhắc đến Điếu Cày, Trịnh Hội& VOICE, Việt Tân, và chuyện quỹ 50K rồi yêu cầu ông ký vô. Ông trả lời rất dí dỏm rằng ký thì không khó nhưng nếu ông ký vào thì nhục nhã cho nhà nước này lắm:
“Nhục nhã cho các anh và nhục nhã cho nhà nước nầy chứ không phải cho tui. Một đất nước mà ông Phúc bạn tui vẫn ra khoe với thế giới là rất dân chủ và tôn trọng nhân quyền lại tự dưng bắt một công dân đáng tôn kính như tui phải ký biên bản tường trình lại sự việc đi ăn chơi của mình sau khi đi du lịch về thì còn chi thể diện quốc gia”.
Trả lời RFA về mục đích của việc câu lưu ở sân bay, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng:
“Có hai ý. Thứ nhất là nó muốn hăm dọa những người sẽ đi lại hoặc người sắp đi ra nước ngoài để khi ra nước ngoài thì đừng liên hệ với tổ chức này hay cá nhân khác, về sẽ gặp rắc rối. Thứ hai là nó cũng muốn tìm hiểu xem mình có liên hệ với ai không, qua đó làm gì, có tổ chức nào liên hệ với mình không…
Những người quen rồi thì không sợ an ninh chứ những người mới họ cũng sợ phiền, họ sẽ không tiếp xúc với ai.”
Chiều ngày 4 tháng 4 năm 2016, anh Mai Văn Tám, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị cơ quan nhập cảnh sân bay Nội Bài câu lưu, tịch thu hộ chiếu khi từ Thái Lan về Hà Nội. Anh cùng với phái đoàn 14 người đã sang Thái Lan để tham dự hội nghị diễn đàn Xã Hội Dân Sự khu vực ASEAN tại Bangkok, Thái Lan hôm 31/3/2016.
Tháng 9/2015, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị câu lưu ở sân bay Nội Bài 15 tiếng, khi trở về sau chuyến công tác dài ngày ở châu Âu và Mỹ. Chia sẻ trên facebook cá nhân của mình sau khi được thả, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết chiêu bắt cóc người quen thuộc của an ninh là bảo hộ chiếu của ông đã hết hạn mới giữ ông lại để kiểm tra.
“Họ muốn mình trả lời đi Mỹ gặp những ai, ở đâu, móc nối với các tổ chức “phản động” nào …”
“Chỉ có họ mới biết, nhưng có thể thấy họ mới chính là những người bôi tro trát trấu lên mặt nước Việt Nam XHCN, và phản động theo đúng nghĩa!”
Vào tháng 6/2014, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng một số nhà hoạt động xã hội khác ở Việt Nam đã sang Geneva (Thụy Sĩ) để tham gia phiên họp về Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Một trong những trường hợp đầu tiên khiến công luận quan tâm và các hãng truyền thông quốc tế như Reuters, AFP, AP thậm chí tờ South China Morning Post đưa tin, là trường hợp của blogger Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động cho quyền con người và tự do ngôn luận tại Việt Nam, đã bị an ninh sân bay Nội Bài giữ nhiều tiếng đồng hồ khi ông trở về từ khóa huấn luyện về Xã hội Dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức tại Philippines vào tháng 10 năm 2013.
Ngay sau khi được thả, blogger Nguyễn Lân Thắng cho RFA biết mục đích của việc câu lưu là “họ muốn tìm hiểu những hoạt động của tôi liên quan đến tuyên bố 258 và cái lớp học Xã hội dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức.”
Ông nói thêm rằng thật ra thì cơ quan an ninh Việt Nam họ nắm rất nhiều nguồn thông tin, họ theo dõi và biết tất cả các hoạt động của ông cũng như nhiều người khác từ trước, nhưng hoạt động của từng blogger có thể khác nhau và đánh giá của cơ quan an ninh cũng khác nhau cho nên hành xử của họ cũng khác nhau.
Chỉ sáu tháng sau, nhà báo Ngô Nhật Đăng và blogger Nguyễn Đình Hà bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị câu lưu ở sân bay Nội Bài, khi ba nhà hoạt động này trở về từ Mỹ sau phiên điều trần về nền tự do báo chí của Việt Nam, theo lời mời của các dân biểu nghị sĩ Hoa kỳ.
Tất cả những người từng bị câu lưu ở sân bay đều cho chúng tôi biết là an ninh hạch sách, hỏi đủ điều về chuyến đi, ghi chép lại và yêu cầu ký tên, rồi thu giữ điện thoại, hộ chiếu và hẹn một ngày khác lên làm việc tiếp.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/halting-at-the-airport-just-for-intimidate-dt-02222019145257.html
Báo Người Tiêu Dùng bị đình bản 3 tháng
vì hỏi “Bao giờ Lê Hoàng Quân vào lò?”
Ngày 22/2/2019, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt báo điện tử Người Tiêu Dùng 65 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử trong thời hạn 3 tháng vì bài báo “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”?” – đăng trên báo này ngày 27/12/2018.Quyết định xử phạt cũng yêu cầu Báo điện tử Người Tiêu Dùng phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin sai sự thật.
Mạng báo Thanh Niên dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, báo điện tử Người tiêu dùng bị kết luận vi phạm 2 lỗi, thứ nhất là thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết nêu trên.
Cụ thể là nội dung “lấp liếm việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm” bị cho là sai so với Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra nội dung trong bài viết của cơ quan ngôn luận Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng bị cho rằng “Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết.”
Thông tin sai được nêu là “Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái” gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng.”
Trong Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động báo chí của Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông được lan truyền trên Facebook cho thấy, bà Đặng Thi Kim Hiền, Tổng biên tập báo Người Tiêu Dùng sau khi đọc biên bản “khẳng định không có ý kiến và không ký biên bản vi phạm hành chính”.
Hồi năm 2018, báo Tuổi trẻ Online cũng bị đình bản 3 tháng và phạt 220 triệu đồng vì bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng ngày 19/6/2018.
Bài viết cho rằng trong buổi tiếp xúc cử tri TPHCM “Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”.
Tuy nhiên theo Cục báo chí, thực tế ông Trần Đại Quang không nói câu này.
Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố hồi tháng 4/2018, thì Việt Nam được xếp vào danh sách quốc gia không có tự do báo chí.
Việt Nam vẫn đang cầm tù một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do là anh Nguyễn Văn Hóa, trong khi đó một blogger khác là anh Trương Duy Nhất vẫn đang bị mất tích khi đang tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/co-ne-fi-02232019085716.html
Lương nhà giáo: Chưa kịp vui, nỗi lo đã trở lại!
Trung Khang, RFAỦy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21 tháng 2 năm 2019, đã không đồng tình đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Như vậy niềm vui tăng lương của nhà giáo lại một lần nữa lỗi hẹn.
Trước đó vào đầu tháng 1 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Cụ thể mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, đội ngũ giáo viên sẽ được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, nếu xét theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với hiện tại, nhất là giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đề nghị tăng lương giáo viên cũng là điều dễ hiểu, vì đời sống giáo viên vốn khó khăn, không gắn bó tận tâm với nghề vì phải làm thêm nhiều chuyện khác. Nhưng bây giờ Quốc hội từ chối bảng lương riêng cho giáo viên thì cũng là một điều đáng tiếc.
-Đỗ Việt Khoa
Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần có bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 2 năm 2019, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.
Từ Hà Nội, thầy Đỗ Việt Khoa đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nó cũng đúng như dự đoán của chúng tôi, là người ta sẽ không có bảng lương riêng cho ngành giáo dục, cao hơn hay cao bằng lương của ngành công an. Ngành công an họ có bảng lương riêng, trung bình lương họ cao gấp 1,8 lần so với lương trong ngành giáo dục và các viên chức khác. Và không hiểu sao lương hưu của họ cũng rất cao, công an, bộ đội sau hai mươi năm làm việc, khi về hưu lương họ cũng sáu bảy triệu, cao hơn lương chúng tôi khi còn đi dạy. Do đó người ta đề nghị tăng lương giáo viên cũng là điều dễ hiểu, vì đời sống giáo viên vốn khó khăn, không gắn bó tận tâm với nghề vì phải làm thêm nhiều chuyện khác. Nhưng bây giờ Quốc hội từ chối bảng lương riêng cho giáo viên thì cũng là một điều đáng tiếc.”
Cũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, giáo viên phải có mức lương ưu tiên, ưu đãi hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần phải tùy thuộc vào khả năng của ngân sách.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì cho rằng bảng lương riêng cho giáo viên là trái Nghị quyết 27 của Trung Ương, còn phụ cấp cao nhất thì không nên vì còn nhiều ngành nghề đặc thù không kém ngành giáo dục?!
Ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng hiện nay đã có Nghị quyết 27 về cải cách lương rồi nên không thể làm khác được.
Tuy nhiên theo nghị quyết 27 về cải cách lương, thì thu nhập giáo viên vẫn quá ít, không đủ sống, một giáo viên ở vùng ĐBSCL không muốn nêu tên cho Đài Á Châu Tự Do biết thực tế thu nhập của Cô:
“Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ, trừ nhiều lắm. Ví dụ như tôi dạy thì một tháng lương của tôi đúng ra là lãnh được 4,2 triệu nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ “nhà tình thương”, trừ “bà mẹ Việt Nam anh hùng”… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn. Không bao giờ mình biết được tháng này mình sẽ lãnh được bao nhiêu tiền.”
Giáo viên trong biên chế lương đã thấp, còn giáo viên theo hợp đồng thì còn khó khăn hơn nhiều. Một giáo viên hợp đồng ở Hải Phòng, cho Đài Á Châu Tự Do biết trong thực tế ngoài chuyện lương thấp, thì cơ chế trả lương cho giáo viên cũng không hợp lý:
Đói cho sạch, rách cho thơm, nhà giáo xin đừng cố gắng cải thiện bằng cách thu trái phép của phụ huynh, cưỡng ép học sinh học thêm một cách vô lối.
-Đỗ Việt Khoa
“Giáo viên biên chế thì có tăng một chút, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng nhiều năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1. Theo tôi, cơ chế cần phải thay đổi theo hướng là trả lương cao cho giáo viên và đòi hỏi người ta làm nhiều hơn bởi vì có tình trạng giáo viên vào biên chế rồi thì độ năng động người ta không có. Không có sự bó buộc nào cả giữa mức lương và sự tích cực của người làm. Nó không căn cứ trên gì cả.”
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, thì lương giáo viên hiện nay rất thấp, giáo viên ở thành phố thì còn có thể dạy thêm để tăng thu nhập, còn giáo viên ở miền núi vùng sâu vùng xa thì không những không dạy thêm để có nguồn thu, mà đôi khi còn phải bớt tiền của mình để cho học sinh nghèo. Ông cho rằng đây là điều bất bình đẳng trong ngành giáo dục.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm tâm tư, nguyện vọng của mình:
“Ngành giáo dục để mà nâng cao được đời sống giáo viên thì cũng khó lắm. Giáo viên chúng tôi không thể vừa dạy học vừa ra chợ. Vì vậy tôi nghĩ giáo viên phải tìm cách tự khắc phục, như tiết kiệm chi tiêu, tìm các công việc phù hợp nhất với mình để cải thiện đời sống. Chứ trông chờ vào nhà nước thì không còn khả năng. Nhưng đói cho sạch, rách cho thơm, nhà giáo xin đừng cố gắng cải thiện bằng cách thu trái phép của phụ huynh, cưỡng ép học sinh học thêm một cách vô lối, thu các khoảng không đúng quy định.”
Còn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang thì cho rằng, muốn còn giáo viên dạy học, trước nhất nhà nước phải tìm cách lo cho đời sống giáo viên, vì hiện nay lương thấp quá, không đủ sống. Ngoài ra, phải thưởng cho giáo viên để khuyến khích giáo viên có nhiều đóng góp sáng tạo. Và quan trọng hơn hết, phải quan tâm thêm cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa để các giáo viên này có thể yên tâm làm việc ở vùng xa đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/teacher-salaries-still-worries-02222019120848.html
Vì sao Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chấm dứt hoạt động?
Nguyễn Trang NhungThứ Bảy, ngày 23/2, mạng xã hội Facebook lan truyền một thông báo được cho là của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về việc Quỹ này chấm dứt hoạt động.
Thông báo được đề ngày 20/2 với chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch của Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Trong số các trang lan truyền thông báo này có trang cá nhân của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên[1] và fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy.[2]
Điều lạ thường là một thông báo như vậy lại chưa được công bố trên website của Quỹ (quyphanchautrinh.org), tính đến 6 giờ tối ngày 23/2.
Truy nguyên nguồn gốc của thông báo, người viết thấy rằng nơi đăng tải thông báo sớm nhất có lẽ là trang viet-studies.net của TS. Trần Hữu Dũng (ngày 22/2).[3]
Dù thông báo chưa được công bố trên website của Quỹ, song theo một số nguồn đáng tin cậy, thông báo cũng như việc Quỹ chấm dứt hoạt động là có thật. Điều này càng được khẳng định khi Tuổi Trẻ và sau đó là nhiều báo khác đưa tin, tuy muộn hơn mạng xã hội.[4]
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức phi chính phủ và vô vị lợi ra đời vào năm 2008, mà tiền thân là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, ra đời vào năm 2006.[5]
Sứ mệnh của Quỹ là “góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21“,[5] xuất phát từ con đường “Khai Dân trí – Chấn Dân khí – Hậu Dân sinh” mà nhà yêu nước, nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã đưa ra cách đây hơn một thế kỷ.
Thông báo ghi rằng qua 11 năm hoạt động, Quỹ đã luôn trung thành với sứ mệnh trên đây, đã giới thiệu nhiều tác phẩm tinh hoa của văn hóa thế giới, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, và đáng kể nhất là giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa qua Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm, v.v.
Lý do chấm dứt hoạt động, như thông báo cho biết, là “một số điều kiện khách quan“.
Không rõ một số điều kiện khách quan ở đây là gì, song khi thông báo không nêu ra, nó khiến người đọc đặt câu hỏi về một số điều kiện khách quan đó.
Có thể đó là những khó khăn về các phương diện như nhân lực, tài chính (Quỹ có ít người trẻ và hạn chế về tài chính), như GS. Chu Hảo, Phó Chủ tịch của Quỹ, đã có lần chia sẻ trong một chương trình truyền hình của VTV1 về văn hóa và giáo dục Việt Nam,[6] song liệu ngoài các điều kiện khách quan, có hay không các điều kiện chủ quan?
Trong bối cảnh mà tự do học thuật ngày càng bị thắt chặt, nhất là sau sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì NXB Tri Thức – nơi ông làm giám đốc kiêm tổng biên tập – đã xuất bản một số cuốn sách “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản“,[7] liệu sự chấm dứt hoạt động của Quỹ còn vì áp lực của hệ thống chính trị?
Nếu câu trả lời là ‘Đúng’, rõ ràng thông báo này còn là kết quả của sự lùi bước của Quỹ trước áp lực nêu trên. Nói cách khác, nó là kết quả của sự thoái trào của quyết tâm của những người đứng đầu, nhất là bà Nguyễn Thị Bình, trong việc thực hiện sứ mệnh mà bà và những người sáng lập đã đặt ra cho Quỹ vào 11 năm trước.
Nếu câu trả lời là ‘Đúng’, nó cho thấy cam kết của họ đã không đủ mạnh, bản lĩnh của họ đã không đủ vững, hay ý chí của họ đã không đủ cao, và do vậy mà họ không thể duy trì hoạt động của Quỹ lâu dài, như lẽ ra phải thế.
(Cần nói thêm rằng bà Nguyễn Thị Bình đã không hề lên tiếng trước sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì hoạt động nêu trên, vốn có liên quan đến Quỹ.)
Sự chấm dứt hoạt động của Quỹ gây nên nỗi buồn chán cho một số người, và mang lại tiếng thở dài cho một số người khác, nhất là những người trong giới sách vở và học thuật. Các hoạt động về sách vở và học thuật từ nay sẽ thêm phần khó khăn.
Dẫu vậy, có lẽ những người quan sát, kể cả những người đang buồn chán và thở dài, cần có một thái độ tích cực hơn rằng, nếu những người sáng lập Quỹ đã không thể đi tiếp con đường, dù vì lý do gì, thì những người khác – đặc biệt là những người trẻ – sẽ đi những con đường tương tự, song sẽ phải bền chí và kiên gan hơn, bới đó là những con đường phải đi, và việc đi trên chúng là đòi hỏi khách quan của công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Chú thích:
[1] Thông báo trên facebook của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
https://www.facebook.com/profile.php?id=100001402346694
[2] Thông báo trên fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy
https://www.facebook.com/caphethubay/posts/1197476703751223
[3] Thông báo trên trang viet-studies.net của TS. Trần Hữu Dũng
http://www.viet-studies.net/ThongBaoQuyPCT.JPG
[4] Tin về sự kiện trên báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/quy-van-hoa-phan-chau-trinh-ngung-hoat-dong-201902231…
[5] Thông báo ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2007, nhưng website của Quỹ ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2008 theo Quyết định số 1063 ngày 3 tháng 10 năm 2008 của UBND TP. Hà Nội.
[6] Giới thiệu tổng quan về Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh
http://quyphanchautrinh.org/gioi-thieu/22
[7] GS. Chu Hảo nói về thực trạng văn hóa và giáo dục Việt Nam trên VTV1
https://www.facebook.com/chuhaosupporters/videos/291786734771471
[8] Xem xét thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ KH và CN Chu Hảo
https://vov.vn/chinh-tri/xem-xet-thi-hanh-ky-luat-nguyen-thu-truong-bo-k…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/pct-cul-fu-clo-02232019092621.html
Bắt ông Nguyễn Bắc Son,
Trương Minh Tuấn vụ Mobifone-AVG
Theo truyền thông trong nước, hôm 23/2, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son, và phó Ban Tuyên giáo, cựu bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.Theo Báo Tuổi Trẻ, cả hai bị bắt giữ vì có những sai phạm liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), khi đó ông Son còn là Bộ trưởng Bộ TT-TT, còn ông Tuấn làm thứ trưởng.
Vào tháng 10/2018, ông Nguyễn Bắc Son đã bị cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT-TT và bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Ông Son từng là cựu thư ký riêng của đại tướng Lê Đức Anh.
Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?
Bắt thêm người từ đại án MobiFone mua AVG
Ông Bắc Son mất cả tư cách ‘nguyên bộ trưởng’
Trương Minh Tuấn: ‘Ngã gục vẫn đứng dậy’
Còn ông Trương Minh Tuấn hồi tháng 7/2018 đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ và Bộ trưởng TT-TT, và chuyển về làm phó Ban Tuyên giáo.
Ngày 10/7/2018, Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG, làm thất thoát khoảng 8000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Cùng thời điểm đó, đã khởi tố ông Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin – truyền thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 220 BLHS 2015.
Vào cuối tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra thương vụ Mobifone-AVG.
Theo kết luận, AVG chỉ có giá trị ròng khoảng 1.900 tỷ đồng, vì vậy Mobifone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng.
MobiFone bị “xác định mắc 4 sai phạm”: Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án; lựa chọn thẩm định giá; lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần.
Bộ Thông tin Truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thẩm định dự án, quyết định phê duyệt dự án.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đã không hướng dẫn Bộ TT-TT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định, các văn bản thiếu nhất quán.
Bộ Tài chính thì không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án.
Việc Bộ Công An xác định không cho phép AVG chuyển nhượng cổ phần sang nước ngoài mà buộc phải bán trong nước là “không phù hợp”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47341673
TQ dựng rào gây khó,
thế mạnh Việt Nam năm mới lo lắng
Giảm cả về lượng và giá, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang áp thuế cao, dần hạn chế nhập hàng Việt.Bấp bênh thị trường lúa gạo
Gạo Việt Nam xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, mặt hàng gạo xuất khẩu kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn, mang về 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.
Đáng chú ý, vào những tháng đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT còn thông báo, giá gạo Việt xuất khẩu bình quân đã bật tăng lên 475 USD/tấn, thay vì mức 435 USD/tấn của năm 2016 và 450 USD/tấn (2017). Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn cả giá gạo Thái Lan sau nhiều năm được đánh giá là lép vế về giá và chất lượng.
Thế nhưng, sang đầu năm 2019, bức tranh lúa gạo không còn khởi sắc như cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 1/2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 373 nghìn tấn (giảm 24,2% so với cùng kỳ), giá trị ước đạt 167 triệu USD (giảm 30% so với cùng kỳ).
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm, còn xuống 4.200-4.400 đồng/kg; thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg vào đầu tháng 2/2019.
Nguyên nhân được cho là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên đầu năm chưa có nhu cầu nhập khẩu. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao theo hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ.
Thực tế, những ngày này, người nông dân ở ĐBSCL như ngồi trên đống lửa vì vào vụ thu hoạch mà giá lúa lại lao dốc. Thậm chí, tại Đồng Tháp và An Giang giá lúa còn giảm theo ngày.
Ông Lưu Văn Hải, ở xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, An Giang) cho hay, giá lúa IR50404 ông bán cho thương lái chỉ 4.550 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái, trừ hết chi phí, chỉ còn lời 300.000-400.000 đồng/công (1.000m2).
Tương tự, ông Trang Văn Hoàng ở xã Phong Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp) than, trước Tết lúa IR50404 còn bán được với giá 4.800 đồng/kg thì nay còn 4.300-4.400 đồng/kg. Buồn hơn là mấy công lúa của gia đình ông mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái vẫn biệt tăm.
Tại Sóc Trăng, lãnh đạo Sở Công Thương cung cấp thêm thông tin, nông dân trồng lúa đang “chết đứng” vì giá thấp, không ai mua. Một số doanh nghiệp trước đó có đầu tư, bao tiêu lúa của nông dân cũng đành “bỏ của chạy lấy người” do thị trường tiêu thụ khó khăn.
Trung Quốc tăng rào cản, hạn chế nhập
Khó khăn về thị trường tiêu thụ là nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết, đầu từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Trung Quốc dựng rào gây khó, thế mạnh Việt Nam năm mới lo lắng
Lượng gạo Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng giảm
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cũng từng nhận định ngành gạo Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Trước đó, Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét cấp giấy phép. Mới có 21/156 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. Điều này cũng gây khó khăn cho xuất khẩu và giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năm 2017, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,89 triệu tấn. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 với 39,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2017 đạt 2,29 triệu tấn và 1,03 tỷ USD.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn, nhưng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc vào cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.
Theo đó, không chỉ với mặt hàng gạo mà tới đây toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện trên, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.
Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.
Tại buổi việc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ vào chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với kiến nghị của Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm” 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.
Các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo.
“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ NN-PTNT, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26381-tq-dung-rao-gay-kho-the-manh-viet-nam-nam-moi-lo-lang.html
0 nhận xét