Tin Việt Nam – 02/02/2019
Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019
13:40
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Đắk Nông: Một Facebooker bị bắt
ngay trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019
Bà Dương Thị Lanh, một Facebooker ở tỉnh Đắk Nông vừa bị bắt hôm 30/1/2019 khi lên Ủy ban nhân dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp theo giấy triệu tập lần 1 của Cơ quan điều tra để làm việc liên quan đến 2 tài khoản Facebook có tên “Uyên Thùy” và “Mai Bùi”.Ông Trần Côi, chồng của bà Lanh xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin về việc bắt giữ tuy nhiên cho hay công an Đắk Nông không đưa ra bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh.
“Nó chỉ có đánh giấy mời đi làm việc cuối năm, ghi trong đó là có liên quan đến Facebook Uyên Thùy, Mai Bùi; nó hẹn 2 giờ lên làm việc, khi lên thì nó bắt luôn.
Lúc bắt em ở nhà thì em không biết, lúc nó nhốt xong nó chở Ngọc Lan (nickname Facebook của bà Lanh) quay lại nhà nó khám xét nhà.
Em mới hỏi là có lệnh khám xét nhà không, thì nó nói là vợ anh đã bị tạm giam rồi, nên giờ tôi có lệnh khám xét nhà. Xong em hỏi: Ủa, lý do gì tạm giam, có lệnh bắt không?
Nó nói: bắt hay không anh không cần hỏi là cái thứ nhất.
Cái thứ hai là hỏi bắt về tội gì, nó không trả lời kêu hỏi vợ anh, là tụi tui không trả lời. Nó chỉ đọc lệnh khám xét nhà thôi,” ông Trần Côi thuật lại việc bắt giữ của cơ quan công an.
Theo ông Trần Côi, khi khám xét nhà vào chiều ngày 30/1, lực lượng công an thu giữ 1 số tài sản gồm quần áo và nón giống đồ của lính Mỹ và 3 cái điện thoại, đồng thời thông báo bà Lanh sẽ bị tạm giam 3 tháng ở trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông.
Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho đường dây nóng của Công an tỉnh Đắk Nông, để hỏi về trường hợp này, tuy nhiên người trực ban nói “không có thông tin gì”
Bà Dương Thị Lanh, sinh năm 1982, hiện đang sinh sống tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Trong đoạn live stream cuối cùng trên tài khoản SG Ngọc Lan vào ngày 27/1/2019 bà Lanh cho hay, bản thân có tham dự cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018 và bị bắt giữ cùng với 10 người khác hôm 11/6/2018 khi đang ngồi ở công viên tại Quận 1, TPHCM.
Theo đó, tại trụ sở Công an bà bị phạt 150 ngàn đồng và được trả tự do.
Bà Lanh phủ nhận mình là thành viên của nhóm Hiến pháp cũng như cho hay đã từng ủng hộ tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời của ông Đào Minh Quân vào năm 2017, tuy nhiên sau đó không còn ủng hộ nữa.
Chúng tôi được biết bà Dương Thị Lanh là người thứ 3 bị bắt giữ trong năm 2019.
Trước đó, ngày 12/1/2019, Công an TPHCM bắt giữ 2 ông Châu Ngọc Khảm, người Úc gốc Việt là thành viên của Việt Tân và ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên của hội Anh em dân chủ.
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam cũng có báo cáo về trường hợp Facebooker Huỳnh Minh Tâm ở Đồng Nai bị bắt giữ hôm 26/1/2019, tuy nhiên Đài Á Châu Tự Do chưa xác minh được thông tin này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/daknong-a-facebooker-arrested-before-tet-02022019083247.html
Sinh viên bị triệu tập làm việc vì sử dụng Facebook
tham gia nhóm “Thích BBC Vietnamese”
Ngày 1/2/2019, anh Trần Ngọc Phúc, sinh năm 1998, thường trú ở tỉnh Bến Tre bị Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh này yêu cầu làm việc vì có hành vi “sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tuyên truyền chống đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.”Mạng báo Đồng Khởi, tiếng nói của đảng bộ cộng sản và nhân dân tỉnh Bến Tre cho hay, thời gian qua anh Phúc “sử dụng tài khoản Facebook tên ‘Ngọc Phúc’ tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị như: Miền Nam Việt Nam, Đô Thành Sài Gòn Fanclub, Thích BBC Vietnamese…
Đồng thời, Phúc viết bài đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh,” tờ báo này nêu rõ.
Bài báo trên được mạng báo Công an nhân dân online đăng lại vào chiều ngày 2/2/2019 cho biết, tại cơ quan điều tra Phúc thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình và vụ việc đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật
Anh Trần Ngọc Phúc, năm nay 21 tuổi, hộ khẩu thường trú xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Hiện anh đang là sinh viên của trường đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM.
Được biết, đây là trường hợp thứ 2 bị cơ quan an ninh tỉnh này triệu tập làm việc vì có liên quan đến Facebook.
Trước đó, hôm 21/1/2019, kênh Youtube của Truyền hình An ninh TV đăng tải phóng sự điều tra có tiêu đề “Facebook lộng hành, vi phạm pháp luật Việt Nam thế nào?”
Video dài hơn 10 phút này cũng nêu trường hợp ông Đặng Trí Thức, sinh năm 1964 trú ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị triệu tập làm việc vào ngày 20/12/2018 vì “có hành vi sử dụng Facebook cá nhân kích động biểu tình”.
Cũng theo đó, tại cơ quan công an ông Đặng Trí Thức thừa nhận hành vi sai phạm của mình là “trong 2 ngày 21/9 và 10/12/2018, tại nhà riêng của mình, Đặng Trí Thức đã sử dụng Facebook để live stream kêu gọi người dân trong nước xuống đường biểu tình tại các tuyến đường giao thông quan trọng trong trong các ngày 22 và 28/12/2018.”
Theo thông cáo mới nhất của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, tổ chức này ghi nhận chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện đối với ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger trong hai năm 2017 và 2018, với vụ gần đây nhất, bắt Nguyễn Văn Viễn, một nhà hoạt động dân chủ, diễn ra chỉ chín ngày trước phiên UPR.
Cũng theo thông cáo này, năm 2017, các tòa án đã xử và kết tội ít nhất 15 nhà hoạt động và blogger theo các cáo buộc an ninh quốc gia ngụy tạo, và con số này tăng gần gấp ba lần, lên 42 người, trong năm 2018. Nhiều bản án bị áp ở mức hơn 10 năm tù giam.
Luật An ninh mạng mới của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 yêu cầu các công ty nước ngoài như Googlee, Facebook… khi cung cấp dịch vụ ở Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu tại địa phương để tiện việc xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật của người dùng.
Hồi đầu năm 2019, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử đồng loạt cáo buộc Facebook đã không đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ những thông tin “phản động, chống nhà nước” cũng như cho quảng cáo chính trị.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/student-summoned-by-police-for-joining-fb-group-02022019110122.html
Các Nghị sĩ Châu Âu đòi Việt Nam trả tự do
cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình
9 dân biểu Nghị viện Châu Âu hôm 1/2 đã gửi một bức thư tới Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động về môi trường và quyền của người lao động Hoàng Đức Bình.Các nghị sĩ Châu Âu viết rằng việc Việt Nam bắt giam và xử án tù nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã đi ngược lại các quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một thành viên.
Hoàng Đức Bình bị bắt giữ vào tháng 5/2017 và bị kết án tù 14 năm vào tháng 2/2018 theo các điều 330 và 331 của Bộ luật Hình sự về chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.
“Thật đáng ngại là việc kết án (ông Bình) dường như chỉ tập chung vào các hoạt động của ông vốn được bảo vệ theo các điều 19 và 21 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi cũng xin nhắc lại những khuyến nghị của Nhóm làm việc Liên Hiệp Quốc về bắt người tuỳ tiện đưa ra hồi tháng 8/2018 liên quan đến việc bắt giữ ông Hoàng Đức Bình”, bức thư viết.
Ông Hoàng Đức Bình là người tham gia các hoạt động phản đối công ty Formosa ở Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiêm môi trường các tỉnh miền trung Việt Nam hồi tháng 4/2016. Ông Bình cũng tham gia giúp đỡ các nạn nhân của thảm hoạ môi trường trong việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho họ. Ngoài ra ông Hoàng Đức Bình còn là thành viên của Phong trào Lao động Việt, đòi quyền lợi cho người lao động. Hiện tại chính quyền Việt Nam vẫn chưa cho phép các nhóm độc lập đại diện quyền lợi cho người lao động được hoạt động.
Trong bức thư gửi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các nghị sĩ Châu Âu cũng bày tỏ lo lắng về sức khoẻ của ông Bình được cho là xấu đi trong tù.
Ngoài việc kêu gọi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình, các Nghị sĩ cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đảm bảo chắc chắn và trả bồi thường đầy đủ theo luật quốc tế, điều tra những quan chức công an, toà án, và nhà tù chịu trách nhiệm về những đối xử tàn tệ đối với ông Hoàng Đức Bình. Đông thời các nghị sĩ cũng yêu cầu phải để ông Hoàng Đức Bình được ở trong nước, không trục xuất ông ra nước ngoài như điều kiện để được trả tự do.
Nhân dịp này, các nghị sĩ Châu Âu cũng nói đến hiệp định tự do thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), hiện đang chờ bỏ phiếu ở nghị viện Châu Âu. Để đạt được EVFTA, Châu Âu yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các quyền cơ bản của người dân.
Trước đó, hai nghị sĩ Châu Âu khác là Jude Kirton-Darling và Ramon Tremosa thông báo trên Twitter rằng Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA vì lý do kỹ thuật. Tuy nhiên các nghị sĩ đồng thời cũng đặt câu hỏi về việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam trước khi hiệp định này được thông qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eu-parliament-members-demand-release-of-hoang-duc-binh-02022019084101.html
Công an CSVN sẵn sàng trực 24/24
để bảo vệ các trạm BOT sai phạm
Tin Vietnam – Báo Vietnamplus ngày 2 tháng 2 loan tin, những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, một số trạm thu phí BOT sai phạm vẫn tiếp tục bị nhiều tài xế tập trung phản đối một cách ôn hoà và đúng luật. Tuy nhiên, những hành động đòi quyền lợi lại này của các tài xế xe hơi lại bị báo Vietnamplus vu khống, xuyên tạc thành hành động gây mất an ninh trật tự.Tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc, nằm trên địa bàn xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, vào trưa ngày 1 tháng 2, xe của một số tài xế đã bị hư hỏng ngay đoạn trạm thu phí đã khiến giao thông trên quốc lộ 1 bị kẹt. Đến khoảng 1 giờ chiều cùng ngày, BOT này đã phải xả trạm. Do lo sợ các tài xế sẽ phản đối ngay dịp Tết, nên ông Nguyễn Hải Long, phó giám đốc Công ty cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hoà đã gặp công an để cùng lên kế hoạch sẵn sàng có những hành động đối với các tài xế.
Cùng với Khánh Hoà, để bảo vệ các BOT sai phạm ở Cần Thơ, nhà cầm quyền CS tại Cần Thơ đã chủ động, bố trí lực lượng an ninh, công an của mình để trực 24/24 tại trạm BOT, và sẵn sàng đàn áp các tài xế phản đối trạm thu phí nếu có.
Trước áp lực phản đối của người dân về các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn theo hợp đồng, ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải cho rằng, để giải quyết những bất mãn của người dân thì ông hy vọng, chính phủ, uỷ ban thường vụ quốc hội sớm đồng ý bỏ vài chục ngàn tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của người dân để mua lại những trạm BOT này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-an-csvn-san-sang-truc-24-24-de-bao-ve-cac-tram-bot-sai-pham/
Đảng cộng sản đã cản trở sự phát triển hiện nay
của Việt Nam như thế nào?
Trung Khang, RFAHằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3 tháng 2, bộ máy tuyên truyền trong nước liên tục tung hô công lao của đảng trong việc dẫn dắt dân tộc đi tới tương lai tươi sáng.
Trong khi đó lâu nay, nhiều người từng lên tiếng cần phải xóa bỏ chế độ độc đảng và theo hướng dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì mới có thê giúp đất nước phát triển được hết mọi tiềm năng và tránh khỏi bao trì trệ như lâu nay.
Cụ thể những ngày qua, trang thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam lặp lại rằng ngày 3/2/1930 là mốc son trong lịch sử của dân tộc với sự ra đời của Đảng. Cả dân tộc đoàn kết bền lòng nhờ sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn, sáng tạo.
Không đồng tình, Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, nhận xét:
“Từ khi đảng ra đời đã gây nhiều tội ác cho dân tộc, đã dìm dân tộc vào cuộc bạo loạn Xô viết Nghệ Tĩnh tháng 9 năm 1930, là khởi đầu của máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam. Và suốt gần một thế kỷ, với việc đấu tranh gia cấp của đảng đã dìm dân tộc Việt Nam vào máu và lửa, đã bịt mọi con đường giải phóng dân tộc bằng đường lối hòa bình.”
Trong khi đó thì vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, lại thừa nhận:
“Cái lớn nhất là đảng giải phóng được dân tộc khỏi ách đô hộ, giành được độc lập, thống nhất đất nước. Dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Nếu không có chủ trương đổi mới thì không có tình hình kinh tế như hiện nay. Ngày xưa người Việt Nam khổ biết bao nhiêu, bây giờ tất nhiên chưa bằng được các nước, nhưng so với trước kia thì có thể cách nhau rất lớn, được tự do, mọi người được đi học, cuộc sống chưa được ấm no lắm nhưng so với trước kia thì khá hơn rất nhiều. Nhân dân được tự do làm ăn, người dân thấy cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp.”
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì cho rằng tuyên truyền của đảng thì luôn đề cao vai trò của đảng, quang vinh, tuyệt vời, vĩ đại… nhưng đánh giá của nhân dân thì cũng khác nhau, đặc biệt là giới trí thức, những người có hiểu biết. Riêng ông thì đảng chiến thắng được cuộc chiến tranh, chiếm được miền nam, thống nhất đất nước, nhưng chỉ thống nhất được lãnh thổ, chứ không thống nhất được lòng dân. Ông cho rằng trong mấy chục năm qua, đảng có những nhầm lẫn rất lớn:
“Đảng chủ trương theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa Mác Lênin. Rồi họ đánh thắng Pháp, chiến thắng miền nam, họ nhầm tưởng rằng là nhờ chủ nghĩa Mác Lênin nên họ thắng, nên bây giờ họ kiên trì theo chủ nghĩa Mác Lênin. Tôi cho đó là nhầm lẫn rất lớn, là vì cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là đấu tranh giai cấp, công hữu hóa… Không phải đảng cộng sản nhờ những cái ấy mà thắng lợi. Vì mỗi lần bày ra những chuyện đó là đảng đều thất bại đem lại tai họa cho dân tộc, ví dụ như cải cách ruộng đất. Nhầm là nhầm như thế nào, trong chiến tranh, nhờ là nhờ vào người dân, lòng yêu nước của dân, chứ không phải nhờ chủ nghĩa Mác Lênin.”
Cơn quan ngôn luận của đảng cộng sản cho rằng, 89 năm qua kể từ ngày có đảng, là đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập, và theo đảng là đưa một chủ nghĩa tiến bộ là chủ nghĩa cộng sản, đến với dân tộc Việt Nam. Sự thật như thế nào?
Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986-1990 trở về sau, khi đất nước Việt Nam lâm vào tình trạng đói kém kiệt quệ, khi đó đảng phải mở cửa, cho phát triển kinh tế tư nhân, cho nước ngoài vào… thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống đó là sự sửa sai, chứ không phải đổi mới. Vì đảng bị buộc vào tình thế phải làm, mà dân làm chứ không phải đảng làm. Ông cho rằng, chẳng qua là trước đây đảng trói nông dân vào hợp tác xã, đảng phá nát nền công nghiệp và thương nghiệp của miền nam. Rồi bày trò ngăn sông cấm chợ làm cho dân đói. Bây giờ đảng mở trói cho người ta. Nhưng trước đây ai bắt đảng trói người ta?
Khi làm cách mạng, ngay ông Hồ Chí Minh cũng nói là lập quyền dân, đưa lại quyền cho dân, tạo dựng dân chủ. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chính đảng đã cướp quyền dân. Đảng bày ra trò bầu cử là ‘đảng cử, dân bầu’ nhưng thật ra là của đảng hết. Đảng đã tự đặt mình lên cao hơn chính phủ, cao hơn quốc hội… cao hơn tất cả. Đảng cướp quyền của dân, muốn làm gì thì làm. Ông cho rằng đấy là những nhận thức nhầm lẫn của đảng cộng sản hiện nay.
Khi tung hô chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam, tờ báo, trang tin nào của nhà nước cũng chỉ kêu gọi trung thành với đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng viên, chứ không nhắc đến việc điều gì đã ngăn cản sự phát triển của đất nước. Đó cũng là câu hỏi được nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước từng nêu lên: “Đa nguyên, đa đảng cần thiết cho sự phát triển hiện nay của Việt Nam như thế nào?”
Liên quan câu hỏi này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho biết:
“Cái sự phát triển của xã hội loài người thì như chúng ta đều biết, nước nào đa nguyên, có đảng đối lập, tam quyền phân lập, thì họ sẽ phát triển nhanh và bề vững, dân trí, nhân quyền, nhân cách
con người ngày càng được nâng cao. Ngược lại các nước độc tài toàn trị về hình thức ngắn hạn thì thấy có vẻ ổn định, nhưng về lâu dài thì không bền vũng được. Thứ hai là không có tự do thì làm gì có sáng tạo. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt thì xã hội không thể phát triển được.”
Chúng tôi cũng nêu câu hỏi này với Thiếu tướng Lê Kế Lâm và được ông cho biết:
“Cái đó thì chưa thể nói được, tùy theo sự phát triển của xã hội, trình độ nhân dân. Chứ bây giờ mà nói ra thì không thể được, cái chuyện đó là nằm trong chủ trương của lãnh đạo nhà nước Việt Nam. Nói ý kiến cá nhân thì không thể nói được những chuyện như thế.”
Trong khi đó, nhà văn Phạm Đình Trọng thì cho rằng đa nguyên, đa đảng’ cần thiết cho phát triển hiện nay là điều đương nhiên. Nhưng sự cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam chính là sự tồn tại của đảng cộng sản, cản trở con đường đi tới của dân tộc. Theo ông, đa nguyên đa đảng là tất yếu phải có, phải đến, nhưng với sự tồn tại và độc tài của đảng cộng sản thì không thể có được. Bởi vì đa nguyên đa đảng cho người dân quyền chọn lựa đảng phái chính trị, thì đảng cộng sản đã cướp cái quyền đó thì không bao giờ có đa nguyên đa đảng cả.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang đề nghị giải pháp:
“Tôi nghĩ giải pháp bây giờ chỉ có Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, như cụ Phan Chu Trinh nói tức là người ta thấy được cuộc sống không chỉ sống ăn no mặc ấm, mà phải có nhân quyền, nhân cách, nhân phẩm. Con người được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt. Cái này thì phải dần dần, thì người dân mới có sự chuyển hóa, đặc biệt là thì thế hệ trẻ, người ta mới coi đó là giá trị thiêng liêng để đấu tranh bảo vệ.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra lời khuyên, nếu muốn phát triển phải thay đổi từ một đảng cách mạng thành một đảng chính trị thì mới tồn tại được. Chứ như hiện nay không những đảng sẽ đem tai họa cho đất nước mà sự tồn tại của đảng cũng khó bền vững.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-has-the-communist-party-hindered-vietnam-s-current-development-02012019132733.html
Cảm nhận về thư chúc Tết của Giáo sư Chu Hảo
và của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Diễm Thi, RFANhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Giáo sư Chu Hảo gửi ra một Thư chúc Tết trên mạng xã hội.
Thư chúc Tết của ông nói về hiện tình đất nước cùng những trăn trở của ông cho một nước dân chủ. Ông gửi lời cám ơn sâu sắc tới mọi người đã đồng hành cùng ông trong năm qua khi ông bị kỷ luật, mà ông gọi là ‘sự vụ liên quan đến cá nhân tôi’.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người từng từ chối bằng khen của Thủ tướng nói với RFA về thông điệp mà bà nhận thấy khi đọc thư chúc Tết này:
“Qua cách ông làm thì giáo sư khẳng định đã đến lúc mọi người phải chung tay thay đổi đất nước. Tôi đọc thì tôi thấy toát lên tinh thần đó. Đây là một lời nhắn nhủ nếu ai yêu đất nước thì phải sống cho mạnh mẽ và phải góp phần làm thay đổi đất nước.
Giáo sư Chu Hảo gửi thư cảm ơn và chúc Tết này cũng đồng thời bày tỏ rõ ràng chính kiến của mình, khẳng định rằng tôi không còn sợ hãi nữa. Trước đây có lẽ giáo sư cũng không sợ nhưng ông thận trọng. Bây giờ ông thấy đã đến lúc sự thận trọng có lẽ bất lợi hơn thái độ thẳng thắn, dứt khoát, cho nên tôi nghĩ thông điệp của Giáo sư Chu Hảo trong thư chúc Tết là như vậy.”
Giáo sư Chu Hảo nhắn nhủ mọi người, trong khả năng có thể, góp phần xây dựng một nước Việt Nam Giàu mạnh, thực sự Dân chủ Công bằng và Văn minh. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định:
“Về lá thư của anh Chu Hảo thì anh cũng khẳng định con đường phát triển dân chủ có nhân quyền, dân quyền, độc lập và thoát ly khỏi ách đô hộ về mọi mặt của Trung cộng, thì đó có thể nói là một nhận thức của thời đại, của dân tộc đang đứng trước một sự thật lịch sử như vậy. Chúng tôi nghĩ anh Chu Hảo phải làm sao mà thúc đẩy một trình độ mới. Lâu nay chúng tôi vẫn có quan điểm là muốn phát triển thì phải coi trọng trí thức hiền tài. Qua thư của anh Hảo thì nó không là sự ngậm ngùi nhưng là một điều đáng phải suy nghĩ, đó là thái độ của nhà cầm quyền hiện nay đối với giới trí thức thì phải nói là rất tệ hại. Anh em chúng tôi ví von rằng họ coi trí thức như là bình hoa, nhưng mỗi khi ăn tiệc thì họ đem bình hoa ra chỗ khác.”
Năm mới, qua lá thư của GS. Chu Hảo, mong ước trong đám quan lại hiện nay có những người tử tế. Lúc đầu tử tế bề ngoài, sau đó buộc phải tử tế, rồi dần dần thành bản chất tử tế của con người. Như thế thì trong quản trị có ít những Thủ Thiêm, Lộc Hưng.”
Ông nói thêm rằng có một trí thức tên là Thiện Nhân, tên rất đẹp nhưng hành xử rất độc ác, rất là bất nhân. Chả có ‘thiện’ tí nào, chả có ‘nhân’ tí nào cả. Trí thức này phải nói là tội vạ của dân tộc. Ông tự hỏi, không biết dân tộc mình ăn ở như thế nào, bao nhiêu đời mà bây giờ lại nảy ra một đám trí thức bất nhân bạc ác như vậy!
PGS.TS Hoàng Dũng thì cho biết đây là lần đầu tiên Giáo sư Chu Hảo gửi ra một thư chúc Tết kiểu như vậy:
“Anh Chu Hảo anh nói chuyện anh bị kỷ luật do những việc anh làm. Anh thực lòng xúc động khi việc của anh được cộng đồng trong và ngoài nước quan tâm như vậy. Không những từ người thân của anh mà còn từ những người lần đầu tiên anh nghe tên.
Như vậy thì nhìn nhận anh Chu Hảo là một hình ảnh tiêu biểu cho trí thức. Tín hiệu kỷ luật anh Chu Hảo cũng là tín hiệu đảng gửi đến giới trí thức nói chung – người ta hiểu như thế.
Việc tuyên chiến với anh Chu Hảo là tuyên chiến với giới trí thức. Người ta đồng cảm với anh Chu Hảo và phản đối việc kỷ luật anh, chính vì người ta đọc được cái thông điệp đó.”
Trong khi đó hôm 1/2/2019, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập ĐCSVN, tại Phủ Chủ Tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chúc Tết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, chiến sĩ cả nước và cả kiều bào ở nước ngoài.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đưa ra cảm nhận của ông khi nghe ông Trọng đọc thông điệp đầu năm:
“Thông điệp đầu năm thì tôi thấy nó buồn, giọng đọc thì rầu rĩ, lè nhè, không có khí sắc, không có khí thế gì lắm. Nó là cái cốt tướng của anh Trọng xưa nay vẫn là như thế. Nhưng người ta bảo ông ấy lè nhè như thế nhưng thâm lắm. Còn cái tư duy của ông ấy thì nó quanh quẩn, nó nhàm chán, nó cũ rích, không có chất lượng, không mới, không sắc xảo. Năm nào cũng nói như thế, không có gì mới.
Điều ông muốn nói là muốn xây dựng đảng thân cận với dân, đi sát với dân. Nhưng đó là cái ông nói, còn trong thực tế thì là một cái đảng vừa hủ lậu về tư tưởng, vừa đồi trụy về nhân cách, vừa tham tàn về quyền lực. Thế thì làm sao mà chinh phục được dân. Đấy là mà ông ấy không ý thức được mà chỉ nói lấy được chứ không phải là nói để cho người ta nghe được.
Đấy là cái mà chúng tôi cảm nhận được về thông điệp đầu năm của Tổng bí thư và là Chủ tịch nước.”
Khác với giáo sư Nguyễn Khắc mai, nữ nghệ sĩ Kim Chi cho biết bà chỉ liếc qua lá thư chúc Tết trên báo mạng chứ bà không đọc vì bà không còn tin những gì ông Trọng nói:
“Cái thư chúc Tết tôi không đọc luôn vì tôi nghĩ người ta nói một đằng người ta làm một nẻo. Tôi không có tin. Nếu thật lòng ông Nguyễn Phú Trọng thương dân thương nước thì đâu có vụ vườn rau Lộc Hưng xảy ra sát những ngày Tết nhu thế. Vụ vườn rau Lộc Hưng tôi chảy nước mắt cả tuần lễ, tôi đau kinh khủng.
Thay thì chúc thì chăm lo cho dân đi. Thay vì chăm lo thì quay ra khủng bố, cướp đất, hủy diệt cuộc sống người dân.”
Bà Kim Chi nói thêm rằng, nếu năm mới mà bà gửi lời chúc đến ông Nguyễn Phú Trọng thì bà sẽ chúc ông biết yêu nước thương dân. Bà gửi lời chúc Tết đến quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do:
“Cho tôi gửi lời chúc Tết đến quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Tôi xin chúc các bạn thành công và chúc quý khán thính giả vượt qua nỗi sợ hãi”
Giáo sư Hoàng Dũng thì cho rằng những lời chúc Tết cuả ông Trọng khiến người ta thấy mỉa mai hơn là thấy cảm động, bởi xã hội đã qua một giai đoạn khác, não trạng người dân đã thay đổi nên những lời chúc Tết đó không có ý nghĩa gì cả. Nhưng chuyện chúc Tết thì lãnh đạo vẫn phải chúc:
“Thật ra chuyện chúc Tết xuất phát từ thời cụ Hồ, và những người chủ tịch tiếp theo thì họ cứ thế mà làm. Xưa bày nay làm. Ai cũng thấy mình đứng đầu đất nước thì mình có nhiệm vụ chúc Tết người dân. Tuy nhiên ngày nay thì đảng lãnh đạo toàn diện, bên cạnh những thành công mà đảng tự tô hồng thì đảng đi từ thất bại này đến thất bại khác, sai lầm này đến sai lầm khác, cho nên là nói là không có cảm động thì đã là nhẹ, nói cho đúng là dửng dưng, không những dửng dưng mà là mỉa mai, bởi họ toàn chúc những lời hay ho nhưng thực tế đáng buồn hơn.”
Nhân dịp nói chuyện với RFA, giáo sư Nguyễn Khắc Mai gửi lời chúc Tết đến thính giả:
“Tôi gửi lời hỏi thăm những bạn bè gần xa, những người đã quen và chưa quen. Tôi kính chúc các anh chị và bạn đọc của quý đài một năm mới an bình, mạnh giỏi và thực sự là những người tử tế của đất nước, của dân mình.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-people-thinking-about-new-year-greeting-from-the-leader-dt-02012019141910.html
Khi ‘quốc’ bị dùng như… ‘cuốc’
Trân VănThiên hạ cười rần rần khi hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng loạt loan tin, có một bệnh nhân hát quốc ca và nhạc phẩm tuyên truyền “Như có bác Hồ”, trong lúc đang được phẫu thuật não (1).
Lõi của sự kiện vừa kể không nằm ở quốc ca. Nó nằm ở chỗ lần đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia Nhật, một nhóm bác sĩ Việt Nam áp dụng phương pháp phẫu thuật mới (mổ thức tỉnh) để lấy khối u ra khỏi não người bệnh.
Trước, khi thực hiện những ca phẫu thuật kiểu này, các bác sĩ chỉ gây mê, vì khối u nằm lẫn trong não nên không thể loại bỏ rủi ro: Phẫu thuật gây tổn thương đến não, sau phẫu thuật, tuy loại bỏ được khối u nhưng bệnh nhân bị câm, liệt…
Phương pháp phẫu thuật mới chỉ gây tê để bệnh nhân không cảm thấy đau đớn nhưng không mê man, thành ra bệnh nhân có thể cử động, nói, hát theo yêu cầu của các phẫu thuật viên để họ dựa vào đó tính toán việc loại bỏ khối u, không gây tổn thương cho não.
Trong tường thuật về ca phẫu thuật đầu tiên theo phương pháp mổ thức tỉnh, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đã tư duy và hành xử theo quán tính tuyên truyền, qui chiếu mọi thứ vào việc đề cao “quốc”. Đó cũng là lý do khiến thiên hạ bật cười.
***
“Quốc” vốn thiêng liêng. Sự quan tâm và tình yêu dành cho “quốc” tương ứng với mức độ thịnh vượng và bền vững của một thực thể độc lập, có chủ quyền. Tuy nhiên ở Việt Nam, “quốc” chỉ là vỏ, che chắn cho việc biến “quốc” thành “cuốc”.Hồi tháng 12 năm 2009, vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2009), TP.HCM nhan nhản những pa-nô vẽ một đoàn quân mặc lễ phục, súng đeo trước ngực, mắt nhìn thẳng, sau lưng đoàn quân là bóng vài cao ốc, cần cẩu loại lớn, bên trên đoàn quân là quốc kỳ Việt Nam. Việc dựng những pa-nô ấy trở thành lùm xùm vì người ta phát giác, đoàn quân trong pa-nô là quân… Trung Quốc, được Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM bê nguyên con, ịn vào pa-nô!
Thời điểm đó, trả lời phỏng vấn của RFA, ông Nguyễn Thành Rum, khi ấy là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM, vặn hỏi phóng viên của đài này rằng có thấy quốc kỳ Việt Nam không? Với ông Rum chừng đó là đủ. Chuyện bê nguyên đoàn quân Trung Quốc, ịn vào các pa-nô tuyên truyền cho ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam , dựng pa-nô ấy trên khắp các góc phố, kể cả các công thự, doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có một vấn đề đáng bận tâm là đã vi phạm… bản quyền (2)!
Với ông Rum, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM, tuy có học vị Tiến sĩ về… Dân tộc học và đã hoàn tất Cao cấp Lý luận chính trị, “quốc” chỉ là “cuốc”. Bởi chỉ có “cuốc”, tháng 3 năm 2014, trước khi nghỉ hưu, ông thản nhiên ký một lúc 21 quyết định bổ nhiệm thuộc cấp tin cẩn làm lãnh đạo kế thừa. Cũng vì xem “quốc” là “cuốc”, chính quyền TP.HCM chỉ… phê bình ông Rum rồi hủy 21 quyết định đó (3).
Do “quốc” chỉ là “cuốc”, ông Rum cũng đã từng đề nghị và sắp đặt việc chuyển nhượng trụ sở của Đoàn Ca nhạc nhẹ TP.HCM – một công thự – cho Công ty Diệp Bạch Dương của bà Dương Thị Bạch Diệp với giá rẻ như bèo. Vụ chuyển nhượng này đã giúp bà Diệp có điều kiện vay thêm ngân hàng cả ngàn tỉ. Trong mắt các viên chức hữu trách, “quốc” cũng chỉ là “cuốc” như nhận thức của ông Rum nên chẳng có ai thèm bận tâm. Mãi tới tuần trước, khi tương quan giữa thế và lực của các nhóm trên sân khấu chính trị Việt Nam đã thay đổi, bà Diệp mới bị tống giam, ông Rum mới bị khởi tố (4).
***
Ông Rum chỉ là ví dụ minh họa mới nhất cho một tầng lớp xem “quốc” như “cuốc” và dùng “quốc” như “cuốc”. Tầng lớp ấy tạo ra một hệ thống truyền thông không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khai thác sự quan tâm và tình yêu mà người Việt dành cho “quốc” để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “cuốc” nhanh, “cuốc” mạnh”, giữ tư thế “vững chắc” để “cuốc” mãi. Đem quốc ca và nhạc phẩm tuyên truyền “Như có bác Hồ” gắn vào một ca phẫu thuật não rõ ràng là lố bịch. “Quốc” còn bị xem như “cuốc”, bị dùng như “cuốc” thì những lố bịch đến mức quái gở kiểu đó sẽ còn nhiều, còn lâu!Chú thích
(1) https://nld.com.vn/suc-khoe/ca-mo-dac-biet-benh-nhan-vua-mo-nao-vua-hat-quoc-ca-20190128213349117.htm
(2) https://anhbasam.wordpress.com/2009/12/23/chi-can-quoc-ky-con-nguyen/
(3) https://plo.vn/thoi-su/phe-binh-ong-nguyen-thanh-rum-vi-ky-21-quyet-dinh-bo-nhiem-truoc-khi-ve-huu-495094.html
(4) https://vnexpress.net/phap-luat/ba-duong-thi-bach-diep-va-nhieu-cuu-lanh-dao-tp-hcm-bi-bat-3874050.html
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thanh-rum-duong-bach-diep-quoc-cuoc/4768413.html
Làm sao ‘thoát hàng’ ở sân bay Long Thành?
Phạm Chí DũngĐã hơn ba năm kể từ khoảng thời gian cuối năm 2015 là lúc các nhóm lợi ích Bộ Giao thông Vận tải và đại gia rầm rộ PR chính sách để xây dựng sân bay Long Thành, nhưng cho đến nay vùng đất này vẫn chỉ là… dự án.
Cũng đã gần một thập kỷ kể từ năm 2009 là lúc các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ một cơn sốt đất tại khu vực Long Thành và nhiều quan chức từ cấp trung ương đến địa phương đã bị mắc kẹt một lượng tiền đầu tư khổng lồ tại khu vực này, cho đến nay vẫn chẳng có dấu hiệu gì cho thấy giới này đã ‘thoát hàng’ được, hay nói cách khác là đã bán được đất thu gom giá rẻ trước đó cho những người ‘trâu chậm uống nước đục’ với giá cắt cổ.
Hết thời ‘ăn miễn phí’ ODA
Vào năm 2015, dự án sân bay Long Thành đã được ‘vẽ’ với một con số đầu tư khổng lồ: 18 tỷ USD!
Trong thâm ý lẫn tham ý của các nhóm lợi ích, dự án sân bay Long Thành không chỉ nhằm “nuốt gọn” 18 tỷ USD đầu tư với phần lớn trong số đó dự kiến là vốn vay ODA, mà còn được khuếch trương tính tầm cỡ “khu vực châu Á” của nó để giúp giới quan chức đang “kẹt hàng” có điều kiện bán đất giá cao.
Long Thành – thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai – đã từng có những đợt sốt đất vào những năm 2008-2009. Đây chính là giai đoạn tích tụ đất đai của nhiều “ông lớn” địa ốc. Cũng là giai đoạn mà nhiều đại gia và quan chức từ trung ương xuống địa phương vung tiền quá trán mà khi cơn sốt bất động sản trôi qua, toàn bộ khu vực Long Thành đều chìm trong băng giá, toàn bộ đất đai đều trở thành “hàng tồn”, chỉ thấy rao mà chẳng ai mua.
Trong 3 năm qua, từ khi có quy hoạch của dự án sân bay quốc tế Long Thành, khu vực này bất thần được không ít tờ báo nhà nước PR như một thỏi nam châm có sức hút lớn đối với các dự án bất động sản vây quanh.
Vây quanh sân bay Long Thành là hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ, được sở hữu bởi nhiều đại gia địa ốc. Nổi bật trong số đó là Sonadezi, Tổng Công ty Tín Nghĩa, Dic Corp, Khang Điền, Công ty Đình Thuận, DonaCorp…
Vào cuối năm 2015 trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức “trở về làm người tử tế’, đất khu vực sân bay Long Thành đã được “đánh lên” một đợt. Tình trạng sốt đất bùng lên nhộn nhịp ở khu vực các xã nằm sát dự án sân bay quốc tế Long Thành. Đi đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện mua bán đất và hoa hồng cho người môi giới bao nhiêu phần trăm…
Hiển nhiên dự án sân bay Long Thành, với nguồn vốn vay chồng chất ODA, là một cơ hội để các nhóm lợi ích tìm đường thoái vốn, trút hàng tồn cho những người ngờ nghệch “trâu chậm uống nước đục”.
Tuy nhiên sau đại hội 12 với sự thất bại của Nguyễn Tấn Dũng, dự án sân bay Long Thành chợt lâm vào tình thế không biết kiếm đâu ra tiền để thực hiện.
Trước đây, trong mọi tính toán khôn lanh và khá trót lọt của mình, nhóm lợi ích “ODA Long Thành” đã “lobby” được các bộ ngành, lãnh đạo chính phủ và gần hết trong số 500 mái đầu gục gặc nghị sĩ. Nhưng có lẽ vẫn có một li sai lệch mà đã tới thảm cảnh sai lầm chiến lược về tài chính như ngày hôm nay.
Đó chính là sai lệch trong tính toán về bối cảnh và thời điểm đi vay.
Theo “truyền thống”, các dự án “khủng” như Sân bay Long Thành, Cao tốc đường bộ Bắc – Nam, Điện hạt nhân Ninh Thuận… đều phải đi vay quốc tế tới 80% tổng dự toán. Trong dĩ vãng, đã có nhiều dự án vay ODA đầu xuôi đuôi lọt, “vẽ” được và vay được, làm giàu khủng khiếp cho các nhóm lợi ích, để từ đó những nhân vật này cứ tưởng sẽ mãi “nhân điển hình tiên tiến”.
Thời điểm chốt con số cuối cùng cho dự án sân bay Long Thành là vào cuối năm 2015, tức cuối đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó, những nguồn vốn ODA “gối đầu” từ năm trước và cả năm trước nữa vẫn còn, do vậy nhóm lợi ích ODA không thể tránh khỏi ảo tưởng tình hình vẫn tiếp tục triển vọng vào những năm sau đó.
Nhưng đến tháng 12/2015, Trưởng đại diện Ngân hàng thế giới ở Việt Nam là bà Victoria Kwa Kwa bất ngờ thông báo với Chính phủ Việt Nam là kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ưu đãi nữa. Quả thật, sau đó Việt Nam phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Cánh cửa ODA dành cho các dự án “khủng” bỗng dưng sập lại. Đã quen ‘ăn ODA miễn phí’, đám quan chức Việt bắt đầu cảm thấy ‘ăn phải trả tiền’ có cái gì đó ‘kỳ kỳ’. Hơn nữa, trong bối cảnh nợ công ngập đầu mà đã vọt đến tỷ lệ 210% GDP chứ chẳng hề ‘dưới 65% GDP’ như báo cáo của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, bây giờ mà đâm đầu vay ODA với lãi suất cao là tự sát.
Rốt cuộc, không chỉ không dám vay mà ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ – Thủ tướng Phúc – còn không dám ký bảo lãnh vay vốn ODA cho các doanh nghiệp quen ‘ăn bẫm’.
Một trong những “nạn nhân” đầu tiên của chế độ thắt lưng buộc bụng ODA là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận – với số “vẽ” lên đến 20 tỷ USD, rốt cuộc đã bị Chính phủ của tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dũng cảm” tuyên bố ngừng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu…
Bi kịch ‘thoát hàng’
“Dự án Cảng hàng không sân bay Long Thành phải thực hiện đúng lộ trình đặt ra, tuyệt đối không lùi tiến độ. Tháng 3-2019, phải phê duyệt xong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 6 phải phê duyệt xong báo cáo khả thi…” – Bộ trưởng Giao thông Vận tải – quan chức kế thừa cái ghế của người tiền nhiệm và cũng là tác giả của vụ ‘sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất’, Trương Quang Nghĩa – chỉ đạo như vậy tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, diễn ra ngày 7/1/2019.
Cứ cho là tiến độ phê duyệt sẽ đúng như ông Thể chỉ đạo, nhưng dấu hỏi cực lớn là bộ này và các nhóm lợi ích đào đâu ra tiền để làm sân bay?
Giờ đây, ngân sách vô vọng đã khiến ngay cả 18 ngàn tỷ dùng cho giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành mà còn phải ‘vận động’ mãi mới tìm ra, sau khi cả một ủy viên bộ chính trị là Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã phải lộ hình để PR cho số 18 ngàn tỷ đồng này. Mà 18 ngàn tỷ đồng còn khó tìm thì đào đâu ra 18 tỷ USD – nhiều gấp hơn hai chục lần – để xây dựng “một trong những sân bay hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á”?
Cho tới nay và cả trong trung hạn vài ba năm tới, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự án sân bay Long Thành có thể chạm vào một cái mỏ vay ODA ưu đãi nào.
Hẳn cơn bĩ cực trên đã khiến các nhóm kim tiền – chính sách phải tính đến việc cứ vài tháng một lần lại tung ra tin “sân bay Long Thành sắp hoàn thành dự án khả thi”, “sân bay Long Thành sắp khởi công”, hay đại gia Vũ Văn Tiền còn tung tin mời một nhà đầu tư lớn của Trung Quốc vào dự án sân bay Long Thành.. Theo đó, đất đai ở khu vực này lại có được một đợt lao xao.
Nhưng rốt cuộc, lao xao vẫn chỉ là lao xao. Thậm chí trong cơn sốt đất nền khá dữ dội ở Sài Gòn kéo dài từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực Long Thành cũng không thể ‘ăn theo’, bất chấp rất nhiều bài báo nhà nước đã quảng cáo cho nó.
Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019 và năm 2020.
Vận cảnh quá sức bi đát đang hiện ra như một bóng ma dưới bóng mặt trời buổi xế tà: trong lúc dự án sân bay Long Thành vẫn gần như giậm chân tại chỗ, ODA vẫn tuyệt vọng, thì vô số đất đai của giới đại gia và quan chức vẫn không cách nào hóa phép thành tiền hay ngoại tệ để tẩu tán ra nước ngoài…
https://www.voatiengviet.com/a/lam-sao-thoat-hang-o-san-bay-long-thanh/4767191.html
0 nhận xét