Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 22/02/2019

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019 17:31 // ,

Tin khắp nơi – 22/02/2019

TT Trump và Lãnh tụ Kim sẽ gặp riêng tại Hà Nội

Hôm 21/2, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên sẽ khởi động hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội từ ngày 27 tới 28 tháng 2 bằng một cuộc hội đàm tay đôi và một bữa ăn chung.
CNN dẫn lời một quan chức Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống sẽ hội đàm riêng với ông Kim, “tạo không khí thân mật” để khởi động cho các cuộc thảo luận sau đó.
Hai nhà lãnh đạo sẽ dùng bữa với nhau, nhưng chi tiết cụ thể còn đang được thảo luận với phái đoàn Triều Tiên, CNN cho biết.
Trang Bloomberg trích lời một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhiều phụ tá cấp cao của ông sẽ tháp tùng Tổng thống Trump đến Hà Nội trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 5 tiếng và một buổi ăn trưa kết hợp làm việc tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung, trong đó Triều Tiên cam kết sẽ hoàn toàn phi hạt nhân hóa.
Dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày gặp theo tuyên bố của phía Hoa Kỳ có từ giữa tháng 1, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa loan báo bất cứ thông tin cụ thể nào về sự kiện sắp tới.
Truyền thông Việt Nam cho biết đã có khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đăng ký tác nghiệp, đưa tin về sự kiện hội đàm thượng đỉnh Trump – Kim, dự kiến diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, hàng trăm phóng viên Việt Nam cũng tham gia đưa tin về sự kiện đặc biệt quan trọng này.
Báo Tuổi trẻ trích lời ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nói: “Việt Nam chỉ có 20 ngày lo công tác chuẩn bị cho cuộc hội đàm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố thủ đô Hà Nội của Việt Nam là địa điểm diễn ra sự kiện, trong khi lần hội đàm trước tại Singapore có tới gần 2 tháng để chuẩn bị.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chuẩn bị Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) dành cho phóng viên tác nghiệp tại sự kiện này.
Trung tâm này được đặt tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, sẽ mở cửa từ ngày 25/2 và hoạt động 24/24 giờ, theo báo Tuổi trẻ.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-va-lanh-tu-kim-se-gap-rieng-tai-hanoi/4799870.html

Bản sao Trump-Kim xuất hiện ở Hà Nội

trước thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cặp đôi bản sao Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội vào chiều ngày 22/2 cùng với 5 vệ sĩ, vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên.
Đài truyền hình VTV cho biết ông Howard X, 30 tuổi, một công dân Úc gốc Hong Kong, là một nhà sản xuất âm nhạc, ông bắt đầu đóng giả ông Kim Jong Un từ năm 2012. Ông tự nhận là người đầu tiên chuyên đóng giả ông Kim.
Còn ông Russell White, 68 tuổi, là một giáo viên âm nhạc ở Chicago, Hoa Kỳ. Ông White bắt đầu “giả vai” Tổng thống Trump sau khi nhiều người nhận xét ông có ngoại hình giống với Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Hai ông di chuyển đến Nhà hát Lớn để thực hiện “cú bắt tay lịch sử,” báo Zing cho biết. “Kim Jong Un” giả nói rằng Hà Nội là một thành phố ồn ào, nhưng thời tiết đang đẹp nên ông hoàn toàn tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ thành công tốt đẹp.
Howard X nói rằng ông “vui mừng được đặt chân đến đất nước mà ông nội tôi đã từng đến”. Ngoài đời thực, Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đã từng tới thăm Việt Nam 2 lần.
Tại Nhà Hát Lớn, ông Russell White đươc Zing trích lời nói: “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán, cố gắng xây dựng cảm giác hòa bình, thịnh vượng. Chúng tôi thích hợp tác.”
Hai nhân vật đóng vai lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Trump còn xuất hiện tại nhiều địa điểm nổi tiếng khác ở Hà Nội như hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, lăng Hồ Chí Minh.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 năm ngoái với tờ The Sun của Anh, ông Howard X tiết lộ ông được trả tới 13.000 đôla (hơn 300 triệu đồng) cho mỗi sự kiện xuất hiện.
Không rõ cơ quan nào của Việt Nam mướn hai vị khách này, nhưng hai ông được kênh truyền hình VTC1 thực hiện một livestream cả ở phòng thu hình và ở trước lăng Hồ Chí Minh.
Trao đổi với các phóng viên vào chiều ngày 22/2, cặp đôi bản sao này cho biết họ sẽ ở lại Việt Nam cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều kết thúc.
https://www.voatiengviet.com/a/ban-sao-trump-kim-xuat-hien-o-ha-noi-truoc-thuong-dinh-my-trieu/4799772.html

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kinh tế

nếu Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân

Trọng Nghĩa
Không đầy một tuần trước lúc mở ra thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Nhà Trắng, vào ngày 21/02/2019, đã xác nhận rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế nếu Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong một bản thông báo chính thức về hội nghị lần thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến ​​diễn trong hai ngày 27-28/02 tại Hà Nội, Nhà Trắng cho biết là ông Trump đã nói rõ rằng nếu Bắc Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để « đảm bảo các phương án phát triển kinh tế » cho nước này.
Bản thông báo còn nói thêm rằng Mỹ và các đối tác đã sẵn sàng tìm kiếm cách « huy động đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường an ninh lương thực và hơn thế nữa » để giúp đỡ Bắc Triều Tiên.
Bản thông báo được Nhà Trắng công bố ít lâu sau khi một số quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, trả lời báo chí, đã tiết lộ rằng tại hội nghị Hà Nội, hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ có một cuộc gặp tay đôi, nghĩa là chỉ có hai người, bên cạnh một cuộc họp mở rộng, có bộ trưởng hai nước cùng tham gia.
Các nguồn tin trên chờ đợi là sau hội nghị thượng đỉnh, một bản tuyên bố chung Mỹ-Triều sẽ được đưa ra, nhưng từ chối bình luận khi được hỏi về các nội dung có thể được nêu lên trong bản tuyên bố chung đó.
Mặt khác, các quan chức Mỹ nói trên cũng phủ nhận nguồn tin cho rằng Washington và Bình Nhưỡng đã thảo luận về khả năng Mỹ triệt thoái lực lượng ra khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa.
Hôm thứ Tư 20/02, tổng thống Donald Trump một lần nữa lại ca ngợi chất lượng mối quan hệ giữa ông và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng nhấn mạnh rằng ông Kim nên có một cử chỉ « có ý nghĩa » nếu muốn được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang đè nặng lên đất nước Triều Tiên vì chương trình hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190222-my-san-sang-ho-tro-kinh-te-neu-btt-tu-bo-hat-nhan

11 nhà ngoại giao Venezuela ở Mỹ đã rời bỏ

chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro

11 nhà ngoại giao Venezuela ở Mỹ đã rời bỏ chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sau khi lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố là nhà lãnh đạo lâm thời của Venezuela tháng trước.
Reuters dẫn lời một đại diện của phe đối lập cho biết như vậy hôm 21/2.
Ông Gustavo Marcano, trợ lý cấp cao cho đặc sứ của phe đối lập Venezuela ở Washington, còn cho biết thêm rằng tài khoản ngân hàng của đại sứ quán và lãnh sự quán Venezuela ở Hoa Kỳ đã bị phong tỏa.
Ông Maduro đã cắt đứt quan hệ và lệnh đóng cửa các cơ quan ngoại giao của Venezuela ở Mỹ sau khi chính quyền của Tổng thống Trump công nhận ông Guaido.
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-venezuela-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-r%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8F-tt-maduro/4799399.html

Mỹ – TQ đang dự thảo thỏa thuận,

sắp chấm dứt chiến tranh thương mại?

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu dự thảo các cam kết về những vấn đề “khó nhằn” nhất trong tranh chấp thương mại giữa 2 nước.
Theo Reuters, động thái này đánh dấu tiến triển đáng kể nhất từ trước tới nay nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra hàng loạt các biện pháp thuế quan trả đũa lên hàng tỷ USD hàng hóa lẫn nhau, làm chậm lại tăng trưởng kinh tế thế giới, làm xáo trộn chuỗi cung ứng và sản xuất.
Trong khi các quan chức cấp cao đàm phán vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước tại Washington, giữa hai bên vẫn tồn tại sự khác biệt về các yêu cầu mà chính quyền Tổng thống Trump nêu ra đối với các thay đổi về mặt cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng một bản kế hoạch về những yếu tố có thể làm nên một thỏa thuận đang bắt đầu được xuất hiện trong các cuộc đàm phán, trong bối cảnh hai nước đang thúc đẩy một thỏa thuận vào hạn chót 1/3, một nguồn tin của Reuters cho hay.
Các nhà đàm phán đang dự thảo 6 Biên bản ghi nhớ về những vấn đề như ăn cắp công nghệ và ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản phi thuế quan với thương mại, theo 2 nguồn tin khác.
Đây là các vấn đề phức tạp nhất ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Và một nguồn tin cảnh báo, các cuộc đàm phán vẫn có thể kết thúc trong thất bại. Nhưng việc có được các Biên bản ghi nhớ là một bước quan trọng trong việc buộc Trung Quốc cam kết cả về nguyên tắc chung và các điều khoản cụ thể.
Hai bên cũng đã thảo luận về một cơ chế thực thi thỏa thuận, nguồn tin cho biết. Reuters tháng trước đưa tin, Washington đang thúc đẩy các đánh giá thường xuyên về tiến bộ của Trung Quốc về cải cách thương mại đã cam kết và có thể khôi phục thuế quan nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận.
Các bên cũng đang xem xét một danh sách gồm 10 hạng mục về cách Trung Quốc có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ, bao gồm tăng mua hàng hóa nông sản, năng lượng và hàng hóa như chất bán dẫn, theo hai nguồn khác của cuộc đàm phán.
Thời gian đang tiến nhanh về hạn chót 1/3 để giải quyết các tranh chấp hoặc Mỹ sẽ xem xét nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26420-my-tq-dang-du-thao-thoa-thuan-sap-cham-dut-chien-tranh-thuong-mai.html

TT Trump sắp gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng ngày 22/2.
Reuters dẫn lời thông báo của Nhà Trắng công bố hôm 21/2.
Hai quan chức từng gặp nhau sau lần đàm phán trước hồi cuối tháng Một.
Ông Lưu đang dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới thương thảo về thương mại với các quan chức Mỹ ở thủ đô Washington.
XEM THÊM:
Trung Quốc cáo buộc Mỹ ngăn cản phát triển công nghệ
Theo Reuters, các nhà đàm phán hai nước trong tuần này chật vật vượt qua các khác biệt về chi tiết ngôn từ nhằm xử lý các yêu cầu cứng rắn của Mỹ đối với các thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Một vòng đàm phán mới giữa hai nước bắt đầu hôm 11/2, trong khi hai bên tìm cách đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót 1/3.
Nếu không, Mỹ sẽ nâng mức đánh thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-s%E1%BA%AFp-g%E1%BA%B7p-ph%C3%B3-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-trung-qu%E1%BB%91c-l%C6%B0u-h%E1%BA%A1c/4799462.html

Mỹ để lại 200 quân tại Syria

Tú Anh
Ngày 21/02/2019, Hoa Kỳ thông báo « duy trì một đơn vị 200 binh sĩ gìn giữ hòa bình tại miền Bắc Syria thêm một thời gian ».
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders loan báo ngắn gọn như trên vài tuần sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố rút hết quân về nước. Theo AFP, quyết định duy trì hiện diện quân sự tại Syria được loan báo sau khi tổng thống Mỹ điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, tại Diễn đàn An ninh Munich, thủ tướng Đức Angela Merkel gián tiếp đặt câu hỏi với phó tổng thống Mỹ Mike Pence : Liệu có phải là ý kiến hay đối với người Mỹ khi rút bỏ Syria để cho Nga và Iran, kẻ thù của Mỹ củng cố thế lực.
Một thủ lĩnh Daech người Pháp tử thương ?
Theo các nguồn tin thông thạo, hai anh em chiến binh thánh chiến Fabien và Jean-Michel Clain bị máy bay không người lái của liên quân quốc tế oanh kích vào ngày thứ Tư 20/02 tại căn cứ địa cuối cùng của Daech. Fabien Clain tử thương còn Jean-Michel bị thương nặng.
Bộ Quân Lực Pháp không xác nhận tin này và kêu gọi công luận thận trọng. Fabien Clain, sinh trưởng tại Toulouse, được xem là « phát ngôn viên » của nhóm thánh chiến tổ chức loạt thảm sát vào ngày 13/11/2015 tại Paris và vùng phụ cận giết chết hơn 130 nạn nhân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190222-my-de-lai-200-quan-tai-syria

Ba dân biểu Mỹ đề nghị ông Trump

 nêu vấn đề nhân quyền với VN

Ba dân biểu liên bang vừa cùng gửi thư đến Tổng Thống Donald Trump kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền với chính quyền Việt Nam khi ông đến Hà Nội dự thượng đỉnh.
Hôm 19 tháng 2, ba dân biểu liên bang và là đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Về Việt Nam, tức Congressional Caucus on Vietnam, gồm Alan Lowenthal (Dân Chủ), Chris Smith (Cộng Hòa), và Zoe Lofgren (Dân Chủ) cùng gửi một lá thư đến Tổng Thống Donald Trump, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam khi ông đến Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
UPR: Các nước đặt những câu hỏi gì cho Việt Nam?
HRW: Nhân quyền VN ‘xuống cấp nghiêm trọng’
Geneva: Giới tham dự hội thảo bên lề UPR nuôi hy vọng
Cho rằng địa điểm được chọn làm nơi tổ chức buổi họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một vinh dự cho quốc gia chủ nhà, ba vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về việc Hà Nội được chọn làm địa điểm cuộc họp, vì theo họ, chính quyền Việt Nam không xứng đáng được vinh dự này.
Lý do các vị dân biểu đưa ra gồm có hồ sơ vi phạm nhân quyền tội tệ của chính quyền Việt Nam, việc bắt giữ tùy tiện các công dân Hoa Kỳ như Will Nguyễn và Michael Phương Minh Nguyễn, và luật an ninh mạng Việt Nam mới ban hành năm nay đã đưa đến việc kiểm duyệt thông tin mạng xã hội của các công dân Hoa Kỳ và Đức.
“Việt Nam có một kỷ lục đáng lo ngại về nhân quyền, đặc biệt là lãnh vực tù nhân lương tâm. Trong năm 2018, một danh sách được đưa ra [từ Ân Xá Quốc Tế] bao gồm gần 100 cá nhân tù nhân lương tâm bị cầm tù vì có quan điểm không được chính quyền Việt Nam chấp nhận,” một đoạn trong thư này viết.
Lá thư nêu rõ: “Công dân Hoa Kỳ đã bị bắt giam và có thông tin họ bị đánh đập tàn bạo trong lúc viếng thăm Việt Nam và Michael Phương Minh Nguyễn vẫn còn đang bị giam với các vu cáo từ ngày 7 tháng 7, 2018 đến nay.”
Các dân biểu liên bang Alan Lowenthal, Chris Smith và Zoe Lofgren yêu cầu ông Trump đặt ưu tiên các vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam trong lúc ông đến Hà Nội. Đặc biệt, họ nhấn mạnh lời kêu gọi Tổng Thống Trump thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho công dân Hoa Kỳ là ông Michael Phương Minh Nguyễn, đồng thời trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Gửi kèm thư là danh sách gồm 94 tù nhân lương tâm được tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận, trong đó nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số và các nhà hoạt động được nhiều người biết đến như: Bùi Văn Trung, Hồ Đức Hòa, Hoàng Đức Bình, Hoàng Văn Giang, Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Lưu Văn Vịnh, Ngô Hào, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Oai, Phạm Văn Trội, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Trương Minh Đức, và nhiều tù nhân lương tâm khác, cùng với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đang bị chính quyền Việt Nam quản thúc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47327604

Lộ diện ứng viên hàng đầu cho vị trí đại sứ Mỹ tại LHQ

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Canada, bà Kelly Craft, đang nổi lên là ứng viên hàng đầu cho vị trí đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc.
Theo AP, bà Kelly đã nhận được sự hậu thuẫn của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng như của Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Hãng tin này dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, các quan chức trên đã nói với Tổng thống Donald Trump rằng cuộc điều trần chuẩn thuận bà Craft sẽ suôn sẻ nhất trong số ba ứng viên ông tính đề cử thay bà Nikki Haley.
Bà Craft từng là một thành viên của phái đoàn Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống George W. Bush.
XEM THÊM:
TT Trump chọn bà Nauert làm đại sứ tại LHQ
Bà cũng là bạn của phu nhân ông McConnell, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao.
Theo AP, nữ đại sứ Mỹ tại Canada được cho là đóng vai trò lớn trong việc thương thảo thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ cũng như với Canada và Mexico.
Người đầu tiên được ông Trump chọn thay thế bà Haley, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, đã rút lui cuối tuần qua.
Tin cho hay, ông Trump hiện cân nhắc hai người khác gồm đại sứ Mỹ ở Đức Richard Grenell và cựu ứng viên thượng nghị sĩ Michican, ông John James.
https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%99-di%E1%BB%87n-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-h%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%A7u-cho-v%E1%BB%8B-tr%C3%AD-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1i-lhq/4799433.html

Tiểu bang Florida muốn nhập cảng

 các loại thuốc theo toa từ Canada

Florida – Theo tin từ đài CBS, vào thứ Tư (20 tháng 2), Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis đề nghị sẽ mang các loại thuốc theo toa giá rẻ từ Canada đến Florida như một biện pháp để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Việc nhập thuốc theo toa không được cấp phép vào Hoa Kỳ được xem là bất hợp pháp. Nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ có quyền phê duyệt một chương trình cho phép nhập cảng thuốc từ Canada.
Vào tháng 12 năm 2018, một báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội cho biết, cho đến nay vẫn chưa có bộ trưởng nào chấp thuận một đề nghị nhập cảng thuốc theo toa vì các lo ngại về tính an toàn.
Ông DeSantis cho biết ông đã có một cuộc nói chuyện với Tổng thống Donald Trump về kế hoạch nói trên trong tuần qua, và cho biết chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ ý tưởng.
Năm ngoái, Vermont đã trở thành tiểu bang đầu tiên ban hành luật nhập cảng thuốc theo toa. Hiện tại, tiểu bang Vermont vẫn đang thành lập kế hoạch và vẫn chưa nộp đơn cho cơ quan y tế liên bang.
Ông DeSantis cho biết, một chương trình nhập cảng thuốc không chỉ tiết kiệm tiền cho cư dân Florida mà còn có thể tiết kiệm ngân sách liên bang hàng chục triệu Mỹ kim kê thuốc theo toa cho các tù nhân. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tieu-bang-florida-muon-nhap-cang-cac-loai-thuoc-theo-toa-tu-canada/

Muốn con về Mỹ,

cha cô gái kêu gọi đánh phương Tây đâm đơn kiện

Cha của một thiếu nữ từng tới Syria để gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và từng kêu gọi tấn công phương Tây hôm 21/2 đã đâm đơn kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump để con mình có thể được trở lại Mỹ.
Trong đơn nộp tại tiểu bang Washington, theo AP, ông Ahmed Ali Muthana cho rằng con gái ông, cô Hoda Muthana, 24 tuổi, là công dân Mỹ vì sinh ra ở Hoa Kỳ và cần phải được cho phép trở lại Mỹ cùng với con trai mới chập chững biết đi.
Cô Hoda hiện ở một trại tị nạn ở Syria cùng với cậu con trai 18 tháng tuổi.
AP dẫn lời các luật sư của cô nói rằng cô chuẩn bị sẵn tâm lý bị truy tố tội hỗ trợ khủng bố nếu được cho phép trở lại Mỹ.
XEM THÊM:
Thiếu nữ kêu gọi đánh phương Tây không được về Mỹ
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 20/2 nói rằng cô không phải là công dân và sẽ không được cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Gia đình và luật sư của cô cho hay rằng họ đã được thông báo là phía Mỹ xác định cô không đủ tiêu chuẩn là công dân vì cha cô là một nhà ngoại giao Yemen lúc cô chào đời.
Nhưng gia đình nói rằng điều đó không chính xác vì cha cô không còn làm ngoại giao trước khi cô sinh ra ở New Jersey, và rằng cô có hộ chiếu hợp lệ khi cô rời Mỹ để gia nhập Nhà nước Hồi giáo ở Syria năm 2014.
Chính quyền của ông Obama đã xác định cô không phải là công dân và đã thu hồi hộ chiếu của cô vào tháng Một năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/mu%E1%BB%91n-con-v%E1%BB%81-m%E1%BB%B9-cha-c%C3%B4-g%C3%A1i-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-%C4%91%C3%A1nh-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-%C4%91%C3%A2m-%C4%91%C6%A1n-ki%E1%BB%87n/4799492.html

Venezuela: Phe đối lập đi nhận viện trợ,

Maduro dọa đóng biên giới

Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đã rời Venezuela cùng với 80 nhà lập pháp vào ngày thứ Năm tới biên giới Colombia, nơi họ hi vọng sẽ nhận được viện trợ nhân đạo bất chấp Tổng thống Nicolas Maduro đe dọa sẽ đóng biên giới.
Ông Guaido, người được hàng chục quốc gia công nhận là nguyên thủ chính đáng của Venezuela, đang sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với chính quyền của ông Maduro vào ngày thứ Bảy, khi phe đối lập định sẽ tìm cách đưa thực phẩm và thuốc men đang dồn ứ ở phía Colombia.
Ông Maduro phủ nhận có một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela và hôm thứ Năm nói rằng ông đang cân nhắc đóng biên giới với Colombia và sẽ đóng biên giới với Brazil. Chính phủ nói sẽ điều binh sĩ tới đóng tại các cửa khẩu biên giới để đẩy lùi mọi “hành vi xâm phạm lãnh thổ.”
Nhiều tấn hàng viện trợ được chính phủ Mỹ và Colombia gửi tới để khắc phục tình trạng thiếu hụt ở Venezuela đang chất đống trong các nhà kho ở phía biên giới Colombia. Chính phủ Brazil hôm thứ Ba cũng cam kết sẽ cung cấp viện trợ.
Trong những phát biểu trên truyền hình ngày thứ Năm, ông Maduro nói rằng việc tích trữ hàng viện trợ là một sự khiêu khích. “Tôi không muốn đưa ra bất kì quyết định nào kiểu như vậy, nhưng tôi đang cân nhắc đóng hoàn toàn biên giới với Colombia,” ông nói.
Ông Guaido viện dẫn hiến pháp để đảm nhận chức vụ Tổng thống lâm thời vào ngày 23 tháng 1 và tố cáo ông Maduro là kẻ tiếm quyền tàn phá đất nước. Quy mô của nền kinh tế Venezula đã thu hẹp chỉ bằng một nửa trong năm năm qua.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng vụ đối đầu ở biên giới vào ngày thứ Bảy không hẳn là nhằm giải quyết nhu cầu của Venezuela mà là để thử thách lòng trung thành của quân đội đối với ông Maduro bằng cách thách họ có dám xua đuổi viện trợ không. Ông Guaido đã ngỏ lời sẽ ân xá cho các sĩ quan quân đội từ bỏ ông Maduro, mặc dù cho đến nay có rất ít người đã làm như vậy.
Ông Guaido vẫn chưa cho biết chi tiết làm thế nào để viện trợ vào được Venezuela. Các nhân vật đối lập đã đề nghị huy động những hàng người tiếp sức xuyên qua biên giới Colombia để chuyển các gói hàng từ người này sang người kia và từ những đoàn tàu đến từ các đảo của Hà Lan ở Biển Caribê.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-phe-doi-lap-di-nhan-vien-tro-maduro-doa-dong-bien-gioi/4799351.html

Khủng hoảng Venezuela: Tổng thống Maduro

đóng cửa biên giới với Brazil

Trọng Thành
Khủng hoảng tại vùng biên giới Venezuela đang lên đỉnh điểm, khi ngày 23/02/2019 đang đến gần. Đây là ngày mà lãnh đạo đối lập tuyên bố hàng cứu trợ nhân đạo sẽ được đưa vào trong nước, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Tối 21/02, tổng thống Maduro ra quyết định đóng cửa biên giới với Brazil.
Trong một phát biểu trên truyền hình, tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố việc qua lại đường biên giới với Brazil bị đình chỉ, và một quyết định tương tự có thể sẽ được đưa ra đối với đường biên giới với Colombia.
Trong lúc đó, tổng thống tự phong Juan Guaido, người được hơn 50 quốc gia công nhận, bắt đầu khởi sự chuyến đi đến vùng biên giới Colombia. Hàng nghìn người tình nguyện cũng lên đường đến các địa điểm biên giới để tham gia vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Thông tín viên Benjamin Dellile từ Caracas cho biết cụ thể :
« Đoàn xe lữ hành, như cách gọi của đối lập, bắt đầu lên đường sáng nay từ thủ đô Caracas. Người ta nhìn thấy nhiều nghị sĩ trong đoàn xe hơn 10 chiếc, trong số đó có nhiều xe buýt và xe 4×4. Người phát ngôn của lãnh đạo đối lập Juan Guaido khẳng định là ông có mặt trong đoàn xe này, nhưng không ai nhìn thấy ông Guaido, cũng không có bức hình nào về ông lọt ra ngoài.
Ngoài chuyến xe chính thức này, cuộc xuất hành của những người tình nguyện đã không được tổ chức thống nhất. Đa số mọi người khởi hành đi về hướng biên giới với các phương tiện riêng. Rất nhiều bất ngờ chờ đợi những người tình nguyện dấn thân vào chuyến đi gian khó này. Khó mà biết được quân đội có cho phép họ đến vùng biên giới hay không.
Trong những ngày gần đây, nhiều đơn vị quân đội được triển khai tại đường biên giới bang Tachira, đối diện với thị xã Cucuta, để ngăn chặn hàng cứu trợ nhân đạo vượt qua biên giới ngày thứ Bảy 23/02, như lời báo trước của lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
Sáng thứ Sáu 22/02, vào lúc 10 giờ, dự kiến sẽ có hai cuộc hòa nhạc được tổ chức trên cây cầu biên giới Tianditas. Một cuộc để ủng hộ việc nhập hàng cứu trợ từ Colombia, một để hậu thuẫn chính quyền Nicolas Maduro. Hai cuộc biểu diễn được tổ chức chỉ cách nhau có 300 mét là một biểu tượng cho thấy cuộc đọ sức quyết liệt đang chia rẽ đất nước Venezuela ».
Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Nga ngày 22/02 cảnh báo là Hoa Kỳ đã triển khai nhiều đơn vị đặc nhiệm sát biên giới Venezuela để sẵn sàng can thiệp trong trường hợp đoàn xe nhận cứu trợ nhân đạo của đối lập gặp sự cố.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190222-khung-hoang-venezuela-tong-thong-maduro-dong-cua-bien-gioi-voi-brazil

Quan hệ Anh quốc – Trung Cộng trở nên phức tạp

vì kế hoạch quân sự tại Biển Đông

London, Anh quốc – Viên chức chính phủ Anh cho biết, quan hệ của nước này với Trung Cộng đang trở nên phức tạp do việc London muốn gởi hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Tài chính Anh quốc Philip Hammond, quan hệ Anh – Trung đã bị tổn hại bởi lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson muốn điều hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth và 2 phi đội F-35 Lightning đến các vùng biển tranh chấp. Trung Cộng mới đây đã hủy các cuộc đàm phán thương mại với ông Hammond để bày tỏ sự phản đối.
Trong chương trình radio của BBC vào thứ Năm (21 tháng 2), Bộ trưởng Hammond nói, quan hệ Anh – Trung đang trở nên phức tạp hơn bởi sự bất mãn của Trung Cộng trước kế hoạch điều động của Hải quân Hoàng gia tại biển Đông. Ông Hammond cho rằng, quân đội đã tính toán quá sớm, do chiếc Queen Elizabeth phải cần vài năm nữa mới sẵn sàng hoạt động toàn diện, và hiện tại thì chính phủ Anh thậm chí còn chưa thảo luận gì về nhiệm vụ của chiến hạm này.
Bình luận của ông Hammond được đưa ra sau cuộc tập trận chung hôm thứ Hai (18 tháng 2) của Hoa Kỳ và Anh quốc tại Biển Đông, và chưa đầy 1 tuần sau khi chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đô đốc Phil Davidson nói rằng, Hoa Kỳ và đồng minh cần gia tăng các chiến dịch hải quân trong khu vực tranh chấp.
Cuộc tập trận hôm thứ Hai là đợt diễn tập hải quân thứ 3 giữa Hoa Kỳ và Anh quốc trong vòng vài tháng. Vào tháng 1, chiếc USS McCampbell của Hoa Kỳ và HMS Argyll của Anh đã cùng di chuyển trên biển Đông. Vài tuần trước đó, một cuộc tập trận chống tàu ngầm cũng diễn ra với sự tham dự của Hoa Kỳ, Anh, và Nhật. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quan-he-anh-quoc-trung-cong-tro-nen-phuc-tap-vi-ke-hoach-quan-su-tai-bien-dong/

Tàu sân bay Anh và Pháp tuần tra Biển Đông:

Viễn ảnh xa vời

Trọng Nghĩa
Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin được loan tải về khả năng cả Pháp lẫn Anh đều sắp phái tàu sân bay của mình đến Biển Đông cùng tham gia nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải bên cạnh các hàng không mẫu hạm Mỹ. Thế nhưng, vào ngày 21/02/2019, Paris cho biết là trước mắt khả năng đó sẽ chưa diễn ra, trong lúc, dưới sức ép của Trung Quốc, nội bộ chính phủ Anh bắt đầu tranh cãi về kế hoạch triển khai tàu sân bay qua Biển Đông.
Khả năng nước Pháp cử chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của mình là chiếc Charles-de-Gaulle qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông đã được chính bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp gợi lên vào trung tuần tháng 11/2018, với thời điểm triển khai được suy đoán là đầu năm 2019.
Vào khi ấy, bà bộ trưởng Pháp Florence Parly đã nhấn mạnh rằng Paris « luôn luôn ở trên tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế ». Đối với bà Parly, « nếu nguyên tắc cơ bản đó của luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp đang xảy ra tại Biển Đông, Pháp sẽ thể hiện quyền tự do hành động và lưu thông của mình trong các vùng biển đó ».
Thế nhưng, vào ngày 21/02, Quân Đội Pháp đã xác nhận trở lại rằng tàu sân bay Pháp Charles-de-Gaulle đúng là sẽ lên đường vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 qua làm nhiệm vụ ở châu Á, nhưng chỉ hoạt động ở Ấn Độ Dương, và ghé Singapore mà thôi, còn Biển Đông không nằm trong kế hoạch.
Theo đại tá Guillaume Thomas, phó phát ngôn viên Bộ Tham Mưu Quân Đội Pháp, theo lịch trình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle sẽ ghé Địa Trung Hải, tháng 5 tập trận « Ramsès » với Ai Cập, sau đó qua Ấn Độ Dương, tham gia cuộc tập trận « Varuna » vào tháng 7 với Ấn Độ. Bên cạnh đó, tàu sân bay Pháp cũng sẽ thao diễn với Hải Quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương.
Đối với đại tá Thomas, các khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương nằm trong các ưu tiên của Pháp, nhưng lần này, kế hoạch hoạt động của chiếc Charles-de-Gaulle không « dự kiến » đến Biển Đông, nơi mà đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên một số đảo đá đang gây căng thẳng với các láng giềng Đông Nam Á.
Về phần Anh Quốc, chỉ mới đây thôi, hôm 11/02, bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận rằng Luân Đôn sẽ phái hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông, chở theo một phi đội chiến đấu cơ F-35 hỗn hợp của cả Anh lẫn Mỹ.
Thời điểm của việc triển khai này khá xa vời, vì theo kế hoạch tàu sân bay Anh chỉ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2021 mà thôi.
Cho dù vậy, thông báo của ông Williamson đã khiến Trung Quốc bất bình, và theo truyền thông Anh, Bắc Kinh đã hủy một cuộc đàm phán thương mại dự trù với bộ trưởng Tài Chính Anh Hammond để cảnh cáo.
Phát biểu vào hôm 21/02, ông Hammond đã công nhận rằng tuyên bố của ông Williamson về ý định triển khai tàu sân bay đã khiến cho quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp, một lời hàm ý chỉ trích đồng nhiệm ở bộ Quốc Phòng là đã gây khó khăn cho việc giao thương với Trung Quốc, một yếu tố tối quan trọng vào lúc nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu.
Báo Financial Times hôm 15/02 vừa qua, đã ghi nhận rằng cả Phủ Thủ tướng Anh lẫn bộ Tài Chánh đều giận « tái mặt » vì bài phát biểu của ông Williamson. Tuy nhiên, theo hãng Reuters, một viên chức bộ Quốc Phòng Anh khẳng định rằng phát biểu của ông Williamson đã được cả bộ Tài Chính lẫn hủ Thủ Tướng duyệt qua trước.
Dẫu sao thì các diễn biến kể trên cho thấy là việc Anh Quốc quyết định triển khai tàu sân bay qua Biển Đông không phải là đơn giản, và trong ngắn hạn, hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ chưa có bạn đồng hành trên Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190222-tau-san-bay-anh-va-phap-tuan-tra-bien-dong-vien-anh-xa-voi

Biểu tình : Thói quen “ngấm vào máu” của người Pháp

Thùy Dương
Tại Pháp, khác với quyền bãi công, quyền biểu tình không được ghi trong Hiến Pháp. Nhưng đối với người Pháp, biểu tình là một quyền cơ bản của con người để thể hiện tự do ngôn luận. Nhìn từ nước ngoài, biểu tình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Pháp, cũng giống như rượu vang và pho mai. Nhiều người đùa vui nói rằng thói quen biểu tình đã ngấm vào máu, là một phần trong chuỗi ADN của người Pháp.
Ông Elie Lambert, tổng thư ký Liên minh Các nghiệp đoàn Union syndicale solidaire, nhận định trên báo La Croix ngày 09/10/2017 là ngoài các kỳ bầu cử mà lá phiếu cử tri có thể là một phần thưởng hay hình phạt, thì người Pháp ít có cơ hội để biểu đạt sự không tán thành hay tức giận về các chính sách của nhà nước.
Có những công dân, với tư cách cá nhân, không đồng ý với một biện pháp nào đó của chính quyền, nhưng nếu họ đứng tách biệt, họ không thể làm được gì. Xuống đường, tập trung, tuần hành, biểu tình là dùng sức mạnh của số đông để khiến chính quyền nghe thấy các yêu sách của họ, khiến sự phản kháng của họ trở nên hữu hình. Biểu tình là cách công dân thể hiện sức mạnh đối với chính phủ.
Trong chuyên mục French Connections trên đài France 24, ngày 30/01/2019, nhà báo Florence Villeminot nhấn mạnh : « Cần biết là có rất nhiều cuộc biểu tình tại Pháp. Người ta thống kê là, tính trung bình thì có 10.000 cuộc biểu tình được tổ chức tại Pháp mỗi năm. Đó là nơi tập hợp xã hội, cũng là nơi chúng tôi khám phá về chính trị, là nơi chúng tôi nhớ đến với rất nhiều cảm xúc về những lần đầu tiên tham gia biểu tình. Chúng tôi thường nhớ về các biểu ngữ, ca khúc, chẳng hạn Bella Chaos mà chúng tôi hát trong những ngày đó ».
Một điều không thể phủ nhận là các cuộc biểu tình ở Pháp « nhiều như cơm bữa », liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ môi trường, hôn nhân đồng giới, cải cách luật lao động, hưu trí, giáo dục…, từ quy mô thành phố đến toàn quốc.
Điển hình nhất là phong trào biểu tình, với hàng triệu người tham gia hồi tháng 05/1968, ban đầu nổ ra trong giới sinh viên ở Paris, rồi lan dần sang giới công nhân và nhiều lĩnh vực khác trên toàn nước Pháp, trở thành phong trào đấu tranh, nổi dậy làm rung chuyển xã hội và mang lại nhiều đổi thay cho nước Pháp. Năm 2002, có tới 1,5 triệu người xuống đường phản đối chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống.
Nhà báo Florence Villeminot cho biết thêm : « Gần đây hơn, người ta nhắc nhiều đặc biệt đến các cuộc biểu tình để tang và bảo vệ các giá trị của nước Pháp, tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố nhắm vào của tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo. Ngày 11/01/2015, một cuộc biểu tình quy mô khổng lồ trên khắp nước Pháp quy tụ tới 3 triệu 7 trăm ngàn người ».
Trong thời gian qua, được nói tới nhiều nhất là cuộc biểu tình « dài hơi » của phong trào Áo Vàng. Bắt đầu từ ngày thứ Bảy 17/11/2018, với khoảng 288.000 người tham gia đòi chống tăng thuế xăng dầu, trong 14 ngày thứ Bảy liên tiếp, những người Áo Vàng biểu tình khắp nơi
trên cả nước, từ Paris, Lille, đến Lyon, Bordeaux, Nantes, Montpellier… với rất nhiều đòi hỏi khác nhau.
Không chỉ biểu tình vào ngày thứ Bảy, các thành viên của phong trào Áo Vàng còn được kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày Chủ Nhật, kể từ ngày 17/02. Nhưng theo số liệu thống kê của chính phủ Pháp, chỉ có khoảng 51.400 người biểu tình vào thứ Bảy 16/02 và khoảng 1.500 người xuống đường hôm Chủ Nhật 17/02.
Dường như phong trào biểu tình đang thoái trào, nhiều thành viên tiêu biểu của Áo Vàng tỏ ra kín đáo hơn. Eric Drouet, một trong những người khởi xướng phong trào, đã bị kết án một tháng tù treo vì « tổ chức tập hợp không thống báo trước ». Trước ngày biểu tình đầu tiên của Áo Vàng, thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu ngày 14/11/2018 trên kênh RTL : « Tôi xin nói điều này với người dân Pháp : quý vị có quyền biểu tình, đương nhiên là như thế, nhưng cần có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật ».
Quyền biểu tình
Quyền biểu tình không được ghi trong Hiến Pháp, nhưng được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, cũng như trong Công ước châu Âu về Nhân quyền. Trên thực tế, quyền biểu tình được chi phối bởi các sắc lệnh và pháp chế, các quy định về quyền đi lại biểu đạt ý kiến. Đối với chính quyền, biểu tình phải đảm bảo trật tự, không gây mất an ninh cho con người và tài sản.
Vậy, người tổ chức biểu tình hay tham gia biểu tình phải tuân thủ quy định nào ? Nhà báo Florence Villeminot nhấn mạnh : « Mọi cuộc biểu tình tổ chức tại đường đi lối lại công cộng, cho dù là tuần hành của người đồng tính Gay Pride, Techno Parade hay các cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức đều phải thông báo trước. Chẳng hạn nếu quý vị thuộc một hiệp hội và muốn tổ chức biểu tình, cần thông báo cho tòa đô chính trước từ 48 giờ đến 15 ngày. Tại Paris thì khác, phải thông báo cho sở Cảnh Sát trước 2 tháng ».
Nếu tổ chức biểu tình không thông báo trước, không đúng luật, hậu quả sẽ là gì ? Nhà báo Florence Villeminot giải thích tiếp : « Hình phạt là 6 tháng tù giam và phải nộp phạt số tiền 7.500 euro. Nhưng hình phạt này chỉ dành cho những người tổ chức biểu tình ». Người tham gia vào cuộc biểu tình không đúng luật có thể bị phạt 38 euro.
Về số người tham gia biểu tình, con số do Cảnh sát và các nhà tổ chức cung cấp thường có nhiều chênh lệch, người ta gọi đó là « cuộc chiến về số liệu ». Vậy chính quyền thống kê số người biểu tình bằng cách nào ?
Nhà báo Florence Villeminot giải thích trên đài France 24 : « Đôi khi có chuyện rất buồn cười, bởi vì sự khác biệt về số liệu là rất, rất lớn. Nhưng chuyện này mang tính chính trị, bởi vì con số đó thể hiện mức độ thành công của một cuộc biểu tình. Chúng ta sẽ nói về kỹ thuật chính thức, thực ra là kỹ thuật mà cảnh sát dùng là theo phương pháp thủ công. Các nhân viên cảnh sát dùng dụng cụ bấm số cầm tay, rồi sau đó họ kiểm tra lại con số bằng cách xem lại băng video ».
Liên quan đến kỹ thuật thống kê số người biểu tình, một cựu giám đốc tình báo của Sở cảnh sát Paris giải thích cụ thể : « Thực ra, chúng tôi đếm tất cả mọi người, chúng tôi đếm số người đứng dưới lòng đường, số người trên vỉa hè. Có hai điểm cao để đếm đoàn người. Ở mỗi điểm, có hai nhân viên cảnh sát đứng đếm số người biểu tình. Tôi có thể nói là đây không phải nhiệm vụ tuyệt vời nhất trong hoạt động của họ, nhưng họ làm rất tốt công việc đó, họ biết cách làm và họ làm công việc đó với ý thức, quyết tâm và tính trung thực ».
Cái van xả nỗi bất mãn trong xã hội
Vào tháng 06/1984, hai triệu người (theo số liệu của ban tổ chức) tuần hành ở Paris để phản đối dự luật Savary liên quan đến việc sáp nhập các trường tư vào hệ thống giáo dục công. Trước sự phản ứng dữ dội của công luận, dự luật Savary đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, biểu tình không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Chẳng hạn, cho dù cuộc biểu tình chống cải cách luật lao động được tổ chức ngày 12/09/2016 quy tụ rất đông người – 200.000 người (theo số liệu của Cảnh sát), 400.000 người (theo thông báo của ban tổ chức) – nhưng dự luật cải cách luật lao động vẫn được thông qua. Nhà báo Florence Villeminot chơi chữ, ví những cuộc biểu tình như cái van qua đó người Pháp xả bỏ những bất mãn trong xã hội :
« Biểu tình như vậy có thể có hiệu quả không ? Tuần hành có thể mang lại kết quả và làm chính phủ phải lui bước. Nếu nhìn lại lịch sử nước Pháp, có những cuộc biểu tình đã ngăn chặn được các dự luật. Chúng ta có thể nói như vậy, chẳng hạn dự luật về cải cách chế độ an sinh xã hội năm 1995, dự luật về hợp đồng tuyển dụng lần đầu năm 2006.
Đôi khi biểu tình không mang lại thay đổi gì, không cản được chính phủ, chẳng hạn cuộc biểu tình phản đối hôn nhân đồng giới không ngăn cản được việc hợp pháp hóa đám cưới đồng tính vào năm 2012. Tuy nhiên, tổ chức Manif pour tous đã ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí mọi người và trên chính trường. Vì thế, nhiều người có thể nói rằng vai trò quan trọng nhất của một cuộc biểu tình tại Pháp là làm cái van xả nỗi bất mãn trong xã hội. »
Trong bài viết « Biểu tình có để làm gì (nữa) không ? » của báo La Croix đăng ngày 09/10/2017, ông Elie Lambert, tổng thư ký Liên minh các nghiệp đoàn Union syndicale solidaire, công nhận là từ năm 2006, các cuộc biểu tình rất hiếm khi làm chính phủ phải chùn bước. Những người có công ăn việc làm đôi khi do dự không muốn tham gia biểu tình, bởi vì họ cho rằng phải nghỉ làm, kéo theo đó là mất thu nhập mà biểu tình cũng không mang lại kết quả gì. Điều đó tạo ra một « vòng luẩn quẩn ».
Theo ông Elie Lambert, « để có kết quả tốt, các cuộc biểu tình cần được tổ chức theo một phương pháp có thể ít hữu hình hơn, nhưng cụ thể hơn, giống như bãi công, đình công vốn cản trở nền kinh tế hoặc các dịch vụ công, khiến người dân cảm thấy phiền phức, nhờ thế mà gây được sức ép cho chính phủ. Biểu tình là gióng lên một hồi chuông cảnh báo, để kêu gọi đối thoại và bàn bạc tìm giải pháp cho một vấn đề ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190222-bieu-tinh-thoi-quen-ngam-vao-mau-cua-nguoi-phap

Ý : Bình Nhưỡng nắm giữ con gái của nhà ngoại giao đào tị

Tú Anh
Ngày 20/02/2019, chính phủ Ý xác nhận con gái của đại biện Bắc Triều Tiên tại Roma đào tị đã « bị đưa về nước » vào tháng 11/2018. Đây là tin buồn cho vợ chồng của quyền đại sứ Jo Song Jil từ khi đào nhiệm vài hôm trước.
Không rõ hai người đang tị nạn ở quốc gia nào nhưng điều chắc chắn là chế độ Bình Nhưỡng sẽ sử dụng cô nữ sinh làm con tin để gây áp lực với bố mẹ.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias phân tích :
“Phải chăng con gái của nhà ngoại giao Jo Song Jil đã bị mật vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc tại Roma đem về nước ? Chính quyền Ý gián tiếp xác nhận sự kiện này qua thông cáo của bộ Ngoại Giao. Roma đã được Bình Nhưỡng thông báo ý định của cô gái muốn trở lại quê hương sống với ông bà. Cô nữ sinh trung học 17 tuổi dường như đã hồi hương « cùng với » một nhóm nữ nhân viên của sứ quán Bắc Triều Tiên ngày 14/11/2018.
Sự kiện đáng nghi ngờ này diễn ra vài hôm sau khi bố mẹ của cô gái đào thoát để con ở lại sứ quán. Tuy nhiên, có lẽ đó là lý do giải thích vì sao Jo Song Jil hoàn toàn giữ im lặng từ đó đến nay.
Một nhà lý khai nổi tiếng khác là Thae Yong Ho, cựu tham tán công sứ (phó đại sứ) ở Luân Đôn, tị nạn tại Seoul từ năm 2016, cảnh báo đồng sự Jo Song Jil : Làm gì thì làm, nhưng tuyệt đối không tị nạn tại Hàn Quốc. Hình phạt dành cho thân nhân những người bỏ chế độ chạy sang Hàn Quốc nghiêm khắc hơn là nếu chọn một quốc gia khác.
Thông thường, các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên bị bắt buộc phải để con cái tại quê nhà để tránh đào tị. Tuy nhiên, Jo Song Jil là con của một gia đình thuộc hàng lãnh đạo cao cấp nên được đặc miễn”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190222-binh-nhuong-nam-giu-con-gai-cua-nha-ngoai-giao-dao-ti

Nga cấm binh sĩ sử dụng điện thoại thông minh

để ngăn chặn việc dò tìm vị trí

Theo bản tin của CNBC, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu vào thứ Ba (21 tháng 2) cấm binh sĩ của họ sử dụng điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội để giúp ngăn chặn  việc các hoạt động quân sự của quốc gia bị theo dõi.
Theo luật mới, nhân viên quân sự sẽ bị cấm đăng tải các thông tin về bản thân hoặc đồng nghiệp trực tuyến bằng các thiết bị thông minh hoặc phân phối dữ liệu âm thanh, hình ảnh,
video hoặc định vị địa lý. Dự luật  sẽ được chuyển cho Tổng thống Vladimir Putin để phê chuẩn chính thức.
Trong những năm gần đây, hình ảnh và bài viết trên phương tiện truyền thông xã hội được đăng bởi những người lính Nga đã gây ra mâu thuẫn với những khẳng định của chính phủ rằng quân đội không chiến đấu ở Ukraine hoặc liên quan đến cuộc xung đột của Syria.
Ghi chú của Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nikolai A.Pankov cho biết, thông tin được chia sẻ bởi các binh sĩ trên Internet hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, được các nước khác sử dụng để hình thành một quan niệm sai lệch về chính sách của chính phủ Nga.
Theo tờ Guardian, Vladimir Bogodukhov, một thành viên của ủy ban quân sự của Duma, nói rằng Nga sẽ không bảo vệ được thông tin của họ nếu như họ không có hành động  nghiêm cấm này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nga-cam-binh-si-su-dung-dien-thoai-thong-minh-de-ngan-chan-viec-do-tim-vi-tri/

Nga đang gặp khó khăn trong việc tối tân hóa Hải quân

Moscow, Nga – Theo tin từ Reuters, Tổng thống Vladimir Putin đã gọi việc cải thiện khả năng chiến đấu của Hải quân Nga là ưu tiên hàng đầu. Nhưng trong suốt 3 năm qua, kế hoạch lắp đặt ba chiến hạm hỏa tiễn dẫn đường tại một nhà máy đóng tàu ở Baltic vẫn chưa hoàn thành.
Điều này cho thấy rằng việc nói dễ hơn làm.
Vốn được thiết kế để trở thành một phần trong Hạm đội Biển Đen của Nga, các chiến hạm này đã trở thành nạn nhân của lệnh trừng phạt do Ukraine áp đặt vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, buộc Kiev cấm bán các động cơ cần thiết do Ukraine sản xuất để vận hành tàu. Với việc Moscow không thể nhanh chóng chế tạo động cơ thay thế cho tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich, quá trình xây dựng tàu đã bị đình trệ. Nga hiện đang cắt giảm thiệt hại và bán ba chiếc tàu không có động cơ này cho Ấn Độ.
Theo Reuters, các lệnh trừng phạt của Ukraine đã góp phần chủ yếu, nhưng không phải toàn bộ, trong việc tạo ra các vấn đề cho hải quân Nga. Vì nhiều lý do khác nhau, Nga hiện cũng đang gặp vấn đề với thiết bị mới cho quân đội và không quân. Tình trạng này đặt ra viễn cảnh cho rằng các lực lượng vũ trang của Nga không có khả năng, hoặc họ không tối tân như những gì được phô diễn tại các cuộc diễn hành quân sự hàng năm ở quảng trường Đỏ, và khả năng huy động lực lượng thông thường của Nga cũng còn hạn chế.
Các nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, ông Putin từ lâu đã phóng đại sức mạnh quân sự để củng cố hình ảnh của ông và Moscow ở trong và ngoài nước, nhưng thực chất Nga đang tối tân hóa quân sự chậm hơn Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nga-dang-gap-kho-khan-trong-viec-toi-tan-hoa-hai-quan/

Iran sẽ không loại trừ khả năng xung đột quân sự với Israel

Berlin, Đức – Theo tin từ Reuters, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif cáo buộc Israel về việc “mạo hiểm” với các chiến dịch ném bom ở Syria, đồng thời cho biết ông không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa các nước.
Khi trả lời phỏng vấn với tờ báo Sueddeutsche Zeitung, ông Zarif cho biết Iran đã có mặt tại Syria theo lời mời của chính phủ Syria, trong khi Israel vi phạm không phận của Lebanon và Syria cũng như luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng cho biết rằng, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công ở Syria trong nhiều năm qua và sẽ đẩy mạnh việc chiến đấu sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi nước này theo kế hoạch. Phía Israel đang cố gắng chống lại ảnh hưởng được khắc họa ở Syria bởi Iran, là nước đã hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến nổ ra vào năm 2011. Israel cho rằng những hành động của thủ đô Tehran là nhân tố gây bất ổn chính ở Trung Đông.
Khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào hôm Chủ Nhật (17 tháng 2), ông Zarif đã cáo buộc Israel về hành vi gây chiến, đồng thời cảnh báo rằng hành động của họ và Hoa Kỳ đang làm tăng nguy cơ xung đột trong khu vực. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/iran-se-khong-loai-tru-kha-nang-xung-dot-quan-su-voi-israel/

Trump-Kim 2: Số phận

của những quan chức ngoại giao Bắc Hàn đào tẩu

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp gặp lại Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội. Và khi Bắc Hàn có vẻ như sắp bước ra khỏi vòng cô lập và hòa nhập với thế giới, thì một câu hỏi đặt ra là phải làm gì đối với những nhà ngoại giao cấp cao Bắc Hàn đã đào tẩu?
Quyết định đào thoát khỏi Triều Tiên có thể khiến cuộc sống của một người và gia đình người đó gặp nhiều nguy hiểm. Đối với các nhà ngoại giao Bắc Hàn, vốn từng tận hưởng một cuộc sống ưu ái và quyền lực, mối nguy hiểm của việc đào tẩu còn lớn hơn nhiều.
Những người đàn ông và phụ nữ này đóng vai trò tiền phong của hệ tư tưởng Juche ở ngoại bang.
Vai trò chính của họ là huy động nguồn tiền cho chế độ, nhưng mặc dù là những cá nhân ưu tú ở quê nhà, họ khó có thể nhận được một vị trí đặc quyền như vậy ở bất cứ nơi nào khác.
Người đào tẩu Bắc Hàn bị bắt cóc?
‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’
Các đại sứ và nhân viên có nhiệm vụ phải thúc đẩy quan điểm của Bình Nhưỡng trên toàn thế giới, và thường sẽ tìm kiếm các nhóm thân Triều Tiên ở các quốc gia. Họ cũng theo dõi tin tức địa phương, sàng lọc các kênh truyền hình và báo chí nào đề cập đến gia đình Kim.
Diễn biến gần đây nhất là ở Ý, khi chính phủ này bày tỏ lo ngại về số phận của cô con gái đang ở độ tuổi đi học của đại sứ Bắc Hàn tại Ý Jo Song-gil đã trốn khỏi nhà ở Rome năm ngoái.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác cũng đào tẩu, Thae Yong-ho, đã nói với các phóng viên rằng ông tin rằng cô bé đã bị buộc phải hồi hương về Bình Nhưỡng.
Những kẻ phản bội
Hầu như không thể xác minh những cáo buộc trên nhưng nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, đặc biệt đối với những người đào tẩu đến từ một tầng lớp ưu tú đã được tin tưởng để đại diện quốc gia ở nước ngoài.
Uy tín của càng cao, rủi ro khi đào tẩu càng cao.
Một hành động như vậy khó có thể được chế độ Kim tha thứ.
Một số người đào tẩu từng là quan chức cấp cao nói rằng họ phát hiện gia đình họ ở Triều Tiên đã bị trừng phạt, bị tống vào tù hoặc, trong một số trường hợp, họ tin rằng người thân của họ đã bị bắn.
Họ là những đại sứ toàn cầu cho gia đình Kim, những người bảo vệ lợi ích của chế độ trong một thế giới đầy thù địch. Vì vậy, theo logic của Bình Nhưỡng, một kẻ bất đồng chính kiến làm nhà ngoại giao không thể được dung thứ.
Triều Tiên coi những nhà ngoại giao đào tẩu là những kẻ phản bội bởi vì nỗi sỉ nhục còn ê chê hơn đối với gia đình Kim.
Nhưng các cuộc đào tẩu vẫn cứ xảy ra.
Han Jin-myung là cựu bí thư thứ hai tại Việt Nam và nói với NK News rằng ông đã đào thoát sau khi không chia số tiền mà ông kiếm được từ việc buôn bán với các quan chức của Bộ. Ông nói rằng các nhà ngoại giao không được trả lương cao và ông chỉ nhận được khoảng 400 đôla (khoảng 9 triệu đồng) mỗi tháng.
Cấp trên của ông Han đã báo cáo với Bình Nhưỡng và ông cảm thấy mình gặp nguy hiểm. Ông nói rằng ông chắc chắn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nên nhanh chóng quyết định đào tẩu.
‘Hàn Quốc nên chào đón người Triều Tiên’
Các nhà ngoại giao sinh sống ở nước ngoài đã có cơ hội chứng kiến các quốc gia khác sống và làm việc như thế nào. Họ đã nếm trải mùi vị của một cuộc sống khác; con cái họ có thể đã học tại các trường quốc tế.
Và chút ít mùi vị tự do này có thể khiến họ ao ước được tận hưởng thêm nhiều hơn.
Mặc cho những thông tin xoay quanh số phận của con gái cựu đại sứ Bắc Hàn tại Ý, hiện vẫn có rất ít thông tin về ông Jo Song-gil và gia đình ông.
Họ được nhìn thấy lần cuối vào cuối tháng 11 và được cho là đang xin tị nạn ở một nước thứ ba – một số người tin rằng ông đang trên đường đến Hoa Kỳ.
Nhưng những các quan chức cao cấp đã đào tẩu này cũng đưa ra một vấn đề nan giải cho Hàn Quốc, đặc biệt là vào thời điểm này, Seoul đang xây dựng một tình bạn thận trọng với Bình Nhưỡng.
Ở Hàn Quốc, những người đào tẩu như vậy thường được bảo vệ vì lý do chính đáng.
Yi Han-yong, cháu trai của anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đã bị bắn chết bên ngoài nhà anh ta ở ngoại ô Seoul năm 1997 sau khi xuất bản một cuốn sách về chế độ Kim.
Những kẻ tấn công anh ta vẫn chưa bị bắt.
Cựu phó đại sứ tại London, Thae Yong-ho, người đã đào thoát năm 2016, nói với các phóng viên rằng ông cảm thấy chính phủ Hàn Quốc nên chủ động hơn – nhưng ông không nghĩ cựu đại sứ Bắc Hàn tại Ý Jo Song-gil nên trú ẩn ở miền Nam.
“Hàn Quốc cần chứng tỏ rằng họ sẽ bảo vệ những người Triều Tiên,” ông nói trong một cuộc họp báo.
“Nhưng tình hình hiện tại cho thấy họ không làm được điều đó. Cả chính phủ Hàn Quốc lẫn công dân Hàn đều không bày tỏ ý định giải cứu ông Jo và gia đình sau vụ đào tẩu của họ, và tôi rất buồn trước tình hình hiện tại.”
Số người đào tẩu từ Bắc Hàn sang Nam Hàn
Nguồn: Bộ Thống nhất Nam Hàn
“Chúng ta cần nói với các công dân Triều Tiên rằng Hàn Quốc là quê hương của họ. Và Hàn Quốc sẽ chào đón bất kỳ công dân Triều Tiên nào muốn đến đất nước này.”
Nhưng sự chào đón nồng ấm ở miền Nam là một điều không đảm bảo.
Phía chính phủ bảo thủ thường sử dụng những người đào tẩu để bôi xấu hình ảnh Bắc Hàn và làm nổi bật các vi phạm nhân quyền của nước này.
Nhưng ngược lại, Tổng thống cấp tiến Moon Jae-in thì đang theo đuổi một chính sách gắn kết hơn với Triều Tiên.
Miền Nam từ lâu đã cho rằng tất cả người Hàn Quốc đều có quyền tự do chính trị và kinh tế.
Nhưng miền Bắc thường cáo buộc Seoul dàn dựng những vụ đào tẩu này để phá hoại và bôi nhọ.
Và đây không phải là cuộc tranh luận mà chính phủ ông Moon muốn có vào thời điểm này.
Bộ Ngoại giao Bắc Hàn không che giấu sự phẫn nộ và ghê tởm của mình đối với những người như ông Thae Yong-ho.
Mặc dù không nêu tên cụ thể nhưng họ mô tả ông là “cặn bã của loài người” và chỉ trích chính phủ Hàn Quốc vì đã cho phép ông Thae phát biểu tại Quốc hội.
Chúng tôi đã hỏi Bộ Thống nhất Seoul và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về những lo ngại rằng người Triều Tiên không được đón nhận ở đây.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất đã rất cẩn trọng tuyên bố rằng họ “sẽ chấp nhận tất cả những người đào thoát Bắc Triều Tiên tự muốn đến miền Nam theo nguyện vọng của họ”.
Seoul vẫn hỗ trợ vật chất cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Hiện có gần 32.000 người đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đến Hàn Quốc.
Họ được hỗ trợ tái xây dựng lại cuộc sống mới, được cung cấp chỗ ở và giáo dục.
Nhưng Bộ Thống nhất dường như lo ngại về cách Bắc Hàn nhìn nhận hành động của những người đào tẩu.
Năm ngoái, chỉ vài ngày sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Moon và Kim Jong-un, một người đào tẩu hoạt động chính trị đang chuẩn bị phóng bóng bay sang miền Bắc bằng các tờ rơi và ổ đĩa flash. Ông đã làm điều này trong 15 năm qua.
Nhưng ông nói ông nhận được một cuộc gọi yêu cầu ông dừng việc này lại.
Khi nhóm của ông quyết định tiếp tục thả bóng bay, họ bị cảnh sát bao vây.
Kim Myong Song, một người đào tẩu và là một nhà báo cho một trong những tờ báo nhật báo lớn nhất của Hàn Quốc, Chosun Ilbo, đã bị cấm tham gia một sự kiện tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Ông đã luôn làm về chủ đề Bắc-Nam kể từ 2013 nhưng Bộ Thống nhất cho biết họ phải thực hiện “các bước cần thiết” vì “hoàn cảnh đặc biệt” của cuộc họp này.
“Điều này làm tôi đau đớn,” ông nói với BBC.
Nghề nghiệp của những người đào tẩu
Những người đào thoát trong khoảng 1998-2018
Nguồn: Bộ Thống nhất Nam Hàn
“Những người đào tẩu là công dân Hàn Quốc. Chúng tôi đã rời bỏ một chế độ độc tài áp bức và đến Hàn Quốc, đặt tất cả niềm tin vào chính phủ dân chủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ này đã quyết định loại trừ một nhà báo đào tẩu ngay cả khi chính phủ Bắc Triều Tiên không đưa ra yêu cầu này.”
“Điều đó khiến tôi cảm thấy tổn thương và sợ rằng chính phủ Hàn Quốc có thể từ chối chúng tôi nếu cần thiết và họ sẽ không đến để bảo vệ chúng tôi.”
Mỏ thông tin tiềm năng
Tuy nhiên, vẫn có những lợi ích trong việc chào đón những người đào tẩu Bắc Triều Tiên, đặc biệt là những người liên quan đến cấp lãnh đạo.
Kim Jeong-bong, cựu giám đốc của Viện An ninh và Chiến lược Quốc gia Seoul, nói với chúng tôi rằng ngay bây giờ, Jo Song-gil sẽ là một mỏ thông tin.
“Chúng ta có thể hỏi Jo về lời giải thích mà Triều Tiên đã đưa ra cho chiến lược ngoại giao gần đây và các mệnh lệnh mà họ đã đưa ra cho các nhà ngoại giao liên quan đến ba hội nghị thượng đỉnh Nam-Bắc vừa qua và hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn.”
“Có thể Kim Jong-un nói với các nhà ngoại giao của mình rằng anh ta đang cố gắng hợp tác với Hàn Quốc để có được hỗ trợ kinh tế, hoặc anh ta có thể nói rằng anh ta sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay cả khi anh ta đang tiếp cận Hoa Kỳ.
“Đặc biệt là với Jo. Cha và bố vợ của ông ta đều là nhà ngoại giao cấp cao. Bố vợ Jo là một bí thư nghi lễ của Bộ ngoại giao, có nghĩa là ông ta ngồi cạnh Kim Il-sung và Kim Jong-il khi họ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế. Có thể nếu Jo đến Hàn Quốc, chúng ta có thể ghép các mảnh ghép với nhau và lấp đầy khoảng trống 70 năm của lịch sử ngoại giao Bắc Triều Tiên.”
Ông Kim Jeong-bong tin rằng ông Jo đã đến Hoa Kỳ và chúng ta khó có thể nghe thêm về ông trong khi Washington và Seoul đang đàm phán với Bình Nhưỡng.
“Rất có khả năng Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc này. Khi Chang Sung Gil, đại sứ Ai Cập, và anh trai, Chang Sung Ho, thuộc phái đoàn thương mại Bắc Triều Tiên tại Pháp, đến Mỹ, Hoa Kỳ đã giữ im lặng.
“Rất có khả năng trường hợp của Jo trở thành như thế.”
Với hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa miền Bắc và Hoa Kỳ chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra, nhiều người sẽ coi đó là một cách tiếp cận thận trọng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47327684

Triều Tiên báo động thiếu đói lương thực

Triều Tiên báo động đang đối mặt với tình trạng thiếu đói lương thực khoảng 1,4 triệu tấn cho năm nay và buộc phải gần như cắt bớt phân nửa khẩu phần, viện lý do nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, và các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc.
Reuters dẫn văn bản dài 2 trang do phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc công bố hôm 21/2, chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.
Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình võ khí hạt nhân đe dọa Mỹ trong khi Triều Tiên muốn được đảm bảo an ninh và được dỡ bỏ các chế tài và chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm 15 thành viên tăng trừng phạt Triều Tiên từ năm 2006 để bóp nghẹt nguồn quỹ tài trợ cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Văn kiện do phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc công bố kêu gọi các tổ chức quốc tế khẩn cấp đáp ứng việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên.
Phát ngôn nhân Liên hiệp quốc Stephane Dujarric ngày 21/2 cho biết các giới chức Liên hiệp quốc và các tổ chức viện trợ ở Triều Tiên đang tham khảo với chính phủ Triều Tiên để hiểu rõ tác động của tình hình an ninh lương thực đối với những người dễ bị tổn thương nhất để sớm có hành động giải quyết các nhu cầu nhân đạo.
Liên hiệp quốc ước tính tổng cộng có trên 10 triệu người, gần nửa dân số Triều Tiên, đang cần được giúp đỡ và trên 40% dân Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-bao-dong-thieu-doi-luong-thuc-/4799344.html

Đoàn tầu bọc thép bí ẩn của Kim Jong Un

Nếu tổng thống Mỹ có Air Force One và « quái thú » the Beast, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có xe lửa bọc thép. Kim Jong Un có thể sẽ vượt qua 4.100 km bằng tầu hỏa từ Bình Nhưỡng, qua Bắc Kinh để đến Đồng Đăng – biên giới Việt-Trung – rồi chuyển sang đường bộ để đến Hà Nội, nơi diễn thượng đỉnh Trump-Kim lần hai (27-28/02/2019).
Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim Jong Un công du nước ngoài bằng xe lửa, nhưng đây sẽ là hành trình dài nhất, mất khoảng 2 ngày rưỡi.
Bề ngoài đoàn tầu đặc biệt của gia đình nhà Kim trông rất bình thường, được sơn xanh đậm, có sọc vàng chạy dọc thành toa. Nhưng con tầu gây ấn tượng về số toa – khoảng 20 đến 25 – tất cả đều được bọc thép, cửa sổ được lắp kính sậm, có hai đầu máy kéo và lừng lững tiến với tốc độ không quá 60 km/giờ vì lớp bọc thép quá nặng. Konstantin Pulikovsky, cựu đại diện toàn quyền của tổng thống Putin ở vùng Viễn Đông, cho rằng con tầu là do Nga sản xuất, còn theo giới quan sát Hàn Quốc, các toa tầu đã được tân trang hiện đại ở Nhật Bản.
Tiện nghi Tây phương trong con tầu Xã hội Chủ nghĩa
Khác với vẻ ngoài đơn giản, bên trong con tầu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một thế giới xa hoa, được trang bị tối tân và không thiếu bất kỳ thứ gì của phương Tây. Trong tấm ảnh chụp bên trong con tầu nhân một chuyến thăm Bắc Kinh của Kim Jong Un, người ta có thể thấy bộ ghế sofa mầu hồng, được lắp dọc toa tầu nơi đón tiếp báo giới.
Tiện nghi và thoải mái đến mức Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, đã rong ruổi trên con tầu trên tuyến đường sắt Xuyên Siberi trong suốt 24 ngày vào mùa hè 2001 để đến thăm Matxcơva và sau đó trở về Bình Nhưỡng.
Trong cuốn Express orient (Phương Đông tốc hành : Đi xuyên nước Nga với Kim Jong Il), ông Konstantin Pulikovsky, cựu quân nhân Nga và là đại diện toàn quyền của tổng thống Putin ở Viễn Đông vào thời điểm đó, tháp tùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hành trình trên, kể lại những bữa tiệc tối kéo dài nhiều giờ, đầy rượu vang Bordeaux và ca hát rộn ràng với những nữ nhân viên trẻ đẹp trên tầu.
Ngoài ra, con tầu còn được trang bị một trung tâm phát điện diesel và đồ điện tử hiện đại. Trên tầu, lãnh đạo Bắc Triều Triên sử dụng điện thoại vệ tinh, truy cập internet và máy tính đời mới kết nối với mạng nội bộ để vẫn có thể kiểm soát đất nước khi ông vắng mặt. Trong toa xe văn phòng của nhà lãnh đạo, có hai màn hình lớn : một màn hình thường xuyên chiếu phim và các cuộc diễu binh mà vị chỉ huy quân đội ưa thích, còn trên màn hình thứ hai luôn hiển thị bản đồ điện tử chỉ rõ vị trí đoàn tầu, cùng với thông số dự báo thời tiết và tình hình kinh tế ở các vùng mà tầu chạy qua. Còn theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, trên tầu có rất nhiều phòng họp báo, phòng ngủ và màn hình phẳng.
Vẫn theo tác giả cuốn Express orient« Kim Jong Il là người sành ăn. Ở trên tầu, hoàn toàn có thể yêu cầu bất kỳ món ăn nào, như của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hoặc là Pháp ». Đi kèm với ẩm thực là những két rượu Bordeaux, Bourgogne…
Thậm chí, Kim Jong Il sử dụng máy tính MacBookPro, theo thông tín viên của Les Echos ở Nhật Bản. Toa tầu và toàn bộ vật dụng nơi Kim Jong Il qua đời được giữ nguyên và trưng bày tại khu lưu niệm trong Cung điện Mặt Trời Kumsusan (nơi yên nghỉ lãnh đạo gia đình nhà Kim) ở Bình Nhưỡng. Người ta có thể thấy dưới bàn làm việc của Kim Jong Il là chiếc máy mát-xa chân. Gần những chiếc ghế bằng da sáng mầu là dàn hi-fi của Nhật. Trong một góc toa tầu là đôi giầy cao cổ mầu đen, đế giầy được nâng cao một chút và chiếc áo khoác cũ mầu kem mà Kim Jong Il mặc vào hôm qua đời 17/12/2011.
Gia đình họ Kim có sáu đoàn tầu sang trọng và tối tân như vậy để thay thế. Ngoài ra, theo Chosun Ilbo, trích nguồn tin tình báo Hàn Quốc, 19 nhà ga được thiết kế riêng cho « Tuyến đường nhà Kim » để các lãnh đạo đi thị sát đời sống người dân, thăm các đơn vị quân đội và nhà máy, « ngắm nhìn đất nước qua ô cửa sổ » - thực tế hơn và gần gũi hơn là đi máy bay, theo giải thích của cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Ưu tiên tầu hỏa : Đam mê cha truyền con nối của nhà Kim
Thực ra, cha của Kim Jong Un sợ đi máy bay. Tầu hỏa là phương tiện an toàn và chắc chắn hơn. Chứng sợ máy bay của Kim Jong Il có lẽ xuất phát từ sự kiện, vào năm 2004, một đoàn tầu chở dầu và hóa chất phát nổ tại Ryongchon, gần biên giới với Trung Quốc, khiến khoảng 160 người chết và 1.300 người bị thương.
Do vụ nổ xảy ra chỉ ba giờ sau khi một trong số các đoàn tầu của Kim Jong Il chạy qua khu vực, nên có những đồn đoán rằng đây là một âm mưu ám sát. Vì vậy, các biện pháp đảm bảo an ninh lại càng được tăng cường hơn.
Tờ Chosun Ilbo nhắc lại là mỗi chuyến công du của lãnh đạo Bắc Triều Tiên không chỉ có một đoàn tầu, mà gồm ba đoàn. Đoàn tầu thứ nhất chở khoảng 100 quân nhân làm công tác tiền trạm, kiểm tra an ninh, tránh mọi sự cố kỹ thuật trên hành trình. Đoàn tầu sang trọng ở giữa chở lãnh đạo Bắc Triều Tiên, người thân, quan chức cao cấp và cận vệ, thường cách chuyến thứ nhất từ 20 phút đến khoảng 1 giờ. Đoàn thứ ba đảm bảo an ninh phía sau và chở nhân viên an ninh bổ sung, thực phẩm và phương tiện truyền thông. Mỗi khi chuyến đi được lên kế hoạch, khu vực dọc hành trình sẽ bị phong tỏa 24 giờ trước khi ba đoàn tầu chạy qua.
Nhưng có lẽ niềm tin và niềm đam mê tầu hỏa của dòng họ Kim bắt nguồn từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bị rơi vào tình thế khó khăn trên chiến trường, Kim Nhật Thành đã về được đại bản doanh nhờ tầu hỏa và ông tiếp tục sử dụng phương tiện này sau khi đình chiến. Kể từ đó, xe lửa đồng nghĩa với an toàn cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, không sợ đi máy bay, nhưng vẫn chuộng di chuyển bằng xe lửa. Bốn lần đến thăm Bắc Kinh (2018, 2019), Kim Jong Un đều đi xe lửa. Tại sao lại chọn xe lửa, trong khi Kim Jong Un có thể đi máy bay ?
Giáo sư Gueorgui Toloraia, đứng đầu Trung tâm vì chiến lược Nga ở châu Á, thuộc Viện Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giải thích với Sputnik (2018) : « Việc này hoàn toàn mang tính biểu tượng. Ngược lại với cha mình, Kim Jong Un không hề sợ bay. Đi xe lửa sang Trung Quốc, đó là muốn thể hiện sự tiếp nối và khẳng định ông Kim Jong Un vẫn theo dấu vết cha ông ».
Thêm vào đó, « Kim Jong Un tương tác khá nhiều với báo chí bằng công nghệ quan hệ công chúng. Máy bay hạ cạnh và không ai nhận ra điều đó, nhưng với xe lửa, tất cả mọi người cầm máy quay chạy theo khi tầu tới cũng như khi tầu đi. Đây là một chiến thuật tốt ».
Nếu đến Đồng Đăng (Việt Nam) bằng xe lửa trong hành trình dài khoảng 60 giờ, Kim Jong Un vẫn chưa đánh bại được kỉ lục của người cha Kim Jong Il, đến Matxcơva (2001) bằng xe lửa trong 24 ngày.
***
(Tổng hợp France 24, BFM TV, Les Echos, Sputnik, AP, Chosun Ilbo)
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190222-doan-tau-boc-thep-bi-an-cua-kim-jong-un

TQ phát triển tàu chiến không người lái

Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không.
Tàu JARI được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket, theo mô hình trưng bày tại triển lãm.
Không chỉ Trung Quốc, hiện nay hải quân Mỹ cũng đang thảo luận về mong muốn phát triển các công nghệ không người lái để tích hợp vào tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm.
Họ đã nghiên cứu phát triển một số tàu không người lái trang bị nhiều cảm biến và vũ khí để thâm nhập các khu vực chống tiếp cận của đối phương, ví dụ như trên biển Đông. Tàu JARI có vẻ là lời đáp trả của Trung Quốc đối với hình thức tác chiến kiểu mới từ phía Mỹ.
Theo các thông tin giới thiệu sản phẩm, tàu robot của Trung Quốc có vẻ được chế tạo theo hình thức module, có thể tái cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng chưa rõ nhiệm vụ gì là chủ chốt. Trong video giới thiệu, JARI bắn hạ các máy baykhông người lái, đánh chìm tàu ngầm, tàu mặt nước…
Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. Năm ngoái, khi Trung Quốc công bố thiết kế này tại một triển lãm ở châu Phi, một đại diện của họ nói với Navy Recognition rằng tàu robot này được hải quân Trung Quốc sử dụng và cũng dành để xuất khẩu, và rằng tàu nguyên mẫu đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc.
Tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ, theo tin của Navy Recognition. Tuy nhiên, không có thông tin về hình thức liên lạc từ trạm điều khiển hay từ tàu mẹ.
Trong khi Trung Quốc mới chỉ trưng bày mô hình của tàu chiến robot, Mỹ đang phát triển các tàu chiến đấu mặt nước không người lái cỡ lớn và cỡ vừa, có thể hoặc không người lái, hoặc mang theo thủy thủ đoàn, tùy tình huống và nhiệm vụ.
Theo chuẩn đô đốc RonBoxall, hải quân Mỹ đang dần tích hợp ngày càng nhiều các tàu không người lái vào hạm đội của họ. Trong thời gian trước mắt, các tàu này vẫn có thủy thủ đoàn. “Tôi cho rằng chúng chưa thể tự lái ngay lập tức”, ông Boxall nói.
“Chúng tôi sẽ thiết kế các con tàu này với ý tưởng rằng trong thời gian trước mắt sẽ có người trên tàu. Và sẽ đến lúc tàu không cần người lái hoàn toàn khi chúng tôi thấy rằng công nghệ và cách thức sử dụng chúng đã hoàn thiện”.
Ông Boxall nói hải quân Mỹ sẽ cần thời gian để tin tưởng hoàn toàn công nghệ không người lái này trong các cuộc thử nghiệm, ví dụ với lực lượng tuần duyên Mỹ, chịu trách nhiệm đảm bảo lưu thông hàng hải an toàn ở vùng biển xung quanh nước Mỹ, nhưng rồi các tàu kiểu này sẽ được hoàn thiện trong tương lai với vai trò là các tàu mang cảm biến và kể cả vũ khí.
Ý tưởng đằng sau việc sử dụng các con tàu không người lái của hải quân Mỹ là một phần chuẩn bị cho đụng độ với các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc.
Trong các cuộc chiến công nghệ cao, bất cứ vật gì phát ra tín hiệu điện từ có thể phát hiện, ví dụ như năng lượng hiệu suất cao, radar phòng không, sẽ có thể là nạn nhân của tình báo điện từ hay các thiết bị do thám.
Hải quân Mỹ muốn giảm thiểu rủi ro này bằng việc sử dụng các tàu robot đóng vai trò là các cảm biến kiêm tàu tấn công, bảo vệ các tàu chiến có người lớn hơn.
http://biendong.net/diem-tin/26387-tq-phat-trien-tau-chien-khong-nguoi-lai.html

Trung Cộng đề nghị mua thêm

30 tỷ Mỹ kim nông sản của Hoa Kỳ mỗi năm

Theo tin từ Bloomberg, Trung Cộng đang đề nghị mua thêm 30 tỷ Mỹ kim các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ mỗi năm, bao gồm đậu nành, bắp và lúa mì.
Theo nguồn tin thân cận với sự việc, đề nghị mua thêm nông sản sẽ là một phần trong bản hợp đồng ghi nhớ được thảo luận bởi các nhà đàm phán Hoa Kỳ và Trung Cộng tại Washington.
Trong một phần của các cuộc đàm phán, các viên chức cũng đang lên kế hoạch thảo luận về việc loại bỏ thuế chống bán phá giá, và chống trợ cấp đối với các nhà máy chưng cất hạt khô. Trước thông tin này, giá đậu nành, bắp và lúa mì tăng lên tại tiểu bang Chicago.
Trung Cộng từng nhiều lần đề nghị tăng sản lượng thu mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng, nhằm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Kể từ khi các thỏa thuận thuế được phê duyệt vào tháng 12/2018, hai nước đã nối lại việc nhập cảng một số mặt hàng nông sản bao gồm đậu nành. Vào tuần rồi, Tổng thống Donald Trump cho biết, bắp sẽ là mặt hàng nông sản tiếp theo được mua bán trở lại.
Các bản hợp đồng ghi nhớ cũng bao gồm các lĩnh vực khác, như hàng rào phi thuế quan, dịch vụ, chuyển giao kỹ thuật và sở hữu trí tuệ. Cơ chế thực thi hiện chưa rõ ràng, nhưng có khả năng thuế sẽ được áp dụng trở lại nếu các điều kiện không được đáp ứng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-de-nghi-mua-them-30-ty-my-kim-nong-san-cua-hoa-ky-moi-nam/

23 Triệu Dân TQ Không Được Mua Vé Máy Bay, Vé Tàu

Khoảng giữa tháng 02/2019, hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc đang được thúc đẩy hoạt động trên diện rộng, hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc đã bị “gán mác” không đáng tin cậy, nằm trong “danh sách đen” của chính phủ, và họ sẽ không được phép tiếp cận thị trường tài chính hoặc di chuyển bằng máy bay, tàu hoả. “Danh sách đen thường niên” nằm trong nỗ lực thúc đẩy “sự đáng tin cậy” của xã hội Trung Quốc và cũng là sự mở rộng của hệ thống tín dụng xã hội, dự kiến sẽ chấm điểm cho 1.4 tỷ công dân.
Hệ thống tín dụng xã hội xác định cả điểm tích cực lẫn điểm âm cho hành vi của mỗi cá nhân hoặc cả doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức của người dân. Dù vậy, những người ủng hộ nhân quyền lo ngại rằng hệ thống không xét đến khía cạnh hoàn cảnh cá nhân, và như thế sẽ không công bằng khi đánh giá một công ty hay cá nhân là không đáng tin cậy.
Theo báo cáo thường niên năm 2018 được Trung Tâm Thông tin Tín dụng Công dân Quốc gia (NPCIC), có hơn 3.59 triệu doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách đen, có điểm tín dụng thuộc dạng “không đáng tin cậy”, họ bị cấm tham gia một loạt các hoạt động kinh doanh bao gồm đấu thầu dự án, tiếp cận thị trường chứng khoán, tham gia đấu giá đất và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bản báo cáo tiết lộ chính quyền đã thu thập được hơn 14.21 triệu thông tin về những cá nhân, doanh nghiệp có “hành vi không đáng tin cậy”, bao gồm các cáo buộc lừa đảo khách hàng, nợ không thanh toán được, huy động vốn bất hợp pháp và hoạt động quảng cáo sai lệch thông tin. Các cá nhân nằm trong “danh sách đen” có những hành vi thiếu văn minh như ngồi ghế ưu tiên trên tàu hoặc gây rắc rối trong bệnh viện. Thêm vào đó, có khoảng 17.46 triệu người được coi là “thiếu tín nhiệm” bị hạn chế mua vé máy bay và 5.47 triệu người không được mua vé tàu cao tốc.
Bên cạnh việc bị kiểm soát khi mua các loại vé, chính quyền địa phương còn sử dụng những biện pháp mới để gây áp lực cho các đối tượng có điểm tín nhiệm xã hội thấp, họ không cho phép những người bị đánh giá xấu mua bảo hiểm cao cấp, những sản phẩm quản lý tài sản hay bất động sản, cũng như bị nêu tên trước công chúng để răn đe. Do áp lực từ hệ thống chấm điểm mang đến, có tổng cộng 3.51 triệu cá nhân và tổ chức trong “danh sách đen” đã thanh toán các khoản nợ hoặc thuế và tiền phạt vào năm 2018.
Bản báo cáo còn nhấn mạnh những vấn đề nhận được nhiều mối quan tâm khác như các nền tảng cho vay P2P và các vụ bê bối trong ngành chăm sóc y tế khiến người dân phẫn nộ. Tổng cộng 1,282 nhà khai thác dịch vụ cho vay P2P, hơn 50% nằm ở tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông và Thượng Hải, đều bị đưa vào “danh sách đen” vì họ không thể hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư hoặc có liên quan đến những vụ gọi vốn bất hợp pháp. Ngoài ra, nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe Quanjian Group và công ty sản xuất vaccine Changsheng Bio-Technology cũng được thêm vào danh sách đen vì liên quan đến các vụ bê bối lớn của ngành y tế.
Tập đoàn Y tế Quanjian bị cáo buộc phát hành quảng cáo có thông tin sai lệnh về tác dụng của một sản phẩm mà một bệnh nhân ung thư 4 tuổi đã sử dụng. Còn Changsheng, công ty sản xuất vaccine phòng dại của Trung Quốc cũng bị phạt 1.3 tỷ USD hồi tháng 10/2018 sau khi bị phát hiện làm giả hồ sơ. Các luật sư lo ngại rằng việc đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống chấm điểm tín dụng sẽ vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Một luật sư Trung Quốc nhận định: “Nhiều người không thể trả nợ bởi họ quá nghèo nhưng lại phải chịu sự giám sát và xử lý công khai như vậy. Đó là vi phạm nhân quyền”.
https://vietbao.com/p122a291074/23-trieu-dan-tq-khong-duoc-mua-ve-may-bay-ve-tau

Bắc Kinh ‘không có tin’

ông Kim đi tàu qua TQ trước khi sang VN

Trung Quốc hôm 21/2 không xác nhận tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đi tàu qua nước này trước khi tới Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, khi được hỏi về thông tin đoàn tàu chở lãnh tụ Bắc Hàn sẽ qua Trung Quốc trước khi tới Việt Nam, phát ngôn viên Cảnh Sảng nói rằng ông “không có các thông tin liên quan”.
Reuters một ngày trước đó dẫn các nguồn tin nói rằng ông Kim nhiều khả năng sẽ đi tàu hỏa tới Việt Nam qua ngả Trung Quốc.
Hãng tin Anh còn cho hay rằng đoàn tàu chở nhà lãnh đạo này sẽ dừng lại ở ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn trên biên giới Việt – Trung rồi ông Kim di chuyển tới Hà Nội bằng ôtô.
XEM THÊM:
Trợ lý của ông Kim Jong Un tới VN, thị sát quanh nhà máy Samsung
Cùng ngày, ông Cảnh Sảng cũng được hỏi là liệu ông Kim có dừng ở Trung Quốc để gặp các nhà lãnh đạo nước này trên đường đi tới Việt Nam hay khi trở về Bắc Hàn hay không.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng ông “không có bất kỳ thông tin nào”.
Ông Cảnh nói thêm: “Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có truyền thống trao đổi các chuyến viếng thăm cấp cao”.
Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội ngày 27 và 28/2.
Tin cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tới Việt Nam trước đó hai ngày để gặp các quan chức nước chủ nhà.
Trả lời về cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Trump, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 11/2 nói rằng Bắc Kinh “liên tục hậu thuẫn Triều Tiên và Mỹ đối thoại và tham vấn để tìm các giải pháp”.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%AFc-kinh-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-tin-%C3%B4ng-kim-%C4%91i-t%C3%A0u-qua-tq-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-sang-vn/4799391.html

TQ: Không nên cậy sức mạnh

để đưa viện trợ nhân đạo vào Venezuela

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/2 nói không nên cậy sức mạnh để đưa viện trợ nhân đạo vào Venezuela, bởi vì nó sẽ gây ra bạo động, và đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh phản đối hành động can thiệp quân sự vào Venezuela, theo hãng tin Reuters.
Một ngày trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Colombia khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido và khoảng 80 nhà lập pháp điều một đoàn xe tới gần biên giới để tiếp nhận viện trợ nhân đạo.
Cho tới giờ, ông Guaido đã được hàng chục quốc gia công nhận là người đứng đầu nhà nước hợp pháp của Venezuela. Ông đã ở trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với chính quyền Maduro vào ngày thứ Bảy, khi phe đối lập cố gắng đưa vào nước lương thực và thuốc men đang được chất đống ở quốc gia láng giềng.
Ông Maduro phủ nhận là có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela và hôm 21/2, cho biết ông đang xem xét khả năng đóng cửa biên giới chính giữa Venezuela với Colombia, đồng thời sẽ đóng luôn cửa biên giới với Brazil, và như vậy sẽ phong tỏa hoàn toàn mọi lối tiếp cận trên đất liền để vào Venezuela một cách hợp pháp.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói chính phủ Venezuela đã “giữ bình tĩnh và kiềm chế”, ngăn chặn hiệu quả các cuộc đụng độ quy mô lớn.
Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói: “Nếu cậy sức mạnh để đưa cái gọi là vật phẩm cứu trợ vào Venezuela, và nếu nó gây ra bạo lực và xung đột, thì động thái đó sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Đây là điều mà không ai muốn thấy.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh:
“Trung Quốc phản đối mọi hành động can thiệp quân sự vào Venezuela, và phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng hoặc thậm chí gây bất ổn”.
Ông Maduro vẫn được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cho Venezuela vay hơn 50 tỷ đôla thông qua các thỏa thuận cho vay để đổi lấy dầu trong thập niên qua, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng trước, ông Guaido nói cho dù chính phủ thay đổi ở Venezuela thì nước ông sẽ vẫn ưu đãi Nga và Trung Quốc, hai chủ nợ nước ngoài chính của đất nước này.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-venezuela-vien-tro-nhan-dao/4800078.html

Cam Bốt bị đưa vào danh sách các nước rửa tiền

Tú Anh
Financial Action Task Force (FATF), một tổ chức chống rửa tiền bất chính trên thế giới, đã đưa Cam Bốt vào danh sách cần theo dõi, kể từ ngày 23/02/2019.
Theo AFP, quyết định này sẽ được thông báo từ Paris. Một khi bị đưa vào « danh sách xám », Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen sẽ mất sức hấp dẫn đối với giới tài chính thế giới cũng như nguồn đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Cá nhân và xí nghiệp làm ăn tại Cam Bốt sẽ gặp khó khăn hơn khi sử dụng hệ thống tài chính quốc tế.
Tin xấu này rơi vào lúc Cam Bốt có nguy cơ bị mất quy chế đối tác ưu tiên của Liên Hiệp Châu Âu vì tình trạng đàn áp nhân quyền.
Được Reuters đặt câu hỏi, phát ngôn viên của bộ Kinh Tế Cam Bốt từ chối trả lời và yêu cầu phóng viên tìm hiểu với Ngân Hàng Nhà Nước. Cơ quan này chưa trả lời các câu hỏi của Reuters.
Trong bản báo cáo, Financial Action Task Force xem Cam Bốt là một quốc gia bị tham nhũng đục khoét, hệ thống tư pháp bị tham ô đến tận thượng tầng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190222-cam-bot-bi-dua-vao-danh-sach-cac-nuoc-rua-tien

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.