Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 20/02/2019

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019 13:45 // ,

Tin khắp nơi – 20/02/2019

Trợ lý của Trump lờ cảnh báo,

quyết xây lò phản ứng hạt nhân ở Trung Đông

Một số phụ tá cấp cao của Tòa Bạch Ốc nhiều lần phớt lờ những cảnh báo rằng sẽ là phạm luật nếu họ tiếp tục hợp tác với các cựu quan chức Mỹ và một người bạn thân của Tổng thống Donald Trump để xúc tiến một kế hoạch trị giá hàng tỉ đô la xây các lò phản ứng hạt nhân ở khu vực Trung Đông, theo tố cáo của các nhà nhà lập pháp bên đảng Dân chủ trong phúc trình công bố hôm 19/02.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Hạ viện cho biết cựu cố vấn an ninh quốc gia Micheal Flynn cùng với hai trợ lý đã quảng bá kế hoạch này với Tom Barack, chủ tịch ủy ban nhậm chức của Tổng thống Trump, và với một nhóm các doanh nghiệp Hoa Kỳ (còn gọi là IP3 International) dưới sự lãnh đạo của các tư lệnh quân đội hồi hưu và các cựu quan chức Tòa Bạch Ốc.
Nỗ lực này, báo cáo nói, diễn ra trước lúc ông Trump trở thành Tổng thống và kéo dài tới sau lễ nhậm chức vào tháng 01 năm 2017 dù các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đưa ra cảnh báo rằng việc chuyển giao công nghệ hạt nhân Mỹ cho Ả Rập Xê Út mà không qua quá trình chuẩn thuận bắt buộc có thể vi phạm Luật Năng lượng Nguyên tử.
Bản báo cáo cũng cho biết John Eisenberg, luật sư hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã ra lệnh ngừng dự án trên với lo ngại ông Flynn có thể vi phạm luật về xung đột lợi ích khi ông này vừa cố vấn cho nhóm các doanh nghiệp Mỹ (IP3 International) vừa phục vụ trong chiến dịch tranh cử cũng như trong nhóm chuyển giao quyền lực cho ông Trump.
Tuy nhiên, có vẻ như tới nay chính quyền Trump vẫn tiếp tục ủng hộ dự án này, bằng chứng là Tổng thống Trump vừa mới gặp đại diện của nhóm IP3 International tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, báo cáo cho biết.
“Ủy ban [Giám sát Hạ viện] đang tiến hành điều tra để xem các hành động vừa kể của chính quyền Trump có vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, hay chỉ để phục vụ lợi ích của những kẻ kiếm lời.”
Dự án hạt nhân được nhóm công ty IP3 International cổ súy dự kiến sẽ xây một loạt lò phản ứng hạt nhân tại Ả Rập Xê Út, Ai Cập và các nước đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khu vực, theo thông tin trên website của IP3 International. Dự án này được nói sẽ giúp khôi phục ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, trong khi cùng lúc tăng cường kinh tế, ổn định chính trị trong khu vực.
https://www.voatiengviet.com/a/tro-ly-cua-trump-lo-canh-bao-quyet-xay-lo-phan-ung-hat-nhan-o-trung-dong/4795916.html

Câu chuyện cũ, bước tiến mới

Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung vừa kết thúc cuối tuần qua, nhưng việc hai bên đưa ra những thông điệp tương đối trái chiều về kết quả đàm phán khiến dư luận băn khoăn.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung vừa kết thúc tại Bắc Kinh vào cuối tuần vừa rồi. Đây là lần thứ 6 đoàn đàm phán hai bên làm việc với nhau kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ vào giữa năm ngoái. Dự kiến hai bên sẽ gặp nhau lần thứ 7 vào tuần này tại Washington.
Tần suất gặp liên tục như vậy cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều rất mong muốn đạt được một kết quả gì đó để cuộc gặp Trump – Tập có thể diễn ra vào tháng 3, nhằm tránh việc Mỹ tiến hành áp thuế 25% như đã tuyên bố trước đó.
Kể từ sau cuộc gặp bên lề G20 tại Argentina giữa ông Trump và ông Tập và thời hạn 90 ngày được đưa ra, hai bên đã tiến hành đàm phán gấp rút.
Chậm hơn kỳ vọng
Khác với vòng đàm phán lần trước diễn ra vào tháng 1-2019 tại Mỹ không đem lại kết quả gì cụ thể, trong cuộc gặp mới đây ở Bắc Kinh, được biết hai bên đã thống nhất cùng soạn thảo một bản ghi nhớ (MoU) chung, nhằm đạt được một bộ khung các vấn đề và hướng giải quyết.
Còn chậm và thấp so với kỳ vọng, nhưng đây cũng là một bước tiến đáng ghi nhận trong bối cảnh khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại còn quá lớn và sâu sắc. Bản MoU này sẽ giúp cả hai có lý do để trang trải đối nội lẫn đối ngoại, mở ra khả năng ông Trump sẽ tiếp tục dời thời hạn 1-3 để cho phép cấp dưới tiếp tục đàm phán.
Cần lưu ý rằng nếu làm vậy thì đó chỉ là nhượng bộ về thời hạn chưa áp thuế chứ không phải nhượng bộ về nội dung đàm phán. Khá giống với diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – EU và Mỹ – Nhật trước đó, ông Trump sẽ đứng ra đẩy vấn đề lên rất cao nhằm ép buộc đối tác phải nghiêm túc xem xét đòi hỏi của mình, sau đó cấp dưới hai bên sẽ làm việc tiếp.
Một mục đích, hai cách chơi
Mặc dù vậy, việc hai bên đưa ra những thông điệp tương đối trái chiều về kết quả đàm phán mới nhất khiến dư luận băn khoăn. Phía Trung Quốc cho rằng đã đạt được tiến độ quan trọng, thậm chí còn cho rằng đàm phán về cọ xát thương mại kéo dài hơn một năm qua đang “chạy về đích”.
Ngược lại, phía Mỹ cho biết chưa có kết quả gì cụ thể, nhấn mạnh chưa đạt được đồng thuận và vẫn còn rất nhiều vấn đề cốt lõi chưa giải quyết được, như việc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ, bản quyền trí tuệ, ăn cắp công nghệ qua mạng, nông nghiệp, rào cản phi thuế quan hay chính sách tiền tệ.
Điều này thể hiện cách chơi của hai nước trong cuộc cọ xát thương mại kéo dài 2 năm vừa qua. Với Mỹ là từ mềm sang cứng. Từ năm đầu tiên khi ông Trump lên cầm quyền, Mỹ luôn giữ thái độ rất cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng áp thuế mạnh dù điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của họ. Mỹ luôn đưa ra những đòi hỏi cao nhất, thậm chí được coi là sẽ không thể chấp nhận được từ phía Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc đã chuyển từ cứng sang mềm, từ những phát ngôn mạnh mẽ ban đầu đã chuyển sang thái độ mềm mỏng, nhẫn nại hơn rất nhiều. Việc tuyên truyền về “made in China 2025″ đã được hạ nhiệt.
Một mặt, họ âm thầm có những biện pháp chuẩn bị nội bộ, cả về cải cách kinh tế lẫn ổn định chính trị xã hội. Mặt khác, Trung Quốc chủ động đưa ra thông điệp với Mỹ về khả năng hợp tác, thậm chí nhượng bộ, nhấn mạnh tính phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế.
Chỉ dấu đáng lưu ý
Hiện nay chính quyền Trump đang chiến đấu cùng một lúc ba mặt trận lớn: đàm phán với Triều Tiên, chiến tranh thương mại với Trung Quốc và giằng co nội bộ về việc xây tường ở biên giới với Mexico.
Những cuộc tranh cãi trước đó với EU, Nhật Bản, Canada… cũng cho thấy rằng dù ông Trump có thể rất rắn, dám làm mạnh, nhưng cũng có thể đàm phán được mà đối phương không bị thiệt hoàn toàn. Người ta hi vọng với Trung Quốc lần này cũng vậy.
Chiến tranh thương mại luôn là câu chuyện của ai chịu đau tốt hơn. Nền kinh tế hai bên đều cho thấy khó chờ đợi được lâu dài. Tăng trưởng Trung Quốc và Mỹ đều dự báo sẽ đi xuống và dấu hiệu bất ổn xuất hiện ở thị trường chứng khoán hai nước.
Bản thân nội bộ chính trị xã hội của cả Mỹ và Trung Quốc đều tương đối căng thẳng trước áp lực kinh tế, và điều này sẽ gia tăng khi tác động của cuộc chiến sẽ rõ rệt hơn vào năm 2019.
Trung Quốc đã từ lâu xác định phải cải cách kinh tế, chẳng qua ở mức độ như thế nào và làm sao để chống lại sự trì trệ của cách làm cũ. Với họ, cuộc chiến thương mại cũng là một sự cảnh tỉnh tích cực. Còn ông Trump sẽ không muốn để cuộc chiến thương mại tác động quá lớn đến kinh tế Mỹ, đặc biệt
trong nội bộ Mỹ đã bước vào giai đoạn ban đầu của các chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.
Mặc dù khác biệt còn rất lớn, việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vòng đàm phán cấp bộ trưởng và lãnh đạo hai bên dự kiến gặp nhau chỉ sau 3 tháng kể từ G20 Argentina là chỉ dấu đáng lưu ý cho tương lai của cuộc chiến tranh thương mại. Bởi nó thể hiện quyết tâm chính trị của hai bên, chí ít là nhằm hạ nhiệt cuộc chiến này và từng bước chậm rãi đi đến một thỏa thuận để cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, bản chất của câu chuyện chiến tranh thương mại hiện nay là vấn đề mâu thuẫn trong phương thức phát triển kinh tế và hành xử thương mại, là cạnh tranh về chiến lược và công nghệ, tiêu biểu là công nghệ 5G. Đó là những mâu thuẫn nền tảng mà kẻ thua cuộc sẽ phải chấp nhận ngồi chiếu dưới.
Trong một tương lai không xa, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ đến hồi kết thúc, đơn giản vì nó sẽ không thể kéo dài mãi được. Nhưng những rủi ro mà cạnh tranh Mỹ – Trung đối với kin
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26337-cau-chuyen-cu-buoc-tien-moi.html

Ông Trump muốn Triều Tiên

phi hạt nhân hóa, như chưa phải ngay

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông mong muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng ông không vội và cũng không đặt ra thời gian cấp bách với Triều Tiên trong chuyện này.
Theo hãng tin Reuters, những tuyên bố này được ông Trump đưa ra trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 19-2, chưa đầy 10 ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 dự kiến diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2.
Ông Trump khẳng định trong thời gian chờ đợi Triều Tiên tiến hành xong quá trình giải trừ hạt nhân, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên ông cũng lưu ý gần đây Triều Tiên đã không còn tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa nữa.
“Tôi không vội. Không có việc thử nào. Miễn là không có chuyện thử, tôi không vội. Nếu có chuyện thử, đó là một thỏa thuận khác”, ông Trump nói. “Tôi chỉ muốn thấy việc phi hạt nhân hóa sau cùng của Triều Tiên”.
Trước đó, trong cùng ngày 19-2, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In về hội đàm thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ông có kế hoạch tiếp tục trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong ngày 20-2.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, ông Moon đã nói với ông Trump là Hàn Quốc sẵn sàng mở cửa trong quan hệ kinh tế với Triều Tiên nếu điều đó giúp đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin Reuters, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên sẽ tới Hà Nội trong ngày 19-2 để tiếp tục các khâu chuẩn bị cho cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Robert Palladino, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố thông tin này, nhưng nói ông không rõ chi tiết về các cuộc gặp của đặc phái viên Stephen Biegun tại Hà Nội.
Ông Biegun đã dành 3 ngày tại Triều Tiên (từ 6-8/2), chuyến đi ông gọi là nhằm thống nhất về “những điều có thể đạt được cụ thể” cho cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sau các cuộc đàm phán đó, ông Biegun nhất trí tổ chức thêm các cuộc gặp với người đồng cấp Kim Hyok Chol trước ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh.
Sau chuyến đi tới Triều Tiên, ông Biegun cho biết những cuộc đàm phán tại đó “hiệu quả” nhưng vẫn “còn nhiều việc khó khăn phải làm” trước cuộc gặp.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26334-ong-trump-muon-trieu-tien-phi-hat-nhan-hoa-nhu-chua-phai-ngay.html

Cuba phủ nhận tin có quân ở Venezuela

Tú Anh
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng tổng thống Mỹ đã vu khống một cách « đê hèn » khi nói rằng quân đội Cuba bảo vệ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
“Tôi yêu cầu tổng thống Mỹ cung cấp bằng chứng cáo buộc Cuba có một đạo quân đánh thuê tại Venezuela. Chính phủ Cuba cực lực bác bỏ cáo buộc đê hèn này”.Trên đây là phản ứng của ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc họp báo ngày thứ ba 19/02/2019 tại La Habana.
Ngày hôm trước, tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một cuộc mít-tinh ở Florida với cộng đồng Venezuela, tuyên bố “ngày tàn của ba chế độ cộng sản Nam Mỹ, Venezuela, Nicaragua, Cuba” đã đến, gây thêm phẫn nộ tại Cuba.
Sự hiện diện của cố vấn Cuba trong các bộ chỉ huy quân sự Venezuela không phải là điều bí mật, theo giới chuyên gia.
Nhưng theo ngoại trưởng Cuba, chính Hoa Kỳ đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào Venezuela dưới bình phong cứu trợ nhân đạo. Cụ thể là nhiều chuyến bay từ Hoa Kỳ đã quá cảnh khu vực các quốc đảo ở Caribê mà không thông báo cho chính quyền liên hệ. Các chuyến bay này không chở hàng cứu trợ và đã lên xuống ở những căn cứ “bí mật của Thủy Quân Lục Chiến”, theo ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez.
Giới ngoại giao châu Âu ở Cuba xác nhận với AFP về mối lo ngại càng ngày càng tăng của chính quyền La Habana về nguy cơ Washington can thiệp làm thay đổi chế độ ở Caracas.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190220-khung-hoang-venezuela-cuba-cai-chinh-co-quan-o-venezuela

Một loạt nghị sĩ bỏ đảng Bảo thủ

và Lao động Anh trong hai ngày

Trong tuần này, một loạt nghị sĩ ở Anh tuyên bố bỏ hai chính đảng lớn nhất trong Quốc hội vì bất đồng quan điểm.
Hôm 20/02/2019, ba nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền tuyên bố họ trở thành dân biểu độc lập vì đảng Bảo thủ ‘thiên về phía hữu quá mức’.
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
Những người lao động nước ngoài rời Anh vì Brexit
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Trong 48 giờ qua, tám nghị sĩ thuộc đảng Lao động cũng lần lượt tuyên bố bỏ đảng để phản đối chính sách của lãnh đạo, ông Jeremy Corbyn.
Ba nữ dân biểu Hạ viện thuộc đảng Bảo thủ, Anna Soubry, Sarah Wollaston và Heidi Allen gửi thư cho nữ Thủ tướng Theresa May xác nhận họ chia tay với Đảng.
Ba người này gia nhập nhóm Nghị sĩ Độc lập, cùng tám nghị sĩ từng thuộc đảng Lao động.
Chiều ngày 20/02 tại London, họ xuất hiện trong cuộc họp báo đầu tiên của nhóm Nghị sĩ Độc lập, ai cũng “cười tươi như hoa”, theo bình luận của BBC News.
Có vẻ như nỗi day dứt phải ở trong một đảng chính trị trái với lòng mình đã không còn nữa, và những nụ cười rạng rỡ hiếm có trong chính trường Anh từ nhiều tháng qua được truyền thông đăng tải rộng rãi.
Mâu thuẫn nội bộ đảng cầm quyền ở Anh nổ ra gay gắt vì vấn đề Brexit.
Trong đảng Lao động, ngoài Brexit còn có nạn bài Do Thái.
Người mới nhất bỏ đảng Lao động là nghị sĩ Joan Ryan, người từng giữ chức thứ trưởng trong chính phủ Tony Blair.
Hôm thứ Ba, bà Joan Ryan theo chân các nghị sĩ Chuka Umunna, Mike Gapes, Luciana Berger, Ann Coffey, Angela Smith, Gavin Shuker và Chris Leslie bỏ đảng Lao động.
Vấn đề bài Do Thái trong đảng cánh tả Anh
Bà Ryan, dân biểu đại diện cho hạt Enfield North nói bà kinh sợ trước hành vi của đảng Lao động không giải quyết được nạn bài Do Thái trong nội bộ.
Bà Luciana Berger, người Do Thái, là dân biểu cho hạt cử tri Liverpool và Wavertree từ 2010.
Bà từng công khai phê phán cách đảng Lao động xử lý những tố giác rằng ban lãnh đạo của đảng này không thẳng thắn với thái độ kỳ thị và bài Do Thái.
Hồi 2016, ông Corbyn phải cho mở cuộc điều tra độc lập về nạn bài Do Thái trong đảng Lao động sau khi đã khai trừ dân biểu Naz Shah và Ken Livingstone.
Giới chỉ trích nói lãnh đạo cao nhất của Lao động, ông Jeremy Corbyn, một người cựu Marxist, từng gọi các nhóm Hamas và Hezbollah ở Trung Đông là ‘bạn bè’.
Sau này, ông Corbyn có bày tỏ ông “lấy làm tiếc” là đã dùng từ “bạn bè” để chỉ hai tổ chức tuyên thệ tiêu diệt nhà nước Israel và người Do Thái.
Ông Corbyn cũng không lên án đủ mạnh một số nhân vật trong đảng Lao động Anh có tiếng nói phân biệt người Do Thái.
Về phía đảng Bảo thủ, có tin một số dân biểu khác “thất vọng với chính sách Brexit của chính phủ Theresa May” sẽ có thể bỏ đảng này, theo làn sóng đang diễn ra.
Anh Quốc hiện vẫn chưa có lối ra cho khủng hoảng xung quanh Brexit trước hạn ‘chia tay EU’ ngày 29/03/2019.
Dân biểu có quyền gì?
Theo luật bầu cử Anh, một dân biểu có thể ra ứng cử độc lập hoặc theo danh sách của đảng chính trị nào đó.
Nhưng khi đã vào nghị viện, trách nhiệm đầu tiên của họ là lo cho việc của cử tri mà họ làm đại diện.
Họ có thể bỏ đảng chính trị của mình, đổi ‘màu cờ sắc áo’ sang đảng khác, hoặc ra đứng độc lập, và vẫn làm nghị sĩ.Nhưng tới kỳ bầu cử tiếp theo, dân biểu đó nếu tái tranh cử, sẽ không còn được đại diện cho đảng mà họ đã bỏ, trừ khi họ xin gia nhập lại.
Trong hệ thống chính trị Anh, đảng viên không có đặc quyền gì so với người dân, và các quan chức của một đảng cầm quyền cũng không nhận ưu tiên nhà cửa, lương bổng gì từ chính quyền.
Nếu làm dân biểu cấp hội đồng thành phố hay Quốc hội, họ được ăn lương theo đúng nhiệm kỳ.
Nghị sĩ Hạ viện Anh nhận khoản lương năm là 77 nghìn bảng, nhỉnh hơn lương lái tàu hỏa khu vực Đông Nam nước Anh (75 nghìn), nhưng họ được quyền tuyển nhân viên vào văn phòng dân biểu mà chính quyền chi trả.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47307185

Anh quốc ‘có nguy cơ bị TQ can thiệp’

nếu dùng 5G của Huawei

Gordon CoreraSecurity correspondent
Anh quốc có nguy cơ bị Trung Quốc ảnh hưởng và can thiệp, theo cảnh báo của một viện nghiên cứu phòng thủ và an ninh mạng.
Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quân sự Hoàng gia Anh (Rusi) cho biết sẽ là “ngây thơ” và “vô trách nhiệm” khi cho hãng Huawei truy cập hệ thống viễn thông của Anh.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nhận định này “đáng lo ngại”.
Anh ‘xử lý được rủi ro về Huawei’
Tại sao Anh không cấm Huawei?
Nhậm Chính Phi muốn gì khi trả lời BBC?
Thủ tướng Úc: Các đảng bị ‘nước ngoài’ tấn công mạng
Báo cáo, được ông Charles Parton, cựu nhà ngoại giao người Anh, người đã dành phần lớn sự nghiệp 30 năm của ông làm việc tại Trung Quốc, soạn thảo. Văn bản này nói rằng nếu Huawei được phép tham gia triển khai mạng 5G, họ có thể cài đặt một “cửa hậu ẩn”, cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào hệ thống.
Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ can thiệp vào các lĩnh vực khác bao gồm giới học viện, chính trị và công nghệ.
Trong lúc có “cuộc tranh luận sôi nổi” về nguy cơ can thiệp mạng của Trung Quốc nhắm vào các quốc gia như Mỹ và Úc, ông Parton nói với BBC rằng phản ứng của Anh là “im lặng”.
“Chúng tôi cần phải công khai,” ông nói.
Báo cáo mô tả cách đảng Cộng sản Trung Quốc luôn toan tính cách sắp đặt người của họ làm cố vấn cho các chính trị gia phương Tây.
Văn bản cũng nhấn mạnh về việc “thu người trí thức” – bổ nhiệm các cựu chính trị gia, công chức và doanh nhân vào các công việc được nhiều ưu đãi sau khi họ nghỉ việc ở nơi cũ để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.
‘Can thiệp đại học’
Ông Parton thừa nhận rằng để phân biệt sự can thiệp hợp pháp và bất hợp pháp là cả một thách thức.
Ông nói, trong khi Nga tìm cách gây rối, Trung Quốc chủ yếu tìm cách duy trì tính chính danh của Đảng Cộng sản ở nước này và hạn chế giới bất đồng chính kiến, cũng như xây dựng mạng lưới trợ giúp cho các chính sách của họ ở nước ngoài.
“Nằm sau các lĩnh vực bị can thiệp là quỹ tài trợ của Trung Quốc và điều đó tạo ra sự phụ thuộc và mối e dọa công khai hoặc thậm chí chỉ là nỗi sợ rằng nguồn tài trợ sẽ bị cắt đứt,” ông Parton nói.
Điều đó dẫn đến nỗi lo ngại rằng việc nhận tài trợ từ Trung Quốc sẽ có nguy hại,” ông Parton nói.
Ông cho rằng điều này có thể dẫn đến tự kiểm duyệt, ví dụ như trong giới học viện.
Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện Soas Trung Quốc tại Đại học London, nói với BBC rằng ông biết được Trung Quốc tìm cách gây áp lực đối với các trường đại học khác của Anh quốc.
Giáo sư Tsang cho biết thật khó để biết mức độ của vấn đề này vì các học giả thận trọng khi nói ra.
“Trong một trường đại học Russell Group, một phó hiệu trưởng đã được một người nào đó trong đại sứ quán Trung Quốc tiếp xúc và kết quả là ông ta đã không cho một diễn giả đã được mời đến tham dự,”
“Tôi cũng biết có một phó hiệu trưởng trường đại học chịu áp lực từ sứ quán Trung Quốc để yêu cầu một trong những học giả cao cấp của ông không bình luận chính trị về Trung Quốc trong một thời gian nhất định.” Giáo sư Tsang nói.
Giáo sư Tsang cho biết thật khó để biết vấn đề này lan rộng như thế nào vì các học giả thận trọng khi nói ra.
Ông Parton cho rằng cần phải minh bạch hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc và đặc biệt là các khoản tài trợ cho các trường đại học, và các viện nghiên cứu.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc nói với BBC rằng các tuyên bố can thiệp của báo cáo là “không có căn cứ”.
Phát ngôn viên này nói trong những năm gần đây, “Kỷ nguyên vàng” của hợp tác Trung Quốc-Anh đã mang lại kết quả tốt đẹp, trong đó có việc đầu tư của Trung Quốc vào Anh trong 5 năm qua tăng hơn so với 30 năm trước.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Anh quốc để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân hai nước và cả thế giới.” Người phát ngôn nói.
Có tin nói Cục An ninh mạng quốc gia Anh, một bộ phận của cơ quan tình báo GCHQ, sắp khuyến nghị rằng Anh có thể giải quyết mọi rủi ro nếu có của công nghệ Huawei.
Khuyến nghị này của Cục An ninh mạng quốc gia Anh làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thuyết phục các đồng minh loại bỏ Huawei khỏi các mạng truyền thông 5G.
Chính phủ Anh nói chưa có quyết định chung cuộc.
Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng Huawei để theo dõi các quốc gia đối thủ.
Tuy nhiên, Huawei nói rằng họ không cung cấp bất cứ thông tin gì cho Bắc Kinh cả, trừ các vấn đề liên quan đến thuế.
Úc và New Zealand đã chặn hoặc cấm Huawei cung cấp các thiết bị cho mạng di động thế hệ thứ 5 trong tương lai của họ.
Hoa Kỳ đã hạn chế tài trợ liên bang để mua các thiết bị Huawei, trong khi đó Canada đang xem xét liệu các sản phẩm của Huawei có đe dọa an ninh nghiêm trọng hay không.
Ngược lại, hầu hết các công ty di động của Anh bao gồm Vodafone, EE và Three đang hợp tác với Huawei để phát triển mạng 5G.
Mới đây, BT và Vodafone nói họ tạm ngừng sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng của họ.
Vào tháng Ba hoặc tháng Tư tới đây, chính phủ Anh sẽ đưa ra bản đánh giá quyết định các công ty này có thể sử dụng công nghệ Huawei hay không.
Theo báo Financial Times, kết luận của Cục An ninh mạng quốc gia – một bộ phận của cơ quan tình báo GCHQ – sẽ được đưa vào đánh giá của chính phủ Anh.
Kết luận này chưa được công bố, nhưng Cục An ninh mạng Anh cho biết họ có ‘sự giám sát và hiểu biết riêng đối với kỹ thuật và an ninh mạng của Huawei’.
Rob Young, phóng viên kinh doanh của BBC cho biết kết luận của Cục An ninh mạng quốc gia ‘sẽ có trọng lượng’.
Trong một bài phỏng vấn, ông John Suffolk – Giám đốc An ninh mạng của Huawei nói với BBC rằng: ‘Chúng tôi có lẽ là tổ chức công khai và minh bạch nhất thế giới. Chúng tôi có lẽ cũng là tổ chức bị xoi mói nhất thế giới’.
Ông Suffolk, từng làm cho chính phủ Anh trong vị trí Giám đốc Thông tin của Anh, nói thêm rằng: “Chúng tôi không nói là ‘hãy tin chúng tôi’, mà chúng tôi nói rằng ‘hãy đến và tự mình kiểm tra’”.
“Càng nhiều người tìm kiếm và kiểm tra, thì họ càng có thể tự mình kiểm chứng thông tin mà không cần lắng nghe những gì Huawei nói.”
Alex Younger, đứng đầu cơ quan tình báo MI6, tuần trước thừa nhận các lo ngại về Huawei nhưng nói ‘vấn đề phức tạp hơn là Dùng hay Không’.
Phân tích – Rory Cellan-Jones, Phóng viên công nghệ
Nếu có ai biết cách hoạt động của Huawei và mối đe dọa mà công ty này có thể gây ra cho an ninh Anh, thì đó chính là Cục An ninh mạng quốc gia.
Cơ quan này đã chịu trách nhiệm kiểm tra các thiết bị của Huawei hàng năm. Trong báo cáo khẩn gần đây, Cục An ninh mạng Anh bày tỏ lo ngại về các hoạt động an ninh mạng cẩu thả, thay vì các hoạt động bí mật.
Cục An ninh mạng cũng tư vấn cho các công ty di động ở Anh về việc đặt mua các thiết bị để triển khai mạng 5G của họ vào cuối năm nay.
Các công ty này cảm thấy họ nhận được sự ủng hộ thận trọng của Cục An ninh mạng tương tự như khi nhận được bản Đánh giá chuỗi cung ứng của chính phủ: Loại bỏ Huawei khỏi phần chủ chốt trong mạng 5G, nhưng vẫn được phép sử dụng thiết bị của công ty này tại các cột sóng điện thoại như một phần của các nhà cung cấp.
Úc và New Zealand thì lại khác, có lập trường rắn hơn với Huawei.
Không phải là vì Úc hay New Zealand biết điều gì đó mà Cục An ninh mạng quốc gia Anh không biết.
Có lẽ, quyết định hai nước kia dựa vào đánh giá rủi ro chính trị, an ninh nếu họ không nghe lời Mỹ chặn cửa Huawei.
Và dù lời khuyên của Cục An ninh mạng là gì, thì các yếu tố tương tự sẽ ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của chính phủ Anh.
Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho biết các đánh giá ‘vẫn đang diễn ra’.
“Không có quyết định nào được đưa ra và bất kỳ lời đề nghị ngược lại nào là không chính xác”.
Năm ngoái, BT xác nhận rằng họ đã gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi lõi mạng EE mà hãng này đang sở hữu.
Một mạng cung cấp hệ thống liên lạc đang được phát triển cho các dịch vụ khẩn cấp ở Anh.
Mạng di động thế hệ thứ 5 sẽ xuất hiện ở Anh trong vòng một năm tới, hứa hẹn sẽ tăng tốc độ tải và duyệt web nhanh hơn 10 đến 20 lần so với mạng 4G.
Hoa Kỳ cho rằng Huawei có thể sử dụng các bản cập nhật phần mềm nham hiểm để theo dõi những người sử dụng mạng 5G.
Hoa Kỳ chỉ ra rằng, theo Luật tình báo của Trung Quốc thông qua năm 2017, tất cả các tổ chức phải “hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia”.
Các nhà phê bình cũng nhấn mạnh rằng, nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi của Huawei là một cựu kỹ sư trong quân đội nước này và đã gia nhập Đảng Cộng sản năm 1978.
Huawei gần đây thu hút nhiều sự chú ý khi bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc Tài chính bị bắt và bị buộc tội phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bản tin của CNN ngày 18/2 nói nếu chính phủ Anh quyết định cho dùng thiết bị Huawei trong hệ thống 5G, quan hệ của Anh với Mỹ có thể rạn nứt.
Anh có trong liên minh chia sẻ tình báo năm nước gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.
Theo CNN, nếu một nước trong nhóm này đồng ý dùng công nghệ Huawei thì sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực chống Huawei của Washington.
Bản tin cùng ngày 18/2 của báo Trung Quốc Global Times nói các nhà phân tích ở Trung Quốc hoan nghênh cách thức Anh quốc đối phó với lo ngại về Huawei.
Zhang Chi, một nhà quan sát, nói trên Global Times rằng một viên chức Huawei cho ông ta hay Anh quốc đã lập một trung tâm kiểm tra đặc biệt.
Trung tâm này gồm nhân viên của Huawei, và nhân viên chính phủ Anh, và do nhân viên Anh lãnh đạo.
“Cơ sở đó kiểm tra mã và thiết bị của Huawei một cách minh bạch, kỹ càng, và sản phẩm Huawei chỉ có thể vào mạng Anh sau khi qua được kiểm tra,” ông Zhang nói với Global Times.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47301896

Anh tước quốc tịch cựu nữ sinh

gia nhập Nhà nước Hồi giáo ở Syria

Quyết định của nước Anh trong việc tước quốc tịch của một nữ sinh trốn sang Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo (ISIS) vì các lý do an ninh đang gây ra nhiều tranh cãi vì đã khiến cho bà mẹ 19 tuổi có đứa con với một chiến binh thánh chiến rơi vào tình trạng phải tự bảo vệ mình trong vùng chiến sự, theo Reuters.
Số phận của Shamima Begum, người đã được tìm thấy trong một trại giam ở Syria vào tuần trước, đang đặt ra câu hỏi hóc búa về khía cạnh đạo đức, pháp lý và an ninh mà các chính phủ đang phải đối mặt khi đối phó với gia đình của những chiến binh đã thề tiêu diệt phương Tây.
Trong tình hình Nhà nước Hồi giáo đã bị suy kiệt và lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo đã sẵn sàng chiếm cứ điểm cuối cùng của ISIS ở miền đông Syria, các thủ đô phương Tây đang cố gắng tìm ra giải pháp xử lý các chiến binh thánh chiến nước ngoài và vợ con của họ.
Begum, cựu nữ sinh Anh đã bỏ trốn sang Syria theo ISIS từ năm 15 tuổi và đã sinh đứa con thứ ba vào cuối tuần rồi, đang gây ra những phản ứng dữ dội ở Anh khi cô tỏ ra không hối hận về việc đã chứng kiến ISIS chặt đầu nhiều người và thậm chí tuyên bố vụ tấn công tự sát ở Manchester 2017 là hợp lý. Vụ tấn công này đã giết chết 22 người.
Cô đã cầu xin được trở về Anh với gia đình ở London và nói rằng cô không phải là một mối đe dọa.
Nhưng ITV News đã công bố một lá thư ngày 19/2 từ Bộ Nội vụ gửi cho mẹ cô nói rằng Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã quyết định tước quyền công dân Anh của con gái bà.
Reuters trích dẫn bức thư nói: “Về hoàn cảnh của con gái bà, xin thông báo về quyết định của Bộ trưởng Nội vụ đã được đưa ra trong hồ sơ hôm nay và lệnh tước quyền công dân Anh của cô đã được đưa ra sau đó”.
Bức thư yêu cầu mẹ của Begum phải thông báo cho con gái về quyết định này và cũng đưa ra quy trình kháng cáo.
Khi được hỏi về quyết định này, một phát ngôn viên cho biết ưu tiên của ông Javid là “an toàn và an ninh của nước Anh và người dân sống tại đây”.
Begum là một trong ba nữ sinh đã bỏ trốn khỏi London vào tháng 2 năm 2015 để bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó vượt qua biên giới vào Syria.
Từ London đến Syria
Các video tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo đã dụ dỗ cô đổi London lấy Raqqa, một bước đi mà cô vẫn nói là không hối hận. Cô bỏ trốn khỏi “Vương quốc Hồi giáo” tự phong chỉ vì muốn được sinh con bên ngoài vòng chiến.
“Khi tôi nhìn thấy cái đầu đầu tiên bị chặt đứt bỏ trong một cái thùng, điều đó không hề khiến tôi bối rối. Đó là một chiến binh bị bắt trên chiến trường, một kẻ thù của Hồi giáo”, Reuters dẫn lại lời Begum nói với tờ Times, tờ báo đầu tiên phát hiện ra cô trong trại ở Syria.
Cô cũng gay gắt không kém khi mô tả về các video mà cô đã thấy về những con tin phương Tây bị chặt đầu, vẫn theo Times.
Begum đã đặt tên đứa con mới sinh của mình là Jerah, theo ý muốn của người chồng cô là chiến binh thánh chiến tên Yago Riedijk, một người Hà Lan ở thành phố Arnhem đã cải đạo sang Hồi giáo. Ông đã bị ISIS tra tấn vì nghi ngờ là gián điệp, nhưng sau đó được thả ra.
Một đứa con trai khác của Begum, cũng được đặt tên là Jerah, đã chết khi mới 8 tháng tuổi. Con gái Begum, tên Sarayah, cũng chết khi được 1 tuổi 9 tháng, Times cho biết.
Luật sư của gia đình cô cho biết sẽ tìm cách kháng cáo quyết định của chính phủ Anh về việc tước quyền công dân của cô.
“Chúng tôi đang xem xét tất cả các con đường hợp pháp để thách thức quyết định này”, Reuters dẫn lời luật sư Tasnime Akunjee nói.
Luật Anh không cho phép Bộ trưởng Nội vụ tước quyền công dân Anh của một người vì lợi ích của công chúng, mặc dù quyết định như vậy không làm cho người đó rơi vào tình trạng vô tổ quốc nếu họ được sinh ra là công dân Anh.
Cảnh sát Bangladesh cho biết họ đang kiểm tra xem Begum có phải là công dân Bangladesh hay không, và Đảng Lao động đối lập của Anh nói rằng quyết định của chính phủ là sai.
“Nếu chính phủ đề xuất biến Shamima Begum rơi vào tình trạng vô tổ quốc thì đó không chỉ là vi phạm luật nhân quyền quốc tế mà còn không đáp ứng các nghĩa vụ về an ninh của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế”, phát ngôn viên của đảng Lao động nói về các vấn đề gia đình.
Ken Clarke, cựu Bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ, cho biết ông rất ngạc nhiên khi các luật sư của ông Javid đã cho ông lời khuyên như vậy.
“Điều chúng ta không thể làm là cứ để mặc họ ở trong trại ở Syria… cho đến khi họ phân tán ra khắp thế giới và tìm đường quay trở lại đây”, ông nói.
“Tôi nghĩ rằng người Đức, người Pháp và chính chúng ta phải tìm ra cách đối phó với vấn đề khó khăn và, tôi đồng ý, là nguy hiểm này”, ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-tuoc-quoc-tich-cuu-nu-sinh-gia-nhap-nha-nuoc-hoi-giao-o-syria/4796276.html

Công ty Nhật rời Anh Quốc,

hệ quả nhãn tiền của Brexit mù mờ

Anh Vũ
Giữa lúc hồ sơ Brexit đang bế tắc, chính phủ Anh đôn đáo tìm mọi cách dàn xếp lại thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, một loạt các công ty lớn của Nhật, từ Sony, Panasonic, Nissan, đến Honda, ở các mức độ khác nhau, đang nói lời chia tay sớm với Anh Quốc. Những cảnh báo đang trở thành hiện thực khi điều kiện thỏa thuận Brexit vẫn còn mù mờ, không chắc chắn.
Ngày 19/02/2018, nước Anh thực sự choáng váng sau thông báo của hãng xe hơi Honda quyết định đóng cửa vào năm 2021 nhà máy duy nhất của hãng tại Swindon, miền nam đất nước. Như vậy, 3.500 lao động của cơ sở sản xuất và hàng nghìn lao động của những doanh nghiệp thầu phụ cho nhà máy Honda trên đất Anh bị đe dọa.
Thông tín viên Muriel Delcroix tại Luân Đôn cho thông tin :
“Đóng tại Swindon từ hơn 30 năm nay, riêng nhà máy Honda này chiếm 10% lượng xe hơi chế tạo tại Vương Quốc Anh. Thông báo đóng cửa nhà máy đã khiến người dân trong vùng nháo nhác. Đại diện công đoàn Unite, ông Alan Tomala, lo ngại kinh tế địa phương sẽ bị tàn phá. Ông nói : « Honda không chỉ là chủ lao động lớn nhất của Swindon, mà còn cả của vùng tây nam này. Mất một công việc trong nhà máy này là kéo theo mất 2 đến 3 việc khác trong dây chuyền sản xuất. Thực sự đây là một tai họa mới… »
Nếu người ta tính tới các công việc bị tác động thì sẽ có khoảng 10.000 chỗ làm bị đe dọa. Honda nhấn mạnh quyết định của hãng không liên quan gì đến Brexit, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất xe hơi đã nghĩ ngược lại.
Ông Jim Holder, giám đốc tạp chí về xe hơi « What Car ? », nhận định : « Rõ ràng là Brexit đã có vai trò trong quyết định này, cho dù có thể không phải là lý do chính. Nhưng khi ra quyết định dài hạn trong ngành xe hơi đầu tư hàng tỷ đô la cho sản xuất trong 10 năm, thì một chút bất trắc cũng dẫn đến vấn đề lớn… »
Thông báo của Honda được đưa ra không lâu sau khi các hãng xe như Nissan, Jaguar Rover và Ford thông báo cắt giảm sản xuất tại Vương Quốc Anh và rất nhiều người Anh đang mong chính phủ thoát khỏi nhanh nhất bế tắc hiện nay trong hồ sơ Brexit.”
Ban lãnh đạo Honda và các dân biểu địa phương đã nhanh chóng thanh minh rằng quyết định của Honda không liên quan gì đến hồ sơ Brexit và giải thích sự lựa chọn của hãng xe là do nhu cầu phải tổ chức lại cho thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Thế nhưng, việc đóng cửa một nhà máy lớn, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Anh, được thông báo khi mà chỉ còn 38 ngày nữa tới hạn nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà vẫn còn chưa biết ra đi theo cách nào. Đây rõ ràng là một tín hiệu rất xấu cho chính phủ bảo thủ của bà Theresa May.
Trong khi đó các chuyên gia kinh tế khẳng định viễn ảnh Brexit, và đặc biệt là Brexit không thỏa thuận, đang ám ảnh các nhà đầu tư Nhật Bản tại Anh, buộc họ phải khẩn trương hơn tính đến giải pháp rời bỏ thị trường Anh.
Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Anh và sử dụng khoảng 140.000 lao động của đảo quốc này. Các nhà đầu tư Nhật đến cắm chân ở nước Anh khá sớm.
Theo ông Seiji Sugiura, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên Cứu Tokai Tokyo, các nhà chế tạo xe hơi Nhật hồi thập niên 1980 đã chọn nước Anh làm căn cứ chính của họ ở châu Âu bởi nước Anh có một môi trường đầu tư thuận lợi, thuận tiện cho việc đưa hàng vào Âu lục. Nhưng tình hiện nay đã hoàn toàn khác, nhà phân tích Sugiura nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật cũng có tính toán khác.
Không chỉ có các hãng xe hơi Nhật cắt giảm sự hiện diện, nhiều ngân hàng lớn của của Nhật đang rút dần khỏi Luân Đôn. Các tập đoàn công nghiệp lớn như Toshiba, Hitachi cũng lần lượt cắt giảm các hoạt động trong các dự án lớn ở Anh Quốc trong thời gian gần đây, với lý do khó khăn tài chính. Rồi đến lượt Sony và Panasonic, hai biểu tượng của công nghiệp điện tử Nhật, trong năm ngoái, cũng lần lượt dời trụ sở ở Anh sang các nước châu Âu, vì lý do hành chính hoặc thuế khóa.
Cho dù Brexit có phải là lý do chính dẫn đến các quyết định như vậy hay không, nhưng nó cho thấy một điều chung là các nhà đầu tư Nhật giờ đây nhìn nước Anh như là mảnh đất đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro. Thực trạng này báo hiệu sẽ còn nhiều công ty từng lấy Anh làm căn cứ ở châu Âu rất có thể sẽ rút lui khỏi xứ sở sương mù, nhất là khi các điều kiện Anh chia tay với Liên Hiệp mù mờ hoặc không thỏa thuận.
Chuyên gia Sugiura quả quyết : « Brexit không rõ ràng đang ngăn cản đầu tư mới. Đầu tư vào Vương Quốc Anh dường như giờ không còn hấp dẫn nữa ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190220-cong-ty-nhat-roi-anh-quoc-he-qua-nhan-tien-cua-brexit-mu-mo

Cựu cộng sự viên của tổng thống Pháp bị tạm giam

Thanh Phương
Tối qua, 19/02/2019, ông Alexandre Benalla, nguyên là một cộng sự viên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã bị tạm giam trong khuôn khổ cuộc điều tra về hành vi bạo lực với người biểu tình ngày Quốc tế Lao động 01/05/2018 tại Paris.
Theo một nguồn tin tư pháp được AFP trích dẫn, ông Benalla đã bị tống giam vì đã không tuân thủ các nghĩa vụ của người đang bị đặt dưới sự kiểm soát của tư pháp. Cụ thể là hôm 26/07 năm ngoái, ông Benalla đã gặp ông Vincent Crase, một cựu nhân viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (đảng của tổng thống Macron), mặc dù hai nhân vật đã bị cấm tiếp xúc với nhau, do bốn ngày trước đó đã bị truy tố về hành vi bạo lực với người biểu tình. Ông Crase cũng bị tạm giam.
Trang thông tin Mediapart ngày 31/01 vừa qua đã công bố các băng ghi âm lén cuộc nói chuyện giữa Alexandre Benalla với Vincent Crase hôm 26/07. Dựa trên các băng ghi âm này mà các thẩm phán điều tra đã đề nghị tống giam hai ông. Nhưng các luật sư của ông Benalla cho rằng việc Mediapart ghi âm cuộc nói chuyện kể trên là bất hợp pháp, vì không phải là ghi âm theo lệnh của tư pháp hay của cơ quan hành chính.
Hôm nay, ủy ban Pháp luật của Thượng viện Pháp đã công bố báo cáo điều tra về vụ Benalla, nêu lên những sai sót của điện Elysée  trong việc xử lý vụ này. Ủy ban yêu cầu Văn phòng Thượng viện đề nghị ngành tư pháp truy tố hai ông Alexandre Benalla và Vincent Crase về tội « làm chứng gian ». Họ còn yêu cầu điều tra ba cố vấn thân cận của tổng thống Macron vì lời khai của những nhân vận này trước ủy ban Thượng viện về vụ Benalla đã có nhiều mâu thuẫn với nhau.
Từ 7 tháng qua, vụ Benalla vẫn gây khó khăn cho chính phủ Pháp và làm suy yếu vị thế của tổng thống Macron.
http://vi.rfi.fr/phap/20190220-cuu-cong-su-vien-cua-tong-thong-phap-bi-tam-giam

Hải quân Nga “dàn trận” chờ đón chiến hạm Mỹ

Hải quân Nga huy động lực lượng bám sát và theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Donald Cook, khi con tàu này đi vào Biển Đen – nơi vốn được xem là “sân nhà” của Nga.
Các tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa Orekhovo-Zuyevo và tàu trinh sát Ivan Khurs đang liên tục bám sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ khi con tàu này tiến vào Biển Đen, Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga hôm qua (19/2) cho biết.
Theo Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, chiến hạm USS Donald Cook của Mỹ đã tiến vào Biển Đen “lúc 17h ngày 19/2/2019 theo giờ Moscow”. “Các phương tiện được giao nhiệm vụ của Hạm đội Biển Đen đã tiến hành hoạt động bám sát, theo dõi liên tục tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ. Hoạt động kiểm soát trực tiếp đối với nhất cử nhất động của chiến hạm Mỹ được thực hiện bởi tàu khu trục mang tên lửa Orekhovo-Zuevo và tàu trinh sát Ivan Khurs,” nguồn tin cho hay.
Trước đó, văn phòng báo chí của Hạm đội Số 6 của Mỹ cho biết, chiến hạm USS Donald Cook đã bắt đầu đi qua Eo biển Dardanelles trên đường tới Biển Đen.
“Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke – tàu USS Donald Cook đã bắt đầu đi qua phía bắc Eo biển Dardanelles, đang trên đường tới Biển Đen vào ngày 19/2/2019 để tham gia các chiến dịch an ninh hàng hải và tăng cường sự ổn định hàng hải trong khu vực cũng như tăng cường sự phối hợp sẵn sàng và năng lực hải quân với các đồng minh và đối tác của NATO trong khu vực”, văn phòng báo chí của Hạm đội Số 6 của Mỹ cho biết thêm.
Tuy nhiên, văn phòng báo chí của Hạm đội số 6 không có biết cụ thể địa điểm mà chiến hạm USS Donald Cook sẽ tiến tới. Theo văn phòng báo chí của Hạm đội Số 6, con tàu này đã thực hiện một số nhiệm vụ nhất định ở Biển Đen cách đây một tháng. Nó đã thăm Batumi, Gruzia và thực hiện một cuộc tập trận với hai tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Gruzia. Hôm 28/1, tàu khu trục của Mỹ rời Biển Đen. Vào thời điểm đó, tàu Pytlivy của Hạm đội Biển Đen của Nga được giao nhiệm vụ bám sát nhất cử nhất động của tàu chiến Mỹ.
Theo quy định của Hiệp ước Montreux Convention, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ không thể ở Biển Đen quá 21 ngày.
Sự xuất hiện liên tục của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại bởi nó diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO vốn đã đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ và NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở khắp các khu vực bao xung quanh Nga. Thực tế này là điều Moscow khó có thể chấp nhận. Nga cũng có một loạt những động thái quân sự đáp trả cho thấy họ sẵn sàng đối đầu với Washington.
Trong thời gian qua, Mỹ liên tục phái tàu chiến đến Biển Đen và Nga liên tục chỉ trích hành động này, nói rằng nó chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và đặt Châu Âu vào nguy cơ xung đột.
Mỹ luôn khẳng định hành động của họ đều phù hợp với luật quốc tế. 6 chiến hạm của quân đội Mỹ đã tiến hành nhiệm vụ ở khu vực này trong năm 2018, trong đó có các tàu khu trục mang tên lửa: USS Ross, USS Carney và USS Porter cùng với tàu chỉ huy USS Mount Whitney, tàu đổ bộ USS Oak Hill và tàu vận tải USNS Carson City.
Hai lần gần đây nhất Mỹ đưa chiến hạm vào Biển Đen liên tục trong tháng 1 và 2 diễn ra vào thời điểm khu vực này đang nổi “sóng to, gió lớn” sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân ở Eo biển Kerch hôm 25/11/2018.
http://biendong.net/bi-n-nong/26352-hai-quan-nga-dan-tran-cho-don-chien-ham-my.html

Putin dọa nhắm hỏa lực vào Mỹ

nếu Washington triển khai tên lửa ở châu Âu

Tổng thống Putin hôm 20/2 nói Nga sẽ đáp trả với bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung nào ở châu Âu bằng cách nhắm mục tiêu không chỉ vào các quốc gia nơi các tên lửa đó được lắp đặt, mà cả vào Hoa Kỳ, theo Reuters.
Trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội, ông Putin nói rằng Nga không tìm kiếm sự đối đầu và sẽ không chủ động đi trước trong việc triển khai tên lửa nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Nhưng ông nói rằng phản ứng của Nga đối với bất kỳ việc triển khai nào sẽ được thực hiện và các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên tính toán rủi ro trước khi thực hiện bất kỳ bước nào.
https://www.voatiengviet.com/a/putin-doa-tan-cong-my-neu-washington-trien-khai-ten-lua-o-chau-au/4796117.html

Putin hứa sẽ cải thiện đời sống của dân Nga

Thanh Phương
Hôm nay, 20/02/2019, trong bài diễn văn thường niên đọc trước Quốc Hội Nga, tổng thống Vladmir Putin đã hứa với dân Nga sẽ cải thiện tình hình của họ “ngay từ năm nay”, vào lúc uy tín của ông đang xuống đến mức thấp nhất do nỗi bất mãn của người dân trước tình trạng mức sống không ngừng sụt giảm.
Đây là bài diễn văn đầu tiên của ông Putin trước Quốc Hội Nga kể từ khi ông tái đắc cử tổng thống với đa số áp đảo tháng 03/2018, cho nhiệm kỳ thứ tư, và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông, theo quy định của Hiến Pháp.
Nếu như năm ngoái tổng thống Putin dành phần lớn bài diễn văn trước Quốc Hội để nói về các vũ khí mới “bất bại” của Nga, thì trong bài phát biểu hôm nay, tổng thống Putin tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội của nước Nga, nói nhiều về gia đình, hệ thống y tế và giáo dục. Đặc biệt, ông Putin loan báo những biện pháp trợ cấp cho các gia đình để thúc đẩy tỷ lệ sinh sản ở Nga.
Tuy nước Nga đã ra khỏi thời kỳ suy thoái 2015-2016, nhưng sức mua của dân Nga tiếp tục sụt giảm và thu nhập của họ vẫn ở mức rất thấp. Người dân càng thêm bất mãn sau khi chính phủ Nga loan báo kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí và tăng thuế giá trị gia tăng từ 18% lên 20%.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vào đầu tháng 2, chính phủ Nga đã công bố kế hoạch huy động hơn 340 tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng năm nay, theo dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng chậm lại.
Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Putin vào tháng Giêng đã sụt giảm còn 64%, mức thấp nhất kể từ khi nước Nga sát nhập vùng Crimée cách đây 5 năm. Khi tái đắc cử tổng thống năm ngoái, uy tín của ông Putin lên tới 80%.
Về quốc phòng, trong bài diễn văn hôm nay, tổng thống Putin loan báo là Nga dự tính triển khai các tên lửa có thể bắn tới các lãnh thổ có đặt những trung tâm quyết định về tên lửa đe dọa an ninh của Nga. Đây là phản ứng của Matxcơva trước việc Hoa Kỳ triển khai các tên lửa ở châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190220-putin-hua-se-cai-thien-doi-song-cua-dan-nga

TQ kỷ niệm 40 năm cuộc chiến 1979 như thế nào?

Không kèn không trống không hoa. Không một lời đề cập trên Tân Hoa Xã hay Nhân dân Nhật báo. Đó là cách Trung Quốc chọn kỷ niệm 40 năm cuộc chiến biên giới với Việt Nam vào năm 1979.
Trong suốt bốn thập kỷ qua, chính quyền Trung Quốc hầu như im lặng về cuộc chiến kéo dài 4 tuần đã khiến ít nhất 20.000 lính Trung Quốc, và khoảng 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng (dù còn nhiều tranh cãi về những con số).
Sự im lặng của Trung Quốc về cuộc chiến đã kéo theo sự câm lặng của cả một thế hệ cựu chiến binh Trung Quốc.
Chiến tranh 1979: Liên Xô biết là TQ sẽ đánh VN?
Chiến tranh biên giới 1979 qua các con số
Cuộc chiến 1979 thực sự đã ‘bắt đầu từ trước’
Một cuộc chiến không được thừa nhận, dẫn đến những ngôi mộ, và nhiều cựu binh tàn tật Trung Quốc sống trong quên lãng – dẫn đến xung đột mâu thuẫn kéo dài giữa hội cựu chiến binh Trung Quốc với chính quyền Bắc Kinh.
Bài báo đăng 19/2, trên Bưu điện Hoa Nam viết: “Trong khi lễ kỷ niệm cuộc chiến được tổ chức một cách công khai ở Việt Nam, những cựu chiến binh Trung Quốc phải lén gặp riêng, vì chính quyền Bắc Kinh vẫn im lặng, lo ngại làm gia tăng căng thẳng với láng giềng về vấn đề chủ quyền”.
“Giới chức vẫn lưỡng lự tổ chức bất kỳ sự kiện kỷ niệm nào [cho cuộc chiến], nhưng cựu chiến binh khắp nước vẫn quyết tâm tổ chức các cuộc tụ họp vào Chủ Nhật bởi vì chúng tôi tin cuộc chiến vẫn là một huân chương danh dự,” ông Sun Xingan 62 tuổi nói.
Ở Việt Nam, năm nay cũng là lần đầu tiên báo chí trong nước được ‘thả cửa’ để viết về Chiến tranh Biên giới Việt – Trung, dù Đài Truyền hình Việt Nam vẫn tuyệt nhiên không dùng cụm từ “Trung Quốc”.
Còn ở nước ở bên kia biên giới, theo Bưu điện Hoa Nam, không có một sự đề cập nào trên truyền thông nhà nước, ngoại trừ một số video trên mạng cho thấy có một vài cuộc tụ tập nhỏ.
Và việc tổ chức các cuộc gặp gỡ này ngày càng trở nên khó khăn.
Thế hệ cựu binh bị lãng quên
“Rất là khó để giữ liên lạc với nhau sau nhiều năm, vì một vài đồng chí của chúng tôi đã qua đời. Chúng tôi đều trở nên già yếu,” ông Chen Zaichun, 62 tuổi nói.
“Còn vài mảnh đạn vẫn ở trong đầu tôi kể từ cuộc chiến. Tôi chỉ hy vọng chính quyền sẽ chính thức công nhận chúng tôi càng sớm càng tốt,” cựu chiến binh Lou Yuming nói.
Trung Quốc có khoảng 57 triệu cựu chiến bình và thường luôn được truyền thông nhà nước ca ngợi, nhưng điều này không xảy ra đối với nhóm cựu chiến binh “cuộc chiến tự vệ” năm 1979.
“[Lễ kỷ niệm] khá là nhạy cảm, và chúng ta có thể thấy từ thực tế rằng Trung Quốc đã không tổ chức một chương trình tưởng niệm nào. Các quan chức Trung Quốc vẫn giữ quan điểm duy trì bức tranh lớn trong mối quan hệ với Việt Nam,” Zhang Zhang Jie, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với Bưu điện Hoa Nam.
Kết quả dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trong nhiều năm gần đây, điển hình là cuộc biểu tình năm 2016, qua đó nhiều cựu chiến binh đòi được quan tâm hỗ trợ hơn, và nhiều người khác, nhất là nhóm cựu chiến binh tham chiến năm 1979 thì mong được công nhận – nhưng họ đã nhanh chóng bị lực lượng an ninh trấn áp.
“Chính quyền nghe lén điện thoại của tôi, theo dõi mọi hành động của tôi, nên tôi không thể tham dự bất kỳ sự kiện công cộng nào vì tôi không muốn bị rắc rối,” cựu chiến binh Zhong Jiangquang nói.
Một nhà sử học quân sự, cũng từng chiến đấu trong một cuộc đụng độ biên giới với Việt Năm năm 1984 nói rằng việc thiếu công nhận chính thức cho sự đóng góp của các cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt-Trung là một lý do chính khiến các cựu chiến binh này tiếp tục đấu tranh với chính quyền, theo Bưu điện Hoa Nam.
Một cựu chiến binh kể lại rằng sau cuộc chiến, khoảng 300 lính Trung Quốc đã từng bị phía Việt Nam bắt giữ trong cuộc chiến đã bị công khai bêu rếu (publicly shamed).
“Tất cả những người lính này sau đó đã bị tước bỏ vị thế quân sự, nghĩa là họ đã mất tất cả và kết quả là gia đình họ phải chịu đựng,” vị cựu chiến binh xin dấu tên nói.
Những người bị thương trong cuộc chiến thì không được phân loại là thương binh, và vì vậy không được hưởng chế độ trợ cấp và cũng vì không được Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) chấp nhận nên cũng không có tiền chăm sóc lăng mộ của các liệt sĩ nằm rải rác biên giới hai nước.
Những cựu chiến binh này cũng đổ lỗi cho giới lãnh đạo là đã “đánh giá thấp sức mạnh của đối phương”, cách đào tạo kém, không hiểu phương pháp chiến đấu hiện đại và phương thức liên lạc lạc hậu, dẫn đến 7.000 binh lính Trung Quốc thiệt mạng và 15.000 người bị thương – con số thương vọng mà Trung Quốc tuyên bố.
Vì sao Trung Quốc im lặng về cuộc chiến này?
Antony Wong, một nhà quan sát quân sự có trụ sở tại Macau, lên tiếng cho rằng: “Bắc Kinh nên công nhận sự đóng góp của họ cho đất nước, và thực tế là họ phải chịu đựng vì sự phán xét kém của giới lãnh đạo.”
“Chỉ có một lời xin lỗi có thể ngăn họ tổ chức các cuộc biểu tình, và giúp chữa lành vết thương tinh thần và thể chất của họ.”
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Rand Corporation, thì nói với Bưu điện Hoa Nam rằng:
“Nói chung, vì lợi ích của sự minh bạch, thì việc [thừa nhận kỷ niệm] là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc. Việt Nam thì thuận lợi hơn trong việc tổ chức lễ kỷ niệm.
“Nhưng đây là lần cuối cùng Trung Quốc tham chiến và đã thua. Nếu họ bắt đầu lên tiếng, thì nó sẽ khơi mào cho những người khác nói rằng, ‘Thực ra anh đang bắt nạt Việt Nam và những nước tuyên bố chủ quyền [Biển Đông] vào lúc này cơ mà’. Nếu lôi nó ra thì chỉ phiền hà cho Bắc Kinh.”
Còn Colin Koh, nghiên cứu sinh tại Trường Chính Sách Nghiên cứu Quốc tế Singapore, thì cho rằng cuộc chiến năm 1979 không ‘vẻ vang’ gì cho Bắc Kinh.
“Một trong những lý do có thể khiến Trung Quốc hạ thấp cuộc chiến này là vì quân đội PLA đã bị ‘dập máu mũi’ không phải trong tay Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà là trong tay dân quân phòng thủ biên giới.”
Bắc Kinh hay tự ca ngợi rằng đã chiến thắng và thành công trong việc “dạy cho Việt Nam vô ơn một bài học”.
Nhưng ông Koh cho rằng việc Trung Quốc phải chịu những thất bại quân sự mặc dù có vô vàn lợi thế chắc chắn trước Việt Nam là một điều “xấu hổ”.
Tuy nhiên, trả lời Bưu điện Hoa Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại 5 nước, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường lưu ý rằng không có quan chức cấp cao nào của Việt Nam đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về ngày kỷ niệm.
Ông nói tháng Hai, 2019 là lần đầu tiên truyền thông Việt Nam được phép viết về ngày kỷ niệm một cách công khai, phần lớn là do mối quan tâm, áp lực của công luận về cuộc chiến.
Ông Trường thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã cố gắng gác lại cuộc chiến này để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng dư luận ở Việt Nam, đặc biệt là các cựu chiến binh của cuộc chiến năm 1979, đã không bằng lòng với điều này.
Năm ngoái, Trung Quốc đã hoãn chiếu bộ phim Phương Hoa, tái hiện lại cuộc chiến năm Việt-Trung 1979, sau một “cuộc thảo luận phút chót”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47290219

TQ dính vụ kiện đầu tiên

liên quan đến “Vành đai và Con đường”

Công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings (CM Port) thuộc Tập đoàn nhà nước Trung Quốc – China Merchants Group, đang bị kiện ra tòa án Hồng Kông do vi phạm thỏa thuận.
Hôm 17-2, báo South China Morning Post (SCMP) cho biết nhà khai thác cảng toàn cầu DP World (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE) đang kiện CM Port do vi phạm thỏa thuận độc quyền của họ với Djibouti – quốc gia nhỏ ở Sừng châu Phi, gần một số tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.
Theo khiếu nại được nộp cho Tòa án Tối cao Hồng Kông hồi tháng 8 năm ngoái. CM Port bị cáo buộc khiến chính phủ Djibouti thu hồi đặc quyền điều hành các cảng ở nước này của DP World.
Nếu vụ kiện được đưa ra xét xử, đây sẽ là trường hợp đầu tiên liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh bị đưa ra tòa án, hãng tin FactWire cho hay.
Phó GS Luật Gu Weixia tại Trường ĐH Hồng Kông bình luận vụ kiện này khá đặc biệt vì CM Port là một công ty nhà nước hàng đầu của Trung Quốc, đang mở rộng hoạt động kinh doanh cảng trên khắp thế giới.
Vụ kiện có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong tương lai.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá hàng tỉ USD lần đầu tiên vào năm 2013, các công ty Trung Quốc hy vọng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ khi hoạt động ở nước ngoài đã vội quảng bá dựa trên sáng kiến này. Đến nay, hơn 70 quốc gia – chủ yếu ở khu vực Á – Âu – đã đồng ý tham gia sáng kiến.
Trung Quốc có mối quan tâm đặc biệt với Djibouti, nằm giữa biển Ả Rập và Địa Trung Hải. Mỗi năm, ít nhất 40% lưu lượng giao dịch dầu đi qua tuyến hàng hải này.
Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Djibouti, tháng 7-2017, Bắc Kinh đã mở căn cứ cảng hải quân đầu tiên và duy nhất ở nước ngoài tại đây.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/26344-tq-dinh-vu-kien-dau-tien-lien-quan-den-vanh-dai-va-con-duong.html

‘Vành đai và Con đường’ đuối sức

Trung Quốc đang điều chỉnh lại hướng tiếp cận của BRI tại Đông Nam Á giữa lúc sự nghi ngại về chiến lược phát triển này đang tăng trên toàn cầu.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đối mặt trở ngại mới nhất trên con đường chinh phục các nước vẫn còn hoài nghi về nó.
Lần này là đơn kiện nộp lên tòa án ở Hồng Kông hồi tháng 8-2018 với bên nguyên là DP World, tập đoàn điều hành cảng biển toàn cầu của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và bên bị là Công ty Xây dựng cảng China Merchants Port Holdings (CM Port), trụ sở ở Hồng Kông và là công ty của tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Merchants Group.
Đơn kiện cáo buộc CM Port vi phạm thỏa thuận độc quyền phát triển cảng biển giữa DP World và Djibouti – quốc gia châu Phi nằm gần một số tuyến giao thương tấp nập nhất thế giới.
CM Port cũng bị tố đã tác động khiến chính phủ Djibouti hủy thỏa thuận trao cho DP World quyền phát triển tất cả cảng biển của nước này trong 30 năm. Chưa hết, đại diện của DP World cho tờ Khaleej Times ở UAE biết CM Port đã tìm cách trì hoãn tiến trình pháp lý ở Hồng Kông trong lúc đòi hỏi chuyển vụ kiện đến tòa án ở Djibouti.
Djibouti có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, thể hiện qua sự kiện căn cứ cảng hải quân duy nhất của Bắc Kinh ở nước ngoài đóng tại đó. Tuy nhiên, số phận chiến lược của Trung Quốc tại Djibouti có thể được định hình bởi các công ty nhà nước và dự án cụ thể, như hoạt động xây dựng và vận hành cảng biển của CM Port kể từ năm 2013.
Bất chấp thách thức pháp lý nói trên, Bắc Kinh tiếp tục quảng bá các dự án của CM Port ở Djibouti như là ví dụ về thành công của BRI, qua đó xây dựng hình ảnh tích cực của Trung Quốc ở châu Phi.
Tuy nhiên, ông Wang Jiangyu, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định việc thua kiện ở Hồng Kông, nếu có, đe dọa khiến CM Port bị tổn thất về tài chính do phải bồi thường thiệt hại cho bên nguyên như yêu cầu của đơn kiện.
Trong khi đó, luật sư Fang Jianwei tại TP Thượng Hải cho rằng vụ việc cho thấy các công ty Trung Quốc khó tránh khỏi những rắc rối pháp lý khi đầu tư ở nước ngoài.
“Những tranh chấp này có thể kéo dài nhiều năm. Chúng cũng phức tạp và mang tính toàn cầu vì nhiều tiến trình có thể diễn ra tại các lục địa khác nhau” – ông Fang cảnh báo.
Ở phạm vi rộng hơn, ngay cả khi chưa rõ vụ kiện khép lại thế nào, diễn biến nói trên nêu bật thêm những rủi ro pháp lý mà Bắc Kinh đối mặt khi xúc tiến kế hoạch hạ tầng toàn cầu khổng lồ của mình. Một số chuyên gia cho rằng vụ việc có thể tác động đáng kể đến hành vi của các công ty Trung Quốc tham gia đầu tư trong khuôn khổ BRI thời gian tới.
BRI được đề xuất năm 2013 và hơn 70 quốc gia đã đồng ý tham gia. Cho đến khi xuất hiện vụ kiện đầu tiên liên quan đến BRI nói trên, tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước ngoài thông qua mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn và lưới điện chỉ mới đương đầu những trở ngại liên quan đến tài chính hoặc địa chính trị.
Chẳng hạn, chính phủ một số nước như Nepal, Myanmar và Pakistan đã hủy bỏ hoặc gác lại một loạt dự án trong khuôn khổ BRI, như đập thủy điện và nhà máy điện.
Còn tại Đông Nam Á, theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đang điều chỉnh lại hướng tiếp cận của BRI giữa lúc sự nghi ngại về chiến lược phát triển này đang tăng trên toàn cầu.
Số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho thấy tổng giá trị các cam kết đầu tư và hợp đồng xây dựng có giá trị từ 100 triệu USD trở lên của Trung Quốc tại khu vực này trong năm 2018 giảm 49,7%, còn 19,2 tỉ USD – mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Trong nửa cuối năm 2018, Trung Quốc chỉ ký được 12 dự án, tổng giá trị 3,9 tỉ USD với 10 nước ASEAN.
Con số này của nửa cuối năm 2017 là 33 dự án, tổng giá trị 22 tỉ USD. BRI còn bị trúng đòn sau khi chính quyền Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đầu năm nay quyết định hủy dự án Đường sắt bờ Đông (ECRL) trị giá 20 tỉ USD với Trung Quốc vì lãi suất quá lớn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26343-vanh-dai-va-con-duong-duoi-suc.html

Tập Cận Bình ra lệnh

tăng cường huấn luyện hai triệu binh sĩ

Trung Quốc lần đầu tiên ban hành sắc lệnh về tăng cường giám sát huấn luyện và thắt chặt kỷ luật quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh, yêu cầu tăng cường huấn luyện đối với hai triệu binh sĩ của quân đội nước này, Sputnik ngày 17/2 đưa tin.
Sắc lệnh mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3, gồm các biện pháp chấn chỉnh hành vi không phù hợp với yêu cầu chiến đấu trên thực tế, xây dựng tiêu chí xác định các hành vi vi phạm và kỷ luật trong quá trình huấn luyện. Đây được cho là sắc lệnh đầu tiên về việc củng cố huấn luyện và tăng cường giám sát kỷ luật của quân đội Trung Quốc.
Sau khi sắc lệnh được ký, giới chức quân sự Trung Quốc cũng thông báo sẽ triển khai thanh tra viên và hệ thống giám sát mới nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ.
Báo cáo của Army Technology gần đây cho biết binh sĩ Trung Quốc đang bị chỉ trích là không được đào tạo bằng các chương trình huấn luyện hiện đại và sát thực tế. Với ngân sách quốc phòng 175 tỷ USD, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào hiện đại hóa quân đội.
Sắc lệnh mới được coi là nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tác chiến của quân đội, sau một loạt động thái như triển khai hệ thống radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, thử nghiệm tàu sân bay có hệ thống phóng tiêm kích mới và thử tên lửa chống hạm mới.
http://biendong.net/bi-n-nong/26331-tap-can-binh-ra-lenh-tang-cuong-huan-luyen-hai-trieu-binh-si.html

Cựu tướng quốc phòng TQ bị tù chung thân vì tham nhũng

Một tòa án quân sự Trung Quốc hôm 20/2 đã kết án tù chung thân tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui ) về tội tham nhũng, theo Reuters.
Reuters dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết ông Phòng Phong Huy bị buộc tội nhận hối lộ, đồng thời sở hữu khối tài sản khổng lồ mà ông không thể giải trình nguồn gốc.
Reuters cho biết ông Phòng từng là người tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017.
Nhưng sau đó ông Phòng bị thay khỏi chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mà không nói rõ lý do. Về sau, chính quyền Trung Quốc xác nhận ông Phòng bị điều tra vì tình nghi tham nhũng.
Hàng chục quan chức và tướng lãnh Trung Quốc đã bị điều tra và bỏ tù trong thời gian vừa qua, bao gồm hai tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong ). Hai ông đều là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Ông Quách lãnh án tù chung thân vào năm 2007, còn ông Từ chết vì ung thư vào năm 2015 trước khi ra tòa.
Ngoài ra, tướng Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã tự sát vào tháng 11/2017, trong khi bị điều tra với cáo buộc tham nhũng và mối liên hệ với hai ông Quách và Từ.
Vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã khai trừ đảng đối với ông Trương Dương, dù đã chết, và Phòng Phong Huy, nói rằng sự bất trung và tham lam của họ đã làm hại quân đội.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-tuong-quoc-phong-tq-bi-tu-chung-than-vi-tham-nhung/4796146.html

Hàn Quốc chi lớn cho thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam

Hàn Quốc sẽ thành lập một trung tâm báo chí về thượng đỉnh thứ hai giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Hàn Quốc sẽ thành lập một trung tâm báo chí cho các phóng viên của nước này để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ, Yonhap dẫn tin từ một tổ chức liên quan đến truyền thông ngày 19/2.
Tổ chức báo chí Hàn Quốc (KPF), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul, có kế hoạch vận hành trung tâm báo chí này từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội – cũng là nơi đặt trung tâm truyền thông quốc tế cho hội nghị thượng đỉnh này.
Thủ đô Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vào thứ Tư và thứ Năm tới (27,28/2). Các cuộc đối thoại dự kiến sẽ tập trung vào các biện pháp phi hạt nhân hóa từ phía Bình Nhưỡng để đổi lấy các nhượng bộ kinh tế và tương ứng khác từ Hoa Kỳ.
KPF có kế hoạch tổ chức các diễn đàn chuyên gia về hội nghị thượng đỉnh và cung cấp dịch vụ xe buýt đưa đón miễn phí giữa Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô và khách sạn Hanoi Grand Plaza, nơi một số phóng viên Hàn Quốc và các đội truyền thông khác dự kiến sẽ ở lại trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Những người mong muốn sử dụng trung tâm báo chí Hàn Quốc được yêu cầu đăng ký tại trang web kr / kpc, trước 6 giờ chiều thứ sáu tuần này.
Theo Yonhap, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Lee Do-hoon cũng có kế hoạch đến thăm Hà Nội, dù chưa rõ sớm hay muộn so với thượng đỉnh, một nguồn thông tin tại Seoul cho biết.
Dân Triều Tiên kỳ vọng gì vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai?
Trước đó, một cơ quan tham vấn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ tổ chức một cuộc họp cấp chuyên gia trong tuần này để thảo luận về các cách để thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều – điều có thể mở rộng sau thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Cuộc họp này được lên kế hoạch diễn ra trong ngày 19/2 quy tụ các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức của các nhóm dân sự và các nhà lập pháp quan tâm đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới, theo Hội đồng Tư vấn Thống nhất Quốc gia.
Cuộc thảo luận của họ dự kiến tập trung vào khả năng nối lại hoạt động của khu công nghiệp bị đóng cửa ở thị trấn biên giới Kaesong và chương trình du lịch tới Núi Kumgang trên bờ biển phía đông Triều Tiên
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/26342-han-quoc-chi-lon-cho-thuong-dinh-my-trieu-tai-viet-nam.html

Bình luận Triều Tiên ‘đối diện bước ngoặt lịch sử’

Triều Tiên đang đứng trước một “bước ngoặt lớn, lịch sử” – truyền thông nước này nhận định trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dự kiến ông Kim và ông Trump sẽ gặp nhau lần thứ 2 vào cuối tháng 2. Lần đầu, họ gặp nhau ở Singapore vào tháng 6/2018.
Hiện sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu phía Mỹ có đề nghị sẽ dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi vững chắc hướng tới phi hạt nhân hóa hay không.
“Đến lúc chúng ta phải buộc chặt dây giày và chạy thật nhanh, hướng tới mục tiêu cao hơn khi đứng trước thời điểm quyết định này”, Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Triều Tiên, bình luận trong một bài xã luận. “Đất nước của chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lớn, lịch sử”.
Tác giả bài viết kêu gọi người Triều Tiên hãy nỗ lực nhiều hơn để phát triển kinh tế đất nước.  “Triều Tiên đang vươn lên như “một nước xã hội chủ nghĩa, mạnh mẽ”, và hành động yêu nước thực sự của một người bắt đầu từ nơi làm việc. “Mỗi một và tất cả các sản phẩm cần được làm ra để khiến đất nước chúng ta tỏa sáng”.
Bài bình luận trên Rodong Sinmun được đăng tải giữa lúc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp nhau ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào các ngày 27-28/2. Hai bên sẽ tập trung thảo luận các biện pháp phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để đổi lấy những nhượng bộ kinh tế và nhiều thứ khác từ Mỹ.
Trước đó, ngày 17/2, Meari – trang mạng tuyên truyền của Triều Tiên – nhận định mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington có thể trải qua “đột phá lớn”.
“Nhìn vào những gì đã diễn ra trong quan hệ liên Triều, không có lý do gì quan hệ Triều Tiên – Mỹ không thể có bước ngoặt lớn”, Meari khẳng định và nhắc lại thực tế Triều Tiên thời gian qua đã không chế tạo thêm hoặc thử nghiệm mới vũ khí hạt nhân, cũng không có kế hoạch sử dụng hoặc phổ biến loại vũ khí này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26350-binh-luan-trieu-tien-doi-dien-buoc-ngoat-lich-su.html

Kim Jong Un thay nhân sự nhóm đàm phán hạt nhân

 trước thượng đỉnh Hà Nội

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Triều Tiên “bị cho ra rìa” các cuộc đàm phán hạt nhân trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Hoa Kỳ vì các cáo buộc đào tẩu, gián điệp, đã làm xói mòn sự tin cẩn của lãnh tụ Kim Jong Un, các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc cho Reuters biết.
Gần đây lãnh tụ Kim Jong Un đã thanh trừng và thay thế nhiều nhà ngoại giao và quan chức hàng đầu, những người từng phục vụ cho cha và ông nội của ông Kim. Thay vào đó, ông Kim bổ nhiệm các cố vấn mới, trẻ hơn, trước khi ông chuẩn bị gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Việt Nam vào tuần tới.
Trong số những thay đổi quan trọng nhất, ông Kim đã bổ nhiệm một nhân vật ít có tiếng tăm, ông Kim Hyok Chol, dẫn đầu các cuộc đàm phán cấp bộ với đặc phái viên hạt nhân Hoa Kỳ Stephen Biegun.
Reuters dẫn lời một viên chức Hàn Quốc cho biết ông Kim Hyok Chol từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, và vào năm 2017 ông bị Madrid trục xuất vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông cũng đã làm việc tại Ủy ban Các vấn đề Nhà nước, một cơ quan quản lý hàng đầu của chế độ Kim Jong Un.
Ông Kim Hyok Chol được bổ nhiệm thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui, người dẫn đầu các cuộc đàm phán trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên tại Singapore vào tháng 6.
Một viên chức Hàn Quốc nói với Reuters: “Đây là một trò chơi của các ông lớn và nhiều nhà ngoại giao đang bị lãng quên, vì họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong nội bộ và nghi vấn về sự trung thành ý thức hệ, dù họ có kinh nghiệm làm việc với các quốc gia tư bản giàu có hơn.”
“Ông Kim Hyok Chol cũng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng ông ấy đã vượt qua được phép thử về lòng trung thành để trở thành nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán hạt nhân.”
Viên chức Hàn Quốc nói việc ông Kim Hyok Chol được thăng chức, một phần do tác động sau vụ đào tẩu của ông Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh năm 2016, và sự mất tích gần đây của ông Jo Song Gil, một nhà ngoại giao cấp cao ở Ý.
Ngoài sự ngờ vực đối với các nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Kim Jong Un còn thanh trừng ông Han Song Ryol, phó bộ trưởng ngoại giao phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ, về tội làm gián điệp cho Washington, hai nguồn tin thân cận cho Reuters biết.
Ông Han Song Ryol từng là một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên nổi tiếng và được kính trọng nhất tại Hoa Kỳ. Trong nhiều năm liền, ông được mệnh danh là “New York Channel,” một cầu nối ngoại giao quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Nhưng trong năm qua, ông Han hầu như bị lu mờ trước công chúng, và lần cuối truyền thông nhà nước còn nhắc tới ông là vào tháng 2 năm 2018.
Một nguồn tin ngoại giao tại Seoul nói với Reuters rằng ông Han đã bị thanh trừng vào năm ngoái sau khi bị buộc tội làm gián điệp cho Hoa Kỳ và tư túi công quỹ nhà nước.
Ông Thae cho biết ông Han đã bị thanh trừng, điều đó có nghĩa là ông có khả năng đã bị đưa đến một trại cải tạo lao động hoặc có thể bị xử tử.
Trong một bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên xác nhận trên Facebook rằng ông Kwon Jong Gun được bổ nhiệm làm tân giám đốc phụ trách Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
“Ngành ngoại giao Triều Tiên đã có một chiến thuật mới chưa có tiền lệ, được thiết lập riêng để đối phó với ông Trump,” ông Thae nói tại một cuộc họp báo ở Seoul hôm 19/2.
Ông Thae cho biết ít nhất 10 nhà ngoại giao Triều Tiên đã bị xử tử dưới thời Kim Jong Un, và được thay thế bởi các trợ lý trẻ hơn và những người trung thành. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức khác đã phải “ra rìa.”
https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-thay-nhan-su-nhom-dam-phan-hat-nhan/4796009.html

Cựu phó đại sứ BTT ở Anh:

 “Kim Jong Un sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân”

Thanh Phương
Trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 19/02/2019, cựu phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn Thae Yong Ho, đã đào thoát sang Hàn Quốc từ năm 2016, khẳng định: Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un sẽ không bao giờ thật sự từ bỏ vũ khí hạt nhân. Lời cảnh báo được đưa ra trước cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong Un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/02.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
Kim Jong Un sẽ vẫn cần đến bom nguyên tử để duy trì chế độ của ông và để bù đắp sự yếu kém tương đối của các vũ khí quy ước Bắc Triều Tiên. Đó là tuyên bố trước báo chí tại Seoul của ông Thae Yong Ho, nguyên là nhân vật số hai của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn.
Ông Thae Yong Ho nói : “Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi nào mà Kim Jong Un còn nắm quyền, cho dù có tặng cho ông ấy hàng tỷ đô la. Điều mà Kim Jong Un chờ đợi ở thượng đỉnh Hà Nội, đó là quốc tế bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Đổi lại, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể từ bỏ một vài cơ sở hạt nhân cũ như Yongbyon hay Pungye-ri. Trong vòng đàm phán sáu bên hồi năm 2005, Bình Nhưỡng đã từng chấp nhận từ bỏ những cơ sở đó. Cũng giống như là họ bán lại một chiếc xe cũ chẳng còn dùng được, mà chỉ sơn lại cho mới mà thôi”.
Ông Thae Yong Ho nói thêm, chế độ Kim Jong Un cũng có thể sẽ tháo dỡ một số tên lửa liên lục địa, nhưng vẫn che giấu những tên lửa khác.
Tại Seoul, những người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng đã phản bác ý kiến của ông Thae Yong Ho, với lập luận rằng tháo dỡ dù là một phần cũng còn hơn là không tháo dỡ gì cả. Theo họ, việc đạt được một thỏa thuận có thể giúp kềm chế mối đe họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Về phần tổng thống Donald Trump, hôm qua ông đã bày tỏ hy vọng là cuộc họp thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ giúp đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng ông nhấn mạnh là khi nào mà Bình Nhưỡng chưa tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân mới, thì không có gì phải vội vã.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190220-btt-kju-se-khong-tu-bo-vu-khi-hat-nhan

Ấn Độ điều thêm quân dọc theo biên giới Myanmar

New Delhi trong vài ngày qua đã tiến hành bổ sung lực lượng đồn trú dọc theo biên giới với Myanmar sau khi có thông tin số phiến quân từ quốc gia Đông Nam Á vào Ấn Độ đang tăng lên.
Chính quyền địa phương đã báo cáo lên trung ương về tình trạng các tay súng đội lốt dân chạy loạn di chuyển qua biên giới để vào Ấn Độ.
“Một số lượng lớn quân lực được triển khai tại khu vực nhạy cảm”, Sputnik hôm 19.2 dẫn nguồn thạo tin.
Theo thông tin không chính thức, ít nhất 2 đơn vị thuộc bộ binh đã vào vị trí tại huyện Lawngtlai thuộc bang miền nam Ấn Độ theo sau các cuộc đụng độ mới đây giữa lực lượng quân đội Myanmar và phe vũ trang Arakan ngay bên kia biên giới.
Hồi tháng 12.2018, quân đội Myanmar đơn phương tuyên bố ngừng chiến với các tổ chức vũ trang ở vùng đông bắc cho đến tháng 4.2019.
Tuy nhiên, các vụ đọ súng tiếp tục nổ ra vào tháng 1, khi phe vũ trang Quân đoàn Arakan tấn công 4 chốt gác biên giới ở Buthidaung, lấy đi hơn 40 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. 13 cảnh sát và 9 người khác bị thương.
http://biendong.net/bi-n-nong/26333-an-do-dieu-them-quan-doc-theo-bien-gioi-myanmar.html

Ấn Độ: Người Kashmir bị truy đuổi sau vụ khủng bố

Anh Vũ
Tại Ấn Độ, đánh bom liều chết hôm 14/02 làm 40 dân quân thiệt mạng đã gây một cú sốc mạnh trong xã hội Ấn Độ. Ngay sau đó, tâm lý thù hận đã dấy lên trong dân chúng. Một bộ phận người Hindu giờ đây đang trút căm giận vào tất cả những người gốc Kashmir, với họ đó là những kẻ khủng bố. Một làn sóng truy bức, xua đuổi người Kashmir có chiều hướng lây lan ở nhiều nơi tại Ấn Độ.
Sébastien Farcis từ New Delhi tường trình :
“Chuyện bắt đầu từ hôm thứ Sáu tuần trước, ngay sau ngày xảy ra vụ tấn công vào lực lượng dân quân tại Kashmir. Tại bang Uttarakhand nằm trong vùng Himalaya, 12 sinh viên Kashmir vào trong một đền thờ Hồi Giáo thì bị những phần tử cực đoan theo Ấn Độ Giáo đánh đập. Theo họ, những thanh niên Kashmir theo Hồi Giáo trên là đồng lõa trong vụ tấn công khủng bố trước đó. Họ lấy cớ là vụ tấn công, đã được một tổ chức Pakistan nhận trách nhiệm, là do một người Ấn Độ trong Kashmir chỉ đạo.
Từ đó làn sóng nhằm vào người Kashmir lan truyền. Hàng trăm sinh viên Kashmir bị sách nhiễu. Hai trường đại học bị buộc phải cam kết không nhận học sinh Kashmir nữa. Các sinh viên Kashmir phải chạy trốn khỏi vùng « chiến sự » để tiếp tục học.
Tại Calcuta, những người Kashmir buôn bán cũng bị đe dọa, nhiều người bị chủ nhà đuổi khỏi căn hộ thuê. Hàng trăm người vội vàng đổ về sân bay để trở về nhà. Những ai không thể về được thì phải nhờ quân đội giúp đỡ. Một phong trào liên đới đã xuất hiện, nhiều nhân vật có tiếng tăm đã công khai tuyên bố sẽ đón về nhà những người Kashmir bị xua đuổi.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190220-an-do-nguoi-cachemire-bi-truy-duoi-sau-vu-khung-bo

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.