Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 13/02/2019

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019 15:15 // ,

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/02/2019

TT Trump không cam kết ký thỏa thuận

 ngân sách lưỡng đảng để tránh đóng cửa chính phủ

Quốc hội Mỹ hôm thứ Tư 13/2 phải chạy đua với thời gian để thông qua một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tránh đóng cửa một phần chính phủ thêm một lần nữa trước hạn chót quá gần, nhưng không thể loại bỏ khả năng Tổng thống Donald Trump có thể phá hỏng bất cứ thỏa thuận nào không bao gồm điều khoản cấp tiền để xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát có thể bỏ phiếu ngay tối 13/2, một phụ tá cao cấp cho biết, cho dù Hạ viện vẫn chưa soạn ra thành văn bản thỏa thuận mà các nhà đàm phán trong quốc hội đã đạt được vào tối 11/2.
Vẫn chưa có gì chắc chắn về số phận của thỏa thuận này tại Hạ viện, nếu xét đến nguy cơ là những nhân vật cả bên bảo thủ lẫn bên cấp tiến có thể phản đối thỏa hiệp đó vì những lý do khác nhau.
Bản thỏa thuận cũng phải được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua, và chuyển sang cho TT Trump ký trước nửa đêm thứ Sáu, 15/2, khi ngân sách tạm thời hết hiệu lực. Bản ngân sách tạm thời đó đã giúp chấm dứt lần đóng cửa chính phủ liên bang dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông Trump nói hôm 12/2 rằng ông không mấy hài lòng về thỏa thuận hiện nay và không loại trừ việc phủ quyết văn bản luật này. Nhưng ông nói thêm rằng ông không dự kiến chính phủ sẽ bị đóng cửa thêm một lần nữa.
Các nguồn tin trong Quốc hội cho biết thỏa thuận mới đạt được bao gồm 1,37 tỷ đô la dành để xây thêm hàng rào biên giới mới dọc theo 90 km đường biên giới, tương đương với mức của năm ngoái, nhưng còn xa với ngân khoản 5,7 tỷ đô la mà ông Trump yêu cầu cung cấp để giúp xây bức tường biên giới mà ông đã hứa hẹn.
Trong một đoạn ý kiến đăng lên Twitter tối 12/2, ông Trump lại nhấn mạnh rằng nếu quốc hội không cung cấp tài chính, ông vẫn tiến hành với kế hoạch xây tường. Ông viết: “Bất kể lấy tiền xây tường ở đâu, nó đang được xây ngay trong lúc này, lúc chúng tôi đang nói chuyện với nhau!”
Các nghị sĩ Cộng hòa kỳ cựu, tỏ ra không hào hứng về triển vọng chính phủ lại đóng cửa thêm một lần nữa sau khi đảng bị chỉ trích nặng nề về lần đóng cửa trước, và vì vậy họ kêu gọi ông Trump hãy ủng hộ thỏa thuận này.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-khong-cam-ket-ky-thoa-thuan-ngan-sach-luong-dang/4785039.html

Mỹ: Có bao nhiêu đảng viên Dân chủ

tranh cử năm 2020?

Số đảng viên Dân chủ xếp hàng để đối đầu với Tổng thống Donald Trump khi ông tái tranh cử đang tăng lên hàng tuần. Vậy những ai đang chuẩn bị tranh cử, và ưu khuyết điểm của họ là gì?
Nhóm ứng cử viên này hứa hẹn sẽ đa dạng nhất từ trước đến nay. Họ có số nữ ứng cử viên tổng thống cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Phóng viên Anthony Zurcher của BBC duyệt qua 11 nhân vật này.
Amy Klobuchar
Là ai? Luật sư và hiện là thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota.
Nhận định của Anthony: Amy Klobuchar có thể không phải là một cái tên nổi tiếng, nhưng thượng nghị sĩ này đã tái đắc cử năm 2018 ở tiểu bang miền Trung Tây Minnesota một cách khá dễ dàng. Từng là một công tố viên, bà tỏ ra là một người bình thản và có thẩm quyền trong các phiên điều trần nóng bỏng xác nhận thẩm phán Brett Kavanaugh.
Cory Booker
Là ai? Một thượng nghị sĩ năng động và diễn giả tài năng của tiểu bang New Jersey.
Nhận định của Anthony: Chúng ta đã đạt đến thời điểm của tập hợp những ứng cử viên tổng thống mà những người tranh cử không còn dọ dẫm thử nhúng chân xuống nước nữa. Giờ đây họ đang hét lớn hết cỡ, và lao mình vào cuộc đua. Cory Booker đã tung ra một video theo phong cách truyền cảm hứng và sẽ lên đường đến tiểu bang Iowa và Nam Carolina, bắt đầu những gì ông hy vọng sẽ là con đường dài để được đảng Dân chủ đề cử.
Sẽ khó tìm được một nhà hùng biện tài năng hơn trong đảng Dân chủ trong cuộc đua năm 2020 so với thượng nghị sĩ tiểu bang New Jersey. Ông linh hoạt trên sân khấu với một năng lượng không ngừng nghỉ. Những câu nói của ông dao to búa lớn. Ông phát âm rõ từng chữ.
Nếu cuộc đua vào Nhà Trắng là một cuộc thi hùng biện, ông Booker sẽ đứng đầu. Ngay cả không như vậy, ông vẫn có một số lợi thế. Việc ở gần New York khiến ông trở thành một người có thể gây quỹ một cách phi thường. Kinh nghiệm và quá khứ đào tạo của ông phản ánh sự đa dạng của Đảng Dân chủ hiện đại. Thời gian làm thị trưởng của tỉnh Newark đông dân lao động giúp ông thấu hiểu hoàn cảnh của những người thấp cổ bé miệng
Tuy nhiên, nhiều người bên cánh tả không tin tưởng ông. Họ coi các mối quan hệ đến những nguồn tiền lớn của ông như một trở ngại và không quên năm 2012 ông đã bảo vệ quá khứ trong lãnh vực đầu tư mạo hiểm của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.
Trong một cuộc đua rất đông đúc, ông Booker buộc phải thuyết phục cử tri đảng Dân chủ rằng ông là người đưa họ đến miền đất hứa. Cái lưỡi bạc của ông sẽ phải làm việc rất vất vả.
Kamala Harris
Là ai? Thượng nghị sĩ tiểu bang California, luật sư 54 tuổi, chủng tộc hỗn hợp.
Nhận định của Anthony: Kamala Harris là một đảng viên Dân chủ có thể bám sát và thắng thế trong cuộc bầu cử sơ bộ chắc chắn sẽ là một trận chiến để đạt đề cử mệt mỏi. Bà đến từ California, một tiểu bang giàu có cả về số phiếu đại biểu và đôla gây quỹ. Là một phụ nữ, và đến từ một dân tộc thiểu số, bà ở vào vị trí tốt để tận dụng sự đa dạng ngày càng tăng của đảng.
Bà có một trong những hồ sơ bỏ phiếu cấp tiến nhất tại Thượng viện Hoa Kỳ vào thời điểm đảng Dân chủ nghiêng về bên trái, nhưng cũng có một nền tảng là một công tố viên cứng rắn.
Quá khứ này cũng có thể là một bất lợi, vì một số người cấp tiến từng chỉ trích bà không hỗ trợ các nỗ lực cải cách tư pháp hình sự ở California và cho rằng hồ sơ truy tố của bà không đủ thông cảm với quyền của bị cáo. Bà sẽ phải rất tế nhị trong việc quảng bá những thành quả trong khi phải biện minh cho các quyết định của mình.
Bà Harris mới chỉ ở trên sân khấu quốc gia hai năm và không phải mọi chính trị gia ít kinh nghiệm chính trường đều có thể cầm cự giỏi khi bị tấn công như ông Obama đã làm trong năm 2008. Bà sẽ gặp nhiều thử thách trong những tháng tới, nhưng bà bắt đầu cuộc đua gần như ở vị trí hàng đầu.
Elizabeth Warren
Là ai? Một thượng nghị sĩ khác, lần này đến từ tiểu bang Massachusetts, một cái gai bên cạnh các ngân hàng lớn
Nhận định của Anthony: Elizabeth Warren là một người được phe cấp tiến yêu chuộng kể từ khi bà nổi lên trên trường chính trị để thúc đẩy sự điều tiết chặt chẽ hơn của chính phủ với ngành tài chính sau vụ sụp đổ kinh tế năm 2008. Trong thời gian ở Thượng viện Hoa Kỳ, bà được biết đến với những cuộc thẩm vấn rất cứng rắn của mình đối với các giám đốc điều hành Phố Wall và là một nhà phê bình thẳng thắn về tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Căn cứ người ủng hộ trung thành đó có thể đủ để giúp bà vươn lên vị trí đầu trong sân chơi ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ đang bị rạn nứt – đặc biệt nếu Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders, ngôi sao cấp tiến khác của Thượng viện, quyết định không gia nhập cuộc đua.
Thách thức đối với bà Warren sẽ là làm sao mở rộng được sự hấp dẫn của mình ra ngoài giới đang ủng hộ. Bà có kinh nghiệm của một học giả được trải qua nhiều đào tạo, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình như một giáo sư. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của bà nhấn mạnh đến gốc gác thuộc tầng lớp lao động hơn là giáo dục của mình, như một phương tiện kết nối câu chuyện cá nhân với các chính sách chính phủ mà bà hỗ trợ.
Bà Warren sẽ đối mặt với thách thức phải định nghĩa cuộc tranh cử của mình trong khi phải đối đầu với Donald Trump, người đã nhiều lần chê bai những tuyên bố trước đây của bà về di sản người bản địa Mỹ. Mặc dù bà hầu như không đề cập đến tổng thống trong các bài phát biểu gần đây, bà sẽ phải thuyết phục đảng Dân chủ rằng bà sẽ không là chính trị gia mới nhất mà ông Trump coi thường – và sau đó bị đánh bại.
Kirsten Gillibrand
Là ai? Thượng nghị sĩ tiểu bang New York, người thích nhấn mạnh bà là bà mẹ có hai con, ứng cử viên liên minh chặt chẽ nhất với phong trào #MeToo.
Nhận định của Anthony: Công bố chiến dịch tranh cử tổng thống trên chương trình của Stephen Colbert có thể là một điều thường tình vào cuối năm nay, nhưng tín dụng Kirsten Gillibrand là một trong những người đầu tiên thử nó.
Quyết định gia nhập cuộc đua của thượng nghị sĩ tiểu bang New York không phải là một cú sốc quá lớn.
Bà từ lâu đã tự định vị mình là một trong những ứng cử viên có khả năng tận dụng phong trào #MeToo hữu hiệu nhất, và thông ̣điệp mình là người sẽ “chiến đấu hết mình vì con người khác y như con mình vậy” có thể gây được tiếng vang.
Dù vậy, hành trình tranh cử năm 2020 của bà gặp phải một số khó khăn. Bà làm một số đảng viên Dân chủ giận dữ vì nhanh chóng kêu gọi Thượng nghị sĩ Hakeem al-Araibi từ chức sau khi ông phải đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục. Và bà khiến những người trung thành với Hillary Clinton xa lánh vì đã chỉ trích cách xử lý của Bill Clinton về vụ bê bối của Monica Lewinsky.
Những quyết định này có thể làm tổn thương bà, ngay cả khi bà trích dùng chúng là bằng chứng cho thấy lời nói bênh vực nữ quyền của mình đi đôi với hành động.
Là một người dân New York, tuy nhiên, bà có thể khai thác được một lượng lớn tiền quyên góp được cho chiến dịch tranh cử. Bà trẻ trung và lôi cuốn. Nếu bà bắt được làn sóng cử tri nữ giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái, điều đó có thể đưa bà đến đích được đảng đề cử.
Julian Castro
Là ai? Thị trưởng thành phố San Antonio, Texas, từ năm 2009 đến 2014, tuổi 44, và từng làm Bộ trưởng bộ Gia cư cho Tổng thống Obama.
Nhận định của Anthony: Cách đây không lâu, Julian Castro được coi là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Ông là một thị trưởng được đánh giá cao của San Antonio, đã giành được vinh hạnh đọc bài diễn văn chính tại Hội nghị Quốc gia Dân chủ 2012 và tiếp tục giữ vị trí Nội các trong chính quyền Obama.
Tuy nhiên, giờ đây, ông thậm chí có thể không phải là người Texas được ưa chuộng nhất trong cuộc đua, nếu cựu dân biểu (và người được hâm mộ cuồng nhiệt của đảng Dân chủ) Beto O’Rourke quyết định ra ứng cử. Ngoài ra còn có những chính trị gia khác – những người hiện đang giữ chức vụ dân cử hoặc, như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, với cái tên được nhận ra ngay lập tức – những người đang tạo ra nhiều tiếng vang về việc tranh cử tổng thống.
Ngay cả khi ông Castro không hoàn toàn là ngôi sao đang lên như trước đây – và, thành thật mà nói, dù chưa bao giờ là một diễn giả đặc biệt hấp dẫn – ông vẫn có tiềm năng thu hút một số người ủng hộ cho cuộc tranh cử sắp tới. Ông là một người Mỹ gốc Mexico thế hệ thứ ba tại thời điểm đảng Dân chủ đang khao khát sự tham gia của dân số Latino đang phát triển ở Mỹ. Ông có lợi điểm là trẻ tuổi vào thời điểm mà nhiều thành viên đảng Dân chủ đang muốn có sự thay đổi thế hệ.
Tuy nhiên, như một người ôn hòa trong một đảng đang nghiêng sang bên trái, ông sẽ phải vất vả trong con đường trước mặt.
Tulsi Gabbard
Là ai? Sinh ra ở Samoa, tuổi 37, Tulsi Gabbard là dân biểu đại diện cho Hawaii tại Quốc hội
Nhận định của Anthony: Tulsi Gabbard, thành viên Ấn Độ giáo đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ, là một ứng cử viên khó định nghiã.
Hầu hết các quan điểm của nữ nghị sĩ Hawaii phù hợp vững chắc với phe cấp tiến của Đảng Dân chủ. Bà là người sớm, và thẳng thắn ủng hộ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Bernie Sanders, và là người ủng hộ y tế do chính phủ cung cấp, tăng mức lương tối thiểu và chính sách đối ngoại chống can thiệp.
Tuy nhiên, người cựu chiến binh trong Chiến tranh Iraq đã nhận những lời chỉ trích vì cuộc gặp gỡ với Bashar al-Assad vào tháng 1 năm 2017 – sau khi tổng thống Syria bị cáo buộc liên tục bắn khí độc vào dân cư. Con gái của một chính trị gia và là nhà hoạt động xã hội bảo thủ, bà Gabbard
cũng có thể thu hút sự phê phán của các cử tri Dân chủ vì trong quá khứ bà từng chỉ trích “những kẻ cực đoan đồng tính” và phản đối quyền phá thai và hôn nhân đồng tính.
Bà cũng phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran và lên án “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan” bằng ngôn ngữ gợi nhớ nhiều hơn đến một ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Nếu đảng Dân chủ đang đi tìm một biểu tượng trẻ trung, lôi cuốn – ngay cả khi điều đó có nghĩa là ủng hộ một người có quan điểm không phải lúc nào cũng phù hợp với họ – thì bà Gabbard có cơ hội được đề cử. Và như đảng Cộng hòa cho chúng ta thấy, những điều kỳ lạ hơn từng xảy ra.
Pete Buttigieg
Là ai? Trở thành một thị trưởng thành phố khi vẫn ở độ tuổi 20 và từng phục vụ trong Hải quân, Pete Buttigieg là ứng cử viên đồng tính công khai đầu tiên .
Nhận định của Anthony: Hầu hết các câu chuyện được kể về Pete Buttigieg đều đề cập một cách nổi bật rằng ông là một người Millennials – thuộc thế hệ Y – tức người thuộc thế hệ sinh ra từ năm 1981 đến 1996. Đó không phải là một tình cờ.
Thị trưởng của thành phố South Bend, Indiana, không phải là người thuộc thế hệ Y duy nhất trong cuộc đua năm 2020 – Nữ nghị sĩ Hawaii Tulsi Gabbard cũng 37 tuổi – nhưng ông Buttigieg đang định vị mình là tiếng nói của giới trẻ. Như ông lưu ý, thế hệ của ông đã trưởng thành sau ngày 11/9, là những người đã chiến đấu trong các cuộc chiến tranh sau đó của Hoa Kỳ và phấn đấu tranh để có được một vị trí tài chánh ổn định trong bối cảnh sụp đổ của nền kinh tế năm 2008.
Trong khi cha mẹ già của họ, thế hệ Baby Boomers sau chiến tranh, có thể không quan tâm đến tác động lâu dài của các chính sách của Hoa Kỳ, ông Buttigieg nói Millennials sẽ phải đối phó với sự sụp đổ, hậu quả của các cuộc khủng hoảng ngày nay trong nhiều thập niên tới.
Ông Buttigieg bước vào cuộc đua với một lý lịch độc đáo. Ông là một cựu chiến binh đồng tính công khai của Chiến tranh Afghanistan và là một Học giả Rhode. Là thị trưởng của một thành phố ở giữa miền Tây, ông cho thấy mình có sức hấp dẫn với cử tri trong một khu vực giúp trao chức tổng thống cho Donald Trump.
Trình tự của thời gian đảm bảo Millennials sẽ điều hành mọi thứ vào một ngày nào đó. Một nhiệm kỳ tổng thống của Buttigieg là viễn ảnh khó thực hiện cho năm 2020, nhưng việc ứng cử của ông là một dấu hiệu của những điều sắp tới.
John Delaney
Là ai? Con trai của một thợ điện, đã có sáu năm làm dân biểu ở tiểu bang Maryland.
Nhận định của Anthony: Delaney là người chính thức đầu tiên tham gia vào cuộc tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020 khi ông tuyên bố ứng cử vào tháng 7 năm 2017. Cựu doanh nhân ngành công nghệ này tranh cử với nền tảng tập trung vào việc làm, giáo dục và cơ sở hạ tầng và khuynh hướng trở lại việc hợp tác lưỡng đảng.
Marianne Williamson
Là ai? Nhà tư vấn và nhà văn tâm linh, với hàng triệu người theo dõi qua Twitter.
Nhận định của Anthony: Bà Williamson là một nhà tổ chức từ thiện, cố vấn tinh thần và tác giả có sách bán chạy nhất, người xem Oprah Winfrey là người theo dõi nổi tiếng nhất của mình. Nếu cựu tỷ phú dẫn chương trình talkshow Oprah Winfrey không ứng cử, bà Williamson có thể có hy vọng chuyển một số người theo dõi ngôi sao của Oprah thành người ủng hỗ trợ cho nhiệm vụ chính trị của mình để “đào sâu hơn những câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt”.
Andrew Yang
Là ai? Một doanh nhân, 44 tuổi, sinh ra ở New York, cha mẹ người Đài Loan.
Nhận định của Anthony: Một doanh nhân công nghệ đang đề xuất chính phủ Hoa Kỳ trả “cổ tức tự do” 1.000 đô la một tháng cho tất cả người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 64 như một hình thức thu nhập cơ bản phổ quát để đối phó với tình trạng công ăn việc làm ít ̣đi vì mức tự động hóa tăng lên.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47208241

Thượng viện Mỹ có thể chuẩn thuận

ông William Barr làm Bộ trưởng Tư pháp

Ông William Barr, người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp, có thể sớm được Thượng viện chuẩn thuận, trong ngày thứ Tư 13/2.
Reuters đưa tin Thượng viện đã bỏ phiếu hôm 12/2 với 55 phiếu thuận, 44 phiếu chống, phần lớn theo lập trường của mỗi đảng, để thúc đẩy tiến trình đề cử ông Barr. Nguồn tin này cho rằng có nhiều khả năng ông Barr sẽ được chuẩn thuận để đảm nhiệm Bộ trưởng Tư pháp trong tuần này.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói cuộc biểu quyết chính thức có thể diễn ra vào ngày 13/2.
Nếu được chuẩn thuận, tính độc lập của ông Barr sẽ bị thử thách khi mà cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump hồi năm 2016 với Nga sắp đến hồi kết.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông với Moscow.
Ông Barr từng nói ông sẽ cho phép ông Mueller hoàn tất cuộc điều tra và trong khả năng có thể được, sẽ cho công bố kết quả điều tra tới mức tối đa.
Tuy nhiên, ông Barr không tuyên bố dứt khoát rằng ông sẽ công bố toàn bộ báo cáo của ông Mueller, gây quan ngại cho nhiều thành viên Đảng Dân chủ, bởi vì họ cho rằng dựa trên quan điểm rộng rãi của ông về quyền hành pháp, ông Barr có thể sẽ ỉm đi một số trích đoạn của báo cáo của công tố viên Mueller đề cập tới liệu ông Trump có cản trở cuộc điều tra hay không.
Phe Cộng hòa nói họ tin tưởng rằng trong khả năng có thể làm được, ông Barr sẽ công bố tối đa báo cáo điều tra.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-co-the-chuan-thuan-ong-william-barr-lam-bo-truong-tu-phap/4784845.html

Trump không hài lòng

về thỏa thuận an ninh biên giới mới đạt được

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba tỏ ra không hài lòng về một thỏa thuận của các nhà đàm phán Quốc hội về vấn đề an ninh biên giới vì nó không cấp tiền xây tường ở biên giới Mỹ-Mexico như ông mong muốn, nhưng ông không thằng thừng bác bỏ thỏa thuận trong khi phe Cộng hòa kêu gọi ông ủng hộ.
Trump, người đã kích hoạt vụ đóng cửa khoảng một phần tư chính phủ liên bang vào tháng 12 trong 35 ngày với đòi hỏi 5,7 tỉ đôla xây tường, nói ông vẫn chưa quyết định có ủng hộ thỏa thuận đạt được vào tối thứ Hai bởi bốn nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa và Dân chủ hay không.
Dù vậy, ông Trump tỏ ý cho biết ông không dự liệu một vụ đóng cửa chính phủ khác và một lần nữa gợi ý ông sẽ bỏ qua Quốc hội để xây dựng bức tường của ông. Ngân quỹ cho Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp và một loạt các cơ quan khác sẽ hết hạn vào ngày thứ Sáu này theo biện pháp chi tiêu tạm thời được Quốc hội thông qua vào tháng trước để chấm dứt vụ đóng cửa chính phủ liên bang lâu nhất trong lịch sử Mỹ.
“Tôi phải nghiên cứu nó. Tôi không hài lòng về nó,” ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng về thỏa thuận tài trợ tạm thời. Thỏa thuận sẽ cần phải được thông qua bởi Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và phải được ông Trump kí ban hành.
Thỏa thuận bao gồm các điều khoản an ninh biên giới và tiền cấp cho các cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng để hoạt động cho đến ngày 30 tháng 9, ngày kết thúc năm tài chính liên bang.
Phe Cộng hòa trong Quốc hội tỏ ra không mấy mặn mà với một vụ đóng cửa nữa sau khi họ bị chỉ trích nặng nề về vụ trước đó. “Tôi hi vọng ông ấy sẽ quyết định kí nó,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell nói với các phóng viên, dù ông Trump không có mọi thứ ông muốn. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng ca ngợi thỏa thuận.
Ông Trump gửi đi một thông điệp không rõ ràng về một vụ đóng cửa khác.
“Tôi không nghĩ là các bạn sẽ thấy một vụ đóng cửa,” ông Trump nói, nhưng nói thêm: “Nếu có thì đó là lỗi của phe Dân chủ.”
Các nguồn tin trong Quốc hội cho biết thỏa thuận này bao gồm 1,37 tỉ đôla cho hàng rào mới – bằng mức tiền cấp vào năm ngoái – dọc theo 55 dặm (90 km) biên giới nhưng chỉ với những thiết kế đang được sử dụng như hàng rào “cột thép.” Nó cũng giải quyết vấn đề sức chứa tại các cơ sở giam giữ người nhập cư, đặc biệt là số giường cho những người đang chờ bị trục xuất.
Ông Trump trước đây đã dọa sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu Quốc hội không cấp tiền dành riêng cho việc xây tường, một hành động mà theo đó ông có thể chuyển các nguồn ngân quỹ khác vốn được Quốc hội chuẩn thuận để chi trả cho việc xây tường. Các nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng đã nói với ông Trump một bước đi như vậy gần như chắc chắn sẽ khơi ra thách thức pháp lí tại tòa án.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-khong-hai-long-ve-thoa-thuan-an-ninh-bien-gioi-moi-dat-duoc/4784110.html

Mở mặt trận chống Iran và Nga,

chiến lược nguy hiểm của Mỹ và Ba Lan

Anh Vũ
Theo đề nghị của Mỹ, Ba Lan hôm nay mở hội nghị quốc tế để bàn về « tương lai hòa bình và an ninh của Trung Đông ». Tuy nhiên mục tiêu chính của diễn đàn ngoại giao quốc tế này lại nhằm vào Iran và Nga, hai đối thủ lớn của Washington và Vacxava. Các nhà phân tích đánh giá mục tiêu chiến lược của hai đồng minh Ba Lan và Mỹ là nguy hiểm có thể gây thêm xáo trộn địa chính trị trên thế giới và khoét sâu thêm mâu thuẫn trong phương Tây.
Đây là một diễn đàn quốc tế lớn, dự trù có sự tham dự của đại diện của 60 nước. Thế nhưng việc các lãnh đạo ngoại giao Pháp, Đức và Liên Hiệp Châu Âu vắng mặt chỉ cử đại diện ở cấp dưới tới dự hội nghị càng cho thấy mối bất đồng lớn giữa Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ kể từ khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái lập các trừng phạt Teheran.
Một quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ cho AFP biết mục tiêu của hội nghị là bàn về « ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, về cách thức góp phần đưa Iran đi theo hướng tốt nhất và cùng đẩy lùi một số hoạt động gây mất ổn định của Iran trong vùng ». Chiến lược tăng áp lực tối đa với Iran của Mỹ dường như không được nhiều nước hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài Israel, một số nước Ả Rập địch thủ của Iran và Mỹ, hầu hết các các nước khác đều ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015.
Trả lời phỏng vấn RFI, ông Robert Malley chủ tịch International Crisis Group, đánh giá việc chính quyền Trump gia tăng áp lực không ngừng với Iran là một chiến lược nguy hiểm:
« Tôi không biết hội nghị này ăn nhập với cái gì. Nếu ý tưởng là để gây thêm áp lực với Iran thì mục đích đạt được là gì và có nguy hiểm thế nào ? Cần phải suy nghĩ, nếu như các lãnh đạo tình báo Mỹ cho rằng nguy hiểm lớn nhất hiện nay là cuộc chạy đua hạt nhân thì đó chính là do Hoa Kỳ vi phạm thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nguy hiểm hiện nay là khi càng bị sức ép về kinh tế, chính trị, ngoại giao thì Iran lại càng tăng gấp bội các hoạt động trong vùng. Vậy người ta có thể duy trì sức ép với Iran, nhưng đó không phải là vấn đề. Điều cần thiết là phải trở lại theo như thỏa thuận hạt nhân. Châu Âu cố gắng để có thể tiếp tục trao đổi buôn bán với Iran là điều tốt. Cần phải theo đuổi đối thoại nghiêm túc với Iran, yêu cầu họ những điều cụ thể đồng thời với việc tạo cho họ có mối quan hệ ngoại giao riêng. Người ta đang theo chiến lược gây sức ép một chiều với vô số mục tiêu phi thực tế và nguy hiểm. »
Cùng lúc với hội nghị Vacxava, tại Teheran, Iran đã có ngay động thái thách thức chiến lược gây « áp lực tối đa » của Washington bằng cuộc triển lãm rầm rộ các loại vũ khí hặng nặng, trong đó đặc biệt có những tên lửa tầm xa.
Bị Mỹ lôi cuốn vào mặt trận chống Iran, Ba Lan, nước chủ nhà của hội nghị gây chia rẽ nhiều hơn là quy tụ này, có mục tiêu khác phục vụ chiến lược riêng. Ba Lan luôn có mối thâm thù với Nga, coi Nga như là mối đe dọa an ninh chủ yếu. Vacxava muốn chiều theo Mỹ, tổ chức hội nghị để đạt được mục tiêu chiến lược có được một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.
Ông Robert Czulda, chuyên gia về Iran thuộc đại học Lodz, Ba Lan cho rằng Ba Lan đứng trước 2 bên, một bên là Hoa Lỳ, một bên là Liên Hiệp Châu Âu. Cả hai phe đều đặt cho Ba Lan một câu hỏi về chính sách Iran là gì ? Đến lúc Hoa Kỳ yêu cầu Ba Lan phải lựa chọn, tất nhiên Ba Lan chọn Mỹ vì không phải Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm an ninh cho Ba Lan mà là NATO trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò chính.
Chạy theo Mỹ, Ba Lan toan tính chiến lược xa hơn là gây dựng vị thế đặc biệt trong chính sách châu Âu cũng như chính sách Nga của Mỹ. Có thể Ba Lan kỳ vọng nhờ vào Mỹ để có được thanh thế của một nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu, trong NATO hay Vacxava chơi kế sách « cáo mượn oai hùm » để đối phó với Nga ?
Châu Âu đã chứng kiến mỗi khi có động thái NATO hay Liên Âu mở rộng vòng ảnh hưởng về biên giới phía đông là Nga đã phản ứng ra sao. Những biến động ở Ukraina là thí dụ điển hình. Một căn cứ quân sự Mỹ đặt ở Ba Lan, tất nhiên Nga sẽ không để yên. Đó sẽ là nước cờ nhiều rủi ro cho Ba Lan và châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190213-mo-mat-tran-chong-iran-va-nga-chien-luoc-nguy-hiem-cua-my-va-ba-lan

Không có Hưu chiến Mỹ-Hoa

Nguyễn Xuân Nghĩa
Tuần này, phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ lại đàm phán để tránh một trận thương chiến giữa hai nước. Nhưng việc hưu chiến nếu có thì cũng khó bền vì nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn giữa hai nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao…
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên sau Tết Kỷ Hợi 2019. Thưa ông, tuần này các thị trường trên thế giới đều theo dõi những mâu thuẫn đa diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà nổi bật nhất là mâu thuẫn kinh tế trong các tranh chấp ông gọi là “thương chiến” giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới, vì sẽ chi phối sinh hoạt kinh tế của các nước khác. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nghĩ sao về kết quả đàm phán giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng Chính quyền Hoa Kỳ gặp bất lợi về chiến thuật nên Tổng thống Donald Trump cần tìm một thành quả biểu kiến, nhưng điều ấy không bền vì có nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn nằm trong luồng giao dịch giữa đôi bên trong khi Chính quyền Trung Quốc mới thật sự gặp khó khăn từ cơ cấu, thuộc loại chiến lược. Cho nên, nếu hai nước có đạt một số đồng thuận sau hai ngày hội họp trong tuần này, chúng ta chưa nên vội mừng. Câu chuyện phức tạp hơn những gì người ta có thể thấy trên mặt nổi, ở bề ngoài.
Thanh Trúc: Như vậy, chúng ta sẽ đi từng bước để tìm hiểu về sự phức tạp này. Vì sao ông cho rằng sự đồng thuận nếu có giữa đại biểu của hai nước chỉ có giá trị biểu kiến, tượng trưng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tổ chức Trade Partnership Worldwide vừa công bố một nghiên cứu về kịch bản thương chiến toàn diện giữa hai nước (https://tradepartnership.com/wp-content/uploads/2019/02/All-Tariffs-Study-FINAL.pdf) theo đó kinh tế Mỹ sẽ giảm đà tăng trưởng hơn một điểm bách phân – thí dụ như thay vì tăng 3% một năm thì chỉ còn 2% – và bình quân thì lợi tức của các hộ gia đình Hoa Kỳ mất 2.294 đô la một năm, mà kinh tế Mỹ mất hai triệu việc làm. Trong một xứ dân chủ, phí tổn kinh tế đó là một vấn nạn chính trị cho Chính quyền Trump khi nước Mỹ lại có tổng tuyển cử vào năm tới.
- Có thể là vì vậy mà phía Hoa Kỳ bắn ra tín hiệu là ông Trump muốn có thượng đỉnh vào Tháng Ba với Tổng bí thư Tập Cận Bình để tránh một trận chiến thương mại chắc chắn là có tổn thất khi Hoa Kỳ đòi áp thuế thêm 25% trên 267 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ, tức là tăng thuế lên mọi mặt hàng của Trung Quốc. Tôi gọi đó là một bất lợi về chiến thuật với hậu quả tai hại về dài vì mâu thuẫn giữa đôi bên sâu xa hơn người ta có thể nghĩ.
Thanh Trúc: Trước khi nói tới những mâu thuẫn sâu xa đó, Thanh Trúc xin được hỏi ông về những khó khăn ông gọi là chiến lược của lãnh đạo Bắc Kinh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế Trung Quốc đi hết chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau 30 năm cải cách kể từ 1979 và đã gặp nhiều khó khăn ngày càng dồn dập nhưng Tổng bí thư Tập Cận Bình không giải quyết nổi dù đã tập trung tối đa quyền lực vào trong tay. Ông ta không có nhu cầu tái tranh cử mà thật ra vẫn bị quần chúng và thị trường phê phán nên có thể nhượng bộ phía Hoa Kỳ để mua thời gian khắc phục các nan đề trong nội bộ. Khi cơ cấu kinh tế xã hội lâm nguy, việc hưu chiến với Mỹ là yêu cầu ngắn hạn, chứ về dài thì vấn đề nằm trong nội tình Trung Quốc.
- Thứ nhất, đà tăng trưởng sa sút, thực tế chẳng lên tới 6,6% như họ nói mà vẫn là mức thấp nhất từ ba chục năm nay; thứ hai, các biện pháp kích thích chỉ là liều thuốc ngoài da, như giảm thuế cho tiểu doanh nghiệp và sinh viên vừa tốt nghiệp và cho giới cùng khốn; thứ ba, lại tiếp tục bơm tiền cấp cứu các xí nghiệp đang vỡ nợ; sở dĩ như vậy vì nạn thất nghiệp và biểu tình phản đối của công nhân đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhất là tại khu vực duyên hải miền Đông là nơi giao dịch với thế giới bên ngoài. Sau cùng, ta không nên quên bối cảnh quốc tế là kinh tế thế giới có thể bị nạn suy trầm trong năm tới, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa cảnh báo.
Thanh Trúc: Ông có nêu hai ý kiến hơi bất ngờ, thứ nhất là lãnh đạo một xứ dân chủ như Hoa Kỳ phải nhìn vào tấm lịch bầu cử mà có khi sẽ nhượng bộ, nhưng lãnh đạo một xứ độc tài như Trung Quốc lại có một bài toán khác còn trầm trọng hơn trong nội tình của mình. Khán thính giả của chúng ta có thể muốn ông giải thích thêm về chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu thêm một ý thứ ba để chúng ta cùng hiểu ra chuyện đó.
- Trong Tháng 12 vừa qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ bị dao động mạnh vì một số lý do, trong đó có trận thương chiến Mỹ-Hoa sau vụ hưu chiến giữa lãnh tụ hai nước hôm mùng một. Thị trường mà dao động là chính trường phải quan tâm vì sẽ bị quần chúng luận công hay tội. Vì sao lại như vậy? – Vì vai trò của khu vực tư nhân.
- Tổng sản lượng kinh tế của Mỹ là khoảng 19 ngàn tỷ đô la một năm, kết số thị trường chứng khoán Mỹ tại New York là 28 ngàn tỷ, tức là cao hơn GDP tới 50%. Kinh tế Trung Quốc sản xuất chừng hơn 12 ngàn tỷ đô la một năm mà thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ có chừng hơn bốn ngàn tỷ, chưa bằng một phần ba GDP. Điều ấy cho thấy sức mạnh của khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ so với Trung Quốc và cổ phiếu Thượng Hải có mất giá 25% trong năm qua chẳng thấy ai oán! Nếu nhìn về dài thì đấy mới là thực lực kinh tế của hai nước và việc chế độ dân chủ phải quan tâm đến ý dân mới là ưu thế trường kỳ dù có bất lợi ngắn hạn….
Thanh Trúc: Nói về ưu thế trường kỳ và Thanh Trúc xin nêu câu hỏi khác, thưa ông. Lãnh đạo Bắc Kinh tất nhiên có biết nhược điểm chiến lược của Trung Quốc và tìm cách sửa sai, vì sao họ không sửa được để lâm vào tình trạng nghiêm trọng ngày nay nên phải tìm cách hưu chiến với Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây mới là mấu chốt của mâu thuẫn giữa đôi bên.
- Kinh tế Trung Quốc có lợi thế là dân số đông và nhân công rẻ nên đạt tăng trưởng cao sau 30 năm cải cách với trọng tâm là đầu tư mạnh để chế biến mặt hàng tiêu dùng với giá rẻ và ào ạt bán ra ngoài. Nhưng lợi thế đó hết còn vì dân số bị lão hóa sẽ co cụm mà nhân công cũng không còn rẻ. Trong khi đó, từ thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo hơn chục năm trước, lãnh đạo Bắc Kinh đã nói tới nhược điểm kinh tế của Trung Quốc là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Nhưng họ không thể cải cách nổi và khi kinh tế thế giới bị nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 thì lại theo phương pháp của kinh tế gia John Maynard Keynes mà ào ạt bơm tiền, trong một hệ thống chính trị Mác-xít là lãnh đạo khỏi bị trách nhiệm gì với thần dân. Kết quả là một núi nợ vĩ đại và cả trăm cái bẫy xập về tài chính chưa nói tới cái bẫy về lợi tức thấp. Lên lãnh đạo từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình muốn cải cách nên tập trung quyền lực để thanh lọc và thanh trừng các xu hướng đối nghịch qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng vốn dĩ là thuộc tính của các chế độ độc tài.
- Năm 2015, Bắc Kinh mới công bố nhiều kế hoạch công nghiệp hóa đầy tham vọng, nổi bật nhất là kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025”, theo Anh ngữ là “Made in China 2025”, là một kế hoạch 10 năm đầu để lên trình độ công nghiệp tiên tiến nhất vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Đáng tiếc là quần chúng Mỹ lại ít biết về kế hoạch này, tưởng như là tài liệu tuyên truyền, chứ thật ra Tồng bí thư Tập Cận Bình muốn ra khỏi chiến lược sử dụng dân số đông và nhân công rẻ nhằm bắt kịp Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mới là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.
Thanh Trúc: Xin đề nghị ông trình bày thêm về cái kế hoạch Made in China mà ông gọi là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ban đầu thì kế hoạch này có vẻ mơ hồ và duy ý chí nên được coi như một tài liệu tuyên truyền. Khi gặp phản ứng nghi ngờ của nhiều nước thì Bắc Kinh tránh nói tới nội dung mà vẫn tiến hành trong thực tế và nay là mâu thuẫn trầm trọng nhất với nước Mỹ. Bắc Kinh không thể nào làm khác nếu muốn có một bước nhảy vọt lên một trình độ công nghiệp cao hơn.
- Về nội dung, kế hoạch Made in America nhắm vào 10 khu vực ưu tiên có phần đóng góp của nội địa lên tới 70% vào năm 2025. Các khu vực đó là 1/ Công nghệ Tin học mới; 2/ Thiết bị tự động điều khiển bằng máy tính và người máy tự động hay robots; 3/ Kỹ nghệ hàng không và không gian; 4/ Thiết bị hải dương và công nghiệp đóng tầu; 5/ Thiết bị hỏa xa cao cấp và cao tốc; 6/ Tiết kiệm năng lượng và ráp chế xe hơi chạy bằng điện; 7/ Sản xuất điện lực sạch; 8/ Sản xuất nông cơ nông cụ; 9/ Tìm ra và sản xuất vật liệu tiên tiến; và 10/ Sản xuất dược phẩm nhờ sinh học và dụng cụ y khoa có công hiệu cao hơn.
Thanh Trúc: Nhưng mọi quốc gia đều có thể đề ra những mục tiêu ưu tiên như vậy, thưa ông, vì sao Kế hoạch Made in China 2025 lại là vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là mọi quốc gia, như Nhật Bản, Nam Hàn ngày xưa hay nước Đức vào năm 2011 đều có loại kế hoạch công nghiệp hóa như vậy. Nhưng trường hợp của Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Ta không nên quên là tại Trung Quốc thì đảng Cộng sản, nhà nước, các doanh nghiệp, đại học hay trung tâm nghiên cứu đều “nhất thể hóa”, là một tập thể hợp nhất dưới sự chỉ đạo của đảng. Thí dụ cụ thể và nóng bỏng là công ty nặc danh Huawei Hoa Vi, nó không là một doanh nghiệp tư nhân như người ta nghĩ. Thứ nữa, nội dung có vẻ hiền hòa đó lại che giấu phương pháp gian trá là bắt ép để ăn cắp hay ăn cướp công nghệ của thiên hạ khi làm ăn với các nước. Thứ ba, lãnh đạo Bắc Kinh không từ bỏ tinh thần đấu tranh nên sử dụng mọi công nghệ hay thuật lý tiên tiến nhất vào mục tiêu an ninh và quân sự không chỉ cho mục tiêu tự vệ mà còn trong mục tiêu tấn công vào “không gian điện não” hay “cyberspace” của thiên hạ. Ngoài hồ sơ kinh tế, cách cư xử của Bắc Kinh với khu vực tư doanh hay việc họ đàn áp đối lập vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay chính trị đang là vấn đề được thế giới quan tâm và báo động. Vì vậy, mâu thuẫn với Hoa Kỳ không gói tròn vào thuế nhập nội mà vào cách hành xử của Bắc Kinh và Chính quyền Trump có thể tận dụng luật lệ Hoa Kỳ mà đòi Trung Quốc phải thay đổi nhiều hơn.
Thanh Trúc: Ông kết luận thế nào về mâu thuẫn này giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong tình trạng phân cực chính trị hiện nay tại Hoa Kỳ, điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa lại là đối sách cứng rắn với Bắc Kinh. Hoa Kỳ mất cả năm đàm phán với Trung Quốc và thực ra đang có thế mạnh để đòi Bắc Kinh cải cách cơ chế kinh tế và chính trị của họ theo chuẩn mực bình thường của các nước văn minh. Vì lý do chính trị ngắn hạn, Chính quyền Trump có thể ra vẻ tin tưởng vào nhượng bộ và cam kết của Trung Quốc, nhưng cẩn kiểm chứng và gia tăng sức ép thì mới khiến Bắc Kinh thay đổi.
- Kết luận của tôi là Hoa Kỳ đã đánh giá sai bản chất của Trung Quốc trong nhiều thập niên trải qua bảy đời Tổng thống, kể từ Jimmy Carter. Ông Trump đang có cơ hội sửa sai nên sẽ lại sai nữa nếu muốn tìm thảnh quả chính trị ngắn hạn.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/no-sino-us-trade-deal-02122019115629.html

Góc khuất cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Mỹ xác nhận kế hoạch theo đuổi việc dẫn độ Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc – bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ – trước thời hạn chót 30-1. Vụ Huawei đang cho thấy rõ hơn hành động có chủ ý của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi việc dẫn độ bị can, bà Mạnh Vãn Chu và sẽ đáp ứng tất cả về thời hạn chót đặt ra trong Hiệp ước Dẫn độ Mỹ-Canada”.
Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Canada, Washington có 60 ngày để chính thức hóa thủ tục dẫn độ sau khi một lệnh bắt giữ được thực hiện theo đề nghị của Mỹ ở Canada. Một khi đề nghị dẫn độ được đệ trình, Bộ Tư pháp Canada có 30 ngày để bắt đầu các thủ tục dẫn độ chính thức, dù tiến trình này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Ngay sau khi phía Mỹ ra tuyên bố trên, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng điều tra bà Mạnh Vãn Chu. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh kêu gọi Washington “sửa sai ngay lập tức”, đồng thời khẳng định nếu Mỹ thực sự tiến hành việc dẫn độ, Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa.
Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng kêu gọi Canada ngay lập tức trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu bởi vụ việc liên quan đến bà Mạnh “rõ ràng không phải là một vụ án tư pháp thông thường”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Canada và Mỹ đã làm tổn hại đáng kể “sự an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”.
Cùng thời điểm này, giới chức Mỹ đang mở rộng cuộc điều tra hình sự nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Tư pháp nước này đang xem xét các cáo buộc liên quan tới việc Huawei đánh cắp bí mật thương mại của các đối tác kinh doanh Mỹ, trong đó có thiết bị robot do T-Mobile sản xuất được sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh.
Có thể thấy, vụ việc đang được “xé” ra to phản ánh một khía cạnh khác của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung ngày một quyết liệt.
Giáo sư danh dự Đới Hồng Siêu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính trị Đại học Detroit Mercy, cũng khẳng định quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung. Ông Đới cho biết, trong cuộc chạy đua này, phía Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt và có xu thế vượt Mỹ. Bởi, trong 20 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc có 9, Mỹ có 11; năm 2018, Trung Quốc có 40 lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, lần đầu vượt Mỹ.
Về mạng internet thế hệ 5 (5G), từ năm 2015, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ 24 tỷ USD. Trung Quốc hiện có 350.000 trạm truyền phát sóng 5G, còn Mỹ mới có 30.000 trạm.
Theo ông, trên phương diện công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Mỹ nhưng việc Trung Quốc vượt Mỹ sẽ là tương lai gần, nhất là khi xem xét số liệu về đầu tư nghiên cứu phát triển (RD) vì RD là động lực chủ yếu quyết định tương lai của phát triển công nghiệp.

Năm 2016, Trung Quốc đầu tư 410,2 tỷ USD cho RD với 3 triệu nhân lực, còn Mỹ đầu tư 464,3 tỷ USD với 2,9 triệu nhân lực. Viện Công nghệ Massachusetts dự tính qua năm 2018-2019, đầu tư RD của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao là tổng mục tiêu của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.
Chiến lược này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015, tới nay đã thực hiện được khoảng 3 năm, với tham vọng trong 10 năm làm thay đổi ngành công nghiệp Trung Quốc từ chỗ “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” thành “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”. Chắc chắn những thay đổi mà chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” mang đến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Mỹ và nước Mỹ đang thực sự lo lắng, tới mức mất tự tin.
Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” nhưng đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 337 tỷ USD so với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn. Đó là chưa nói tới công nghệ cao phát triển sẽ dẫn tới sự thay đổi về thực lực quân sự và thực lực sản xuất quốc phòng của Trung Quốc.
Nhằm đối phó với nguy cơ trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh điều hành mới ngay đầu năm 2019, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Sắc lệnh điều hành này, vốn được chuẩn bị suốt 8 tháng qua sẽ trực tiếp chỉ đạo Bộ Thương mại ngăn cản các công ty Mỹ mua thiết bị từ các nhà sản xuất viễn thông nước ngoài vì những rủi ro đe dọa nền an ninh quốc gia. Phía Mỹ cho rằng các công ty này làm việc theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc và các thiết bị của họ có thể được sử dụng cho các hoạt động gián điệp ở Mỹ.
Sắc lệnh này sẽ viện dẫn Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), cho phép tổng thống có quyền đưa ra những điều chỉnh về thương mại để phản ứng với một tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là một vấn đề cấp bách trong bối cảnh các nhà mạng không dây của Mỹ đang tìm kiếm đối tác để chuẩn bị áp dụng mạng di động không dây 5G thế hệ tiếp theo.
Câu hỏi là vì sao Mỹ “đánh” Huawei vào lúc này? Ngay từ năm 2012, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Theo một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Huawei đặt ra một mối đe dọa cho an ninh Mỹ vì sản phẩm của Huawei có thể bị sử dụng vào mục tiêu gián điệp. Thế nhưng, đến đầu tháng 12-2018, Mỹ mới ra “đòn”.
Tom Holland – một nhà báo kỳ cựu về châu Á cho rằng, đây là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung. Theo nhận định phổ biến ở Washington, vì Huawei là một tập đoàn thương mại thành công nhưng cũng phục vụ mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp, một cánh tay nối dài của tình báo quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó chỉ là những tin cũ. Theo một viên chức tình báo phương Tây, các cơ quan gián điệp phương Tây từ lâu đã biết được vai trò thu thập thông tin của Huawei và đã “tương kế tựu kế” để cung cấp thông tin sai lệch cho Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26182-goc-khuat-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung.html

Mỹ ý thức rõ mối đe dọa chiến lược

 từ ‘Vành đai, Con đường’ của TQ

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa có báo cáo kết luận những kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh như “Vành đai, Con đường”, Made in China 2025 đe dọa lợi ích chiến lược của Washington.
Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng quân sự lớn mạnh, bên cạnh phát triển thương mại và mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng để theo đuổi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tham vọng này của Trung Quốc được đánh giá là mối đe dọa an ninh với Mỹ và các đồng minh, bên cạnh sự ảnh hưởng đến những hành lang kinh tế quốc tế.
Được công bố vào ngày 14/1, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đến những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự và phi quân sự của Trung Quốc, như dự án “Vành đai, Con đường” và kế hoạch Made in China 2025. Báo cáo cũng đánh giá ý nghĩa và sức ảnh hưởng của những dự án này đến Mỹ và các nước trên thế giới.
Tích cực sử dụng ZTE, Huawei
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nêu mối lo ngại về đầu tư kinh tế và cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, cùng với việc mua lại công nghệ quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt cảnh báo về sáng kiến “Vành đai, Con đường”, kế hoạch đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới thương mại xuyên lục địa do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Washington cho rằng “con đường tơ lụa kỹ thuật số thế kỷ 21” được thiết kế để phục vụ những mục đích chiến lược lớn hơn.
Giống với những chỉ trích trước đó về những “khoản vay thôn tính” và chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu lên 17 trường hợp các dự án được đầu tư bởi Trung Quốc đã gây ảnh hưởng xấu đến nước chủ nhà.
“Việc Trung Quốc cố gắng giành quyền phủ quyết của các quốc gia khác, và thực hiện biện pháp ép buộc với đồng minh và đối tác của Mỹ, sẽ đe dọa đến thế đứng và khả năng tiếp cận của Mỹ, nếu không được giải quyết”, bản báo cáo cho biết.
Kế hoạch “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” được Chủ tịch Tập công bố vào tháng 5/2017 với tham vọng tăng cường kết nối khu vực trong nền kinh tế số. Dự án này ít được chú ý hơn so với sáng kiến “Vành đai, Con đường” hay kế hoạch “Made in China 2025”.
Bắc Kinh công bố rất ít chi tiết về kế hoạch này, nhưng ông Tập tuyên bố sáng kiến này cần có sự hợp tác và phát triển ở các khu vực “tiền tuyến” của thời đại công nghệ, như nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và máy tính lượng tử, cũng như các lĩnh vực khác như big data, điện toán đám mây và thành phố thông minh.
Báo cáo cho biết Bắc Kinh đang tích cực sử dụng các doanh nghiệp nhà nước hoặc có liên kết với nhà nước, bao gồm China Telecon, China Unicom, China Mobile, Huawei và ZTE để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng tốc trong cuộc đua giành vị thế siêu cường công nghệ với Mỹ.
Tham vọng chạy đua quân sự
Văn bản này của Lầu Năm Góc được đưa ra cùng thời điểm với đánh giá khác của Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA), trong đó nói tới nỗ lực phát triển những loại vũ khí tiên tiến của Bắc Kinh như máy bay ném bom hạt nhân và hệ thống cảnh báo sớm từ vũ trụ. DIA nhận định điều này cho thấy tham vọng trở thành cường quốc quân sự toàn cầu của Trung Quốc.
Binh sĩ Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA. Ảnh: Reuters.
Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chuyển trọng tâm chính sách an ninh Mỹ từ chống khủng bố sang cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc. Từ đó tới nay, Nhà Trắng đã có nhiều bước đi để hiện thực hóa chính sách này, trong đó có việc phát động cuộc chiến thương mại.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Trung Quốc đã thực hiện việc mở rộng đáng kể năng lực quân sự ở những khu vực có tranh chấp như Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng họ cũng mở rộng thêm các hoạt động quân sự ở Trung Quốc đại lục”.
Việc theo đuổi tham vọng cải thiện năng lực quân sự toàn cầu được thúc đấy bởi nhiệm vụ mới của quân Giải phóng Nhân dân (PLA): bảo vệ lợi ích ở nước ngoài bằng việc thay đổi cách tiếp cận với các xung đột tiềm tàng dọc theo ngoại vi hàng hải”, báo cáo nhận định.
Bản báo cáo của Lầu Năm góc phản ánh những quan điểm diều hâu bên trong chính quyền Tổng thống Trump. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan gần đây đã kêu gọi nỗ lực nhằm “cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh của Mỹ”.
Washington thiếu rõ ràng về chính sách
Mặc dù năm nay là mốc kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, tình cảm giữa Washington và Bắc Kinh lại không hề nồng ấm, với những nghi ngờ và sự mất lòng tin của cả hai bên.
Dẫu hai phía đã thỏa thuận tạm dừng không leo thang cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, ông Trump không hề cho thấy dấu hiệu sẽ mềm mỏng hơn với Trung Quốc trong cách tiếp cận của mình.
Mặc dù cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Một báo cáo khác do Viện Brookings công bố thể hiện sự hoài nghi về chính sách của Nhà Trắng dưới thời ông Trump với Bắc Kinh.
Bài viết của Viện Brookings nhận định các mục tiêu của chính quyền ông Trump là không rõ ràng. Có một sự nhập nhằng trong việc Mỹ muốn buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình trong các lĩnh vực được quan tâm cụ thể, giải quyết vấn đề kinh tế Mỹ từ Trung Quốc thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hay chỉ đơn giản là cản trở Trung Quốc trỗi dậy.
Bài viết trên được thực hiện bởi ông Jeffrey Bader, cố vấn châu Á cho hai đời tổng thống Mỹ (Clinton, Obama) cùng cộng sự, trong bài viết có đoạn: “Có rất ít sự rõ ràng từ chính quyền Trump về chiến lược để đạt được các mục tiêu… Những tuyên bố của họ chỉ bày tỏ một thái độ, chứ không phải một chiến lược”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26180-my-y-thuc-ro-moi-de-doa-chien-luoc-tu-vanh-dai-con-duong-cua-tq.html

Đặc sứ Mỹ, Trung hội đàm trước khi

TT Trump ra quyết định về thuế suất

Các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần này sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh để bàn các vấn đề mà Tổng thống Donald Trump nói sẽ giúp ông quyết định liệu có nên mạnh tay hơn hay không trong cuộc tranh chấp công nghệ với Bắc Kinh bằng cách tăng thuế suất trên 200 tỷ đôla hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 2/3.
Hãng tin AP dẫn lời các nhà kinh tế và doanh nhân nói rằng hai ngày đàm phán bắt đầu từ thứ Năm 14/2, không cho hai bên đủ thời gian để giải quyết cuộc chiến về các tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, đang có nguy cơ kéo dài, làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia tin rằng mục tiêu của Trung Quốc là đạt được tiến bộ vừa đủ để thuyết phục ông Trump gia hạn thêm hạn chót để có thời giờ thương thuyết.
Theo ông Louis Kuijs thuộc Viện nghiên cứu Oxford Economics thì mục tiêu nhắm đến của Bắc Kinh trong tuần này là thuyết phục ông Trump “hủy bỏ lời đe dọa áp thuế bổ sung, lâu chừng nào tốt chừng đó,” đi kèm với những đòi hỏi tối thiểu.
Vào tháng 12, ông Trump ra thỏa thuận tạm hoãn việc tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc cho đến ngày 1/3 trong khi hai bên tiếp tục đàm phán. Sau thời hạn này, mức thuế suất 10% áp đặt vào hồi tháng 7 đối với 200 tỷ đôla hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ tăng lên 25%.
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù không thực sự muốn gia hạn mốc ngày 2/3, nói rằng ông có thể xem xét việc dời lại “đôi chút” thời hạn này nếu các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc diễn ra tốt đẹp. Trước đó, Tòa Bạch Ốc miêu tả hạn chót 2/3 là “chắc như đinh đóng cột.”
Phái đoàn Hoa Kỳ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu. Ông Lighthizer nói ưu tiên của ông là chính sách công nghiệp của Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ lần thứ hai của ông Lưu với ông Lighthizer sau cuộc đàm phán tháng trước tại thủ đô Washington.
Các nhà đàm phán cho biết bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải do ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình quyết định. Vào tuần trước, ông Trump cho biết ông và ông Tập có kế hoạch gặp nhau, nhưng không thể trước ngày 1/3.
Tờ The South China Morning Post của Hong Kong đưa tin hôm 11/2 rằng cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ có thể diễn ra vào cuối tháng 3 trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Trong khi đó trang Axios loan tin rằng các địa điểm mà hai ông có thể gặp nhau có thể là Bắc Kinh hoặc khu nghĩ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida, nơi hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào tháng 4 năm 2017.
https://www.voatiengviet.com/a/dac-su-my-trunh-hoi-dam-truoc-khi-tt-trump-ra-quyet-dinh-ve-thue-suat/4784874.html

TT Trump có thể gia hạn

đàm phán thương mại với Trung Quốc

Trọng Thành
Đúng vào lúc phái đoàn Mỹ đang có mặt tại Bắc Kinh, để thương lượng với Trung Quốc nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng song phương hiện nay, hôm qua 12/02/2019, tổng thống Donald Trump tuyên bố chấp nhận đẩy lùi « một chút » hạn chót mùng 01/03.
Theo Reuters, trong một cuộc họp chính phủ với sự tham gia của báo giới, tổng thống Hoa Kỳ khẳng định là hiện tại đàm phán đang diễn tiến « rất tốt », ông Donald Trump hy vọng hai bên sẽ có được một « thỏa thuận thực thụ ». Và để đạt được mục tiêu này, tổng thống Trump sẵn sàng chấp nhận đẩy lùi hạn chót, cho dù đây không phải là điều thực sự mong muốn.
Ông Donald Trump cũng bày tỏ mong muốn gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình để chính thức ký kết thỏa thuận, vào một thời điểm thích hợp.
Trước phát biểu hôm nay của tổng thống Trump, nhiều cố vấn Hoa Kỳ thường xuyên nhấn mạnh là ngày 01/03 là « hạn chót bất di bất dịch ». Về nguyên tắc, theo Washington, nếu Mỹ – Trung không đạt thỏa hiệp trước 5 giờ, giờ quốc tế, ngày 02/03, Hoa Kỳ có thể nâng mức thuế, từ 10% hiện nay lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc có thể tăng thuế đối với với 60 tỉ hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Về cuộc đàm phán Mỹ-Trung, đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin sẽ tham gia trực tiếp vào các thương lượng với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), cố vấn kinh tế chính của chủ tịch Trung Quốc, trong hai ngày, thứ Năm 14/02 và thứ Sáu 15/02.
Theo South China Morning Post, ngày thứ Sáu tới, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tiếp hai bộ trưởng Mỹ. Nhật báo Hồng Kông – dựa trên một nguồn tin thân cận với hồ sơ này – nhấn mạnh là một cuộc gặp này là một tín hiệu tốt
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190213-dam-phan-voi-trung-quoc-tt-trump-chap-nhan-day-lui-%E2%80%98%E2%80%98mot-chut%E2%80%99%E2%80%99-han-chot-mung-13

Trùm ma túy khét tiếng ‘El Chapo’ bị kết tội ở Mỹ

Trùm băng đảng ma tuy khét tiếng nhất thế giới, Joaquin “El Chapo” Guzman, người đã vươn lên từ đói nghèo ở vùng nông thôn Mexico để trở thành đại gia thu thập hàng tỉ đôla, đã bị kết tội tại tòa án ở Mỹ hôm thứ Ba về tội buôn lậu ma túy vào Mỹ trong một sự nghiệp đầy bạo lực kéo dài hàng chục năm.
Các bồi thẩm viên tại tòa án liên bang ở quận Brooklyn của thành phố New York khép Guzman, 61 tuổi, người cầm đầu Băng Sinaloa, vào tất cả 10 tội danh do các công tố viên liên bang đưa ra.
Richard Donoghue, Công tố viên Hoa Kỳ của Khu vực Đông New York, nói với báo giới rằng ông hi vọng Guzman sẽ nhận án tù chung thân không được tha bổng khi bị kết án vào ngày 25 tháng 6.
Guzman, một trong những nhân vật chính trong các cuộc chiến ma túy hoành hành ở Mexico từ năm 2006, gần như trở thành huyền thoại khi hai lần trốn thoát khỏi nhà tù an ninh cao ở Mexico và tránh được các cuộc truy nã rầm rộ. Ông ta đã tạo dựng hình tượng của mình như một Robin
Guzman, người mà biệt danh “El Chapo” có nghĩa là “Gã lùn,” bị dẫn độ về Mỹ để xét xử vào năm 2017 sau khi ông ta bị bắt ở Mexico một năm trước đó.
Mặc dù các nhân vật cao cấp khác trong băng đảng đã bị dẫn độ trước đó, Guzman là người đầu tiên ra tòa thay vì tuyên bố có tội.
Phiên tòa kéo dài 11 tuần, với lời khai từ hơn 50 nhân chứng, hé lộ những điều chưa từng biết về cách thức hoạt động nội bộ của Băng Sinaloa, được đặt theo tên bang ở phía tây bắc Mexico, nơi Guzman sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó miền núi.
Chính phủ Mỹ nói Guzman đã buôn lậu hàng tấn cocaine, heroin, cần sa và methamphetamine vào Mỹ trong hơn hai thập niên, củng cố quyền lực của ông ta ở Mexico thông qua các vụ giết người và chiến tranh với các băng đảng đối thủ.
Với tầm vóc nhỏ bé, những chiến tích buôn lậu của Guzman, những hành động bạo lực mà ông ta sử dụng và quy mô hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của ông ta khiến Guzman trở thành trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới kể từ Pablo Escobar của Colombia, người bị cảnh sát bắn chết vào năm 1993.
https://www.voatiengviet.com/a/trum-ma-tuy-khet-tieng-el-chapo-bi-ket-toi-o-my/4784118.html

Venezuela: Juan Guaidó

thề đưa viện trợ vào hôm 23/2

Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó nói với hàng vạn người ủng hộ ông rằng viện trợ nhân đạo sẽ được đưa vào, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Nicolás Maduro.
Ông cũng nói trong một cuộc tập hợp ở Caracas rằng “kẻ tiếm quyền [Maduro] phải rời đi”.
Maduro gọi chính phủ Donald Trump là ‘cực đoan’
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Venezuela: Tại sao một số nước ủng hộ Maduro?
Venezuela rồi sẽ ra sao với hai tổng thống?
Ông Maduro trước đó nói với BBC rằng ông cho phép viện trợ vào nước vì đó là cách để Mỹ lấy cớ can thiệp quân sự.
Chính phủ Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây đã công nhận ông Guaidó là tổng thống lâm thời.
Ông Maduro, người được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn, đang chịu áp lực ngày càng tăng về cuộc bầu cử tổng thống sớm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ, cáo buộc tham nhũng tràn lan và vi phạm nhân quyền.
Ông Guaidó nói gì?
Ông Guaidó nói với những người ủng hộ rằng viện trợ nhân đạo sẽ được đưa vào Venezuela hôm 23/2.
“Gần 300.000 người Venezuela sẽ chết nếu viện trợ không vào được. Gần hai triệu người đang có nguy cơ về sức khỏe.”
Tuần trước, những chiếc xe tải đầu tiên chở viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ cho Venezuela đã đến thành phố Cúcuta, Colombia, nằm ở biên giới với Venezuela.
Những chiếc xe này đậu gần cầu Tienditas, nơi bị quân đội Venezuela chặn đường.
Ông Maduro nói gì với BBC?
Trả lời phóng viên Orla Guerin của BBC, ông Maduro gọi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “băng đảng cực đoan” và đổ lỗi cho nước Mỹ vì cuộc khủng hoảng tại nước ông.
Ông cũng nhắc lại rằng sẽ không cho phép viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ vào Venezuela.
“Họ hiếu chiến để chiếm lấy Venezuela,” ông nói.
Ông Maduro – người vẫn nhận được sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc và nhất là từ quân đội Venezuela – cho biết ông không thấy cần phải có cuộc bầu cử tổng thống sớm.
“Logic để tổ chức lại một cuộc bầu cử là gì?” ông đặt hỏi.
TQ lo ngại tiền đầu tư vào Venezuela thời Maduro
Phe đối lập Venezuela ‘gặp gỡ quân đội’
Venezuela: ‘Lương mua được hai quả trứng’
Venezuela: 2.000 tướng hưởng nhiều đặc quyền
Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đã xấu đi trước khi chính quyền Trump trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ ông Guaidó làm lãnh đạo lâm thời.
Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao để đáp trả trong khi ông Trump nói rằng việc can thiệp quân sự là “một lựa chọn”.
Hoa Kỳ, vốn cáo buộc chính phủ Maduro vi phạm nhân quyền và tham nhũng, tạo áp lực quốc tế buộc tổng thống Venezuela phải từ chức.
Họ áp một loạt các biện pháp cấm vận nhắm vào nước này và công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA, nhằm đánh vào nguồn thu chính của Venezuela.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ của ông Maduro, hạn chế việc xuất hàng hóa Venezuela vào thị trường Hoa Kỳ và ngăn chặn các giao dịch vàng của nước này.
Trả lời nhà báo BBC Orla Guerin ở thủ đô Caracas, ông Maduro nói ông hy vọng “nhóm cực đoan trong Nhà Trắng sẽ bị dư luận thế giới mạnh mẽ đánh bại”.
Ông Maduro, cầm quyền từ 2013, tái đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2018.
Nhưng nhiều ứng viên đối lập khi đó bị cấm tranh cử, bị tù, và cáo buộc gian lận.
Ông Maduro tuyên bố ông không thấy cần tổ chức bầu cử sớm.
Ông nói “chỉ có 10″ chính phủ ủng hộ ông Guaidó, mặc dù thực tế hơn 30 nước đã tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Maduro nói “khoảng 80 tấn vàng của Venezuela” đang bị phong tỏa trong Ngân hàng Trung ương Anh quốc.
Ông Maduro khẳng định quân đội “trung thành với hiến pháp”, và trung thành với tổng tư lệnh là ông.
BBC hỏi cố tổng thống Hugo Chavez sẽ nghĩ gì nếu chứng kiến Venezuela hôm nay.
Ông Maduro trả lời rằng ông Chavez sẽ “quyết tâm chiến đấu vì đất nước”.
“Tôi luôn nghĩ Chavez sẽ làm gì trong hoàn cảnh này? Điều đó giúp tôi nhiều để tìm ra cách giải quyết.”
Ông Juan Guaidó tự tuyên bố mình là tổng thống tháng trước và ngay lập tức được Mỹ và vài nước Mỹ-Latinh công nhận.
Nga và Trung Quốc ủng hộ Tổng thống Maduro.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47194821

Venezuela xuất dầu sang Ấn Độ

 để giảm hậu quả của chế tài Mỹ

Công ty dầu mỏ PDVSA của Venezuela đang tìm cách tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ giữa lúc các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ gây đình trệ cho việc giao hàng cho Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.
Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây đã công nhận ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập, là Tổng thống Lâm thời của Venezuela, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục nắm quyền kiểm soát các cơ chế nhà nước, kể cả quân đội.
Reuters dẫn dữ liệu của công ty Refinitiv Eikon cho biết kim ngạch xuất khẩu dầu của Venezuela đã giảm từ mức 1,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) xuống còn 1,15 triệu bpd đối với các sản phẩm thô và tinh chế, kể từ khi lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas có hiệu lực vào ngày 28/ 1.
Đáp lại, Venezuela đang chuyển hướng tập trung vào những khách hàng nhập dầu và thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt là Ấn Độ, khách hàng lớn thứ hai của Venezuela sau Hoa Kỳ.
Trước khi bị trừng phạt, công ty PDVSA từng xuất hơn 500.000 bpd sang Hoa Kỳ, thị trường nhập dầu thanh toán tiền mặt lớn nhất của nước này, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 300.000 bpd, và kế đến là Trung Quốc.
Gần đây, Venezuela đã cử ông Manuel Quevedo, Bộ trưởng dầu mỏ, tới Ấn Độ để thuyết phục các công ty lọc dầu, bao gồm công ty Reliance Industries Ltd và Nayara Energy Ltd, tăng gấp đôi số lượng dầu họ vẫn mua của Venezuela.
Hôm 11/2, trong chuyến công du đến New Delhi, ông Quevedo nói: “Chúng tôi đang bán hơn 300.000 bpd cho các khách hàng Ấn Độ. Chúng tôi muốn tăng gấp đôi con số này.”
Ông Quevedo cho biết Venezuela sẵn sàng mở rộng phương thức thanh toán cho Ấn Độ, như mua trả hàng và dùng dầu để thanh toán, tuy nhiên ông không đi sâu vào chi tiết.
Các nhà phân tích nói tìm kiếm khách hàng ở châu Á chịu nhập khẩu dầu từ Venezuela có thể khó khăn bởi vì Washington có thể gây áp lực thông qua ảnh hưởng chính trị và tài chính của mình và buộc các nước đó không nên giao dịch với công ty PDVSA.
Hiện vẫn chưa rõ liệu bán dầu lấy tiền mặt sẽ được thực hiện như thế nào để khỏi phải sử dụng các hệ thống ngân hàng Mỹ hoặc châu Âu sau ngày 28/4, là thời hạn chót do Bộ Tài chính Hoa Kỳ quy định.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm mục đích cắt giảm nguồn hỗ trợ tài chính cho Tổng thống Maduro, cắt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ vốn từ trước đến nay đã giúp chính quyền của Maduro tồn tại.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-tang-xuat-khau-dau-sang-an-do-de-giam-hau-qua-cua-che-tai-my/4784860.html

Quân đội Venezuela : Chia rẽ ?

Thụy My
Thông tín viên Le Monde ở Caracas hôm nay phân tích về « Sự ủng hộ mong manh của quân đội Venezuela đối với ông Nicolas Maduro ». Các sĩ quan cao cấp vẫn trung thành với tổng thống, nhưng quân đội thì chia rẽ.
Ba nhóm khác nhau trong quân đội Venezuela
Một ngày sau khi lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố tổng thống tự phong hôm 23/1, hình ảnh bộ trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino, xung quanh là hơn một chục tướng lãnh, xuất hiện trên truyền hình để khẳng định ủng hộ tổng thống Nicolas Maduro, tỏ ra là một quân đội đoàn kết.
Tuy nhiên sự dàn cảnh này không che giấu được sự bất bình trong quân đội : bốn âm mưu nổi dậy đã được phát hiện trong năm 2018, 23 quân nhân bị bắt giam. Ba ngày trước khi tướng Padrino lên ti vi, 27 vệ binh quốc gia nổi loạn tại một trại lính ở khu phố Cotiza, phía bắc Caracas. Họ công khai bày tỏ sự phẫn nộ, khẳng định gia đình mình không còn gì để ăn, kêu gọi truất phế ông Maduro.
Chưa đầy một tuần sau, tướng không quân Francisco Yanez loan báo trên mạng là ông rời quân ngũ và đi lưu vong. Ngày 9/2, đến lượt đại tá lục quân Ruben Alberto Paz trong một video kêu gọi công nhận thủ lãnh đối lập Juan Guaido. Tuy đến nay chưa được hưởng ứng, nhưng ít nhất những sự kiện này cho thấy những vết rạn nứt trong quân đội.
Theo nhà báo Sebastiana Barraez chuyên nghiên cứu về quân đội Venezuela, có ba nhóm khác nhau trong lực lượng 365.000 quân này. Nhóm ủng hộ chế độ chiếm đa số trong các tướng lãnh và sĩ quan, còn những người bất mãn và đối lập rất nhiều trong số những người lính trẻ và hạ sĩ quan. Nhóm thứ ba là đại đa số quân nhân thất vọng với chủ nghĩa Chavez. Bà Barraez cho biết đây là « một đa số không đứng về phía nào, sẽ không cầm súng để bảo vệ Maduro, nhưng cũng không lật đổ chế độ ».
Lạm phát tướng lãnh, tham nhũng lan tràn
Trong « Kế hoạch Bolivar 2000 », tức chương trình phát triển được đề ra vào tháng 2/1999, Hugo Chavez đã trao cho 23 tướng lãnh những quyền hành lẽ ra dành cho thống đốc. Họ phụ trách những dự án tái thiết và cơ sở hạ tầng, và một số sĩ quan cao cấp khác được giao những khoản ngân sách. Theo báo cáo của tổng kiểm tra, có đến 21/73 tướng lãnh được giao quyền trong kế hoạch này dính líu đến các vụ biển thủ công quỹ.
Hugo Chavez để mặc, vì lý do chiến thuật, hoặc vì sợ. Sau vụ đảo chính bất thành ngày 11/04/2012, ông Chavez quy tụ quanh mình nhiều tướng lãnh với tiêu chí duy nhất là trung thành, bất chấp có năng lực hay không. Sau khi ông Chavez qua đời năm 2013, người kế nhiệm Nicolas Maduro càng tăng thêm sức mạnh cho quân đội : hàng trăm sĩ quan được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.
Số tướng lãnh lên đến 1.200 người, gấp đôi so với quân đội Mỹ, được giao nắm các lãnh vực béo bở như dầu lửa, quặng mỏ, nhập khẩu thực phẩm. Năm 2017, gần phân nửa các bộ trưởng quan trọng trong chính phủ là tướng quân đội nhưng nay chỉ còn một phần tư. Chuyên gia Rocio San Miguel giải thích : « Các bộ không còn tiền, nên họ chẳng muốn làm nữa ».
Tình hình vẫn căng tại các doanh trại quân đội
Theo hai chuyên gia San Miguel và Barraez, quân đội vẫn chờ đợi một giải pháp khác, và lần đầu tiên từ nhiều năm qua, khuôn mặt mới nổi là Juan Guaido có thể đáp ứng. Đề nghị khoan hồng của thủ lãnh đối lập tỏ ra thu hút, nhưng quân đội quá chia rẽ để có thể cùng ngả về phía này hay phía khác. Đe dọa trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng gây hoang mang cho những quân nhân từng tham gia đàn áp, các sĩ quan liên can đến buôn lậu và ma túy.
Trong những tuần lễ gần đây, trường hợp những người lính chỉ trích chế độ bị tra tấn cho thấy Sebin, cơ quan an ninh vẫn giám sát nghiêm ngặt ; đồng thời chứng tỏ tình hình căng thẳng tại các trại lính. Thế nên không phải là tình cờ khi ông Nicolas Maduro liên tục đi thăm binh lính. Ông đến Fort Paramacay ở Carabobo, nơi xảy ra khởi nghĩa vũ trang tháng 8/2017. Cuối tháng Giêng, tổng thống xuất hiện tại một căn cứ ở bang Aragua, và trước đó hôm 10/1 đã ra lệnh tập trận quy mô lớn năm ngày mà theo ông là để chuẩn bị chống xâm lược.
Còn hiện giờ, viện trợ nhân đạo là vấn đề trung tâm : đại đa số quân nhân không muốn từ chối nhận vì chính họ cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Biểu tình ồ ạt ở thủ đô theo lời kêu gọi của đối lập
Đặc phái viên của Le Figaro tại Caracas cho biết « Dân Venezuela vào cuộc với ông Guaido ».Họ đã xuống đường đông đảo hôm qua để đòi hỏi viện trợ nhân đạo phải được phân phối.
Ngay từ 10 giờ sáng, đại lộ Francisco de Miranda bắt đầu đầy người. Đám đông cố dàn xếp với nhau : phân nửa mặt đường được dành cho hàng ngàn chiếc xe gắn máy, phân nửa còn lại chen chúc hàng trăm ngàn người biểu tình đi bộ. Cứ mỗi mười phút, métro lại nhả ra một đoàn bất tận những người phản đối ông Maduro. Ngay trên bến xe điện ngầm, những khẩu hiệu chống chế độ đã được hô vang. Thậm chí có lần một người xướng lên « Maduro ! » thì đám đông đáp lời « Cone de du madre ! » - một câu mà tờ báo nói rằng không thể dịch nghĩa !
Không có một kênh truyền hình nào đưa tin về lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập Juan Guaido, lại càng không có bất kỳ hình ảnh nào về cuộc biểu tình phản kháng quy mô đang diễn ra trên đại lộ. Tất cả các đài đều do nhà nước hoặc những người thân cận chế độ nắm giữ. Ở trạm Chacao, một người biểu tình cho biết họ xuống đường để đòi cho đưa vào viện trợ nhân đạo. « Rất nhiều người bệnh hiện không có thuốc chữa. Chúng tôi mong muốn thay đổi một cách hòa bình, không bạo lực lẫn chiến dịch quân sự ».
Trong khi biểu tình phản đối tập trung tại Chacao, ở khu phố Enero thân chế độ có lăng Hugo Chavez, thân nhân binh sĩ kín đáo đến nhận các « Clap ». Đó là những thùng carton thực phẩm do Nhà nước phân phối, gồm bột mì, gạo, nui, dầu ăn, đường, cá hộp, sữa bột. Josefin và Carlos cho biết thùng « Clap » này giúp cả nhà trụ được một tuần. Gia đình có bốn người đi làm nhưng vẫn không đủ sống, may mắn là có một người chị ở Mỹ gởi tiền về nuôi. Dù thuộc tầng lớp được tương đổi ưu ái, họ hết sức cần hàng viện trợ, và vẫn lặng lẽ tham dự các cuộc biểu tình chống Maduro, với mũ kéo xuống che mặt để tránh bị hàng xóm và dân phòng nhận diện.
Chuyến hàng đầu tiên cho phụ nữ, trẻ em đã vượt được biên giới
Trong bài « Venezuela đang chờ đợi viện trợ nhân đạo », La Croix đưa tin thủ lãnh đối lập Guaido hôm qua gây ngạc nhiên khi loan báo đoàn xe chở hàng viện trợ đầu tiên đã vào được Venezuela.
Ông Guaido không nói về xuất xứ của chuyến hàng, cũng như làm cách nào hàng đã vượt qua biên giới, chỉ cho biết số hàng này gồm 1,7 triệu thùng sản phẩm dành riêng cho trẻ em và 4.500 hộp thực phẩm bổ sung cho phụ nữ mang thai. Chủ tịch hiệp hội bác sĩ nhi khoa Huniades Urbina trước đó đã báo động 78% trẻ em Venezuela đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhiều em bé chỉ còn da bọc xương. Một phóng sự của AFP cho biết có trường hợp một bé bị bệnh viện Maracay từ chối tiếp nhận vì ngỡ rằng đã tử vong. Một hộp sữa cho trẻ sơ sinh ở Venezuela có giá ngang với ba tháng lương tối thiểu !
Nhiều nước châu Âu cũng như Hoa Kỳ, Canada cho biết sẵn sàng viện trợ dược phẩm và thực phẩm. Một kho hàng đã được thành lập tại Cucuta ở Colombia, nhưng đoàn xe chở hàng bị ông Maduro cho chận lại trên cầu Tienditas. Brazil loan báo mở một kho hàng thứ hai tại bang Roraima gần biên giới, nơi đã tiếp đón hàng mấy chục ngàn người tị nạn Venezuela. Hôm thứ Hai 11/2, đối lập mở trang web voluntariosxvenezuela.com dành cho những người tình nguyện phân phối hàng viện trợ, và không đầy 24 giờ đã có trên 90.000 người đăng ký.
« Chúng tôi không phải là lạc đà ! »
Nhật báo công giáo cũng nói về một khía cạnh khác trong cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô Venezuela : « Cascaras sống theo nhịp độ lịch cúp nước ». Do hệ thống cấp nước không được bảo trì, nước máy tại Venezuela chỉ có trung bình hai ngày trong tuần. Ảnh minh họa cho bài báo là người biểu tình giơ cao biểu ngữ « 70 ngày không có nước, chúng tôi không phải là lạc đà ! »
Nước máy ở Venezuela rẻ nhất châu Mỹ la-tinh vì bao cấp, thấp hơn từ 4.000 đến 27.000 lần so với các nước khác ! Tuy nhiên chi phí để đưa nước đến thủ đô Caracas ở độ cao 1.000 mét là rất lớn, và Nhà nước không có tiền để duy tu hệ thống phân phối nước. Người dân phải tổ chức lại cuộc sống theo lịch cúp nước một cách khốn khổ, người giàu thì thuê đào giếng khiến mực nước ngầm tụt xuống đe dọa lún sụt. Nhưng người ta phẫn nộ vì trong khi nước sinh hoạt thiếu thốn đến như thế, ông Maduro vẫn viện trợ nhiều hàng hóa trong đó có 300.000 lít nước quý giá cho Cuba khi nước anh em bị ảnh hưởng bởi một trận lốc xoáy.
Nạn bài Do Thái, Venezuela, Iran : Tựa chính báo Pháp
Nạn bài Do Thái, tình hình Venezuela, 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, đó là các chủ đề được báo Pháp hôm nay 13/02/2019 quan tâm nhiều nhất. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Nước Pháp phẫn nộ vì những hành động bài Do Thái gia tăng ».« Các hành vi bài Do Thái tăng đến 74% », tít của Le Monde. Trên nền đen, Libération chạy chữ đỏ « Bài Do Thái » với con số « 74% » màu trắng thật to. Tờ báo kể ra một số ví dụ: chữ thập ngoặc trên chân dung triết gia Simone Veil, những cây trồng để tưởng nhớ Ilan Halimi – một thanh niên Do Thái bị sát hại dã man – bị cưa ngang. La Croix trong bài xã luận nhấn mạnh « Tất cả chúng ta đều có liên quan », cho rằng chống lại tình trạng này cũng là chiến đấu chống mọi dạng thù hận.
Les Echos chú ý đến việc « Cải cách y tế trải qua thử nghiệm đầu tiên » khi bộ trưởng Agnès Buzyn hôm nay trình bày dự luật trước nội các. La Croix nhìn sang châu Mỹ la-tinh, chạy tựa« Venezuela được truyền nước biển ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190213-quan-doi-venezuela-chia-re

Nhân Brexit nhắc lại vụ vua Henry bỏ vợ

đẩy Anh ly khai Vatican

Gần 500 năm trước vua Anh quyết định ly hôn khiến nước này tách khỏi châu Âu, mở đường cho Cải cách Tôn giáo và kỷ nguyên Elizabeth.
Vào thập niên 1530, vua Henry VIII của Anh muốn ly hôn Hoàng hậu Catherine, người Aragon, để cưới Anne Boleyn, nữ quý tộc Anh.
Lý do trực tiếp là vua Henry, một người đầy tham vọng, tàn bạo những rất tài năng, muốn có con trai để nối ngôi.
Catherine sinh sáu lần nhưng hai con trai đều chết non.
Lý do khác là Henry vốn hiếu sắc và đã có quan hệ với những phụ nữ khác, gồm cả Anne Boleyn.
Hong Kong: Món ăn, đền thờ và văn hóa Đông-Tây
Cuộc chiến ít biết của quân Anh ở Việt Nam
Đường Tơ lụa, gián điệp trứng tằm và Trịnh Hòa
Khi đó Anh Quốc vẫn theo Công giáo La Mã và vua Anh yêu cầu Giáo hoàng Clement VII xóa hôn nhân của ông ta.
Hoàng hậu Catherine phản đối và đề nghị Giáo hoàng không chấp nhận ‘đơn ly dị’ từ chồng.
Lá thư không phải lời kêu xin từ một người vợ yếu đuối mà là tiếng nói của một dòng họ đầy thế lực.
Là công chúa, con vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella ở Tây Ban Nha, Catherine of Aragon còn có cháu họ là Hoàng đế La Mã, Charles V, lên ngôi ở Đức, làm vua Hà Lan, đại công tước Áo và Ý.
Lá đơn ly dị của vua Anh đã gây khủng hoảng lớn cho châu Âu.
Năm 1527 Charles V đem quân vào thành Rome bắt giam giáo hoàng nửa năm để ông ta không thể cho vua Anh bỏ vợ.
Nhưng Henry VIII không chịu thua mà yêu cầu Giáo hội Anh Quốc, về nguyên tắc vẫn thần phục Vatican, xóa hôn nhân với Catherine để ông ta có thể cưới vợ mới.
Đây là hành động ‘phạm thượng’ lớn kinh khủng: Henry không chỉ tự ý làm trái Giáo hội mà còn cố ý xâm phạm vào thần quyền.
Năm 1533, vua Anh làm lễ cho Anne Boleyn lên ngôi hoàng hậu thay Catherine và yêu cầu Nghị viện thông qua nhiều luật tách luôn Anh khỏi Rome.
Trong các đạo luật đó nổi tiếng nhất có Luật Chủ quyền Tối thượng (Act of Supremacy 1534), tự phong cho Henry làm chủ chiên của Giáo hội Anh.
Từ đó, dân Anh phải tuyên thệ trung thành với nhà vua như đại diện duy nhất của Chúa Trời chứ không còn hướng về giáo hoàng La Mã.
Triều đình Anh bắt đầu cho truy sát các tu sĩ Công giáo và tịch thu tài sản nhiều dòng tu.
Sang năm 1536, sau khi yêu một người khác (Jane Seymour), Henry ra lệnh giết Hoàng hậu Anne Boleyn.
Trước các hành động ‘trái đạo’ liên tiếp như thế của Henry, năm 1538, Giáo hoàng Paul II đã rút phép thông công, loại vua Anh ra khỏi cộng đồng Công giáo.
Thế giới Ki Tô Giáo rạn vỡ và Anh vĩnh viễn tách khỏi quỹ đạo của Rome.
Nhưng uy tín của Vatican cũng đã suy giảm trước khi xảy ra vụ ly hôn của Henry VIII.
Từ những năm 1520-30, phong trào cải cách tôn giáo, chống Vatican ở châu Âu đã bùng lên.
Một trong những người khởi xướng là Martin Luther (1483-1546) đã nêu 95 điều phản bác Vatican ‘tham nhũng’.
Nhưng vụ ly hôn của vua Anh là bước ngoặt và giúp phe cải cách lên tinh thần, tiếp tục bác bỏ vai trò ‘trung gian giữa Con người và Chúa Trời’ của Vatican.
Giống và khác nhau
Ngày nay nhiều người cho tằng vụ ly hôn của Henry VIII có điểm giống Brexit là cảm xúc muốn ‘giành lại chủ quyền’ của Anh.
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Những người lao động nước ngoài rời Anh vì Brexit
Brexit: Anh cần ít nhất 3 năm ‘chuyển tiếp’
Anh Quốc dùng lại hộ chiếu xanh lính thủy?
Sâu rộng hơn là cảm giác “người Anh khác người châu Âu lục địa” về cách sống, sự lựa chọn tự do (gồm cả tự do bỏ vợ, cải đạo), và ly khai với láng giềng…
Điều giống nhau giữa hai thời đại còn ở chỗ vụ ly hôn của Henry VIII và cuộc chia tay EU ngày nay đều như chia cắt trong một gia đình đa dân tộc.
Ngày nay, các vấn đề xung quanh Brexit cũng kéo ra đúng các cặp vấn đề:
Anh – Tây Ban Nha mâu thuẫn về Gibraltar
Anh – Pháp cãi cọ về quyền đánh cá, kiểm soát eo biển
Anh – Brussels phải đàm phán về quy chế công dân EU sau Brexit;
Các dân biểu Scotland luôn phản đối chính phủ London về Brexit.
Hệ quả của vụ ly hôn Henry – Catherine
Thời gian xảy ra vụ Giáo hội Anh ly khai cũng là lúc nhiều nước châu Âu lần lượt lập ra giáo hội riêng, tác khỏi thần quyền La Mã.
Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan theo đều chọn vua theo Công giáo cải cách hoặc Tin Lành để đứng đầu giáo hội.
Tính dân tộc được đề cao và Kinh Thánh được dịch sang các tiếng bản địa, khiến uy tín của Vatican càng giảm.
Nhưng châu Âu cũng rơi vào cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc và kéo dài cả trăm năm.
Đây là ‘nội chiến’ ngay trong các gia đình vua chúa.
Khi lên ngôi báu ở Anh, con gái vua Henry VIII là Nữ hoàng Mary Tudor (1516-58) đã quay ngược chính sách của vua cha và ủng hộ người Công giáo.
Đám cưới của Mary Tudor với vua Philip người Tây Ban Nha, theo Công giáo, đã làm bùng nổ bạo loạn của người Tin Lành tại Anh.
Một cuộc chiến với Pháp đã khiến Mary mất Calais, lãnh thổ Anh cuối cùng bên kia eo biển.
Năm 1558, Nữ hoàng Mary Tudor chết, và người em cùng cha khác mẹ là Elizabeth lên làm nữ vương, và chọn cách hòa giải Tin Lành – Công giáo.
Tuy thế, Elizabeth I (1558-1603) vì bị Công giáo chống đối nên càng nặng tay trấn áp họ.
Bà cũng vô hiệu hóa chị họ là Nữ hoàng Mary (1542-87), người Công giáo Scotland, vợ vua Pháp Francis II, bằng án tù hơn 8 năm ở Tower of London.
Cuối cùng, để trừ hậu họa, triều đình đem Mary ra chặt đầu.
Chuyện gia đình và sát phạt nội bộ tàn khốc là thế, nhưng về các mặt còn lại thì đây là Kỷ nguyên Vàng (Golden Era) của Anh.
Thời Elizabeth I đánh dấu một số chuyển biến mạnh:
Văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ Anh phát triển mạnh (English Renaissance) qua Kinh Thánh bản tiếng Anh và ca kịch của William Shakespeare;
Hải quân gây dựng từ thời Henry VIII ngày càng hùng mạnh, đánh thắng cường quốc biển là Tây Ban Nha, chấm dứt đe dọa bị xâm lăng từ châu Âu. Sir Francis Drake trở thành thuyền trưởng Anh đầu tiên đi vòng quanh địa cầu.
Thương mại quốc tế đưa người Anh lần đầu tới Bắc Phi, sang Bắc Mỹ. Thuộc địa Virginia được đặt tên theo cách gọi Nữ hoàng Trinh tiết – The Virgin Queen – vì Elizabeth sống độc thân suốt đời.
Anh Quốc cũng lập ra Công ty Đông Ấn để sang vùng nay là Ấn Độ, Bangladesh kinh doanh và xâm chiếm ở châu Á.
Bên trong, cái chết của Mary, Queen of Scots là dấu chấm cuối cùng cho tham vọng độc lập ‘làm vua một xứ’ của Scotland.
Con bà, James I làm vua của cả Anh, Scotland, Ireland và đại diện cho xu hướng thống nhất ba xứ làm một.
Ông vận động lập nghị viện chung cho Anh và Scotland và suốt thời kỳ trị vị toàn ở London và về Scotland có một lần.
Gần 60 năm cầm quyền của James I đã đoàn kết con người của Anh, Scotland và Ireland tập trung vào hướng đi mới: Tân Thế Giới.
Tiếp thu hạm đội xây dựng từ thời Elizabeth II, và truyền thống hải quân của ông nội Henry VIII, James I đẩy mạnh hơn công cuộc khai thác thuộc địa.
Thành phố đầu tiên của Anh trên bờ biển Bắc Mỹ lập năm 1607 được mang tên ông, Jamestown ở Virginia.
Ngày nay nhìn lại, có người tin rằng Brexit là bước đi tách Anh khỏi cơ chế EU để hướng tới các phương trời mới, mở ra một kỷ nguyên vàng thứ nhì.
Nhưng có người không tin vào chuyện đó vì thế giới nay không còn là nơi lạc hậu dễ chinh phục như thời thế kỷ 17.
Mặt khác, nếu Brexit tiếp tục gây chia rẽ nội bộ thì Anh khó tạo được sức mạnh qua bao dung tôn giáo, đoàn kết quốc gia, để có bước đi toàn cầu.
Chiều sâu lịch sử cũng cho ta thấy có Brexit hay không thì chuyện các nước châu Âu yêu nhau, lấy nhau, ghét nhau, thậm chí giết nhau đã xảy ra và sẽ còn xảy ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47059909

Brexit : Thủ tướng Anh bị đối lập cáo buộc “câu giờ”

Trọng Nghĩa
Vào lúc chỉ còn một tháng rưỡi nữa là đến ngày Anh Quốc phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trong phát biểu hôm qua 12/02/2019 trước Hạ Viện, thủ tướng Anh Theresa May đã lại yêu cầu các nghị sĩ cho bà thêm 15 ngày trước khi bỏ phiếu về tiến trình Brexit.
Theo thông tín viên Marina Daras tại Luân Đôn, đề nghị của thủ tướng Anh đã bị phe đối lập trong Hạ Viện tố cáo là một thủ đoạn « câu giờ », nhằm bắt bí các dân biểu.
“Các cuộc đàm phán về Brexit chẳng khác gì một vở kịch của Samuel Beckett. Chỉ còn 45 ngày nữa là đến thời hạn của Brexit, thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu các dân biểu bình tĩnh và cho bà thêm 15 ngày để có được những thay đổi mà họ đòi hỏi.
Bà May đã giải thích như sau: Ngoài việc chỉ ra rõ ràng những điều cần thay đổi trong thỏa thuận Brexit, Hạ Viện cũng đã tái khẳng định lập trường là không muốn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận được đàm phán cụ thể. Chính phủ hoàn toàn đồng ý với điều đó, nhưng cho rằng phản đối việc ra đi mà không có thỏa thuận không đủ, mà cần phải tìm ra thỏa thuận được mọi bên đồng ý và đó là những gì tôi đang cố gắng thực hiện.
Vào ngày mai, 14 tháng 2, chính phủ Anh sẽ đưa ra một kiến ​​nghị có thể sửa đổi, nhưng cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận chung cuộc sẽ chỉ được tổ chức sau khi một thỏa thuận được hoàn tất.
Bà Theresa May cũng nói thêm rằng nếu không đạt được thỏa thuận nào khác vào ngày 26 tháng 2, một đề nghị mới sẽ được đưa ra đúng hôm đó để chỉnh sửa và đưa ra bỏ phiếu vào ngày hôm sau.
Về phía đối lập, Công Đảng cáo buộc thủ tướng May là luôn luôn viện cớ mới để làm trì hoãn cuộc bỏ phiếu với ý đồ là buộc các nghị sĩ phải ủng hộ thỏa thuận của bà vì không còn thời gian và đặc biệt là vì sợ kịch bản Brexit không có thỏa thuận.
Tại Nghị Viện Anh Westminster cũng như tại Bruxelles, nhiều người tin rằng việc gia hạn Điều 50 (quy định sự ra đi của một quốc gia thành viên) rốt cuộc sẽ không thể tránh khỏi, vì chỉ còn đúng 27 ngày làm việc tại Nghị Viện Anh để bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tối hậu.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190213-brexit-thu-tuong-anh-bi-doi-lap-cao-buoc-cau-gio

Nga xét việc tạm thời ngắt ra khỏi internet toàn cầu

Nga đang xem xét liệu có nên tạm thời ngắt kết nối với internet toàn cầu, như một phần của thử nghiệm phòng thủ không gian mạng.
Cuộc thử nghiệm này có nghĩa là dữ liệu trao đổi giữa người dùng và các tổ chức Nga sẽ nằm trong lãnh thổ Nga thay vì bị chuyển ra quốc tế.
Một dự luật bắt buộc thay đổi kỹ thuật để đảm bảo khả năng hoạt động độc lập của hạ tầng internet đã được đưa ra trước quốc hội vào năm ngoái.
Thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra trước ngày 1 tháng 4 nhưng chưa có ngày chính xác.
Sự gián đoạn lớn
Dự thảo luật, được gọi là Chương trình Kinh tế Kỹ thuật số Quốc gia, yêu cầu các nhà cung cấp internet của Nga đảm bảo rằng nó có thể hoạt động trong trường hợp các cường quốc khác cô lập Nga trên hệ thống mạng toàn cầu.
Nato và các đồng minh đã đe dọa sẽ trừng phạt Nga về các cuộc tấn công mạng và can thiệp trực tuyến khác mà họ thường xuyên bị buộc tội là khởi động.
Các biện pháp được nêu trong luật bao gồm Nga xây dựng phiên bản riêng của hệ thống địa chỉ mạng, được gọi là DNS, do đó, nó có thể hoạt động nếu liên kết đến các máy chủ quốc tế quốc tế này bị cắt.
Hiện tại, có 12 tổ chức giám sát các máy chủ DNS và không ai trong số họ ở Nga. Tuy nhiên, nhiều bản sao của sổ địa chỉ thiết yếu đã tồn tại ở Nga cho thấy các hệ thống mạng của họ có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi có việc trừng phạt bằng biện pháp ngắt kết nối.
Thử nghiệm dự kiến sẽ bao gồm việc các nhà mạng cho thấy họ có thể điều hướng dữ liệu đến các điểm định tuyến do chính phủ kiểm soát. Chúng sẽ lọc dữ liệu được gửi từ người Nga và loại bỏ những kết nối tới máy chủ nước ngoài.
Dần dà, chính phủ Nga muốn tất cả dữ liệu trong nước đi qua các điểm định tuyến này. Đây được cho là một phần trong nỗ lực thiết lập một hệ thống kiểm duyệt hàng loạt giống như đã thấy ở Trung Quốc, nơi vẫn cố gắng xóa sạch những thông tin bị cấm.
Các hãng tin tức của Nga nói rằng các nhà mạng ủng hộ các mục tiêu của dự thảo luật nhưng chưa đồng ý về cách thực hiện. Họ tin rằng thử nghiệm sẽ gây ra “gián đoạn lớn” đối với lưu lượng truy cập internet của Nga, theo báo cáo của trang web tin tức công nghệ ZDNet.
Chính phủ Nga đang cung cấp tiền mặt cho các nhà mạng để sửa đổi cơ sở hạ tầng của họ nhằm nỗ lực chuyển hướng có thể thử nghiệm kỹ lưỡng.
Phân tích từ Zoe Kleinman
Phóng viên công nghệ BBC
Làm thế nào để cả một quốc gia “rút dây” khỏi internet?
Trước tiên chúng ta phải hiểu một chút về cách thức hoạt động của internet. Nó thực chất là hàng ngàn mạng kỹ thuật số dọc theo đó thông tin được trao đổi. Các mạng này được kết nối bởi các bộ định tuyến – và cũng là mắt xích yếu nhất trong chuỗi.
Những gì Nga muốn làm là đưa các bộ định tuyến dữ liệu vào trong và ra khỏi nước Nga trong phạm vi biên giới và dưới sự kiểm soát của mình – để sau đó có thể kéo lên cầu rút, như đã từng, khỏi giao thông bên ngoài nếu bị đe dọa – hoặc nếu nó quyết định kiểm duyệt những thông tin bên ngoài mọi người có thể truy cập.
Tường lửa của Trung Quốc có lẽ là công cụ kiểm duyệt nổi tiếng nhất thế giới và nó đã trở thành một mạng lưới tinh vi. Nó cũng kiểm soát các bộ định tuyến của mình, sử dụng các bộ lọc và chặn các từ khóa và một số trang web cũng như chuyển hướng luân lưu để máy tính không thể kết nối với các trang web mà nhà nước không muốn công dân Trung Quốc xem được.
Có thể vượt qua một số tường lửa bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN) – một cách ngụy trang vị trí của máy tính để các bộ lọc không hoạt động – một số chế độ nhẹ tay với việc này hơn các chế độ khác. Trung Quốc thỉnh thoảng trừng phạt những nhà cung cấp VPN và hình phạt cho việc cung cấp hoặc sử dụng VPN bất hợp pháp có thể là một án tù.
Thỉnh thoảng các quốc gia tự ngắt kết nối do sự cố – Mauritania bị mất kết nối trong hai ngày vào năm 2018 sau khi cáp quang dưới biển cung cấp internet của họ bị cắt, có thể là do một tàu đánh cá.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47222517

Người Uighur lên mạng

 đòi Trung Quốc ‘chứng minh cha mẹ còn sống’

Truyền thông Trung Quốc đã công khai đoạn video có sự xuất hiện của một nhạc sỹ người Uighur, bất chấp việc ông ấy đã được báo tử trước đó.
Sau việc này, nhiều người Hồi giáo Uighur đã lên mạng xã hội yêu cầu cung cấp thông tin về những người thân mất tích của họ.
Ngày 10 tháng Hai, đoạn video hé lộ một người đàn ông tự xưng là Abdurehim Heyit công bố rằng ông ta đang ở “tình trạng sức khỏe tốt”. Video xuất hiện ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Trung Quốc đã giam giữ người Uighur ở phía Tây và nói Thổ biết về cái chết của ông Heyit ở trại tập trung.
Một số nhóm người Uighur đặt dấu hỏi về tính xác thực và thời điểm ghi hình của những thước phim này.
Hiện tại, với việc sử dụng cụm từ #MeTooUyghur, người thân của những người bị giam giữ và các nhà hoạt động lên Twitter và Facebook để yêu cầu Trung Quốc xác nhận người thân của họ có còn sống không.
Họ vẫn còn sống?
Alfred đã viết trên Twitter của mình rằng anh không nhìn thấy cha mẹ anh hơn 11 tháng nay và muốn Trung Quốc “chứng tỏ họ còn sống”.
Những người Uighur ở Tân Cương phía Tây Trung Quốc chịu sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền Trung Hoa. Rất nhiều người Uighur sống ngoài lãnh thổ Trung Hoa tiết lộ rằng họ không đã không nói chuyện với người thân trong nhiều năm.
Babur Jalalidin và em gái anh ấy, cũng lo lắng về tình trạng của cha mẹ họ, yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra bằng chứng về sự sống của hai người do bị giam giữ từ tháng 1 năm 2018,
Con trai của nguyên Tổng Biên Tập tờ Văn hóa Tân Cương, ông Qurban Mamut, cũng lên tiếng đòi sự xác nhận về sự sống của cha ông, người đã mất tích từ năm 2017.
Bahram Qurban viết lên Twitter: “Hãy đưa ra video về bố tôi. Các người đã cắt đứt liên lạc của chúng tôi hơn một năm nay.”
Em họ của cầu thủ bóng đá 25 tuổi Erpat Ablekrem kêu gọi Trung Quốc thả anh ra khỏi “trại tập trung”, mà theo anh là mình đã bị giam giữ từ tháng Ba năm 2018.
Nội dung không có
Tại Phần Lan, nhà hoạt động người Uighur Halmurat Harri yêu cầu đưa ra bằng chứng về trình trạng sống còn của rất nhiều người đang mất tích.
Tại sao thước phim này được hé lộ?
Cuối tuần qua, Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một phát biểu về ‘cái chết’ của Abdurehim Heyit.
Thổ nói người Uighur bị giam giữ và tra tấn, quy cho chính sách của Trung Quốc là “nỗi nhục lớn của nhân loại” và kêu gọi xóa sổ các “trại tập trung”.
Để đáp lại, Trung Quốc đã gọi tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ là “những lời dối trá ngớ ngẩn” và “đi ngược lại với sự thật”.
Vào tháng Tám năm 2018, Hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Xóa bỏ nạn Phân Biệt Chủng Tộc nói rằng có những báo cáo xác thực rằng Trung Quốc đang giam giữ một triệu người Uighur trong “những trung tâm chống người theo Chủ nghĩa cực đoan”.
Các tổ chức quyền quốc tế cho rằng người Uighur bị giữ trong các khu trại tập trung, kìm hãm sự tự do và không cho phép họ liên lạc về gia đình.
Trung Quốc liên tục phản bác những lập luận trên, và mô tả các trại tập trung như là “các trung tâm đào tạo nghề”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47230367

Vạn lý Trường thành ngầm:

 Tuyến phòng thủ cuối cùng của TQ

Ngày 23.01.2019, Business Insider dẫn nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết: Lực lượng tên lửa chiến lược Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành diễn tập thực hiện nhiệm vụ tấn công bằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ các hầm ngầm, phản kích các cuộc tấn công hạt nhân nước ngoài.
Tác giả bài viết, chuyên gia bình luận quân sự Ryan Pickrell thuộc Business Insider viết: Global Times, dẫn nguồn video của truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết: các cuộc diễn tập mô phỏng chống lại một kẻ thù nước ngoài giả định, được lên kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phản công chiến lược của quân đội Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh bùng phát.
Ngày 29.11.2011, theo The Washington Post, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown do Tiến sĩ Phillip A. Karber là Chủ tịch Quỹ Potomac tiến hành một nghiên cứu hơn ba năm, cho thấy hệ thống đường hầm quân sự chiến lược phức tạp của Trung Quốc, dài khoảng 5.000km.
Bản báo cáo của nhóm cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có tới 3.000 đầu đạn, được lưu trữ trong mạng lưới đường hầm. Nghiên cứu của Karber khẳng định rằng các đường hầm không thể bị phá hủy bởi các vũ khí xuyên bê tông thông thường hoặc vũ khí hạt nhân năng lượng thấp như B61-11.
Rất nhiều tên lửa đạn đạo chiến lược ICBM của Trung Quốc được đặt trong các hầm phóng (boong-ke) rất vững chắc, duy trì khả năng phản kích của PLA. Trung Quốc không có chính sách tấn công hạt nhân đầu tiên.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đại lục được phát triển theo nhiều chủng loại, tên lửa phóng từ hầm phóng (silo), phóng từ các xe phóng đạn có sức cơ động cao và phóng từ tàu ngầm.
Theo truyền thông mạng xã hội, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm (SLBM) tháng 11.2019, đồng thời sẽ công bố tên lửa đạn đạo trên xe phóng di động DF-41 ICBM vào cuối năm .
Những cuộc diễn tập liên tiếp cuối năm 2018 và khởi đầu năm 2019 cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.
Các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu được thực hiện như một động thái cảnh báo, khi cả Nga và Mỹ cùng đang xem xét khả năng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, chiến trang thương mại, hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “tự do Hàng hải” ở biển Đông và eo biển Đài Loan.
Ngoài những cuộc diễn tập cơ động chiến đấu và chiến đấu bằng tên lửa đạn đạo ICBM, các đơn vị tên lửa chiến lược – chiến dịch, đóng quân thường xuyên trong các hầm ngầm phòng thủ, kiểm soát, bảo vệ kho vũ khí hạt nhân, các đơn vị được trang bị tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc cũng tiến hành huấn luyện khả năng sinh tồn lâu dài trong điều kiện chiến tranh hạt nhân, thực hiện các nhiệm vụ cơ động chiến đấu và thực hành phóng đạn từ hầm ngầm.
Tác giả Vạn lý Trường thành bằng thép chiến lược dưới lòng đất của Trung Quốc là thiếu tướng Qian Qihu hồi hưu, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, giải thưởng Khoa học và Công nghệ hạng nhất đã đề xuất phát triển hệ thống bảo vệ hầm ngầm.
Sáng kiến công nghệ này liên quan đến việc nâng cấp các hệ thống phòng thủ có đủ năng lực bảo vệ hạ tầng cơ sở trên mặt đất, bảo vệ được toàn bộ đường hầm, kho chứa đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Hầm ngầm trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng của Trung Quốc trong điều kiện tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia thất bại.
Cửa ra vào hầm ngầm có thể chịu được sức công phá của vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc một cú đâm trực diện của một máy bay chở khách tiêu chuẩn. Hệ thống phòng thủ đường hầm có thể đánh chặn được một tên lửa siêu thanh có vận tốc di chuyển đến Mach 5 nếu các hệ thống phòng thủ tên lửa khác thất bại”
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước sau lễ trao giải gần đây, nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng thủ chặt chẽ, sẵn sàng chống trả các mối đe dọa (vũ khí siêu âm) đang phát triển.
Qian giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Asia Times “Theo thành ngữ của Trung Quốc, tăng độ dày của khiên phải đi cùng với việc mài sắc ngọn giáo. Hệ thống phòng thủ của quốc gia phải tiếp tục phát triển khi vũ khí tấn công tiếp tục đặt ra những thách thức mới”.
Theo South China Morning Post, nhà khoa học 82 tuổi Trung Quốc gọi hệ thống hầm ngầm được nâng cấp là “Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất” . Ông nói “Mục tiêu của tôi là thiết kế một bức tường bằng thép ngăn chặn vũ khí hạt nhân cho đất nước tôi”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26122-van-ly-truong-thanh-ngam-tuyen-phong-thu-cuoi-cung-cua-tq.html

Đổ tiền “khủng” đầu tư, TQ “nóng mắt” vì

láng giềng chiến lược mở cửa cho đồng minh của Mỹ

Trung Quốc đã đổ tiền vào phát triển cảng Gwadar, thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Nhưng nay, Pakistan cũng mở cửa chào đón đầu tư từ Ả Rập Saudi ngay tại cảng này.
Cảng Gwadar, một trung tâm quan trọng trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Ảnh: AP.
Thành trì kinh tế của Trung Quốc có thể bị phá vỡ
Khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Ả Rập Saudi vào Gwadar ở phía Nam Pakistan đang làm phức tạp mối quan hệ của Islamabad và Bắc Kinh.
Trung Quốc cảnh giác với sự hiện diện ngày càng tăng của Saudi ở nước láng giềng chiến lược quan trọng khi Ả Rập Saudi chuẩn bị ký thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất Pakistan nhân dịp Thái tử Mohammed bin Salman sẽ có chuyến thăm đến Islamabad vào tháng tới.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih đã đến thăm địa điểm dự kiến ​​cho nhà máy lọc dầu ở Gwadar vào ngày 15 tháng này. Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của Pakistan Haroon Sharif tuyên bố với giới truyền thông rằng Ả Rập Saudi dự kiến ​​sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ USD vào nước này trong 3 năm tới.
Gwadar là một thị trấn ven biển và là nơi Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ để phát triển cảng biển quan trọng chiến lược cho các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). CPEC bao gồm một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và cơ sở hạ tầng năng lượng trải rộng trên toàn Pakistan và là một dự án đặc trưng của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Quyết định mở cửa đón đầu tư từ Ả Rập Saudi của Pakistan để phát triển Gwadar đang gây tranh cãi vì Bắc Kinh đã đổ một lượng tiền và tài nguyên khổng lồ vào đó.
Khoản đầu tư mới trị giá hàng tỷ USD có thể giúp Riyadh phá vỡ thành trì kinh tế của Bắc Kinh, các chuyên gia cho biết.
Trung Quốc không thích sự xâm lấn của Ả Rập Saudi ở Pakistan, Mohan Malik, giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, Bắc Kinh không thể phản đối việc chia sẻ gánh nặng hỗ trợ kinh tế Pakistan với Ả Rập Saudi vào thời điểm mà nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh đang suy giảm do hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Washington.
Cũng có lo ngại về việc các công ty Trung Quốc sẽ bị Saudi chặn ở Gwadar. Luke Patey, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu năng lượng Oxford thuộc Đại học Oxford, cho biết, nhà máy lọc dầu của Saudi có thể loại bỏ các công ty năng lượng Trung Quốc làm suy yếu lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc từ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Gây ra căng thẳng mới?
Tuy nhiên, quyết định mời Saudi Arabia của Islamabad cũng được coi là kế hoạch đa dạng hóa các nguồn tài chính và kinh tế. “Pakistan không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Chiến lược của Pakistan nhằm đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ tài chính sẽ giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất”, Malik Siraj Akbar, nhà phân tích chính trị tại Washington nói.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gõ cửa nhiều quốc gia, cố gắng nhận được sự ỗ trợ cần thiết cho sự phát triển cũng như giúp đỡ tài chính để vượt qua khủng hoảng. Ngoài Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trung Quốc, Pakistan đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ả Rập Saudi và Qatar. Ông Imran Khan cũng chuẩn bị đến thăm Qatar lần đầu tiên vào cuối tháng này.
Sự hiện diện mở rộng của Ả Rập Saudi ở Gwadar cũng gây khó chịu cho nước láng giềng phía tây của Pakistan là Iran.
Địa điểm của nhà máy lọc dầu được đề xuất ở Gwadar chỉ cách biên giới của tỉnh Sistan-Baluchistan của Iran 70 km, nơi sinhg sống của người Sunni-Baloch, phần lớn theo đạo Hồi Shia. Tehran đổ lỗi cho Ả Rập Saudi vì hỗ trợ các nhóm chiến binh Sunni-Baloch chống lại Iran.
“Sự hiện diện ngày càng tăng của Ả Rập Saudi ở Gwadar sẽ làm tăng lo ngại về việc Saudi gây rắc rối ở tỉnh Sistan-Baluchistan để tiếp tục kiềm chế Iran”, ông Malik nói.
Nếu sự hiện diện của Ả Rập Saudi được sử dụng làm đòn bẩy chính trị, cách tiếp cận này sẽ làm cho khu vực trở thành một trung tâm của những căng thẳng mới và các cuộc đụng độ bạo lực giữa các địa phương Iran và Saudi, ông Malik Siraj Akbar cảnh báo.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26132-do-tien-khung-dau-tu-tq-nong-mat-vi-lang-gieng-chien-luoc-mo-cua-cho-dong-minh-cua-my.html

Thái Lan : Đảng đã giới thiệu

Công Chúa ra tranh cử có nguy cơ giải tán

Trọng Nghĩa
Ủy Ban Bầu Cử Thái Lan vào hôm nay, 13/02/2019 đã yêu cầu Tòa Bảo Hiến giải tán đảng Thai Raksa Chart sau khi đảng này đã đưa  công chúa Thái Lan ra làm ứng cử viên thủ tướng nhân cuộc tổng tuyển cử sắp tới đây. Lý do được nêu lên là việc giới thiệu công chúa ra tranh cử là một hành vi chống lại chế độ quân chủ lập hiến hiện hành ở Thái Lan.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong những ngày qua, dư luận Thái Lan đã bị chấn động sau khi đảng Thai Raksa Chart thân cựu thủ tướng Thaksin hôm thứ Sáu tuần trước đã giới thiệu công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi, chị cả của Quốc Vương Thái Lan ra tranh chức thủ tướng.
Ngay sau đó, chính Vua Maha Vajiralongkorn đã lên tiếng chỉ trích vụ việc, xem đấy là một hành động « không phù hợp », phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia Thái Lan.
Tiếp theo đó, đến lượt Ủy Ban Bầu Cử Thái Lan nhập cuộc, tuyên bố loại tư cách ứng viên thủ tướng của công chúa Ubolratana, đồng thời xác định rằng đó là một « hành động thù địch với chế độ quân chủ lập hiến ».
Vào hôm nay, Ủy Ban này đã chính thức đề nghi Tòa Bảo Hiến giải tán đảng Thai Raksa Chart vì đã vi phạm luật về các đảng chính trị ở Thái Lan.
Đối với AFP, hiện chưa rõ là Tòa Bảo Hiến có kịp giải tán đảng Thai Raksa Chart trước ngày bầu cử 24/03 hay không, nhưng đảng này cho biết là sẽ khiếu nại yêu cầu giải tán.
Đối với giới quan sát, nếu đảng Thai Raksa Chart bị giải tán, đó sẽ là một vố đau cho các thành phần thân Thaksin cũng như chính gia đình của hai cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra : Không những giới lãnh đạo đảng này, trong đó có cả các thành viên gia đình Shinawatra, bị cấm hoạt động chính trị trong một thời gian dài, mà các ứng cử viên của đảng cũng sẽ không được quyền ra tranh cử.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190213-thai-lan-dang-da-gioi-thieu-cong-chua-ra-tranh-cu-bi-nguy-co-giai-tan

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.