Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 24/02/2019

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019 17:52 // ,


Tin Biển Đông – 24/02/2019

Trung Quốc tập trận tác chiến ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng qua đợt tập trận kéo dài hơn một tháng, Trung Quốc muốn kiểm tra hệ thống chỉ huy thời chiến ở Biển Đông.
Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua dẫn thông báo từ Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho hay trong 34 ngày, bắt đầu từ 16.1, quân đội nước này tiến hành khoảng 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, khu vực tây và trung Thái Bình Dương, trong đó có tập trận bắn đạn thật và diễn tập đuổi tàu. Tham gia tập trận có hải quân, không quân và lực lượng tên lửa. Hạm đội Nam Hải khoe rằng nhiều tàu chiến tối tân của hải quân Trung Quốc đã tham gia tập trận, gồm có tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 52D Hợp Phì, tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành và tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn.
Nhằm mô phỏng tình huống thời chiến thật sự, cuộc tập trận không có kịch bản được lên kế hoạch và binh sĩ không nhận được thông báo trước. Giới quan sát quân sự cho rằng đợt tập trận mới là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc muốn kiểm tra hệ thống chỉ huy thời chiến và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa ở Biển Đông, theo SCMP. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình ở Hồng Kông cho rằng thông qua tập trận, quân đội Trung Quốc muốn tích hợp tốt hơn các đơn vị của lực lượng tên lửa với Chiến khu miền nam, phụ trách hoạt động ở Biển Đông. “Đợt tập trận này nhằm thử nghiệm cái gọi là bộ chỉ huy hỗn hợp”, ông Tống nhận định.
Ngoài ra, một nguồn tin cho SCMP hay tham gia tập trận còn có quân lính đóng trú tại những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Nguồn tin còn tiết lộ rằng lực lượng tên lửa “muốn triển khai thường trực tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa diệt hạm YJ” đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Trong thời gian qua, quân đội Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm và một số đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy bệ phóng tên lửa được lắp đặt trên những đảo nhân tạo phi pháp, nhưng chúng đã được chuyển đi, theo SCMP. “Trung Quốc chưa triển khai vũ khí tấn công tới các đảo ở Biển Đông một phần vì Mỹ thường xuyên điều máy bay do thám ở khu vực”, nguồn tin nói trên lý giải.
Indonesia mở vùng đánh bắt ở Biển Đông
Bộ trưởng phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan hôm qua cho giới phóng viên hay Jakarta có kế hoạch mở một vùng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở biển Natuna, rìa phía nam của Biển Đông. Khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nhưng năm 2016 Trung Quốc tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của mình sau khi một số tàu cá nước này bị giới chức Indonesia bắt giữ vì hoạt động trái phép ở biển Natuna, theo Kyodo News. Ông Pandjaitan bày tỏ hy vọng bằng cách phát triển vùng đánh bắt mới, “sẽ không có quốc gia nào tuyên bố khu vực đó là ngư trường truyền thống của họ”. Vùng đánh bắt mới dự kiến được mở trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 9.2019.

Indonesia mở vùng đánh bắt hải sản phía nam Biển Đông

Indonesia có kế hoạch mở một khu vực đánh bắt hải sản ở rìa phía nam của Biển Đông và ngăn chặn sự xâm lấn của nước ngoài, hãng tin Kyodo cho biết tuyên bố của một bộ trưởng Nội các nước này.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Luhut Pandjaitan phát biểu tại một cuộc họp báo rằng khu vực đánh bắt hải sản nằm ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nhưng Bắc Kinh tuyên bố đây là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc.
Ông Pandjaitan phát biểu: “Chúng tôi hiện có một tàu chở dầu ở đó, nó sẽ cung cấp nhiên liệu trên biển cho các ngư dân của chúng tôi … và [có cả các] tàu tuần tra hải quân”. Ông cho biết khu vực đánh bắt hải sản sẽ được khai trương vào quý 3 của năm nay, bày tỏ rằng “sẽ không có quốc gia nào tuyên bố rằng khu vực này là ngư trường truyền thống của họ”, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy vào năm 2016 sau khi một số tàu cá Trung Quốc bị chính quyền Indonesia bắt giữ vì hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển gần quần đảo Natuna.
Theo ông Pandjaitan, một chợ cá, một kho lạnh và một trung tâm chế biến hải sản, cũng như các cơ sở khác gồm cả nhà trọ cho ngư dân, sẽ được xây dựng trên Quần đảo Natuna như một phần của khu vực đánh bắt hải sản.
Vào tháng 12/2018, Indonesia đã thiết lập một căn cứ quân sự với hơn 1000 quân trên đảo Natuna Besar, nằm giữa quần đảo Natuna.
Năm 2017, chính phủ Indonesia đã công bố một bản cập nhật bản đồ quốc gia, trong đó vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành Biển Bắc Natuna. Trước đó khu vực này được mô tả là một phần của Biển Đông.
Ngay sau khi Indonesia đổi tên vùng biển, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối động thái này, nói rằng việc đổi tên sẽ làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và không có lợi cho quan hệ song phương. Indonesia phản bác rằng họ có quyền đặt tên cho các vùng lãnh hải của mình và Biển Bắc Natuna nằm trong số đó.
Mặc dù Trung Quốc công nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng họ khẳng định hai nước có các yêu sách chồng chéo về quyền và lợi ích hàng hải trong khu vực – một yêu sách mà Indonesia bác bỏ.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.